Đề thi giữa kì 2 môn Ngữ văn 6 – sách Cánh diều – có ma trận, đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng mười hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bộ đề thi giữa kì II môn Ngữ văn 6 – sách Cánh diều

    Có ma trận, đáp án

    Xin được giới thiệu tới các thầy cô và các em học sinh tài liệu Bộ đề thi giữa kì II môn Ngữ văn 6 – Cánh diều bao gồm các đề thi, đề kiểm tra tham khảo.

    Mỗi đề có 3 phần: Ma trận đề/ Đề thi/ Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao quát kiến thức của cả ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt, Làm văn.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao gồm 4 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao.

    Cấu trúc đề gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn.

    ĐỀ 1

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

    Tôi kể với các bạn
    Một màu trời đã lâu
    Đó là một màu nâu
    Bầu trời trong quả trứng

    Không có gió có nắng
    Không có lắm sắc màu
    Một vòm trời như nhau:
    Bầu trời trong quả trứng.

    Tôi chưa kêu "chiếp chiếp"
    Chẳng biết tìm giun, sâu
    Đói no chẳng biết đâu
    Cứ việc mà yên ngủ..

    Tôi cũng không hiểu rõ
    Tôi sinh ra vì sao
    Tôi đạp vỡ màu nâu
    Bầu trời trong quả trứng.

    Bỗng thấy nhiều gió lộng
    Bỗng thấy nhiều nắng reo
    Bỗng tôi thấy thương yêu
    Tôi biết là có mẹ.

    Đói, tôi tìm giun dế
    Ăn no xoải cánh phơi
    Bầu trời ở bên ngoài
    Sao mà xanh đến thế! [...]


    (Trích Bầu trời trong quả trứng – Xuân Quỳnh)

    Câu 1 (1.0 điểm). Em hãy xác định thể thơ của đoạn trích. Theo em, nhân vật "tôi" trong đoạn trích có thể là con vật nào?

    Câu 2
    (1.0 điểm). Nhân vật tôi đã chia sẻ về hai bầu trời, đó là những bầu trời ở đâu? Tìm những từ ngữ miêu tả mỗi bầu trời đó.

    Câu 3 (1.0 điểm). Nhận xét về sự khác biệt giữa hai bầu trời. Qua cách nhân vật "tôi" cảm nhận, miêu tả về bầu trời thứ hai, em nhận thấy tình cảm mà nhân vật dành cho bầu trời này như thế nào?

    Câu 4
    (1.0 điểm). Qua cụm từ "tôi kể" em hãy xác định biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn trích là gì? Nêu tác dụng.

    Câu 5
    (1.0 điểm). Em hãy viết đoạn văn 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về đoạn thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN
    (5.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể lại chuyến đi đáng nhớ của em.

    3. Đáp án, biểu điểm

    I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
    Câu 1 (1.0 điểm).

    - Thể thơ: năm chữ.

    - Nhân vật "tôi" trong đoạn trích là một chú gà con.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Nhân vật tôi đã chia sẻ về hai bầu trời, đó là những bầu trời trong quả trứng, và bầu trời bên ngoài quả trứng.

    - Những từ ngữ miêu tả:

    + Bầu trời trong quả trứng: màu nâu, không có gió nắng, không có lắm sắc màu, như nhau

    + Bầu trời ngoài quả trứng: nhiều gió lộng, nhiều nắng reo, xanh...

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Nhận xét về sự khác biệt giữa hai bầu trời: bầu trời trong quả trứng tẻ nhạt, đơn điệu còn bầu trời bên ngoài thì rực rỡ, tươi tắn, nhiều sắc màu, nhiều niềm vui...

    Qua cách nhân vật "tôi" cảm nhận, miêu tả về bầu trời thứ hai, em nhận thấy tình cảm mà nhân vật dành cho bầu trời bên ngoài quả trứng: thương yêu, trân trọng,...

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn trích là: Nhân hóa

    - Tác dụng: Khiến cho thế giới loài vật trở nên sinh động, con vật cũng như có cảm xúc, cảm nhận như con người. Biện pháp nhân hóa còn làm cho lời thơ tăng tính hấp dẫn, gợi hình, biểu cảm.

    Câu 5 (1.0 điểm). Viết đoạn văn 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về đoạn thơ trên.

    HS nêu được cảm nhận của mình về nét đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ: Đoạn thơ là câu chuyện giản dị của một chú gà con đã đi vào thơ - những vần thơ trong sáng, thơ ngây như con trẻ. Qua câu chuyện của chú gà con, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của sự sống xung quanh mình. Đó là một thế giới tươi tắn, rực rỡ sắc màu, sinh động, đáng yêu. Đoạn thơ còn thể hiện những nét độc đáo của Xuân Quỳnh trong nghệ thuật biểu hiện: Lời thơ 5 chữ giản dị, ngắn gọn, hình ảnh thơ gần gũi, mộc mạc, cách kể tả tự nhiên..

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Mở bài: (0.5 điểm)

    Nêu nhận xét khái quát về chuyến đi mà em muốn kể.

    Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

    2. Thân bài: (3.0 điểm)

    - Nêu lí do có chuyến đi dáng nhớ. (được bố mẹ thưởng vì học giỏi, nhà trường tổ chức)

    - Người tham gia: Tham gia chuyến đi có những ai? Thời gian xảy ra là bao giờ? Địa điểm ở đâu?

    - Chuẩn bị: Trước khi đi em và mọi người chuẩn bị những gì?

    - Tâm trạng: Tâm trạng của em và mọi người thế nào? (Vui vẻ, háo hức, hồi hộp)

    - Diễn biến chuyến đi

    + Kể lại hành trình chuyến đi: Bắt đầu đi lúc nào? Trên đường đi cảnh vật ra sao? Em cùng mọi người làm những gì (hát hò, trò chuyện vui vẻ, ăn uống, chơi trò chơi).

    + Khi đến nơi em cảm nhận thế nào về cảnh vật nơi đó (đẹp đẽ, thơ mộng trữ tình, hay nguy nga tráng lệ, trang nghiêm).

    + Em và mọi người có những hoạt động gì ở đây: Kể theo trình tự nhất định (thường là trình tự thời gian, sự việc nào xảy ra trước thì kể trước, sự việc nào xảy ra sau thì kể sau) để tránh bỏ sót chi tiết.

    - Kết thúc chuyến đi du lịch

    + Kết thúc chuyến đi mọi người trở về với tâm trạng thế nào?

    + Em có cảm nghĩ gì về chuyến đi này? Có dự định quay lại đây hay không?

    + Chuyến đi tạo cho em động lực gì để tiếp tục cố gắng?

    3. Kết bài: (0.5 điểm)

    - Điều gì đáng nhớ nhất ở chuyến đi?

    - Suy nghĩ về bài học rút ra từ chuyến đi, hoặc mong ước về những chuyến đi bổ ích, lý thú tiếp theo.

    Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 2

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài, tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.

    Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc. Nức nở mãi, chị mới kể:

    – Năm trước, khi gặp trời làm đói kém, mẹ em phải vay lương ăn của bọn nhện. Sau đấy, không may mẹ em mất đi, còn lại thui thủi có mình em. Mà em ốm yếu, kiếm bữa cũng chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Mấy bận bọn nhện đã đánh em. Hôm nay bọn chúng chăng tơ ngang đường đe bắt em, vặt chân, vặt cánh ăn thịt em.

    Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:

    – Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu.

    Rồi tôi dắt Nhà Trò đi.

    (Trích Dế Mèn phiêu lưu kí – Tô Hoài)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn trích trên kể lại sự việc gì?

    Câu 2 (1.0 điểm). Tìm những chi tiết trong đoạn văn trên cho thấy chị Nhà Trò rất yếu ớt? Hình ảnh chị nhà trò có nét tương đồng với nhân vật nào em từng biết trong truyện?

    Câu 3 (1.5 điểm). Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe dọa như thế nào? Em có đồng tình với hành động của bọn nhện không? Hãy viết đoạn 5 – 7 câu lý giải cho quan điểm của mình.

    Câu 4 (1.0 điểm). Những lời nói và cử chỉ nào nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn? Dế Mèn trong đoạn văn này đã có sự thay đổi như thế nào so với Dế Mèn trong đoạn văn em được học?

    Câu 5 (1.0 điểm). Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn văn trên là gì? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

    "Anh đội viên nhìn Bác

    Càng nhìn lại càng thương

    Người Cha mái tóc bạc

    Đốt lửa cho anh nằm.


    Rồi Bác đi dém chăn

    Từng người từng người một

    Sợ cháu mình giật thột

    Bác nhón chân nhẹ nhàng."


    (Trích: Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ)

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Đoạn trích kể lại sự việc Dế Mèn gặp chị nhà trò, biết chị nhà trò bị bọn nhện ức hiếp, Dế Mèn cùng chị đi đòi lại công bằng.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    + Những chi tiết trong đoạn văn trên cho thấy chị Nhà Trò rất yếu ớt:

    - Bé nhỏ gầy yếu quá.

    - Người bự những phấn như mới lột.

    - Hai cánh mỏng như cánh bướm non, ngắn chùn chùn, chưa quen mở, yếu ớt không bay xa được xa, kiếm ăn không đủ bữa, nghèo túng.

    + Những chi tiết đó khiến em nhớ đến nhân vật Dế Choắt trong đoạn trích "Bài học đường đời đầu tiên".

    Câu 3 (1.5 điểm).

    - Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe dọa:

    Trước đây gặp lúc đói kém, mẹ của Nhà Trò có vay lương ăn của bọn Nhện, rồi mẹ Nhà Trò chết để lại Nhà Trò thui thủi một mình. Bản thân lại ốm yếu làm không đủ ăn, không trả được nợ nên bị bọn Nhện đánh. Hôm nay chúng lại còn giăng tơ chặn đường đe bắt, dọa sẽ vặt chân, vặt cánh ăn thịt Nhà Trò. (0.5 điểm).

    - Em không đồng tình với hành động trên của bọn nhện vì đó là những hành động xấu, đáng phê phán.. (đảm bảo đoạn văn 5-7 câu, nêu được quan điểm của bản thân và lia giải vì sao không đồng tình, 1.0 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Những lời nói và cử chỉ nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn:

    "Em đừng sợ. Hãy trở về cùng tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp yếu" rồi dẫn Nhà Trò đến chỗ bọn Nhện đang mai phục. (0.5 điểm).

    - Dế Mèn trong đoạn văn này đã có sự thay đổi như thế nào so với Dế Mèn trong đoạn "Bài học đường đời đầu tiên".

    Là: Không còn ngông nghênh, hống hách, vô tâm nữa mà đã biết giúp đỡ kẻ yếu thế hơn.. (0.5 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn văn trên: Nhân hóa (0.5 điểm).

    - Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa: Giúp cho thế giới loài vật trở nên sinh động hơn, những con vật trở nên gần gũi, đáng yêu.. (0.5 điểm).

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu tác giả, bài thơ, đoạn trích, nêu cảm xúc ban đầu của bản thân.

    Thân bài (3.0 điểm)

    Triển khai vấn đề:

    - Nêu vị trí của đoạn thơ: khổ nào, kể lại lần thứ mấy thức dậy của anh đội viên? (0.5 điểm)

    - Cảm nhận nét đặc sắc trong giá trị nội dung của đoạn thơ :(2.0 điểm)

    + Qua lời kể của anh chiến sĩ, đoạn thơ miêu tả những hành động, cử chỉ của Bác trong một đêm không ngủ. Những hành động, cử chỉ đó thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc ân cần của Bác dành cho các chiến sĩ. Đó chính là vẻ đẹp giản dị mà cao quý trong con người vĩ đại Hồ Chí Minh.

    + Đoạn thơ thể hiện được tình yêu thương, sự kính trọng của anh đội viên đối với Bác.

    - Cảm nhận về nét đặc sắc trong giá trị nghệ thuật của đoạn thơ :(0.5 điểm)

    + Thể thơ năm chữ giản dị, sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả.

    + Phép tu từ liệt kê (hành động của Bác) ; ẩn dụ "Người Cha" ...

    Kết bài (0.5 điểm)

    Khái quát lại nội dung, nghệ thuật đoạn thơ, nêu cảm xúc sau khi đọc đoạn thơ và cả bài thơ.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: kể, tả, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu ...(0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 3

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:


    Trên đường hành quân xa

    Dừng chân bên xóm nhỏ

    Tiếng gà ai nhảy ổ:

    "Cục.. cục tác cục ta"


    Nghe xao động nắng trưa

    Nghe bàn chân đỡ mỏi

    Nghe gọi về tuổi thơ...


    (Trích Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Hãy xác định thể thơ sử dụng trong đoạn thơ trên.

    Câu 2 (1.0 điểm). Tiếng gà trưa xuất hiện trong hoàn cảnh như thế nào? Âm thanh tiếng gà đã tác động đến người lính ra sao?

