Cầm ca kỳ 2 Tên dịch nghĩa: Đàn hát kỳ 2 Tác giả: Tư Mã Tương Như Ngôn ngữ: Chữ Hán Thể thơ: Thất ngôn cổ phong Thời Kỳ: Hán 琴歌其二 鳳兮鳳兮從我棲, 得託孳尾永為妃. 交情通體心和諧, 中夜相從知者誰? 雙翼俱起翻高飛, 無感我思使余悲. Phiên âm: Cầm ca kỳ 2 Phượng hề phượng hề tùng ngã tê, Đắc thác tư vĩ vĩnh vi phi. Giao tình thông thể tâm hòa hài, Trung dạ tương tùng tri giả thuỳ? Song dực câu khởi phiên cao phi, Vô cảm ngã tư sử dự bị. Dịch thơ (Bản dịch của Ngô Trần Trung Nghĩa) : Phượng ơi, đến đậu cùng ta Nên duyên cầm sắt, một nhà chung vui Tâm đầu ý hợp, thảnh thơi Mảnh tình đêm vắng không người nào hay Đôi chim liền cánh tung bay Xin đừng để lại nơi đây nỗi buồn Chú thích: Cầm ca có hai bài, đây là bài thứ hai. Trong khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, vốn viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho một bài. Họ Trác vốn có người con gái xinh rất đẹp tên Văn Quân, còn nhỏ tuổi mà sớm góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng (chim phượng trống tìm chim phượng mái) này. Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng. Cảm nhận: Tương Như cất lên tiếng lòng với mong muốn kiếm tìm được một tri âm tri kỉ, có thể hiểu được tiếng đàn mà ông chơi, có thể hòa cùng hồn thi ca của ông. Chặng đường tìm kiếm trời nam bể bắc mà chẳng thấy một ai, tâm tư buồn vời vợi. Nhưng nay gặp được nàng rồi xin cùng ta vui hưởng năm tháng sống trên đời, cùng thi ca tấu nhạc cho thỏa nỗi lòng để rồi phiêu du chốn đất trời mênh mông. Tiếng đàn với kĩ nghệ điều tiết âm từ các dây tạo lên tiếng lòng nỉ non mà có lẽ chỉ có mình Văn Quân mới hiểu. Có lẽ đó là lí do mà khi Văn Quân nghe tiếng đàn mà hiểu nỗi lòng của Tương Như, dám bỏ trốn, vượt qua rào cản và những định kiến mà đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tri kỉ khó tìm, mà nay chỉ với tiếng đàn mà nàng Văn Quân xinh đẹp hiểu thấu tâm tình của mình, điều đó đã nói lên được rằng tài năng thưởng nhạc và cảm nhạc của Trác Văn Quân cũng chẳng hề kém cạnh so với Tư Mã Tương Như. Từng nốt nhạc thâm trầm như bày tỏ lời cảm thông với số phận của Trác Văn Quân. Rồi ông lại ngân nga nhỏ giọt từng nốt như để nói với người đẹp rằng, ngao du thiên hạ thật tự do tự tại. Cuộc sống ngoài kia tươi đẹp biết bao mà ta chẳng nhìn thấy nếu cứ giam mình ở bốn bức tường thành.