Review Sách Còn Chút Gì Để Nhớ - Nguyễn Nhật Ánh: Dư Âm Của Mối Tình Đầu Khó Quên

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Diệu Thúy 2000, 7 Tháng mười hai 2020.

  1. Diệu Thúy 2000

    Bài viết:
    35
    Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả sách được nhiều người yêu thích. Sách của ông vẫn bán chạy cho dù dòng sách Việt Nam đang có phần yếu thế trước những cuốn sách nước ngoài. Tác phẩm "Còn chút gì để nhớ" của Nguyễn Nhật Ánh là một trong những cuốn sách được in hơn ba mươi lần. Đó là một cuốn sách viết về một chàng trai đã có những rung động đầu đời mãnh liệt để rồi bất lực trước trò đùa của số phận.

    [​IMG]

    TÌNH YÊU LÀ MỘT THỨ KHÔNG THÍCH HẸN TRƯỚC

    Chương vốn là một chàng trai miền Trung hiếu học, sau khi đỗ tú tài hai Chương đã chọn vào Sài Gòn thi đại học với lý do "đi Sài Gòn cho biết". Một chàng trai tỉnh lẻ lần đầu vào Sài Gòn với nhiều bất ngờ và có lẽ sự bất ngờ đáng vui mừng nhất trong tất cả là sự rung động trước cô bé dễ thương nhà kế bên – Quỳnh.

    Chương đến ở nhà dì Ba của mình để ôn tập trước khi bước vào kỳ thi đại học. Ở đó Chương đã gặp và quen thân với gia đình bác Tám – hàng xóm của dì Ba. Nhà bác Tám có bốn người con, người con đầu tên Kim, tiếp đến là Trâm, Quỳnh và Tạo. Lần đầu gặp Quỳnh, Chương giả vờ ngủ để nghe lỏm câu chuyện Trâm và Quỳnh bàn về mình. Thấy Quỳnh nói tốt cho mình, trong lòng Chương nảy sinh tình cảm, đến khi thật sự được thấy nàng Chương như người mất hồn trước nụ cười trong sáng và ánh mắt hồn nhiên của cô bé.

    Có người từng nói rằng không nên phân tích lí do con người bắt đầu yêu thích điều gì, nhưng trong trường hợp của Chương có thể thấy xuyên suốt câu chuyện ánh mắt và nụ cười của Quỳnh luôn là điểm mà Chương để tâm nhất. Có lúc ánh mắt ấy ngập tràn sự vui vẻ, ấm áp làm Chương rộn ràng và thổn thức. Cũng có lúc ánh mắt tỏ rõ sự lãnh đạm xa cách làm Chương trở nên bối rối đến nghẹn họng.

    Chương là một người nhút nhát và e dè, nhưng tình cảm của anh lại mãnh liệt. Có thể là vì những rung động đầu đời của tuổi trẻ bao giờ cũng mới lạ và thu hút, cũng là vì những khung cảnh ở tuổi đó vẽ ra bao giờ cũng đẹp đẽ và thơ mộng. Nhưng những suy nghĩ lệch lạc của người lớn tác động vào tình cảm hời hợt từ một phía làm cho những mộng tưởng đó vỡ ra một cách nhanh chóng.

    Đang lưng chừng hạnh phúc, tưởng như thế giới chỉ tồn tại những điều tích cực thì Chương nhận thấy sự tránh mặt của Quỳnh khi anh trở lại sau lần về thăm quê. Liên tiếp nhận những dấu hiệu của sự lạnh nhạt từ Quỳnh và gia đình bác Tám (trừ Trâm), Chương không giải thích được lí do vì sao. Anh chỉ biết rằng sau một thời gian về quê và tình yêu của Quỳnh dành cho anh đã biến mất như chưa từng tồn tại.

    Ở đời vẫn luôn tồn tại nhiều sự bất ngờ, và tình yêu là một thứ rất thích tạo ra bất ngờ cho con người. Tình yêu không thích hẹn trước, nó sẽ đến vào lúc con người không phòng bị và rời đi vào lúc con người không ngờ được. Cũng bởi sự bất ngờ đó mà tình yêu luôn được trân trọng, đặc biệt là mối tình đầu. Bởi mối tình đầu là lần đầu con người biết thế nào là rung động cũng là lần đầu biết tan vỡ là gì, mà lần đầu thì bao giờ cũng quan trọng.

    CHÂN THÀNH LÀ ĐIỀU CỐT YẾU Ở MỘT MỐI QUAN HỆ

    Tuổi trẻ vẫn thường được nhắc đến bởi tình yêu và tình bạn. Tình bạn ở giai đoạn tuổi trẻ được xem là bền chặt nhất trong cuộc đời mỗi người. Bởi lúc đó con người đã định hình nhân cách, không còn trẻ con ngây dại cũng chưa thận trọng, thực tế. Ở quãng đời đáng kết bạn ấy, Chương gặp được Kim Dung, sau này là Bảo, hai người bạn thân cho tới cuối truyện của anh.

    Nếu có thể gọi tính cách con người bằng một màu sắc thì Chương sẽ thuộc nhóm màu thâm trầm còn hai người bạn của anh lại thuộc nhóm màu tươi sáng. Khác với sự e dè của Chương, Kim Dung là một người bá đạo, miệng lưỡi nhanh nhạy sắc bén và Bảo là một người thích trò chuyện, ưa hài hước.

    Tính cách khác nhau tạo nên một bộ ba khó hiểu, nhưng tình cảm thì rất bền chặt. Có lẽ là vì cả ba người đều đối xử với nhau chân thành. Sự bất cần của Kim Dung không thể hiện trong cách cô quan tâm Chương hay sự đùa cợt của Bảo không nằm trong những lời nói dành cho Chương. Ngoài chân thành người ta có thể kể rất nhiều thứ khác tác động đến một mối quan hệ, nhưng chân thành là điều cốt yếu ở một mối quan hệ bền chặt. Bởi chân thành là sống thật với mình, với người, khi con người sống thật với nhau sẽ chẳng có gì làm mối quan hệ của họ tan vỡ.

    Nhắc đến chân thành "Còn chút gì để nhớ" còn để lại ấn tượng bởi nhân vật Trâm. Gia đình bác Tám ngăn Quỳnh và Chương đến với nhau là vì gia đình bác là gia đình cách mạnh còn bố Chương sau giải phóng bắt đầu đi học cải tạo. Bác Tám sợ ảnh hưởng tới lý lịch nên ngăn cản chuyện yêu đương của hai đứa nhỏ. Trong khi Quỳnh chống trả yếu ớt vào cuối cùng bỏ cuộc thì Trâm lại là người phản đối kịch liệt cái tư tưởng lệch lạc của ba mình. Trước hay sau cách mạng cách đối xử của Trâm với Chương vẫn thế, bộc trực và chân thành. Lá thư cuối truyện của Trâm vừa là lời giải đáp cho những vướng mắc của chương, vừa là một thông điệp tác giả muốn nhắn gửi: Hãy luôn tìm thấy những điều tốt đẹp và tích cực mà hướng tới.

    "Còn chút gì để nhớ" là câu tự hỏi của Chương, sau những tháng năm dài rộng đã đẩy mối tình vào quá khứ liệu Quỳnh có còn chút gì để nhớ. Những rung động của tuổi trẻ nhanh đến cũng vội đi, nhưng dư âm của mối tình đầu luôn tồn tại trong tiềm thức mỗi người, để rồi khi gặp cảnh quen thuộc sẽ bất giác nhớ tới người từng thương. "Còn chút gì để nhớ" chính là một tập truyện lưu giữ những đẹp đẽ của mối tình đầu.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...