Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi: Xế chiều hôm ấy, bà mẹ chồng và chồng Dần đến. Cả hai cùng mặc quần áo cánh. Bà mẹ khoác một cái áo nâu dài đã bạc ở trên vai. Chú rể xách một chẽ cau, chừng một chục quả. Vào đến nhà, y lúng túng không biết đặt đâu. Bà mẹ trông thấy bảo Dần: - Cho bu mượn cái đĩa đi, con! Mặt Dần đã đỏ bừng. Hai đứa em nó, trông thấy, cười rúc rích. Nó lợi dụng câu sai của mẹ chồng, để chạy tót ra chái đứng. Một lúc lâu nó cũng không vào. Thầy nó phải đỡ lấy chẽ cau ở tay bà mẹ chồng, đặt lên giường thờ mẹ nó. Rồi thầy nó nói thật to: - Đi nấu nước đi con! Không thấy con gái thưa, ông phải bảo thằng con trai lớn: - Chạy ra bảo chị đun ấm nước. Rồi ông thân hành đi lấy chìa vôi ra để têm trầu. Bà mẹ chồng có lời ngay: - Thưa ông, ông đã có lòng thương đến cháu, mà xét ra, như thế này thì thật ông thương quá, thương mọi nhẽ, cái gì ông cũng châm chước đi cho cả, khiến chúng tôi cảm tạ cái bụng ông mà lại lấy làm xấu hổ về cái cách chúng tôi xử lắm. Chúng tôi xử thế này thật quả là không phải. Nhưng lạy Trời, lạy Đất!.. Chúng tôi cũng muốn nghĩ thế nào kia nhưng ông trời ông ấy chỉ cho nghĩ đến thế thôi, thì cũng phải rầu lòng mà chín bỏ làm mười, chứ như ông thì thật một bỏ làm mười, mà không được một cũng bỏ làm mười. Có vậy thì công việc của cháu mới xong xuôi được. Giá phải bố vợ như bố vợ nhà khác, nhất nhất cái gì cũng bắt đủ lề lối, thì nhà như chúng tôi lấy gì mà lo được? Ít là cháu suốt đời không có vợ. Nhưng phúc làm sao, lại gặp được ông bố vợ thương con rể như ông, thì có phải ông trời ông ấy cũng còn thương nhà chúng tôi lắm lắm không? Thôi thì bây giờ mọi sự ông đã thương cho cháu cả rồi, hôm nay tiện được ngày, tôi cũng biện cơi trầu đến kêu với ông để ông cho cháu được lễ các cụ - trước là lễ gia tiên, sau là lễ bác nhà ta, sau nữa ông lại cho cháu lễ sống ông, (chẳng có tiền bạc gạo lợn, hay mâm cao cỗ đầy thì cũng phải lấy đầu làm lễ gọi là chút lòng thành của con, cháu các cụ) - rồi xin phép ông để chúng tôi đưa cháu về nhà làm ăn. Đáp lại bao nhiêu lời bóng bẩy, xa xôi ấy, ông bố vợ chỉ trả lời gọn thon lỏn một câu: - Vâng! Mời bà cứ ngồi chơi thư thả xơi nước, xơi trầu đã. Rồi ông lại cất cao giọng, bảo con: - Hễ được nước thì bắc lên đây, con nhé! Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Đêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược.. Chao ôi! Buồn biết mấy? Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: Giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá.. À, thì ra ông phải đi nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì Dần phải đi lấy chồng, Dần đi lấy chồng, không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái cho ông nữa.. Ông buồn quá. Ông đáp lại những câu rất dài dòng của bà thông gia bằng những câu ngắn ngủn. Bà thông gia, trái lại nhiều lời lắm. Bà vui vẻ. Bà nói luôn. Bởi tài ăn nói của người ta, một đời mới có dịp dùng đến độ vài lần. Bà thì chỉ một lần thôi, bởi vì bà có mỗi một mống con trai. Lấy một con vợ cho con, có dễ đâu? Nhất là mình lại không có nhiều tiền. Công việc phải qua mấy mươi nấc, mấy mươi cầu. Chưa cưới được vợ về cho con, thì còn là đi lại mỏi chân, van ông lạy bà sái hàm răng.. Công việc của bà, mười phần xong đến chín phần rồi. Còn một tí chút nữa mà thôi. Tội gì không ngọt ngào với người ta cho yên ổn cả? Người ta gả con gái, đã chẳng được gì thì cũng phải được lời nói mát lòng, mát ruột cho hả dạ.. Đến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai. Ông bố vợ đã tưởng không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông không đi, thì hai đứa bé cũng không thể đi mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không chịu nốt. Ông đành kéo mấy cành rào lấp ngõ rồi đi vậy. Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái áo ấy trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần sồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần. Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ.. Câu 1: Đoạn trích trên thuộc tác phẩm nào? Tác giả là ai? Câu 2: Nêu nội dung tác giả đề cập đến trong đoạn trích trên. Câu 3: Tác giả thể hiện tâm tư, tình cảm gì thông qua đoạn trích trên? Câu 4: Nêu cảm nhận của anh/chị sau khi đọc đoạn trích trên. (Viết từ 7 - 10 dòng) Gợi Ý Câu Trả Lời Câu 1: Đoạn trích trên thuộc tác phẩm Một đám cưới của tác giả Nam Cao. Câu 2: Nội dung: Cảnh tượng đám cưới nghèo diễn ra hết sức đơn sơ, ảm đạm, buồn hiu hắt. Câu 3: Thông qua đoạn trích, tác giả thể hiện tâm tư, tình cảm xót thương, cảm thông và thấu hiểu cho những con người có đời sống nghèo nàn, vất vả, cơ cực và lầm than trong xã hội thời kì trước cách mạng tháng Tám. Từ đó ta thấy được tư tưởng, tấm lòng của tác giả dành cho người dân nghèo khổ. Thông qua cảnh đám cưới được tác giả miêu tả rõ nét, ta cảm nhận được không khí hết sức ảm đạm, đìu hiu, vắng lặng dâng lên niềm thương cảm, sự nghẹn ngào và chua xót. Câu 4: Cảm nhận: "Một đám cưới" là tác phẩm của tác giả Nam Cao gây xúc động người đọc. Đám cưới diễn ra trong hoàn cảnh nghèo nàn, không có nhiều lễ lộc, quần áo cô dâu rách nát, bố vợ buồn rầu, chất chứa bao nỗi niềm tâm sự cũng chẳng nói nên thành lời. Chưa bao giờ cảnh đám cưới diễn ra buồn, thê lương như vậy. Tác giả đã tái hiện lại cảnh tượng đám cưới trong giai đoạn trước cách mạng tháng 8 khiến người đọc khỏi xúc động, thương xót cho thân phận con người nghèo khổ. Các chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm được tác giả miêu tả hết sức sinh động, chân thực và gần gũi. Đọc tác phẩm, ta sẽ cái nhìn đầy thấu hiểu, cảm thông và yêu thương cho những con người nghèo khó. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem