Diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cứu A Phủ

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Tớ là Trang, 3 Tháng hai 2023.

  1. Tớ là Trang

    Bài viết:
    5
    Diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cứu A Phủ

    Thạch Lam từng nói: "Văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vùa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". "Vợ chồng A Phủ" là một trong những tác phẩm thành công nhất của Tô Hoài trích trong tập "Truyện Tây Bắc". Đặc biệt, hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm đông cởi trói cho A Phủ đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc và đó cũng chính là minh chứng rõ nhất cho câu nói: "Một tia lửa hôm nay báo hiệu một đám cháy ngày mai." (Lỗ Tấn).

    Vốn thành công với mảng viết truyện dành cho thiếu nhi, nơi đòi hỏi với một lối viết dung dị đầy chất thơ, Tô Hoài lại viết rất xuất sắc tập truyện "Truyện Tây Bắc", trong đó "Vợ chồng A Phủ" là một thiên tuyệt bút. Vào năm 1952, tác giả đã có chuyến đi thực tế đến vùng núi Tây Bắc, ở đây tác giả được sống hòa nhập với bản làng và người dân. Một năm sau đó, ông đã viết nên "Truyện Tây Bắc" như ông đã tâm sự "Tây Bắc đã để nhớ để thương trong tôi nhiều quá". Tác phẩm này ra đời như một sự đáp lại ân tình mà ông đã nhận được và "Vợ chồng A Phủ" là một phần trong đó. Đây, Tô Hoài đã tiếp xúc với biết bao con người, bao số phận, cuộc đời. Chính sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của con người nơi đây đã phả vào những trang viết của Tô Hoài, là nguồn cảm hứng chắp bước cho sự thành công của tác phẩm. Nhân vật Mị hiện lên ở vị trí trung tâm của tác phẩm, ở đó Tô Hoài tập trung vào khai thác diễn biến tâm lí, sự thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức để đi đến hành động. Dường như sự thay đổi của nhân vật Mị như một minh chứng rõ nét nhất, chân thực nhất cho câu nói của Lỗ Tấn: "Một tia lửa hôm nay báo hiệu một đám cháy ngày mai."

    Câu nói trên của Lỗ Tấn chính là hình ảnh ẩn dụ về sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của con người. Ở đâu đó trong mỗi người luôn ẩn chứa một ngọn lửa đang âm ỉ cháy, dù là nhỏ thôi nhưng đó lại là tiền đề, là điều kiện để rồi chỉ cần gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ bùng cháy lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước đây Mị vốn là một cô gái trẻ trung, yêu đời, có tài thổi sáo, nhưng rồi Mị bị bắt về làm dâu nhà thống lí, nhưng đó thực chất lại là làm trâu làm ngựa, bị hành hạ, đày đọa đến mất đi ý thức của một con người đúng nghĩa. Trong đêm tình mùa xuân, Mị như dần hồi sinh, ngọn lửa khát vọng tự do của Mị như bùng cháy lên nhưng rồi lại vụt tắt. Nhưng thực chất nó đã tạo tiền đề cho sức sống trỗi dậy mạnh mẽ sau này của Mị. Và rồi đến đêm đông ấy, Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ, Mị hồi sinh hoàn toàn, khát vọng tự do thôi thúc Mị chạy theo A Phủ, thoát khỏi thực tại đầy khổ cực. Đó là khi ngọn lửa sức sống của Mị bùng cháy lên mãnh liệt nhất.

    Tưởng chừng như, dưới mùa xuân đấy phải là hình ảnh vui tươi, tràn đầy sức sống của những cô gái tuổi đôi mươi. Nhưng không, Tô Hoài đã mượn thời khắc đẹp đẽ ấy để khơi lên sức sống tiềm tàng trong Mị, đánh thức ý thức tưởng chừng đã nguội lạnh, chết đi trong tâm hồn Mị. Tô Hoài đã vẽ lên khung cảnh mùa xuân đậm màu sắc và tươi sáng biết bao, ở đó có âm thanh của cuộc sống, âm thanh của tiếng cười, tiếng trẻ con, tiếng chó sủa và đặc biệt là tiếng sáo. Mị có biệt tài thổi sáo "có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị", âm thanh quen thuộc ấy đã ùa vào tâm trí Mị, đánh thức ký ức trong Mị. Khác với những âm thanh mà trước giờ Mị vẫn nghe thấy, giờ đây tiếng Mị nghe được là âm thanh của cuộc sống, đặc biệt là tiếng sáo, âm thanh quen thuộc ấy đã tác động đến Mị một cách mạnh mẽ. Mị uống rượu. M thanh của tiếng sáo và hơi men của rượu đưa Mị sống dậy với những kí ức ngày xưa, Mị sống trọn vẹn ở nơi đó mà không mảy may nghĩ đến thực tại đầy đau khổ.

    Tâm hồn Mị phơi phới trở lại, "Mị còn trẻ lắm. Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi.". Mị nhận thức về thực tại, Mị nhận thức được về tuổi trẻ và khát khao được tự do và rồi Mị sửa soạn đi chơi, Mị tìm đến ánh sáng. Ở đây, Tô Hoài sử dụng hàng loạt các câu văn ngắn, nhanh cùng với các động từ, có thể thấy hành động của Mị lúc này vô cùng dứt khoát, quyết liệt. Khi bị A Sử trói, lòng Mị vẫn lơ lửng theo tiếng sáo, Mị vùng bước đi. Sợi dây trói của A Sử lúc này chỉ có thể trói Mị về thể xác nhưng không thể trói buộc được tâm hồn Mị lúc này. Nhưng rồi, Mị lại nhớ đến người đàn bà đồng phận "Mị sợ quá, cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết" Mị trở về với thực tại đầy nghiệt ngã và đó cũng là hình ảnh khép lại quá trình hồi sinh lần một của Mị.

    Vậy mới thấy, trái tim của Mị không nguội lạnh hoàn toàn, đâu đó trong tâm hồn của người con gái trẻ ấy vẫn luôn âm ỉ cháy ngọn lửa của khát vọng hạnh phúc, khát vọng tự do mãnh liệt. Sự thức tỉnh của Mị ngày hôm nay là sự thức tỉnh trong tâm thức, sự hồi sinh ban đầu, tạo tiền đề cho sự trỗi dậy mạnh mẽ sau này, là "báo hiệu cho đám cháy ngày mai".

    Đến đêm đông, dưới sự tác động của hoàn cảnh, của A Phủ và hơn cả là sự tác động mạnh mẽ từ sâu bên trong con người Mị, khát khao về hạnh phúc, tự do trào dâng mãnh liệt, ngọn lửa cháy âm ỉ ngày nào đã bùng cháy lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ban đầu Mị vẫn giữ thái độ dửng dưng, thản nhiên khi thấy A Phủ bị trói, bởi Mị đã quá quen với cảnh áp bức bóc lột này rồi. Thế nhưng, khi thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị nhớ đến hoàn cảnh của mình, Mị thương mình, thương cho A Phủ. Sự đồng cảm ấy đã thôi thúc Mị, làm sống dậy trong Mị một nguồn sức mạnh. Mị quyết định cứu A Phủ, Mị cắt dây, cởi trói cho A Phủ. Hành động cắt dây cởi trói ấy cũng là lúc Mị cắt dây cởi trói cho cuộc đời của mình.

    Nhưng rồi, "Mị đứng lặng trong bóng tối", phải chăng lúc đó trong người con gái ấy đang có sự đấu tranh tâm lý vô cùng mãnh liệt. Chạy theo A Phủ để giải thoát cuộc đời mình, hay tiếp tục ở lại sống một cuộc sống làm trâu làm ngựa. Dường như lúc này trong Mị vẫn đang có một sự ràng buộc, sự ràng buộc về cường quyền và thần quyền. Và rồi Mị quyết định chạy theo A Phủ, "A Phủ, cho tôi theo với", Mị sợ chết, Mị sợ nếu Mị ở lại Mị sẽ tiếp tục phải sống trong cảnh tù đày, hành hạ ấy. Chạy theo A Phủ nhưng thực chất là Mị đang chạy trốn khỏi cái chết, cởi trói cho A Phủ nhưng thực chất là Mị đang cởi trói cho cuộc đời mình. Hành động của Mị không phải là bồng bột, đó là kết quả của cả một quá trình, trong Mị vẫn luôn âm ỉ cháy ngọn lửa của sức sống tiềm tàng, và giờ đây A Phủ chính là ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa ấy trong Mị, Mị giải cứu A Phủ và giải cứu cả cuộc đời mình. Sự thức tỉnh trong đêm tình mùa xuân, sự thức tỉnh trong nhận thức đã thôi thúc Mị sống lại hoàn toàn, Mị vượt lên mọi điều, vượt lên rào cản của cường quyền và thần quyền để chạy theo A Phủ, chạy đến với tự do để giải thoát cuộc đời mình đúng như nhận định của Lỗ Tấn: "Một tia lửa hôm nay báo hiệu một đám cháy ngày mai."

    Nếu trong đêm mùa xuân khát vọng sống của Mị nương theo tiếng sáo thì đến đến đêm đông sự thức tỉnh ấy đã bùng cháy lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, sự thức tỉnh từ tâm thức, tiềm thức đến hành động. Sự hồi sinh ấy không phải là bản năng mà nó xuất phát từ khát khao tự do, khát khao hạnh phúc. Trong đêm mùa xuân sự giải thoát của Mị chỉ trong chốc lát thì trong đêm đông giải cứu A Phủ ấy đó là sự giải thoát cho cả cuộc đời, giải thoát khỏi cuộc sống tù đày, giải thoát Mị khỏi những ngày tháng sống trong khổ nhục. Vậy mới thấy, chính đêm tình mùa xuân ấy đã tạo bước tiền đề, thúc đẩy mạnh mẽ hành động cởi trói cho A Phủ sau này, ngọn lửa âm ỉ ngày nào đã bùng cháy lên mạnh mẽ, tái sinh cuộc đời của Mị tưởng như đã chết từ bấy lâu nay. "Một tia lửa hôm nay báo hiệu một đám cháy ngày mai.", tia lửa của đêm tình mùa xuân ấy báo hiệu cho sức sống của Mị đã dần hồi sinh, và rồi khi cơn gió của A Phủ thổi đến đã thúc đẩy nó bùng cháy lên mạnh liệt, thúc đẩy hành động giải cứu người, giải cứu mình.

    Ở đây người đọc có thể cảm nhận rõ tài năng của Tô Hoài trong cách xây dựng diễn biến tâm lí nhân vật vô cùng khéo léo và hợp lý, cùng với đó là cách sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và gần gũi vô cùng. Đọc hai đoạn văn người đọc có thể nhận thấy rõ sự chuyển biến trong tâm lý của Mị, một sự chuyển biến vô cùng tích cực, một sự mở đường, mở ra lối thoát cho nhân vật. Không giống như Nam Cao hay Ngô Tất Tố đưa nhân vật đến bước đường cùng, Tô Hoài có cái nhìn mới hơn, sáng hơn, nhà văn mở đường cho nhân vật tìm đến hạnh phúc, tìm đến tự do như một cách giải thoát cho cuộc đời họ. Đó cũng là bởi, khi "Vợ chồng A Phủ" được sáng tác, Tô Hoài đã được giác ngộ với lý tưởng của Cách Mạng, con người đã tìm ra lối đi, tìm ra lối giải thoát cho cuộc đời mình. Qua tác phẩm Tô Hoài cũng muốn gửi gắm niềm tin vào con người, niềm tin vào khả năng tìm đến tự do, vượt qua mọi rào cản để tìm đến hạnh phúc.

    "Một tia lửa hôm nay báo hiệu một đám cháy ngày mai" - Câu nói của Lỗ Tấn quả thật rất đúng đắn. Sức sống tiềm tàng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Mị đã khiến người đọc có niềm tin mãnh liệt hơn vào con người, vào sức mạnh của trái tim khao khát tình yêu, khao khát tự do cháy bỏng. Có nhà phê bình văn học đã nói rằng: "Văn học nằm ngoài sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết." Cho đến bây giờ, "Vợ chồng A Phủ" vẫn luôn giữ được sức sống, tác động mạnh mẽ đến người đọc bởi sức sống tiềm tàng của Mị đã thổi hơi ấm vào đó và giữ mãi cho đến mai này.
     
    Annh Anh, Thanh Xuânnphtriuuu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...