Đọc truyện ngắn sau: NHU NHƯỢC Một hôm tôi gọi cô Iulia Vasilievna - gia sư của bọn trẻ đến phòng làm việc. Đã đến hạn thanh toán tiền công cho cô ấy. - Cô ngồi xuống đi, cô Iulia Vasilievna - tôi nói - Tôi sẽ thanh toán tiền công cho cô. Tôi chắc cô cũng cần tiền, nhưng là một người tự trọng nên chắc cô không tiện hỏi, đúng không? Chúng ta đã thỏa thuận với nhau là 30 rúp một tháng nhỉ. - 40 rúp chứ ạ.. - Không, chỉ 30 rúp thôi. Tôi có ghi vào sổ rồi mà. Bao giờ tôi cũng chỉ trả cho gia sư 30 rúp một tháng thôi. Xem nào, cô đã làm cho chúng tôi hai tháng rồi nhỉ. - Hai tháng 5 ngày ạ.. - Không chính xác hai tháng. Tôi có ghi đây mà. Vậy là phải trả cho cô 60 rúp.. trừ đi 9 ngày chủ nhật.. Các chủ nhật cô chỉ đưa thằng Koha đi dạo thôi mà, có học hành gì đâu.. cộng 3 ngày lễ.. Cô Iulia Vasilevna mặt đỏ bừng, tay mân mê gấu áo, nhưng vẫn không nói gì. - 9 chủ nhật, 3 ngày lễ vị chi là 12 rúp. Thằng Kolia bị ốm mất 4 hôm, không học, cô chỉ trông mỗi con Varia.. 3 ngày cô bị đau răng vợ tôi cho cô nghỉ buổi chiều.. 12 với 7 là 19. Sáu mươi rúp trừ đi 19 rúp, vậy chỉ còn 41 rúp, đúng không cô? Mắt trái của cô Iulia đỏ ngầu và ngân ngấn nước mắt, cằm cô run lên bần bật. Nhưng chỉ thấy cô ho và xì mũi, tuyệt nhiên không nói lời nào! - Đêm giao thừa cô đánh vỡ cái tách uống trà với các đĩa cùng bộ. Tôi sẽ trừ tiền lương của cô đi 2 rúp nữa.. Thực ra cái tách ấy đắt hơn kia, vì đó là đồ gia bảo mà, nhưng thôi! Cũng không nên so đo quá với cô. Một lần do cô không cẩn thận đã để thằng Kolia trèo lên cây làm rách mất chiếc áo khoác.. Trừ thêm 10 rúp nữa.. Rồi cũng vì cô lơ là nên con hầu đã ăn cắp mất đôi giày của con Varia. Cô phải trông nom chúng cẩn thận chứ. Tôi trả lương để cô dạy dỗ và trông chúng nó cơ mà.. Vậy trừ tiếp 5 rúp.. Hôm mồng 10 tháng giêng cô mượn của tôi 10 rúp.. - Tôi có mượn đâu ạ.. Giọng cô Iulia nghèn nghẹn. - Tôi đã ghi cả đây mà lị. - Vâng, thế cũng được ạ. - Vậy là 41 trừ đi 27 còn lại 14. Lúc này thì hai mắt cô giáo trẻ đã đầy nước.. Trên chiếc mũi thanh, cao của cô đã lấm tấm mồ hôi. Thật tội nghiệp! - Tôi chỉ vay vợ ông có 3 rúp - giọng cô run run - Đúng có một lần 3 rúp mà thôi. - Thế à? Vậy mà tôi không hề biết gì cả. Thảo nào trong sổ tôi không thấy ghi. 14 rúp trừ 3 còn 11. Đây, tiền lương của cô đây, cô giáo thân mến ạ! 3 này, 3 này, 8 này, 1 rúp, 1 rúp. Xin cô nhận cho? Và tôi đưa cho cô 11 rúp. Cô nhận lấy chúng bằng những ngón tay run rẩy rồi nhét vào túi. - Cám ơn ông - cô nói thì thầm. Tôi đứng dậy và tiến lại phía cô. Một sự tức giận xâm chiếm lấy tôi. Tôi cáu phát điên lên. - Cô cám ơn cái gì? - Tôi sẵng giọng. - Vì ông đã trả lương cho tôi.. - Nhưng cô không thấy là tôi ăn chặn của cô, bóc lột cô hay sao? Cô còn cám ơn cái nỗi gì? - Ở những nơi khác người ta còn chẳng trả cho tôi đồng nào kia. - Không trả ư? Cũng dễ hiểu thôi! Thì tôi cũng vừa đùa cô đấy thôi. Tôi muốn dạy cho cô một bài học. Nhưng xin cô cứ yên tâm, tôi sẽ trả đủ 80 rúp cho cô. Chúng ở trong chiếc phong bì kia kìa, tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng tôi không hiểu tại sao cô lại có thể nhẫn nhục đến thế? Sao cô không cãi lại tôi? Sao cô cứ ngồi im như thóc thế. Chẳng lẽ có thể nhu nhược đến thế sao? Cô giáo mỉm cười rầu rĩ và tôi đã đọc được trên mặt cô hai chữ "có thể". Tôi đã xin lỗi cô gia sư vì bài học tàn nhẫn vừa rồi và đưa cho cô cả 80 rúp mà cô đáng được nhận trong sự ngạc nhiên đến tột độ của cô. Cô ngượng nghịu cảm ơn và lui ra. Tôi nhìn theo cô hồi lâu và chợt nghĩ: "Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao!". (Nhu nhược, Anton Chekhov, Hằng Như dịch, in trong 100 truyện cực ngắn thế giới, Nxb Hội Nhà Văn) * Anton Chekhov: Anton Chekhov (1860-1904) là một trong những nhà văn, nhà viết kịch vĩ đại nhất của Nga và của thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Taganrog, miền nam nước Nga. Chekhov bắt đầu viết văn từ khi còn nhỏ và sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm. Ông đã viết nhiều tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại, nhưng nổi tiếng nhất là thể loại truyện ngắn và kịch. Truyện ngắn của Chekhov thường tập trung vào những đề tài đời thường, giản dị, nhưng lại được thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế. Ông có khả năng khám phá những góc khuất tâm hồn con người và tái hiện một cách chân thực những bi kịch, mâu thuẫn trong cuộc sống. Kịch của Chekhov cũng rất nổi tiếng và được coi là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu thế giới. Chekhov được đánh giá là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của văn học hiện đại. Ông đã góp phần định hình phong cách hiện thực tâm lý trong văn học và sân khấu thế giới. Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? A. Ngôi thứ ba B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ nhất D. Ngôi thứ nhất và thứ ba Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào? A. Điểm nhìn của nhân vật cô gia sư B. Điểm nhìn của nhân vật xưng "tôi" C. Điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện D. Cả B và C Câu 3. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện? A. Chỉ có lời nhân vật B. Chỉ có lời người kể chuyện C. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật D. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả Câu 4. Người chủ đã dùng cách gì để thử thách lòng can đảm của cô gia sư? A. Mắng cô gia sư là người nhu nhược B. Cố tình tính thiếu tiền công cho cô gia sư C. Trả cho cô gia sư đủ số tiền mà cô xứng đáng được hưởng D. Xin lỗi cô gia sư vì hành động tàn nhẫn của mình Câu 5. Phát biểu nào sau đây nói lên nội dung tóm tắt của truyện? A. Người chủ cố tình tìm mọi cách để ăn chặn tiền công của cô gia sư B. Người chủ cố tình tính thiếu tiền công cho cô gia sư để dạy cho cô một bài học về thói nhu nhược B. Người chủ cố tình tính thiếu tiền công cho cô gia sư nhưng cô gia sư không dám cãi lại C. Người chủ cố tình tính thiếu tiền công cho cô gia sư nhưng sau đó đã thương hại và trả đủ số tiền Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói đúng về tính cách của cô gia sư? A. Là một con người thật thà B. Là một con người nhu nhược C. Là một con người không so đo tính toán D. Là một con người không ưa tranh luận Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói lên chủ đề của truyện ngắn trên? A. Phê phán những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu B. Phê phán thói gian dối của con người C. Phê phán thói nhu nhược của con người D. Phê phán cách làm việc thiếu trách nhiệm Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu: Câu 8. Theo bạn, tình tiết nào giúp "mở nút" cho câu chuyện? Câu 9. Bạn rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc truyện ngắn trên? Câu 10. Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về tác hại của thói nhu nhược trong cuộc sống? (Viết khoảng 5 – 7 dòng) Câu 11: Hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật tạo tình huống, xây dựng nhân vật ở truyện ngắn trên. * Đáp án Câu 1: C Câu 2: B Câu 3: C Câu 4: B Câu 5: B Câu 6: B Câu 7: C Câu 8: Chi tiết nhân vật "tôi" cho cô gia sư biết là mình nói đùa để dạy cho cô gia sư một bài học. Câu 9: - Cần dũng cảm đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng của mình - Không run sợ trước sự đàn áp của kẻ mạnh - Không được phép nhu nhược trong cuộc sống. Câu 10: Suy nghĩ về tác hại của thói nhu nhược trong cuộc sống: - Thói nhu nhược khiến ta đánh mất quyền lợi và lòng tự trọng của bản thân - Nhu nhược khiến ta đầu hàng, để cái xấu, các ác hoành hành - Nhu nhược khiến ta bị người khác coi khinh. Câu 11: I. MỞ BÀI - Giới thiệu truyện kể: "Nhu nhược" là một truyện ngắn đơn giản nhưng thâm thúy của nhà văn nổi tiếng người Nga Anton Chekhov. - Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn nói trên. II. THÂN BÀI 1. Tóm tắt truyện: Truyện kể về cô gia sư Iulia Vasilievna làm gia sư cho nhà chủ, nhưng khi đến kì trả lương thì người chủ đã tìm mọi cách để trừ tiền công của cô một cách vô lý. Với bản tính nhu nhược, cô gia sư đã không dám cãi lại. Cuối cùng, người chủ cho biết đó chỉ là một trò đùa để dạy cho cô bài học về sự nhu nhược, và sau đó ông đã trả tiền công đầy đủ cho cô gia sư. 2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề: A. Xác định chủ đề: Thông qua câu chuyện, tác giả ngầm phê phán những con người thiếu can đảm, có tính cách nhu nhược trong cuộc sống; đồng thời cũng nhắn nhủ con người cần dũng cảm đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng, cũng như để thể hiện lòng tự trọng của mình. B. Phân tích, đánh giá chủ đề: - Truyện là một lời phê phán gay gắt đối với thói nhu nhược. Vì nhu nhược mà cô gia sư đã cúi đầu để cho người chủ hết lần này đến lần khác đưa ra những lý do vô lý, thậm chí không có thật để trừ tiền công của cô. Chính vì thói nhu nhược đó mà công sức của cô bỏ ra hầu như bị cướp trắng, cô đã để cho người khác áp đặt lí lẽ lên mình, và hèn nhát im lặng trước lí lẽ của kẻ mạnh. - Câu chuyện là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi con người, nhất là người trí thức trong xã hội bất công: Nếu anh không dũng cảm đối đầu và đấu tranh với cái xấu, cái ác, với cường quyền, thì bản thân anh là người trước nhất sẽ phải gánh chịu hậu quả. Đó không chỉ là thiệt hại về lợi ích, mà quan trọng hơn, anh sẽ đánh mất lòng tự trọng, điều tối thiểu cần có để làm người. - Truyện cũng cho thấy rằng: Để làm một kẻ mạnh, cường bạo, bất chấp lí lẽ thật là dễ; nhưng để làm một con người dũng cảm, dám đứng về phía chân lí, dám bảo vệ lẽ phải thì đòi hỏi một bản lĩnh kiên cường và một trí tuệ tỉnh táo, sáng suốt. 3. Phân tích, đánh giá về nghệ thuật: A. Xây dựng tình huống: Tình huống truyện đơn giản, xoay quanh cuộc đối thoại giữa người chủ và cô gia sư về vấn đề tiền công. Nhưng cái kết thúc bất ngờ của truyện đã làm cho tình huống ấy mang tính ẩn dụ sâu sắc. Đó không còn là cuộc đối thoại của cô gia sư và người chủ, không còn là quá trình người chủ tìm cách ăn chặn tiền công của cô gia sư, mà là cuộc đối giáp mặt giữa cường quyền, cái xấu, cái ác với lương tri của mỗi con người. Và trong cuộc giáp mặt đó, cường quyền đã chiến thắng bởi sự nhu nhược, hèn nhát của con người. B. Xây dựng nhân vật: Truyện có hai nhân vật chính, đó là cô gia sư và người chủ. Đây là hai nhân vật vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang nghĩa biểu tượng. - Nhân vật người chủ: + Người chủ ban đầu tỏ ra là một con người táng tận lương tâm, khi đã đưa ra mọi lý do, kể cả vô lý, để trừ tiền công của cô gia sư. Nhưng cuối cùng ta hiểu được rằng, ông không phải là người xấu. Ông cố tình đưa cô gia sư vào một tình huống bị dồn ép, để thử thách cô gia sư, và dạy cho cô một bài học về thói nhu nhược. + Nhân vật người chủ trong truyện này, nhất là trước khi cho cô gia sư biết mình đùa, chính là hình ảnh của thế lực cường quyền xấu xa trong xã hội. Thế lực này đã dùng mọi thủ đoạn để chèn ép, bóc lột một cách trắng trợn sức lao động của con người, chà đạp lên nhân phẩm của con người, bất chấp sự đau khổ của nạn nhân. Với sự nhu nhược của những người tự cho mình là yếu đuối, là thấp cổ bé họng, thế lực này đã chiến thắng và đạt được mục đích của mình một cách thật dễ dàng. - Nhân vật cô gia sư: + Cô gia sư hiện lên trước hết trong truyện là một cô gái yếu đuối, nhu nhược. Trước mỗi lần bị trừ thêm tiền, cô chỉ biết ấp a ấp úng, sợ sệt, câm lặng. Cô đầu hàng hết lần này đến lần khác, để rồi cuối cùng số tiền công của cô nhận được, so với công sức mà cô đã bỏ ra, là vô cùng ít ỏi. Khi biết là người chủ chỉ thử mình, cô mỉm cười rầu rĩ. Cái mỉm cười ấy là một sự thừa nhận về thói nhu nhược của mình. + Cô gia sư không chỉ là một nhân vật cụ thể, mà còn là biểu tượng khái quát cho cả một lớp người nhu nhược trong xã hội, đăc biệt là người trí thức. Họ, vì run sợ trước cường quyền, bạo lực, nên đã chấp nhận đầu hàng hết lần này đến lần khác, mặc cho kẻ mạnh dẫm đạp, bóc lột. Cái mất mát lớn nhất của họ không phải là lợi ích vật chất, mà là lòng tự trọng, là cái giá trị để làm nên một con người chân chính. Thái độ nhu nhược của họ đã vô tình tiếp tay cho cái ác, cái xấu lên ngôi, tiếp tục chà đạp con người. III. KẾT BÀI - Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của truyện: Câu chuyện đã cho ở phần Đọc hiểu không chỉ sâu sắc về mặt chủ đề, chứa đựng nhiều bài học cuộc sống vô cùng giá trị mà còn để lại ấn tượng bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính biểu tượng, tạo tình huống độc đáo, tuy đơn giản mà sâu sắc. - Nêu ý nghĩa của truyện kể đối với bản thân và người đọc: Câu chuyện đã giúp ta hiểu được rằng: Trong cuộc sống, ta cần có thái độ dũng cảm, ý chí hùng cường để đấu tranh chống lại cường quyền, chống lại cái xấu cái ác, để bảo vệ lợi ích cũng như danh dự của chính mình.