Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: LỄ CÚNG THẦN LÚA CỦA NGƯỜI CHƠ-RO .. Lễ cúng Yang được bắt đầu vào buổi trưa, thường sau khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất và mọi người cùng tham gia đông đảo. Trước khi vào nghi thức cúng chính thì người phụ nữ lớn tuổi trong nhà mang gùi lên rẫy chặt lấy ngọn mía, thân chuối non, trái bầu khô, những bông lúa (để lại sau mùa thu hoạch) đem về nhà. Nghi thức này còn gọi là rước hồn lúa. Những lễ vật ấy được đem về bài trí trên bàn thờ và nơi để nhang. Lúc này, những con vật hiến tế được đem làm thịt để lấy huyết bôi lên cây nhang bài trí bàn thờ. Người gọi Yang ngồi trước ché rượu cần, hướng về bàn thờ đọc lời khẩn trình. Sau đó người gọi Yang đi đến nhà kho đựng lúa, người phụ giúp mang lễ vật đi theo. Trên mâm lễ có cây nhang đã được bôi huyết những con vật hiến tế. Mọi người tham dự đi theo. Lễ vật bày hẳn trên lúa và bắt đầu nghi thức gọi Yang-va. Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chỉnh để dự tiệc. Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa.. Thật tưng bừng, náo nhiệt! Trong lễ hội, sau những nghi thức cúng thần linh, cầu bình an cho bản làng, mùa màng, người Châu Ro vui chơi, uống rượu cần, nhảy múa ca hát trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau những ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, công chiêng được tấu lên. Một số phụ nữ, trẻ em Chơ Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau cho đến khi kết thúc. Mọi người vui hòa trong không khí hội với men rượu cần cho đến khi đống lửa tàn, thường vào lúc nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn ngày cùng Yang-va. Lễ hội cúng Yang-va là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Châu Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc người ở Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung . (Thanh Vân – Thư viện tỉnh Đồng Nai) Câu 1. Đoạn trích cung cấp cho người đọc thông tin nào? Theo em, văn bản này được viết nhằm mục đích gì? Câu 2. Trong đoạn trích, lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động nào? Các hoạt động ấy được liệt kê theo trình tự nào? Câu 3. Trong đoạn văn sau, câu nào tường thuật sự kiện, câu nào miêu tả sự kiện, câu nào thể hiện cảm xúc của người Việt? "Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chỉnh để dự tiệc. Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa.. Thật tưng bừng, náo nhiệt !" Câu 4. Ý nghĩa của lễ hội cúng Yang - va là gì? Câu 5. Văn bản giúp em hiểu gì về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên? GỢI Ý TRẢ LỜI: Câu 1. - Đoạn trích cung cấp cho người đọc thông tin về lễ hội cúng thần lúa của người Chơ - ro. - Văn bản này được viết nhằm mục đích: Cung cấp thông tin cho người đọc, giúp người đọc có thêm hiểu biết về văn hóa, phong tục của vùng miền địa phương. Câu 2: Trong đoạn trích, lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động - Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động: + Phụ nữ đi rước hồn lúa bài trí trên bàn thờ và nơi để nhang. + Già làng hoặc chủ nhà đọc lời khấn. Người gọi Yang đi đến nhà kho đựng lúa, người phụ giúp mang lễ vật đi theo. + Mọi người tham dự đi theo. Lễ vật bày hẳn trên lúa và bắt đầu nghi thức gọi Yang-va. + Khi cúng xong, mọi người lên nhà sàn dự tiệc. - Các hoạt động ấy được liệt kê theo trình tự thời gian diễn ra buổi lễ. Câu 3: - Câu tường thuật sự kiện: + Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chính để dự tiệc. + Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. - Câu miêu tả sự kiện: Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa.. - Câu thể hiện cảm xúc của người viết: Thật tưng bừng, náo nhiệt! Câu 4. Ý nghĩa của lễ hội cúng Yang - va là: Lễ hội cúng Yang-va là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Châu Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc người ở Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung . Câu 5: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên: - Thiên nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó, khăng khít. - Thiên nhiên cung cấp những giá trị vật chất, tinh thần để giúp đời sống con người đầy đủ hơn. - Nếu con người biết ơn, chăm sóc thiên nhiên thì sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên đem lại.