Truyện Ngắn Đẻ Thuê - Nguyễn Thị Thanh Hòa

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cute pikachu, 30 Tháng một 2022.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Truyện ngắn: Đẻ thuê

    Tác giả: Vũ Thị Thanh Hòa

    Chủ đề: Tình cảm gia đình

    Bao trùm lên ngôi nhà là một không khí nặng nề đến ngột ngạt. Mọi người luôn canh cánh trong lòng một nỗi bất an. Nỗi bất an cứ lớn dần lên, rối ren đến ngộp thở. Chẳng còn cách nào tháo gỡ. Dạo này, cứ dăm ba ngày lại có chiếc xe chở đám người bặm trợn ghé thăm. Hai người đàn bà, hai đứa trẻ mỗi lần như thế lại dúm dó đến tội nghiệp. Những câu dọa nạt, chửi bới tục tằn, thô bỉ được văng ra từ những kẻ lạ hoắc huơ. Trong đám ấy người ta nhận ra có kẻ là tay chuyên đòi nợ thuê người bên thị trấn.

    Những kẻ mang thân hình lực lưỡng, xăm trổ, râu ria rậm rạp vận những bộ áo quần bụi bặm. Chúng bước xuống từ chiếc xe 12 chỗ mà dẫu có nói đến vài lần chị cũng chẳng nhớ tên của nó là gì. Chỉ biết nó có màu đen ngòm, giống như những cặp kính mà chúng vẫn mang. Mỗi lần lên hay xuống, cánh cửa xe đóng cái rầm lại như một nỗi hằn học. Gã to béo bao giờ cũng ra sau cùng, khệnh khạng bước vào nhà đưa mắt lơ láo nhìn quanh. Lũ đàn em mã tấu theo sau. Lần này trong nhà chẳng còn gì đáng giá để chúng chất lên xe nữa. Những vật dụng có thể dùng được đã bị chúng khuân đi từ bữa trước. Cái hòm thóc chúng vét đi giờ chẳng còn hột nào. Mấy bữa nay chị phải vác giá đi vay của bà con họ hàng, nhưng bao gạo thì phải gửi nhờ ở bên hàng xóm. Chị đã dặn con mỗi bữa phải đong dè để còn dành đủ cho cả tháng.

    – Tao nhắc lại, nó có trốn đằng trời cũng không thoát được đâu. Khôn hồn thì lo mà gom tiền trả nợ. Bằng không thì cái nhà này sẽ bị san bằng như bức tường bao kia. Một viên gạch cũng chẳng còn đâu nhé. Nói gì đến thờ với chả cúng!

    Lũ đàn em đọc được ngay ý nghĩ trong ánh mắt ti hí của gã đầu xỏ có tên Phi Sơn. Choang. Trong nháy mắt chúng đưa thanh mã tấu gạt ngang một cái, mấy cái bát hương bay lên rồi vỡ vụn, rơi xuống nền nhà. Tàn nhang và chân hương tung tóe, vung vãi. Cái Mũn khóc ré lên rồi ôm chặt thằng em. Bà mẹ chồng thường ngày lóng ngóng vụng về, chẳng mấy khi nói năng là thế bỗng dưng đứng phắt dậy lao người về phía lũ mặt ngựa đầu trâu, cào cấu khóc la. Bớ bà con. Chúng nó đến nhà càn phá hương hỏa ba đời tổ tiên nhà tôi rồi. Lũ khốn kiếp. Tao liều với bọn bay. Bốp. Cái tát như trời giáng từ bàn tay hộ pháp lông lá túa xua khiến bà mẹ chồng lảo đảo, đổ ập xuống. Người đàn bà gầy gò vẫn thường bị những cơn đau dạ dày hành hạ, mỗi bữa chỉ được miệng vơi bát cơm ấy sức đâu mà chịu nổi bỗng lăn ra bất tỉnh. Một vệt máu đỏ lòm tứa ra từ khóe miệng. Hàng xóm đã nghe thấy tiếng kêu của bà, có người chỉ dám mở cửa sổ hé mắt nhìn qua chứ không một ai dám chạy sang. Ai lại dại gì dây vào bọn xã hội đen để bị vạ lây? Phải đợi cho đến khi tiếng xe lùi xa người ta mới hò nhau vực bà dậy, cùng chị gọi xe cấp cứu. Hỏi vay tạm ít tiền của mấy người hàng xóm, chị vội theo xe.

    Nồi cơm đánh chầng. Hai đứa trẻ nhặt nhạnh những chiếc bát cái lành cái mẻ xếp vào trong mâm, gạt nước mắt nhai những miếng cơm trệu trạo. Bụng đói lả nhưng chúng không tài nào nuốt nổi. Đứa lớn xúc cho đứa bé, thêm mỗi thìa một cọng rau. Và vài miếng, chúng múc bát nước rau húp cái soạt rồi buông đũa. Chợt nhớ ra còn con gà nằm ấp trong cái ổ mẹ nó mang giấu ở sau đống rơm, con Mũn vét những hạt cơm cuối cùng còn lại trong bát đang ăn dở của bà và mẹ rồi mang ra sau nhà. Đi qua cái chuồng gà đã bị phá tanh bành, đàn lợn mới đẻ cũng bị chúng bắt mang theo từ tuần trước, con Mũn không khỏi chạnh lòng. Mới cách đây không lâu, mẹ nó còn hứa khi nào bán mấy con lợn sẽ mua cho nó chiếc xe đạp điện để năm tới đi học trường huyện, đường xa nắng nôi khỏi mệt. Trước khi đưa bà đi bệnh viện mẹ nó đã dặn kỹ, ở nhà phải ngoan, chịu khó cơm nước. Hai chị em nhớ ăn cho đủ bữa. Rồi mẹ sẽ đảo về thăm. Vài hôm rồi bà được về.

    * * *

    Hắn sốt ruột giật phắt cái "cục gạch" trên tay chị nói như cướp lời. Giá đúng hai trăm. Nếu được thì mang người đến làm hợp đồng. Còn dưới nữa thì miễn bàn. Khỏi lôi thôi nói nhiều thêm mệt. Mái nhà này thì yên tâm. Hoàn toàn khỏe mạnh. Đẻ ở trạm xá cũng xong chẳng phải huyện, tỉnh gì hết. Nhà này ấy à? Hai đứa kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Hai lần đẻ sòn sòn có biết siêu âm siêu iếc là gì thế mà vẫn đâu ra đấy. Một trai một gái. Hớ hớ. Chẳng biết ở đội xây dựng của hắn ai giới thiệu mà hắn có được mánh lới này. Nói xong một hồi hắn ném tạch cái "cục gạch" lên bàn lừ lừ nhìn chị. Thôi! Còn khóc lóc cái nỗi gì. Ngồi đần cái mặt ra đấy thì tự nhiên tiền nó mọc chân nó chạy đến ngay à? Đến nước này thì chỉ còn tính cách đấy chứ biết làm sao. Nếu không vì cái nhà này thì tôi cũng chẳng đến đận lăn lộn đến nỗi phải liều vài phen. Chỉ tại cái số thằng này đen đủi thôi. Chứ không thì.. Nhục ơi là nhục! Nói xong hắn dốc ngược chai rượu tu ừng ực một hơi. Cái chai rượu mỗi lần hắn sai con đi mua chỉ chừng độ chục ngàn vừa được có lưng ngày là hết, vậy là nhiều khi hắn toàn phải uống dè. Có lúc buồn thấu xương hắn tìm đến rượu, chẳng còn nổi một giọt ướt môi. Hắn tức giận lẳng chai vào góc nhà. Những mảnh vỡ văng ra cứa vào lòng chị những thanh âm nhức nhối ghê rợn.

    – Đ, m. Thằng này mà có thứ bằng cái lá mít ấy thì cũng nhận làm việc đó luôn rồi. Chẳng cần phải chờ đến con mẹ mày nhé. Ăn không ngồi rồi chín tháng, đeo thêm vào người có chục cân, nặng thêm một tí có vất vả gì mà lại kiếm ra bộn tiền như thế còn không muốn thì muốn gì nữa. Chúng mày rặt một lũ ăn hại. Biến hết cho tao. Tưởng tao sung sướng lắm à.

    Chị cười chua chát nước mắt lưng tròng. Đã đến đận mất sạch nhà cửa, phải bỏ quê dắt díu nhau lên thành phố, lăn lóc ở cái xóm cửu vạn này. Ngày ngày chường mặt ra cái chợ người đeo biển "người tìm việc", gặp ai thuê gì làm nấy để có tiền sống qua ngày. Còn sung sướng với ai. Sao cái lúc tìm đến với nhân tình, lúc quấn quýt lăn lộn sung sướng đê mê với ả Hồng hắn lại chẳng nghĩ sẽ phải đến lúc này. Hai nhà chuyển ra xóm mới cùng lập trang trại, đào đầm nuôi tôm thả cá cùng ngày, lại ở sát gần nhau. Mỗi khi nhà nào đến kỳ thu hoạch đều chạy sang hộ nhau, kéo lưới, bắt cá đỡ đần. Nhà ả Hồng hay nhà chị liên hoan làm cơm thợ, có chai bia, chén rượu, có miếng ăn ngon đều mời vợ chồng con cái đôi bên sang chung vui. Hai bên tình nghĩa láng giềng, thân thiết chẳng khác nào như ruột rà máu mủ đến xóm làng đều ngợi khen. Chị sống vô tư nên chẳng chút mảy may nghi ngờ. Ai dè chính những lần như thế họ đã chim chuột với nhau từ lúc nào không hay. Hình như nhận thấy sự đổi thay của vợ từ trước, gã hàng xóm đã cất công theo dõi. Hôm bắt được quả tang mụ vợ lẳng lơ của mình đang trần như nhộng bên hắn ở khóm chuối cuối vườn, gã hàng xóm đã chìa sẵn cái giấy vay nợ ép cho hắn ký với số tiền lên đến trăm triệu. Nếu không clip gã quay lén sẽ được tung ra cho cả làng biết. Hắn chết đứng trân trối nhìn số tiền quá lớn nhưng cũng chẳng thể làm gì được hơn vì bên cạnh gã hàng xóm lúc ấy còn có mấy thằng anh em, bạn bè của gã chứng kiến. Tưởng thế đã xong chuyện, nhưng không. Nửa tháng sau ngày gã hàng xóm cùng gia đình chuyển vào làng, bán trang trại đi thì tôm dưới đầm, lợn trong chuồng nhà chị lăn ra chết sạch. Bao nhiêu công sức tiền của vừa đầu tư thế là mất trắng mà số tiền đi vay lãi để mua giống và xây chuồng trại vẫn còn nóng hổi. Biết là gã hàng xóm ủ mưu nhưng không có chứng cứ nên đành chịu. Lãi mẹ đẻ lãi con đến gần hai tỷ đồng. Kinh tế suy sụp, càng đầu tư lại càng thua lỗ, không còn có khả năng chi trả. Hắn phải bỏ trốn. Sau cái đận ở bệnh viện về, bà mẹ chồng lâm bệnh nặng rồi qua đời. Sau thì bị xã hội đen đến ép giá, phải bán nhà bán trang trại giá rẻ cho chúng. Một đêm hắn ở đâu mò về nhà anh trai dắt theo cả vợ con cùng bỏ trốn lên đây. Hắn bảo thành phố nhộn nhịp sẽ chẳng ai có thể tìm được thay vì vào trong Nam nhờ mấy bà con họ hàng đang làm kinh tế ở trong đó cưu mang. Xã hội đen chúng sẽ chẳng nghĩ ra ngay à? Ngày thì có việc ngày không. Hôm thì có người thuê về dọn nhà, chuyển đồ, hôm thì có người mướn nhặt cỏ trồng hoa, chăm sóc người ốm. Có bữa chị phải trong vai người khóc thuê. Đám tang của ông bố một cán bộ mà rặt toàn những người cửu vạn như chị được gọi đến chỉ để nhỏ những giọt nước mắt thương vay, khóc mướn. Những anh em họ hàng đưa tang mà người nào cũng dửng dưng như trước quan tài của người xa lạ. Thành phố có nhiều điều khiến chị tò mò và ngạc nhiên. Làm cửu vạn được dăm bữa nửa tháng hắn đi theo đám thợ xây phụ vữa cho công trình.

