Đọc hiểu: Chén trà trong sương sớm - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 7 Tháng tám 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Chén trà trong sương sớm - Nguyễn Tuân

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6:

    Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quì. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, người thợ Tàu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòng tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cốt tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.

    Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi hay không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai. Từ trên bề cao gỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.

    Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức trà đạo như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai cái ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực. Bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi, người ta luôn tay có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.

    Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tàu nhiều đến thế. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.

    Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí.

    (Trích Chén trà trong sương sớm, Nguyễn Tuân)

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

    Câu 2. Nhân vật chính trong đoạn trích là ai? Đoạn trích miêu tả sở thích gì của nhân vật?

    Câu 3. Để chỉ cùng một đối tượng là cái ấm pha trà, nhà văn đã dùng nhiều cách gọi: cái ấm con chuyên trà, chiếc ấm màu đỏ da chu, ấm, cái ấm độc ẩm, cái ấm trà tầu . Em có nhận xét gì về ngôn ngữ Nguyễn Tuân qua những cách gọi đó?

    Câu 4. Nhận xét về sự tài hoa của nhân vật cụ Ấm trong đoạn trích trên; sự tài hoa đó được thể hiện qua những chi tiết nào?

    Câu 5. Theo em, điểm tương đồng giữa nhân vật cụ Ấm và nhân vật Huấn Cao trong "Chữ người tử tù" là gì? Qua đó, hãy nhận xét về cách tiếp cận con người của Nguyễn Tuân?

    Câu 6. Từ nội dung đoạn trích, hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải gìn giữ những nét đẹp bình dị trong cuộc sống con người.

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.

    - Xác định phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật

    Câu 2.

    - Nhân vật chính trong đoạn trích là cụ Ấm

    - Đoạn trích miêu tả sở thích pha trà, thưởng trà của nhân vật.

    Câu 3. Để chỉ cùng một đối tượng là cái ấm pha trà, nhà văn đã dùng nhiều cách gọi: cái ấm con chuyên trà, chiếc ấm màu đỏ da chu, ấm, cái ấm độc ẩm, cái ấm trà tầu . Qua đó cho thấy, ngôn ngữ của Nguyễn Tuân giàu có, phong phú. Cùng một sự vật, ông luôn tỉ mỉ, công phu tìm những cách gọi, cách diễn đạt khác nhau, không trùng lặp.

    Câu 4.

    - Nhận xét về sự tài hoa của nhân vật cụ Ấm trong đoạn trích trên:

    + Sự am hiểu nghệ thuật trà đạo;

    + Thái độ nâng niu các vật dụng pha trà;

    + Sự công phu, cầu kì mang tính lễ nghi trong cách pha trà;

    + Phong thái ung dung, lịch lãm khi pha trà.

    - Sự tài hoa đó được thể hiện qua những chi tiết như:

    + Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quì.

    +Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay.

    + Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn.

    + Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn.

    Và nhiều chi tiết khác..

    Câu 5.

    - Điểm tương đồng giữa nhân vật cụ Ấm và nhân vật Huấn Cao trong "Chữ người tử tù" là:

    + Cụ Ấm và Huấn Cao đều có những sở thích thanh cao, tao nhã: Cụ Ấm thích pha trà, thưởng trà và Huấn Cao thích chơi chữ;

    + Cụ Ấm và Huấn Cao đều có phong thái ung dung, nghệ sĩ: Cụ Ấm là nghệ sĩ trong nghệ thuật trà đạo; Huấn Cao là nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp.

    - Cách tiếp cận con người của Nguyễn Tuân: Nguyễn Tuân tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Đây là cách tiếp cận độc đáo, thể hiện sự thống nhất trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: Say mê cái đẹp, khát khao khám phá cái đẹp..

    Câu 6. Đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải gìn giữ những nét đẹp bình dị trong cuộc sống con người.

