Đề thi giữa kì 2 - Đọc hiểu truyện Nguyễn Khải, viết: Vợ chồng A Phủ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nụ hồng, 28 Tháng ba 2023.

  1. Nụ hồng

    Bài viết:
    9
    ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NĂM HỌC 2022 - 2023

    MÔN: NGỮ VĂN 12

    I. ĐỌC HIỂU (3, 0 điểm)

    Đọc đoạn trích:


    (1) Phía làng đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đi đã nhiều nơi, đóng quân lại ở nhiều chỗ, phong cảnh đẹp đẽ hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cội cằn này.

    (2) Làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về. Ở miếng đất ấy tháng giêng tôi đi đốt bãi đào ổ chuột, tháng tám nước lên đánh dậm, úp cá, đơm tép, dấm cá rô, tháng chín, tháng mười đi móc con da dưới vệ sông. Ở miếng đất ấy những ngày phiên chợ dì tôi lại mua cho vài cái bánh rợm, đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều, ngâm thơ, những tối liên hoan xã nghe cái Tỵ hát chèo và đôi lúc lại được ngồi nói chuyện với Cún con nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ hồi thơ ấu.

    (3) Khung cảnh chung quanh tôi bắt đầu mờ dần rồi trắng xóa, sương xuống dày đặc đến không còn trông rõ cái gì nữa. Phảng phất trong không khí có thứ mùi quen thuộc, không hẳn là mùi nhang ngày Tết, cũng không phải là thứ mùi nào khác có thể gọi tên được, nó man mác, có lẽ đã lâu lắm tôi mới lại cảm thấy nó. Thôi, tôi nhớ ra rồi.. đó là thứ mùi vị đặc biệt, mùi vị của quê hương..

    (Trích Ngày Tết về thăm quê, Tuyển tập Nguyễn Khải, NXB Văn học, 2017, tr. 56)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1.
    Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích?

    Câu 2. Trong đoạn văn số (1), tình cảm của tác giả dành cho quê hương mình được thể hiện qua các tính từ nào?

    Câu 3. Phát hiện và phân tích tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả trong đoạn văn số (2)

    Câu 4. Nhận xét về cách thể hiện tình cảm của nhân vật "tôi" dành cho quê hương trong đoạn trích trên?

    II. LÀM VĂN (7, 0 điểm)

    Câu 1 (2, 0 điểm)


    Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống .

    Câu 2 (5, 0 điểm)

    Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích sau:

    Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

    Anh ném pao, em không bắt

    Em không yêu, quả pao rơi rồi..


    Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại đang sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.

    Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.

    (Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 7 - 8)

    ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

    ĐỌC HIỂU 3, 0

    1. Những phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh trả lời như đáp án: 0, 75 điểm.

    - Học sinh trả lời một phương thức biểu đạt đúng được 0, 25 điểm

    2. Tình cảm của tác giả dành cho quê hương mình được thể hiện qua các từ: mãnh liệt, day dứt

    Hướng dẫn chấm:

    - Trả lời như đáp án: 0, 75 điểm.

    - Nếu học sinh trích dẫn nguyên câu văn "Tôi đi đã nhiều nơi.. bằng mảnh đất cội cằn này" cho: 0, 25 điểm.

    3. Phát hiện và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn 2:

    * Biện pháp liệt kê: đào ổ chuột, đánh dậm, úp cá, đơm tép, dấm cá rô, móc con da dưới vệ sông; mua bánh rợm, lẩy Kiều, ngâm thơ, nghe hát chèo, nhắc lại kỉ niệm thời thơ ấu

    - Tác dụng:

    + Làm câu văn sinh động, giàu hình ảnh, gợi hình, gợi cảm

    + Diễn tả đầy đủ, toàn diện những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó với quê hương của tác giả

    + Tô đậm tình cảm sâu đậm, gắn bó của tác giả với quê hương

    * Biện pháp điệp cụm từ: ở miếng đất ấy..