    * * *

    Chị ngồi sau xe ôm tìm đến địa chỉ của người phụ nữ tên Yến như đã giao hẹn. Đó là ngôi nhà 4 tầng khang trang tiện nghi nằm trong một ngõ hẻm. Phòng khách treo khá nhiều những tấm ảnh của các bé gái, bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh cùng những bức ảnh gia đình tràn trề hạnh phúc. Đang đi ngoài đường ngột ngạt oi bức là thế vừa bước vào phòng không khí mát lạnh từ chiếc máy điều hòa phả ra làm chị tỉnh cả người. Thị Yến, bà chủ môi giới sau khi rót nước mời khách, ăn bánh với những câu chuyện trò xã giao, chị ta liến thoắng kể đã làm công việc này được hơn chục năm trời. Đa số các ca đẻ thuê đều thành công, trót lọt. Thời gian chờ đợi làm chị căng thẳng. Một khoản tiền không nhỏ. Liệu mọi việc có được suôn sẻ? Chị đưa mắt ngắm nhìn kỹ căn phòng. Lọ hoa ly tươi tắn làm cho căn phòng sinh động. Bộ ấm chè gốm sứ có những đường hoa văn tinh tế với những họa tiết nhỏ điểm tô. Chiếc ti vi cỡ lớn đang phát bộ phim "Người phán xử". Đôi lọ bình gốm. Những chai rượu ngoại trong tủ.. Trong phút chốc chị bỗng quên bẵng mình đến đây để làm gì. Người phụ nữ tên Lành, người đàn bà hiếm muộn bỗng xuất hiện trước cửa với nụ cười đon đả:

    – Chị là Thu phải không?

    Chị gật đầu hồi hộp vuốt lại vài sợi tóc lòa xòa phía trước mặt rồi tiện tay búi gọn nó lên như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để làm một công việc gì nặng nhọc quá sức mình. Thị Lành nhìn chị trong dáng vẻ thật thà mộc mạc, chất phác thì có vẻ hài lòng. Chị chưa kịp nói gì Thị Lành đã lên tiếng trước:

    – Ta vào chủ đề chính nhé. Chị giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ trả tương xứng với công lao của chị. Nhưng sau khi có kết quả chúng tôi sẽ đón chị đến đây để tiện bề chăm sóc.

    – Nghĩa là sao?

    – Mọi khoản thăm, khám sức khỏe và khoản bồi dưỡng thai nhi là do chúng tôi lo liệu để có chế độ dinh dưỡng đảm bảo. Chị không phải lo gì cả. Khoản thù lao chị được nhận riêng, được chia làm 3 đợt. Không thiếu một đồng.

    – Nhưng còn việc cơm nước và giặt giũ ở nhà. Còn chồng con tôi..

    – Chuyện nhỏ. Chúng tôi cũng đã thử vài bận tìm người nhưng không thành công. Lần này muốn xin trứng của chị cho chắc chắn. Tất nhiên, giá cả sẽ tăng gấp rưỡi so với bình thường.

    – Bằng cách nào? Tôi phải quan hệ với chồng chị à? Tuyệt đối là không được. Như thế chẳng phải là ngoại tình sao?

    – Không! Sẽ có sự can thiệp bằng y học. Là thụ tinh trong ống nghiệm. Chị hiểu chứ?

    Chị thót người. Như vậy khác nào là con của chị rồi. Nhưng chị lại có con với người đàn ông mà chưa hề quen biết. Không phải là chồng. Chị rùng mình.

    – Chị nghĩ đến những điều lớn lao hơn xem nào. Chị cũng đang rất cần một món tiền lớn để trả nợ phải không? Và chúng tôi muốn chị ở lại đây tránh việc riêng tư của gia đình làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

    Chị giật mình. Vậy ra họ đã nắm được hoàn cảnh của chị. Chị sẽ phải ở lại đây trong cảnh tù túng như giam lỏng vậy ư? Chị bật đứng dậy toan cầm cái túi bước ra phía cửa thì người phụ nữ kéo chị lại hỏi một câu khiến chị đắn đo. Chúng tôi rất cần có đứa con. Lẽ nào chị không muốn về quê sao? Chị làm thuê như thế biết bao giờ mới kiếm đủ? Việc này chị cũng coi như là một việc làm thuê đi. Mang điều đó về kể với hắn, tưởng hắn nổi khùng không cho chị ký hợp đồng. Ai dè hắn cười sằng sặc một tràng rồi phán một câu. Họ giữ mẹ mày ở lại là đúng. Mẹ mày gần tao biết đâu lại sinh cho họ đứa con lạc loài thì sao? Thế khác nào con của tôi. Khác nào tôi đi ngoại tình? Chị cự lại. Đẻ thuê thôi mà. Hắn động viên chị bằng một câu nhẹ bẫng như không.

    * * *

    Chị được đưa đi kiểm tra sức khỏe. Mọi việc khá thuận lợi và nhanh chóng vì Thị Yến lại chính là nhân viên của bệnh viện. Người ta tiêm kích trứng, chọc trứng sau đó lấy tinh trùng của chồng Thị Lành và trứng của chị mang thụ tinh trong ống nghiệm. Suốt trong thời gian đó chị cũng chưa một lần thấy người đàn ông đó xuất hiện. Mỗi lần chị thăm khám, đều có Thị Lành đưa đón. Từ lúc phôi được cấy trong người chị được Thị Lành đưa đến ngôi nhà ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Ngôi nhà có người dọn dẹp, phục vụ cơm nước hằng ngày. Nó nằm ở đâu chị cũng không được biết. Ngôi nhà ấy còn có ba bà bầu khác cũng đang trong giai đoạn chờ sinh. Lúc chị đến họ mừng rỡ vì có thêm người bầu bạn.

    Cơ thể mệt mỏi và triệu chứng của người mang thai bắt đầu rõ nét. Có điều lần này chị thấy mỏi mệt hơn nhiều so với lần sinh cái Mũn và thằng Khoai. Cũng giống như một người lao động vất vả thôi mà. Rồi sẽ ổn thôi. Chị tự an ủi mình. Cái thai ngày một lớn chị càng thêm nhớ nhà nhớ con. Hôm chị túi tắm ra đi, chị đã dặn chúng là 9 tháng nữa chị về. Hai đứa ôm chặt mẹ nức nở. Sao mẹ đi lâu thế? Dài bằng cả một năm học của con còn gì. Bữa nay cái Mũn thằng Khoai ăn mấy bát cơm? Nó rửa bát có sẩy tay làm sứt mẻ cái nào không? Có chịu khó học hành không? Học phí bố nó có đóng nộp đầy đủ không hay là lại để cô giáo gửi giấy về nhà? Chị biết, học phí, tiền mua bút vở cho con thì hắn có thể không nhớ nhưng chả bữa nào hắn quên được rượu. Bữa trước chị nằm mơ thấy bố chúng say khướt từ quán phở ngoài đầu ngõ loạng choạng say về. Cái Mũn thằng Khoai đứa đang bận nhặt rau, đứa bận gầy lò bắc bếp. Soạt. Không kịp pha cốc nước đường vắt quất để cho hắn giải rượu, vớ lấy quyển sách ở bàn hắn giật tung xé tan. Bao nhiêu sách vở bị lẳng ra ngoài sân hết. Những dòng chữ, trang giấy mủn ra, ướt nhòe vì mưa gió. Hai đứa trẻ nước mắt ngắn nước mắt dài vừa sợt sệt khóc gọi mẹ, vừa đầu trần lao ra sân nhặt từng tờ giấy về. Chị ú ở gọi tên con. Tỉnh dậy thấy gối ướt đầm mà lòng tê tái.

    – Chị có thể tươi nét mặt lên được không? Khóc lóc như thế sau này đứa con của tôi ra đời nó sẽ xấu lắm. Mặt nó lúc nào cũng nhăn như con khỉ còn gì?

    Cứ cách ngày Thị Lành lại ghé qua mang đồ ăn đến. Không phải lao động chân tay nặng nhọc gì mà có lúc chị oải người đến thế. Nỗi nhớ con thường trực bủa vây làm chị chỉ cố nhai được vài miếng cơm. Bưng lên rồi lại đặt xuống. Triệu chứng nghén bắt đầu hành hạ.

    – Chị mà ăn uống thế này con tôi làm sao có đủ chất dinh dưỡng. Nó sau này còi cọc là hoàn toàn tại chị. Chị sẽ bị trừ phần trăm đấy. Chị có biết tôi tốn kém thế nào không. Con tôi không được ăn chị định đổ cho chó à?

    Hoa quả lúc nào trong tủ lạnh cũng không thiếu. Chị chỉ cần mở tủ, với tay và cầm dao gọt. Những thứ quả đắt tiền mà trước đây chị chưa từng được thưởng thức. Nào nho Mỹ, dâu tây, xoài thái, bưởi năm roi. Toàn là những đồ dán mác siêu thị. Giá mà cái Mũn thằng Khoai ở đây nhỉ. Chúng sẽ xơi ngon lành. Nhớ dạo còn ở quê, cây khế cây ổi chả mấy khi được nhìn thấy quả chín. Vì quả vừa ương ương thì hai đứa đã rủ lũ trẻ trong xóm đến vặt dần. Chị nặng nhọc đứng dậy bế bụng ra phía cửa. Ngoài trời một màu bàng bạc xam xám trôi qua ô cửa kính nhờ nhờ. Rút chiếc ngăn kéo ra, chị đưa tay lần tìm. Mới sực nhớ ra chiếc điện thoại lâu nay đã bị người ta giữ rồi. Họ sợ liên lạc với người thân sẽ làm điều gì ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch. Cũng như ngay từ đầu chị cũng không biết mặt bố đứa bé là ai, gia đình Thị Lành ở đâu nhằm tránh sự dây dưa phiền phức sau này. Họ coi chị đơn thuần chỉ là cái máy đẻ. Thì đấy, người đàn bà đang mang bầu ở phòng bên cạnh đã chả kể. Chị ta từng đẻ thuê một lần. Khi còn chưa bước chân xuống bàn đẻ thì đứa con đã bị bế đi rồi.

    * * *Giờ thì chị chỉ còn trò chuyện với chính mình. Câu chuyện của mấy người phụ nữ có cùng hoàn cảnh cũng đến hồi vãn. Chị nhìn cái thai mỗi ngày mỗi lớn mà sao thấy ngày tháng trôi qua dài như hàng thế kỷ. Đứa bé đã biết đạp. Thi thoảng nó lại trồi lên như thể muốn an ủi, chuyện trò. Chị mỉm cười xoa xoa nơi chỏm bụng. Không biết từ lúc nào chị bỗng thấy yêu quý đứa bé này. Có hôm thấy nó yên ắng hồi lâu khiến chị không khỏi lo lắng. Cò của mẹ, con đang ngủ hay thức đấy? Ngoài trời lại mưa rồi con ạ. Không biết anh Khoai chị Mũn đi học có biết đường mang áo mưa không? Sáng nay chậu hoa mười giờ của mẹ đã nở nụ đầu tiên rồi nhé. Màu gì ư? Con mở mắt lúc này là thấy ngay liền à. Ngay chỗ chếch ô cửa sang bên phải một chút. Trên cây xoài đối diện với phòng mẹ con mình ở ngay mặt đường ấy, có một tổ chim non với một bầy con, nhìn xinh vô cùng. Hôm nay chim mẹ đi kiếm ăn xa hay sao mà muộn mãi chưa thấy về con ạ.

    Vài lần chị được hộ tống đến bệnh viện khám thai, nhìn thấy cảnh vợ chồng người ta quấn túm với nụ cười hạnh phúc bên đứa trẻ sơ sinh chị chợt thấy chạnh lòng. Chị bây giờ không chỉ là ăn cho người ta mà sự thực chị đã rất muốn ăn cho đứa con của mình. Chị cố ngủ ngoan, ăn khỏe để cho đứa bé của chị được an nhiên, tốt lành. Đêm qua chị nằm mơ thấy 3 đứa trẻ nô đùa dưới gốc cây ổi trong vườn. Cái Mũn bế em nằm đưa võng còn thằng Khoai cầm bát bột bón cho em. Thằng Cò nhìn anh chị cười toét miệng.

    – Tốt lắm. Da dẻ chị sáng lên. Cân tăng và sức khỏe tốt hơn nhiều đấy. Mấy mà đến ngày sinh nở. Chị sắp được trở về với bọn trẻ rồi.

    Câu nói rất thật trong tình cảnh này của Thị Lành làm chị hốt hoảng. Chị có được nhìn thấy mặt thằng Cò không? Có được ở bên nó ngày nào không? Hay là cũng sẽ bị bắt đi mất khi chị còn đang đau đớn tênh hênh trên bàn. Chỉ ý nghĩ ấy thôi làm chị rã rời. Chị nhìn ra vòm cây. Chim mẹ đã tha mồi về đến tổ. Những con chim non vươn dài cổ, đang há mỏ hứng miếng mồi từ chim mẹ bón cho. Một trận gió quét qua. Tiếng lá cây xạc xào. Chim mẹ bật vội đôi cánh xòe rộng che cho đàn con trước khi cành củi khô nhào xuống tổ.

    * * *

    Người phụ nữ có việc xong quay trở vào, hốt hoảng chạy ngay ra dọc hành lang ngó từng phòng hỏi dồn dập. Có ai nhìn thấy thai sản tên Thu ở phòng 12 không? Có thai sản lạ nào vào phòng các bác không? Chỉ cho tôi với. Chị ta mang con của tôi đi mất rồi! Ôi giời đất ơi. Có phải cái chị có cái vết nám rất to ở bên má trái không? Mà bụng to thế còn bắt con của người khác đi được sao? Khoảng nửa tiếng trước thấy chị ta còn ở trong nhà vệ sinh cơ mà. Bệnh viện được một phen nháo nhào..

    Chiếc taxi dừng lại ở xóm trọ với những ngôi nhà thấp lè tè, tường xây bằng gạch ba banh nhiều chỗ đã thấm nước lợp bằng mái tôn màu xanh lá cỏ. Cửa vừa mở, chị đã vội vã xuống xe rồi lê những bước chân nặng nhọc về phía căn phòng cuối dãy. Nhà nào cũng đã lên đèn. Hai đứa trẻ vừa nhìn thấy mẹ thì ôm chầm lấy chị mừng mừng tủi tủi. Mẹ đừng bỏ chúng con đi nữa. Ở nhà với bố con sợ lắm. Bố toàn say xỉn thi thoảng dẫn cô Thỏa về, lại còn đánh chúng con nữa. Huhu. Cái thói trăng hoa hắn vẫn chưa chịu bỏ. Chị nhìn quanh. Giờ này mà hắn còn chưa về? Con Mũn vạch cái áo lên. Những vết roi lằn ngang quệt dọc. Thằng Khoai cũng bắt chước chị chỉ vào cánh tay của nó. Vết thương chỗ bầm tím, chỗ mới ăn da non. Chị quặn lòng xót xa. Chị đưa tay áo lau vội nước mắt cho con, vỗ về. Ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Chị vơ vội mấy bộ quần áo của bọn trẻ, cho vào một cái túi rồi kéo hai đứa đi theo. Đi. Đi với mẹ! Nhưng đi đâu ạ? Đi đến đâu thì mẹ chưa biết. Chỉ cần đi khỏi nơi này. Bốn mẹ con mình sẽ sống dựa vào nhau.

    * * *Chiếc xe vụt đi giữa cơn mưa tầm tã của phố xá với ánh đèn vàng vọt, nhập nhòa. Chị lần giở cái túi, chỉ còn đủ tiền trả taxi, mấy đồng bạc lẻ và một tờ giấy ghi sẵn địa chỉ để chị phòng đến lúc cần. Một phần ba số tiền được trả dạo trước chị gói cẩn thận, gửi lại Thị Lành đã nằm trong ý định ngay từ lúc phong thanh biết tin vợ chồng nhà đó có buôn bán ma túy. Hình ảnh những đứa thanh niên gầy gò nghiện ngập, lêu lổng ở gầm cầu làm chị thấy sợ. Thằng Cò không thể lớn lên trong môi trường đó. Chị xoa đầu hai đứa trẻ và nhìn xuống dưới bụng nở một nụ cười nhọc nhằn. Bỗng, bụng chị trồi lên với những cơn đau quặn thắt. Xe đã ra khỏi thành phố, đi qua những cánh đồng, những hàng cây chạy dài bên dòng sông đang vào đêm yên giấc. Nước ối bắt đầu túa ra. Những cơn đau liên hồi bắt đầu hành hạ.

    (2018, Vũ Thị Thanh Hòa)
     
    Thùy MinhAstrid Chan thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...