Đọc hiểu: Dì Hảo - Nam Cao ĐỀ 1 Đọc đoạn văn trích sau: Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy. Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm, người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say. Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở. (Trích Dì Hảo –Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB VH, 2017, tr. 208) Lựa chọn đáp án đúng Câu 1. Nhân vật trung tâm của đoạn trích là: A. Dì Hảo B. "Hắn" C. Tôi D. Bà tôi Câu 2. Phương thức biểu đạt sử dụng trong đoạn trích là: A. Nghị luận, tự sự B. Nghị luận, miêu tả C. Tự sự, biểu cảm D. Miêu tả, thuyết minh Câu 3. Hoàn cảnh đáng thương của dì Hảo được miêu tả qua những chi tiết nào? A. Đứa con chết, mà dì thì què liệt B. Con chết, dì bị què liệt, chồng mắng chửi, bỏ dì bơ vơ C. Con chết, dì bị què liệt và buôn bán thua lỗ D. Cơ nghiệp của dì tan tác theo gió bốn phương. Câu 4. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau là gì: Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. A. So sánh B. Liệt kê C. So sánh, điệp từ D. So sánh, nói quá. Câu 5. Hình ảnh "hắn" Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say có nét tương đồng với chi tiết kể về nhân vật nào? A. Lão Hạc (Lão Hạc, Nam Cao) B. Chí Phèo (Chí Phèo, Nam Cao) C. Phương Định (Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê) D. Ông Sáu (Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng) Câu 6. Đề tài, chủ đề của truyện là gì? A. Viết về người nông dân, phản ánh bi kịch bị tha hóa của người nông dân B. Viết về người trí thức, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người trí thức C. Viết về người trí thức, phản ánh bi kịch tinh thần của người trí thức trước Cách mạng tháng Tám D. Viết về người nông dân, phản ánh nỗi bất hạnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám Câu 7. Bi kịch của người phụ nữ được phản ánh trong đoạn trích là gì? A. Họ bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn B. Họ bị tha hóa cả về nhân hình, nhân tính C. Họ phải sống cuộc sống mất tự do, bị cầm tù về thể xác và tinh thần. D. Họ không chỉ chỉ nghèo khổ về vật chất, họ còn bị đối xử bất công, bị tra tấn về tinh thần Trả lời câu hỏi: Câu 8. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở. Câu 9. Nêu những nét đặc sắc của nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong đoạn văn trên. Câu 10. Tư tưởng nhân đạo của đoạn trích được thể hiện như thế nào? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. A. Dì Hảo Câu 2. C. Tự sự, biểu cảm Câu 3. B. Con chết, dì bị què liệt, chồng mắng chửi, bỏ dì bơ vơ Câu 4. C. So sánh và điệp từ Câu 5. B. Chí Phèo (Chí Phèo, Nam Cao) Câu 6. D. Viết về người nông dân, phản ánh nỗi bất hạnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám Câu 7. D. Họ không chỉ chỉ nghèo khổ về vật chất, họ còn bị đối xử bất công, bị tra tấn về tinh thần Câu 8. 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở. - Biện pháp điệp từ "và" - Tác dụng: Sau điệp từ "và" là "nước mắt", là "lời than thở". Vì vậy việc sử dụng điệp từ này nhấn mạnh nỗi đau khổ, bất hạnh của nhân vật người bà, đau khổ vì cuộc đời của chính mình, đau khổ thay cho con, nỗi đau khổ chồng chất lên nhau. Phép điệp còn tạo nhịp điệu cho lời văn. Câu 9. Những nét đặc sắc của nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong đoạn văn trên: Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Câu 10. Tư tưởng nhân đạo của đoạn trích được thể hiện như thế nào? - Lòng cảm thông, thương xót của nhà văn đối với số phận bất hạnh của người nông dân, của dì Hảo - Tố cáo xã hội bất công với những hủ tục, những kẻ xấu xa gây nên nỗi bất hạnh cho con người. - Trân trọng khát vọng của con người về cuộc sống bớt khổ cực hơn. Xem tiếp bên dưới: Dàn ý phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật đoạn trích trên
