Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cute pikachu, 18 Tháng mười một 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Tác phẩm: Chuyện cổ tích dành cho người lớn

    Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

    Thể loại: Tập Truyện

    Số chương: 19

    [​IMG]

    Giới thiệu tác phẩm

    Chuyện cổ tích dành cho người lớn là tập truyện với nhiều mẩu truyện ngắn nhưng lại chứa đựng rất đầy đủ những bài học những câu chuyện hằng ngày được thể hiện một cách dí dỏm, vui tươi, những tình huống dở khóc dở cười. Bạn sẽ luôn sửng sốt và bất ngờ khi thấy các nhân vật trong này sao lại gần gũi và giống bản thân mình đến thế.

    Truyện chứa đựng những bài học quý báu đáng để suy ngẫm. Nhờ cuốn sách, bạn sẽ ngày càng hoàn thiện mình hơn và dần dần lấp đi những khuyết điểm mà mình đang có.​
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef2 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 18 Tháng mười một 2021
  2. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 1: Con Ruồi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!

    Tôi ốm. Điều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, "đẹp" kinh khủng!

    Thế là mọi chuyện bắt đầu.

    Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tối đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không thì cứ gọi là thức trắng đêm.

    Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.

    Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:

    - Sao vậy anh?

    Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:

    - Có người chết trôi kia kìa!

    Vợ tôi cầm ly sữa lên:

    - Chết rồi! Ở đâu vậy cà?

    - Còn ở đâu ra nữa! - Tôi nhấm nhẳng - Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à!

    Vợ tôi nhăn mặt:

    - Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!

    - Hừ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết! Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:

    - Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.

    Tôi vẫn chưa nguôi giận:

    - Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi!

    Vợ tôi trố mắt:

    - Nó còn trong ly kia mà!

    - Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.

    - Anh thấy sao anh còn uống?

    - Ai mà thấy!

    - Không thấy sao anh biết có hai con?

    Tôi tặc lưỡi:

    - Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.

    Vợ tôi bán tính bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:

    - Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Để em..

    Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:

    - Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?

    Vợ tôi giật mình:

    - Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?

    - Chứ không phải sao?

    - Không phải!

    À, lại còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:

    - Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?

    - Thì có làm phải có sai sót chứ? Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em!

    - Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà..

    Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:

    - Em đâu có nói vậy!

    - Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!

    Vợ tôi nhún vai:

    - Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy! Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy cửa ra mới lấy được đồ đạc?

    Tôi khoát tay:

    - Nhưng đó là những chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy ngàn bạc cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?

    - Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi bóng đá bị mất xe đạp? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị lột mất đồng hồ?

    Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt rađiô đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya v. V, chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

    Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật không thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:

    - Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa! Tôi ngán đến tận cổ rồi!

    Vợ tôi lạnh lùng:

    - Tùy anh!

    Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:

    - Được rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ!

    Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy với tốc độ 100km/giờ.

    Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

    Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được!

    Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.

    - Cô định làm gì đấy?

    - Đem đổ đi chứ làm gì!

    - Không được! Để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ!

    Đặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hì hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

    Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.

    - 1982-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 2: Nhân Vật Nữ Của Tôi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đăng được một truyện ngắn trên báo, điều đó không phải dễ. Bài viết của bạn trước hết phải được biên tập viên phụ trách văn nghệ thông qua. Sau đó còn phải tới tay trưởng ban biên tập. Sau khi vị này đồng ý, bạn phải còn chờ xem cái đầu của vị tổng biên tập gật hay là lắc. Đến khi tác phẩm của bạn đã in ra trên giấy trắng mực đen rồi, còn phải đợi xem người đọc có tiếp nhận không đã, khi đó thì nó sẽ đích thị là một tác phẩm văn học hoặc sẽ chỉ là một món hàng thủ công kém chất lương và không ai tiêu dùng. Đó là một chặng đường dài dằng dặc và cam go cho những ai muốn trở thành nhà văn.

    Nhưng đối với tôi những thử thách trên đây không phải là không vượt qua được. Cái cửa ải khắc nghiệt nhất, cái vật cản đáng ngán nhất chắn ngang nẻo đường văn học của tôi, oái ăm thay, lại là vợ tôi. Tại sao à? Thì đây!

    Tôi nghĩ ra một cốt truyện hấp dẫn, thế là tôi ngồi vào bàn viết. Tôi viết say sưa đến nỗi khi vợ tôi cầm lên đôi đũa thì tôi vẫn còn cầm trong tay cây viết. Tuy nhiên vợ tôi rất là tuyệt vời. Cô ta sẵn lòng ăn cơm một mình và trong khi ăn tuyệt đối giữ im lặng cho chồng làm việc. Tôi viết được ba trang. Ăn cơm xong, vợ tôi lại gần tôi để xem tôi viết những gì. Thấy có người chú ý, tôi càng ra bộ quan trọng, ngòi viết sột soạt một cách bay bướm và đầy trí tuệ. Vợ tôi đặt tay lên vai tôi:

    - Thôi, anh nghỉ một chút đi, rồi..

    Đang nói, vợ tôi đột nhiên ngừng bặt. Tôi ngó lên và bắt gặp nét mặt cau có của cô ta. Lập tức tôi sờ lên cánh tay vợ tôi và hỏi giọng bối rối:

    - Em sao vậy?

    Không để ý đến cử chỉ âu yếm của tôi, cô ta trợn mắt:

    - Hạnh nào đây? Tôi ngơ ngác: - Hạnh nào là Hạnh nào? Em nói gì anh không hiểu!

    - Thôi đừng làm bộ! - Giọng vợ tôi rít lên the thé - Cô Hạnh nào ở trong truyện anh đây nè! Phải cô Hạnh làm chung cơ quanh với anh không?

    Tôi nhăn nhó:

    - Em đừng nói oan cho anh. Đó là một cái tên ngẫu nhiên anh nghĩ ra, chẳng dính dáng gì đến ai cả.

    - Làm sao mà chẳng dính dáng được! Anh dẹp ngay cái tên này cho tôi! Thiếu gì tên không đặt mà cứ phải là tên Hạnh!

    Để được việc mình và để chìu vợ, tôi gạch ngay tên Hạnh và thế vào đó là Cúc.

    - Cúc nào? - Vợ tôi tiếp tục hoạnh họe - Con Cúc ở cạnh nhà phải không?

    - Trời ơi là trời! - Tôi vò đầu - Thiếu gì người tên Cúc mà sao em cứ..

    - Bỏ ngay! - Vợ tôi phán, không để tôi nói hết câu.

    Thế là Cúc biến thành Lan.

    - Không được! Con Lan thợ may chứ gì!

    Ngay lập tức, tên Lan bị xóa đi. Nhân vật của tôi mang tên mới: Tuyết. - Dẹp con Tuyết bán bún riêu này đi! Anh đừng hòng léng phéng!

    Cuối cùng tôi phải thay Tuyết bằng Thúy, tức là tên vợ tôi.

    - Thúy nào đây?

    Tôi cười chiến thắng:

    - Thúy là em chứ còn ai vô đây!

    Nhưng vợ tôi có vẻ thờ ơ với tên của mình. Cô ta bóp trán và đột ngột hét lên:

    - A, anh đừng hòng đánh lừa tôi. Nhỏ Thúy ở hiệu sách quốc doanh phải không?

    - Trời ơi, anh có biết tên cô ta hồi nào đâu? Sao em..

    Vợ tôi khoát tay:

    - Không có sao em sao anh gì hết! Anh xóa ngay tên này cho tôi!

    Tôi xóa ngay. Và bắt đầu nghĩ ngợi, cố tìm một cái tên không giống ai. Rốt cuộc tôi đã tìm ra:

    - Nguyễn Thị Trầu, em bằng lòng chưa?

    Vợ tôi nhíu mày. Cô ta hơi gục gặc đầu khiến tôi thấp thỏm mừng thầm. Nhưng hình như cô ta không muốn cho tôi mừng:

    - À, ý anh muốn nhắc tới con nhỏ xinh xinh ở cách nhà mình năm căn chớ gì?

    Tôi gần như phát điên:

    - Thiệt anh không biết nói sao nữa! Anh có đời nào biết con nhỏ mà em nói đâu! Cô ta tên Trầu hay tên Trẩu làm sao anh biết được!

    Vợ tôi vẫn khăng khăng:

    - Anh đừng có giả bộ ngây thơ! Cô ta không phải tên Trầu, nhưng cái dây trầu mà leo trước nhà cô ta ai mà không biết. Dẹp ngay, trầu với lại triếc! Thiệt tôi chưa thấy ai lăng nhăng như anh!

    Để khỏi bị vợ đánh giá là lăng nhăng tôi sửa Trầu thành Trấu. Thực là vạn bất đắc dĩ, con gái gì mà trên Trấu, nghe chẳng êm tai chút nào.

    Nhưng vợ tôi vẫn khó dễ tới cùng:

    - À, bây giờ anh lại nhớ đến con nhỏ chà gạo ở đầu đường hả?

    Tôi phản đối:

    - Chà gạo thì ra cám chứ đâu có ra trấu!

    - Thì trấu với cám đâu khác gì nhau, anh đừng có qua mặt tôi!

    Tôi đành phải bấm bụng cho nhân vật nữ đáng yêu của tôi mang tên Trậu. Nếu là Dậu thì còn hy vọng giống nhân vật của Ngô Tất Tố, còn Trậu thì trong lịch sử văn học nước nhà chưa có ai dám mang tên này. Nhưng mặc, thà Trậu còn hơn là không được ra đời.

    Vợ tôi bằng lòng với cái tên này lắm. Cô ta cười tươi như hoa trong khi tôi buồn phiền không kể xiết. Khi tả cô Trậu, tôi cố gắng tả giống hệt vợ tôi để cô ta khỏi bắt bẻ tôi nữa. Nhưng vợ tôi đâu có chịu:

    - Anh tả ai đây? Mắt đen huyền là mắt đứa nào?

    - Mắt em chứ mắt ai! - Mắt em đâu có đen, anh đừng giỡn mặt! Mắt em màu xám, còn mắt đen là mắt nhỏ Tuyết! Còn mặt trái xoan là mặt ai?

    - Thì em chớ ai!

    - Bậy! Mặt em là mặt trái quít, mặt trái xoan là mặt nhỏ Hạnh. Còn đây nữa, mũi dọc dừa, môi trái tim, tóc mây.. những thứ này đâu phải của em, anh đừng có mà gán ghép bậy bạ. Dẹp ngay cái trò này đi! Anh định mượn văn chương để ám chỉ cô này cô nọ hả?

    Trước một người vợ như thế, tôi chỉ biết thở dài:

    - Nhưng tả như thế nào, đặt tên gì em cũng không chịu thì anh biết làm sao bây giờ?

    - Bộ anh viết truyện không có người nữ không được hả? - Vợ tôi bắt đầu đi vào lý luận văn học.

    - Truyện anh viết về may vá, sinh đẻ mà không có người nữ sao được. Chẳng lẽ để cho những người đàn ông đẻ à?

    - Thì đừng có đẻ nữa! Ai kêu anh viết ba chuyện đó vô đây! Còn không thì anh dẹp cái chuyện văn chương thơ phú của anh lại. Tôi không muốn thấy bất cứ bóng dáng của một cô nào trong truyện của anh.

    Cuối cùng, tôi đành phải buồn rầu xếp những trang văn chương thơ phú của tôi lại, bởi vì tôi không thể cho những nhân vật nam của tôi đẻ bậy bạ được. Còn nhân vật nữ thì vợ tôi cấm xuất hiện. Vợ tôi ghen với cả những người đàn bà đã có bầu, ghen với cả cái cây mọc trước nhà một cô gái nào đó trong khi tôi không hề biết cô gái đó là ai.

    Bạn đọc thân mến! Nếu các bạn đã yêu tôi qua câu chuyện đau khổ này thì mong các bạn đừng lấy làm buồn phiền nếu tôi không trở thành nhà văn và trong trường hợp đó, truyện ngắn này được coi như là truyện ngắn cuối cùng của tôi, tôi xin gởi lời chào vĩnh biệt các bạn. Còn trong vạn nhất, nếu như các bạn còn gặp lại tôi trên trang báo này lần thứ hai thì điều đó có nghĩa là vợ tôi đã bỏ cái tính ghen bóng gió và trở thành một con người đáng yêu bậc nhất. Lúc ấy, các bạn hãy mừng cho tôi.

