Giàng ơi! Sao không mưa Bấm để xem Y Ban nhẹ nhàng đặt những bầu đựng nước suối xuống sàn rồi móc chiếc gùi lên vách. Trăng thượng tuần đang nhảy nhót trên những tán cây trước nhà. Gió mát liêu phiêu thổi. Đâu đó trong rừng vẳng lại tiếng kêu của mấy con thú đang đi kiếm cái ăn. Cô gái cao hứng hát khe khẽ "Hơ.. Đêm rừng, con mãng con nai cũng biết hát, con Kơ tia cũng biết yêu; chỉ có em chưa biết một điều. Hơ..". Tiếng động và tiếng ho ở góc nhà khiến cô im bặt – "Y Ban!". Tiếng kêu phát ra từ đống chăn bùi nhùi gần bếp lửa. "Đống chăn" cựa quậy, một cái đầu râu tóc bờm xờm ló ra – "Con lại đi qua con suối bên đó hả? Ta đã cấm mà". Y Ban ấp úng – "Dạ.. tại Giàng không chịu mưa, cái suối bên này khô nứt đất, cái nước cũng chui đâu mất. Chỉ có bên đó..". "Hèm.. Mai ta sẽ khỏe mà. Sẽ vào rừng kiếm cái ăn, cái nước. Con đừng qua bên đó, bọn người làng chúng xấu lắm". Nhắc đến người làng bên kia, đôi mắt ông già ngời lên giận dữ. Ông có vẻ muốn ngồi dậy nhưng cơn bệnh đang hành hạ khiến ông như lả đi. Y Ban bước lại đỡ ông nằm xuống – "Già cứ nghỉ cho khỏe. Y Ban sẽ không lấy nước bên đó nữa. Không gặp bọn người xấu..". Nghe thế, tia lửa trong đôi mắt ông già biến mất. Bây giờ đôi mắt ấy trông hiền hậu như biết cười, từ từ nhắm lại. Ông lại thiếp vào cơn mê. Trăng đã lên cao, vầng nguyệt quang lấp lóa trên những ngọn kơ nia già. Rừng đã ngủ, đêm tịch mịch khiến lòng Y Ban thấy lao xao một cảm giác lạ. Cô đâu biết đây là đêm dậy thì muộn của cô gái 18 tuổi. Từ khi chập chững nói cười, cho đến lúc biết theo già Y Lun vào rừng đặt bẫy bắt con thú, đuổi con ong lấy cái mật.. thế giới của Y Ban chỉ là khu rừng già trước mặt, với bao điều kỳ bí cô chưa khám phá hết. Một ngày nọ, Y Ban chỉ tay về phía những ngọn khói đang bốc lên ở phía sau một ngọn đồi, thắc mắc: "Già ơi! Ở đó chắc là cũng có giống người giống mình phải không già?". Y Ban nhớ mãi nét dữ tợn trên khuôn mặt già Y Lun lúc đó – "Đừng nhìn nó, bọn người ở đó xấu lắm". Buổi tối, qua giọng kể đều đều của già Y Lun bên ánh lửa bập bùng, Y Ban mới hiểu được đôi điều về thân phận mình.. Thì ra, ở bên kia ngọn đồi, còn có một thế giới khác. Một thế giới với những con người cư xử với nhau bằng những luật lệ khắt khe tàn nhẫn. Dưới sự phán xử của một già làng, kẻ có tội, người già yếu không còn khả năng lao động, đều bị đuổi vào rừng sâu. Già Y Lun cho biết, đã nhặt được Y Ban trong một góc rừng, lúc cô còn đỏ hỏn – "Nhưng lúc đó con biết gì mà phạm tội hở già?". "Ờ.. hừm.. già Y Lun ngập ngừng – Già làng bảo con là con của quỷ. Là kẻ mang điềm dữ đến cho dân làng". Năm Y Ban mười sáu tuổi, nhiều lần cô lén già Y Lun vượt qua "biên giới" cấm, đến bên con suối của những "người ác" bên kia. Có đêm cô núp trong bụi cây rất lâu, lén nhìn những cô thiếu nữ trong làng đi tắm. Nhìn họ vô tư ca hát đùa nghịch, lòng Y Ban dấy lên niềm khao khát – Cô rất muốn được làm quen, được cười giỡn như họ; nhưng nhớ tới lời cảnh báo của già Y Lun, cô đành lặng lẽ bỏ về. Giàng cứ nắng mãi không chịu mưa, khô khốc thế này thì con chao rao cũng không cất nổi tiếng hót chứ đừng nói con người. Y Ban quay nhìn vào trong thấy già Y Lun đã say ngủ, cô bỏ những chiếc bầu không vào gùi rồi len lén đi về phía bờ suối "cấm". Dòng nước mát trong mơn man da thịt khiến cô sơn nữ 18 tuổi thấy rạo rực hưng phấn. Nhớ lại những câu ca đã nghe lén khi nhìn các cô gái ở làng bên tắm, Y Ban hát nho nhỏ "Ê.. cái suối cái sông cái rừng cái núi, gọi Giàng mưa xuống cho rừng xanh lên..". Thình lình, một giọng nam cất lên đâu đó nghe rất gần, Y Ban hoảng hồn im bặt "Ê.. pơ rơ tốc. Hỡi cô nàng mến yêu, hãy hát lên lời ca đẹp, để rừng nở thêm hoa tươi. Trên nương thêm lúa trĩu vàng..". Ôi chao! Cái tiếng ca sao mà cao vút như tiếng con chim rừng khua động trời khuya thế kia. Y Ban đang mê mẩn bỗng giật mình, khi phát hiện người con trai lạ đến gần bờ suối. Cô líu quýu lao lên bờ, mặc vội chiếc xà rông vào. Giọng nói người con trai cất lên ngay phía sau khiến cô cảm thấy nóng bỏng cả cơ thể – "Nàng có phải là tiên của rừng mà thân hình đẹp đến nỗi con thú rừng cũng ngơ ngẩn thế?". Y Ban vẫn không dám quay mặt lại. Ngày nào cô cũng nói chuyện với già Y Lun, nhưng sao cái giọng nam trầm ấm này làm cái bụng cô run quá chừng. Nhớ tới già Y Lun, thì câu nói mà cô đã nghe suốt mười tám năm trời cũng tái hiện "Bọn người bên ấy chúng ác lắm!". Nỗi lo sợ trước người lạ dần dần thay đổi cái cảm giác bồi hồi lúc nãy, Y Ban quơ vội chiếc gùi rồi quay bước như chạy vào rừng đêm. - Già ơi! Con người khi gần nhau như con chim trống với con mái thì sẽ có con phải không già? Câu hỏi hơi bất ngờ khiến già Y Lun lúng túng: - Er.. chuyện đó cũng giống như.. có cái nắng thì phải có cái khát vậy mà. Nhưng với con thì không thể. - Sao con lại không thể hở già? – Y Ban chồm tới, nắm tay già Y Lun lắc mạnh. - Ngoài già ra, không có ai yêu thương con đâu. Bọn người đó sẽ làm con đau khổ suốt đời. Câu trả lời của già Y Lun cũng mù mờ như những làn khói mỏng manh bên kia đồi, Y Ban vẫn còn thắc mắc nhưng thấy đôi mắt già Y Lun nhắm lại như sắp ngủ nên thôi. Đã ba hôm, từ ngày bị người con trai lạ bắt gặp lúc cô đang tắm, Y Ban không dám ra suối lấy nước nữa. Cứ mỗi lần nhớ tới cái giọng nói trầm ấm đó, cô cảm thấy nóng ran lên. Mà sao cái khuôn mặt thoáng gặp lần đầu đó cứ lởn vởn theo cô mãi thế nhỉ? Nhiều lần cô có ý định ra suối để gặp anh ta, nhưng nhớ tới lời cảnh cáo, cô thấy sợ nên thôi. Già Y Lun vẫn chưa khỏe, đêm nay thì Y Ban phải ra suối lấy nước rồi. Cô chờ đến khi trăng đã cao trên ngọn cây, mới mang gùi bước vào rừng đêm. Quan sát một hồi lâu, khi đã chắc chắn không có ai bên bờ suối, Y Ban mới bước ra lấy đầy nước vào những chiếc bầu mang theo. Tiếng nước chảy như khiêu khích, Y Ban thấy thèm quá, cái cảm giác mát rượi khi ngâm mình dưới dòng nước; nhưng nhớ tới chuyện bị bắt gặp mấy hôm trước, cô thấy mắc cỡ, nên quàng vội chiếc gùi vào vai. - Khoan đi đã nàng ơi! Ta chờ đã ba đêm rồi. Hãy cho ta được trò chuyện với nàng một lát. Người con trai hôm trước lại xuất hiện từ lúc nào, làn hơi nóng phà sát gáy, Y Ban hoảng hốt lắc mạnh vai mới thoát được đôi tay cứng rắn đang giữ chặt. - Đừng sợ. Ta là con trai của bản làng Bleiruk. Từ hôm trông thấy nàng, dù chỉ thoáng phía sau, ta cũng đã mê mệt. Hỡi nàng tiên của núi rừng, hãy cho ta được nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của nàng. - Người làng các ngươi xấu cái bụng lắm. Cả người già cũng đem bỏ vào rừng. - Ơ.. đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ làng được giải phóng rồi. Y Ban lờ mờ hiểu rằng: Hắn muốn nói bây giờ làng đã khác rồi, người làng không còn ác nữa. Bất ngờ, người con trai chụp bờ vai cô gái rồi xoay mạnh, buộc Y Ban phải quay người lại.. Bạn đọc thân mến, câu chuyện sẽ còn dài và đẹp nếu hai người không đối diện nhau. Nhưng lỡ rồi.. bây giờ anh chàng si tình đã biết được người con gái mà mình thầm yêu trộm nhớ lại có bộ mặt thật dị dạng xấu xí, anh ta hoảng hồn thụt lùi lại rồi bỏ chạy vào rừng đêm, sau khi la lớn - "Quỷ. Trời ơi, quỷ!". Phần cô gái tội nghiệp, sau khi biết khuôn mặt của mình xấu như quỷ, mới đầu cô đau khổ và thất vọng lắm, tính lao xuống vực sâu chết quách cho rồi, nhưng nghĩ tới già Y Lun, cô không nỡ "Mình mà chết rồi, lấy ai chăm sóc cho già đây. Thôi thì cũng còn cái rừng cái núi và già Y Lun thương mình". Thế là cô âm thầm quay về thế giới riêng của mình. Các bạn cũng đừng kết tội chàng trai si tình nọ, anh ta đâu có lỗi gì. Chỉ tại.. Giàng, cứ nắng hoài mà không chịu mưa đấy thôi.
Cô võ sĩ miền núi Bấm để xem M ồng hai tết, tôi bỗng có ý định rời Phan Thiết làm một chuyến đi xa – Pleiku. Hơn một ngày đường "ê ẩm" trên xe đò, và sau mười phút đứng chết cóng vì cái lạnh đột ngột khi xuống xe; người lái xe ôm đã đưa tôi đến địa chỉ tôi yêu cầu. Trần có vẻ bất ngờ khi thấy tôi đứng co ro trước cửa – "Trời, cái thằng.. tao tưởng mày hứa lèo cho vui". Hắn kéo tôi vào nhà, miệng bi bô – "Ông bà bô của tao năm nay bỗng nổi hứng dắt nhau về quê ăn tết. Tao có nhiệm vụ giữ nhà, buồn muốn chết". Tôi thăm dò – "Bộ nhà không còn ai nữa sao?". Hắn nhăn mặt – "Còn đứa em gái" trời đánh ", có phép tàng hình. Tao kiêm luôn nhiệm vụ phục vụ nó trong ba ngày tết". Tôi đụng mặt cô em gái "trời đánh" của Trần ngay phòng khách. Mái tóc ngắn kiểu con trai và cách ăn mặc hơi bụi làm tăng nét ngổ ngáo trên khuôn mặt cô bé. Đây quả là kiểu em gái có biệt tài bắt nạt những ông anh hiền lành như Trần. Cô bé đang chuẩn bị đi đâu đó. - Giới thiệu với mi, Thùy, đứa em rất "thùy mị" và là khắc tinh của.. "oái!", Trần nhăn mặt, bỏ lửng câu nói vì ngón võ véo của Thùy. - Đầu năm đầu tháng, phát biểu cho đàng hoàng. - Được được, để anh giới thiệu lại. Ngữ, bạn anh, nhà thơ, người yêu bỏ.. chán Phan Thiết nên lên đây ăn tết với anh em mình. Nghe Trần giới thiệu tôi cũng có ý định muốn.. thụi cho hắn một cái, vì tôi biết, con gái thời nay chẳng có ai thật sự thích nhà thơ cả. - Hắn xuyên tạc đó. Anh là nhà báo. Sống lạc quan yêu đời, chưa hề biết thất tình bao giờ. - Thành thật như thế là tốt. Chứ bộ dạng anh thì.. nhà thơ cái nỗi gì. Tôi thầm trách cái bộ óc vốn tự hào là nhạy bén của mình. Biết vậy lúc nãy tôi nhận mình là nhà thơ thì "bảnh" rồi. - Thôi, anh Ngữ ở nhà chơi với anh Trần cho có bạn, em phải đi đây. À.. mọi thứ đã có sẵn trong tủ lạnh và trong cái đầu giỏi giang của anh Trần nhà em đấy! * Buổi sáng, Trần bảo lỡ hẹn với người yêu, nhờ tôi coi nhà giùm. Chẳng lẽ vượt gần cả ngàn cây số lên đây để coi nhà giùm cho hắn? Tôi khép cửa lang thang xuống phố. "Phố xá không xa nên phố tình thân", câu thơ đã lột hết cái thần của phố núi. Tôi leo lên leo xuống vài con dốc đã thấy mỏi cả chân, tính ghé vào một quán cà phê ngồi nghe nhạc cho hết ngày; bỗng tôi chú ý đến cái dáng quen thuộc của cô gái đang đi phía trước. Hình như là Thùy.. Theo sau Thùy là hai gã trai. Thoạt nhìn, tôi cũng biết hai gã này đi theo cô với ý định chọc ghẹo. Một tên lải nhải hát – "Ngày lấy chồng, em đi theo con dê, con dê già sói đầu..". Gã còn lại táo bạo hơn, sấn tới nắm tay Thùy. "Bốp!". "Hự".. Cái tát kèm theo cú đá mạnh và lẹ y như phim Hồng Kông. Thấy bạn mình bị ăn đòn bất ngờ, đang ôm bụng nhăn nhó một cách thảm hại, tên còn lại quê độ, hung hăng nhào tới. Rất lẹ làng, tôi cũng nhào vô, đứng chắn trước mặt hắn. - Ban ngày ban mặt, sao lại đi ăn hiếp phụ nữ thế anh bạn? – Tôi hất đầu, làm mặt lạnh, đóng vai một anh hùng sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp. Tuy biết cái lợi thế to con bên ngoài của mình cũng dễ hù thiên hạ, nhưng trong bụng cứ nơm nớp "Hắn mà nổi quạu ra tay, chắc tôi sẽ là trò cười cho thiên hạ". Cũng may, người đi đường tò mò tụ lại xem rất đông. Gã con trai có vẻ nhụt khí thế trước lời xì xào của đám đông nên sau một thoáng chần chừ, hắn tẽn tò đến khoác vai bạn rút lui. Tôi giật mình khi có ai đó đập nhẹ vào vai! Thùy nhìn tôi diễu cợt – "Về chớ, người hùng". Tôi kề tai võ sĩ nói nhỏ – "Kiếm quán nước ngồi một lát cho đỡ.. run". Thùy gật đầu rồi ấn vào tay tôi chiếc thùng gỗ, miệng thùng có chừa một lỗ nhỏ. Tôi liếc nhìn hàng chữ vẽ trước thùng "Đóng góp cứu trợ bệnh nhân trại cùi", chợt lờ mờ hiểu về sự vắng nhà thường xuyên của cô. Quán cà phê nằm cuối một con dốc. Ở Pleiku, quán cà phê nào cũng trang trí rất nhã và lịch sự. Tôi đã thật sự thấy thích cái không khí lạnh tự nhiên và ly cà phê đậm đặc hương vị phố núi. Cà phê ngon nên uống rất mau "phê". Tôi thấy tỉnh táo hẳn. - Thì ra mấy ngày tết Thùy bận đi làm công tác xã hội cho Tỉnh đoàn? - Biết rồi còn hỏi. - Thật ra, nhìn cái dáng thướt tha xinh đẹp của Thùy, chàng trai nào mà không bị lầm. Kể cả.. anh. Bài học sơ đẳng về tâm lý đối với phụ nữ đã có tác dụng, Thùy hơi thu người lại sau câu nói của tôi; nụ cười tươi và dễ thương như.. con gái. Một ý nghĩ "đen tối" chợt hiện trong đầu tôi "Phải chi Thùy cũng là người yêu văn thơ nhỉ". - Nhà thơ thường.. nói xạo lắm phải không? - Sao.. Thùy biết? - Anh mới lên Pleiku lần đầu mà trước đây có những bài thơ viết về Pleiku rất hay và rất.. phịa. - Thí dụ? - Gặp em bên phố mây trời. Mù sương dĩ vãng mù đời thơ si. Quả thật đó là những câu thơ tôi đã viết từ lúc chưa biết cái phố núi này nó "tròn méo" thế nào. Tôi chống chế: - Sáng tác mà, có khi tái tạo quá khứ, có khi cảm nhận qua lời kể của bạn bè. - Thơ hay phải có cái thực trong cảm xúc, ngày mai em tính rủ anh đi chơi. Tôi hí hửng: - Có lý! Đồi thông, Biển Hồ.. Về đây mà không đi cho biết thì uổng quá. - Đừng vội mừng. Nhân danh trưởng ban công tác xã hội Tỉnh đoàn, em có ý định mời nhà thơ đi thực tế trại cùi một lần cho biết. Dám không? Câu hỏi và ánh nhìn của Thùy đã đẩy tôi vào một tình thế khó mà lắc đầu. Thôi, chào.. mùa xuân không đến. Vĩnh biệt những câu thơ về phố mây trời còn lởn vởn trong đầu. Ở đây chẳng có người đẹp nào cùng ta lang thang trên con đường lãng đãng khói sương mù, cho thơ bay về đâu trên con dốc dã quỳ vàng rực mùa thu. Chào nhé! Ngày mai ta đi thực tế đây. * Đang bon bon trên con đường quốc lộ tráng nhựa êm ái, chiếc xe mười hai chỗ ngồi bỗng giảm tốc độ rồi rẽ vào con đường đất đỏ nằm cách khoảng vài chục cây số nữa. Tôi hơi lạc lõng giữa hàng chục cái miệng cười nói huyên thuyên và vô tư ca hát suốt dọc đường. Thùy cũng đang hăng hái "hòa tấu" với dàn đồng ca đó và hình như cô đã quên hẳn trên xe có một vị khách mời là tôi. Càng tốt, tôi tha hồ ngắm cảnh núi rừng hoang dã và cây cỏ hai bên đường. Khụp! Cốp! Á.. Cả chục cái miệng cùng đồng thanh la lớn khi chiếc xe bất ngờ dừng lại, một bánh trước bị sụp xuống chiếc hố nhỏ khiến xe nghiêng hẳn sang bên. Tôi hơi choáng vì cú va chạm nhẹ vào thành xe, nhưng một làn da con gái thơm thơm và mát rượi áp sát vào mặt khiến tôi không còn cảm giác đau đớn gì – Thùy bị độ nghiêng của xe xô đè lên người tôi. Mặc kệ tiếng la ó trên xe, lợi dụng lúc Thùy chưa kịp ngồi lên, tôi ghé tai cô nói nhỏ – "Cám ơn tai nạn bất ngờ. Úi da!". Lần này thì tôi không kèm được tiếng đau đớn vì cú đẩy không chút nương tay của Thùy. Con gái, đẹp nhất là lúc họ đỏ mặt, cho dù họ là võ sĩ. Tôi xoa xoa chỗ đau lồm cồm ngồi dậy, lòng tự an ủi với điều bí mật mình vừa phát hiện. Flu đã mở được cửa xe, giúp mọi người trèo ra bên ngoài. Cống bị lở, xe không thể qua được – Flu nói – Mọi người mang theo đồ đạc tìm nơi nghỉ tạm. Minh và Hiển hãy đi bộ đến trại phong, báo để họ cho thêm người đến vận chuyển thuốc men và đồ dùng về trại. - Trại cùi còn xa không? – Tôi hỏi một cô bé trong đoàn. - Khoảng sáu cây nữa. Tôi nhập theo cô bé vào đoàn người đi xuống một thung lũng. Con đường xuống thung lũng lô nhô sỏi đá vụn, nhiều đoạn rất dốc nên khó đi. Tôi đang mải nhìn theo tấm thảm dã quỳ vàng rực trải dài hai bên đường thì tiếng la của Thùy làm tôi giật mình. Thùy bị vấp vào một rễ cây, mất đà đang lảo đảo sắp ngã. Tôi cũng la lớn – Té té.. rồi lao tới tính đỡ Thùy. Người bị té không phải là Thùy mà lại là tôi. Cô chỉ lảo đảo vài vòng rồi trụ lại được, còn tôi đang nằm chổng kềnh trước mặt Thùy. Cô bé đi bên cạnh đưa tay kéo tôi dậy, miệng lập lại "té té" rồi cười vang. Mọi người cũng rần rần cười khiến Thùy lại "đỏ mặt", ngúng nguẩy bỏ đi. Tôi cũng thấy ngượng khi nghe Flu giải thích – "Téh" theo nghĩa tiếng dân tộc Gia rai là chỉ hành động của hai người nam nữ lúc họ đang "ấy". Thung lũng được phủ mát bởi những tán cây già, mọi người đang tự tìm cho mình một chỗ ngả lưng lý tưởng. Tôi cũng ngả người trên chiếc ba lô cá nhân. Gió mát và thiên nhiên hoang dã khiến lòng tôi thanh thản quá. Những cô cậu năng nổ và nghịch ngợm nhất đoàn giờ cũng mệt mỏi nằm thư giãn. Tôi biết, chỉ vài phút nữa thôi, những con người năng động đó sẽ bật dậy và ca hát vang động cả núi rừng cho mà xem. Hình như trong gió thoảng về tiếng suối róc rách và tiếng đàn Tơ rưng đâu đây. Tôi nghe nói người dân tộc có loại nhạc cụ làm bằng những ống nứa với đủ mọi kích cỡ. Nhạc công khi biểu diễn chỉ cần dùng cặp dùi gõ lên, đàn sẽ phát ra những âm thanh rất hài hòa quyến rũ. Ở một vài bản làng, nhạc cụ này thường được đặt dưới các khe nước. Nước từ trên vách đá chảy xuống sẽ làm chuyển động một bộ phận gõ, âm nhạc được phát ra liên miên bất tận. Tôi bật dậy, lần theo âm thanh của tiếng đàn. Có lẽ tôi đang đến gần đích vì càng lúc âm thanh nghe càng rõ dần. Chút xíu nữa là tôi đã reo lên khi trông thấy Thùy đứng dưới tán một cây dầu. Thùy đang nhìn gì trên cây mà có vẻ tập trung đến ngẩn ngơ thế nhỉ? Tôi ngước lên và không ngăn được tiếng reo: Đẹp quá! Trên cành cao, những cây phong lan đang bung cánh nở rộ. Thùy nhìn chăm chú vào một bụi ngọc điểm lớn đang khoe những chùm bông trắng muốt. Tôi nghe người sành chơi lan bảo: Loài hoa này, bụi nào khi nở mà bông chỉ toàn màu trắng hoặc có ít điểm hồng hơn sẽ rất giá trị. Thùy đến, đập nhẹ vai tôi – "Thích không?" – "Tuyệt quá!" – Tôi đáp – "Anh leo lên lấy tặng Thùy bụi ngọc điểm đó nhé!" – "Đừng có giỡn – Tôi lè lưỡi khi nghe Thùy đề nghị – Cao quá, làm sao leo được" – "Xì.. con trai gì dở ẹc. Để tui đi nhờ người khác". Thùy hờn dỗi bỏ đi. Thùy đi rồi, chỉ còn tôi với những gốc cây già trơ tráo. Tiếng chim ríu ran và tiếng đàn vẳng bên tai cũng không lấp được khoảng trống. Không hiểu sao mỗi lần gần "nữ võ sĩ" là trong lồng ngực tôi cứ lào xào như gió rừng đang thổi. Tôi nhìn lên cành dầu, những chùm ngọc điểm cứ đung đưa như trêu ngươi – Nếu bây giờ mình không đủ can đảm trèo lên cây thì chẳng bao giờ hái được mùa xuân cả. "Con trai gì dở ẹc", câu nói cứ lởn vởn bên tai. Tôi sẵn sàng nhận mình dở ẹc trong một cuộc nhậu với bạn bè, nhưng nghĩ đến nụ cười dễ thương như con gái của Thùy khi nhận giò phong lan tôi đưa tặng, tôi thấy mình mạnh mẽ hẳn lên. Được rồi, nữ võ sĩ ơi! Em muốn anh làm.. khỉ anh cũng làm chứ đừng nói làm người hùng Tarzan. Lòng đã quyết, tôi cởi quần áo ngoài rồi bắt đầu trèo lên cây. Thật ra, hồi còn học phổ thông, tôi đã từng có thành tích.. hái trộm dừa. Sát bên nhà tôi có vườn dừa xiêm của bà Ba Bủng, nước ngọt kinh khủng. Bà Ba tuy to con và hung dữ nhưng có cô con gái tên Hiền, tính tình rất hiền dịu dễ thương. Một lần, tôi hái trộm dừa để đãi mấy đứa bạn, bị té; Hiền đã dìu tôi vô nhà, vừa bóp thuốc vừa khóc năn nỉ tôi từ nay muốn uống nước dừa thì bảo cô hái chứ đừng trèo cây nữa. Cảm động vì lòng tốt đó, tôi đã hứa với Hiền từ nay chẳng bao giờ trèo cây nữa. Nhưng đó là chuyện của quá khứ, còn bây giờ tôi đã leo được nửa chừng rồi.. Mùa xuân đang ở cách tôi khoảng bốn mét nữa. Bụi phong lan đang bung cánh như chùm hoa hạnh phúc treo tòng teng trên đầu, chỉ cần đưa tay là chạm tới mà không dám thì còn đợi lúc nào? Khoảng cách ngắn dần, còn khoảng một mét nữa. Tôi đã thấm mệt nên hơi thở dồn dập. Thình lình, từ bụi phong lan to và đẹp nhất, một con rắn độc (Với tôi đã là rắn thì con nào cũng độc) phóng ra. Con rắn không bò đi mà quấn mình vào một cành cây, ngóc đầu thè lưỡi đe dọa tôi "Nó sắp phun chất độc vào mình đây", tôi nghĩ. Trong đời, tôi thích nhất là.. con gái và sợ nhất là con rắn. Không cần biết rắn hiền hay rắn dữ, mỗi khi trông thấy là tôi quay đầu bỏ chạy một hơi không dám nhìn lại. Con rắn bỗng dưng xuất hiện khiến tôi đâm hoảng, quên mất mình đang ở trên cây chứ không phải dưới đất, trong đầu tôi chỉ còn lại ý nghĩ là bỏ chạy, thế là tôi buông tay.. Trước khi rơi xuống đất, tôi còn nghe bên tai tiếng la hốt hoảng của Thùy. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện, chân tay bó bột cứng ngắc. Thùy bảo tôi cũng còn hên, chỉ bị trật khớp xương và sây sát ngoài da. Tôi càu nhàu: Chưa kịp ăn tết mà đã hết tết mất rồi, còn bảo hên cái nỗi gì. Trần thì khỏi nói, tai nạn của tôi khiến hắn có cơ hội trị em gái nên cứ đứng càu nhàu mãi. Thấy mắt Thùy sắp ướt, tôi ra hiệu bảo hắn đi chỗ khác giùm. - Thùy xin lỗi anh. Không ngờ võ sĩ mà cũng có được giọng nói nghe ngọt ngào êm tai đến thế. Tôi thấy những đau nhức trong người như tiêu tan đâu mất. - Nhằm nhò gì. Tại con rắn quái quỷ chứ không thì anh đã lấy được giò phong lan để tặng Thùy rồi. - Thì anh cứ coi như.. đã lấy được rồi. Thật bất ngờ, Thùy cúi xuống hôn lên má tôi. Bạn ơi! Dẫu biết câu chuyện này có đoạn kết rất dở vì thiếu yếu tố bất ngờ, tôi vẫn ghi lại, vì tôi biết – mình đã hái được mùa xuân rồi. Mặc dù cái giá hơi đau khổ. Khi những vòng băng này được tháo ra, bạn sẽ thấy tôi thong dong đi bên hạnh phúc mình vừa hái được. Cầu trời cho đừng có con rắn quái quỷ nào xuất hiện trên đường.
Biển nổi khùng Bấm để xem Buổi chiều, cô bé láng giềng "khác hệ" đưa trả tôi tập thơ chép tay với lời bình – "Thơ ông buồn quá. Đôi câu nghe kỳ kỳ.." – "Thí dụ?" – Tôi hỏi - "Xóm chuồng ngựa cõng đời phi như ngựa. Tuổi trẻ xa xưa tình chiều nhen lửa.." – "Láng giềng" đọc liền hai câu thơ, đôi mắt bồ câu nhấp nháy khiến tôi phải đưa mắt nhìn lên trời. Ông trời có lẽ cũng tội nghiệp kẻ si tình vụng trộm nên bỗng dưng lại đổ mưa. Tôi kéo tay cô bé vào nhà – "Mưa lớn đây. Vào trú mưa đã". - Ông sống một mình như thế này không buồn sao? - Buồn làm gì cho đời mất vui. Khi nào Nguyệt vào lại Sài Gòn? - Nghỉ hè. Còn lâu lắm. Trời càng lúc càng mưa dữ. Tôi vói tay lấy cây đàn trên vách xuống. Vài hợp âm vang lên hòa điệu cùng tiếng mưa rơi. Tôi cao hứng.. Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.. Âm nhạc thường cho tôi những phút bồng bềnh lơ đãng. Tôi quên mất trời đang mưa. Quên mất trong căn phòng nhỏ của mình có cô bé láng giềng mới quen đang ngồi chờ mưa tạnh. Tôi mãi trôi trong một bài ca vừa chợt nhớ.. Ngày âm âm nỗi nhớ. Đời lớ ngớ khúc nhạc buồn. Giận mùa xuân thay lá.. Tiếng đàn ngưng lại khi bàn tay con gái âm ấm đặt lên tay tôi – "Em về đây. Trời hết mưa rồi. Ông đàn hay ghê, nhưng sao cái gì ở ông cũng buồn buồn. À, hôm nào ông dạy em đàn với nhé!". Đôi mắt bồ câu lại nhấp nháy bắt tôi phải nhìn lên trời. Tôi nói nhỏ lúc "láng giềng" đã ra về "cám ơn ông về cơn mưa bất chợt chiều nay". * - Mày cứ qua bên cái tay gàn gàn dở dở ấy làm gì thế? - Buồn quá, con qua nói chuyện với chú ấy cho vui. Mà con thấy chú Tịnh cũng hay hay. - Xì.. ba bốn chục tuổi đời mà cứ sống một mình. Suy nghĩ toàn chuyện trên trời. - Thì mẹ cũng chẳng sống một mình bao nhiêu năm nay đó sao? Hai mẹ con Nguyệt nói về tôi. Từ lúc dọn nhà về đây, tôi thấy mến mẹ con họ, không phải vì mẹ Nguyệt đã dễ dãi trong việc cho tôi thuê nhà; mà vì họ, tôi không thấy thái độ kiêu kỳ khoảng cách giữa người giàu với người nghèo. Tiếng động do tôi cố tình gây ra khiến câu chuyện bên trong im bặt. - Hai mẹ con đang bàn chuyện gì mà vui thế? - Mẹ con em đang bàn chuyện "thơ văn" đấy. Mà nè, Nguyễn Bắc Sơn là ông nào mà làm thơ hay thế hở ông? Đúng gout tôi rồi đây. Tôi ngồi xuống khi thấy mẹ Nguyệt đã vào nhà trong: - Chà, ông ấy là nhà thơ "khùng" nổi tiếng của tỉnh mình đấy. - Khùng mà sao ông ấy "tỉnh" thế hở ông? - Có lẽ với thơ thì ông ấy rất yêu. Khi yêu quá người ta đâm ra tỉnh tỉnh khùng khùng. Làm thơ mà đạt tới trình độ "khùng" như họ cũng khó lắm. "Láng giềng" có vẻ cũng muốn điên bởi lối giải thích mơ hồ của tôi. Đôi mắt bồ câu lại nhấp nháy khiến tôi phải cảnh giác – Tôi sợ cô bé hiểu lầm các nhà thơ đều muốn "khùng" thì khổ. - Bé yên chí. Viết lách lem nhem như tôi thì chẳng bao giờ "khùng" được đâu. - Coi bộ ông cũng có "triệu chứng" rồi đó. Chán ông thật, buổi chiều đẹp như thế này mà chỉ toàn nói chuyện điên khùng. Ông đưa em ra biển chơi nhé! - Khùng, trời sắp tối rồi.. - Biển đêm mới đẹp. Nhà thơ gì mà "tỉnh" thế. Tôi thấy, nếu từ chối một lời mời dễ thương như tôi thế này, quả tôi là một gã khùng thật sự. * Biển chiều êm như trên sông mà lòng tôi thì dậy sóng. Từ lâu, tôi có thói quen bắt đầu cuộc sống mỗi ngày bằng một nụ cười, nhưng mỗi lần đứng trước biển, trước vẻ mênh mông quen thuộc, lũ kỷ niệm ngày nào lại quay về khuấy động.. "Láng giềng" nhặt chiếc vỏ ốc be bé đưa cao trước mặt tôi: - Nhà thơ thấy nó đẹp ở chỗ nào? - Với tôi, nó chứa trong lòng cả một đại dương đầy cổ tích đấy. - Cổ tích? - Ờ.. ngày xưa có một gã khờ chia tay với người yêu rồi thất tình, cứ lang thang trên biển nhặt những chiếc vỏ ốc xinh xinh ném vào đại dương. Gã hy vọng chiếc vỏ ốc mang theo nỗi niềm của gã sẽ trôi dạt về một phương trời thật xa. Nơi đó, người yêu gã cũng đang lang thang trên biển, tình cờ nhặt được chiếc vỏ ốc mang tin, nhớ lại kỷ niệm xưa nên quay về.. - Thế người ấy có quay về? - Vậy thì đâu còn là cổ tích nữa – Tôi bật cười. - Ông đừng cười – "Láng giềng" bóp mạnh tay tôi – Lúc cười trông ông giống gã khờ thất tình đó lắm. Kể tiếp đi! Đôi mắt "láng giềng" như long lanh sắp "ướt" khi nhìn ra biển. Tôi không muốn cô bé bị "ép phê" bởi câu chuyện tầm phào của mình chút nào. - Còn gì đâu mà kể. Sau đó, gã khờ ngày nào cũng ra biển nhặt vỏ ốc ném vào đại dương để nuôi hy vọng. Cho đến một ngày, gã làm quen với một cô bé láng giềng có đôi mắt bồ câu dễ thương đến chết người. Mỗi lần nhìn nét trẻ trung của cô bé, gã mới phát hiện mình đã già từ lúc nào, nên không còn phung phí thời gian để đi nhặt vỏ ốc nữa.. - Xạo.. Liền sau tiếng "xạo" là cái xô thật mạnh và thật ác. Tôi không còn cách nào chống đỡ ngoài cách té ngửa xuống mép nước. Và nếu lúc đó tôi không kéo cô bé ngã theo thì.. chuyện cổ tích đã không xảy ra. "Láng giềng" nằm đè lên người tôi. Hình như tôi đã trót dại hôn lên đôi mắt bồ câu ấy. Tôi nói "hình như" vì chuyện "cổ tích" mà, làm sao tôi "ý thức" được mình đã làm gì. Có điều này thì tôi nhớ rất rõ – Khi tôi đứng lên thì.. "bốp", một cái tát thật mạnh bay thẳng vào mặt tôi. Cái tát rõ ràng là chuyện có thật chứ không phải trong mơ, vì má tôi hãy còn đau rát đây này. "Láng giềng" nổi khùng bỏ về. Biển hình như cũng nổi khùng nên bỗng duềnh lên những cơn sóng lớn. Tôi chới với vì không biết bây giờ phải làm gì để "cuộc đời" hết nổi khùng đây. * "Láng giềng" bây giờ đã thành người dưng. Cả tháng nay chúng tôi không gặp nhau. Có khi lỡ "đụng" nhau thì "người dưng" vội quay đi chỗ khác, mặt lạnh như tiền. Con gái mình dây khi giận thì dai lắm. Đó là câu nói của thằng bạn tôi – chuyên gia tâm lý học, phụ trách mục "tâm tình" ở một tờ báo lớn. Vậy mà khi bạn bè có việc đến nhờ thì nó lại chịu thua. Lại còn bảo: Cách tốt nhất là mày đã tự trói thì phải tự tìm cách gỡ. Mà thôi, chuyện quan trọng bây giờ là tôi đang ngồi run ở phòng khách nhà "láng giềng" và đợi mẹ cô ấy. Hồi chiều bà bảo tôi buổi tối qua nhà bà có chuyện quan trọng cần nói. Mẹ của "láng giềng" hôm nay ăn mặc sang trọng và lộng lẫy, trông bà xinh đẹp và trẻ hẳn ra. Bà ngồi xuống cạnh tôi, mùi nước hoa ngào ngạt căn phòng. - Tuy mới quen nhưng tôi cảm thấy chú là người có thể tin cậy được. Tôi có chuyện cần nhờ chú giúp, không biết chú có sẵn lòng. Câu mào đầu làm tôi yên tâm. Chuyện gì tôi cũng sẵn lòng, miễn bà đừng biết chuyện "láng giềng" "người dưng" mấy hôm nay vì giận tôi mà bỏ ăn, rồi bắt đền tôi thì khổ. - Khi mất, ông nhà tôi có để lại một vài cơ sở làm ăn ở thành phố. Lâu nay tôi giao cho người em chồng quản lý. Nhưng dạo này có vài dấu hiệu không minh bạch trong thu chi, tôi muốn chú thay tôi trông coi hộ. - Nhưng em đâu có rành việc quản lý. - Chú có trình độ đại học, lại tốt bụng. Công việc ở đó đã vào nề nếp nên cũng dễ làm quen thôi. - Chị để em tìm hiểu thêm xem có làm nổi không đã. - Chú cầm tập hồ sơ này về đọc trước. À.. chuyện lương bổng thì chú khỏi lo, tôi coi chú như người nhà nên luôn ưu đãi. Bà chủ tiễn tôi ra về với nụ cười thật tươi. Hôm nay trông bà có vẻ lạ lắm. * Buổi tối, tôi đang ngồi với mớ giấy tờ bà chủ đưa hồi chiều thì "người dưng" tìm đến. Tôi giật mình khi trông thấy khuôn mặt buồn buồn của "người dưng", đôi mắt bồ câu không còn nhấp nháy nữa. - Ông mà có ý định đi Sài Gòn làm việc cho mẹ, em sẽ nghỉ chơi với ông. Giọng nói "người dưng" hôm nay cũng khác. Có điều gì rối rắm ẩn trong đôi mắt ướt như sắp khóc đó? Công việc bà chủ nhờ, nếu trở thành hiện thực thì đây là cơ hội may mắn cho tôi. Ít nhất nó cũng kéo tôi thoát khỏi cảnh sống bấp bênh hiện tại. Từ nay không còn những bài viết mà cảm xúc chỉ xuất phát từ khoản tiền nợ cà phê. Tiền.. - Mẹ em làm điều đó vì bà muốn có sự ràng buộc tình cảm suốt đời với ông đấy. * Láng giềng ơi. Rất tiếc là tôi ra đi mà không nói lời từ biệt với em. Đêm qua tôi đã hiểu rằng: Điều mà tôi sợ nhất là em nghỉ chơi với tôi. Tôi quyết định ra đi để trong lòng còn mãi điều mình yêu quý. Từ nay, em là "cổ tích" của tôi đấy. Dù ở đâu, tôi cũng chỉ là gã khờ đi lang thang trên biển nhặt vỏ ốc. Thỉnh thoảng em nhớ ra thăm biển nhé! Biết đâu em sẽ nhặt được chiếc vỏ ốc chứa đựng đại dương mơ ước của chúng ta trong đó. Gởi lời chào và xin lỗi mẹ em giùm tôi. Ký tên: Chuyên gia nhặt vỏ ốc. Tôi để lá thư và ba tháng tiền thuê nhà trên bàn. Sáng mai "láng giềng" sẽ qua vì chúng tôi đã có hẹn. Trời vẫn chưa tỏ hẳn. Tôi bước ra ngoài nhìn biển đêm lần cuối. Nóng quá, nắng hạn kéo dài khiến biển cũng muốn nổi khùng, chẳng thèm thổi vào một cơn gió, dù rất nhẹ..
Hạ nhớ Bấm để xem Hạ bước dọc theo mép nước. Đêm mùa hè hào phóng những cơn gió nồm mát rượi. Biển dìu dịu màu bình yên. Từ lúc về nghỉ hè. Hạ đâm ghiền cảm giác bay bổng của những đêm lang thang trên biển. Hít no đầy hương vị mằn mặn thân quen. Lòng rạo rực như đang đi giữa mùa cây trái đang thì dâng nhựa. Phải chi lúc này còn có nhỏ Trang ở đây nhỉ! Hạ giận con nhỏ đã hứa lèo: "Vài hôm nữa tao sẽ ra thăm mày, thăm biển.." . Thôi! Không thèm nghĩ tới nhỏ Trang nữa. Vài con sóng đang mon men đùa nghịch dưới chân. Trăng mùa hạ thập thò trốn trong đám mây. Gió thổi căng lồng ngực. Biển đêm nay tuyệt quá. Thế mà Hạ vẫn cảm thấy hình như biển đang còn thiếu một điều gì? Điều gì nhỉ? Hạ nhớ rồi! Một tiếng đàn guitar trầm bổng để hòa thành cùng nhịp vỗ của sóng, để ru đêm huyền thoại. Và.. một giọng nam trầm buồn đến nghẹn lòng. Hạ bật cười! Mình lại nhớ anh ấy rồi. Nỗi nhớ không thời gian. Vẫn xanh nghìn năm như biển, không cỗi già. Chỉ có con nhỏ Hạ bây giờ đã bỏ xa cái tuổi 16 khi gặp anh. Đã trở thành cô sinh viên năm cuối.. Đủ lớn để có gặp lại nhau người ta cũng không dám vò đầu nắm tóc mình kêu "nhỏ này" "nhỏ kia" nữa. Chỉ có anh là vẫn biền biệt mù khơi. "Yên chí! Anh sẽ trở lại thăm nhỏ mà". Lời hứa xưa đã rêu màu chờ đợi. Anh mang tiếng đàn liêu trai đêm nào đi đâu mà biển cứ nhắc mãi. Kỷ niệm dẫn đường Hạ đi tiếp về phía bờ gành. Bỗng Hạ sững người choáng váng. Tiếng đàn! Đúng rồi, vẫn giai điệu quen thuộc năm nào. Hạ tự hỏi. Mình có nằm mơ không nhỉ? Âm thanh quen thuộc cứ rót vào tai Hạ như mời gọi. Tiềm thức xui Hạ bước tới. Chếch về bên trái, trên phiến đá to, dưới ánh trăng vàng nhạt. Một người đàn ông đang ngồi đối diện với biển. Từ chỗ anh ta ngồi, hòa âm của một bản