Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ - Vợ nhặt - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 27 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Kim Lân sáng tác không nhiều nhưng tác phẩm nào của ông cũng rất xuất sắc. Kim Lân thường viết về người nông dân Việt Nam bằng ngôn ngữ gợi hình, mang đậm sắc thái Bắc bộ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Kim Lân là "Vợ nhặt", một truyện ngắn được viết từ ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, lấy bối cảnh nạn đói, sau được in trong tập "Con chó xấu xí" (1962). Trong truyện, người đọc nhớ mãi hình tượng bà Cụ Tứ – một trong những biểu tượng rất chân thật cho vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ Việt Nam giàu lòng nhân hậu, hết lòng lo lắng cho hạnh phúc của con.

    Trong truyện "Vợ nhặt", Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo. Trong tình cảnh đói khát khủng khiếp, người chết đói đầy đường, bản thân gia đình cụ Tứ cũng đang đói kém, sống ngụ cư, khó khăn trong việc nuôi thân. Bỗng nhiên con trai cụ - Anh Tràng lại có vợ theo không về. Tình huống con trai mình nhặt được vợ vừa lạ vừa hết sức éo le, là đầu mối cho sự phát triển của truyện. Xung quanh tình huống Tràng "nhặt vợ", hoàn cảnh, số phận và phẩm chất của nhân vật cụ Tứ được khắc họa rõ nét, tự nhiên, cảm động. Mặc dù ngạc nhiên và ngỡ ngàng nhưng bà cụ Tứ vẫn vui vẻ chấp nhận nàng dâu mới và vun vén cho hạnh phúc của con.

    Bà cụ Tứ là người nông dân nghèo khổ. Góa chồng từ thời còn trẻ, bà phải thay chồng tần tảo nuôi dạy con cái. Tuổi cao, sức yếu, bà cậy nhờ vào người con trai duy nhất với nghề kéo xe thóc cho Liên đoàn tỉnh. Cảnh nhà neo đơn, nghèo khó, hai mẹ con sống thoi thóp giữa nạn đói trong một túp lều xiêu vẹo, rúm ró ở xóm ngụ cư. Bà cụ Tứ xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, trên nền câu chuyện nhặt vợ của người con trai duy nhất. "Ngoài đầu ngõ có tiếng người hắng hó, một bà già từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào." Xuất hiện với tiếng ho hung hắng và dáng người lọng khọng từ ngoài ngõ đi vào, bà cụ Tứ đã cảm thấy có điều gì đó bất thường khi thấy Tràng chạy ra vồn vã đón mẹ: "U đã về đấy", "sao hôm nay u về muộn thế". Chi tiết chân thật khắc họa hình ảnh một bà lão già yếu, nghèo khổ và tảo tần vì con cái.

    Lúc đầu, bà lão rất ngạc nhiên. "Bà lão phấp phỏng bước theo con vào nhà, đến giữa sân, bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn". Bà lão tỏ ra ngạc nhiên đến sửng sốt, không tin vào mắt mình vì thấy sự xuất hiện của một người đàn bà lạ mặt trong nhà, lại đứng ngay ở đầu giường của Tràng. Bà không tin vào tai mình khi nghe người đàn bà chào hỏi lễ phép: "U đã về đấy ạ". Bà cụ Tứ ngạc nhiên vì nhiều lẽ: Giữa cảnh đói khát, người chết như ngả rạ, con trai bà lại xấu xí, cảnh nhà nghèo khó, làm sao Tràng dám lấy vợ. Bà cụ xót xa, buồn tủi. Khi được Tràng giới thiệu, "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!", bà cụ Tứ đã hiểu: "Bà lão cúi đầu nín lặng". Trong lòng người mẹ nghèo khổ chứa đựng bao nỗi tủi hờn và xót thương. Bà xót thương đôi trẻ lấy nhau giữa cảnh đói khát. Bà cảm thấy ân hận vì thiên chức làm mẹ chưa tròn, cảm thấy có lỗi đối với người chồng quá cố: "Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này". Bổn phận làm mẹ, bà chẳng lo nổi cho con một đám cưới, dù chỉ làm một mâm cơm báo hiếu với tổ tiên. Nỗi đau khổ ấy lặn vào trong dòng nước mắt: "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt". Bà cụ cảm thấy đau khổ vì không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Nhà văn Kim Lân đã thấu hiểu cho tâm tư và tình cảm của bà cụ Tứ nói riêng và những người mẹ nói chung.

    Bà chấp nhận con dâu. "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Con mình mới có vợ được.. Ừ, thì các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng". Bà cụ Tứ tỏ rõ sự đồng cảm, xót thương người đàn bà. "Ánh mắt của bà lúc thì đăm đăm, lúc thì trìu mến, xót thương". Chỉ cần một thoáng tự ái hay một chút ích kỉ, bà mẹ sẽ mắng mỏ con trai và xua đuổi người đàn bà xa lạ. Những lời độc thoại như những đợt sóng trào dâng trong lòng người mẹ nghèo khổ. Nhưng người mẹ nhân hậu ấy đã nhận ra lẽ đời: Trong cái rủi có cái may, bà vui đón nhận nàng dâu mới, bỏ qua mọi nghi lễ truyền thống: "Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng". Bà cụ Tứ từng trải, vị tha và yêu thương con cái. Bà dặn dò con. "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau mà làm ăn. Rồi ra may mà ông trời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá..". Người ta sống được nhờ có ăn, muốn có ăn thì phải làm. Dạy con làm ăn phải cần cù, chăm chỉ yêu lao động. Có như thế mới biết quý trọng thành quả lao động. Đó là nền tảng hạnh phúc gia đình. Điều này chứng tỏ bà cụ Tứ là một người từng trải. Bảo nhau vợ chồng phải hòa thuận. Cổ nhân từng dạy: Tiết kiệm để lập gia, cần cù để khởi gia, hòa thuận để trường gia, làm theo đạo lí để tồn gia. Bà lão đang hướng các con về tương lai tươi sáng, tạo cho các con niềm tin vào cuộc đời, thể hiện tinh thần lạc quan, tiếp thêm sức mạnh vượt qua ranh giới của cái chết. Bà cụ Tứ thương yêu và lo lắng cho các con.

    Bà vun vén hạnh phúc cho con: "Trong phút chốc, bà cụ Tứ như thấy cả cuộc đời nhọc nhằn, cay đắng của mình, của người chồng quá cố hiện lên trước mặt. Cuộc sống của đôi trẻ liệu có hơn cuộc đời bố mẹ?" Bà lo lắng cho tương lai của đôi trẻ "không biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không". Bà cụ Tứ không hề rẻ rúng người con dâu mới dù biết rằng gặp cảnh đói khát chị mới chấp nhận theo Tràng về làm vợ. Bà đón nhận người phụ nữ xa lạ bằng tấm lòng bao dung của người mẹ: "Nó bây giờ là dâu con trong nhà rồi". Bà tỏ rõ sự lo lắng: "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá". Bà tâm sự với người con dâu về gia cảnh "nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng mày liệu mà bảo nhau làm ăn". Bà phân trần với người con dâu về cảnh nhà khốn khó, không có nổi vài ba mâm cơm để báo hiếu tổ tiên, mời họ hàng, làng xóm. Người mẹ nghèo khổ nhưng thấu hiểu lẽ đời này đã dạy các con phải biết xây đắp mái nhà hạnh phúc từ tình thương yêu và sự hòa thuận. Bà cụ Tứ thắp sáng niềm tin và hi vọng cho các con. Bà dùng triết lí dân gian để động viên các con: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì con cái chúng mày về sau". Điều quan trọng để có được hạnh phúc là sự hòa thuận: "Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi". Một người mẹ có ý thức vun đắp cuộc sống và niềm tin vào sự đổi đời.

    Sáng hôm sau, bữa ăn đầu tiên có con dâu. Lúc sáng sớm: "Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời của họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn". Bà có sức sống mãnh liệt giúp các con có niềm tin, hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn. Bữa cơm ngày đói: "Giữa cái mẹt rách có độc một lùm chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo". Bữa cơm ngày đói thật thảm hại. Trên cái mẹt chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một niêu cháo loãng, một đĩa muối nhưng cả nhà đều ăn rất ngon miệng. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, bà còn bàn bạc với đôi trẻ về chuyện nuôi gà để phát triển kinh tế gia đình. Cái chái bếp, qua dự tính của người mẹ trở thành cái chuồng gà với bao hy vọng về cuộc sống tương lai sẽ khấm khá. "Bà cụ vừa ăn cơm vừa kể chuyện làm ăn.. Bà lão toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này". Chi tiết nồi chè khoán ở phần cuối tác phẩm để lại cho bạn đọc niềm xúc động sâu xa. "Niêu cháo lõng bõng đã hết. Bà mẹ thương con đã chuẩn bị một nồi chè để các con ấm bụng. Bà lễ mễ bưng nồi chè nghi ngút khói, nét mặt tươi tắn, nụ cười rạng rỡ trên môi: Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem". Bà tự tay múc bát chè đưa cho nàng dâu. Nồi chè khoán đắng chát, nghẹn bứ nhưng tình mẹ thật ngọt ngào, thơm thảo. Bà cố gắng xua đi cái không khí ảm đạm, chết chóc đang bủa vây sự sống thoi thóp của con người bằng những lời động viên, an ủi: "Xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đâu đấy". Tiếng trống thúc thuế vang lên, lòng mẹ quặn thắt những âu lo, căm hận kẻ thù: "Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế". Bà lão quay đi giấu những giọt nước mắt. Bà không nỡ phá vỡ giây phút hạnh phúc của các con. Kim Lân dường như đã thấu hiểu và nâng niu những giọt châu ấy vì khám phá tấm lòng nhân hậu, vị tha rất mực đáng quý của người mẹ quê mùa nghèo khổ. Bà có suy nghĩ mộc mạc của người dân lao động nghèo, luôn cần mẫn chăm chỉ, luôn có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Đó cũng là vẻ đẹp chung của người dân lao động Việt Nam

    "Chớ than phận khó ai ơi

    Còn da lông mọc còn chồi nảy cây" (Ca dao)​

    Diễn biến tâm trạng và hành động của cụ Tứ được nhà văn miêu tả chi tiết, tỉ mỉ, tinh tế và cảm động. Cách kể chuyện sinh động, tự nhiên, mạng đặc trưng khẩu ngữ miền Bắc bộ rất gợi hình, gợi cảm. Hình tượng bà cụ Tứ được khắc họa khá thành công với vẻ đẹp tâm hồn chân chất, mộc mạc của một người mẹ giàu lòng nhân ái, giàu đức hi sinh, hết lòng vì các con, trân trọng hạnh phúc của con. Bà cụ Tứ mang những vẻ đẹp tâm hồn, tính cách tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam giàu lòng nhân hậu, vị tha, sẵn sàng cưu mang người bất hạnh dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

    Qua tình huống liên quan đến bà cụ Tứ và câu chuyện Tràng nhặt được vợ, tác giả không chỉ tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945, mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của con người Việt Nam. Đó là ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khao khát tổ ấm gia đình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng hướng về tương lai tươi sáng. Câu chuyện về mẹ con Tràng thấm đẫm giá trị hiện thực và tính nhân văn sâu sắc.​
     
    Lee05Tôn Nữ thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...