    - 1983-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 3: Những Người Vui Tính

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi phóng xe như bị ma đuổi, trực chỉ tới chợ An Đông. Kim đồng hồ trên tay tôi chỉ ngay con số 5 càng khiến lòng tôi như bị lửa đốt. Kiểu này coi bộ nguy to. Hồi sáng trước khi đi làm, vợ tôi dặn tôi đúng bốn giờ chiều ghé chợ đón cô ta về, vậy mà mải cà phê cà pháo với mấy đứa bạn tôi quên béng đi mất, đến khi sực nhớ ra thì đã trễ cả tiếng đồng hồ. Tôi dừng xe trước cổng chợ, ngóng mỏi con mắt nhưng chẳng thấy bóng vợ tôi đâu. Tôi đứng lớ ngớ một hồi, nửa muốn đạp xe về nửa muốn ráng đợi. Biết đâu chiều nay cô ta chẳng rề rà lâu hơn mọi bữa. Nghĩ vậy nên tôi cứ đi tới đi lui lóng ngóng trước cổng chợ, không dám bước đi đâu xa, sợ cô ta ra mà không tìm thấy tôi thì có nước chết! Tới khi đồng hồ chỉ sáu giờ thì tôi biết rằng có đợi nữa cũng vô ích, rằng vợ tôi đã về nhà rồi và rằng cô ta đã cuốc bộ. Tôi biết chắc điều đó bởi một là vợ tôi rất tằn tiện, hai là cô ta không bao giờ đi xích lô trên những chặng đường mà đôi chân con người có thể chinh phục được. Tôi phóng vội về nhà, gió thổi vù vù bên tai, tim đập thình thình trong ngực. Tôi vừa đạp xe vừa nguyền rủa mình thậm tệ: Đồ hứa lèo, đồ thất tín, đồ vô dụng và hàng lô những lời tương tự khác, lòng hoang mang nghĩ đến những điều đang chờ đợi tôi ở nhà. Vừa vô tới cửa, tôi gặp ngay thằng con tôi:

    - Mẹ về chưa con?

    - Mẹ về rồi!

    - Mẹ đang làm gì thế? - Tôi tiếp tục thăm dò.

    - Mẹ đang thái mỡ trong bếp.

    Tôi bước rón rén xuống bếp, trên môi nở sẵn một nụ cười biết lỗi. Nhưng vô ích, vợ tôi ngồi thái mỡ không ngẩng mặt lên mặc dù tôi cố ý tạo ra những tiếng động lịch kịch để báo hiệu cho cô ta biết.

    Không biết làm sao, cuối cùng tôi đành cười giả lả:

    - Chiều nay công chuyện bù đầu, không cách gì rứt ra mà đi đón em được..

    Im lặng. Vợ tôi hình nhưng không nghe câu nói của tôi.

    - Đến khi anh tới chợ thì em về mất rồi..

    Vẫn im lặng.

    Túng quá, tôi bèn ngồi xuống quàng tay qua vai vợ tôi, giọng năn nỉ:

    - Thôi cho anh xin lỗi nghen!

    Vợ tôi hất mạnh tôi ra. Vì bất ngờ, tôi loạng choạng thiếu điều chổng cẳng lên trời. Thú thật chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi mạnh đến thế.

    Tôi lồm cồm bò dậy, vừa thẹn vừa tức. Tôi dòm quanh quất, tính làm một việc gì đó cho hả giận. Dòm vô lu nước, thấy lu nước cạn rốc, thế là tôi đùng đùng xách hai chiếc thùng chạy thẳng ra phông-tên đầu đường. Sức tôi vốn yếu, bình thường thì tôi xách mỗi bên nửa thùng. Nhưng đang cơn bực, tôi vặn nước đầy cả hai thùng rồi ì à ì ạch xách về nhà, vừa đi vừa thở hổn hển. Tôi đổ nước vô lu ầm ầm, cố ý cho vợ tôi biết sự bực dọc của mình. Nhưng cô ta vẫn không thèm ngó, cứ cắm đầu cắm cổ thái mỡ, lại còn thẳng tay ném mỡ vô chảo bôm bốp y như ném vô mặt tôi không bằng. Tôi giận cành hông nhưng chẳng biết làm gì ngoài cách khua thùng thiếc ầm ĩ. Vợ tôi vẫn phớt lờ, mặt lạnh như tiền. Xách tới đôi nước thứ ba thì tôi trượt chân té một cái "oách" giữa đường. Thằng con tôi đang đi theo hộ tống, thấy vậy bèn chạy vù về nhà. Trong khi đó thì tôi không thèm đứng dậy mà cứ nằm "ăn vạ" ngoài đường. Trong thoáng mắt, vợ tôi hớt hơ hớt hải chạy ra. Thấy vẻ mặt thất sắc không còn chút máu của cô ta, tôi nở từng khúc ruột và cố tình lim dim mắt ra cái điều sắp chết đến nơi.

    Vợ tôi cúi xuống đỡ tôi dậy, miệng lắp bắp:

    - Trời ơi, có sao không anh?

    Tôi "ú ớ" nói không ra tiếng.

    - Đã biểu xách lưng lưng thôi, ai mượn xách đầy chi cho té không biết!

    Tôi không nói không rằng, cũng không thèm nhìn vợ, chỏi tay ngồi dậy một cách khổ sở.

    - Để em dìu anh về.

    Vợ tôi vừa nói vừa quàng tay qua người tôi. Tôi liền hất mạnh tay cô ta một cách thô bạo. May mà cô ta không ngã. Rồi trước cặp mắt van lơn của vợ tôi, tôi cúi xuống xách hai thùng nước đi cà nhắc về nhà, mặt mày băng giá.

    Khi xách thùng quay ra, tôi gặp vợ tôi đi vào. Nhìn cô ta chạy xuống bếp với dáng đi thiểu não, tôi hơi xúc động nhưng nhất quyết không chịu nhượng bộ. Tôi nhủ thầm: Hơi đâu, cứ chịu thua hoài, cô ta được thể làm tới!

    Tôi chưa vặn vòi nước máy thì thằng con tôi ở đâu chạy ào tới, miệng la bài hãi:

    - Ba ơi ba, mẹ đứt tay chảy máu tùm lum ở nhà kìa!

    Tôi cuống lên, vội chụp lấy đôi thùng rỗng, ba chân bốn cẳng vọt về nhà. Tôi phóng vô bếp như một cơn lốc. Vợ tôi đang ngồi cúi mặt trên tấm thớt, tay này nắm chặt tay kia có vẻ đau đớn lắm.

    Thấy vậy, tôi càng quýnh quáng:

    - Trời ơi, có hề gì không em? Đứt chỗ nào đưa cho anh coi!

    Tôi vừa cầm lấy tay vợ tôi thì cô ta la lên: - Trời ơi đau! Đừng đụng vô người em!

    Nhưng không đụng vô người cô ta làm sao được! Thế là mặc cho vợ tôi kêu la, tôi vẫn cúi xuống bế thốc cô ta vô giường nằm. Xong, tôi lục lọi ngăn tủ lấy ra nào là bông băng, thuốc tím, thuốc đỏ. Tôi bê tất cả lại giường và cúi xuống trên những ngón tay của vợ tôi, hấp tấp hỏi:

    - Đâu? Đâu? Chỗ nào đâu? Chỉ anh băng cho!

    Vợ tôi không trả lời vì bận rên rỉ nhưng ngón trỏ tay phải thì chỉ vào ngón trỏ tay trái. Tôi quan sát thật kỹ, thấy trên ngón tay có một vết sướt lờ mờ không biết là sâu hay nông nhưng nhìn vẻ mặt nhăn nhó của vợ tôi thì chắc là sâu lắm, không khéo thì đứt rời ngón tay ra nữa không chừng. Sau khi rửa bằng thuốc tím, tôi bôi thuốc đỏ lên ngón tay vợ tôi rồi buộc chặt lại sau khi lót một lớp bông dày. Xong, tôi lấy gối kê dưới cánh tay vợ tôi và dặn:

    - Thôi, em nằm nghỉ đi, để anh thái mỡ cho!

    Vợ tôi mặc dù đau đớn vô cùng nhưng vẫn cố lên tiếng ngăn cản:

    - Thôi, anh cũng nằm nghỉ đi! Khi nãy em thấy vai anh bầm tím, chắc đau ghê gớm lắm! Tự dưng tôi rơm rớm nước mắt:

    - Ừ, hình như xương vai anh bị nát rồi thì phải! Đau dễ sợ!

    Và tôi nằm vật xuống đi-văng, cảm thấy mình bị hoạn nạn không kém gì vợ.

    Trong lúc vợ chồng tôi đang chìm vào cơn đau thập tử nhất sinh như thế thì cả hai bỗng nghe tiếng lạch cạch dưới bếp, không biết là tiếng gì.

    Tôi quát to:

    - Cái gì lịch kịch dưới bếp đó bây?

    - Con đang thái mỡ! Hai chiến sĩ bị thương rồi thì chiến sĩ thứ ba phải tiếp tục công viếc chớ! - Tiếng con tôi vọng lên.

    Trời, té ra ông chiến sĩ Điện Biên nhà tôi.

    Vợ tôi vội vùng ngay dậy:

    - Thôi, thôi, không ai mượn! Con để đó ẹ!

    Và vợ tôi ba chân bốn cẳng chạy vù xuống bếp, không có vẻ gì là một người sắp sửa đứt lìa ngón tay cả.

    Tôi vội vàng chạy theo vợ tôi và níu áo cô ta:

    - Em lên nằm nghỉ đi! Em đang đau mà! Làm sao làm việc được!

    Vợ tôi mỉm cười:

    - Không sao đâu! Bị trầy da có chút xíu, ăn nhằm gì!

    Không ăn nhằm gì thì thôi! Tôi liền chộp lấy đôi thùng thiếc.

    - Thôi, thôi, anh lên nằm nghỉ đi! Xương vai anh gần nát mà còn xách với xiếc! - Vợ tôi kêu lên.

    - Nát đâu mà nát! Té sơ sơ nhằm nhò gì!

    Tôi cười hì hì và xách đôi thùng bước ra khỏi nhà.

    - 1984-

    Nguyễn Nhật Ánh

    Cầu Chúc Hai Người Hạnh Phúc

    Đám cưới của tôi dự kiến sẽ có hai trăm người dự. Khi nghe tôi nói như vậy, cô vợ sắp cưới của tôi giật nẩy mình:

    - Ối chao! Lấy tiền đâu mà..

    Tôi vội trấn an:

    - Em đừng lo! Ba nói là ba sẽ đài thọ tất cả. Chính ba đề nghị tổ chức có "tầm cỡ" như vậy. Ba bảo dù sao anh cũng là con trai lớn trong nhà!

    Nhưng khi hai đứa tôi chuẩn bị viết thiệp mời thì ba tôi xuất hiện:

    - Sao, hai con viết thiệp chưa?

    - Dạ, tụi con chuẩn bị viết đây.

    - Vậy thì tụi con viết giùm ba luôn thể. Danh sách của ba đây!

    Ba tôi lấy trong sổ ra một tờ giấy và đưa cho tôi. Tôi nhẩm đếm số khách khứa của ba tôi mà người cứ run lên. Một trăm mười tám người, đa số là những tên tuổi mà tôi không hề biết.

    - Ai nhiều vậy ba? - Tôi băn khoăn.

    Ba tôi phẩy tay:

    - À, toàn là chỗ quen biết cả! Bạn cũ lâu ngày với nhau.

    Tuy ba tôi không nói ra nhưng qua thái độ của ông, tôi mang máng hiểu ra hầu hết số khách này là chỗ làm ăn với ba tôi và đám cưới của tôi là dịp để ông vui vầy với họ, cũng không loại trừ có những nguyên nhân thầm kín khác nữa. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại muốn đám cưới của tôi "vui" đến như vậy.

    Rồi dường như để "vui" hơn, ba tôi khà một tiếng:

    - Con ghi thêm tên anh Sáu Tấn, quản lý thị trường. Chút nữa là ba quên mất, mai mốt "kẹt" lắm.

    Tôi chưa kịp ghi xong tên Sáu Tấn thì ba tôi lại khà lần thứ hai:

    - Anh Ba Thích phòng thuế nữa! Có vậy mà ba cũng không nhớ!

    Sau một cái nhíu mày, ba tôi lại khà. Lần này ông khà ra chú Bảy Tình ở trạm thua mua. Trước khi đứng dậy, ba tôi còn khà thêm khoảng tám lần nữa. Mỗi cái khà như một mũi tên bắn vào tim tôi.

    Đẻ ra tôi, ngoài ba còn có má. Má tôi ngồi đúng vào cái ghế mà ba tôi vừa bỏ đi, tay chìa ra một tờ giấy đã chuẩn bị sẵn. Lần này, "hồ sơ thần chết" ngót nghét bốn mươi người. Số khách của má tôi không thuộc diện quan-hệ-kinh-doanh như ba tôi, nhưng thuộc diện quan-hệ-tình-cảm-tràn-lan, thân sơ đều mời ráo trọi.

    Tôi nhẩm trong đầu, khách mời của ba má tôi cộng lại vị chi là 158, họ hàng hai bên ước khoảng 40, tổng cộng là 198. Như vậy đám cưới chỉ còn thừa đúng hai chỗ cho.. tôi và vợ tôi. Còn tất cả bạn bè của hai đứa đều phải bỏ hết, kể cả phù rể, phù dâu.

