Đề cương ôn tập thi cuối kì I môn Ngữ văn 11

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi vllananhh, 24 Tháng mười hai 2023.

  1. vllananhh

    Bài viết:
    8
    ĐỀ 3

    I. ĐỌC HIỂU (6, 0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    [..] Nhưng thơ Xuân Diệu chẳng những diễn đạt được cái tinh thần cố hữu của nòi giống. Vả chăng tinh thần của nòi giống có cần gì phải bất di bất dịch. Sao phải bắt ngày hôm nay phải giống hệt hôm qua? Nêu ra một mớ tính tình, tư tưởng, tục lệ, rồi bảo: Người Việt Nam phải như thế, là một điều tối vô lý. Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết.

    Nhưng sự sống muôn hình thức mà trong những hình thức nhỏ nhặt thường lại ẩn náu một nguồn sống dồi dào. Không cần phải là con hổ ngự trị trên rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một lần chín vạn dặm mới là sống. Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã biểu hiện ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi. Sau khi đọc đi đọc lại nhà thơ có tâm hồn phức tạp này, sau khi đã tìm kiếm Xuân Diệu hoài, tôi thấy đây mới thực là Xuân Diệu.

    Trong cảnh mùa thu rất quen với thi nhân Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến:

    Những luồng run rẩy rung rinh lá..

    cùng cái:

    Cành biếc run run chân ý nhi.

    Nghe đàn dưới trăng thu, chỉ Xuân Diệu mới thấy:

    Linh lung bóng sáng bỗng rung mình.

    và mới có cái xôn xao gửi trong mấy hàng chữ lạ lùng này:

    Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời:

    Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!

    Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:

    Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.


    Cũng chỉ Xuân Diệu mới tìm được nơi đồng quê cái cảnh:

    Mây biếc về đâu bay gấp gấp,

    Con cò trên ruộng cánh phân vân.


    Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới.

    Cho đến khi Xuân Diệu yêu, trong tình yêu của người cũng có cái gì đó rung rinh. Người hồi tưởng lại:

    Rượu nơi mắt và nhìn khi ướm thử;

    Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây;

    Và nhạc phấn dưới chân mừng sánh bước;

    Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi;

    Tà áo mới cũng say mùi gió nước;

    Rặng mi dài xáo động ánh dương vui. [..]

    (Trích Một thời đại trong thi ca, in trong Thi Nhân Việt Nam,

    Hoài Thanh – Hoài Chân, Nxb Văn học, Hà Nội 2012)


    Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là gì?

    Câu 2. Nêu luận đề của văn bản?

    Câu 3. Để tăng tính thuyết phục, tác giả đã sử dụng yếu tố bổ trợ nào?

    Câu 4. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình"?

    Câu 5. Theo em đặc điểm nào trong thơ Xuân Diệu giúp tác giả khẳng định: "đây mới thực sự là Xuân Diệu" ?

    Câu 6. Mục đích của tác giả ở bài viết trên là gì?

    Câu 7. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình"?

    Câu 8. Bạn hiểu như thế nào là sự "rung động tinh vi" mà tác giả nói tới trong đoạn trích? Câu 9. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu văn sau: "Không cần phải là con hổ ngự trị trên rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một lần chín vạn dặm mới là sống" ?

    Câu 10. Từ nhận định của tác giả về thơ Xuân Diệu: "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình.", bạn rút ra được bài học gì cho bản thân mình?


    II. LÀM VĂN (4, 0 điểm)

    Bạn hãy viết một bài văn nghị luận (từ 500 – 800 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết trân trọng cuộc sống.

    ĐỀ 4


    I. ĐỌC HIỂU (6, 0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Xin chào, tôi là Severn Suzuki, thay mặt cho ECO – Tổ chức trẻ em vì môi trường.

    Chúng tôi là một nhóm những người 12 – 13 tuổi đang cố gắng tạo nên vài sự thay đổi: Vanessa Suttie, Morgan Geisler, Michelle Quigg và tôi. Và chúng tôi đã tự quyên tiền, đi hơn 6000 km để đến đây nói với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi. Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình.

    Đánh mất tương lai không giống như đánh mất chiếc ghế trong bầu cử, hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi đến đây để lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho muôn loài động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng Ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào. Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước, khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe những tin về việc các loài động vật, thực vật đang dần tuyệt chủng, rồi biến mất mãi mãi. Trong cuộc sống của tôi, tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không?

    Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn thừa thời gian và các biện pháp hữu hiệu. Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được các giải pháp, nhưng tôi mong các vị hãy nhận ra rằng, chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon, không biết cách mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô, không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng giờ đã thành sa mạc xanh tươi trở lại. Một khi đã không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa.

    [..]

    Xin đừng quên lý do các vị dự hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào. Lẽ ra bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng, mọi chuyện sẽ ổn thôi, đây không phải là ngày tận thế đâu, và bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị còn có thể nói vậy. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị nữa không? Bố tôi thường nói: Hành động sẽ tạo nên con người con, chứ không phải lời nói. Vâng, nhưng những gì các vị làm khiến tôi khóc hằng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị hãy hành động đúng như những gì đã nói. Xin cám ơn!

    (Trích bài phát biểu của Severn Suzuki tại Hội nghị vì môi trường được tổ chức ở

    Rio – Barazin, 1992, toomva.com dịch)


    Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1: Xác định luận đề của văn bản?

    Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

    Câu 3: Để tăng tính thuyết phục cho văn bản, tác giả đã sử dụng những yếu tố bổ trợ nào?

    Câu 4: Chỉ ra 2 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn văn: Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon, không biết cách mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô, không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng giờ đã thành sa mạc xanh tươi trở lại .

    Câu 5: Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong đoạn văn sau: Trong cuộc sống của tôi, tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không?

    Câu 6: Anh/chị hiểu câu nói sau: "Hành động sẽ tạo nên con người con, chứ không phải lời nói không" như thế nào?

    Câu 7: Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản?

    Câu 8: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: Các vị cũng không thể biến những cánh rừng giờ đã thành sa mạc xanh tươi trở lại. Một khi đã không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa.

    Câu 9. Mục đích của tác giả khi tham gia hội nghị là gì?

    Câu 10. Bạn rút ra được thông điệp gì cho bản thân sau khi đọc đoạn trích trên? (0, 5 điểm)

    Câu 11. Bạn có nhận xét gì về con người của tác giả được thể hiện qua đoạn trích?


    II. LÀM VĂN (4, 0 điểm)

    Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 đến 800 chữ) bàn về lối sống xanh của con người trong xã hội hiện nay.

    -----Hết-----
     
    Last edited by a moderator: 4 Tháng một 2024
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...