    - Tác dụng:

    + Làm câu văn sinh động, giàu hình ảnh, gợi hình, gợi cảm, nhận mạnh, gây sự chú ý của người đọc

    + Nhấn mạnh quê hương là nơi gắn bó với những kỉ niệm ấu thơ của tác giả

    + Tô đậm tình cảm sâu đậm, thiêng liêng của tác giả dành cho quê hương

    Hướng dẫn chấm:

    - Phát hiện và chỉ ra vị trí của 1 trong 2 biện pháp tu từ trên: 0, 25 điểm

    - Phân tích tác dụng của 1 trong 2 biện pháp tu từ trên: 0, 75 điểm

    4. Nhận xét về cách thể hiện tình cảm của nhân vật "tôi" dành cho quê hương:

    - Tình cảm dành cho quê hương: Tình yêu, sự nhớ nhung, trân trọng, gắn bó tha thiết

    - Nhận xét cách thể hiện: Tác giả thể hiện tình cảm một cách chân thật, dung dị, xúc động qua: Ngôi kể thứ nhất, qua góc nhìn từ gần đến xa, quá khứ đến hiện tại; kỉ niệm về quê hương như một thước phim hiện ra trong kí ức của tác giả bằng nghệ thuật điệp, liệt kê; qua giọng kể thủ thỉ, tâm tình, nhẹ nhàng mà thấm thía; qua sự kết hợp của các phương thức biểu đạt: Biểu cảm, miêu tả, tự sự..

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh nêu được tình cảm của tác giả dành cho quê hương: 0, 25 điểm.

    - Học sinh nhận xét được cách thể hiện tình cảm: 0, 25 điểm.

    II LÀM VĂN. 7, 0

    1. Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống (2, 0)

    a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

    Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. 0, 25đ

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

    Suy nghĩ về ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống. 0, 25đ

    c. Triển khai vấn đề nghị luận

    Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống

    * Gợi ý:

    - Điều bình dị trong cuộc sống: Là những điều nhỏ bé, đời thường, gần gũi xung quanh chúng ta. Đó là tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, thầy cô..

    - Trân trọng điều bình dị trong cuộc sống là: Là biết nâng niu, tận hưởng, lưu giữ những điều bình dị của cuộc sống

    - Ý nghĩa khi trân trọng những điều bình dị của cuộc sống:

    + Giúp cuộc sống mỗi ngày của bản thân trở nên có ý nghĩa. Yêu, sống tận hưởng, tận hiến hết mình với từng giây phút của cuộc sống

    + Tìm được sự bình yên, thanh thản, cân bằng trong tâm hồn. Đó là đạt được hạnh phúc thực sự.

    + Làm nên những điều lớn lao, ý nghĩa cho cuộc đời

    Hướng dẫn chấm:

    - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng (0, 75 điểm).

    - Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0, 5 điểm).

    - Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: Lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0, 25 điểm).

    Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

    d. Chính tả, ngữ pháp

    Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    Hướng dẫn chấm:

    - Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. 0, 25

    e. Sáng tạo

    Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

    Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về hiện tượng đời sống;có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

    - Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0, 5 điểm.

    - Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0, 25 điểm.

    2. Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích (5, 0)

    a . Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

    Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0, 25đ

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

    Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn truyện.

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0, 5 điểm.

    - Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0, 25 điểm.

    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

    Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

    * Giới thiệu tác giả (0, 25 điểm), tác phẩm và đoạn truyện (0, 25 điểm)

    * Phân tích tâm trạng và hành động nhân vật Mị

    - Hoàn cảnh: Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra, bị đọa đày cả về thể xác, tinh thần. Đêm tình mùa xuân đã tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và hành động của Mị

    - Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đoạn trích

    + Diễn biến tâm trạng: Sống lại những hoài niệm về quá khứ kiêu hãnh, khơi dậy những cảm xúc đẹp đẽ; nhận thức được được thực tại đau khổà tủi nhục, bế tắc, muốn chếtà mâu thuẫn, giằng xé.

    + Diễn biến hành động: Thắp đèn cho sáng, sửa soạn đi chờia mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt vượt qua mặc cảm, ràng buộc thân phậnà thể hiện sức sống mạnh mẽ.

    - Tâm trạng và hành động của nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ tự nhiên, sinh động, giàu tính biểu cảm, giọng điệu tha thiết..

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2, 5 điểm.

    - Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1, 75 điểm - 2, 25 điểm.

    - Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1, 0 điểm - 1, 5 điểm.

    - Học sinh phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện: 0, 25 điểm - 0, 75 điểm.

    * Đánh giá

    - Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị góp phần làm nên giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

    - Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật truyện ngắn của Tô Hoài.

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh trình bày được 2 ý: 0, 5 điểm.

    - Học sinh trình bày được 1 ý: 0, 25 điểm.

    d. Chính tả, ngữ pháp

    Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    Hướng dẫn chấm:

    - Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. 0, 25đ

    e. Sáng tạo

    Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

    Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của truyện ngắn Tô Hoài; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

    - Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0, 5 điểm.

    - Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0, 25 điểm.
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng chín 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...