    Nhưng cũng như ba tôi, má tôi cảm thấy trí nhớ của mình còn có thể hoạt động với năng suất cao hơn nữa. Do đó, nếu ba tôi thích "khà" thì má tôi cũng thích "chậc" :

    - Chậc, chút nữa má lại quên! Còn dì Hai Nhung nữa con!

    - Dì Hai Nhung nào má?

    - À, dì này trước đây làm chung với má. Xa nhau mấy chục năm rồi, gần đây mới tình cờ gặp lại.

    Tới đây, tôi không nén được nữa, bèn hỏi: - Thêm cái dì mấy chục năm gặp lại này là đúng 199 người. Như vậy hôm đó, chắc vợ con phải nằm nhà. Mà vợ con cần gì phải có mặt, ai chẳng biết là con cưới cô ta, trên thiệp báo tin có ghi tên tuổi rành rành rồi mà!

    Mải loay hoay với những hình bóng trong ký ức, má tôi không nhận thấy câu nói "lẫy" của tôi. Bà gật gù lơ đễnh:

    - Ừ, vậy cũng được!

    Tôi liếc vợ tôi. Mặt cô ta méo xệch, nửa cười, nửa khóc.

    - À, con ghi thêm tên này nữa! - Má tôi vỗ trán reo lên - Dì Nhường tức em vợ cậu Báu.

    - Cậu Báu nào?

    - Cậu Báu tức cháu kêu ông ngoại của con bằng dượng ghẻ đó.

    Bà dì "họ hàng ngoài trái đất" này khiên tôi muốn điên tiết. Nhưng biết làm sao được. Tôi nhún vai:

    - Người khách thứ hai trăm! Như vậy, hôm đó con ở nhà luôn. Ai chẳng biết là con cưới vợ. Khách không thể lầm với thằng Sơn em con được vì nó mới mười ba tuổi.

    Một lần nữa, má tôi gật đầu dễ dãi:

    - Vậy cũng được! Con nhớ mời thêm cậu Sang, cậu Sang tức là..

    Tức là sao các bạn có biết không?

    Tức là sau khi "tỉnh cơn mê", má tôi đồng ý rút bớt số khách của mình xuống còn ba mươi ba người sau một hồi đấu tranh quyết liệt cho tình bạn thiêng liêng và cao cả của mình. Sự nhượng bộ của má tôi khiến chúng tôi mừng như bắt được vàng. Như vậy là vào giờ chót, đám cưới còn thừa sáu chỗ: Tôi, bạn tôi, vợ tôi, bạn vợ tôi, phù rể, phù dâu! Hú vía, suýt một chút nữa là hai vợ chồng tôi không được dự đám cưới của mình.

    Đám cưới diễn ra không mệt mỏi như tôi tưởng. Bởi vì hầu hết số khách khứa đều không biết vợ chồng tôi và ngược lại, do đó hai bên chẳng chuyện trò bao lăm. Mệt nhất phải nói là ba má tôi. Hai người phải chào hỏi, tiếp chuyện với bao nhiêu là người. Mệt nhưng mà vui. Nhìn nét mặt rạng rỡ của hai người, tôi có cảm tưởng như đây chính là đám cưới của ba má tôi vậy. Cầu chúc hai người hạnh phúc!

    - 1985-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  5. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 4: Sợ Vợ Lợi Hay Hại?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phàm ở đời, không nhất thiết người chồng nào cũng sợ vợ. Nhưng thôi, chúng ta chẳng nhắc đến bọn người vô lương tâm, chỉ nhìn vợ bằng nửa con mắt đó làm gì. Ta chỉ nói đến chúng ta thôi, những người chồng luôn luôn nhìn đắm đuối vợ mình bằng hai con mắt đầy đủ. Và hai con mắt đó lúc nào cũng ánh lên vẻ tha thiết biết lỗi khi vợ cật vấn bằng một giọng nanh nọc: "Sao, đi đâu mà giờ này anh mới vác mặt về?" Tất nhiên là ta biết ta đi đâu. Những người chồng đứng đắn như chúng ta thì chẳng bao giờ về trễ vì một lý do bậy bạ. Rõ ràng là ta đi họp về muộn. Nhưng lẽ nào lại nói điều đó ra khi vợ mình đang giận. Nói ra, có nghĩa là ta thét vào mặt vợ: "Cô là kẻ chuyên nghi ngờ bậy bạ, không hề biết tí gì về công việc của tôi!" Ôi, lẽ nào ta lại nhẫn tâm đến như thế! Và nếu ta lỡ mồm nói ra, vợ ta cảm thấy bị mất mặt, nổi cơn lôi đình lên thì sao? Tai họa ai chịu? Thì còn ai nữa ngoài đôi tai sưng tấy lên vì bị véo của chúng ta, những người quen chịu trận. Vì vậy, lỡ rơi vào tình huống nan giải đó, tốt nhất là chúng ta im lặng ra vẻ biết lỗi. Chẳng có gì xấu hổ hết! Ông cha ta chẳng đã nói "Im lặng là vàng" sau bao năm quen nhẫn nại trước các bà, các mẹ của ta đó sao! Vâng, ta im lặng và âm thầm xuống bếp, lục cơm nguội ra ăn, bởi vì sẽ chẳng có cô vợ giàu nguyên tắc nào lại đợi cơm khi chồng về muộn. Vả lại, vợ ta đã đứng chờ ngồi đợi mỏi mòn con mắt vì ta rồi, lẽ nào ta còn hành hạ cô ta nữa. Những người chồng biết điều hãy cùng ta lặng lẽ xuống bếp xới cơm ăn một mình, vừa ăn vừa gặm nhấm khuyết điểm của mình. Ăn xong thì hãy lo mà rửa chén, không phải cái chén ta vừa ăn mà cả một đống chén ngỗn nghện từ sáng tới giờ. Gặp thằng chồng khốn nạn thì chắc chắn nó sẽ mặt nhăn mày nhó, nhưng ta thì không, thậm chí ta còn nở một nụ cười hạnh phúc. Bởi vì ta đã quen những thử thách này rồi. Từ hồi lấy nhau đến giờ, ngày nào cũng thế, vợ ta cứ sợ ta bớt yêu nàng nên luôn luôn tạo điều kiện cho ta chứng minh tình cảm trước sau như một của mình. Cái đống chén này là một ví dụ. Vợ ta cứ tưởng ta không biết nên thử thách ta hoài! Ta xắn gối ngồi xuống (bởi ta đã kịp thay đồ đâu), tay cầm nùi giẻ lên mà trong lòng cứ tội nghiệp vợ: Ôi, nàng phải nhọc lòng thử thách ta biết bao, chứng tỏ nàng yêu ta lắm! Một người chồng mẫu mực phải biết cách rửa chén không gây tiếng động. Lúc này im lặng vẫn cứ còn là vàng! Bởi lúc ta ngồi rửa chén thì vợ ta đang ngủ. Nàng không đủ sắt đá để chứng kiến sự thử thách của mình và vì không nỡ nhìn chồng cặm cụi ngồi rửa một núi chén nên nàng đành phải đi ngủ. Và vì vợ ta đi ngủ, ta phải rửa chén bát êm thắm, lặng lẽ như một nghệ sĩ kịch câm chính cống. Dù sao thì trong chuyện này, tay nghề ta cũng cao lắm rồi. Bình tĩnh nhé, đừng sẩy tay! Ta dặn ta như thế, bởi vì một tiếng động vang lên vào lúc này có khác gì một quả bom nguyên tử nổ. Ai sẽ bảo vệ ta trước cơn thịnh nộ chính đáng của vợ? Không ai cả! Và cái tai tội nghiệp của ta một lần nữa lại chứng minh rằng "tai không chỉ dùng để nghe mà còn dùng để cho người khác trút sự phẫn nộ". Rửa chén bát, úp vào chạn xong, ta nhón gót đi lên nhà trên, nhón gót thay đồ, nhón gót đi.. vệ sinh và cuối cùng nhón gót mò vào giường. Ô kìa, vợ ta đâu rồi? Cô ta không có trong giường! Sau một thoáng bất ngờ, ta giận tím cả mặt. Không phải giận vì đêm nay ta lại ngủ một mình mà giận vì ta biết cô ta ở đâu rồi! Cô ta chơi bài tứ sắc ở nhà bên cạnh, các ông bạn đứng đắn của ta ạ! Đêm nào cũng thế, cô ta lỉnh đi chơi bài suốt đêm, có khi một, hai giờ sáng mới về. Nhiều đồ đạc trong nhà đã bắt đầu biến mất một cách kỳ quặc mà ta chưa dám hỏi. Hừ, sớm muộn gì ta cũng hỏi thôi (tất nhiên là muộn) ! Sức khỏe cô ta thì sa sút thấy rõ (tai ta độ rày ít đau hơn). Cái hại của cờ bạc rành rành như thế mà cứ đâm đầu vào. Ta là chồng, ta biết phải làm gì trong lúc này chứ! Thế là ta xăm xăm bước qua nhà hàng xóm quyết kêu vợ ta về, mắng nhiếc ột trận nên thân! Cái gì chứ việc này thì rõ ràng ta đúng. Ta ló đầu vào tìm kiếm. Kia, vợ ta kia rồi, cô ta đang xòe bài. Ta cố trấn tĩnh hắng giọng:

    - Em ơi..

    - Anh làm cái trò gì đó?

    Vợ ta lạnh lùng hỏi, đầu không quay lại. Tim ta tự dưng chơi điệu đítxcô, mặc dù ta không thích nhạc trẻ. Đầu ta lỡ thò vào cửa, giờ không biết làm sao. Tự dưng rút ra mà không trả lời nghiêm chỉnh câu hỏi của vợ thì bất lịch sự quá. Mà để cái đầu trong nhà trong khi cái thân ngoài hiên thì coi không được. Tự nhiên, ta giận ta ghê, đâm đầu vô đây chi không biết! Vợ ta giải trí một chút mà ta cũng quấy rầy, thật là đồ vô lương tâm! Cuối cùng, ta cũng nghĩ ra được một câu đáng điểm mười:

    - Anh tính qua hỏi em cần tiền không, anh đưa thêm!

    Tất nhiên là vợ ta không từ chối, sợ ta buồn. Còn ta thì dùng mấy trăm bạc mà chuộc được tính mạng, kể cũng hên! Thế là vợ ta ngồi thức bên đó, ta nằm thức bên đây. Cách nhau một bước, xa nhau nghìn trùng. Chuyện đó, đến nay vẫn còn! Ta nhờ tài học vấn uyên bác nên sợ vợ cũng có dựa trên cơ sở lý luận, nay muốn tìm người trao đổi kinh nghiệm hầu nâng lên thành một học thuyết triết học.

    Ta bắt chước Lỗ Tấn: "Liếc mắt coi khinh nghìn lực sĩ. Cúi đầu làm ngựa cho vợ ta". Lỗ Tấn nói là "trẻ con" nhưng không có "vợ ta" làm sao có "trẻ con"? Ta sợ vợ ta chứ có sợ vợ ai đâu mà xấu! Cũng từ Lỗ Tấn ta suy ra: "Vợ nhờ chồng sợ mà thành hùm" (từ câu "Rừng nhờ người đi mà thành đường"). Nghe chí lý thay! Ta vốn người hào kiệt, coi khinh nghìn lực sĩ, bình sinh chưa biết sợ ai, nhưng sở học lộn xộn nhớ lầm câu "nếu không có cái mình thích thì hãy thích cái mình có" thành câu "nếu không có cái mình sợ thì hãy sợ cái mình có". Gia tài ta chẳng có gì ngoài vợ nên từ đó đâm ra sợ vợ mà thành tật. Nay, tính can vợ bỏ bài bạc hoài mà không được, ta lại ngẫm ra "nếu cứ sợ cái không đáng sợ ắt sẽ hại cái không đáng hại". Ôi, phải chăng vì yêu vợ mà ta hại vợ? Hỡi các ông chồng đứng đắn giống như ta, hãy trả lời! Sợ vợ, lợi hay hại?

    - 1982-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  6. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 5: Bí ẩn của mốt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi là một ca sĩ nổi tiếng. Ai cũng biết điều đó. Nếu người nào không biết thì đó là lỗi tại họ. Tất nhiên là vậy rồi.

    Vì là một ca sĩ nên giọng hát của tôi đích thị là số một. Và vì là nổi tiếng, nên thời trang ăn mặc của tôi cũng không thể là hạng nhì.

    Nhưng nếu tôi có thể quả quyết với các bạn về điều thứ nhất thì ngược lại, tôi không dám đoan chắc lắm về điều thứ hai. Bởi, về cái mà người ta gọi là "à la mode", tôi có một địch thủ đáng sợ: Vợ tôi.

