Bơ Đi Mà Sống - Mèo Xù

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Nguyễn Nguyễn, 28 Tháng bảy 2018.

  1. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Mẹ quỳ xuống để cho con được đứng lên

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mẹ là phụ nữ nhưng chưa một lần trong đời mang giày cao gót.

    Suốt những năm ròng mẹ đi chân trần nhiều hơn số lần mẹ xỏ dép.

    Bàn chân mẹ dọc dài theo năm tháng..

    Cũng chai sần, bởi gánh nặng mưu sinh

    Gối mẹ hơn một lần đã quỳ xuống vì con

    Tự trọng, với kiêu hãnh, hình thù chúng ra sao mẹ không biết

    Chỉ cần con được đứng thẳng vươn vai giữa cuộc đời dài rộng

    Với mẹ thế là đủ rồi

    Hao gầy kia mẹ sẽ chịu, chai sạn kia mẹ sẽ mang

    Chỉ cần con an vui là đủ

    * * *

    Kinh tế gia đình tôi suy kiệt đi từ sau trận bạo bệnh của mẹ, bao nhiêu tài sản tích cóp đều đổ hết vào chữa bệnh cho mẹ, mẹ khỏi bệnh cũng là lúc trong nhà tôi chẳng còn thứ gì đáng giá, không những thế còn ôm theo một khoản nợ khổng lồ.

    Bố từ bỏ công việc nhà nước để ra ngoài làm ăn kiếm tiền trả nợ, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, chúng tôi thì vẫn còn nhỏ. Một mình bố làm bao nhiêu cũng chẳng đủ trả nợ. Tuy còn bé nhưng lúc nào cũng thấy có người đến nhà đòi nợ gốc nợ lãi, cho tôi đủ hình dung được kinh tế gia đình đang tệ hại đến thế nào. Thế nhưng chưa một lần bố mẹ có ý định bắt chị em tôi phải nghỉ học ở nhà kiếm tiền, bố mẹ luôn nói đời bố mẹ khổ rồi, nhất quyết không để đời chúng tôi phải khổ nữa.

    Tôi nhớ năm đó đã đến kì đóng học phí, các bạn trong lớp thì đều đóng cả rồi, duy có mình tôi chưa đóng, ngày nào cô giáo cũng nhắc nhở bêu tên tôi trước toàn lớp. Mặc dù vậy tôi vẫn cắn chặt răng không chịu về xin tiền đóng học, vì biết xin cũng chẳng có, nhưng thằng bạn học cùng lớp, nhà kế bên, nó đã về nói với mẹ tôi.

    Trưa đó mẹ bảo để mẹ đi vay tiền cho tôi mang tới trường đóng học, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ mèm, đến tới nhà ông Long ở đầu xóm, mẹ bảo tôi đứng ngoài chờ mẹ. Giữa cái nắng tháng năm tôi đứng đó trông chừng xe đạp, chờ mẹ vào vay tiền, tôi chờ lâu lắm không thấy mẹ ra, tôi sốt ruột bèn mon men chạy vào sân nhìn xem có thấy mẹ không. Khi nhìn thấy hình ảnh mẹ, nước mắt của tôi tự nhiên túa ra không sao cầm lại được, hai chân mẹ tôi đang quỳ dưới đất, nước mắt ròng ròng, tay mẹ chắp lại van xin ông Long cho mẹ vay tiền, mặt người đàn ông kia vẫn lạnh lùng ngồi xem ti vi giống như không nhìn thấy sự tồn tại của mẹ tôi. Tôi biết ông ấy không còn tin tưởng để cho mẹ tôi vay tiền nữa, bởi nhà tôi đang nợ quá nhiều, chovay nữa thì chẳng biết tới khi nào mới lấy lại được.

    Một con bé 15 tuổi là tôi lúc đó tự nhủ với lòng rằng nhất định không được phép thất bại, vì cả cuộc đời này tôi còn phải trả ơn cha mẹ nhiều lắm.

    Nhiều năm trôi qua rồi, nhưng hình ảnh mẹ quỳ gối vào buổi trưa hôm đó vẫn hằn lên trong tâm trí tôi. Hôm nay tôi có thể khóc khi nghĩ về quá khứ ấy, nhưng đó là giọt nước mắt hạnh phúc.. Tôi biết mẹ đã chấp nhận quỳ gối để tôi được đứng lên.

    * * *
     
  2. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Chiếc quần rách của mẹ và đôi giày mới của tôi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trả lời thành thật nhé, khi bạn thấy nhỏ bạn được ba mẹ mua cho chiếc xe đạp mới để đi học, còn bạn vẫn ngày ngày phải đạp cái xe đạp lạch cạch cũ mèm có từ thời tám tai ba đế, hẳn là bạn sẽ thấy chạnh lòng, hẳn là bạn sẽ có một chút nào đó ghen tị, hẳn là bạn sẽ thấy tủi thân. Tại sao mình lại không thể có được xe mới chạy như nhỏ bạn?

    Tôi muốn nói với bạn rằng:

    Nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ cho bạn mọi thứ, cho bạn quần áo đẹp, cho bạn xe đẹp, cho bạn một tương lai xán lạn chẳng phải lo nghĩ gì, thì bạn là người hạnh phúc. Nhưng nếu bạn sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ phải lo ăn từng bữa, mà vẫn lo cho bạn đủ quần áo mặc, nuôi bạn trưởng thành nên người, lo cho bạn được đi học, được có trí tuệ thì bạn không những là người hạnh phúc mà bạn còn là người vô cùng may mắn. Vì sao ư? Vì cái nghèo thường dễ khiến người ta yếu đuối, dễ khiến người ta thỏa hiệp, dễ khiến người ta có cái cớ để sống ích kỉ đi. Nhưng nghèo mà vẫn sống kiên cường, vẫn không hề thỏa hiệp, vẫn muốn dành những điều tốt nhất cho con cái, đó là điều đáng quý biết bao nhiêu phải không?

    Năm tôi vào học lớp 10, mẹ hỏi đầu năm học mới tôi thích gì? Tôi nói thích có một đôi giày mới để đi. Thói quen thích mang những đôi giày đẹp dường như đã ngấm vào tôi từ lúc bé tí như thế. Mẹ nghe vậy thì cũng đồng ý liền, mặc dù trong nhà chẳng có tiền, nhưng tính bố mẹ tôi xưa nay vốn không muốn để con cái phải khổ cực.

    Chiều đó mẹ chở tôi ra chợ để tìm giày, tôi đi vòng cả chợ mà không hề cảm thấy ưng đôi nào. Mẹ an ủi tôi, mẹ nói mai mẹ sẽ chở tôi lên chợ huyện tìm, chợ huyện rất lớn, chắc chắn sẽ tìm được một đôi ưng ý. Sáng hôm sau tôi hớn hở ngồi sau xe mẹ, mẹ chở tôi lên chợ huyện tìm giày, tôi và mẹ đi khắp cả chợ nhưng vẫn không thể nào tìm được một đôi ưng ý, mặt tôi buồn so phụng phịu nói con chẳng thích đôi nào cả, nên sẽ không mua đâu.

    Mẹ nhìn tôi, rồi không hề lưỡng lự, mẹ quyết định chở thẳng tôi lên chợ tỉnh, cách nhà tôi 20 cây số, để tìm mua cho tôi đôi giày ưng ý. Mẹ gò lưng đạp xe, tôi ngồi ở sau, cũng giơ chân ra đạp cùng mẹ, hai mẹ con vừa đi vừa nói chuyện, tôi nói lớn lên tôi sẽ mua những đôi giày tốt nhất để đi, mẹ bảo ừ đúng rồi, chỉ khi con đi một đôi giày đẹp, con mới có cơ hội để tới những nơi tốt đẹp. Đạp xe chừng một tiếng thì cũng lên được đến chợ tỉnh, chợ tỉnh bạt ngàn giày dép, đôi nào cũng đẹp, tôi nhìn mà lóa mắt, không biết chọn đôi nào, mẹ nắm tay tôi đi vì sợ tôi lạc. Tôi sà vào hàng giày, chọn đúng đôi đắt nhất, bà bán hàng nhìn hai mẹ con tôi bằng ánh mắt khinh khỉnh kêu: - Giày này là giày xịn, đắt lắm đấy, không nói thách không mặc cả, mua được thì mua.

    Mẹ dè dặt hỏi đôi này bao nhiêu?

    - Hai trăm nghìn. - Bà bán giày lạnh lùng đáp

    Hai trăm nghìn thời đó đáng giá bằng cả một tạ thóc, tôi nghe thấy thì lè lưỡi kéo tay mẹ đi. Bà bán hàng nguýt dài nói với theo:

    - Đồ nhà quê, không có tiền thì đừng có động vào.

    Mẹ hỏi tôi:

    - Con có thích đôi giày đó không?

