Đề minh họa môn môn Ngữ văn THPT 2024, có đáp án tham khảo

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Thùy Minh, 22 Tháng ba 2024.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ MINH HỌA - BẢN WORD

    KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2024

    Bài thi: NGỮ VĂN

    Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề​

    I. ĐỌC HIỂU (3, 0 điểm)

    Đã dạt về cuối trời

    vẫn đổ bóng sang vòm trời khác

    những đám mây kia ơi

    bay nhẹ thế làm ta kinh ngạc

    bay như chưa biết mình từ nước

    chưa từng hóa cơn mưa

    chưa từng có phút giây cuồng nộ

    vô ưu bay, chẳng để ai ngờ..

    những đám mây kia ơi

    chân trời ấy làm sao chứa được

    đã có lúc ghì mình sát đất

    rồi bay theo mộng mị kiếp người

    hòa tất thảy vào đời sống khác

    lại làm mây di tán lưng trời.

    (Trích Những đám mây cuối trời, Đoàn Văn Mật, Ngoài mây trời đầy trống vắng, NXB Hội Nhà văn, 2023, tr. 53-54)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.

    Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được thể hiện trong những dòng thơ sau:

    bay như chưa biết mình từ nước

    chưa từng hóa cơn mưa

    chưa từng có phút giây cuồng nộ

    vô ưu bay, chẳng để ai ngờ..

    Câu 3. Nêu nội dung của những dòng thơ sau:

    đã có lúc ghì mình sát đất

    rồi bay theo mộng mị kiếp người

    hòa tất thảy vào đời sống khác

    lại làm mây di tán lưng trời

    Câu 4. Từ suy ngẫm của tác giả về Những đám mây cuối trời trong đoạn trích trên, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

    II. LÀM VĂN (7, 0 điểm)

    Câu 1 (2, 0 điểm)

    Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách.

    Câu 2 (5, 0 điểm)

    Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? , nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết:

    Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc trên sân khấu nhà hát. Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm (1) của những mái chèo khuya. Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu. Và từ đó, những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, chơi đàn hết nửa thế kỉ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều: "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời".. Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: "Đó chính là Tứ đại cảnh!"

    [..]

    Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ổ Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bảo Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đẩy chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: "Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ..". Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.

    (1) Tiếng nước rơi bán âm: Chỉ tiếng nước rơi trầm đục theo cách cảm nhận âm nhạc. (2) Tứ đại cảnh: Tên một bản nhạc cổ Huế, tương truyền do vua Tự Đức sáng tác.

    (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 200-201)

    Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét tình cảm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với sông Hương được thể hiện trong đoạn trích.

    HẾT

    [​IMG]

    ĐÁP ÁN THAM KHẢO

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1. Thể thơ của đoạn trích: Thể thơ tự do

    Câu 2. Biện pháp tu từ được thể hiện trong những dòng thơ sau:

    bay như chưa biết mình từ nước

    chưa từng hóa cơn mưa

    chưa từng có phút giây cuồng nộ

    vô ưu bay, chẳng để ai ngờ..

    - Phép điệp: bay, chưa (chưa từng, chưa biết)

    - Phép so sánh: Bay như chưa biết.. chưa từng..

    - Tác dụng:

    + Tạo nhịp điệu, tăng tính nhạc cho lời thơ;

    + Làm nổi bật hình ảnh những đám mây tự do, phiêu du trên bầu trời.

    + Nhấn mạnh ý nghĩa: Dù cuộc đời có nhiều nghịch cảnh, biến thiên vô lường, hãy cứ sống an nhiên, tự tại, lạc quan, vững vàng.

    Câu 3. Nội dung của những dòng thơ:

    đã có lúc ghì mình sát đất

    rồi bay theo mộng mị kiếp người

    hòa tất thảy vào đời sống khác

    lại làm mây di tán lưng trời

    - Nghĩa đen: Miêu tả vòng tuần hoàn của mây: Hóa thành mưa tan biến (ghì sát đất, bay) rồi lại được tạo thành (đời sống khác) và tiếp tục phiêu du trên bầu trời (di tán lưng trời).

    - Nghĩa ẩn dụ: Gợi lẽ sống an nhiên, tự tại, bình thản trước quy luật cuộc đời.

    Câu 4.

    - Trong đoạn trích trên, nhà thơ thể hiện những suy ngẫm về sự tuần hoàn vô tận trong đời sống của mây.

    - Bài học về lẽ sống cho bản thân: Cần phải sống lạc quan, tích cực trước thử thách cuộc đời.

    II. LÀM VĂN (7, 0 điểm)

    Câu 1 (2, 0 điểm)

    Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách.

    Giới thiệu vấn đề.

    Giải thích vấn đề: Sống tích cực là sống lạc quan, vui vẻ, luôn hướng tới những điều tốt đẹp; thử thách là nghịch cảnh cản bước con người, đôi khi khiến chúng ta thất bại, gục ngã.

    Bàn luận về ý nghĩa của thái độ sống tích tích cực trước thử thách:

    - Thái độ tích cực giúp con người luôn vững vàng, giữ được ý chí, bản lĩnh trong hoàn cảnh thử thách.

