Cách ôn thi Ngữ Văn 12 đạt điểm cao, có điểm mỗi câu và chống liệt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hắc Diệp, 15 Tháng mười hai 2021.

  1. Hắc Diệp

    Bài viết:
    2
    Các bạn thân mến, đừng nên quá lo lắng về đề thi sẽ ra quá khó và không làm được. Nên biết một điều đề thi là thi chung cho tất cả học sinh nên đề chỉ ở mức vừa phải. Chỉ cần các bạn có sự hiểu biết nhất định về cấu trúc bài và làm được những ý chính thì chắc chắn sẽ có điểm trong mỗi phần bài, còn để đạt điểm cao hơn thì cần thêm một chút cố gắng trau chuốt lời văn và bắt sóng được cảm xúc của người chấm. Vậy, vấn đề là làm sao để làm được những ý chính của bài? Dưới đây là những kiến thức tổng hợp về những dạng bài thường ra, hãy cố gắng ghi nhớ nhé.

    Đầu tiên chúng ta cần phải nắm được cấu trúc của đề thi trước, gồm:

    - Phần đọc – hiểu (3 điểm)

    - Nghị luận xã hội (2 điểm)

    - Nghị luận văn học (5 điểm)

    I. Phần đọc hiểu:

    Với phần này đề thường ra những đoạn trích văn, thơ. Cần đọc kĩ câu hỏi và đọc lại đề để trả lời.

    1. Dạng trích đoạn văn


    Câu hỏi phương thức biểu đạt:

    - Nghị luận: Chia sẻ có ý nghĩa về một vấn đề nào đó, phân tích đúng, sai

    - Tự sự: Kể chuyện.

    - Miêu tả: Tả quang cảnh, diễn biến sự việc, suy nghĩ

    - Biểu cảm: Bộc lộ cảm xúc

    - Thuyết minh: Giới thiệu, giảng giải

    - Hành chính – Công vụ: Liên quan đến giấy tờ, pháp lý


    Câu hỏi biện pháp tu từ:

    - So sánh: Có chữ là, như, bằng, giống.. Ý nghĩa: Tăng sức gợi hình, gợi cảm.

    - Nhân hóa: Con vật, đồ vật.. có cách gọi, hành động giống con người. Ý nghĩa: Sinh động, gần gũi, có hồn.

    - Ẩn dụ: Dùng sự vật này chỉ sự vật khác (ví dụ: Uống nước nhớ nguồn – nhớ ơn người giúp đỡ mình). Ý nghĩa: Tăng sức gợi hình, gợi cảm.

    - Hoán dụ: Dùng một bộ phận chỉ toàn thể (ví dụ: Tay súng cừ khôi – chỉ một người bắn súng giỏi, má đào – chỉ cô gái trẻ). Ý nghĩa: Tăng sức gợi hình, gợi cảm.

    - Đảo ngữ: Đổi trật tự câu. Ý nghĩa: Nhấn mạnh, gây ấn tượng.

    - Liệt kê: Ghi một loạt các từ cùng loại (ví dụ: Bút chì, thước kẻ, tẩy). Ý nghĩa: Nhấn mạnh, cụ thể, đầy đủ.

    - Nói giảm, nói tránh: Diễn đạt tế nhị (ví dụ: Chết – yên giấc, đi xa). Ý nghĩa: Tránh gây đau buồn, nặng nề, thiếu lịch sự.

    - Nói quá: Phóng đại. Ý nghĩa: Gây ấn tượng, nhấn mạnh, tăng sức biểu cảm.

    - Điệp ngữ: Nhắc lại nhiều lần một từ hoặc cụm từ. Ý nghĩa: Nhấn mạnh, gây ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc.

    - Chơi chữ: Lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa (ví dụ: Cò không thấy – thầy không có, con sông quê). Ý nghĩa: Hài hước, hấp dẫn, thú vị.

    - Câu hỏi tu từ: Có dấu chấm hỏi. Ý nghĩa: Bộc lộ cảm xúc.

    - Dấu chấm lửng: Dấu ba chấm. Ý nghĩa: Chưa hết ý, tạo điểm nhấn hoặc sự lắng đọng cảm xúc.

    Câu hỏi tìm ý trong bài: đọc kỹ lại bài và ghi lại.

    Câu hỏi hiểu nội dung: ý nghĩa thường có trong câu hỏi cuối hoặc câu nghị luận xã hội.

    Câu hỏi đồng tình với tác giả: thường là đồng ý (quan điểm đúng, tốt), diễn đạt ngắn gọn tại sao mình đồng ý, hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của quan điềm đó. Ví dụ: Sống là phải cống hiến.

    Ngay khi đọc lên dòng chữ "sống là phải cống hiến", tôi lập tức đồng tình ngay với tác giả. Con người sống trên đời chính là để cho đi, việc cống hiến là một hành động vô cùng đúng đắn. Vì chúng ta sống chung trong một xã hội, việc cống hiến sẽ làm cho xã hội ngày càng phát triển và chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Bởi có cho đi thì chúng ta cũng sẽ được nhận lại những điều tốt đẹp.

    2. Dạng trích đoạn thơ:

    - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

    - Thể thơ: Đếm từng câu.

    + Bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ.

    + Câu sáu chữ, câu tám chữ: Lục bát.

    + Các dòng có số lượng chữ khác nhau: Tự do.

    - Các câu hỏi còn lại giống dạng trích đoạn văn ở trên.

    II. Nghị luận xã hội: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ


    Lưu ý:

    - Nên viết theo suy nghĩ mà bản thân thấy đúng, hiểu. Cần xem và nắm bắt tin tức về những việc tốt, xấu trong cuộc sống để làm dẫn chứng thực tế.

    - Cần có: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn nhưng phải viết liền, không xuống dòng.

    1. Đối với bài Tư tưởng đạo lý:

    - Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề, cần có câu chủ đề trong bài.

    - Thân đoạn: Khái niệm, biểu hiện, ý nghĩa, phản đề, dẫn chứng, bài học nhận thức.

    - Kết đoạn: Kết luận lại vấn đề.

    2. Đối với bài Hiện tượng đời sống:

    - Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề, cần có câu chủ đề trong đề bài.

    - Thân đoạn: Giải thích khái niệm, nguyên nhân, hậu quả, bài học, dẫn chứng thực tế.

    - Kết đoạn: Kết luận lại vấn đề (nên hoặc không nên làm), liên hệ bản thân.

    III. Nghị luận văn học:

    1. Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí và khái quát đoạn trích (nên học thuộc lòng, không bịa).

    2. Thân bài:

    - Hoàn cảnh sáng tác

    - Phân tích bài: Phân tích từng ý và có dẫn chứng. Mỗi ý là một đoạn văn (nên viết nháp những ý cần phân tích theo thứ tự trước rồi làm).

    - Giá trị nội dung: Hiện thực, nhân đạo, mới mẻ, thông điệp, cảm xúc.

    - Giá trị nghệ thuật: Phong cách của tác giả.

    3. Kết bài:

    - Ý nghĩa của tác phẩm: Đối với nền văn học, đối với xã hội.

    Lưu ý: với những bài nghị luận nên hạn chế từ tôi, em, mình.. nên thay bằng chúng ta.

    Lời khuyên: nên tự ghi những ý trên vào giấy thành dạng sơ đồ để nhớ lâu hơn.

    Trên đây là những ý chính cần nhớ để chắc chắn có điểm trong từng phần của bài thi. Mình sẽ hướng dẫn chi tiết hơn về cách ôn và làm các bài nghị luận đạt điểm cao ở bài sau. Hãy cùng đón chờ nhé. Chúc các bạn học tốt.
     
    meomeohh thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...