    Tôi thành thật trả lời:

    - Con thích mà đắt quá, mua một đôi nào cũng đẹp mà giá rẻ rẻ là được rồi.

    Mẹ nhìn tôi gật đầu, hai mẹ con lại tiếp tục đi vòng quanh chợ, cuối cùng cũng chọn cho tôi được một đôi giày ưng ý. Tuy không tới nỗi quá đắt nhưng cũng chẳng rẻ so với hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi khi đó.

    Lúc trở về, ra ngoài cổng chợ, mẹ còn chiều đãi tôi một cốc chè thập cẩm, mẹ bảo chè ở thành phố ngon nhất.

    Mua xong giày hai mẹ con lại đạp xe về, đoạn đường 20km bỗng trở nên ngắn lại vì niềm háo hức có giày mới của tôi. Đôi giày của tôi đảm bảo đẹp nhất lớp, không đứa nào có. Tới khi về tới nhà, mẹ đi thay quần áo, rồi mẹ mới tá hỏa phát hiện, cái quần mẹ mặc sáng nay để lên chợ tỉnh bị rách một miếng to ở đằng sau mông, mẹgiơ cái quần ra cho tôi xem rồi mẹ còn cười ngặt nghẽo, mẹ bảo:

    - Sao con cũng không nhìn thấy hả?

    Tôi lắc đầu.

    Mẹ cười, gương mặt hạnh phúc rạng rỡ vì cuối cùng mẹ cũng đã mua được cho tôi đôi giày mà tôi ưng ý, với mẹ làm được điều gì cho con cái thì mẹ hạnh phúc lắm. Còn tôi, bất chợt lúc này tôi không còn nghĩ đến đôi giày nữa mà tôi nghĩ đến chiếc quần rách mẹ đã mặc sáng nay.

    Bây giờ tôi cũng như bao nhiêu người trẻ khác, lúc nào cũng thích có đồ mới đểdiện, quần áo hơi cũ một chút thì không thích mặc nữa. Thế nhưng hình như tôi cũng như bao nhiêu đứa con khác, chẳng bao giờ chịu để ý xem một năm mẹ của mình có nổi một bộ quần áo mới nào không..

    * * *
     
  3. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Những thứ bình dị và ấm áp nhất đều mang tên Mẹ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi thực sự không biết mẹ tôi thích ăn gì nhất, vì lúc cả nhà ăn cái gì mẹ cũng đều bảo mọi người ăn đi mẹ không thích ăn. Nhưng tới lúc còn thừa thì mẹ sẽ cặm cụi ngồi ăn hết, rồi mẹ lại bảo ngon thế này mà không ăn, bỏ đi phí hoài ra.

    Tôi ở một mình, lâu lâu mẹ sẽ lên thăm và mang theo rất nhiều đồ ăn cho tôi. Bữa đó mẹ hẹn lên, nhưng tôi thấy trời cứ mua không dứt nên bèn gọi điện về nhắc mẹđừng lên nữa nhé, khỏi ướt hết mà vất vả ra. Mẹ ậm ừ rồi cúp máy.

    Chiều trời vẫn mưa to, tôi đang lạch cạch làm việc, thì thấy mẹ xuất hiện, hai ống quần xắn cao lên quá gối, chân mẹ đi dép lê, tóc tai ướt sũng, hai tay xách hai túi đồ ăn khệ nệ.

    Tôi hỏi mẹ:

    - Sao bảo mẹ đừng lên mà mẹ lại cứ lên thế, trời mưa to thế này, mẹ đi gì lên?

    Mẹ cười xòa bảo:

    - Mẹ đi xe ôm ra tới chỗ điểm đỗ xe bus rồi mẹ bắt xe bus lên đây, đi có một tí ấy mà, lên mang đồ ăn lên cho con chứ không trót làm rồi, để đó nhà có ăn hết đâu, lại phí ra.

    Tôi chẳng còn biết nói gì nữa, tấm lòng mẹ bao lâu nay vẫn thế, tôi chẳng cách nào lí giải nổi.

    Tôi rất thích nước hoa, chính xác là nghiện mùi thơm của chúng. Nhưng tôi thấy trên đời này không có mùi hương nào tuyệt hơn mùi của mẹ. Nhiều lần tôi nằm ôm mẹ rồi bảo, sao con thích mùi của mẹ dã man, mẹ tôi bảo, con nào chả hám hơi mẹ. Mùi của mẹ là thứ mùi ngai ngái của mồ hôi, thứ mồ hôi kì lạ, ấm áp, quyến rũ không lẫn vào đâu được, một mùi hương ngửi từ năm nọ qua tháng kia không bao giờ biết chán.

    * * *
     
  4. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Mẹ dùng trái tim của mẹ để nuôi dạy tôi nên người

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày xưa mẹ tôi luôn bảo bố mẹ nghèo, nên sẽ không có của cải hồi môn vàng bạc vốn liếng gì để cho các con. Bố mẹ cho mỗi đứa một cái nghề bằng cách nuôi chocác con ăn học tới nơi tới chốn, để sau này các con tự lao động tự kiếm tiền bằng trí tuệ, bằng bàn tay của mình, sẽ chẳng bao giờ lo chết đói. Mẹ tôi còn nói, ví thử mẹcó vài chục cây vàng cho con cũng chưa chắc đã tốt. Chẳng may con lấy chồng không tốt, nó cờ bạc vài hôm là hết, con phải ra đường tay trắng, chi bằng mẹ chocon cái nghề và những kinh nghiệm sống bổ ích sau này.

    Mẹ luôn nghĩ mẹ chỉ là nông dân quê mùa, không hiểu biết gì cả, nhưng mẹ lại dùng trái tim của mẹ để nuôi dạy chúng tôi nên người, trưởng thành. Và trái tim của người mẹ thì chẳng bao giờ sai cả.

    Tôi bây giờ có thể rất ăn diện, xách túi hàng hiệu, đi đôi giày thật mắc tiền. Còn mẹtôi vẫn dép lê và quần hoa mộc mạc như chính mẹ của bao năm qua. Nhưng tôi vẫn luôn thích nắm tay mẹ đi khắp nơi và tự hào khoe với cả thế giới rằng đây là mẹ của tôi.

    * * *
     
  5. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Anh trai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi có một người anh trai cả, anh trai của tôi bị bệnh thần kinh, trí tuệ chậm phát triển. Mẹ kể năm 3 tuổi, tự nhiên anh bị lên cơn co giật, toàn thân rúm ró lại, tay chân giật đành đạch, mẹ vừa khóc vừa ôm anh chạy lên bệnh viện huyện, người ta chẩn đoán anh bị viêm não Nhật Bản, thời đó thuốc men chẳng tốt như bây giờ, thế nên không chữa được cho anh. Kể từ đó anh cứ ốm đau, quặt quẹo liên miên, lâu lâu lại lên cơn co giật, những lúc như vậy phải cho anh uống thuốc động kinh, dần dần trí tuệ của anh tôi bị phát triển chậm chạp đi, so với những đứa trẻ cùng trang lứa thì anh tôi thuộc dạng thiểu năng trí tuệ, nhận thức của anh tôi rất kém.

    Anh tôi đến tuổi vào học lớp 1, bố mẹ cũng cho anh đi học, nhưng học tới nửa năm anh tôi vẫn không cầm nổi cây bút để viết A, O. Mẹ đành xin nhà trường cho anh lùi lại một năm. Hi vọng năm sau trí tuệ anh phát triển hơn chút thì anh có thể đi học được. Đến năm sau đi học, tình hình cũng chẳng cải thiện hơn, anh tôi không thể nào nhớ nổi mặt chữ, cô giáo dạy trước anh tôi quên sau. Học thêm một năm lớp 1 nữa, anh tôi cũng chẳng thể nào lên lớp nổi. Bố mẹ vẫn kiên trì muốn cho anh đi học, nên lại xin nhà trường cho anh tiếp tục học thêm một năm lớp 1 nữa. Năm đó cũng là năm chị gái thứ hai của tôi đi học lớp 1, vậy là hai anh em học chung lớp, ngồi chung bàn. Một ngày nọ chị gái đi học về khóc lóc nói với mẹ tôi, mẹ ơi đừng cho anh đi học nữa, ở lớp anh bị cô giáo đánh, các bạn đánh, con thương anh lắm. Thì ra vì trí tuệ của anh không phát triển, cô giáo dạy anh không hiểu nên thường lấy thước kẻ dài ghè vào tay anh, hoặc lấy cây đánh vào đầu anh. Bọn trẻ trong lớp thì trêu anh là thằng ngớ ngẩn, chúng nó lấy phấn ném vào người anh, đấm đá anh. Có lẽ cả hai năm học trước anh cũng đã bị đối xử như vậy, nhưng anh không biết cách để về nhà nói với bố mẹ.

