Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: "Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi:" Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy ". Bà cải chính:" Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa ".. [..] Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng:" Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi ". Tôi cười:" Lại khó đến thế sao "? Bà cụ nói:" Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không "? À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ." (Trích Nếp nhà – Nguyễn Khải, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Khải ) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản? Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích trên? Câu 3: Cuộc sống của gia đình "bà cô tôi" có gì đặc biệt? Anh (chị) nhận xét như thế nào về "nếp nhà" ấy? Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan điểm hạnh phúc của nhân vật "bà cô tôi" ở đoạn trích trên không? Vì sao? Gợi Ý Câu Trả Lời Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: Nói về nếp sống, cách ứng xử tốt đẹp của "bà cô tôi". Thông qua cách đối xử tử tế, chân thành đối với mọi người xung quanh là tấm gương cho các thế hệ học hỏi và noi theo. Câu 3: Cuộc sống của gia đình "bà cô tôi" đặc biệt: Chưa từng có tiếng chửi bới, trách mắng nhau, chưa từng xưng hô mày tao. Điều đó thể hiện được nền văn hóa trong cách cư xử của nhiều thế hệ đi trước tiếp nối thế hệ sau. Nhận xét về nếp sống: Đó là gia đình gương mẫu, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình mà không phải ai cũng có được. Hạnh phúc cần được xây dựng chứ không tự nhiên mà có. Người biết lan tỏa hạnh phúc phải là người có nếp sống, nhận thức được tầm quan trọng, giá trị, ý nghĩa mà cuộc sống mang lại. Câu 4: Đồng tình với quan điểm hạnh phúc của nhân vật "bà cô tôi" ở đoạn trích trên. Vì: - Hạnh phúc là do ta tự cảm nhận, tạo ra cho bản thân chứ không tự nhiên mà có. - Để có được hạnh phúc ta cần nhận thức và hành động đúng đắn để lan tỏa tình yêu thương đến mọi người xung quanh. - Khi ta biết tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ cùng nhau ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. - Nhận thức được năng lực của bản thân để từ đó không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân từng ngày. - Hạnh phúc là cả một quá trình vun trồng, xây đắp, giữ gìn và bảo vệ. Hãy chung tay trao đi hạnh phúc bạn sẽ nhận được hạnh phúc.