Đọc hiểu Một phút chữa bệnh lười - PGS. TS Văn Như Cương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 9 Tháng mười hai 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,948
    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    "Các em học sinh thân mến, có lẽ các em sẽ ngạc nhiên khi hôm nay thầy sẽ nói với các em về căn bệnh mà ít nhiều chúng ta sẽ mắc phải. Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức nhưng nguy hiểm lắm, nếu nhiều người không quyết tâm chạy chữa thì họ có thể trở thành những người vô dụng. Nguy hiểm hơn nữa nếu xã hội có nhiều người mắc bệnh này thì sẽ trở nên nghèo nàn lạc hậu, không bao giờ tiến bộ được. Căn bệnh này làm cho con bệnh dần dần trở thành người có nhân cách thấp kém, sống theo lối bầy đàn và không giúp ích gì cho xã hội.

    Đó là thầy đang muốn nói về căn bệnh lười, một căn bệnh có nguy cơ lan rộng một cách nhanh chóng. Bệnh này có những biểu hiện và triệu chứng như sau: Lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện, lười đặt câu hỏi.

    Tại sao như vậy? Lười đọc sách hoặc chỉ đọc những cuốn sách nhảm nhí, lười đọc kiến thức tham khảo; lười lao động, lười làm việc chân tay kể cả những điều phục vụ cho chính bản thân mình; lười tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể. Kể ra thì còn nhiều triệu chứng lười nữa. Chắc rằng mỗi em đều cảm thấy mình đã mắc phải những triệu chứng đó.

    Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi. Con bệnh sống một cách uể oải, họ không suy nghĩ gì, không làm được một việc gì mặc cho thời gian vẫn trôi đi từ giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác, thậm chí năm này qua năm khác".

    (Một phút chữa bệnh lười – PGS. TS Văn Như Cương)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

    Câu 2. Vấn đề chính được đề cập đến trong đoạn trích trên là gì?

    Câu 3. Theo anh/ chị, vì sao tác giả nói rằng: Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức nhưng nguy hiểm lắm, nếu nhiều người không quyết tâm chạy chữa thì họ có thể trở thành những người vô dụng.

    Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/ chị?

    [​IMG]

    Gợi Ý Câu Trả Lời

    Câu 1:

    Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên: Nghị luận

    Câu 2:

    Vấn đề chính được đề cập đến trong đoạn trích trên: Dấu hiệu, triệu chứng, nguy cơ lan rộng và hậu quả khôn lường của căn bệnh lười biếng tác động, ảnh hưởng đến nhận thức, hành động của bản thân đối với gia đình và xã hội.

    Câu 3:

    Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức nhưng nguy hiểm lắm, nếu nhiều người không quyết tâm chạy chữa thì họ có thể trở thành những người vô dụng.

    Vì:

    - Căn bệnh lười biếng khiến họ sống với trạng thái uể oải, mệt mỏi, chán nản, bi quan và đầy tiêu cực.

    - Khi mắc căn bệnh lười biếng khoảng thời gian sống của họ trở nên ngắn ngủi và vô nghĩa.

    - Căn bệnh lười biếng ảnh hưởng đến nhận thức và hành động khi họ không có mục tiêu, lý tưởng sống đúng đắn dẫn đến kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

    - Phẩm chất, nhân cách của người sống lười biếng ngày càng đi xuống, nếu như họ không tìm được giải pháp khắc phục kịp thời.

    Câu 4:

    Thông điệp trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất: "Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi"

    Tác giả gửi gắm thông điệp ý nghĩa đến với độc giả, hãy tận dụng thời gian đang có để không ngừng ước mơ, học tập, trau dồi kiến thức, nỗ lực không ngừng vươn tới thành công, thực hiện những việc làm ý nghĩa giúp ích cho gia đình và xã hội. Thời gian vô hạn nhưng đời người thì hữu hạn, nên ta đừng lãng phí thời gian vào những thứ vô ích để rồi đến khi nhận ra, thức tỉnh thì đã quá muộn màng. Tác giả khuyên nhủ mọi người hãy siêng năng, chăm chỉ, đối xử tốt, chân thành, tử tế và yêu thương những người xung quanh. Đừng để căn bệnh lười biếng trở thành thói quen xấu, đánh mất đi nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của bản thân.


     
    chiqudoll, Tiên Nhi, LieuDuong1 người nữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...