    Tôi xin thành thực mà thú nhận rằng vợ tôi không đẹp lắm. Chính vì vậy mà vợ tôi rất coi trọng chuyện ăn mặc. Nếu có những người trời sinh ra đã đẹp sẵn vẫn muốn trang điểm cho đẹp hơn (như tôi chẳng hạn) thì tất nhiên những người nhan sắc trung bình cũng muốn bằng mọi cách nâng mình lên ngang tầm cái đẹp. Vốn là người giỏi tâm lý như vậy nên tôi không hề phản đối việc sắm sửa ăn vận của vợ tôi. Phải để cho cô ta tự nâng mình lên ngang tầm với chồng cô ta chứ!

    Các cô gái thường hay nói: "Nhất mốt, nhì da, thứ ba là dáng". Vợ tôi hình như tiêm nhiễm cái câu này khá nặng nên nhìn cô ta, tôi không thấy da và dáng đâu mà chỉ thấy toàn những dụng cụ lỉnh kỉnh treo quanh người.

    Một bữa, vợ tôi xuất hiện trong nhà với cặp mắt kiếng to tổ bố trên mặt. Mặt cô ta thì nhỏ, ốm mà cái cặp kiếng khốn kiếp kia cứ như đôi găng quyền Anh nằm choán đến hai phần ba khuôn mặt và đè cái mũi muốn bẹp dí luôn.

    Tất nhiên, chồng cô ta (tức là tôi) lên tiếng liền tại chỗ:

    - Cặp kiếng lớn quá, không hợp với khuôn mặt em.

    Vợ tôi "xì" một tiếng:

    - Anh không biết gì hết! Kiếng này là kiểu mới nhất đó! Người ta đeo đầy đường, ra mà coi!

    Tôi liền ra mà coi và thấy thiên hạ đều mang kiếng giống hệt vợ tôi, nam cũng như nữ.

    Hừ, một ca sĩ nổi tiếng như tôi chẳng lẽ lại lạc hậu so với mọi người sao! Một tuần sau, tôi tha về nhà một cặp kiếng y hệt như vậy, thậm chí đôi găng quyền Anh của tôi có phần còn lớn hơn đôi của vợ tôi nữa. Chồng mà, phải to ra hơn vợ chứ! Tôi đeo kiếng vào và đứng săm soi trước gương, vừa sửa tướng vừa chiêm ngưỡng dung nhan mình. Ðúng lúc đó thì vợ tôi vào. Tôi hí hửng tính khoe cặp kiếng mới của mình thì đột nhiên tôi lạnh cả xương sống khi phát hiện ra vợ tôi không còn mang đôi găng quyền Anh nữa mà thay vào đó là một đôi kiếng nhỏ gọng sắt, mặt kiếng tròn như hai đồng xu. Tôi chưa kịp lên tiếng thì vợ tôi đã nheo mắt, hừ giọng:

    - Thiệt tôi chưa thấy ai quê như anh! Bây giờ người ta đã đổi mốt rồi mà anh lại đi mua cặp mắt kiếng đó về đeo!

    Tôi bàng hoàng, ú ớ: - Chẳng lẽ bây giờ thiên hạ lại mang kiếng kiểu Sêkhốp của cái thời cố hỷ lai hy..

    Vợ tôi nhún vai khi dể:

    - Bộ anh không biết câu "Cái mới chính là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên" sao? Không tin thì ra đường mà coi! Tôi lại ra đường mà coi và lại tha về nhà một cặp kiếng Sêkhốp, mặc dù khi đeo lên trông tôi cũng chẳng ra vẻ nhà văn một chút nào mà trái lại, trông nó kỳ kỳ làm sao ấy. Nhưng mặc, thiên hạ đeo thiếu gì. Tôi xuất hiện thường xuyên trên sân khấu mà không có nổi một cái món thời trang như thế thì trông chả ra làm sao.

    Thế là tôi cứ lấy vợ tôi mà làm chuẩn mực để điều chỉnh các thứ đeo móc trên người. Vợ tôi thì lấy thiên hạ làm thước đo còn thiên hạ dựa theo sách vở nào thì quả thực tôi không tài nào đoán ra. Nhưng mặc thiên hạ, tôi chỉ cần vợ tôi là được rồi. Cô ta là cái "thời trang biểu" đáng tin cậy vào loại bậc nhất.

    Hết kiếng tới áo. Hết áo tới quần. Rồi giày dép, mũ nón, túi xách, cà vạt.. Theo tín hiệu phát ra từ vợ tôi, tôi nhắm mắt nhắm mũi thay đổi xoành xoạch cách phục sức của mình. Còn những tờ giấy bạc khi đếm trả cho các chủ hiệu thì nó không kêu "xoành xoạch" mà kêu "soàn soạt", nghe bắt nhói tim!

    Mới đây, tôi vừa cãi nhau với vợ tôi một trận. Số là cô ta đem những cáo áo đẹp nhất của mình tới hiệu may kêu khoét một đường dài ngay sống lưng rồi vá vào đó một miếng vải trắng. Cái áo nào cũng vậy, tự nhiên có một vệt trắng dài chạy dọc giữa lưng, ngó bắt ngứa con mắt.

    Trước tình trạng đó, tôi không thể nào hùa theo được:

    - Em có điên không? Em làm cái trò gì kỳ cục vậy? Em có biết bao nhiêu tiền một cái áo không mà em đem ra phá tanh banh hết như vậy? Trời ơi là trời!

    - Trời ơi là trời! - Vợ tôi kêu lên, cô ta la trời còn lớn hơn tôi - Anh có điên không? Vậy mà cũng là ca sĩ! Anh ra đường coi, bây giờ ai cũng mặc áo kiểu này hết mà anh thì ở đó la lối như một tên nhà quê!

    Tôi giận tím mặt. Không phải giận vợ mà giận cái lạc hậu của mình. Thằng này mà là nhà quê! Tôi lầm bầm trong miệng và sau khi đi nghiên cứu sống lưng thiên hạ, tôi vội vã khoét tất cả những cái áo đẹp nhất của mình, và đắp vào đó mảnh vải lạc lõng nhưng vinh quang của mốt.

    Ðời sống của vợ chồng tôi có lẽ sẽ xoay quanh hoài hai chữ "xoành xoạch" và "soàn soạt" như vậy nếu không có một hôm bạn tôi tới chơi.

    Anh ta là phóng viên của một tuần báo phụ nữ. Hiện nay anh đang viết một thiên phóng sự điều tra xã hội về thời trang, do đó, anh ta đến gặp tôi như là gặp một đại biểu trẻ tuổi trong giới nghệ sĩ để trao đổi về đề tài này.

    Tất nhiên trước nhà báo tôi phát biểu rất đúng mực và dè dặt, đồng thời giấu biến mọi chuyện trong nhà. Do đó, chúng tôi dễ dàng đi đến thống nhất với nhau là phải lành mạnh trong ăn mặc, mốt không có nghĩa là thái quá, là kệch cỡm lố lăng mà phải phù hợp với điều kiện xã hội, kinh tế và phải phù hợp với vóc dáng của mỗi người.

    Tôi vừa nói chuyện vừa hi vọng là vợ tôi chiều nay về muộn. May quá, bạn tôi đã đứng lên. Anh ta đang nói những lời cuối cùng:

    - Pi-e Các-đanh, nhà tạo mốt số một của thế giới, từng nói: "Mốt không phải bỗng nhiên xuất hiện mà nó dựa vào những nhu cầu của xã hội. Những người tạo mốt chỉ là những người thể hiện những nhu cầu ấy và biến chúng thành các kiểu mẫu của mình".

    Tôi gật gù:

    - Trời, câu nói chí lý!

    - Vậy mà, anh có biết không, có những người chạy theo mốt một cách mù quáng. Họ chuộng những cái lạ mà không cần biết nó xuất xứ từ đâu và chả nhằm đáp ứng một nhu cầu nào cả. Mới đây, có cái mốt xẻ áo đằng sau lưng, anh có biết không?

    - Biết chứ.

    - Anh có biết tại sao có cái mốt đó không? Sau khi điều tra kỹ thì tôi mới biết là nguồn gốc là như thế này. Có một tay ca sĩ không biết vì sao mà để rách áo trước khi ra diễn ngoài sân khấu. Áo rách phía sau lưng, không ai phát hiện, kể cả tay ca sĩ kia. Khi anh ta diễn, khán giả thấy mảnh áo may ô trắng lòi ra chỗ rách của áo xanh bên ngoài. Vì anh ca sĩ kia rất nổi tiếng, một số thanh niên trông gà hóa cuốc, tưởng anh ca sĩ này lăng-xê mốt mới. Thế là, tự nhiên có một kiểu mốt kỳ quặc xuất hiện, lan ra. Và cũng không thiếu gì người nhắm mắt chạy theo. Anh nghĩ có tức cười không?

    - Ðúng là điên hết cả lũ! - Tôi hùng hổ - Anh là nhà báo, anh phải làm thế nào đả phá những cái vụ ngu ngốc này đi!

    Thấy tôi phẫn nộ và lo lắng cho nếp sống mới một cách nhiệt tình, anh bạn sung sướng bắt tay tôi thật chặt trước khi ra về. Còn tôi thì hú vía, vì hôm nay tôi mặc một cái áo cũ trong khi những áo mới, cái nào cũng bị xẻ lưng.

    Nhưng may nhất là anh bạn nhà báo không biết tôi chính là tay ca sĩ bị rách áo bất ngờ do kẽm gai nơi cổng vào của một tụ điểm ca nhạc móc phải và rồi cũng chính tôi là người, cùng với vợ, khoét một cách điên rồ những cái lưng áo của mình để được tiếng văn minh. Nhưng cũng có thể anh ta đã rõ cả mọi chuyện mà giả vờ giả vịt. Biết đâu đó chẳng là mốt của mấy cha nhà báo!

    - 1983-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  7. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 6: Làm Chồng Khổ Thật

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Về tới nhà, vừa bước chân qua ngưỡng cửa là tôi bắt gặp vợ tôi đang ngồi chồm hổm lau nhà với miếng giẻ trên tay. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Bảy giờ hai mươi.

    Tôi cau mặt, không nói không rằng lướt ngang qua cạnh vợ như một cái bóng. Tôi cởi bỏ mũ áo, ngồi vào bàn và với tay cầm lên cuốn sách đang đọc dở, nhưng tôi không tài nào đọc được lấy một chữ. Nỗi bực tức trong lòng cứ mỗi phút một tăng. Hừ, đã nói rồi mà không chịu nghe! Như người ta thường nói, bây giờ là đời sống mới rồi, làm gì còn cái cảnh chồng thì nằm khểnh trên giường vắt chân chữ ngũ đọc sách đọc báo như một ông tướng, trong khi vợ phải nai lưng ra làm việc quần quật suốt ngày như một con mọi chung thân.

    Tôi là một thanh niên tiên tiến nên từ lâu tôi đã biết tỏng đã là chồng thì cần phải làm gì. Phải yêu thương và cảm thông vợ nè. Phải đỡ đần vợ một tay, phụ giúp vợ làm việc nhà nè. Lại còn phải tạo điều kiện cho vợ rảnh rỗi, khuyến khích giúp đỡ vợ học tập, trau dồi văn hóa, đọc sách đọc báo.. Ối dào, có gì là mới lạ đâu! Chính tôi đã từng phát biểu hàng trăm lần về những điều này trong các buổi hội thảo về gia đình do báo Phụ nữ tổ chức kia mà! Chả thế mà đã một tuần nay tôi đặt ra một cái lịch trong nhà: Từ bảy đến chín giờ tối, vợ tôi được giải phóng khỏi mọi việc vặt vãnh và được tự do thoải mái sinh hoạt văn hóa, đọc sách báo hay xem ti-vi tùy thích, còn tôi, một người chồng mẫu mực, sẽ thay ca cho vợ, cáng đáng hết mọi thứ.

    Vậy mà giờ này, đã bảy giờ hai mươi rồi, cô ta còn ngồi hì hục lau nhà, bảo tôi không giận sao được!

    - Nè, em có thôi đi không! - Cuối cùng, tôi quát lên.

    - Thì để em lau xong đã! Còn chút xíu nữa thôi! - Giọng vợ tôi nhỏ nhẹ.

    - Hừ, còn nửa cái nhà mà la chút xíu! Tại sao hồi chiều em không lau lại để tới giờ này?

    - Hồi chiều em phải rửa chén.

    - Thế trước khi rửa chén thì em làm gì?

    - Em giặt đồ. - Thế trước đó?

    - Trước đó thì em phải chữa cái bếp dầu.

    - Bếp dầu, bếp dầu! – Tôi cằn nhằn – Sao em không nhờ anh chữa?

    Vợ tôi ngước nhìn tôi với vẻ mặt ngơ ngác:

    - Thì em đã nhờ anh mấy lần rồi, anh hứa tới hứa lui mà đâu có chịu làm!

