Đọc hiểu: Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết, Trích Những người đi tới biển - Thanh Thảo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Anhquaann, 8 Tháng tám 2023.

  1. Anhquaann Annquo

    Bài viết:
    228
    Đọc đoạn trích:

    Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết

    Từ túp lều lợp lá lợp tranh

    Cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm

    Bàn chân thô quanh năm bùn lấm chưa một lần ướm qua sử sách

    Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ

    Dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn thương từ cái kiến con ong

    Tím ruột bầm gan thù bọn ác

    Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người

    Là đứng theo dáng mẹ

    "Đòn gánh tre chín dạn hai vai" (1)

    Mùa hạ gió Lào quăng quật

    Mùa đông sắt se gió bấc

    Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người

    Mồ hôi vã một trời sao trên đất

    Trời sao lặn hóa thành muôn mạch nước

    Chảy âm thầm chảy dọc thời gian

    (1) Câu thơ của Nguyễn Du.

    (Trích Những người đi tới biển, Thanh Thảo, NXB Quân đội Nhân dân, 2004, tr. 53-54)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.

    Câu 2 . Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ:

    Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết

    Từ túp lều lợp lá lợp tranh

    Cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm

    Bàn chân thô quanh năm bùn lấm chưa một lần ướm qua sử sách

    Câu 3 . Nêu nội dung của hai dòng thơ:

    Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ

    Dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn

    Câu 4. Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích.

    [​IMG]

    Hướng dẫn trả lời:

    Câu 1: Đoạn trích thuộc thể thơ: Tự do.

    Câu 2: Những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó của mẹ: Túp lều, lợp lá lợp tranh, lưỡi liềm, bàn chân thô, bùn lấm.

    Câu 3: Nội dung của hai dòng thơ:

    Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ

    Dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn

    Uống nước nhớ nguồn từ lâu đã là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, là tư tưởng mà cha anh bao đời vẫn luôn dựa vào để mà tu thân dưỡng chí. Những gì mà tổ tiên để lại cho chúng ta, những gì mà chúng ta đang sở hữu và vẫn đang hưởng thụ mỗi ngày không dưng mà có, đó đều là sự đánh đổi của những người đi trước. Bởi vậy, câu thơ trên chính là một lời nhắc nhở sâu sắc đến các thế hệ sau, mỗi người đều cần phải ghi nhớ và biết ơn giá trị, công lao mà thế hệ đi trước đã để lại, phải biết giữ gìn những gì người xưa đã có công gây dựng, phải tiếp thu và phát huy những truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa.

    Câu 4: Nhận xét hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích:

    - Con người Việt Nam từ bao đời luôn phải sinh tồn trong môi trường nguy nan, đời sống luôn đầy rẫy muôn vàn khó khăn, vất vả; thiên nhiên, môi trường thi vô cùng khắc nghiệt, không chỉ vậy, những người con đất Việt luôn phải chịu sự giày xéo, đọa đày của kẻ thù xâm lược tàn bạo, bất nhân

    - Nhưng dù cho có phải sinh tồn ở trong khó khăn và phải đi lên từ gian khổ thì thẳm sâu trong tâm hồn họ vẫn ngời sáng những phẩm chất, tinh thần tốt đẹp: Lòng biết ơn, sự kiên cường, bất khuất, sẵn sàng đi xuyên từng bước qua gian nan, trong con người Việt Nam luôn thấm đượm tinh thần yêu nước nồng nàn, thắm thiết, cùng với đó là căm thù giặc sâu sắc, tột cùng

    [​IMG]
     
    Hạ Quỳnh LamLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...