nhạc cổ điển đang tuôn dồn như sóng trào. Âm nhạc và ngón đàn điêu luyện khiến Hạ trân người đứng lặng. Bất thình lình, một hợp âm òa lên bùng vỡ rồi tiếng đàn ngưng bặt. Hạ như người vừa rơi từ khoảng không xuống mặt đất, chân chưa kịp đứng vững, tim vẫn còn hồi hộp mà miệng đã hưng phấn hét lên: - Tuyệt quá! Thế mới xứng là âm nhạc. Người đàn ông giật mình quay lại. Cùng lúc là tiếng kêu thất thanh đầy hoảng sợ của Hạ. Hạ tưởng mình vừa trông thấy một khuôn mặt của quỷ. Một khuôn mặt dị dạng chỉ có một mắt, một lỗ mũi và.. một chân. Hạ kinh hoàng băng người bỏ chạy! Hình như tiếng thở dài của người đàn ông não nề lắm, nên nàng trăng cũng buồn lây trốn biệt vào đám mây. Biển chỉ còn lại một màu đen kịt.. Sáng chủ nhật biển lô nhô người. Ồn ào tiếng cười nói. Hạ nằm tắm nắng trên chiếc ghế dài. Nghĩ vẩn vơ về thoáng gặp gỡ với người đàn ông lạ có khuôn mặt dị dạng mấy đêm trước, lòng thấy áy náy. "Mình đã gây tổn thương đến một con người đang mang đầy thương tích. Tật nguyền cũng là một con người, có cùng một hình hài, một nhân cách giống mình. Có thế, còn cao trọng hơn khi người ta không còn khả năng tự vệ..". Tối hôm qua Hạ có tìm ra bờ gành nhưng không còn thấy người đàn ông dị tật có ngón đàn tuyệt vời ấy nữa. Đành gởi lời xin lỗi cho biển. Bỗng dưng Hạ thấy buồn. Nhớ trường và nhớ nhỏ Trang quá. - Hù.. đố ai đây? Tuy bị bịt kín hai mắt nhưng Hạ vẫn nhận ra ngay giọng nói trong veo của nhỏ Trang, Hạ mừng quýnh: - Ở đâu chui ra bất ngờ thế con quỷ? Ta đang buồn và nhớ mi muốn chết đây. Trang buông tay ngồi xuống bên Hạ: - Trời đất đẹp như thế này thì bệnh gì mà buồn. Ta ở đây đã hai ngày, có chút chuyện riêng nên chưa ghé mi được. - Chuyện riêng? Thế mấy ngày qua mi ở đâu? - Ở khách sạn! Đừng hiểu lầm nghe nhỏ, chuyện của ta hơi khó nói. - Đành phải tạm tin như thế. Thôi đi về nhà, ta sẽ đãi mi một bữa ăn đặc sản biển. - Nghe được đấy. Ta đang cần bổ sung những món: Rong chơi - ca hát – và ăn uống cho mùa hè cuối cùng này. Nào, đi thôi. * - Hoan hô món tôm hùm xuất khẩu! Hoan hô mùa hè! Nhỏ Hạ nè.. Sống thế này thì.. "lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn". - Thôi, đừng có pha trộn thức ăn với âm nhạc, nghe khó tiêu quá. Đưa ta mượn cây đàn. "Là la lá.. Hạ và áo trắng thuở ấy, đã theo ngày đi rồi. Còn lại tiếng guốc bối rối, mỗi đêm khua Hạ về..". - Mi đang hát bài gì mà ta nghe quen thế Hạ? - Chỉ được cái phá bĩnh. Bài hát này của người yêu viết để tặng riêng ta. Mi nghe hồi nào mà quen? Trang không trả lời Hạ mà lục tìm trong trí nhớ. Đây là bài hát của anh Nhã mà Trang đã nghe qua. Nhưng ông anh mình chỉ là cây viết nhạc nghiệp dư. Bài hát cũng không có gì đặc sắc lắm. Sao nhỏ Hạ lại thuộc nhỉ? Bị nhỏ Trang phá bĩnh làm Hạ cụt hứng. Hạ đến kéo hộc tủ, lục tìm trong đó. Một lát Hạ đưa Trang một tờ giấy chép nhạc đã ngả màu. Không hề để ý đến bàn tay hơi run của Trang khi nhìn thấy nét chữ quen thuộc của anh Nhã. "Tặng nhỏ Hạ để nhớ một mùa hè khó quên". Hạ kể về anh say sưa, như một hoài niệm ngọt ngào.. * Mùa hè năm đó. Ông anh mình dẫn về một người bạn, tướng mạo trông cũng ngang tàng không khác gì anh Bảo mấy. Cả hai cùng tốt nghiệp Thủy sản. Cùng đang thất nghiệp và đang cùng dự tính một chuyện gì ghê gớm lắm. Hạ đoán thế, vì thấy hai người sáng sớm đã ra khỏi nhà, tối mịt mới mò về. Thầm thì nghiên cứu suốt đêm. Đùng một cái! Anh Bảo tuyên bố cần ba trăm triệu để làm ăn. Không biết ổng thuyết phục thế nào mà ba mình lại nghe theo, bán hết ghe thuyền đưa tiền cho hai người. Mấy hôm sau mình thấy xe ủi tới ủi một cái đìa rộng ba mẫu. Hồi đó mình ít để ý tới chuyện người lớn nhưng cũng hơi tò mò, hỏi ra mới biết mấy ổng ủi đìa để nuôi tôm sú xuất khẩu. Đợt đầu tôm giống thả xuống chết sạch vì lượng nước có phèn. Lại đổ cát, lại ủi.. Hồ tôm thu nhập bạc triệu mỗi ngày là công trình của anh Nhã và anh Bảo đấy. Nhưng chuyện làm kinh tế thành công chẳng liên quan gì đến sự gắn bó tình cảm giữa mình với anh Nhã, mà từ một phát hiện tình cờ. Một đêm mình đi lang thang tìm gió trên biển mới biết rằng anh ấy còn là tay guitar thiện nghệ. Mình được làm quen với âm nhạc từ nhỏ nên rất mê ngón đàn của anh ấy.. Năm đó mình 16 tuổi nào đã biết yêu là gì. Nhưng đó là một mùa hè khó quên trong đời. Từ lúc anh Nhã quyết định ra đi rồi biệt tin đến giờ, mỗi lần đi dạo trên biển mình lại thấy nhớ nhớ.. Hỏi thì anh Bảo nói anh ấy tình nguyện đi bộ đội và có lẽ đã chết rồi. Mình thì lại không tin điều đó. Ủa! Sao Trang lại khóc? - Anh Nhã là anh ruột mình. Anh ấy vẫn còn sống nhưng cũng như người đã chết. - Trang nói sao? Anh Nhã là anh của Trang? Anh ấy vẫn còn sống? - Đúng! Anh ấy có đi bộ đội, rồi trở về với một nửa phần thân thể gởi lại ở chiến trường. Bao năm nay anh ấy sống lặng lẽ như chiếc bóng, rất ngại tiếp xúc với người khác. Hạ rùng mình khi nhớ lại người đàn ông đã gặp thoáng trên bãi biển mấy đêm trước. Thì ra.. - Anh Nhã đang sống ở khách sạn với Trang phải không? Đưa mình tới đó đi, mình cần xin lỗi anh ấy. * Khi đẩy cửa căn phòng khách sạn, Trang biết rằng mọi chuyện đã muộn màng. Mọi thứ trong phòng được thu dọn gọn gàng, nhưng căn phòng trống trơn. Chiếc ba lô và cây đàn thùng không còn ở góc phòng nữa. Trên bàn, một nhành phượng thắm màu nằm đè trên một tờ giấy. Trang liếc qua rồi đưa lá thư cho Hạ. Nhỏ Hạ nhớ! Đừng trách người lỗi hẹn. Cũng đừng bận tâm anh sẽ đi đâu. Chỉ nên biết rằng đoạn đường mà tuổi xuân anh đã đi qua chẳng hề làm anh hối tiếc, cho dù đã nhận bao nhiêu mất mát. Ngày xưa, khi công việc làm ăn đã phát triển, anh chợt nhận ra rằng: Chẳng lẽ cùng đích của đời người là ngồi đếm tiền và hưởng thụ. Vì thế, anh đã ra đi. Bây giờ Bảo cũng đang đi trên con đường tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đó. Anh đã đến thăm nơi Bảo đang sống và dạy học. (Thật ra, anh và Bảo vẫn thường liên lạc thư từ với nhau). Bảo đang làm "Hiệu trưởng" một ngôi trường chẳng hề có quyết định thành lập của phòng sở nào. Những giáo viên ở đó cũng chẳng một ai nằm trong biên chế nhà nước. Họ đều là những người tình nguyện đi thắp ngọn lửa văn hóa cho đồng bào thiểu số ở vùng cao. Một thanh niên địa phương đã nói với anh: "Ở đây có cái chữ cũng không có cái gì để đọc". Anh kể chuyện này để Hạ và Trang hiểu rõ sinh hoạt ở đó thiếu thốn như thế nào. Em và Trang cũng sắp trở thành những bác sĩ. Có khi nào bọn em có ý định ghé nơi đó thăm chơi một chuyến? Anh thì đã quyết định. Có khi con người lớn hay nhỏ còn tùy vào những quyết định đúng hay sai trong đời, phải không? Cho đến bây giờ anh vẫn SỐNG được vì anh nghĩ, người ta chỉ nên xấu hổ khi thấy mình vô dụng với mọi người. Tạm biệt nhỏ, tạm biệt mùa hè dịu ngọt ký ức. Tặng em một cành phượng của mùa hè mới và chúc mùa hè cuối cùng của đời sinh viên sẽ đẹp. Nhã. Hạ nói nhỏ khi Trang lau giùm những giọt nước mắt: - Anh ấy không cần nghe những lời xin lỗi, mà mình thì đang cần nói lời xin lỗi.
Lung linh cội nguồn Bấm để xem Mận? Tên gì nghe kỳ.. Nó không hề lúng túng sau câu nói của tôi. Vừa bước vào nhà tôi đã ngạc nhiên khi thấy nó gật đầu chào. "Nó là ai mà có mặt ở nhà mình vào giờ này thế nhỉ?". Bây giờ, sau khi biết tên và nhìn cách ăn mặc tôi đoán nó từ dưới quê mới lên. "Chắc má mình mới thuê người giúp việc" – Tôi nghĩ. - Hai chị em làm quen với nhau đi! Ba tôi vừa từ phòng ngủ bước ra, bảo: - Đây là con bác Đợi, mới từ ngoài Bắc vào hồi chiều. À.. thì ra là bà chị con chú bác ruột với tôi ở ngoài Bắc. Ba tôi có năm anh em trai. Ông nội tôi và ba người bác đều là liệt sĩ. Bác Đợi là người duy nhất trở về sau chiến tranh với tờ xác nhận thương binh loại hai. Ba là con út trong nhà, được đi du học ở Liên Xô về. Năm 76, ba tôi chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ ông là giám đốc một xí nghiệp lớn. Tôi sinh ra và lớn lên trong miền Nam, phía ngoại là dân gốc Sài Gòn. Nên với tôi, quê nội là một khái niệm mơ hồ.. trừ một lần, năm tôi lên mười, ba có dẫn tôi về quê nội thăm chơi cho biết. Dọc đường ba bảo: "Quê nội còn nghèo lắm, đời sống ở đó còn nhiều khó khăn..". Từ nhỏ, tôi chưa hề hiểu rõ ý nghĩa từ khó khăn. Cho đến khi thấy hình ảnh bác gái tôi quảy gánh củi nhỏ xíu trở về sau bốn ngày đường nhặt nhạnh mãi tận rừng sâu, tôi mới lơ mơ hiểu.. Tôi nhớ, sau mấy đêm liền co mình như con sâu trong cái rét tê người của mùa đông xứ Bắc, tôi đã nằng nặc đòi trở về Sài Gòn. Và từ đó, tôi luôn cố để quên một điều – Đã có những ngày đông lạnh lẽo như thế đi qua đời mình.. - Ba sẽ thu xếp để chị Mận chuyển trường vào đây. Năm học này chị em con phải đạt cho được hai kết quả – Tốt nghiệp cấp ba và đậu vào đại học. Mận là học sinh xuất sắc, Thiên Ân phải noi gương chị mà học tập. Câu nói của ba làm tôi thấy ngượng trước bà chị nhà quê này. Nhất là khi nhớ lại bả còn nhỏ hơn tôi một tuổi. - Còn chuyện này, ngày mai con đưa chị Mận đi chơi cho quen đường phố Sài Gòn. Hỏi xem chị có nhu cầu mua sắm gì thì nói má con đưa tiền. Lúc rảnh, tập chị chạy xe Honda cho quen. Tóm lại, nhiệm vụ của con là hướng dẫn cho chị mau thích nghi với cuộc sống ở thành phố. Trời đất! Phải làm một công việc không thích đã là một cực hình, huống hồ ba lại giao cho tôi cả lô lốc công việc. Như để tăng thêm hiệu lực của những lời nói khô cứng như mệnh lệnh quân sự, ba tôi bỏ đi ngay sau khi đã phân nhiệm xong. Tôi cau có nhìn bà chị từ trên trời rơi xuống. Nụ cười của bả sao mà dễ ghét lạ. "Cứ cười đi, rồi xem bà có" thích nghi "được hay không?". * - Vào đây làm gì? Chị Mận - hơi trù trừ khi tôi đẩy cửa ra vào một nhà hàng sang trọng. - Vào uống nước, nghe nhạc. Cả ngày hôm nay vừa làm tài xế kiêm hướng dẫn viên mỏi cả tay lẫn miệng, tối nay phải thay đổi chương trình chứ. Với lại, ba dặn phải tập để chị mau thích nghi với cuộc sống ở đây mà. Sợ cơn rụt rè nhà quê của bà chị họ nổi lên, tôi nắm tay chị Mận đi thẳng vào nhà hàng. Dàn nhạc trẻ đang chơi một bài Rock quen thuộc. Âm thanh làm trái tim tôi nhún nhảy rạo rực. Tôi bước thẳng, tự tin. Mỗi lần vào đây tôi thấy mình lớn lên chứ không như ở nhà. - Hi! My friends! Chưa kịp ngồi vào chỗ thì đám bạn tôi ba bốn đứa đã nhào tới. Thịnh, Hiền, Sang, đứa nào cũng modern như mọi ngày. Xong màn giới thiệu, tôi quay sang chị Mận: - Thanh niên ở thành phố hầu hết đều biết nhảy. Khiêu vũ là biểu hiện của đời sống văn minh. Hôm nào Thiên Ân sẽ tập cho chị. - Nhưng chị vào đây để học, còn giải trí thì.. Bả bỏ lửng câu nói khi thấy cái nhíu mày khó chịu của tôi. Học, học.. lúc nào cũng ca mãi một điệp khúc, sao mà giống ba tôi thế? Tôi nhìn Thịnh, nháy mắt: - Hôm nay "tới bến" nhé. Chai Napoléon được mang ra theo yêu cầu. Tôi và mấy đứa bạn đều dùng rượu, riêng chị Mận chỉ dùng nước ngọt. Thịnh có vẻ ngạc nhiên khi thấy vẻ hăng hái khác thường của tôi. Thật ra, đây là lần thứ hai tôi tập tành uống rượu. Lần đầu, cái giá tôi phải trả là ba ngày nằm liệt giường. Lần đó chỉ có má tôi biết nguyên nhân, và bà đã khóc khi âm thầm săn sóc tôi.. - Các bạn đều học chung với Thiên Ân? - Trước là thế! Bây giờ tụi nó nghỉ học hết rồi. Lần đầu tiên tôi thấy nét mặt bà chị hơi thay đổi. Có lẽ mình cũng nên nói thật với bả.. - Thú thật với chị, Thiên Ân cũng đã nghỉ học cả tuần nay rồi. Chị đừng lo vì Thiên Ân vẫn có cách thi đậu đại học. Nhưng tuyệt đối không được cho ba Thiên Ân biết. - Chị sẽ không nói, nếu ngày mai Thiên Ân đi học trở lại. Giọng bả nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát, cái nhìn xoáy vào tôi. Tôi rất bực vì mình đã không dám nhìn thẳng vào đôi mắt nhà quê đó. Ở nhà, ngoài ba tôi ra tôi chẳng biết sợ ai. Từ lúc bà chị họ xuất hiện trong nhà, tôi đã linh tính sẽ có sự xáo trộn cuộc sống bình yên của mình. Tuy không lộ ra, nhưng ngay từ phút đầu tôi đã co mình thủ thế như một đề kháng cần thiết của loài nhím khi gặp nguy hiểm. Có lẽ tôi cũng nên chứng tỏ cho bả thấy mình là một nam nhi. - Bây giờ chị là một thành viên mới trong nhà. Thiên Ân muốn chị đừng xía vào việc người khác.. Cảm thấy mình hơi nặng lời, tôi giả lả. - Nào! Mừng ngày chị em tớ gặp nhau, hãy quậy một chút cho vui cuộc đời, ta nhảy nhé! Hơi men làm tôi hưng phấn, chân tay ngứa ngáy. Tôi đứng lên, Hiền và Sang cũng bước theo tôi.. Chúng tôi nhanh chóng hòa nhập vào tiết tấu cha cha cha đang sôi động.. Sung sướng thay khi đã tạm quên những con số toán học vô cảm, cái nhìn nghiêm khắc của thầy cô, và những điệp khúc lạnh lùng của ba tôi. "Let me take you far away. You like a holiday..". Tôi cao hứng gào theo anh chàng ca sĩ tướng mạo trông rất "yeh" đang cong người trên sân khấu. Bỗng tôi trố mắt ngạc nhiên! Bên cạnh tôi, bà chị nhà quê cũng đang tươi cười khiêu vũ cùng Thịnh. Mà lạ thật, trông bả rất nhịp nhàng tươi tỉnh, chẳng chút ngỡ ngàng nào cả ().. - Chị làm Thiên Ân ngạc nhiên đấy. Ở ngoài Bắc chị có thường đi chơi thế này không? Tôi hét khi đang phóng xe ào ào. - Thỉnh thoảng.. ở câu lạc bộ thanh niên.. nhưng lành mạnh hơn.. Thiên Ân xài hoang quá. Tôi mỉm cười hài lòng nhớ lại cái nhìn kinh ngạc của bà chị họ khi trông thấy phiếu tính tiền. "Ít nhất cũng có một khoảng cách giữa mình với bả". Trong thâm tâm tôi cảm thấy khó mà thân thiện với bà chị này. Bả bỗng dưng xuất hiện như một người gián tiếp giám sát cuộc sống tôi. - Ta đi chơi tiếp nhé? - Khuya rồi, về thôi! – Bả cũng hét vào tai tôi, dứt khoát, nhớ tới sự thỏa thuận giữa tôi và bả về chuyện tôi bỏ học, tôi đành phải chiều. - Về thì về.. * Ba tôi đang đi công tác ở nước ngoài. Với tôi, đây là sự giải thoát sau thời gian dài bị khép vào kỷ luật. Ba tháng qua, sinh hoạt và việc học của tôi bị ba giám sát gắt gao. Đêm tôi đưa chị Mận đi chơi về, ba tôi đã ngồi chờ sẵn ở phòng khách. Nhà trường đã cho ba tôi biết việc tôi bỏ học khi ông đến liên hệ chuyện nhập học trễ cho chị Mận. Thầy hiệu trưởng là bạn học cũ của ba tôi. Có lẽ thầy đã nói nhiều về sự tụt dốc về hạnh kiểm và học lực của tôi trong thời gian gần đây, nên thái độ ba tôi giận dữ lắm. Tôi bị cấm quan hệ với đám Thịnh – Sang, cấm đi chơi đêm. Các môn học đã có thầy về dạy kèm tại nhà, và kết quả học tập của tôi được báo cáo tỉ mỉ qua bà chị họ của tôi. Cả má tôi cũng không dám chi tiền cho tôi rộng rãi như trước nữa. - Phải cố gắng bằng năng lực của chính mình, sau này ra đời con sẽ tự tin hơn. Khi nào việc học của con tiến bộ, ba sẽ dễ dãi. Lại những mệnh lệnh.. Tôi không còn cách nào khác ngoài cách phải tuân lệnh ba tôi. Thật ra năm ngoái tôi cũng là học sinh khá. Thời gian gần đây việc học của tôi cũng tiến bộ nhiều. Nhưng cố để bằng bà chị họ của tôi quả thật là khó. Môn nào bả cũng vượt trội. Ngay cả môn văn tôi tương đối có khiếu từ nhỏ, vậy mà cũng bị bả lên lớp khi so điểm. "Văn hay, ý súc tích, lập luận sắc sảo. Nhưng.. còn quá nhiều chỗ thừa. Ý thừa làm gãy đổ bài văn, nguyên nhân của điểm trừ..". Lúc nào "so cựa" với chị Mận tôi cũng không vượt qua chữ nhưng đó. Vì thế, mặc dù rất cố gắng, tôi cũng chưa có được sự dễ dãi như ba đã hứa. Nhiều lúc chân tay ngứa ngáy, tôi xúi chị Mận xin phép ba tôi đi chơi. Lâu lâu ba tôi cũng đồng ý, nhưng phải có chị Mận đi kèm. Mà bả chỉ biết "kèm" tôi tới những địa điểm có yaourt, bò bía.. chán thật. - Tối nay Thiên Ân có hẹn với mấy đứa bạn, chị đưa chìa khóa xe Thiên Ân "mượn". - Tối nay chúng ta phải giải đề toán mà.. - Nghỉ một bữa, với lại Thiên Ân lỡ hứa với tụi nó rồi, không đi cũng không được. - Em đến chỗ Thịnh phải không? Ba Thiên Ân đã cấm không được tập tành uống rượu. - Chị đừng nói thì ba sẽ không biết. Học mãi lâu lâu cũng phải giải trí chút xíu chớ. - Không được! Khi đi ba Thiên Ân đã dặn rất kỹ, chị không dám trái lời. Tôi cảm thấy sự nhịn nhục của mình đã quá mức. Lâu rồi, tôi rất thèm cảm giác được một bữa xả láng Với bạn bè, tôi – con trai duy nhất của một giám đốc, lại không có quyền đi đâu theo ý mình muốn sao? - Bà không có quyền, hiểu chưa? – Tôi sấn tới. Đưa chìa khóa xe cho tôi. - Không! Bả đến kéo hộc tủ, cầm chặt chìa khóa xe trong tay. Vẻ mặt cương quyết của bả làm tăng cơn giận trong tôi. Tôi hét to: - Đưa đây! - Không! - Đưa.. - Không.. "Bốp!".. Tôi giật mình khi bàn tay thô bạo của mình chạm vào khuôn mặt nhỏ bé của bà chị họ. Cặp mắt bả mở lớn nhìn tôi. (Sau này chẳng bao giờ tôi quên được ánh nhìn ấy). Cái nhìn không đau mà buồn! Không khóc – mà sững sờ. Chìa khóa xe rơi xuống đất. Tôi cúi nhặt lấy, dắt xe nổ máy phóng đi. * Ba tôi ngồi yên lặng cả tiếng đồng hồ sau khi nghe tôi trình bày lý do đã đánh chị Mận. Ba vừa từ Nhật trở về sáng nay. Chị Mận cũng đã bỏ về Bắc hai hôm rồi. Bây giờ tôi đang ngồi chờ cơn thịnh nộ của ba giáng xuống. Ba không nói gì mà chỉ nhìn đau đáu vào khoảng không như thể đang hồi tưởng một điều gì. Thà ba la mắng tôi còn đỡ sợ hơn. Bỗng tôi tái mặt.. Dưới cặp mắt lúc nào cũng biểu lộ sự nghiêm khắc khô khan thường ngày của ba tôi, có chất gì ươn ướt vừa chảy ra như là nước mắt. Ba tôi khóc? Điều này với tôi quả là một bất ngờ! Ba tôi – một người xưa nay chỉ biết ra lệnh, chưa bao giờ tôi thấy ba cười với má một lần chứ đừng nói là khóc. Tất nhiên là tôi đã sai khi đánh chị Mận, nhưng lỗi lầm đó có quá trầm trọng để ba tôi phải xúc động như thế? - Đứng lên! Đi vào trong này! – Ba tôi bỗng quát lớn. Tôi riu ríu đi theo ba, lòng thắc mắc không biết ba bảo mình đi đâu (). Ba dừng lại trước cửa phòng làm việc, mở cửa, ra hiệu bảo tôi đi vào. Đây là giang san riêng của ba, chưa khi nào tôi có việc phải đi vào trong đó. Tôi hơi khựng lại khi thấy trên vách tường bên trái, tấm hình bán thân của ông nội và ba người bác đã hy sinh được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trên mỗi bàn thờ, bình nhang nào cũng đầy cội nhang chứng tỏ ba tôi vẫn thường thắp nhang tưởng niệm. Ánh sáng nhấp nháy phát ra từ những chiếc đèn cầy giả thắp bằng điện tạo một bầu khí lung linh huyền ảo. Tay ba tôi run run đến thắp nhang từng bàn thờ rồi bảo tôi quỳ xuống. Giọng ba giờ đã dịu lại, trầm trầm xa vắng.. - Ngày xưa, ông bà nội tuy nghèo nhưng luôn khát khao con cái mình được ăn học thành người. "Làm người, không thành danh thì cũng gắng thành nhân". Hồi đó, ba vừa.. đi học vừa phải đi chăn trâu. Tuy bài vở ở trường luôn được làm trên lưng trâu nhưng lúc nào ba cũng là học sinh khá trong lớp. Ngoài việc chăn trâu, ba còn phải lượm cho đủ 10 giỏ phân trâu mỗi ngày, thiếu là ăn đòn. Bác Đợi – ba của Mận bây giờ, là người thương yêu và hy sinh cho ba nhiều nhất. Bác luôn xung phong làm thay phần việc của ba để ba được rảnh rang học tập. Bác bảo: Chú ấy học khá nhất nhà, phải tạo điều kiện để chú ấy học, mai mốt làm vẻ vang dòng họ. Dù trưa gió Lào bỏng đất hay ngày đông cóng run, bác vẫn luôn tươi cười đi về với những gánh phân trâu. Ba thành người cũng từ những gánh phân trâu trĩu nặng nghĩa tình đó. Rồi chiến tranh.. Ba người bác của con đã đem xương máu mình hiến vào đất mẹ. Bác Đợi có may mắn trở về cũng không còn lành lặn như xưa. Bác gái có quần quật suốt ngày cũng không đủ ăn, tiền đâu mà lo cho đứa con gái duy nhất ăn học. Chúng ta đang sống đầy đủ mà nỡ đứng nhìn người thân của mình khó khăn như thế sao đành. Các con là thế hệ nối tiếp. Là những cây đời được bón bằng máu thịt của cha ông, sao không phát triển cho xanh tốt để đất được mát lòng, để cội nguồn không hổ thẹn. Sao nỡ đối xử với nhau thiếu tình người như thế? Giọng ba nhỏ dần, cơn xúc cảm làm ông rũ xuống. Bây giờ tôi mới biết ba mình không là người khô cứng như tôi hằng nghĩ. - Con vào thưa với má, rồi chuẩn bị hành lý ngày mai theo ba về quê nội. Sau những lỗi lầm vừa rồi, con biết mình phải làm gì chưa? Có cái gì đang dâng lên làm nghẹn cổ tôi. Tôi đáp không ra tiếng: - Dạ biết.. * Tôi nằm bệnh viện đã ba ngày nay. Tai nạn đến thật không đúng lúc. Chiều hôm đó, tôi đến trường xin phép tạm nghỉ để về quê với ba. Trên đường về, tôi lại gặp Thịnh. Tôi nhớ, tôi đã từ chối khi Thịnh rủ tôi đi chơi, nhưng nó nài nỉ mãi, tôi đành chiều nó lần cuối vậy. Đêm đó, tôi thấy mình chẳng còn hứng thú trong những trò vui quen thuộc. Tôi đòi về sau khi đã nói với Thịnh rằng tôi còn nhiều việc phải làm cho bản thân mình. Rằng tôi sẽ nghỉ chơi nếu tụi nó không đi học trở lại.. Thịnh uống hơi nhiều. Lúc về nó phóng xe ào ào khiến tôi đâm hoảng. Tôi rượt theo nhưng đã muộn, tai nạn xảy ra. Tôi thắng không kịp nên té chồng lên xe nó, trán đập xuống mặt đường. Tôi mê đi trong cơn choáng, không còn biết gì nữa. Ba cho biết tôi đã mê suốt 12 tiếng đồng hồ. Bác sĩ nói não tôi bị chấn động nhẹ, sẽ vượt qua. Nhưng ba tôi rất lo những hậu quả về thần kinh của dạng tai nạn này. Thịnh bị rất nặng, đang còn nằm ở phòng hồi sức, thở oxy. Tôi hoảng kinh khi nghe ba kể có người nằm cả tháng vẫn chưa tỉnh, mà có tỉnh thì sau đó cũng điên điên khùng khùng. Tôi đã thấy khỏe hẳn, không còn những cơn đau đầu như ngày đầu tiên nữa. Tôi nôn nóng muốn gặp chị Mận, đòi về, nhưng ba không cho. "Ba đã điện cho gia đình bác Đợi. Khi nào con hồi phục cha con mình sẽ ra thăm bác ấy". Tôi biết chị Mận rất buồn vì phải bỏ học. Nhớ đến cái tát tai nông nổi và ánh mắt nhìn sững sờ, tôi thương chị ấy quá. Bà chị họ của tôi linh thật. Đang nghĩ về bả thì cửa phòng xịch mở, bả bước vào. Tôi vội nhắm mắt như đang mê man. - Thiên Ân! Giọng bả ngọt như giọng nói của mẹ tôi. Tôi từ từ mở mắt. Thật ra lúc này tôi rất muốn ngồi nhổm dậy, ôm chầm lấy bà chị hiền từ của mình và nói lời xin lỗi. Nhưng sự hổ thẹn khiến tôi không mở miệng được. "Cứ giả đò mê man coi bộ dễ chịu hơn". Nghĩ thế nên tôi vẫn nằm im re. - Em biết chị là ai không? Tôi muốn bật cười nhưng cố nín. Chị Mận hỏi thế vì tưởng tôi cũng tàng tàng như những bệnh nhân kếbên. Tôi làm bộ thì thào: - B.. iết! Chị là chị Mận. - Thế chị làm nghề gì? - Giám đốc nhà thương Chợ Quán, bạn tôi. Tôi hoảng hồn ngồi bật dậy vì chị Mận bỗng bật khóc nức nở. Tôi ôm chầm lấy chị, nói vội vã. - Em đùa chị ấy. Em khỏe hẳn rồi, không có điên đâu mà chị sợ. Chị Mận im ngay tiếng khóc, nhoẻn miệng cười. Đúng là đồ.. con gái. Nhưng tôi vẫn thích chị Mận cười hơn. - Chị còn đau lắm không? Đừng giận Thiên Ân nữa nhé. Chị mà giận thì trông xấu kinh khủng – Tôi nhăn mặt làm bộ. Chị Mận lại cười. Nụ cười lây hơi ấm sang tôi. Bên ngoài cửa sổ bệnh viện nắng cũng đang nhảy nhót cười. Mùa đông sắp đi qua và mùa xuân đang lấp ló đâu đó. Không biết mùa gì đang hưng hửng trên khuôn mặt nhà quê của bà chị họ tôi mà trông dễ thương lạ! Cũng không biết tiếng gì đang đập "bùm bùm" trong lồng ngực tôi nghe rộn ràng thế nhỉ?