    Bạn đã từng ngắm một nhành hoa ngoài hiên? Bạn đã từng say sưa đọc sách bên cửa sổ? Cảm giác thật tuyệt phải không? Niềm vui đâu cần gì lớn lao, niềm vui có trong những điều giản dị thường ngày. Vậy nên, gìn giữ những nét đẹp bình dị trong cuộc sống là điều cần thiết để cuộc sống thêm đẹp. Nét đẹp bình dị ấy là những thói quen, những việc làm.. nhỏ bé. Nét đẹp hiện hữu trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, trong cách ứng xử giữa người với người, trong những việc làm tình nghĩa. Như trong đoạn trích trên là nét đẹp của văn hóa trà đạo. Cần thiết phải gìn giữ nét đẹp bình dị trong cuộc sống bởi đã là cái đẹp thì đều đáng trân trọng. Nhiều nét đẹp bình dị sẽ làm nên vẻ đẹp bền vững, lớn lao, giống như hương sắc của mỗi bông hoa sẽ làm nên sự rực rỡ, nồng nàn của cả vườn hoa.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tư 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

    Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quì. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, người thợ Tàu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòng tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cốt tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.

    Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi hay không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai. Từ trên bề cao gỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.

    Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức trà đạo như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai cái ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực. Bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi, người ta luôn tay có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.

    Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tàu nhiều đến thế. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.

    Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí.

    (Trích Chén trà trong sương sớm, Nguyễn Tuân)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Liệt kê các từ ngữ thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng của cụ Ấm đối với các vật dụng pha trà.

    Câu 3. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Em hiểu chữ "công phu" trong câu văn trên như thế nào? Sự công phu ấy thể hiện qua nhân vật cụ Ấm ra sao?

    Câu 4 . Em hiểu như thế nào về ý nghĩa câu văn: Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí.

    Câu 5. Nêu 02 đặc điểm về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện trong đoạn trích trên.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự

    Câu 2. Các từ ngữ thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng của cụ Ấm đối với các vật dụng pha trà: Khẽ nâng, nhẹ nhàng, khoan thai, kềnh càng, ngắm nghía..

    Câu 3. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu.

    - Chữ công phu trong câu văn trên có nghĩa là cẩn thận, tie mỉ, chu đáo, đặt hết tâm trí vào công việc khiến công việc hoàn thành tốt nhất.

    - Sự công phu ấy thể hiện qua nhân vật cụ Ấm:

    + Cách cụ nâng niu các đồ vật trước khi pha trà

    + Cách cụ thử nước sôi: Rót nước xuống đất, nghe tiếng kêu lộp bộp là nước thực sôi

    + Cách cụ đặt thêm ấm đồng lên hỏa lò để luôn có ngay một ấm nước sôi đủ độ để pha.

    Câu 4 . Ý nghĩa câu văn: Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí.

    Ấm trà pha ngon là ấm trà pha bằng cả tâm ý và sự công phu, tỉ mỉ của người pha nên không chỉ có vị ngon của trà mà còn chứa đựng trong đó nhứng điều thi vị, đẹp đẽ, những cảm xúc và nét tài hoa (mùi thơ) cũng như những triết lí sống, quan niệm sống nhân sinh đúng đắn. Người uống trà tinh ý sẽ nhận ra những điều đó.

    Qua câu văn, Nguyễn Tuân muốn đề cao nét đẹp văn hóa của nghệ thuật trà đạo.

    Câu 5. 02 đặc điểm về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện trong đoạn trích trên:

    - Nguyễn Tuân tiếp cận cuộc sống ở góc nhìn văn hóa và tiếp cận con người ở góc nhìn nghệ sĩ: Cách pha trà, uống trà của nhân vật cụ Ấm trong truyện là một nét đẹp văn hóa trà đạo, và cụ Ấm là người nghệ sĩ trong nghệ thuật pha trà mang vẻ đẹp của phong cách tài hoa.

    - Ngôn ngữ Nguyễn Tuân giàu có, phong phú. Ví dụ, để chỉ cùng một đối tượng là cái ấm pha trà, nhà văn đã dùng nhiều cách gọi: cái ấm con chuyên trà, chiếc ấm màu đỏ da chu, ấm, cái ấm độc ẩm, cái ấm trà tầu .
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng một 2023
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 3

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

    [...] sớm nào hai cha con ông Ấm chẳng dậy sớm để uống trà, cha bao giờ cũng uống trước hai chén và người con cả uống sau nhiều lắm đến ba chén là cùng. Sớm nay, cũng như lúc thỉnh thoảng của mọi ngày, cụ Ấm lại bắt người trưởng nam giở tập Cổ Văn ra bình lại cả bài "Trà Ca" của Lư Đồng. Giọng bình văn tốt quá. Điệu cổ phong trúc trắc thế mà con cụ Ấm lại còn ngâm gối hạc bắt đoạn cuối một câu trên xuống luôn đầu câu dưới, hơi ngâm trong và dài. Trông hai cha con uống nước mà y như là một đôi thày trò vào một giờ học ôn buổi sớm mai. Chuyện vãn mãi về trà tầu, ông cụ Ấm lại mang luôn cả tập "Vũ Trung Tùy Bút", giảng những đoạn công phu của tác giả - ông Quốc Tử Giám Tế Tửu Phạm Đình Hổ - chiêm nghiệm và xưng tụng về trà tầu. Rồi cụ Ấm liền than tiếc đến cái mùa thu đã đi mất rồi, để sen hồ rách hết tàn rũ hết lá.

    - Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Đốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thày học yêu như con.

    Trong gia đình cụ Ấm, hồi gần đây đã lập lại cái phong tục uống trà. Có một hồi bần bách quá, cụ Ấm đã cất hẳn bộ đồ trà vào tủ, tưởng không bao giờ được bày nó ra hằng ngày nữa.

    Nhưng trời kể cũng còn hậu đãi người hàn nho, thế nào năm nay cụ Ấm lại được mùa cả hai vụ.

    - Này cả, con lên tỉnh mua trữ lấy ít trà Lý Tú Uyên. Năm nay ta ướp thêm vài chục chai để dành. Thủy tiên nhà, năm nay gọt những một lắp đầy. Thày mua chung với cụ Kép xóm dưới! Độ mai kia thì giò hoa tách hết màng. Củ nào hoa kép thì đem ủ trà.


    (Trích Chén trà trong sương sớm, Nguyễn Tuân)​

    Câu 1. Đoạn trích miêu tả thói quen mỗi sớm của cụ Ấm là gì?

    Câu 2. Tâm hồn, phong cách nghệ sĩ của cụ Ấm thể hiện qua những chi tiết nào trong đoạn trích?

    Câu 3. Theo em, cách thưởng trà của cụ Ấm trong đoạn trích trên có phải là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ không? Vì sao?

    Câu 4. Nhận xét về tình cảm, thái độ của Nguyễn Tuân đối với nhân vật cụ Ấm và sở thích của cụ.

    Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc.

    Gợi ý đọc hiểu:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Câu 1. Đoạn trích miêu tả thói quen mỗi sớm của cụ Ấm là uống trà.

    Câu 2. Tâm hồn, phong cách nghệ sĩ của cụ Ấm thể hiện qua những chi tiết:

    - Sáng nào cụ Ấm cũng dậy uống trà, dù chỉ uống hai chén nhưng cách thức pha trà, uống trà rất cầu kì, lễ nghi;

    - Vừa uống trà, cụ vừa nghe bình văn, giảng văn

    - Câu nói của cụ với con về vị ngon của trà pha bằng nước đọng trên lá sen.

    - Cụ giục con lên tỉnh mua trữ lấy ít trà Lý Tú Uyên để về ướp với hoa thủy tiên.

    Câu 3. Cách thưởng trà của cụ Ấm trong đoạn trích trên là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ. Vì:

    - Đây là một nét đẹp thể hiện những nét độc đáo riêng biệt của văn hóa Việt (và số ít nước Đông Á) ;

    - Gìn giữ nét đẹp văn hóa này giúp con người rèn luyện tâm trí, nâng cao cảm xúc tâm hồn, giúp kết nối con người với nhau..

    Câu 4. Nhận xét về tình cảm, thái độ của Nguyễn Tuân đối với nhân vật cụ Ấm và sở thích của cụ:

    - Tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ

    - Thái độ trân trọng, ngợi ca.

    Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc.

    Viết theo các gợi ý sau:

    - Thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc về vai trò của mình trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc; có tình cảm yêu mến, trân trọng văn hóa dân tộc.

    - Học tập, tìm hiểu để nâng cao hiểu biết về nét đẹp văn hóa dân tộc.

    - Có những hành động cụ thể: Sống đúng đạo lí, pháp lí, không vi phạm những nét đẹp văn hóa truyền thống từ những việc đơn giản hàng ngày: Ăn mặc, nói năng, giao tiếp, ứng xử.. ; có những việc làm bảo tồn văn hóa dân tộc như tham gia các chương trình, các sân chơi liên quan đến văn hóa địa phương, cộng đồng; tích cực đấu tranh với những hoạt động, sản phẩm văn hóa không lành mạnh.

    - Lan tỏa trách nhiệm gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc bằng tuyên truyền và bằng chính hành động mẫu mực của bản thân.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...