    - Thái độ tích cực giúp con người giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt để tìm ra cách thức vượt qua thử thách.

    - Thái độ tích cực quyết định thành công, người thành công là người luôn suy nghĩ tích cực, kể cả khi gặp thất bại.

    Dẫn chứng chứng minh: E-di-son, Jack ma..

    Khái quát vấn đề, nêu bài học cho bản thân.

    Câu 2 (5, 0 điểm)

    Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, nêu vấn đề: Đoạn trích miêu tả vẻ đẹp sông Hương khúc hạ nguồn, trước khi ra biển cả, từ đó thể hiện tình cảm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với sông Hương.

    Thân bài:

    - Khái quát vẻ đẹp sông Hương những phần trước.

    - Phân tích vẻ đẹp sông Hương trong đoạn trích:

    Vẻ đẹp sông Hương trong mối quan hệ với văn hóa Huế:

    + Dưới góc nhìn âm nhạc, khoảnh khắc chùng lại của sông Hương khiến sòng sông như hóa thân thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.

    + Nhà văn ưu ái cho rằng: Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước sông Hương. Từ âm thanh của dòng sông như tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiếng mái chèo khua sóng, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền trong những đêm thanh vắng, không gian yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng của những giọt nước rơi bán âm từ mái chèo khuya.. đã hình thành những làn điệu hò dân gian và nền âm nhạc cổ điển Huế.

    + Nhà văn còn có phát hiện, phán đoán rất bất ngờ: Sông Hương với âm nhạc Huế có ảnh hưởng đến kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Nguyễn Du đã phải bao năm lênh đênh trên quãng sông này, nghe nhạc Huế với một phiến trăng sầu, từ đó những bản đàn đi suốt cuộc đời nàng Kiều..

    Sông Hương khi rời khỏi Huế:

    - Đặc điểm địa lý tự nhiên:

    + Rời khỏi kinh thành, chếch về hướng chính bắc.

    + Nó phải chuyển dòng sang hướng đông và vì vậy sẽ đi qua một góc của thành phố Huế ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ.

    - Trong con mắt đa tình của người nghệ sĩ tài hoa:

    + Khúc ngoặt ấy lại là biểu hiện của nỗi "vương vấn", thậm chí có chút "lẳng lơ kín đáo" của cô gái sắp xa người tình tri kỉ.

    + Sông Hương ở đây giống như nàng Kiều trong đêm tình tự đã trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề chung thủy.

    - Trong cảm nhận sâu sắc của nhà văn, sông Hương mang đặc điểm tâm hồn con người xứ Huế:

    Tác giả đã nhận thấy một điều rất đặc biệt: "Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và giống với con người nơi đây".

    => Sông Hương không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp tự nhiên mà nó còn là kết đọng rõ nét và đầy đủ của tất cả vẻ đẹp con người xứ Huế: Vẻ đẹp của tính cách, tâm hồn Huế. Dòng chảy dịu êm của sông Hương là vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của con người xứ này. Sự gắn bó của Hương giang với Huế cũng bắt nguồn từ tính cách con người xứ Huế mềm mại, chung tình: "Mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở".

    Nghệ thuật:

    + Sự kết hợp hài hòa cảm xúc, trí tuệ, chủ quan và khách quan.

    + Bằng sự quan sát tinh tường, tỉ mỉ, tưởng tượng phong phú, tác giả đã miêu tả sông Hương từ góc nhìn địa lí, văn hóa.

    + Ngôn ngữ trong sáng, phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ, sử dụng nhiều phép tu tư như: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ..

    + Tác giả còn vận dụng những tri thức phong phú, những hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt như địa lý, thơ ca, âm nhạc.. để làm giàu cho giá trị nhận thức của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung. Đặc biệt, trong đoạn trích sông Hương được cảm nhận nhiều từ góc độ âm nhạc khi được so sánh với người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, qua khẳng định toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước sông Hương và nhắc đến những bản đàn trong cuộc đời nàng Kiều..

    Tình cảm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với sông Hương: đó là tình yêu, niềm tự hào nhà văn dành cho con sông quê hương. Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ không thể viết lên được những trang văn mê đắm và rất đỗi tài hoa như thế. Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có được những rung cảm mãnh liệt để tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn, tạo nên cả cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác. Bằng con mắt tình yêu, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương trong một văn phong tao nhã, hướng nội, tài hoa. Với cảm hứng ngợi ca, bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? Như lời cảm tạ của tác giả đối với đất mẹ Huế nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn. Tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang và xứ Huế rộng hơn chính là tình yêu quê hương, đất nước tha thiết.

    Kết luận: đánh giá giá trị nội dung, nghệ thuật..
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng ba 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. Đề tham khảo vừa sức vs các bạn học sinh năm nay, mk ra trường được 1 thời gian r nhưng vẫn có thể nắm và làm được tầm 50/50 thì các bạn hs vs đề này không quá khó, độ tốt nghiệp sẽ cao còn phân loại để vào trường đại học thì phải xem tư duy các bé r
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề đúng là vừa sức, phần Làm văn rất cơ bản, có thể nói là dễ làm. Phần đọc hiểu có câu 3, 4 phân hóa học sinh.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...