Đề bài I. ĐỌC HIỂU Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Mùa hạ năm nay mưa nhiều. Dưới bầu trời mưa luôn có người vui có người buồn. Người vui vì trời đỡ oi hơn, không khí lành lại sau cơn mưa giông chiều. Người buồn vì gánh tào phớ lướt thướt, hi vọng tan dần theo làn mưa. Người vui vì khoai sắn mọc trên đồi, người buồn vì nước mắt rơi trên những đồng muối hòa theo hạt mưa rơi. Có chú nhóc hoan hỉ mút chè ế đựng trong túi ni lông, như không hay biết có hai đứa em gái bán chè chiều nay chạy mưa, về sớm, đang ngồi thút thít trong góc nhà mình. Cuộc đời này luôn có vui có buồn, như cái áo luôn có mặt trái mặt phải. Làm sao như chiếc áo may cho trẻ con, mặt phải rất đẹp nhưng mặt trái cũng được may rất tinh tế, khéo léo. Để làn da trẻ con nhạy cảm không đau khi tiếp xúc với những đường gân (vì thế mà quần áo trẻ con ở nước ngoài luôn đắt hơn quần áo người lớn). Làm sao để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hóa một ngôi làng nhưng lại không ung thư hóa dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường sống. Làm sao để tăng trưởng, để giàu có hơn, nhưng đừng bức tử nguồn nước cho mai sau, đừng để những con kênh thành kênh nước đen, đừng để những dòng sông thành sông chết. Làm sao để sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy nhưng không mang nỗi buồn của người cầm cuốc cầm cày. Làm sao cho 18 lỗ, 32 lỗ có thể lấp đầy nỗi lo của người nông dân mất đất. Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác. Mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng. Mình không chỉ lo cho được việc cho riêng mình mặc ai kia khổ sở. Tôi có đọc một truyện ngắn của Tổng thư kí tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò mang tên "Huyền thoại phần mía ngọn". Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần ngọn mía, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga. (Huyền thoại phần mía ngọn – Yêu xứ sở thương đồng bào, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 82 – 85) Câu 1. Chỉ ra phép liên kết trong đoạn văn thứ nhất. Câu 2. Theo tác giả, làm thế nào để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia? Câu 3. Nêu 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn thứ hai. Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó. Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm Câu chuyện trả lời câu hỏi khi nào em lớn ? Câu trả lời khi nào em biết nhận phần phía ngọn, để phần mía gốc cho người khác không? Vì sao? Gợi ý: Câu 1: Phép liên kết: Phép lặp "người vui", "người buồn", "có", "mưa". Câu 2: Theo tác giả, để niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia: "Chỉ có thể là thế khi mình biết nghĩ đến người khác. Mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng. Mình không chỉ lo cho được việc riêng mình mặc ai kia khổ sở" . Câu 3: Có thể chọn 1 trong 2 biện pháp tu từ sau: - Điệp ngữ "làm sao để" => Tác dụng: Nhấn mạnh, xoáy sâu vào vấn đề được nói đến, biểu đạt cảm xúc day dứt, trăn trở của tác giả. - Đối: "công nghiệp hóa một ngôi làng - ung thư hóa dân làng", "tăng lợi nhuận đầu tư - đổ chất thải ám hại môi trường sống", "tăng trưởng, giàu có hơn - bức tử nguồn nước cho mai sau", "sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy - mang nỗi buồn cho người cầm cuốc, cầm cày".. => Tác dụng: Làm nổi rõ sự đối lập: Lợi ích của người này không là lợi ích của người kia. Câu 4: Đồng tình với ý kiến của tác giả: - "khi nào em biết nhận phần mía ngọn, để phần mía gốc cho người khác" tức là em biết nhận phần nhạt nhẽo, thiệt thòi về mình, giành phần ngon ngọt, đậm đà cho người khác, Khi đó em thực sự trưởng thành. - "vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga" : hình ảnh ẩn dụ thể hiện quan điểm của tác giả: Vẻ đẹp thực sự của con người là vẻ đẹp tâm hồn. Yếu tố quan trọng nhất để làm nên vẻ đẹp tâm hồn là lòng vị tha, biết sống vì người khác.