Đề đọc hiểu: Cuốc kêu cảm hứng - Nguyễn Khuyến Đọc văn bản sau: Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ, Ấy hồn Thục đế thác bao giờ? Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? Thâu đêm ròng rã kêu ai đó? Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ. (Ấy hồn Thục đế: Có bản chép là Đấy hồn Thục đế . Điển cũ kể rằng vua nước Thục mất nước, chết hóa thành con cuốc, suốt đêm ngày kêu ròng rã "Thục quốc, Thục quốc!") Chọn 1 đáp án đúng: Câu 1. Bài thơ không cùng thể thơ với Cuốc kêu cảm hứng là: A. Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ B. Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến C. Tự tình bài 2 - Hồ Xuân Hương D. Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão Câu 2. Trong cả bài thơ, tâm trạng chủ thể trữ tình được gửi gắm qua hình tượng: A. Con cuốc B. Hồn Thục Đế C. Bóng nguyệt D. Khách giang hồ. Câu 3. Những từ ngữ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình là: A. Khắc khoải, sầu, tiếc, nhớ, ngẩn ngơ B. Hồn Thục Đế, năm canh, sáu khắc C. Đêm hè vắng, bóng nguyệt mờ D. Nằm mơ, khách giang hồ Câu 4. Âm thanh tiếng cuốc kêu trong hai câu: Năm canh máu chảy đêm hè vắng - Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ là âm thanh như thế nào? A. Âm thanh quen thuộc, bình dị của mùa hè ở làng quê B. Âm thanh da diết, triền miên, khắc khoải gây ám ảnh C. Âm thanh yếu ớt từ xa vọng lại trong đêm vắng D. Âm thanh ồn ào, náo động cả đêm khuya. Câu 5. Dòng nào không biểu đạt nội dung của hai câu thơ Có phải tiếc xuân mà đứng gọi - Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? A. Hai câu thơ là tiếng than nhớ nước của oan hồn Thục đế xa xưa B. Hai câu thơ biểu đạt nỗi lòng nhớ tiếc của Nguyễn Khuyến về đất nước thịnh trị thời xưa C. Hai câu thơ thể hiện nỗi đau đớn của nhà thơ trước hiện thực đất nước bị ngoại xâm D. Hai câu thơ miêu tả hiện thực đau thương của đất nước khi giặc ngoại xâm đặt chân lên bờ cõi. Câu 6. Nội dung biểu đạt của hai câu luận Có phải tiếc xuân mà đứng gọi - Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? Có nét tương đồng với câu thơ nào sau đây: A. Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại (Hồ Xuân Hương) B. Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua (Xuân Diệu) C. Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc (Bà Huyện Thanh Quan) D. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.. (Mãn Giác Thiền Sư) Câu 7. So sánh với bài Câu cá mùa thu, cảm xúc trước hiện thực đất nước và lòng yêu nước của Nguyễn Khuyến trong bài thơ này: A. Thể hiện lặng lẽ, kín đáo hơn B. Thể hiện da diết, mãnh liệt, ám ảnh hơn C. Thể hiện sôi nổi, nhiệt tình hơn D. Thể hiện khéo léo, tinh tế hơn. Trả lời câu hỏi: Câu 8. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của 1 biện pháp tu từ sử dụng trong câu: Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. Câu 9. Nêu cảm nhận của em về tâm sự của Nguyễn Khuyến thể hiện trong hai câu thơ kết. Câu 10. Dựa vào những hiểu biết về cuộc đời Nguyễn Khuyến, hãy lí giải cảm xúc, tâm sự Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài thơ. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. D Câu 2. A Câu 3. A Câu 4. B Câu 5. D Câu 6. C Câu 7. B Câu 8. Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. - Biện pháp nghệ thuật: Phép đối: Năm canh >< Sáu khắc; máu chảy >< hồn tan; đêm hè vắng >< bóng nguyệt mờ. - Tác dụng: + Tạo ấn tượng về âm thanh đầy bi thương, ám ảnh của tiếng cuốc kêu: Tiếng cuốc kêu ròng rã cả đêm cả ngày (năm canh đêm, sáu khắc ngày), tiếng cuốc kêu đau đớn như máu chảy, hồn tan, tiếng cuốc kêu rền rĩ trong không gian mênh mông vắng lặng của đêm hè vắng, bóng nguyệt mờ.. Qua đó, người đọc phần nào hiểu được tâm trạng buồn đau, nhức nhói của nhà thơ gửi trong hình tượng chim cuốc. + Làm cho lời thơ thêm gơi hình, biểu cảm, tăng tính nhạc, tạo sự cân xứng, hài hòa. Câu 9. Tâm sự của Nguyễn Khuyến thể hiện trong hai câu thơ kết: Thâu đêm ròng rã kêu ai đó? Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ. Hai câu kết miêu tả âm thanh của tiếng chim cuốc kêu ròng rã suốt đêm thâu và tâm trạng "ngẩn ngơ" của chủ thể trữ tình. Tiếng cuốc gọi hồn nước suốt năm canh có sự tương đồng với con người cả đêm thao thức không ngủ với tâm trạng ngổn ngang, bồn chồn: Đau buồn trước vận nước, tiếc nhớ chủ quyền đất nước, cảm thương cho dân tộc, bất lực cho chính mình.. Câu 10. - Cảm xúc, tâm sự Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài thơ: Nỗi đau đớn, xót xa trước hiện thực đất nước; day dứt không yên vì sự bất lực của bản thân. - Lí giải: Nguyễn Khuyến đau đớn, xót xa trước hiện thực đất nước vì đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, thỏa hiệp để đất nước rơi vào tay giặc. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Khuyến lại cáo quan về ở ẩn (vì bất hợp tác với thực dân Pháp). Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem