Review Truyện Còn Chút Gì Để Nhớ - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Quynh LoiChoi, 19 Tháng một 2022.

  1. Quynh LoiChoi

    Bài viết:
    33
    Còn chút gì để nhớ – Nguyễn Nhật Ánh

    [​IMG]

    Khép lại những trang truyện cuối cùng, tuy truyện không dài lắm, chừng đâu khoảng 209 trang nhưng khiến cảm xúc đọng lại trong tôi sao mà bồi hồi mãi như cái lúc mà tôi chỉ mới bắt đầu đọc vài dòng chữ đầu tiên. Nếu vừa đọc vừa nghiền ngẫm chắc cũng chỉ mất trọn một buổi là xong. Mặc dù, tôi không phải là độc giả ruột của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng những lần tôi có cơ duyên đọc truyện của ông đều cảm thấy rất thích.

    Nói đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì chắc hẳn đã không còn quá xa lạ gì với độc giả nước nhà. Với cả một kho tàng quý giá với hơn 40 tác phẩm, chủ yếu là truyện dài. Ông đã trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng trong nền văn học trong nước. Chưa hết, có những tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh như Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc.. Hầu hết, các truyện của ông đều xoay quanh chủ đề về tuổi thơ, về những đứa trẻ đang tập lớn. Như nhà văn Nguyễn Việt Hà nói rằng:

    "Ông Ánh quả là một nhà văn rất lạ. Ngày nay, với riêng chủ đề về bọn trẻ loay hoay đang lớn, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn bậc nhất." (Tuổi Trẻ 26-6-2013)

    Và truyện dài "Còn chút gì để nhớ" cũng là một tác phẩm xoay quanh chủ đề về những đứa trẻ đang tuổi lớn. Truyện được kể dưới lời văn của cậu chàng tên Chương vừa mới qua cái tuổi 18. Cái tuổi mà được bọn trẻ xem như là một dấu mốc thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người, mà hễ đứa nào vượt qua cũng tự vỗ ngực mà tự hào. Chương đã chạm đến nó và thử thách đầu tiên mà cậu phải vượt qua đó chính là việc thi đại học. Chương là một cậu học sinh ở một xã nghèo ở miền Trung. Với những đứa trẻ ở đây, muốn thi đại học thì chỉ có thể lựa chọn hai nơi: Một là Huế, hai là Sài Gòn. Và Chương đã chọn Sài Gòn là điểm đến tiếp theo trong đời mình với lí do rất đơn giản vì "đi Sài Gòn cho biết". Nhưng cậu không hay biết rằng chính sự lựa chọn đó đã đem cho mình những kỉ niệm khó quên sau này. Ở mảnh đất Sài Gòn phồn thị, Chương đã gặp gỡ và làm quen được những người quan trọng trong cuộc đời như Lan Anh, chị em nhà Quỳnh, Kim Dung, Bảo.. Sài Gòn cũng chính là nơi vun đắp cho mối tình tuổi mới lớn của Chương và Quỳnh. Lại nhắc đến chuyện tình gà bông ấy, Chương ngay từ lần gặp đầu tiên đã đem lòng thích Quỳnh vì "một nụ cười xinh". Lúc đó, Chương là cậu thiếu niên 18 tuổi còn Quỳnh mới chỉ là cô bé học lớp chín. Quá trình để tình cảm của hai người phát triển có chút rụt rè, có chút nhẹ nhàng nên chả ai dám mở lời thổ lộ tình cảm cho đối phương nghe. Không ít lần tôi tủm tỉm cười thầm vì sao mà dễ thương quá, y hệt tâm lý của những đứa trẻ lần đầu biết đến tình yêu. Nhưng tiếc cho Chương, mối tình ấy lại không có một kết quả đẹp như cậu vẫn hay nghĩ đến. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, Chương quay trở về quê thăm gia đình. Rồi khi quay trở lại Sài Gòn, cậu bắt đầu nhận ra tình cảm của Quỳnh dần đổi thay. Chính điều đó đã khiến Chương buồn lắm. Buồn đến nỗi khi cậu tốt nghiệp ra trường, cậu xin về dạy ở một trường dưới tỉnh xa. Năm đầu tiên cậu còn giữ liên lạc với mọi người nhưng sau đó liền biệt tích suốt hơn một năm trời. Chính quãng thời gian đó đã khiến Chương phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ Quỳnh. Còn về Quỳnh, cô bé ấy vốn dĩ là một người tốt, hồn nhiên và trong sáng. Quỳnh cũng có tình ý với Chương. Nhưng cô bé lại không có đủ can đảm đấu tranh cho hạnh phúc của mình khi bị bố ngăn cấm. Nếu như Quỳnh có tính cách như Trâm – chị gái của Quỳnh, chắc hẳn mọi chuyện sẽ không đến nỗi nào.

    Mãi đến mười năm sau, mặc dù Chương kể rằng bản thân đã không còn yêu Quỳnh nữa, nhưng tôi nghĩ rằng trong trái tim của Chương luôn có một vị trí đặc biệt dành cho Quỳnh nhưng đó lại là Quỳnh của những năm tháng hồn nhiên, ngây thơ thời xa xưa. Vậy nên, khi Chương gặp lại và trò chuyện với Quỳnh vẫn bâng khuâng tự hỏi "không biết trong vô vàn những kỉ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ hay không ."

    Truyện được kể dưới lời văn của nhân vật Chương khiến cho ai đọc được cũng cảm thấy gần gũi, chân thật và có chút hóm hỉnh. Chưa hết, điều đó còn lột tả hết diễn biến tâm lý của một thiếu niên đang tuổi mới lớn từ cảm giác xấu hổ khi bị người khác chê là khù khờ, rồi đến ngượng ngùng khi lần đầu biết yêu hay buồn sầu khi tình yêu dang dở. Chắc hẳn, những ai đã từng đọc qua"Còn chút gì để nhớ" cũng sẽ bồi hồi ngẫm lại về quá khứ, về tuổi trẻ – cái thời mà một trong số chúng ta đã từng là Chương, là Quỳnh. Tóm lại, thì đây là một tác phẩm đáng để đọc. Nhất là những ai đang trong độ tuổi mới lớn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...