ĐỀ THI GIỮA KÌ II NĂM HỌC: 2022 - 2023 Môn thi : NGỮ VĂN LỚP 10 Thời gian: 90 phút, không kể thời gian phát đề I. ĐỌC HIỂU (3, 0 điểm) Đọc đoạn trích: Nóng vội là bệnh thường gặp ở rất nhiều người trẻ tuổi. Biểu hiện cụ thể là làm việc không tập trung, làm nhiều nhưng không đào sâu nghiên cứu; đứng núi này trông núi nọ, hấp tấp vội vàng; chỉ vì cái lợi trước mắt, gặp một chút bất lợi là dễ dàng từ bỏ hoặc sốt ruột bất an, trách trời, trách người. Con người một khi đã nóng vội thì cả ngày đều ở tình trạng bận rộn, buồn bực, lâu dần dễ dẫn đến tính khí nóng nảy, căng thẳng thần kinh. Nóng vội còn khiến cho chúng ta thiếu đi cảm giác hạnh phúc, thiếu đi niềm vui, quá tính toán thiệt hơn. Nếu không thể khắc phục chúng thật hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thành tựu công việc. Trên đời có rất nhiều người thông minh nhưng lại vội vàng, người vội vàng sau một thời gian ngắn có lẽ có thể đạt được một chút thành tích, nhưng rất khó làm nên nghiệp lớn [..] . Từ xưa đến nay, người làm nên nghiệp lớn chân chính đều là người yên dạ, yên lòng. Trong học tập và làm việc, càng gặp gian nan càng phải kiên nhẫn. Giống như dòng nước vậy, gặp phải vật cản thì chạy vòng qua, vòng qua không được, thì tích trữ lượng nước, nước tràn rồi thì sẽ qua. Khi năng lực có hạn thì như khe suối nhỏ róc rách không ngừng; khi năng lực lớn mạnh sẽ chảy thành sông. Chỉ khi từ bỏ tâm thái nóng nảy, cuộc sống mới điềm đạm như nước. (Trích Nóng giận là bản năng tĩnh lặng là bản lĩnh, Tống Mặc, Hà Giang dịch, NXB Thế giới, 2022, tr 21) Thực hiện các yêu cầu sau : Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2. Theo đoạn trích, biểu hiện cụ thể của người nóng vội là gì? Câu 3 . Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng: Trong học tập và làm việc, càng gặp gian nan càng phải kiên nhẫn không? Vì sao? Câu 4 . Rút ra một thông điệp có ý nghĩa với anh/chị. II. LÀM VĂN (7, 0 điểm) Câu 1 (2, 0 điểm ) : Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải kiểm soát được cảm xúc của bản thân mỗi người trong cuộc sống Câu 2 (5, 0 điểm ) : Anh/Chị hãy viết một bài luận phân tích, đánh giá tác phẩm thơ sau: LỜI RU CỦA MẸ Xuân Quỳnh Lời ru ẩn nơi nào Giữa mênh mang trời đất Khi con vừa ra đời Lời ru về mẹ hát Lúc con nằm ấm áp Lời ru là tấm chăn Trong giấc ngủ êm đềm Lời ru thành giấc mộng Khi con vừa tỉnh giấc Thì lời ru đi chơi Lời ru xuống ruộng khoai Ra bờ ao rau muống Và khi con đến lớp Lời ru ở cổng trường Lời ru thành ngọn cỏ Đón bước bàn chân con Mai rồi con lớn khôn Trên đường xa nắng gắt Lời ru là bóng mát Lúc con lên núi thẳm Lời ru cũng gập ghềnh Khi con ra biển rộng Lời ru thành mênh mông. (Thơ Xuân Quỳnh, Kiều Văn chủ biên, NXB Đồng Nai, 1997) Xuân Quỳnh (1942-1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Xuân Quỳnh là một trong số nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm, và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Bài thơ Lời ru của mẹ in trong tập Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994) tiêu biểu cho mảng đề tài thơ viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh. ĐÁP ÁN: I. ĐỌC HIỂU 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận 2. Theo đoạn trích biểu hiện cụ thể của người nóng vội: là làm việc không tập trung, làm nhiều nhưng không đào sâu nghiên cứu; đứng núi này trông núi nọ, hấp tấp vội vàng; chỉ vì cái lợi trước mắt, gặp một chút bất lợi là dễ dàng từ bỏ hoặc sốt ruột bất an, trách trời, trách người. 3. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng: Trong học tập và làm việc, càng gặp gian nan càng phải kiên nhẫn không? Vì sao? - Gợi ý đáp đáp khi hs đồng tình: + Vì trong học tập và làm việc, càng gian nan càng thử thách bản lĩnh, ý chí của con người + Nếu chúng ta kiên nhẫn suy nghĩ, tìm tòi, cố gắng vượt qua khó khăn thử thách thì mới phát hiện và khẳng định được năng lực của bản thân, mới được mọi người ghi nhận và tạo cơ hội để thành công + Nếu chúng ta nản lòng trước gian nan thì chúng ta sẽ không có được thành quả, sẽ yếu đuối, thụ động, không nhận được sự coi trọng, tín nhiệm của mọi người, và dễ dàng gặp phải thất bại trong cuộc sống 4. Học sinh rút ra được một thông điệp từ đoạn trích và lí giải ngắn gọn ý nghĩa của thông điệp đối với bản thân. (Gợi ý: Thông điệp về sự kiên trì, thông điệp về việc phải từ bỏ sự nóng nảy, kiểm soát cảm xúc của bản thân) II. LÀM VĂN 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải kiểm soát được cảm xúc của bản thân mỗi người trong cuộc sống a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân – hợp, móc xích hoặc song hành. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận - Sự cần thiết của việc phải kiềm soát cảm xúc của mỗi người trong cuộc sống c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận; kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng. Có thể theo hướng sau: - Việc kiểm soát cảm xúc của mỗi người trong cuộc sống là biết cách làm chủ, tiết chế cảm xúc, thái độ, hành vi của mình trong trong mọi tình huống cho dù có tác động tiêu cực của hoàn cảnh đến mức nào. - Kiểm soát được cảm xúc sẽ giúp bản thân mỗi người luôn tìm được trạng thái tâm lí cân bằng, vui vẻ; giúp làm việc hiệu quả hơn; giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn; mở rộng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp; không bị người khác lợi dụng và thao túng tâm lý; giảm nguy cơ gặp các chứng bệnh tâm lý.. - Phê phán những người nóng nảy, bốc đồng, dễ bị kích động trong cuộc sống d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 2. Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá bài thơ Lời ru của mẹ - Xuân Quỳnh a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận - Phân tích, đánh giá bài thơ Lời ru của mẹ- Xuân Quỳnh c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục Giới thiệu tác phẩm, tác giả, nêu nội dung cần phân tích, đánh giá 1. Phân tích, đánh giá về nhan đề, mạch cảm xúc, bố cục.: - Nhan đề: Lời ru của mẹ: Ngọt ngào, tha thiết, nuôi lớn tâm hồn con trẻ, gợi mở về tình mẫu tử thiêng liêng, - Thể thơ: 5 chữ, giọng điệu ngọt ngào, sâu lắng - Mạch cảm xúc: Theo trình tự thời gian, không gian: Lời ru khi con còn nhỏ đến khi con lớn khôn, từ không gian gia đình đến không gian cánh đồng, trường lớp, núi thẳm, non cao gập ghềnh của cuộc đời. - Chủ đề: Ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng 2. Phân tích, đánh giá những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của từng đoạn - Khổ thơ đầu: Lời ru xuất hiện từ thời gian xa xôi không xác định "từ phương nào"; không gian "trời đất" mênh mang. Với người mẹ, lời ru bắt đầu tự nhiên, thiêng liêng từ khi "con chào đời" - Khổ thơ thứ 2, 3, 4: Lời ru gắn với hình ảnh quen thuộc: tấm chăn, giấc ngủ, với những không gian quen thuộc: ruộng khoai, bờ ao rau muống, ngọn cỏ những lao động nhọc nhằn, lam lũ của mẹ; những hành động quen thuộc: đi ngủ, đi chơi, đến lớp.. Nghệ thuật liệt kê, so sánh khiến lời ru trở nên gần gũi, hữu hình, mang đến những giá trị thiêng liêng: Không khí ấm áp ru con vào giấc ngủ êm đềm, không gian yên ả, thanh bình để con vui chơi; là niềm vui chào đón con đến lớp, là đôi mắt trông ngóng con trở về, là ngọn cỏ êm ái nâng bước bàn chân con.. - Khổ cuối: Mở ra thời gian của tương lai, khi con khôn lớn. Những hình ảnh "đường xa, nắng gắt, núi thẳm, biển rộng" là ẩn dụ cho những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Nghệ thuật so sánh, điệp cấu trúc câu: Lời ru là.. "bóng mát, gập ghềnh, mênh mông" à khẳng định ý nghĩa lớn lao của lời ru che chở, bao bọc, bảo vệ, song hành, chắp cánh cho cuộc đời của con 3. Đánh giá khái quát * Nghệ thuật: - Thể thơ: 5 chữ với tiết tấu nhanh, sôi nổi, tha thiết - Sử dụng nhiều hình ảnh, ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi - Sử dụng nghệ thuật so sánh, liệt kê, ẩn dụ, điệp, đối * Nội dung: - Khẳng định ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng của lời ru với mỗi người - Khẳng định, ngợi ca tình mẫu từ thiêng liêng 4. Khẳng định giá trị của bài thơ, liên hệ, mở rộng đến tác phẩm cùng đề tài, nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức bài thơ. d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ Hs có thể trình bày theo cách riêng đảm bảo làm nội bật giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