Đọc hiểu: Dì Hảo - Nam Cao ĐỀ 2 Đọc đoạn trích sau: Dì Hảo đã đi lấy chồng, mang theo cho người ấy tất cả lòng yêu vẫn để cho tôi. Và người ấy đã nhận tấm lòng yêu ấy, nhận lấy mà chẳng làm gì cho đáng nhận. Người ấy không yêu dì. Thật mà! Người ấy chẳng yêu dì Hảo đâu. Mà lại còn khinh dì là khác nữa. Hắn khinh dì là đứa con nuôi, còn hắn là con dòng cháu giống. Và tuy rằng nghèo xác, hắn nhất định không làm gì. Hắn lấy vợ để cho vợ nó nuôi. Dì Hảo cũng nghĩ đúng như thế ấy; dì làm mà nuôi hắn. Người vợ đảm đang ấy kiếm mỗi ngày được hai hào, dì ăn có năm xu. Còn một hào thì hắn dùng mà uống rượu. Và dì Hảo sung sướng lắm. Và gia đình vui vẻ lắm. Nhưng sự tai ác của ông trời bắt dì đẻ một đứa con. Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy. Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm. Người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say. Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở. (Trích Dì Hảo, Nam Cao) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Nhân vật được tác giả tập trung khắc họa trong đoạn trích trên là ai? Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Câu 3. Người chồng của dì Hảo được miêu tả là người như thế nào? Câu 4. Tìm những chi tiết kể về cuộc đời bất hạnh của dì Hảo. Câu 5. Điểm nhìn từ người kể chuyện có sự chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật dì Hảo như thế nào? Nêu tác dụng của sự chuyển dịch điểm nhìn đó. Câu 6. Xác định đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ của đoạn trích trên. Câu 7. Trong đoạn trích trên, nhà văn thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào đối với nhân vật dì Hảo? Câu 8. Em có đồng tình với thái độ cam chịu, nhẫn nhịn của dì Hảo đối với chồng không? Vì sao? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. Nhân vật được tác giả tập trung khắc họa trong đoạn trích trên là: Dì Hảo. Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất (người kể chuyện xưng tôi). Câu 3. Người chồng của dì Hảo được miêu tả là người không yêu thương vợ; khinh vợ, lười biếng, ăn bám vợ, nghiện rượu, vũ phu, vô tâm. Câu 4. Những chi tiết kể về cuộc đời bất hạnh của dì Hảo: Lấy phải người chồng lười biếng, vô tâm, một mình phải bươn trải kiếm sống: - Người ấy không yêu dì; - Người ấy chẳng yêu dì Hảo đâu. Mà lại còn khinh dì là khác nữa; - Dì làm mà nuôi hắn; - Hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Mất con, bản thân bị què liệt: Đứa con chết, mà dì thì tê liệt.. Câu 5. - Điểm nhìn từ người kể chuyện có sự chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật dì Hảo: Từ nhân vật "tôi" chúng kiến câu chuyện về dì Hảo và kể lại, điểm nhìn có sự chuyển dịch sang nhân vật dì Hảo ở những chi tiết miêu tả tâm lí nhân vật dì Hảo: Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. - Tác dụng của sự chuyển dịch điểm nhìn: Giúp cảm xúc của nhân vật được bộc lộ một cách chân thực hơn; câu chuyện thêm linh hoạt, nhiều giọng điệu đan xen, phong phú biến hóa, tăng tính hấp dẫn. Câu 6. - Đề tài: Người phụ nữ nghèo trong xã hội cũ; - Chủ đề chính: Số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ; - Chủ đề phụ: Phê phán những người chồng vô tâm, tán ác. Câu 7. Đoạn trích kể lại những bất hạnh trong cuộc đời dì Hảo, qua đó nhà văn thể hiện thái độ cảm thông, thương xót đối với nhân vật dì Hảo. Câu 8. Không đồng tình với thái độ cam chịu, nhẫn nhịn của dì Hảo đối với chồng. Vì: Ai cũng có quyền sống, quyền hạnh phúc, cần phải biết đấu tranh để cuộc sống của bản thân không phải chịu thiệt thòi một cách vô lý. Một người chồng vô tâm, lười biếng không xứng đáng để người phụ nữ phải hi sinh, không đáng phải cam chịu làm thân trâu ngựa phục dịch cho hắn. Cam chịu, nhẫn nhịn một cách vô lý như dì Hảo chỉ là thái độ sống tiêu cực, nạn nhân của những hủ tục cũ. Xem tiếp bên dưới
Dàn ý phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật đoạn trích "Dì Hảo" Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích. Nam Cao từng viết: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nén là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than..". Ý kiến này xứng đáng là một tuyên ngôn nghệ thuật của trường phái hiện thực. Với quan niệm sáng tác ấy, Nam Cao đã đi sâu vào cuộc sống khốn cùng, lay lắt của biết bao kiếp người - nạn nhân của xã hội cũ mà viết lên những trang văn đẫm nước mắt. "Dì Hảo" là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao phản ánh một cách chân thực, cảm động tình cảnh đói khổ cùng cực của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Đoạn trích sau giúp người đọc hiểu được phần nào góc nhìn hiện thực ấy qua bi kịch cuộc đời dì Hảo: "Đứa con chết, mà dì thì tê liệt [...] Và rất nhiều lời than thở." Thân bài: - Giới thiệu đôi nét về nhà văn Nam Cao và tác phẩm "Dì Hảo" : Nam Cao là một trong số những cây bút hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt Nam bởi tư tưởng hiện đại cùng phong cách nghệ thuật độc đáo. Sự nghiệp cầm bút không quá dài song các tác phẩm ông để lại đã trở thành tượng đài bất hủ đối với văn chương nước nhà. Những trang văn Nam Cao luôn ngời sáng các giá trị nhân đạo cao đẹp. Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của ông đã trở thành ngọn đuốc dẫn đường lý tưởng nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. "Dì Hảo" là truyện ngắn viết về đề tài người nông dân. Đây là đề tài quen thuộc của dòng văn học hiện thực phê phán với hàng loạt các tác phẩm tiêu biểu: "Tắt đèn" - Ngô Tất Tố; "Bước đường cùng" - Nguyễn Công Hoan; "Sống chết mặc bay" - Phạm Duy Tốn.. Nhưng với phong cách sáng tác độc đáo, "Dì Hảo" của Nam Cao vẫn để lại dấu ấn riêng. - Phân tích, đánh giá nội dung: + Truyện phản ánh bi kịch nghèo khổ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Bi kịch đã được Nam Cao đề cập đến qua hàng loạt các tác phẩm cùng đề tài: Lão Hạc, Chí Phèo, Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó.. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là dì Hảo. Cuộc đời dì là một chuỗi các bi kịch. Người chồng những tưởng là chỗ tựa nương, thì chỉ là một kẻ ăn bám vợ. Dì gồng lưng gánh vác cả gia đình. Với người đàn ông, trách nhiệm đó đã không dễ dàng gì, với người phụ nữ buôn thúng bán mẹt, buôn chín bán mười thì lại càng cực khổ hơn. Dì không chỉ bị bóc lột sức lao động, dì còn phải gành chịu nỗi đau tinh thần: Nỗi đau mà chỉ những người phụ nữ rơi vào cảnh có chồng lười biếng nhậu nhẹt mới hiểu thấu hết. Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Dì rơi vào bi kịch tiếp theo: Mất con. Đứa con là tất cả của người mẹ, vậy mà dì không giữ nổi tính mạng cho con. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau phải lìa xa đứa con dứt ruột của mình? Mọi nỗi thống khổ cứ như cùng một lúc đổ lên thân hình mảnh mai của dì. Dì bị "què liệt" sau khi sinh con. Nỗi đau nọ chồng chất lên nỗi đau kia. Một người là trụ cột gia đình, bây giờ ăn nằm một chỗ, không thể làm gì, không thể kiếm ra tiền - thử hỏi điều gì tiếp theo sẽ xảy đến với dì? Người chồng quen ăn bám, giờ phải bớt cả cơm, cả rượu tức thì sinh bất mãn, hắn chửi đời, chửi mình, rồi cuối cùng chửi vợ.. Dì Hảo không thể tìm thấy trong ngôi nhà ấy bất cứ một sự sẻ chia. Dì cô đơn trong chính bi kịch của mình. Cuộc đời bất hạnh của dì Hảo cũng chính là cuộc đời của biết bao người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhân vật người bà (mẹ của dì Hảo) xuất hiện cuối đoạn trích chẳng phải cũng là nạn nhân của cảnh cơ hàn đó sao? Người mẹ ấy thương con mà đâu có thể mang đến cho con được điều gì ngoài một xu quà và rất nhiều nước mắt? + Bên cạnh góc nhìn hiện thực, truyện còn ca ngợi vẻ đẹp của dì Hảo: Một người phụ nữ tần tảo, đảm đang. Đó cũng là người vợ, người con giàu lòng vị tha, bao dung. Dì bị chồng đối xử tệ bạc, nhưng dì đâu than trách nửa lời, cũng như dì chẳng bao giờ trách người mẹ nghèo khổ của mình chẳng thể chu cấp gì cho dì trong lúc dì nguy nan. Nhưng dì càng bao dung, vị tha, ta càng thấy thương xót cho dì, một người phụ nữ đẹp nết như vậy mà số phận quá hẩm hiu. Phải chăng, đó cũng là cái nhìn đầy thương cảm của nhà văn dành cho nhân vật của mình? + Từ bi kịch của nhân vật, truyện phê phán các thế lực tàn ác trong xã hội đã chà đạp lên thân phận con người. Hình ảnh người chồng trong đoạn trích trên là đại diện cho những thế lực xấu xa đó. Chính vì những kẻ như anh ta mà cuộc đời người phụ nữ chất chồng bi kịch. + Liên hệ so sánh: Với nhân vật chị Dậu (Tắt đèn), Mịch (Giông tố).. + Đánh giá: Như vậy, đoạn trích không chỉ giàu giá trị hiện thực, mang đến một góc nhìn chân thật về tình cảnh của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám mà còn giàu giá trị nhân đạo. - Phân tích, đánh giá nghệ thuật: + Cốt truyện đơn giản mà hấp dẫn; giọng kể lạnh lùng, khách quan mà đầy cảm thương, chua xót; ngôi kể thứ nhất chân thật, khách quan; nghệ thuật xây dựng nhân vật sắc nét; ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, pha chút giễu nhại, bông đùa.. Kết luận: Đoạn trích khẳng định thành công của Nam Cao trong xây dựng cốt truyện, khai thác đề tài người phụ nữ nông dân cũng như cách kể chuyện lôi cuốn. Đoạn trích mang đến thông điệp sâu sắc, khơi gợi sự đồng cảm của người đọc đối với số phận con người..