Mùa đông và chiếc áo tơ trời của mẹ Bấm để xem C ánh cổng vừa hé, nụ cười tôi chuẩn bị để đón khách cũng khép lại – Gia sư đây ư? Người con trai có nước da đen sạm quê mùa đang đứng trước mắt tôi không lẽ lại là người mà ông anh nhỏ bạn tôi đã không tiếc lời ca ngợi: Sinh viên năm thứ tư ngoại ngữ. Có kinh ngiệm dạy kèm. Trình độ "siêu giỏi" và.. Cũng may là lúc đó tôi ra hiệu cho anh ngừng lại, chứ không thì bài hát sẽ được ca tiếp: . Đẹp trai, có ngoại hình dễ nhìn.. Dù sao, tôi cũng hơi thất vọng với cái "ngoại hình" của anh ta. - Anh Vĩ giới thiệu tôi đến đây để.. Tôi mời gia sư vào nhà. Tiếng lạo xạo của những hòn sỏi dưới chân như nhắc nhở tôi: Đừng quên bạn đã mời người ta đến, phải lịch sự. Gia sư đang đi bỗng dừng lại – "Hoa gì đẹp thế nhỉ?" – "Hoa ngọc nữ đấy!" – "Trông nó bé nhỏ và dễ thương như những chùm hoa ô môi dưới quê tôi". Xời, tưởng đâu gia sư cũng là người yêu hoa, ai ngờ anh ta đang nhớ tới một loài hoa mọc đầy các kinh rạch dưới quê. Đôi mắt gia sư như có điều gì vừa ánh lên khi biết tên tôi cũng là "Ngọc Nữ", anh nhìn tôi như tính hỏi điều gì rồi lại thôi. - Phần Grammar vững, Speaking tàm tạm. Listening còn yếu lắm.. Học tiếng Anh để đi nước ngoài như em cần phải luyện kỹ năng nghe, nói. Gia sư phán sau một tiếng đồng hồ kiểm tra trình độ học trò. Sau một tiếng bị quần tơi tả, ấn tượng về gia sư trong tôi cũng thay đổi so với lúc mới gặp. Tôi biết mình đã không chọn nhầm thầy. - Thời khóa biểu học tập sẽ thống nhất như chúng ta đã thỏa thuận nhé! – Gia sư dặn trước khi ra về. Lúc cánh cổng khép lại, tôi mới sực nhớ – mình vẫn chưa biết tên họ người ta. Tệ thật! * Buổi học đầu tiên, thái độ của gia sư đã làm tôi sửng sốt. Vừa bước vào cổng, gia sư đã nắm tay tôi kéo lại chỗ giàn ngọc nữ. - Ngọc Nữ, Mận.. cũng là em phải không? Mận.. cái tên nhà quê đã gợi lại trong tôi những mùa đông tuổi thơ màu xám lạnh lùng. Thời gian hầu như đã làm vô cảm cái quá khứ đang ngủ quên trong tiềm thức. Vậy mà.. - Sao thầy biết tên tôi? - Năm nay em mười tám tuổi. Mười.. à không, 11 năm rồi, không trách gì Mận đã quên mất dòng sông tuổi thơ ngày xưa; quên người bạn hàng xóm và những buổi chiều bắt anh ta chèo đò chở mình đi hái những chùm ô môi. - Ô! Anh Lữ, là anh đây mà! Một chút xíu nữa là tôi đã ôm chầm lấy gia sư. * * *Năm đó em mới bảy tuổi. Một buổi sáng, trời hãy còn sớm lắm, mẹ đánh thức em dậy rồi dẫn em ra bến xe – "Mẹ sẽ đưa con về thăm quê nội". Chuyến đi quá bất ngờ nên em không kịp từ giã anh. Gần một ngày đường ngồi xe đò, xe đến thành phố. Mẹ dắt em tới một ngôi nhà sang trọng, bảo "Đây là nhà của ba con. Hiện giờ ông ấy đang sống bên Mỹ. Sau này lớn lên con sẽ hiểu mọi chuyện". Ngôi nhà tuy rộng lớn nhưng chỉ có ông bà nội em và hai người làm. Ông bà đón mẹ con em rất vồn vã. Buổi tối, lúc ông nội đang ngồi nói chuyện với mẹ, thì bà nội dắt em vào một căn phòng sang trọng – "Phòng này của cháu đấy! Cháu của bà hãy ngoan và ngủ đi nhá!". Cả ngày ngồi xe đò nên em rất mệt, vừa gieo mình lên chiếc giường nệm êm ái là em ngủ thiếp ngay. Sáng hôm sau, em giật mình tỉnh giấc. Linh tính báo cho em biết – mẹ em đã bỏ đi. Em òa khóc rồi ào chạy ra khỏi phòng, mẹ em đã đi tới cổng. Tiếng khóc lớn của em khiến bà quay lại – "Con ở đây với ông bà nội, ông bà sẽ nuôi con ăn học nên người. Mẹ về dưới quê vài bữa rồi sẽ lên thăm con". Em ôm chầm lấy mẹ và khóc dữ hơn khiến bà phải dỗ – "Thôi được, mẹ sẽ ở lại đây với con. Nhưng con phải ngoan mới được. Giờ con vào nhà để mẹ ra chợ mua áo mới cho con. Ở thành phố mà con gái mẹ ăn mặc nhà quê thế này coi sao được..". Hơn mười năm rồi, em đã ngồi chờ chiếc áo dệt bằng tơ trời và sự xí gạt của mẹ. - Em đừng khóc nữa – Lữ nắm chặt tay tôi, cái nắm tay vẫn còn vương hơi ấm của những năm tháng tuổi thơ ngày nào – Dù sao em cũng còn may mắn hơn người khác. Bao năm nay anh cứ lo cho em. Ở dưới quê người ta đồn.. - Em biết rồi. Ông bà nội nói mẹ em đã bỏ em để đi lấy chồng. - Dù gì, em cũng không nên trách người. Trong khu vườn, nắng đã lên cao. Đôi hoàng anh sổ lồng bay đến hót vang trên giàn ngọc nữ muốt trắng. Câu nói của Lữ như lọt thỏm vào tiếng thì thầm của buổi sáng. Tôi không muốn nghe những lời khuôn sáo đó. Tôi cố hít thật sâu bầu khí yên bình chung quanh, nhưng lòng vẫn không sao nguôi ngoai sự oán trách mẹ. Thế giới của người lớn thật là kỳ! Sao họ có thể dễ dàng dứt bỏ mọi điều thế nhỉ? Mai kia, tôi cũng bỏ nơi này mà đi. Tôi sẽ quên Lữ? Quên khu vườn quen thuộc đầy nắng ấm và tiếng chim ríu ran này? * Tôi không chịu nổi nụ cười của người mà tôi phải gọi là dì, bà ta vừa từ Mỹ trở về với ba tôi sáng nay; nụ cười tươi quá, không hài hòa với ánh nhìn sắc lạnh. Tôi có cảm giác bà rất khó chịu mỗi khi trông thấy cha con tôi gần nhau. Lữ hẹn tối nay dẫn tôi đi xem lễ Noel. Có lẽ đây là mùa đông cuối cùng của tôi ở Việt Nam. Và nếu ông già Noel chịu ban cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước cho mùa đông này dài mãi. Hai giờ chiều, Lữ ào đến bất ngờ, anh kéo tôi ra ngoài, giọng gấp gáp – "Đi!" – Tôi ngạc nhiên – "Đi đâu?" – "Lẹ lên. Anh sẽ nói sau". Chiếc xích lô đã chờ sẵn ngoài cổng – "Bác chở bọn cháu đến đường X". Lữ bảo khi chúng tôi đã ngồi vào xe. Thái độ của anh khiến tôi có cảm giác mình đang tham gia một cuộc chạy trốn – "Tốp!". Cả bác xích lô cũng bất ngờ bởi tiếng kêu dừng đột ngột của Lữ, và nếu Lữ không nhanh tay, cái trán mịn màng của tôi đã được gắn một quả trứng gà để đón Noel rồi. - Vào chợ làm gì? Lữ không trả lời mà kéo tôi đi thẳng đến chỗ quầy bán quần áo. Định tặng quà Noel cho mình chắc? – Tôi nghĩ. - Lữ chỉ chiếc áo len màu hoa cà, hỏi – "Màu này được không?". Tôi nổi cáu – "Được, được cái gì? Ít Nhất em cũng phải biết anh định mua áo cho ai đã chứ". Lữ chỉ cười sau thái độ gắt gỏng của tôi. Anh hỏi giá, tính tiền, rồi bảo người bán hàng gói áo lại. - Làm ly nước mía cho mát bụng. Mùa đông mà nhìn mặt em anh cứ nghĩ trời đang hè. Tôi dồn hết công lực vào cái véo. "Oái!". Cố lắm, tôi mới không bật cười khi nhìn khuôn mặt nhăn nhó như khỉ của Lữ. - Nào, bây giờ thì hãy thật thà khai báo đi. Anh đang âm mưu gì thế? Lữ uống một ngụm nước mía, bình thản nhìn tôi. - Anh vừa gặp mẹ em! Ly nước mía trong tay tôi như chao đảo. Tôi nhìn chăm chăm vào Lữ, lòng còn nghi ngờ điều anh vừa nói. - Hồi sáng anh tình cờ gặp bác Tám, ngày xưa cũng ở dưới quê, lên đây hành nghề đạp xích lô đã lâu. Anh kể chuyện gặp em và được bác ấy cho biết: Mẹ em cũng đang sống gần đây. Theo sự chỉ dẫn của bác, anh đã tìm đến chỗ của mẹ em. - Mẹ.. có khỏe không? Bà hạnh phúc với người chồng mới chứ? - Chẳng có chồng con nào cả, mẹ em vẫn sống một mình bao năm nay. Hiện giờ bà không được khỏe lắm. Ngọc Nữ.. Mận nè, mẹ em đang sống ở một nghĩa địa, chỗ ở là mấy tấm ni lông che tạm sau một ngôi mồ. Hơn mười năm nay, bà đi nhặt từng mảnh ve chai, bới từng đống rác để kiếm sống. Em xem cái này nè – Lữ đưa tôi mẩu giấy gấp đôi đã vàng ố – Đây là tờ phiếu bán máu. Những người sống ở đó ai cũng có một vài tờ phiếu như thế này.. Giọng nói đều đều của Lữ như mũi đinh nhọn cứ xoáy vào tai tôi. Tôi gục đầu xuống bàn, thổn thức.. Lúc mẹ em tỉnh dậy, bà đã kể anh nghe mọi chuyện. Ngày xưa, tình yêu của ba mẹ em bị ông bà nội Ngăn cấm. Lúc em ra đời được một tháng thì ba em vượt biên sang Mỹ. Sau này ông ấy giàu có và lấy vợ bên đó. Mẹ em về quê ở vậy nuôi em. Năm em lên bảy, ông bà nội viết thư ra điều kiện – Sẽ nuôi em ăn học nên người, nhưng mẹ không được gặp em nữa. Mẹ đưa em lên đây rồi quyết định ở lại để được thấy mặt em hằng ngày.. Tôi xua tay để Lữ đừng nói nữa. 18 tuổi, tôi mới hiểu một điều đơn giản – Trên đời này, không có sự hy sinh nào sánh được với tấm lòng của mẹ. Mà chắc cũng không có đứa con nào lại nghĩ về mẹ một cách vô tình như tôi. - Ta đi thăm mẹ chứ – Lữ bảo – Tối nay anh còn phải đưa em đi xem lễ Noel. - Anh đưa em đến đó rồi cứ đi xem một mình, tối nay em sẽ đón Noel ở chỗ mẹ. - Chà, đúng ý anh quá xá. Anh tính tặng bác chiếc áo len này để bác mặc cho đỡ lạnh. - Nên mua thêm ít bánh ngọt, cả nến nữa. Ở đó buổi tối chắc là âm u lắm. Lữ nhìn tôi cười cười. Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt của anh cũng không đến nỗi nhà quê lắm. Tôi biết – ông già Noel đã chấp thuận điều ước của tôi. <<Hết>>