    Câu 3 (1.0 điểm). Theo em, vì sao âm thanh tiếng gà lại có khả năng "gọi về tuổi thơ"?

    Câu 4 (1.0 điểm). Biện pháp nghệ thuật gì được sử dụng trong ba câu cuối? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

    Câu 5 (1.5 điểm). Em hãy viết đoạn văn 5 – 7 dòng cảm nhận về đoạn thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn kể lại một trải nghiệm khiến em day dứt, ân hận.


    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Thể thơ sử dụng trong đoạn thơ trên: Thể thơ 5 chữ.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Tiếng gà trưa xuất hiện trong hoàn cảnh: Người lính đang trên đường hành quân, dừng lại nghỉ chân bên xóm nhỏ.

    - Âm thanh tiếng gà đã tác động đến người lính: Khiến người lính cảm nhận được sự xao động của nắng trưa, cảm thấy bàn chân đỡ mỏi và thấy nhớ về tuổi thơ.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    Theo em, âm thanh tiếng gà lại có khả năng "gọi về tuổi thơ" vì: Âm thanh tiếng gà là âm thanh quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của người lính, nên khi nghe tiếng gà của hiện tại, người lính xúc động và nhớ về tiếng gà tuổi thơ mình từng gắn bó.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong ba câu cuối: Điệp ngữ (nghe )

    - Tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp ngữ:

    + Thể hiện sự tác động mạnh mẽ của âm thanh tiếng gà đến cảm xúc của anh lính. Từ đó khiến người đọc cảm nhận được đối với người lính, những âm thanh giản đơn của cuộc sống thường nhật cũng có khả năng gợi nhiều cảm xúc.

    + Làm tăng nhạc điệu cho lời thơ.

    Câu 5 (1.5 điểm). Viết đoạn văn 5 – 7 dòng cảm nhận về đoạn thơ trên.

    Yêu cầu: HS nêu được cảm nhận của mình về nét đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ:

    - Cảm hứng của tác giả được khởi nguồn từ âm thanh vô cùng bình dị và dân dã – tiếng gà trưa nhảy ổ mà người lính – nhân vật trữ tình nghe được trên đường đi hành quân. Âm thanh ấy tuy mộc mạc nhưng đủ sức mạnh gợi dậy cả quãng thời gian tuổi thơ nhiều kỉ niệm.

    - Lời thơ giản dị, giàu cảm xúc.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Mở bài: Giới thiệu về sự việc, tình huống khiến em ân hận. (0.5 điểm)

    2. Thân bài: (3.0 điểm)

    A. Giới thiệu khái quát về câu chuyện

    - Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện.

    - Giới thiệu những nhân vật có liên quan đến câu chuyện.

    B. Kể lại các sự việc trong câu chuyện

    - Điều gì đã xảy ra?

    - Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?

    - Cảm xúc của người viết khi xảy ra câu chuyện, khi kể lại câu chuyện?

    3. Kết bài: (0.5 điểm)

    Nêu cảm xúc của người viết với câu chuyện đã xảy ra.

    Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng một 2022
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 4

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Ðường đời nhiều bài học, mỗi bài học một kiểu, chịu nghĩ thì học được, học giỏi; bằng không thì khốn khổ như thế này đây. Cho đến bây giờ tôi vẫn trọc lông lốc bởi mất hai sợi râu từ cái tích tôi được thêm bài học mới vừa đắt vừa đau đêm ấy.

    Nhưng cũng vì thế mà tôi tỉnh ngộ. Trời ơi, thế ra từ khi bị hai đứa trẻ bắt vào vòng u tối, tôi đi đánh nhau làm trò cười cho thiên hạ, tôi chỉ làm ác mà tôi không biết. Mà những kẻ bị tôi đánh, họ cũng là họ hàng xa gần nhà dế cả. Tôi thở dài, thầm nghĩ:

    - Hôm trước ta đã vướng điều lầm lỗi, bây giờ lại mắc lỗi nữa.. ôi, ta hèn quá. Cũng may bác Xiến Tóc không giết ngoém ngay ta đi. Mới biết đời này hồ dễ ai bắt nạt nổi ai. Ta đánh kẻ yếu hơn ta thì kẻ khác mạnh hơn ta đánh ta. Thôi thôi, giấc mê kia đã tỉnh ra rồi.

    Nghĩ được thế, lòng tôi mới tạm yên. Nhưng nói cho hết nhẽ, nếu bây giờ tôi muốn bỏ tính hung hăng xằng bậy đi thì tôi nhất quyết phải rời hai đứa trẻ này ra. Bởi mục đích của họ là để bắt tôi làm trò choảng nhau, cho họ cười. Văng vẳng bên tai tôi hai tiếng thoát ly.


    (Trích "Dế Mèn phiêu lưu ký" – Tô Hoài)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn trích trên kể lại sự việc Dế Mèn hung hăng đánh một chú dế non khác để mua vui cho lũ trẻ chơi chọi dế. Sau đó Dế Mèn bị bác Xiến Tóc dạy cho một bài học. Theo em, bác Xiến Tóc đã làm gì với hai sợi râu của Dế Mèn?

    Câu 2 (0.5 điểm). "Hôm trước ta đã vướng điều lẫm lỗi" – điều lầm lỗi mà Dế Mèn nhớ đến khiến em liên tưởng đến sai lầm nào của Dế Mèn trước đó?

    Câu 3 (1.0 điểm). Dế Mèn sau khi được bác Xiến Tóc dạy cho một bài học đã nhận thức được mục đích của những trận chọi dế do lũ trẻ bày ra là gì? Điều đó khiến Dế Mèn có ý nghĩ cần phải làm gì? Theo em Dế Mèn nên tiếp tục sống an nhàn, hưởng thụ cùng lũ trẻ, hay cần phải tự giải thoát? Vì sao?

    Câu 4 (1.0 điểm). Theo em, bài học mà Dế Mèn ngộ ra trong đoạn trích này là gì?

    Câu 5 (1.0 điểm). Dế Mèn đã từng mắc sai lầm, lần này lại tiếp tục sai lầm mà chưa thể chín chắn, lớn khôn ngay sau sai lầm đầu tiên. Điều đó gợi cho em suy nghĩ gì?

    Câu 6 (1.0 điểm). Em hãy xếp các từ sau đây thành hai nhóm: Từ ghép, từ láy:

    lông lốc, khốn khổ, lầm lỗi, văng vẳng

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn ghi lại cảm nghĩ về đoạn thơ sau:

    Anh vội vàng nằng nặc
    - Mời Bác ngủ Bác ơi!
    Trời sắp sáng mất rồi
    Bác ơi, mời Bác ngủ!