    Tôi giật thót người nhưng kịp thời vớt vát:

    - Người ta đã hứa thì ráng mà đợi chớ!

    Vợ tôi tiếp tục cắm cúi lau nhà, tựa hồ không nghe câu nói ngang phè của tôi. Ðiều đó làm tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cố lấy lại thể diện bằng cách tiếp tục hạch sách:

    - Thế tối hôm qua em làm gì? Em có đọc sách không?

    - Không! - Vợ tôi trả lời với giọng biết lỗi.

    Tôi cảm thấy hả hê liền lên giọng đắc thắng:

    - Ðó, thấy chưa! Lỗi là do em hoàn toàn. Bữa nay thì em còn đổ là tại cái này cái kia, chứ còn hôm qua là tự em từ chối quyền lợi của mình. Anh đã tích cực tạo mọi điều kiện cho em trong khi em thì cứ..

    - Anh quên rồi! Hôm qua khi em vừa ngồi vào bàn thì anh nhờ em ủi đồ cho anh để sáng nay anh đi họp gì gì đó! - Vợ tôi cắt ngang lời buộc tội say sưa của tôi khiến tôi chưng hửng.

    - Nhưng mà tại em! – Tôi quyết không chịu thua - Nếu buổi chiều em ủi đồ giùm anh thì buổi tối anh đâu có nhờ em.

    Vợ tôi mỉm cười:

    - Anh lại đãng trí nữa rồi! Chiều hôm qua, lúc em soạn đồ ra tính ủi thì chính anh nhờ em mạng giùm đôi tất bị gián cắn kia mà!

    Cuối cùng, tôi đành thở dài rầu rĩ:

    - Thôi được! Thế còn hôm kia thì sao? Em có thì giờ xem ti-vi chớ?

    - Em có xem.

    Tôi bật ngồi thẳng người dậy như một cái lò xo, mặt mày rạng rỡ:

    - Ít ra thì cũng phải như vậy chớ! Ðó, em thấy chưa! Một khi mà anh đã quyết tạo điều kiện..

    Nhưng vợ tôi không để tôi phấn khởi lâu:

    - Nhưng em chỉ xem có năm phút rồi phải đi công chuyện.

    Tôi nhăn mặt:

    - Sao lại đi đứng lung tung như vậy? Giờ đó là giờ em không phải làm một việc gì hết! Anh đã sắp lịch cho em rồi mà!

    - Nhưng chính anh lại kêu em chạy tới nhà anh Long lấy cây viết máy anh bỏ quên đằng đó về kia mà. Anh nói nếu không có cây viết thì buổi tối anh không làm việc được.

    Lúc đầu tôi tính hỏi tiếp xem những tối hôm kia, hôm kỉa vợ tôi sử dụng cái khoảng thời gian tự do của mình ra sao nhưng sau khi suy tính lại, tôi cho rằng khôn ngoan nhất là im lặng. Rõ ràng là càng tìm hiểu, vấn đề càng có vẻ rắc rối cho tôi.

    - Thôi được - Cuối cùng, tôi quyết định sửa chửa lỗi lầm – Em ngồi vào bàn đọc sách đi, đưa giẻ đây anh lau nốt chỗ còn lại cho.

    Vợ tôi đứng dậy, cô ta có vẻ không tin đôi tai của mình:

    - Anh lau giùm em thiệt hả?

    - Thiệt chớ! – Tôi khẳng định một cách hùng hổ.

    Nhưng khi vừa cầm lấy miếng giẻ, tôi liền vội vàng nhét trả vào tay vợ tôi:

    - Chết cha, không được! Bây giờ anh phải đọc gấp một tài liệu quan trọng để sáng mai đi báo cáo.

    Tôi nhảy bổ lại bàn trước cặp mắt sửng sốt của vợ tôi.

    Vừa lục lọi đống giấy tờ, tôi vừa nói với vợ, lúc này đã lại ngồi xuống sàn nhà tiếp tục kỳ cọ:

    - Em thông cảm cho anh nghe! Em ráng lau cho xong đi rồi đọc sách cũng còn kịp mà! Ái chà, nhưng mà không được! Lau nhà xong em làm ơn khâu giùm cái túi xách cho anh chút, nó bị đứt quai hồi chiều. Thế đấy, các bạn! Thật là bực mình! Ðã một tuần nay, mặc dù tôi quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, vợ tôi cũng chẳng hề rảnh rỗi được chút nào. Cô ta cứ bận rộn suốt ngày. Hễ ai mà biết chuyện là bao nhiêu tội vạ lại đổ lên đầu tôi ngay à coi. Mà đâu phải tại tôi là người chồng không biết điều, phải nói là rất biết điều nữa là khác! Thế mới biết làm chồng khổ thật!

    - 1984-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  8. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 7: Người Tốt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhỏ Diệp vòi mẹ:

    - Mẹ ơi, ngày mai đi chợ, mẹ nhớ mua cho con một ký đậu trắng nghe mẹ!

    - Ðể làm gì thế hở con gái? - đề nghị của nhỏ Diệp làm mẹ ngạc nhiên quá. Mẹ nhớ trước nay nhỏ Diệp chưa bao giờ thích thứ đậu này.

    Câu trả lời của nhỏ Diệp càng khiến mẹ ngạc nhiên hơn nữa. Nó phụng phịu:

    - Chuyện này khó nói lắm, mai mốt rồi mẹ sẽ biết!

    Thái độ của nhỏ Diệp làm mẹ thắc mắc ghê lắm. Nhưng thấy nó không muốn nói, mẹ cũng chẳng gặng hỏi. Mẹ gật đầu:

    - Ðược rồi! Mẹ sẽ mua cho con!

    Thực ra nhỏ Diệp chẳng muốn giấu mẹ. Trước nay nó không giấu mẹ điều gì. Nhưng lần này lại khác. Lần này nó mắc cỡ. Chả là hôm qua ở trên lớp nó nghe thầy Nhãn kể chuyện. Thầy kể cho học trò nghe chuyện đời xưa. Chuyện về một người tu dưỡng tính tình bằng cách sắm hai chiếc lọ. Mỗi khi làm được một điều tốt, ông bỏ vào chiếc lọ thứ nhất một hạt đậu trắng. Còn khi trót làm một điều không tốt, ông bỏ vào chiếc lọ thứ hai một hạt đậu đen. Lúc đầu, lọ đậu đen nhiều hơn lọ đậu trắng. Nhưng sau một thời gian, hai lọ bằng nhau. Sau một thời gian nữa, lọ đậu trắng nhiều hơn lọ đậu đen. Ngày đó, ông không cần phải bỏ đậu vào lọ nữa. Ông đã trở thành một người tốt. Nhỏ Diệp thích câu chuyện này lắm. Nó thích trở thành người tốt biết bao. Nó không thích bị bà rầy: "Sao cháu cứ ăn vặt để đến bữa lại ngồi nhơi cơm cả buổi thế?", bị ba nhắc: "Ngồi vào bàn học bài đi chứ con!", bị anh Quý quạu cọ: "Tao giảng khô cả cổ, sao mắt mũi mày để ở đâu thế?".. Nhỏ Diệp quyết bắt chước nhân vật trong chuyện kể của thầy giáo. Nhưng nó không sắm hai chiếc lọ. Cũng không cần phải có đủ cả đậu trắng lẫn đậu đen. Nhỏ Diệp đặt trên bàn học của mình một chiếc ly. Mỗi khi làm được một điều tốt, nó sẽ bỏ vào đấy một hạt đậu trắng. Lỡ làm điều không tốt, nó lại thò tay vào ly nhặt bớt đi một hạt. Sau mỗi tuần, nó trút đậu trong ly ra và.. đếm. Căn cứ vào số đậu nhiều lên hay ít đi, nó sẽ biết mình đang trở thành người tốt hay kẻ xấu.

    Ngay ngày đầu tiên mẹ đem bịch đậu về, buổi chiều nhỏ Diệp đã bỏ vào ly ba hạt. Chả là sáng đó, nó được điểm 10 môn ngữ pháp, buổi trưa nó giúp mẹ lau nhà, sau đó lại phụ bà lặt rau. Nhỏ Diệp hân hoan ngắm nghía ba hạt đậu trong ly. Tuy chỉ có ba hạt chỏng chơ thôi, những ngày đầu được như thế là mừng lắm rồi. Chả bù với lúc vừa đi học về, đón bịch đậu từ tay mẹ, nó đã phát hoảng khi thấy một ký đậu sao mà nhiều thế. Nó ngỡ như nếu sống đến một trăm tuổi, nó cũng không thể nào làm xong "một ký" điều tốt nổi!

    Nhưng đến buổi tối thì niềm vui trong lòng nhỏ Diệp đã vơi mất 2/3. Ăn cơm chiều xong, trong lúc ngồi học bài, chả rõ nó hí hoáy thế nào lại đánh gãy mất cây thước mượn của anh Vũ, bị anh Vũ mắng ột trận. Trước khi đi ngủ, nó còn kịp làm rớt thêm chiếc lọ đựng bột màu của anh Quý xuống đất vỡ tan, bị anh Quý quát tiếp một chặp nữa. Thế là ba hạt đậu hồi chiều rốt cuộc chỉ còn có một. Nhỏ Diệp buồn bã bỏ hai hạt đậu vào lại trong bịch rồi cất lên giá sách, bụng an ủi: "Dù sao cũng còn được một điều tốt!".

    Nhưng đó là câu chuyện của ngày đầu.. tập làm người tốt. Mà ngày đầu tiên, như người ta thường nói, bao giờ cũng khó khăn. Quả nhiên, những ngày tiếp theo số đậu trong ly dần dần nhiều lên từng chút một. Nhỏ Diệp tất nhiên cũng ý tứ hơn từng chút một. Người khác, dù đó là ông bà, ba mẹ hay thầy cô giáo, phán xét mình, dẫu công tâm và nghiêm khắc đến mấy vẫn có lúc thiếu sót. Nhưng nếu chính mình phán xét mình thì không điều gì có thể "qua mắt" mình được. Mình nghĩ gì, mình làm gì, dù bí mật đến mấy thì.. mình cũng biết. Nhỏ Diệp hiểu điều đó, vì vậy nó chả dám làm những chuyện mà vì chúng, những hạt đậu ở trong ly có thể bị tước mất bất cứ lúc nào. Ðậu trong ly ngày một nhiều. Và những lời khen mà nhỏ Diệp nhận được cũng nhiều không kém. Bà nói:

    - Cháu Diệp lúc này ngoan ghê! Cháu giúp bà biết bao nhiêu là việc! Mẹ nói:

    - Ừ, tự nhiên giỏi giang hẳn ra!

    Ba hài lòng:

    - Ðiểm 10 trong tập cũng nhiều hơn trước!

    Anh Vũ và anh Quý đều gật gù:

    - Ừ, thấy nó dạo này là lạ thế nào! Trông chững chạc ra phết!

    Ðược cả nhà khen, nhỏ Diệp vừa thinh thích lại vừa ngượng ngập. Nó trốn vào phòng, kéo chiếc ly lại gần và âu yếm ngắm những hạt đậu đang nằm chen chúc bên nhau. Những hạt đậu như cũng đang nhìn lại nó. Những hạt đậu như đang nói: "Chẳng có gì là tự nhiên, phải không bạn Diệp?".

    Nhỏ Diệp nghe thấy câu nói đó, hoặc cũng có thể do nó tưởng tượng ra trong đầu, và nó vui vẻ trả lời:

    - Ðúng rồi, chẳng có gì là tự nhiên cả! Muốn trở thành người tốt cũng cần phải cố gắng. Như mình đang cố gắng để chiếc ly thật đầy. Ðầy đến mức phải sắm thêm những chiếc ly khác nữa!

    Mơ ước của nhỏ Diệp đẹp đẽ và đáng yêu biết bao! Chỉ tiếc rằng ngoài nó ra, không một ai hay biết. Anh Quý của nó càng không biết.

    Vì vậy, một hôm nhỏ Diệp vừa chơi nhà bạn về, Quý ròm đã tíu tít khoe:

    - Lát ăn cơm tối xong, tao sẽ đãi mày món này tuyệt lắm!

    - Món gì thế? Kẹo dừa phải không?

    - Kẹo dừa thì nói làm gì? - Quý ròm "xì" một tiếng - Món này hấp dẫn hơn nhiều!

    Nhỏ Diệp tò mò:

    - Thế đó là món gì?

    - Chè.

    - Chè gì vậy?

    Quý ròm huơ tay:

    - Chè đậu trắng.

    - Tưởng gì! - nhỏ Diệp rùn vai - Em đâu có ăn được chè đậu trắng. Em thích chè đậu xanh cơ!

    - Mày ngốc quá! - Quý ròm bĩu môi - Chè đậu trắng ngon hơn chè đậu xanh gấp tỷ lần!

    Bị ông anh chê ngốc, nhỏ Diệp tức lắm. Nhưng nó chưa kịp phản ứng, bỗng nhớ tới một chuyện, mặt liền xanh xám:

    - Chết rồi! Ðậu trắng ở đâu ra vậy?

    Quý ròm cười hì hì:

    - Ở trong phòng học chứ đâu! Tao thấy mày nhét nguyên một bịch to tướng trên giá sách, lại đựng trong ly nữa, tao liền trút hết ra đem cho bà nấu chè! - Trời đất! Ðậu của em sao anh lại đem nấu chè! - miệng nhỏ Diệp mếu xệch, còn mắt thì bắt đầu ngân ngấn nước.

    - Ðậu không dùng nấu chè chứ dùng để làm gì! - Quý ròm hừ mũi - Chẳng lẽ để ốc meo hết hay sao?

    - Không biết! Em không biết! - nhỏ Diệp giãy nảy - Anh muốn ăn chè thì mua đậu về nấu ăn, ai bảo anh lấy đậu của em!

    Nghĩ đến bao nhiêu công sức bỏ ra những ngày qua giờ trở thành công cốc, bao nhiêu "điều tốt" nâng niu gom góp được cả tháng nay bị ông anh đem trút hết vào nồi chè, nhỏ Diệp nghe ngực tức nghẹn. Nó lắp bắp:

    - Tại anh hết! Em.. em..

    Nhỏ Diệp hít vào một hơi, chuẩn bị bù lu bù loa bắt đền ông anh nhanh nhẩu đoảng. Nhưng đến phút chót, không hiểu sao nó bỗng nín thinh. Quý ròm sợ nhất trò ăn vạ của nhỏ em. Thấy nhỏ Diệp làm ầm, nó mắt la mày lém, bụng rối như tơ.

    Nhưng rồi chờ hoài vẫn chưa thấy nhỏ em "khai hỏa", nó lo lắng hỏi:

    - "Em" sao?

    - Chả sao cả! - nhỏ Diệp đưa tay quẹt nước mắt, đáp bằng giọng sụt sịt - Em.. em chỉ muốn nói nếu anh lỡ nấu chè rồi thì thôi. Em sẽ mua lại bịch đậu khác. Sự thay đổi thái độ đột ngột của nhỏ em khiến Quý ròm ngơ ngác:

    - Mày nói thật đấy chứ?

    - Thật.

    - Mày không bắt đền tao nữa chứ?

    - Không. Em không bắt đền nữa.

    Quý ròm thở phào. Rồi tò mò hỏi:

    - Thế mày cất bịch đậu trong phòng làm gì vậy?

    Nhỏ Diệp nhoẻn miệng cười:

    - Chẳng làm gì cả! Chơi vậy thôi!

    Quý ròm bán tín bán nghi. Nhưng nó không hỏi tới, chỉ nói:

    - Lạ thật đấy! Chả ai lại chơi với những hạt đậu như mày cả!

    Dĩ nhiên là Quý ròm nói đúng. Chỉ có điều nó không biết là nó nói đúng thôi. Nhỏ Diệp đâu có dùng những hạt đậu trắng kia làm trò chơi. Nó đang bắt chước nhân vật trong câu chuyện thầy giáo kể. Nó đang tập làm người tốt. Nếu không thế, lúc đang chuẩn bị ăn vạ ông anh, nó đã không ngừng bặt giữa chừng. Chỉ vì lúc đó nó sực nhớ ra một người tốt thì đâu có làm như vậy. Một người tốt bao giờ cũng bao dung, cũng biết tha thứ và biết nói: "Lỡ rồi thì thôi! Em sẽ mua lại bịch đậu khác!"

    Tất nhiên lần này "người tốt" sẽ cẩn thận hơn, sẽ tìm chỗ kín đáo dấu kỹ bịch đậu, sẽ không để cho "anh của người tốt" đem trút hết vào nồi như trước.

    - 1985-
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  9. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 8: Nói Một Ðường

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nè cậu, cậu hãy làm ơn bảo ình biết, khi gia đình có chuyện xung đột mình phải tự kiềm chế như thế nào?

    Một anh bạn mang bộ mặt tím bầm đến gặp tôi và hỏi. Chả là anh ta biết tôi vốn nổi tiếng là một chuyên gia về chuyện gia đình và hiện nay đang viết một cuốn sách về cuộc sống lứa đôi. Gò má trái sưng vù khiến bộ mặt anh ta nom thật thảm hại. Hình ảnh đó làm tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười nhưng tôi cố dằn lòng.

    - Chuyện thế nào mà lại đến nông nỗi này? - Tôi hỏi với vẻ nghiêm chỉnh.

    - Có gì đâu! - Bạn tôi vò đầu, cái đầu dường như cũng chưa kịp nằm ngay ngắn trên cổ - Ðầu đuôi cũng tại thằng bé nhà tôi. Chả hiểu vợ tôi trông nó như thế nào mà lại để nó bôi bẩn cả cuốn sổ công tác của tôi. Khi phát giác ra, tôi quát ầm lên. Nếu lúc đó vợ tôi biết điều im lặng đi cho thì chả sao. Ðằng này, cô ta lại bướng, gân cổ cãi lại. Thế là đâm ra to chuyện. Ðến khi cô ta bảo tôi là hạng người vô trách nhiệm, suốt ngày cứ chúi mũi đọc sách, chả biết phụ vợ một tay thì tôi đâm cáu. Mặc dù những điều cô ta nói là có thật nhưng ai lại đi bảo thẳng vào mặt chồng mình vậy bao giờ. Thiếu gì cách tế nhị hơn. Có thể cô ta nhắn qua ai đó, hoặc là cô ta viết thư bỏ vào túi áo tôi lúc tôi ngủ, đằng nào tôi chả đọc được. Thế là đang cơn giận, tôi ném thẳng vào lưng cô ta..

    - Dao à? - Tôi rùng mình.

    - Ném dao có mà chết! - Bạn tôi rụt cổ - ở đây là cây thước kẻ. Sẵn cây thước kẻ trên bàn, tôi chộp lấy ném luôn. - Anh ném vào lưng cô ta mà sao gò má anh lại sưng?

    Bạn tôi nhăn mặt:

    - Anh đừng có giả bộ trố mắt ra như thế! Ðể tôi kể nốt à nghe! Tôi ném cây thước vào lưng cô ta một cái "bộp". Chả là lúc ấy cô ta đang lặt rau và ngồi quay lưng lại phía tôi. Khi cây thước rơi xuống đất, cô ta nhặt lên ném ngược lại đằng sau và nói: "Chả cần cây thước của anh tôi cũng lặt rau được". Tất nhiên là cô ta không cố ý ném tôi, bởi vì cô ta không quay đầu lại. Cô ta làm như vậy để cho hả tức thôi. Không ngờ cánh tay cô ta khỏe như cánh tay của vận động viên ném dĩa. Cây thước bay vèo như đạn xẹt, lại cứ nhằm mặt tôi mà lao tới. Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy, tôi chỉ còn cách nhắm nghiền mắt lại và niệm Phật. "Bốp" một cái, tôi nghe nhói trên mặt và thế là.. mọi sự như thế này đây!

    Bạn tôi kết thúc câu chuyện bằng cách xoa tay lên gò má. Còn tôi thì cười sặc sụa. - Tất cả là tại cậu thôi! - Tôi nói, sau khi lấy lại vẻ nghiêm trang - Nếu mình là cậu, khi phát hiện ra cuốn sổ bị bôi bẩn, mình sẽ im lặng.

    - Im lặng mà chịu được à? - Bạn tôi phản đối.

    Tôi gật đầu:

    - Ðúng! Phải im lặng cho đến chừng nào cơn giận qua đi. Khi đã bình tĩnh, mình mới nói chuyện với vợ, lúc ấy đầu óc sáng suốt hơn và lời nói cũng có tác dụng hơn. Tục ngữ có câu "no mất ngon, giận mất khôn" mà! Ðó là chưa kể sự nóng nẩy thường dẫn con người ta đến vực thẳm của sự sai lầm. Hành động của cậu đối với vợ là hành động vũ phu. Không ai đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa. Huống chi đó lại là vợ mình.

    Bạn tôi gật gù tỏ vẻ hiểu ra, nhưng anh ta lại hỏi:

    - Nhưng giả dụ mình không dằn được cơn giận thì sao?

    - Thì tốt nhất cậu lỉnh đi chỗ khác, đừng giáp mặt vợ. Nếu trong nhà chật chội thì cậu tếch ra phố, đi lang thang đâu đó chờ cho nỗi bực dọc lắng xuống rồi hẵng quay về.

    Ðến đây thì bạn tôi không còn thắc mắc gì nữa. Anh ta siết chặt tay tôi, cảm ơn rồi bỏ đi với vẻ phấn khởi.

    *

    Một tháng sau, gặp lại, anh ta hí hửng khoe với tôi:

    - Mình đã làm theo lời cậu và kết quả tốt đẹp không thể tưởng tượng. Vợ chồng mình lúc này sống rất hòa thuận. Anh ta còn kể thêm:

    - Mình còn phát hiện ra nước lạnh ngoài những công dụng đã biết còn có một đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình.

    - Cậu té nước vào mặt vợ à? - Tôi đùa.

    Bạn tôi cười:

    - Mỗi khi có chuyện bực dọc trong nhà, mình bỏ đi tắm. Tắm xong, nhiệt độ trong đầu hạ xuống ngay.

    Lần này anh ta gặp tôi chỉ để thông báo như thế, những dấu hiệu khả quan trong cuộc sống gia đình. Khi chia tay, một lần nữa, anh ta lại cảm ơn tôi.

    Sau cuộc gặp gỡ thú vị này, tôi về nhà với ý định viết một truyện ngắn về câu chuyện của bạn tôi. Nhưng khi ngồi vào bàn, tôi phát hiện ra xấp giấy trắng đã biến mất. Rõ ràng hồi sáng, tôi để ở trên bàn, lại dằn dưới máy đánh chữ hẳn hoi. Tôi lục tung các ngăn kéo nhưng cũng chẳng thấy đâu. Thật là quái quỷ!

    Có tiếng dao thớt lạch cạch ở sau nhà. Hẳn là vợ tôi đang làm bếp.

    - Này, em có thấy xấp giấy của anh ở đâu không? - Tôi hỏi vọng xuống.

    - Em không biết. - Tiếng vợ tôi vọng lên.

    Câu trả lời thản nhiên của vợ khiến tôi nhăn nhó:

    - Sao lại không biết? Anh để ngay trên bàn kia mà. Tiếng vợ tôi xen lẫn tiếng dao thớt:

    - Sáng giờ em không để ý. Anh tìm kĩ lại coi.

    - Anh đã bới cả nhà lên rồi còn gì. - Vừa nói tôi vừa đi xuống bếp - Sáng giờ mắt em để đâu mà không biết?

    Vợ tôi nhấm nhẳng:

    - Sáng giờ em đi chợ chớ đâu có đi chơi như anh. - Ai bảo cô là tôi đi chơi? - Tôi nổi nóng - Tôi đi công việc. Cô đừng có ăn nói hồ đồ!

    - Hừ, công việc! Ngồi quán cà phê cho đã rồi về nhà quát tháo om sòm.

    Tôi bắt đầu to tiếng:

    - Cô cấm tôi uống cà phê hả? Ðồ đạc trong nhà biến đi đâu, cô cũng chẳng biết, vậy mà tôi quát cô không được hả?

    - Không được.

    Tôi tím mặt:

    - Ðược! Nghìn lần được! Không những quát mà tôi còn..

    - Còn gì? - Vợ tôi quay ngoắc lại:

    - Gõ lên đầu cô chứ gì!

    - Tôi thách anh đó! - Vợ tôi vênh mặt.

    Bị chạm nọc, một cơn phẫn nộ điên cuồng cuộn lên trong lòng tôi. Hoàn toàn mất hết tự chủ, tôi vung tay giáng cho vợ một quả. Cú đánh của tôi mạnh đến nỗi nếu trúng đích có thể khiến cho đối phương thủng sọ như chơi. Trong một thoáng, tôi hiểu ra điều nghiêm trọng đó nhưng không làm sao rụt tay lại kịp. Nhưng vợ tôi là người không thích chết lãng xẹt. Bằng phản xạ tự nhiên cô ta đưa tay lên ôm đầu. Ác một cái là bàn tay cô ta còn cầm chặt con dao. Cổ tay tôi va phải sống dao đánh "rốp" một cái và ngay lập tức, nhà cửa, đồ vật đều quay tròn quanh ông chủ của chúng.

    Khoảng ba ngày sau, tức là vào thời điểm không thích hợp nhất, bạn tôi lại đến tìm tôi. Nhưng anh ta chưa kịp khoe với tôi những khám phá mới mẻ về phương pháp bảo vệ hạnh phúc gia đình thì đã giương mắt lên nhìn cánh tay bị băng kín mít và đang treo lủng lẳng trên cổ của tôi.

    - Sao lại ra nông nỗi này? Cậu bị đụng xe à?

    Tôi lắc đầu và kéo anh ta ra một chỗ vắng, thì thầm hỏi:

    - Nè cậu, cậu hãy làm ơn bảo ình biết, khi gia đình có chuyện xung đột mình phải tự kiềm chế như thế nào?
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
  10. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 9: Tôi Trở Thành Người Nội Trợ Ðảm Ðang Như Thế Nào? (phần 1)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mỗi người vợ đều nên ốm một lần trong đời!

    Nếu các bà, các cô bảo tôi cho họ một lời khuyên về cuộc sống gia đình thì câu đầu tiên tôi nghĩ tới sẽ là như vậy. Các bạn đừng có vội trách tôi, chẳng phải là tôi nói điều xúi quẩy đâu. Có tài thánh tôi cũng đừng hòng nghĩ ra được một câu châm ngôn như vậy. Phải nhờ có dịp may nghìn năm một thuở tôi mới phát hiện ra chân lý đó. Chả là vợ tôi ốm. Ðối với tôi, đó là một điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Khi tôi quyết định lấy vợ, tôi không bao giờ nghĩ rằng đến một ngày nào đó vợ tôi sẽ ốm. Tôi cứ đinh ninh đã là vợ thì không thể ốm được. Thế mà điều đó lại xảy ra, thật là kỳ dị. Cô ta nằm trên giường, đầu nóng sốt, miệng rên hừ hừ và bất hạnh cho tôi nhất là, tay chân không động cựa nổi. Tôi đã quen nhìn thấy vợ tôi làm việc quần quật suốt ngày đến nỗi bây giờ thấy cô ta bạc nhược đợi chồng nâng đầu dậy kê cốc nước vào miệng, thật tôi chẳng làm sao tin được. Nhưng rồi tôi buộc phải tin, bởi vì từ hôm đó cả một núi công việc đổ lên đầu tôi và tôi bị đè bẹp dưới đó hệt như Tôn Ngộ Không bị đè bẹp dưới năm ngón tay Phật Như Lai vậy, đố có mà nhúc nhích được một li.

    Đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa.. khi mó tay vào việc, tôi kinh hãi nhận ra rằng đó là những thứ hắc ám nhất mà số phận dành cho tôi, những thứ mà người trần mắt thịt như tôi không thể nào thực hiện nổi trong một ngày. Đó là chưa kể công tác nào cũng có khía cạnh chuyên môn phức tạp của nó. Trước khi xách giỏ ra chợ, tôi phải đứng nghiêm trước giường vợ, dỏng tai lên nghe vợ lên lớp.

    - Anh biết cách phân biệt cá tươi với cá ươn chưa?

    - Chưa! - Tôi xấu hổ thú nhận.

    - Mua cá, anh phải sờ nó, đừng sợ dơ tay. Hễ cá cứng là cá tươi, cá mềm là cá ươn. Anh phải lật mang cá lên coi, nếu mang đỏ là tươi, mang tái là ươn. Lại phải coi mắt nó nữa. Mắt trong là cá tươi, đừng mua những con mắt đục. Anh nhớ nổi không?

    - Nổi chớ!

    Tôi trả lời vợ và hùng hổ bước ra cửa. Cứng là tươi, mềm là ươn, đỏ tươi, tái ươn, trong tươi, đục ươn.. Dọc đường đến chợ, tôi lẩm nhẩm những chỉ dẫn đó trong miệng không một phút dây lơ là, hệt như hồi nhỏ học bảng cửu chương vậy. Và cũng như những học trò gương mẫu, gặp hàng cá nào, tôi cũng xông vào, cầm lấy từng con cá một, bóp lấy bóp để. Tôi vận dụng bài học hăng hái tới nỗi các bà hàng cá phải la nhặng lên, thậm chí có người gạt phăng tôi ra. Nhưng tôi không thối chí, tôi nghĩ trước đây vợ tôi hẳn cũng chịu đựng những gian nan vất vả như vậy, lẽ nào tôi không vươn lên cho ngang tầm cô ta. Chưa hết, khi rảo qua rảo lại dọc chợ, tôi ngắm nhìn hàng trăm đôi mắt cá, chăm chú nồng nàn còn hơn là nhìn vào mắt vợ (lúc chưa cưới). Nhưng bất chấp tình cảm tốt đẹp của tôi, chúng thi nhau giương những đôi mắt đục lên. Đục là ươn, tôi tặc lưỡi và thất thểu bước ra khỏi chợ.

    - Cá đâu?

    Vợ tôi ngạc nhiên khi thấy tôi xách giỏ không về nhà.

    - Không có tươi. - Tôi rầu rĩ đáp.

    - Thật không? - Vợ tôi nghi ngờ.

    - Thật mà! - Tôi nhăn nhó - Em đã dặn anh cứng là tươi, mềm là ươn, đỏ là tươi, tái là..

    - Thôi, thôi, em biết rồi! Nhưng chả lẽ cả chợ lại không có một con cá tươi?

    Tôi gật đầu quả quyết:

    - Không có! Anh đã phân tích kỹ từng trường hợp một. Có con mình cứng nhưng mang lại tái, có con mình cứng, mang đỏ thì mắt lại bể..

    - Trời ơi! - Vợ tôi thở dài - Cá tươi đó, ông ơi là ông! Người ta lật tới lật lui thì mắt nó bể, cái đó thì ăn nhằm gì!

    Trưa đó, tôi ăn cơm với nước tương. Nước tương ngon dễ sợ - Tôi nhủ bụng - Trong hay đục gì cũng vậy thôi.

    Nhưng rồi ngày hôm sau tôi cũng mua được cá, mà lại cá ngon. Chả gì thì tôi cũng không phải là người chồng đần độn. Cứ theo cái đà đó, với thời gian và sự chăm chỉ, khả năng chợ búa của tôi cũng được nâng lên rõ rệt. Mua cá lóc, tôi biết phải mua kèm thêm me, cà chua, giá, bạc hà để nấu một nồi canh chua. Canh khoai mỡ thì phải có tép, tiêu, ngò om, hành lá. Còn rau càng cua bao giờ cũng đi chung với giấm, trứng vịt, dầu ăn, cà chua, củ hành. Và nhiều nữa. Nhưng con người ta không thể ăn tươi nuốt sống mọi thứ mua ở chợ về. Thế là lại phải nhóm bếp. Vất vả không thua gì Prô-mê-tê, tôi chỉ nhìn thấy ngọn lửa sau khi đã quạt lò đến chảy nước mắt. Nhờ đó mà tôi đoán ra thành ngữ "Đổ mồ hôi sôi nước mắt" không phải xuất phát từ giới trí thức mà bắt nguồn từ những bà nội trợ.

    Tuy nhiên nhóm lửa chỉ là chuyện vặt. Những phức tạp của nấu nướng không phải bắt đầu từ đó. Thấy tôi chuẩn bị kho cá, vợ tôi bảo:

    - Trước tiên anh phải thắng nước màu.

    - Nước màu ở đâu mà thắng? - Tôi trố mắt.

    - Ở trong đường chớ đâu! Anh ột tí đường vào chảo và đổ một tí nước, chờ cho nó đen kẹo lại rồi đổ ít nước nữa.

    Sau đó tôi lại phải nhắc chảo xuống, cho nước mắm, gia vị và cá vào, đợi ít phút cho cá ngấm mọi thứ rồi lại bắc lên bếp. Thật là rối rắm! Lại còn phải nêm nếm, lại còn phải để lửa cháy riu riu.. Hôm đầu tiên tôi trổ tài, món cá trông đến tội nghiệp, canh chẳng ra canh mà kho chẳng ra kho, lỡ ăn vào miệng chẳng muốn nuốt tí nào! Nhưng đó là những ngày đầu kia, chứ còn sau đó thì thật là tuyệt. Chẳng lẽ mình lại tự khen chứ thật ra tôi có cảm giác mình nấu nướng còn khéo hơn cả vợ. Tôi chẳng nói quá lời đâu, hôm nào các bạn tới chơi nhà tôi thì biết. Chả là ngoài những kinh nghiệm vợ truyền đạt ra, trong thời gian đó tôi còn tìm đọc các loại sách dạy nấu nướng và hàng trăm công việc nội khác để nâng cao tay nghề.

    Chuyện giặt giũ cũng vậy, thoạt đầu tôi làm ăn chả ra làm sao, cứ bị vợ cằn nhằn hoài, nào là:

    - Sao anh lại ngâm xà bông ngay vậy? Phải xả qua nước một lần đã chứ!

    Hoặc:

    - Trời ơi! Ai lại đi ngâm chung quần đỏ với áo trắng bao giờ! Cái áo đỏ lòm cả rồi, anh thấy chưa?

    Nhưng càng ngày vợ tôi càng tỏ ra hài lòng trước sự tiến bộ vượt bậc của tôi. Thậm chí có nhiều trường hợp, tôi khiến cô ta phải ngạc nhiên. Tôi biết nhúng vải in hoa vào nước pha dấm trước khi giặt để giữ màu vải. Tôi biết dùng nước chanh để tẩy vết trà, dùng nước tro tẩy bột cà ri. Mới đây, tôi đã dùng nước pha dung dịch Bisunfic Natri để tẩy mủ măng cụt trên chiếc áo đẹp nhất của cô ta. Dưới bàn tay kỳ ảo của tôi, chiếc áo tưởng đã đời đời hoen ố lại phục hồi nhan sắc cũ. Điều đó dù nằm mơ, vợ tôi cũng không thể tưởng tượng nổi. Từ khi nắm được bí quyết của việc nội trợ, tôi thấy nó không còn đáng chán nữa mà ngược lại, ngày càng trở nên lý thú. Nhưng rồi mọi sự đột ngột chấm dứt, cũng như khi nó bắt đầu. Vợ tôi hết ốm. Và tất nhiên, không thể khác được, tôi bàn giao lại nhà bếp cho cô ta. Thật lạ lùng, kể từ giây phút đó, tôi cảm thấy buồn bã như người bị tước hết quyền hành, bị đuổi việc. Nói của đáng tội chứ trong thâm tâm tôi mong cho vợ tôi ốm trở lại. Tôi rơi vào một trạng thái chán nản và bực bội khó tả. Nỗi bực dọc càng tăng lên khi món ốc vợ tôi mua về ngay hôm tôi bàn giao chẳng ra làm sao.

    - Em mua phải ốc chết rồi! - Tôi nhăn mặt ngay trong bữa ăn - Mua ốc, phải thả vào nước, ốc nổi là ốc chết. Lần sau, nhớ chọn con ốc nào có miệng ắp đầy, không lõm mà mua.

    Hôm sau tôi lại khó chịu vì món tôm:

    - Lựa tôm phải lựa con vỏ cứng, màu xám xanh, thịt chắc mà trong! Ai lại mua ba thứ tôm như thế này!

    Ngay cả trứng vịt mà cô ta cũng mua nhầm.

    - Thả trứng vào nước, trứng tàm tạm thì nổi lưng chừng, nếu trứng để từ hai đến bốn ngày thì nó nằm thẳng đứng, còn trứng để lâu gần cả tuần thì nổi xấp xỉ mặt nước, để lâu cả tháng thì nó nằm ngang..

    - Ở ngoài chợ, nước đâu sẵn mà thử! - Vợ tôi chống chế. Tôi nhún vai:

    - Không có nước thì lắc nhẹ quả trứng trên tay. Trứng tốt dù có lắc mấy nó cũng không ọc ạch. Không muốn dùng tay thì dùng mũi: Trứng tốt không có mùi. Không muốn dùng mũi thì dùng mắt: Trứng tốt có vỏ ngoài láng và sạch tự nhiên không phải do rửa nước. Hừ, thiếu gì cách! Lần này thì vợ tôi hết dám hó hé, cô ta cúi đầu lặng lẽ nghe tôi lên lớp. Thật mới có một tháng mà mọi thứ đảo lộn quá thể! Bây giờ, hằng ngày trước khi đi chợ, vợ tôi đều đứng nghiêm trước mặt tôi, chờ tôi dặn dò. Nhưng như vậy mà nào có yên. Bao giờ cũng mua nhầm một món gì đó khiến tôi nhăn nhó. Rốt cuộc, không dừng được, tôi đành phải bàn với vợ:

    - Thôi từ rày về sau, anh sẽ chịu trách nhiệm đi chợ, em chỉ lo nấu nướng thôi. Đồng ý không?

    Tất nhiên là vợ tôi đồng ý cả hai tay. Còn tôi thì từ hôm đó, sau giờ tan sở lại vội vã đảo qua chợ, lòng hồi hộp một cách vui sướng.

    Nhưng được cái này thì mất cái kia. Đúng như người ta nói, chả có hạnh phúc nào là trọn vẹn cả. Mỗi lần đi chợ về, thấy vợ ngồi lui cui nhóm bếp cả buổi, tôi bắt ngứa con mắt:

    - Sao không lấy củi dầu mà mồi?

    - Hết rồi.

    - Vậy thì lấy muối rải lên!

    - Chi vậy? -Vợ tôi kinh ngạc.

    Tôi thở ra:

    - Vậy mà cũng không biết! Có muối, than mới mau bắt lửa và cháy đều hơn. Lửa cháy đều thì canh lại mặn.

    - Sao mặn vậy?

    - Tại em lỡ tay bỏ muối nhiều.

    - Sao không cắt một lát khoai tây bỏ vào?

    Vợ tôi ngạc nhiên - Dạo này cô ta luôn luôn ngạc nhiên trước tôi:

    - Em nấu canh cải chứ đâu nấu canh khoai tây?

    Tôi gõ đũa xuống mâm: - Em ngốc quá! Bỏ khoai tây vào, canh sẽ bớt mặn. Khoai tây hút muối.

    Một tuần sau, tôi lại ăn một bữa cơm khê. Thật ra, dạo còn làm đầu bếp, thỉnh thoảng tôi cũng gặp phải trường hợp khốn đốn như thế này. Nhưng khuyết điểm là chuyện không thể tránh được, vấn đề là phải biết sửa chữa nó. Tôi hạch vợ:

    - Em có biết trong những tình huống như thế này, người ta phải bỏ vào nồi một cục than không?

    - Ai chẳng biết, nhưng nhà mình hết than rồi. Mấy hôm nay em nấu bếp dầu.

    - Không có than thì vào vài lá trà tươi cũng được.

    - Trong nhà làm gì có trà tươi, anh nói lạ!

    Tôi khịt mũi:

    - Vậy thì lấy đũa đâm vào nồi cơm, đâm tận đáy chừng vài chục lỗ, cơm sẽ bay mùi khê. Đơn giản vậy thôi!

    Đơn giản thật! Nhưng để nhớ hàng trăm điều đơn giản như vậy thì quả thực là phức tạp. Tôi không biết đến chừng nào thì tôi mới truyền hết những hiểu biết của mình cho vợ trong khi đó ngày nào tôi cũng cảm thấy không vừa ý về các món ăn trên bàn, không món này thì món khác. Thật quái quỷ, trước đây có bao giờ tôi khó tính như vậy đâu. Mọi sự đều bắt đầu từ cái tháng chết tiệt kia. Cuối cùng, tôi đành chọn phương án tối ưu nhất:

    - Có lẽ em nên giao việc nấu nướng cho anh. Em để thì giờ làm chuyện khác. Thế là tôi thâu tóm gần hết quyền hành trong nhà. Vợ tôi chỉ còn mỗi việc giặt giũ vậy mà cô ta nào có làm cho ra hồn. Nhìn cảnh cô ta giặt mền thật là một cực hình đối với tôi. Tôi cứ phải nhắc chằm chặp:

    - Đừng có xoắn cái mền len vậy, hỏng hết bây giờ!

    - Giăng hai sợi dây song song mà phơi! Phơi như em chừng nào nó mới khô nổi!

    Đến khi cô ta giặt chiếc áo nhung xanh thì tôi không chỉ ngồi nhắc cầm chừng mà vội giành ngay lấy:

    - Thứ vải này không giặt theo kiểu thông thường được đâu! Muốn nó giữ màu và mượt như mới phải pha bia vào nước mà giặt.

    Tôi chạy đi mua một chai bia, đổ một nửa vào thau nước, một nửa vào miệng.

    Vợ tôi ngồi chầu rìa, nhìn chồng giặt giũ với vẻ khâm phục pha lẫn ghen tị. Nhưng tôi chẳng màng đến cô ta. Kể từ giây phút đó, tôi kiên quyết đẩy vợ ra khỏi mảnh đất phòng ngự cuối cùng. Chiếc thau nhôm, bàn chải, thùng bột giặt từ nay sẽ nằm dưới sự quản lý của tôi.

    Khi tôi tuyên bố ý định độc đoán đó, vợ tôi đã gật đầu một cách vui vẻ. Như những người vợ tuyệt vời khác, cô ta hiểu rằng điều đó hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên. Cũng nhờ vậy mà tôi không còn cầu mong cho vợ bị ốm nữa. Tôi đã thực sự ngập đầu vào việc chợ búa, bếp núc, giặt giũ, luôn luôn mệt bở hơi tai và luôn luôn thích thú tìm những bí quyết mới. Còn vợ tôi, thật tội nghiệp! Từ đó đến nay, cô ta cứ đi lang thang hết rạp hát này đến rạp hát khác. Về nhà thì chỉ biết ngồi vào bàn ăn, đọc sách hoặc xem tivi, chẳng có một niềm vui lao động nào. Chỉ đến ngày 8/3 hàng năm, cô ta mới được hưởng vai trò người nội trợ của tôi.

    Còn tôi, trong những khoảnh khắc rảnh rỗi đó, khi thì tôi đi dự cuộc thi nữ công gia chánh do Hội phụ nữ tổ chức, khi thì ngồi ở nhà tập viết văn vậy.

    Ti-vi, tủ lạnh hay cát-xét?

    Lần đầu tiên trong đời, tôi mua một tấm vé số. Tôi liền đem khoe với vợ tôi. Nhưng tôi thất vọng ngay. Cô ta liếc tấm vé số trên tay tôi bằng nửa con mắt:

    - Anh toàn là mơ với mộng. Dễ gì trúng số mà ham!

    - Biết đâu!

    - Hừ - vợ tôi khoát tay - Đừng có mà nhảm nhí! Bộ hết thứ mua rồi hay sao mà mua vé số?

    Tôi cười cầu tài:

    - Em đừng có nói vậy chớ. Kỳ này mà trúng mười ngàn là anh mua một cái cát-xét liền.

    Vợ tôi trợn mắt:

    - Cái gì? Cát-xét hả? Anh có điên không?

    - Sao lại điên! Có cát-xét, tối nằm nghe nhạc cũng khoái lắm chớ bộ!

    - Nhạc với lại họa! - Vợ tôi xì một tiếng - Anh toàn là sống trên mây! Thịt thiu đến nơi rồi kia kìa!

    Tôi ngơ ngác:

    - Thịt thiu thì có dính gì đến cát-xét?

    - Sao lại không dính dáng? Thịt thiu thì có nghĩa là dẹp cái cát-xét của anh qua một bên, để tiền mua một cái tủ lạnh.

    Tôi vò đầu:

    - Trời ơi, em thì suốt ngày cứ tủ lạnh với tủ liếc! Con người ta sống đâu chỉ toàn vật chất!

    - Xí! Vậy chứ anh sống bằng cái gì?

    Tôi tặc lưỡi: - Thì tất nhiên là sống bằng vật chất rồi. Nhưng con người ta cũng cần phải nghe nhạc nữa chớ!

    Vợ tôi vừa nói vừa ngoe nguẩy đi xuống bếp:

    - Được rồi, anh cứ ở đó mà nghe nhạc! Chiều nay tôi cho anh ăn thịt thiu cho biết tay! - Nè, nè! Đừng có mà chơi ác như thế! - Tôi chồm người về phía vợ tôi - Con người ta cũng cần phải ăn uống cho đàng hoàng chớ!

    Vợ tôi cười đắc thắng, bộ mặt nom gian ác dễ sợ:

    - Vậy thì dẹp cái cát-xét của anh đi!

    Bị vợ gây sức ép, tôi nổi khùng:

    - Anh mà không mua cát-xét thì em cũng đừng hòng sắm tủ lạnh!

    - À, à, anh dọa nạt tôi phải không? Trời ơi là trời! Bà con coi chồng với con kìa! - Vợ tôi ôm mặt tru tréo.

    - Thôi đừng có mà om sòm lên như thế!

    - Anh có bao giờ xuống bếp đâu mà biết cảnh cá ươn, thịt thiu. Anh toàn là ngồi mát ăn bát vàng không hà. - Vợ tôi chì chiết.

    - Này, này - Tôi xoay người trên ghế - Đừng có mà vu khống nghe cha! Còn cô, cô là nội trợ mà cô không có khoa học gì hết. Nếu mỗi ngày đi chợ một lần thì làm sao thịt thiu được. Cô cứ chơi cái kiểu một ngày đi chợ bảy ngày ăn thì thứ gì mà không thiu không hỏng.

    - À, à - Vợ tôi nắm hai tay lại - Bây giờ anh định hành hạ tôi cho đến chết phải không? Anh muốn tôi đi tới đi lui au già mau xấu phải không? Anh hết thương tôi rồi chứ gì! Tôi biết mà! Tôi biết thân phận tôi không bì được với người ta mà! Trời ơi là trời, sao tôi không chết đi cho rảnh nợ nè trời!

    Vợ tôi khóc ấm a ấm ức. Tôi nhấp nhổm trên ghế như bị kiến đốt:

    - Thôi, thôi, anh van em! Đừng có suy diễn bậy bạ. Anh mà có tình ý gì với ai thì anh chết liền tại chỗ cho em coi.

    - Anh không có tình ý gì với ai thì tại sao anh không cho em mua tủ lạnh? - Vợ tôi sụt sịt hỏi.

    Tôi gãi đầu: - Anh không cho em mua hồi nào. Anh chỉ nói là mua cát-xét thì thích hơn thôi!

    - Vậy là anh coi trọng cát-xét của anh hơn em chớ gì?

    - Bậy nào..

    Tôi đang lúng túng chưa biết giải thích làm sao thì thằng con tôi ở đâu ngoài sân chạy xộc vào. Tôi liền chộp ngay nó.

    - Bây giờ vậy nè - Tôi nói với vợ - Để khỏi lôi thôi, mình hỏi thằng con, hễ nó thích thứ gì thì mình mua thứ đó, em chịu không?

    Vợ tôi gật đầu và quay sang đứa con:

    - Con nghe má hỏi nè, giữa cát-xét và tủ lạnh con thích mua thứ nào?

    Thằng con tôi bặm môi suy nghĩ. Vợ chồng tôi hồi hộp muốn đứng tim, ai cũng hy vọng phần thắng về mình. Một lát sau, con tôi trả lời:

    - Con muốn mua tivi

    Tôi trợn mắt:

    - Tivi? Có ai hỏi tivi đâu!

    - Nhưng mà con khoái coi tivi hơn.

    Thằng con tôi đúng là thứ cứng đầu. Tôi đang tính quạt cho nó một trận thì vợ tôi lên tiếng:

    - Nó nói vậy mà có lý. Dù sao mua tivi còn hơn là mua cát-xét.

    Con tôi sáng mắt lên:

    - Bộ ba tính mua tivi thiệt hả ba?

    Tôi chỉ tấm vé số trên bàn:

    - Hễ chiều nay trúng mười ngàn là ba mua tivi cho con liền.

    Thằng con tôi chộp lấy tấm vé số. Nó chạy ra cửa:

    - Ra-đi-ô mới xổ số nè ba! Để con ra đầu đường dò số dùm ba nghen!

    Tôi liếc vợ tôi: - Nhà mình chật cứng, mua tivi về để đâu bây giờ?

    - Thì để trên bàn của anh chớ đâu!

    - Trời ơi, bộ em tính giỡn chơi hả? - Tôi la lên - Chỗ người ta ngồi làm việc mà để cái tivi lên thì làm sao?

    Vợ tôi nhún vai:

    - Chớ không lẽ để tivi dưới đất?

    - Thì để trên tủ vậy! - Tôi hiến kế.

    - Để trên tủ thì có trời mới coi được.

    Tôi dang hai tay thở dài:

    - Chớ nhà mình còn chỗ nào nữa đâu!

    - Thì cứ để trên bàn của anh - Vợ tôi nói, giọng không đùa chút nào.

    - Này, em đừng có mà chơi xỏ anh. Đó là chỗ anh làm việc, không ai được để thứ gì lên đó. - Tôi nghiến răng.

    - Làm việc, làm việc! Lúc nào cũng làm việc! Quan trọng gớm!

    - Quan trọng chớ sao không! Anh làm việc tối ngày chớ đâu có phải như..

    Đang nói, tôi nhanh trí tốp ngay lại. Nhưng vợ tôi đâu có chịu bỏ qua, cô ta gầm lên:

    - Như ai? Anh nói gì, anh nói lại coi!

    Tôi cười giả lả:

    - Anh có nói gì đâu!

    - Anh đừng có chối! Tôi biết mà, tôi biết anh coi thường tôi mà! Anh thì làm việc, còn tôi thì chỉ là đồ ăn bám chứ gì! Hu hu..
     
    Thụy Đào, SUNMEII, mefonef1 người nữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...