Đọc Hiểu: Trồng một nụ cười - Thích Nhất Hạnh Đọc đoạn trích dưới đây: Nếu bạn đã từng nhìn thấy một mặt hồ rất tĩnh lặng, bạn sẽ thấy nó phản chiếu trời mây, núi xanh và cây cối trong đó. Nếu ta chụp hình mặt hồ lúc ấy, ta sẽ thấy là những hình phản chiếu của trời mây, núi xanh và cây cối trên mặt hồ cũng y chang như trời mây, núi xanh bên ngoài. Khi ta trầm tĩnh, lắng dịu, ta sẽ thấy mọi thứ đúng như nó đang là. Ta không bóp méo sự vật, hiện tượng và ta không trở thành nạn nhân của những tri giác sai lầm khiến ta sợ hãi, giận hờn và tuyệt vọng. Khi tâm ta không tĩnh lặng thì ta nhìn thấy sự vật bị méo mó, ta lẫn lộn mọi thứ; ta hiểu nhầm chính bản thân, hiểu lầm người khác. Ta tạo ra những sai lầm khiến cho ta khổ và người khác cũng khổ. Nếu ta có đủ bình an và tĩnh lặng, thì ta sẽ bớt có những tri giác sai lầm.. Ai trong chúng ta cũng cần có sự lắng dịu, tĩnh lặng để có thể thực sự hạnh phúc. (Trích Trồng một nụ cười, Thích Nhất Hạnh, NXB Hà Nội, 2022, tr: 110-111) Trả lời các câu hỏi sau: Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Câu 2: Nêu nội dung của đoạn trích trên. Câu 3: Anh/chị có đồng ý với quan điểm: "Khi tâm ta không tĩnh lặng thì ta nhìn thấy sự vật bị méo mó, ta lẫn lộn mọi thứ; ta hiểu nhầm chính bản thân, hiểu lầm người khác. Ta tạo ra những sai lầm khiến cho ta khổ và người khác cũng khổ" hay không? Vì sao? Câu 4: Hãy viết từ 5 đến 10 dòng cảm nhận về câu nói: "Nếu ta có đủ bình an và tĩnh lặng, thì ta sẽ bớt có những tri giác sai lầm." Câu 5: Nêu tác dụng của việc sử dụng liên kết, lặp lại các từ ngữ: Nếu, sẽ, khi, thì. Câu 6: Sau khi đọc đoạn trích trên, anh/chị rút ra bài học ý nghĩa gì cho bản thân? Gợi Ý Đọc Hiểu Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận Câu 2: Nội dung: Sự tĩnh lặng mang lại cho ta nhiều giá trị, nhận ra được bản thân đang cần gì, tìm thấy những niềm vui, dễ cảm nhận được hạnh phúc bắt nguồn từ những điều giản đơn, nhỏ bé luôn hiện hữu trong cuộc sống. Câu 3: Đồng ý với quan điểm: "Khi tâm ta không tĩnh lặng thì ta nhìn thấy sự vật bị méo mó, ta lẫn lộn mọi thứ; ta hiểu nhầm chính bản thân, hiểu lầm người khác. Ta tạo ra những sai lầm khiến cho ta khổ và người khác cũng khổ" Vì: - Khi ta cứ để tâm vào sự biến chuyển của thế giới bên ngoài ta sẽ bị vòng xoáy danh lợi cuốn theo. - Con người không thể cảm nhận được giá trị, ý nghĩa của niềm vui, hạnh phúc nếu như ta không chịu ngồi yên tĩnh lặng, cứ để tâm mình bị xao động. - Tâm tĩnh lặng sẽ giúp ta thêm hiểu mình, hiểu người, trân quý, biết ơn và yêu thương mọi người xung quanh. - Người thường cảm thấy tiêu cực, bi quan, chán nản, hụt hẫng, thất vọng là người có tâm hồn chưa thực sự tĩnh lặng, dễ bị tác động, chi phối, ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Câu 4: Cảm nhận: Sự tĩnh lặng không chỉ giúp ta bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo, mà còn giúp ta dễ tìm thấy sự thảnh thơi, bình an đến từ tâm hồn. Câu nói: "Nếu ta có đủ bình an và tĩnh lặng, thì ta sẽ bớt có những tri giác sai lầm." mang lại cho ta nhiều suy ngẫm, những nhận thức, hành động sai lầm của con người hầu hết xuất phát từ việc tâm hồn không tĩnh lặng. Để hạn chế có những tri giác sai lầm, để tâm hồn được hạnh phúc, bình an con người cần phải điều chỉnh, thay đổi góc nhìn, lắng nghe chính mình nhiều hơn. Ta muốn lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và yêu thương người khác trước tiên bản thân ta phải hiểu và yêu thương chính mình. Cách để tìm lại chính mình, tận hưởng được sự bình yên, đó là mỗi người cần phải học cách buông bỏ những sân si, thị phi, hơn thua, tìm đến thiền tập thì mới có thể an lạc trong từng phút giây của cuộc đời. Câu nói trên cũng chính là lời khuyên, nhắn nhủ đến mọi người, để giảm bớt nhận thức sai lầm ta cần rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, tập ngồi yên tĩnh lặng để bớt nghe, bớt thấy, bớt nhìn cho tâm thanh tịnh, cho đời bình an. Câu 5: Tác dụng của việc sử dụng liên kết, lặp lại các từ ngữ: Nếu, sẽ, khi, thì: - Giúp câu văn thêm mạch lạc, lô gic - Tăng sức thuyết phục, giúp người đọc dễ hình dung, liên tưởng, cảm thụ được nội dung tác giả truyền tải. - Góp phần giúp câu văn thêm sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Câu 6: Rút ra bài học: Bất cứ lúc nào bản thân ta cảm thấy mệt mỏi, áp lực nặng nề thì hãy tập ngồi thật yên lặng nhìn cuộc sống, lắng nghe chính mình để nắm bắt, kiểm soát được những xao động đến từ bên trong tâm hồn. Hãy học cách yêu thương bản thân nhiều hơn, thay vì cứ mải miết để tâm đến những điều bất như ý đã, đang và sẽ diễn ra. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem