Đọc hiểu: Nhát đinh của bác thợ - Phong Thu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng tư 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Đọc hiểu văn bản: "Nhát đinh của bác thợ" - Phong Thu

    ĐỀ 1

    Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

    Cứ mỗi dịp trở về thăm ngôi nhà nơi tôi ra đời và lớn lên ở đó, tôi lại bồi hồi ngắm chiếc ghế tựa đã cũ lắm, một bên chân đã phải nối và nhớ tới một chuyện xưa..

    Trong lúc nô đùa, mấy anh em tôi đã làm bong mặt ghế. Cha tôi phải mời bác thợ vào chữa lại cho khỏi hỏng thêm. Chúng tôi tò mò ngắm bác thợ lụi cụi làm việc. Mỗi khi cúi xuống, ngẩng lên, chiếc kính trắng trên mắt bác lại tụt xuống. Đôi bàn tay có những ngón sần sụi, gân guốc đặt vào đâu, chỗ đó lập tức thay đổi và chiếc ghế dần dần lành lại như mới. Cuối cùng, sau mấy nhát đinh "chát, chát..", chiếc ghế được đặt ngay ngắn, xong xuôi trước mắt chúng tôi.

    Cha tôi trả tiền và cảm ơn bác thợ. Bác thợ xoa xoa tay trên mặt ghế vừa được thay lại như để từ biệt đứa con của mình rồi chào cả cha tôi, lẫn chúng tôi, ra về.

    Một lúc sau, trời mưa to. Anh em chúng tôi lại leo lên ghế chơi trò "tàu hỏa" mà quên cả trời mưa. Bỗng có ai gõ cửa. Cha tôi vội bước ra, thì thấy bác thợ đã trở lại, toàn thân ướt đẫm. Nước nhỏ giọt từ trong chiếc hòm đồ nghề của bác. Bố tôi hỏi:

    Bác quên gì đấy ạ?

    Bác thợ đưa tay vuốt mặt, lắc đầu, nói nhanh:

    Tôi không quên gì, nhưng..

    Vừa nói bác vừa bước tới chiếc ghế do bác vừa chữa, xoa xoa tay để tìm cái gì. Anh em chúng tôi không hiểu đầu đuôi thế nào nữa, cứ trố mắt ra nhìn. Chợt bác khẽ reo lên:

    Đây rồi!

    Đoạn, bác mở hòm đồ nghề lấy cái búa ra, đeo kính vào, nheo nheo mắt và bất thần vung búa gõ đánh "chát" một cái. Xong bác ngẩng lên, cười, nói với cha tôi:

    - Đi được một quãng xa, tôi chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh. Để vậy, có người sẽ rách quần áo bác ạ!

    Cha tôi cảm động, lấy thêm tiền biếu bác. Bác không nhận và vội vàng chào. Cha con chúng tôi không ai bảo ai, cùng đứng nhìn theo bác thợ vai khoác cái cưa, tay xách hộp gỗ cắm cúi đi trong mưa. Bóng bác nhòa dần trên đường quốc lộ mịt mù gió thốc..

    Từ buổi ấy, trong trí nhớ non thơ của tôi không bao giờ phai mờ hình dáng bác thợ và cứ nghe rõ mãi nhát đinh của người thợ tận tụy với công việc, với nghề của mình.


    (Nhát đinh của bác thợ, Phong Thu)

    [​IMG]

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1:
    Xác định thể loại của văn bản trên:

    A. Truyện ngắn

    B. Truyện ngụ ngôn

    C. Tiểu thuyết

    D. Hồi kí

    Câu 2: Nhân vật chính trong truyện là nhân vật nào? Làm công việc gì?

    A. Nhân vật tôi, đi học xa nhà

    B. Nhân vật bác thợ, làm nghề mộc

    C. Nhân vật người cha, làm công nhân

    D. Nhân vật bác thợ, làm nghề thợ rèn

    Câu 3: Xác định ngôi kể trong truyện:

    A. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn toàn tri

    B. Ngôi kể thứ ba, điểm nhìn toàn tri

    C. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn hạn tri

    D. Ngôi kể thứ ba, điểm nhìn hạn tri

    Câu 4: Bác thợ quay trở lại sau khi đi được quãng đường xa là vì?

    A. Bác trở lại vì chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh, để vậy sợ có người sẽ rách quần áo

    B. Bác trở lại vì chợt nhớ còn cái đinh ương trên sàn nhà, để vậy sợ có người sẽ dẫm phải mà bị thương

    C. Bác trở lại vì quên chiếc búa

    D. Bác trở lại vì quên chưa lấy tiền công.

    Câu 5: Dòng nào không nêu lên đặc sắc nghệ thuật của truyện trên

    A. Cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng mà hấp dẫn

    B. Ngôi kể thứ nhất giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, bộc lộ được cảm xúc, suy ngẫm của người kể chuyện về nhân vật bác thợ.

    C. Cách xây dựng nhân vật sắc nét: Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua các sự việc, qua ngôn ngữ, hành động, qua cẩm nhận của nhân vật "tôi" - người kể chuyện.

    D. Lời văn trau chuốt, bóng bẩy, đậm tính nghệ thuật, vừa giàu chất thơ vừa giàu nhạc điệu.

    Câu 6: Đề tài của tác phẩm trên là:

    A. Viết về những người nghệ sĩ tài hoa

    B. Viết về người lao động bình thường, giản dị

    C. Viết về cuộc sống mưu sinh vất vả của người lao động

    D. Viết về kỉ niệm tuổi thơ.

    Câu 7: Cảm hứng nghệ thuật chủ đạo của tác phẩm là:

    A. Cảm hứng xót xa, thương cảm

    B. Cảm hứng phê phán, mỉa mai

    C. Cảm hứng tự hào, tôn vinh

    D. Cảm hứng trân trọng, ngợi ca

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8:
    Theo em, chi tiết miêu tả cảnh mưa gió có cần thiết đưa vào trong truyện không?

    Câu 9: Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật bác thợ trong câu chuyện trên.

    Câu 10: Theo em, qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bức thông điệp gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: A. Truyện ngắn

    Câu 2: B. Nhân vật bác thợ, làm nghề mộc

    Câu 3: C. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn hạn tri

    Câu 4: A. Bác trở lại vì chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh, để vậy sợ có người sẽ rách quần áo

    Câu 5: D. Lời văn trau chuốt, bóng bẩy, đậm tính nghệ thuật, vừa giàu chất thơ vừa giàu nhạc điệu.

    Câu 6: B. Viết về người lao động bình thường, giản dị

    Câu 7: D. Cảm hứng trân trọng, ngợi ca

    Câu 8: Chi tiết miêu tả cảnh mưa gió trong tình huống bác thợ quay trở lại sau khi đi được quãng đường xa là cần thiết đưa vào trong truyện.

    Lí giải: Chi tiết này làm tăng mức độ khó khăn cho sự lựa chọn của bác thợ: Bác hoặc sẽ quên đi chiếc đinh và trở về sớm hơn, hoặc phải quay trở lại đóng nốt chiếc đinh để rồi phải chịu cảnh mưa gió vất vả. Quyết định quay trở lại trong cảnh mưa gió cho thấy bác thà đội mưa gió để làm tròn công việc còn hơn là để chiếc đinh đóng dở đó gây hại cho người khác và bản thân thì cứ phải nghĩ mãi về nó. Ý thức trách nhiệm và lòng trắc ẩn của bác đã khiến bác vượt qua hoàn cảnh bất lợi để quay lại. Như vậy chi tiết tả cảnh mưa gió khắc nghiệt trên càng làm nổi bật vẻ đẹp của sự tận tụy và lòng tốt nơi bác thợ.

    Câu 9: Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật bác thợ trong câu chuyện trên:

    Qua câu chuyện trên, ta thấy bác thợ:

    - Là người tận tụy, cần mẫn, là người có trách nhiệm cao trong công việc. Vẻ đẹp này được thể hiện qua chi tiết bác sửa chiếc ghế một cách tỉ mỉ, cẩn thận.

    - Là người có lòng tốt, biết nghĩ cho người khác. Vẻ đẹp này được thể hiện qua chi tiết bác đội mưa gió quay trở lại chỉ để đóng nốt chiếc đinh mà bác đã sơ ý quên chưa đóng hết. Bacs sợ chiếc đinh ấy sẽ làm rách quần áo của người nào đó vướng vào.

    Câu 10:

    +
    Câu chuyện kể về bác thợ mộc, dù làm công việc bình thường nhưng lại hết lòng với công việc và có trách nhiệm, biết nghĩ cho người khác.

    + Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bức thông điệp:

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK



    Xem tiếp bên dưới: Đề 2
     
    Hang82010, Daçmm, Na1706106 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười một 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Đọc hiểu văn bản: "Nhát đinh của bác thợ" - Phong Thu (tt)

    Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

    (Nhát đinh của bác thợ, Phong Thu)

    Câu 1: Xác định điểm nhìn của người kể chuyện trong văn bản, tác dụng của việc chọn điểm nhìn.

    Câu 2: Hình ảnh bác thợ cuối cùng hiện lên trong tâm trí của người kể chuyện là gì? Hình ảnh đó có ý nghĩa gì?

    Câu 3: Hành động nào của bác thợ để lại ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của người kể chuyện?

    Câu 4: Thái độ của cha con người kể chuyện khi thấy bác thợ quay lại là gì?

    Câu 5: Câu chuyện nhấn mạnh phẩm chất gì của bác thợ?

    Câu 6: Tại sao bác thợ phải quay lại nhà của cha con người kể chuyện sau khi đã sửa xong chiếc ghế?

    Câu 7: Thông điệp từ câu chuyện trên là gì?

    Câu 8: Cách ứng xử của bác thợ để lại cho em bài học gì?

    Gợi ý:

    Câu 1:


    - Điểm nhìn trong văn bản là của một người kể chuyện ngôi thứ nhất - tôi (người con), tức là chính người kể lại là một trong những đứa trẻ đã chứng kiến câu chuyện về bác thợ mộc.

    - Điều này giúp câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực hơn, khi người kể trực tiếp chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về những gì đã xảy ra.​

    Câu 2:

    - Hình ảnh bác thợ cuối cùng hiện lên trong tâm trí của người kể chuyện: Hình ảnh bác thợ vai khoác cái cưa, tay xách hộp đồ nghề, cắm cúi đi trong mưa, bóng bác nhòa dần trên đường quốc lộ mịt mù gió thốc.

    - Đây là hình ảnh biểu tượng cho sự vất vả, tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao của bác thợ. Cơn mưa lớn và gió thốc tượng trưng cho những khó khăn trong công việc và cuộc sống, nhưng bác thợ vẫn kiên trì vượt qua, không ngại gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Cách bác cắm cúi đi trong mưa tạo nên hình ảnh giản dị, gần gũi của người lao động, làm nổi bật vẻ đẹp thầm lặng và bền bỉ của họ. Bóng dáng bác thợ nhòa dần trong mưa không chỉ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người chứng kiến mà còn gợi lên sự trân trọng và biết ơn đối với những con người luôn lặng lẽ cống hiến trong cuộc sống. Hình ảnh này còn như một lời nhắc nhở rằng dù ở bất cứ ngành nghề nào, lòng yêu nghề và trách nhiệm đều có thể tạo nên vẻ đẹp bền vững và xúc động.

    Câu 3: Hành động bác thợ quay lại để đóng nốt cái đinh chưa đóng hết, dù trời mưa to và toàn thân bác đã ướt đẫm, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của người kể.

    Câu 4: Thái độ của cha con người kể chuyện khi thấy bác thợ quay lại: Cha con người kể chuyện cảm động trước lòng tận tụy và trách nhiệm của bác thợ đối với công việc. Cha của người kể còn định biếu thêm tiền nhưng bác thợ từ chối.

    Câu 5: Câu chuyện nhấn mạnh phẩm chất của bác thợ: Câu chuyện nhấn mạnh phẩm chất tận tụy, trách nhiệm với công việc và lòng nhiệt tình của bác thợ mộc.

    Câu 6: Bác thợ quay lại vì khi đi được một quãng xa, bác nhớ ra có một cái đinh trên ghế chưa được đóng hết đầu. Bác lo rằng nếu để như vậy, có người có thể bị rách quần áo.

    Câu 7: Thông điệp của câu chuyện là về sự tận tụy và trách nhiệm trong công việc. Dù chỉ là một người thợ mộc, bác vẫn làm việc với tất cả tấm lòng, sẵn sàng quay lại trong mưa để hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Qua đó, câu chuyện nhắc nhở rằng lòng yêu nghề, sự cẩn trọng, và trách nhiệm trong công việc là những đức tính đáng quý và truyền cảm hứng.

    Câu 8: Cách ứng xử của bác thợ cho em bài học về sự tận tâm và trách nhiệm. Khi làm việc, chúng ta nên chú ý đến từng chi tiết nhỏ, không được cẩu thả, dù đó là những điều tưởng như không ai để ý. Bên cạnh đó, lòng nhiệt tình với công việc và quan tâm đến người khác, như bác thợ lo lắng cho quần áo của người sử dụng ghế, là những đức tính quý giá, giúp chúng ta xây dựng niềm tin và sự tôn trọng trong mắt người khác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười một 2024
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Viết đoạn văn 200 chữ cảm nhận về nhân vật bác thợ mộc:

    Nhân vật bác thợ mộc trong câu chuyện "Nhát đinh của bác thợ" hiện lên với hình ảnh một người lao động tận tụy, chu đáo và có lòng yêu nghề sâu sắc. Dù chỉ là một người thợ mộc bình dị, bác lại làm công việc của mình với tinh thần trách nhiệm và sự cẩn trọng đáng quý. Sau khi đã sửa xong chiếc ghế, bác thợ phát hiện ra còn một chiếc đinh chưa được đóng chặt. Thay vì bỏ qua, bác không ngại quay lại trong cơn mưa lớn để hoàn thành nốt công việc còn dang dở. Điều này thể hiện sự chu toàn và tình yêu nghề của bác. Bác thợ không chỉ quan tâm đến chất lượng công việc mà còn lo lắng cho người sử dụng chiếc ghế, sợ rằng chiếc đinh chưa chặt có thể làm rách quần áo của họ. Đây là một chi tiết nhỏ nhưng rất cảm động, cho thấy bác thợ không chỉ là người thợ có tay nghề mà còn là người có tấm lòng. Hình ảnh bác vai khoác cái cưa, tay xách hộp đồ nghề, cắm cúi đi trong mưa, bóng nhòa dần trên đường quốc lộ mịt mù gió thốc, gợi lên sự vất vả và lặng lẽ của người lao động. Bác không cần sự đền đáp, bác làm việc không phải vì tiền bạc mà vì lòng trách nhiệm và sự chân thành. Nhân vật bác thợ mộc qua câu chuyện đã để lại trong lòng người đọc sự cảm phục và yêu mến sâu sắc, là biểu tượng cho vẻ đẹp của những con người lao động giản dị nhưng giàu lòng nhân hậu. Câu chuyện nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc, dù đó là công việc lớn lao hay nhỏ bé. Chính những điều bình dị như thế đã tạo nên những giá trị đẹp đẽ, lặng thầm trong cuộc sống.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...