    - Chú cứ việc ngủ ngon
    Ngày mai đi đánh giặc
    Bác thức thì mặc Bác
    Bác ngủ không an lòng


    Bác thương đoàn dân công
    Đêm nay ngủ ngoài rừng
    Rải lá cây làm chiếu
    Manh áo phủ làm chăn


    Trời thì mưa lâm thâm
    Làm sao cho khỏi ướt
    Càng thương càng nóng ruột
    Mong trời sáng mau mau.


    (Trích Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ)

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Bác Xiến Tóc đã cắt đứt hai sợi râu của Dế Mèn.

    Câu 2 (0.5 điểm).

    Điều lầm lỗi mà Dế Mèn nhớ đến khiến em liên tưởng đến sai lầm của Dế Mèn đã vô tình hại chết Dế Choắt trong đoạn trích "Bài học đường đời đầu tiên".

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Dế Mèn sau khi được bác Xiến Tóc dạy cho một bài học đã nhận thức được mục đích của những trận chọi dế do lũ trẻ bày ra là để mua vui, cho họ cười. Điều đó khiến Dế Mèn có ý nghĩ cần phải thoát ly (thoát khỏi sự giam cầm của những đứa trẻ).

    - Theo em, Dế Mèn cần phải tự giải thoát, vì cuộc sống tự do mới đáng quý, sống giam cầm, mua vui cho kẻ khác là sai lầm.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    Bài học mà Dế Mèn ngộ ra trong đoạn trích này là:

    - Làm việc gì cũng cần phải suy nghĩ, nếu không sẽ làm trò cười cho người khác.

    - Không nên dùng sức mạnh bắt nạt kẻ khác, nhất là đối với đồng loại của mình.

    - Mình mạnh, có người còn mạnh hơn mình.

    - Không vì sự an nhàn, sung sướng nhất thời mà chịu cảnh giam cầm, mất tự do.

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Dế Mèn đã từng mắc sai lầm, lần này lại tiếp tục sai lầm mà chưa thể chín chắn, lớn khôn ngay sau sai lầm đầu tiên. Điều đó gợi cho em suy nghĩ: con người có thể trải qua nhiều sai lầm mới có thể lớn khôn; quá trình nhận thức của con người cần phải có quá trình,...

    Câu 6 (1.0 điểm).

    Xếp các từ thành hai nhóm:

    - Từ ghép: khốn khổ, lầm lỗi

    - Từ láy: lông lốc, văng vẳng

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu tác giả, bài thơ, đoạn trích, nêu cảm xúc ban đầu của bản thân.

    Thân bài (3.0 điểm)

    Triển khai vấn đề:

    - Nêu vị trí của đoạn thơ: khổ nào, kể lại lần thứ mấy thức dậy của anh đội viên? (0.5 điểm)

    - Cảm nhận nét đặc sắc trong giá trị nội dung của đoạn thơ :(2.0 điểm)

    + Đoạn thơ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc ân cần của Bác dành cho các chiến sĩ:

    * Lời nói nhẹ nhàng: "Chú cứ việc ngủ ngon..." thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của chiến sĩ, Bác muốn các anh được ngủ thật ngon, có sức khỏe, trạng thái thật tốt - lời quan tâm đơn giản những thấm đượm tình cảm của người cha.

    * Lý do mà Bác thao thức cả đêm không ngủ: Bác không ngủ được vì lo lắng cho các chiến sĩ, đoàn dân công đang phải chịu khổ, chịu rét để tham gia góp sức cho cuộc kháng chiến của toàn dân ngoài kia.

    + Đoạn thơ thể hiện được tình yêu thương, sự kính trọng của anh đội viên đối với Bác: Lo lắng, giục Bác ngủ, sợ trời sáng...

    - Cảm nhận về nét đặc sắc trong giá trị nghệ thuật của đoạn thơ :(0.5 điểm)

    Thể thơ năm chữ, kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, sử dụng chi tiết giản dị,...

    Kết bài (0.5 điểm)

    Khái quát lại nội dung, nghệ thuật đoạn thơ, nêu cảm xúc sau khi đọc đoạn thơ và cả bài thơ.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: kể, tả, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu ...(0.25 điểm)
    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng một 2022
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 5

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc bài thơ sau:

    Xưa có bà già nghèo
    Chuyên mò cua bắt ốc
    Một hôm bà bắt được
    Một con ốc xinh xinh
    Vỏ nó biêng biếc xanh
    Không giống như ốc khác
    Bà thương không muốn bán
    Bèn thả vào trong chum.
    Rồi bà lại đi làm.
    Đến khi về thấy lạ
    Sân nhà sao sạch quá
    Đàn lợn đã được ăn
    Cơm nước nấu tinh tươm
    Vườn rau tươi sạch cỏ
    Bà già thấy chuyện lạ
    Bèn có ý rình xem
    Thì thấy một nàng tiên
    Bước ra từ chum nước
    Bà già liền bí mật
    Đập vỡ vỏ ốc xanh
    Rồi ôm lấy nàng tiên
    Không cho chui vào nữa
    Hai mẹ con từ đó
    Rất là yêu thương nhau.


    (Nàng tiên Ốc – Phan Thị Thanh Nhàn)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0điểm). Hãy xác định yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ trên.

    Câu 2 (1.0 điểm). Bài thơ có những yếu tố giống như một câu chuyện cổ tích, em hãy chỉ ra một vài yếu tố đó.

    Câu 3 (1.0 điểm). Theo em, vì sao bà cụ lại không bán con ốc? Việc đó đã mang đến những điều kì diệu gì trong cuộc sống của bà?

    Câu 4 (1.0 điểm). Xác định từ láy trong các từ sau: bà già, xinh xinh, biêng biếc. Chỉ ra tác dụng của việc sử dụng từ láy.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy viết 5 -7 câu nêu cảm nhận về vẻ đẹp nhân văn trong bài thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn kể lại một lần em mắc lỗi.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0điểm).

    - Yếu tố tự sự: bài thơ có hình thức một câu chuyện kể: có nhân vật bà lão, nàng tiêng; có cốt truyện với mở đầu, diễn biến, kết thúc (bà lão bắt được con ốc, mang về nuôi, con ốc biến thành nàng tiên giúp bà, bà lão nhận nàng tiên làm con, họ sống yêu thương nhau).

    - Yếu tố miêu tả: con ốc xinh xinh; vỏ nó biêng biếc xanh; sân nhà sao sạch quá;...

    Câu 2 (1.0 điểm).

    Bài thơ có những yếu tố giống như một câu chuyện cổ tích:

    - Dấu hiệu mở đầu câu chuyện: Xưa

    - Nhân vật mang những đặc điểm giống nhân vật cổ tích: bà lão nghèo; nàng tiên có phép màu.

    - Chi tiết thần kì: nàng tiên chui ra từ vỏ ốc.

    - Kết thúc có hậu: hai mẹ con sống vui vẻ, yêu thương nhau.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Bà cụ không bán con ốc vì đó là một con ốc xinh đẹp, vỏ có màu biêng biếc xanh; và quan trọng hơn cả là vì bà lão "thương" con ốc.

    - Việc bà lão không bán con ốc đã mang đến những điều kì diệu trong cuộc sống của bà: con ốc hóa thành nàng tiên giúp đỡ bà việc nhà để trả ơn bà đã nuôi nấng; sau đó bà không còn phải sống đơn côi nữa mà đã có nàng tiên bên cạnh yêu thương bà, họ đối với nhau như mẹ con.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    Từ láy: xinh xinh, biêng biếc.

    - Tác dụng của việc sử dụng từ láy: nhấn mạnh vẻ đẹp của nàng tiên ốc; làm cho lời thơ thêm mượt mà, tăng tính nhạc.

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Yêu cầu:

    - Đảm bảo hình thức đoạn văn (5 -7 câu nêu; không ngắt đoạn).

    - Đảm bảo cảm nhận đúng phương diện nội dung: vẻ đẹp nhân văn của bài thơ (ca ngợi tấm lòng nhân hậu của bà lão nghèo; ca ngợi những việc làm trả ơn đầy ân tình của nàng tiên ốc; kết thúc có hậu gợi lên sự ấm áp, nhân văn...)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Xác định đúng vấn đề: kể lại một lần mắc lỗi (không lan man, lạc đề - 0.5 điểm).

    2. Triển khai bài viết :(4.0 điểm)

    - Mở bài (0.5điểm).

    Giới thiệu về thời gian, hoàn cảnh xảy ra sự việc. Cảm nhận chung của người viết về sự việc đã xảy ra.

    - Thân bài (3.0điểm).

    + Hoàn cảnh gây ra lỗi lầm.

    + Diễn biến của sự việc.

    + Hậu quả của lỗi lầm đó.

    + Suy nghĩ của bản thân về lỗi lầm.

    - Kết bài (0.5điểm).

    Bài học rút ra sau lỗi lầm mà bản thân mắc phải.

    3. Tiêu chí bổ sung:

    - Không (ít) mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu... (0.25điểm).

    - Sáng tạo trong diễn đạt, sử dụng các phương thức biểu đạt... (0.25điểm).
    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng ba 2022
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 6

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    [...]Và xa, rất xa, trên ngọn một quả núi cao, một lâu đài hiện ra như một hòn ngọc. Có người bảo đó là lâu đài của Rùa vàng. Rùa lẩm bẩm:

    - Ừ! Ta phải đến xem (lâu đài của Rùa Vàng) cho biết! Rùa Vàng chắc còn giữ cái nỏ bắn một phát giết nghìn giặc của cụ tổ. Chưa đến thăm lâu đài của Rùa Vàng thì đến lúc chết ta khó nhắm mắt.

    Rùa ra đi. Ngày đầu Rùa chạy, như có ai đẩy sau lưng. Ngày thứ hai, Rùa chạy chậm. Ngày thứ ba, Rùa đi. Ngày thứ tư, đi chậm. Ngày thứ năm, Rùa lê từng bước. Cái gì đẩy sau lưng đã biến mất. Con đường hóa gồ ghề. Rùa bước chậm dần.. chậm dần rồi.. dừng lại!

    - Ô kìa! Có ai đó không? Có phải ta đã dừng lại không? Ta mệt rồi! Ta phải nhờ một người khác đi hộ ta. Có thể một con chim Đại Bàng sẽ bay tới. Nó sẽ mời ta: "Mời ngài hãy tạm lên đôi cánh của tôi. Tôi vô cùng sung sướng được đưa ngài đến nơi ngài thích!". Nhưng ta cũng phải để Đại Bàng nó khẩn khoản năm lần bảy lượt, ta mới chịu ngồi lên lưng nó.

    Ngày ngày Rùa nhìn khắp bốn phương. Mịt mù chẳng thấy tăm hơi Đại Bàng đâu cả! Chỉ thấy bên triền núi một chú ngựa chạy nhong nhong.

    - Này anh ngựa kia! Chim Đại Bàng đã đến chưa?

    Ngựa dừng lại ngạc nhiên:

    - Từ khi lọt lòng mẹ, tôi chưa hề nghe tên một con chim kì lạ như thế!

    - Nếu vậy, ai đi thế cho ta?

    - Cái đó tôi không biết. Nhưng nếu bác đã mỏi chân, thì mời bác cứ lên lưng tôi, tôi chở một chặng..

    - Lên lưng! Ồ!.. Ta muốn hỏi: Lưng có phải là chỗ chạy nhanh nhất không? Ta không muốn chậm trễ.

    - Chỗ chạy nhanh nhất của tôi là bốn vó.

    - Ta phải ngồi vào chỗ đó.

    Ngựa đưa ra một chân. Rùa bò lên. Ngựa nhắc Rùa phải bíu vào thật chặt.

    Lộp cộp! Lộp cộp! Gió thổi vù vù hai bên tai Rùa. Cây hai bên đường lao về phía sau vun vút. Lá cây cào trên mai Rùa. Một cành cây quật vào đầu Rùa đau điếng. Rùa kêu:

    - Ôi! Chậm lại! Chậm lại!

    Nhưng cơn lốc càng to. Chợt: Rầm! Đất trời như tối kịt lại. Rùa văng ra xa, chết ngất.

    Rùa dần dần tỉnh lại, khắp người như có hàng vạn kim đâm. Rùa mở mắt. Thật quá rùng rợn! Rùa đang nằm giữa vũng máu, và cái mai bị vỡ ra nhiều mảnh!

    Cũng may, những mảnh vỡ sau đó lành lại. Nhưng những vết sẹo ngang dọc trên mai vẫn còn trông thấy. Cũng rất may, từ đó Rùa rút ra được bài học tốt. Rùa đã quyết rèn luyện cho mình có được tính kiên nhẫn luyện tập thành công và đã thắng trong cuộc thi với Thỏ. Riêng về chuyện cái mai, mời các bạn hãy xem thật kĩ một con Rùa để biết chuyện tôi kể là có thật.


    (Trích Bài học tốt – Võ Quảng)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0điểm). Đoạn trích kể lại hành trình của Rùa tìm đến lâu đài Rùa Vàng. Ban đầu, Rùa ra đi với tâm trạng như thế nào? Điều gì khiến Rùa đi chậm lại rồi dừng hẳn?

    Câu 2 (1.0 điểm). Hành trình của Rùa gợi em liên tưởng đến những điều gì con người có thể đối mặt trong cuộc sống?

    Câu 3 (1.0 điểm). Chi tiết nào thể hiện sự nôn nóng muốn đến đích ngay lập tức của Rùa? Rùa đã phải trả giá như thế nào cho sự nôn nóng đó?

    Câu 4 (1.0 điểm). Em hãy viết khoảng 5 – 7 câu rút ra bài học cho bản thân sau khi đọc xong câu chuyện của Rùa.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy tìm 1 chủ ngữ là cụm danh từ trong đoạn trích trên. Nêu tác dụng của việc mở rộng chủ ngữ.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn cảm nhận về đoạn thơ sau:

    Chú bé loắt choắt
    Cái xắc xinh xinh
    Cái chân thoăn thoắt
    Cái đầu nghênh nghênh

    Ca-lô đội lệch
    Mồm huýt sáo vang
    Như con chim chích
    Nhảy trên đường vàng...


    (Trích Lượm – Tố Hữu)

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0điểm).

    - Ban đầu, Rùa ra đi với tâm trạng háo hức và quyết tâm: Ta phải đến xem cho biết! Rùa Vàng chắc còn giữ cái nỏ bắn một phát giết nghìn giặc của cụ tổ. Chưa đến thăm lâu đài của Rùa Vàng thì đến lúc chết ta khó nhắm mắt.
    - Sau đó, vì đường đi xa xôi, gian khổ nên Rùa đi chậm lại rồi dừng hẳn. Thực chất là vì Rùa không có quyết tâm.

    Câu 2 (1.0 điểm). Hành trình của Rùa khiến em liên tưởng đến những khó khăn, gian khổ, những thử thách ... mà con người có thể phải đối mặt trong cuộc sống.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Chi tiết thể hiện sự nôn nóng của Rùa: Rùa không muốn ngồi lên lưng mà lại bám vào chân ngựa, vì chân ngựa là chõ chạy nhanh nhất.

    - Rùa đã phải trả giá cho sự nôn nóng đó: bị cây cối quật vào mình, bị văng ra, mai vỡ thành nhiều mảnh đau đớn.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    Yêu cầu:

    - Đảm bảo hình thức đoạn văn (5 -7 câu nêu; không ngắt đoạn).

    - Đảm bảo nhận diện và triển khai được vấn đề: bài học rút ra từ câu chuyện của Rùa: bài học về sự kiên trì (lí giải vì sao phải kiên trì, kiên trì mang lại lợi ích gì ...)

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Chủ ngữ là cụm danh từ trong đoạn trích trên:

    những vết sẹo ngang dọc trên mai (Trong câu: Nhưng những vết sẹo ngang dọc trên mai vẫn còn trông thấy.)

    - Tác dụng: làm rõ nghĩa cho sự vật được miêu tả (vết sẹo)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Xác định đúng vấn đề: cảm nhận về đoạn thơ trích (không lan man cảm nhận cả bài, lạc đề - 0.5 điểm).

    2. Triển khai bài viết :(4.0 điểm)

    - Mở bài (0.5điểm).

    Giới thiệu tác giả, bài thơ, đoạn thơ cần cảm nhận, nêu cảm xúc ban đầu của bản thân khi đọc đoạn thơ.

    - Thân bài (3.0điểm).

    Triển khai vấn đề:

    - Cảm nhận nét đặc sắc trong giá trị nội dung của đoạn thơ :(2.5 điểm)

    + Hai khổ thơ khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc Lượm nhỏ nhắn, vui vẻ, hồn nhiên, yêu đời.

    + Qua đó, thấy được cái nhìn trìu mến, yêu thương của nhà thơ dành cho chú bé liên lạc.

    - Cảm nhận về nét đặc sắc trong giá trị nghệ thuật của đoạn thơ :(0.5 điểm)

    + Thể thơ năm chữ giản dị, sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả.

    + Phép tu từ so sánh, dùng từ láy giàu giá trị biểu đạt, âm hưởng lời thơ vui tươi...

    - Kết bài (0.5điểm).

    Khái quát lại nội dung, nghệ thuật đoạn thơ, nêu cảm xúc sau khi đọc đoạn thơ và cả bài thơ.

    3. Tiêu chí bổ sung:

    - Bố cục đủ 3 phần, không (ít) mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu... (0.25điểm).

    - Sáng tạo trong diễn đạt, sử dụng các phương thức biểu đạt... (0.25điểm).
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng một 2022
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 7

    1. Ma trận

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Theo dõi cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con ốc sên:

    Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!"

    "Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh" - Ốc sên mẹ nói.

    "Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"

    "Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy".

    "Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"

    "Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy".

    Ốc sên con bật khóc, nói: "Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta".


    "Vì vậy mà chúng có cái bình!" - Ốc sên mẹ an ủi con - "Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính bản thân chúng ta".

    (Quà tặng cuộc sống, NXB Thanh niên, 2009)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0 điểm). Cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con ốc sên dẫn ở trên có thể được coi là một câu chuyện hoàn chỉnh không? Vì sao?

    Câu 2 (1.0 điểm). Trong cuộc trò chuyện trên, ốc sên con than thở vì chuyện gì? Cái bình mà ốc sên nói đến theo em tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống?

    Câu 3 (1.0 điểm). Ốc sên mẹ đã lí giải việc sâu róm và giun đất không phải mang bình là vì lẽ gì? Còn mẹ con ốc sên cần có cái bình để làm gì?

    Câu 4 (1.0 điểm). Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên?

    Câu 5 (1.0 điểm). Biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong câu chuyện là gì? Nêu tác dụng.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn kể lại một việc tốt em đã làm và nhớ mãi.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0điểm).

    - Cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con ốc sên dẫn ở trên có thể được coi là một câu chuyện hoàn chỉnh.

    - Vì câu chuyện có mở đầu, kết thúc, thể hiện được ý nghĩa sâu sắc; câu chuyện có các nhân vật, có những lời đối thoại giữa nhân vật.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Ốc sên than thở vì phải mang cái bình vừa cứng, vừa nặng trên lưng; điều đó khiến ốc sên mệt mỏi.

    - Cái bình của ốc sên vừa tượng trưng cho những khó khăn, trở ngại của con người; vừa tượng trưng cho những gì mà con người có để tự bảo vệ chính mình.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Ốc sên mẹ đã lí giải việc sâu róm và giun đất không phải mang bình là vì chúng đã có bầu trời, mặt đất bảo vệ.

    - Còn mẹ con ốc sên cần có cái bình để tự bảo vệ mình.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    Bài học gì từ câu chuyện:

    - Mỗi người phải dựa vào chính mình, phải biết nỗ lực để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác quá nhiều.

    - Biết biến những khó khăn, thử thách thành cơ hội cho bản thân. (như con ốc – biến cái bình nặng thành vũ khí bảo vệ mình).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Biện pháp nghệ thuật chính: Nhân hóa (con vật có suy nghĩ, tiếng nói như con người).

    - Tác dụng: Làm câu chuyện trở nên sâu sắc, dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Xác định đúng vấn đề: Kể lại một lần mắc lỗi (không lan man, lạc đề - 0.5 điểm).

    2. Triển khai bài viết :(4.0 điểm)

    - Mở bài (0.5điểm).

    Giới thiệu việc tốt mà em đã làm, cảm xúc chung của em.

    - Thân bài (3.0điểm).

    + Hoàn cảnh thời gian, địa điểm em đã làm việc tốt đó.

    + Diễn biến của sự việc: Em đã làm những gì, với ai, sự việc bắt đầu như thế nào, diễn biến...?

    + Kết quả của việc mà em đã làm: mang lại điều tốt đẹp gì? Cảm xúc của em và mọi người như thế nào?

    + Suy nghĩ của bản thân sau khi làm xong công việc.

    - Kết bài (0.5điểm).

    Bài học rút ra sau khi làm được việc tốt, tự đề xuất những việc làm sau này của mình.

    3. Tiêu chí bổ sung:

    - Không (ít) mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu... (0.25điểm).

    - Sáng tạo trong diễn đạt, sử dụng các phương thức biểu đạt... (0.25điểm).
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng hai 2022
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 8

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    "Anh đội viên nhìn Bác
    Càng nhìn lại càng thương
    Người Cha mái tóc bạc
    Đốt lửa cho anh nằm.


    Rồi Bác đi dém chăn
    Từng người từng người một
    Sợ cháu mình giật thột
    Bác nhón chân nhẹ nhàng."


    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ nào, bài thơ đó của tác giả nào?

    Câu 2 (0.5 điểm) : Em hãy nêu các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ.

    Câu 3 (1.0 điểm) : Đoạn thơ miêu tả những hành động nào của Bác? Những hành động đó thể hiện tình cảm của Bác đối với các chiến sĩ như thế nào?

    Câu 4 (1.0 điểm) : Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong câu thơ: Người Cha mái tóc bạc

    Câu 5 (1.0 điểm) : Đoạn thơ trên gợi cho em tình cảm gì với Bác? (Viết đoạn văn 5 – 7 câu)

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) :

    Câu 1
    (0.5 điểm). Mỗi ý trả lời đúng 0.25 điểm:

    - Đoạn thơ được trích trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ".

    - Tác giả: Minh Huệ

    Câu 2 (0.5 điểm).

    Các phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm, miêu tả (trả lời từ 2 – 3 đáp án đúng: 0.5 điểm)

    Câu 3 (1.0 điểm). Mỗi ý trả lời đúng 0.5 điểm:

    - Đoạn thơ miêu tả những hành động của Bác:

    "Đốt lửa cho anh nằm"

    "Rồi Bác đi dém chăn

    Từng người tùng người một"

    "Bác nhón chân nhẹ nhàng"

    - Những hành động, cử chỉ đó thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc ân cần của Bác dành cho các chiến sĩ.

    Câu 4 (1.0 điểm) : Mỗi ý trả lời đúng 0.5 điểm:

    - Biện pháp tu từ ẩn dụ: "Người Cha" : Bác giống như người cha (ruột thịt) đang chăm lo cho đàn con nhỏ của mình.

    - Tác dụng: Nhấn mạnh tình yêu thương bao la của Bác dành cho các chiến sĩ, đồng thời thể hiện được niềm kính yêu của anh đội viên đối với Bác.

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Yêu cầu nội dung: Thể hiện được tình cảm của bản thân đối với Bác (kính yêu, tự hào, biết ơn)

    Yêu cầu hình thức: Đúng hình thức 1 đoạn văn 5 – 7 câu; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài
    (0.5 điểm)

    Giới thiệu được trải nghiệm của bản thân.

    Thân bài (4.0 điểm)

    Kể lại trải nghiệm:

    + Thời gian, không gian của tình huống, sự việc (bối cảnh sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm diễn ra như thế nào, những nhân vật nào tham gia vào trải nghiệm đó (diễn biến sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm đó đi đến kết thúc vui hay buồn?

    Kết bài (0.5 điểm)

    Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 9

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

    "Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp. Thấy thế, tôi hoảng hốt quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than rằng:

    - Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?

    Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu như thế này:


    - Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.

    Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.."


    (Trích "Bài học đường đời đầu tiên" - Dế Mèn phiêu lưu kí – Tô Hoài)​

    Câu 1 (0.5 điểm). Em hãy cho biết đoạn trích trên thuộc văn bản nào? Tác giả là ai?

    Câu 2 (0.5 điểm). Xác định ngôi kể và các phương thức biểu đạt của đoạn trích?

    Câu 3 (1.0 điểm). Tìm các từ láy trong đoạn trích, nêu tác dụng của các từ láy đó.

    Câu 4 (1.0 điểm). Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn trên là gì? Nêu tác dụng.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em có suy nghĩ gì về lời Dế Choắt khuyên Dế Mèn: ".. Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy"? Cách cư xử của Dế Choắt trong đoạn trên cho thấy Dế Choắt là nhân vật như thế nào?

    Câu 6 (1.0 điểm). Qua đoạn trích, em hãy rút ra bài học cho bản thân.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn kể lại chuyến đi đáng nhớ của em.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    - Văn bản: Bài học đường đời đầu tiên

    - Tác giả: Tô Hoài

    (Mỗi ý đúng 0.25 điểm)

    Câu 2 (0.5 điểm).

    - Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Các từ láy trong đoạn văn: Thoi thóp, hoảng hốt, nông nỗi, dại dột, hối hận, hung hăng, bậy bạ, ăn năn

    - Tác dụng: Các từ láy đã miêu tả một cách sinh động, cụ thể hình dáng của Dế Choắt và tâm trạng lo lắng, sợ hãi, ăn năn, hối hận của Dế Mèn sau khi trêu chị Cốc để Dế Choắt bị tấn công.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ: Nhân hóa.

    - Tác dụng: Biện pháp tu từ nhân hóa khiến các Dế Mèn và Dế Choắt vốn là các loài vật trở nên gần gũi với con người, hiện ra như những con người biết hành động, suy nghĩ, có tình cảm, cảm xúc.. Làm cho câu chuyện diễn ra chân thực, sinh động, hấp dẫn.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Suy nghĩ về lời khuyên của Dế Choắt: Lời khuyên của Dế Choắt là hoàn toàn đúng. Không chỉ đúng với nhân vật Dế Mèn mà còn đúng với tất cả các bạn trẻ có đặc điểm tính cách như Dế Mèn.

    - Qua cách cư xử của Dế Choắt, ta thấy Dế Choắt là một chú dế có lòng nhân hậu, trái tim độ lượng, biết suy nghĩ chín chắn. Dế Mèn gây ra cái chết của Dế Choắt nhưng Dế Choắt không hề trách cứ hay tỏ thái độ căm giận. Ngược lại Dế Choắt còn chân thành khuyên nhủ Dế Mèn.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 6 (1.0 điểm).

    Bài học cuộc sống em rút ra từ văn bản chứa đoạn văn trên:

    - Trong cuộc sống không được kiêu căng, tự phụ, coi thường người khác.

    - Cần sống khiêm tốn, biết quan tâm giúp đỡ người khác.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Mở bài: (0.5 điểm)

    Nêu nhận xét khái quát về chuyến đi mà em muốn kể.

    Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

    2. Thân bài: (3.0 điểm)

    - Nêu lí do có chuyến đi dáng nhớ. (được bố mẹ thưởng vì học giỏi, nhà trường tổ chức)

    - Người tham gia: Tham gia chuyến đi có những ai? Thời gian xảy ra là bao giờ? Địa điểm ở đâu?

    - Chuẩn bị: Trước khi đi em và mọi người chuẩn bị những gì?

    - Tâm trạng: Tâm trạng của em và mọi người thế nào? (Vui vẻ, háo hức, hồi hộp)

    - Diễn biến chuyến đi

    + Kể lại hành trình chuyến đi: Bắt đầu đi lúc nào? Trên đường đi cảnh vật ra sao? Em cùng mọi người làm những gì (hát hò, trò chuyện vui vẻ, ăn uống, chơi trò chơi).

    + Khi đến nơi em cảm nhận thế nào về cảnh vật nơi đó (đẹp đẽ, thơ mộng trữ tình, hay nguy nga tráng lệ, trang nghiêm).

    + Em và mọi người có những hoạt động gì ở đây: Kể theo trình tự nhất định (thường là trình tự thời gian, sự việc nào xảy ra trước thì kể trước, sự việc nào xảy ra sau thì kể sau) để tránh bỏ sót chi tiết.

    - Kết thúc chuyến đi du lịch

    + Kết thúc chuyến đi mọi người trở về với tâm trạng thế nào?

    + Em có cảm nghĩ gì về chuyến đi này? Có dự định quay lại đây hay không?

    + Chuyến đi tạo cho em động lực gì để tiếp tục cố gắng?

    3. Kết bài: (0.5 điểm)

    - Điều gì đáng nhớ nhất ở chuyến đi?

    - Suy nghĩ về bài học rút ra từ chuyến đi, hoặc mong ước về những chuyến đi bổ ích, lý thú tiếp theo.

    Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
    chiqudoll, Tiên Nhi, LieuDuong6 người khác thích bài này.
  11. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 10

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm) : Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào, của tác giả nào?

    Câu 2 (0.5 điểm) : Em hãy xác định ngôi kể của đoạn trích? Lí giải vì sao em xác định như vậy?

    Câu 3 (1.0 điểm) : Trong đoạn trích, ngoại hình Dế Mèn được miêu tả qua những hình ảnh nào? Em hãy nhận xét về ngoại hình của Dế Mèn.

    Câu 4 (1.0 điểm) : Chỉ ra và phân tích tác dụng của từ láy được sử dụng trong các câu sau:

    - Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ.

    - Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi.

    - Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã.

    Câu 5 (1.0 điểm) : Tìm hai câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh trong đoạn văn trên. Cách sử dụng biện pháp tu từ so sánh có tác dụng như thế nào? Em hãy viết một câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Cuộc sống hằng ngày có nhiều trải nghiệm vui hoặc buồn, em hãy kể lại một trải nghiệm đó.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm) : Mỗi ý trả lời đúng 0.25 điểm:

    - Đoạn trích được trích trong văn bản "Bài học đường đời đầu tiên".

    - Tác giả: Tô Hoài

    Câu 2 (0.5 điểm) : Mỗi ý trả lời đúng 0.25 điểm:

    - Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ nhất.

    - Người kể chuyện xưng "tôi".

    Câu 3 (1.0 điểm) : Mỗi ý trả lời đúng 0.5 điểm:

    - Ngoại hình Dế Mèn được miêu tả qua những hình ảnh: Đôi càng mẫm bóng, vuốt cứng và nhọn hoắt, đôi cánh dài, cả người nâu bóng, đầu to, hai cái răng đen, sợi râu dài.

    - Nhận xét ngoại hình Dế Mèn: Cường tráng, khỏe mạnh.

    Câu 4 (1.0 điểm) : Mỗi ý trả lời đúng 0.5 điểm:

    - Các từ láy: Phanh phách, hủn hoẳn, phành phạch.

    - Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp cường tráng, khỏe mạnh của Dế Mèn; làm câu văn thêm hay hơn, sinh động hơn.

    Câu 5 (1.0 điểm)

    - Hai câu văn có sử dụng phép so sánh (0.25 điểm)

    + Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.

    + Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.

    - Tác dụng (0.5 điểm)

    + Nhấn mạnh độ sắc của những chiếc vuốt, độ linh hoạt của đôi hàm răng.

    + Làm cho câu văn thêm sinh động, hấp dẫn, gợi hình, biểu cảm.

    - Viết câu (0.25 điểm) :

    Dòng sông mềm như dải lụa.

    ...

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu được trải nghiệm của bản thân.

    Thân bài (4.0 điểm)

    Kể lại trải nghiệm:

    + Thời gian, không gian của tình huống, sự việc (bối cảnh sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm diễn ra như thế nào, những nhân vật nào tham gia vào trải nghiệm đó (diễn biến sự việc xảy ra).

    + Trải nghiệm đó đi đến kết thúc vui hay buồn?

    Kết bài (0.5 điểm)

    Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...