    Mẹ nghe chị tôi nói như vậy thì nước mắt lưng tròng, khóc thương con. Kể từ đó mẹtôi cho anh tôi nghỉ học ở nhà, anh tôi học ba năm lớp 1 vẫn thuộc dạng mù chữ, càng ngày càng ngơ ngơ, trí tuệ càng ngày càng chậm chạp.

    Lúc còn nhỏ, tôi thấy ghét anh tôi lắm, tôi ghét anh tôi vì anh tôi bị ngớ ngẩn. Tôi cũng bị bạn bè chế giễu vì tôi có một người anh ngớ ngẩn, những lúc anh em tôi đi ngoài đường, đám trẻ trong xóm lại chọc:

    - Anh em thằng Quản ngớ ngẩn kìa chúng mày ơi.

    Chúng nó thậm chí còn lấy gạch đá ném vào người anh em tôi. Dần dần tôi không thích đi chung với anh tôi nữa. Anh tôi thích đi cạnh, nắm tay tôi, nhưng tôi luôn cố tình tránh xa, càng xa càng tốt. Tôi không cho anh được đi cạnh tôi, luôn bắt anh phải đi sau tôi một khoảng, tôi luôn muốn phủ nhận sự tồn tại của anh tôi.

    Tôi bị cận thị từ nhỏ, lúc nào cũng phải đeo cặp kính dày cộm, đám trẻ trong xóm luôn chọc tôi là chó bốn mắt và đồ ăn đu đủ không vần thìa, vì răng tôi bị hô.

    Một hôm tôi đi học về thì lũ con trai trong xóm đi đằng sau chọc tôi như thường lệ, chúng nó thậm chí lấy đá ném vào chân tôi, rồi cười hô hô với nhau. Đúng lúc đó chẳng hiểu anh tôi từ đâu xuất hiện, lao ra, dùng quả đấm, đấm thụp một cái vào lưng thằng đầu xỏ trêu tôi. Nó đau điếng người nằm ngã lăn ra đường, tôi và đám trẻ con trong xóm sợ vô cùng, sợ nó sẽ chết. Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, thằng kia nằm tê tái ở đường một tí rồi mới giống lên khóc như bò. Nghe nó khóc, tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra nó không chết. Tối đó bố nó đạp xe xuống nhà, đòi đánh anh tôi, bố mẹ tôi phải đứng ra xin, ông ta mới chịu ta. Lúc ông ta về, bố cầm một cái roi rất to, đánh anh tôi, tôi ở ngoài khóc xin thế nào bố cũng không tha choanh. Còn anh thì rất lì, không khóc cũng không xin bố, chỉ đứng im chịu bố đánh.

    Dần dần tôi không còn ghét anh nữa mà chuyển qua thương anh.

    Mẹ tôi từng bảo ai sinh con cũng mong con được khỏe mạnh giỏi giang. Nhưng trên một bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, thế nên trong gia đình thường có một người thiệt thòi hơn những người còn lại, coi như sẽ gánh hết tật bệnh cho mọi người trong gia đình. Anh con cũng vậy nên hai chị em phải thương lấy anh.

    Tôi đi học xa, lâu lâu mới về, những lúc tôi về nhà, y như rằng đều nhìn thấy anh tôi từ xa, anh đang đứng ở ngõ chờ tôi về. Bố tôi kể nếu như anh biết hôm nay có em hay mẹ sẽ về thì anh sẽ đứng ngóng cả buổi. Anh trông thấy tôi thì không nói gì, chỉ tủm tỉm cười, rồi anh xách túi cho tôi, lẽo đẽo đi đằng sau lưng tôi. Có thể do ngày xưa tôi luôn quát anh, bắt anh phải đi cách xa tôi, nên cho tới giờ anh vẫn còn giữ thói quen đó, anh lúc nào cũng đi sau lưng tôi, cách tôi một quãng.

    Hàng ngày anh tôi vẫn đi lang thang quanh xóm, nhặt những vỏ lon bia, những chai nhựa bỏ đi để mang về bán. Mỗi lần bán như vậy anh có được vài nghìn. Vài nghìn đó anh mang giấu dưới gối, chiếc gối giống như là một nơi bí mật nhất, để anh yên tâm cất giữ kho báu tài sản vốn liếng của mình. Bữa thấy mẹ tôi bị bệnh, bác sĩ phải tới nhà tiêm, anh moi kho báu dưới gối của mình đưa cho mẹ, bảo mẹ mang tiền này ra Hà Nội con em nó dẫn mẹ đi khám bệnh mua thuốc mà uống. Anh tôi luôn gọi tôi và chị gái tôi là "con em" một cách đày yêu thương như vậy.

    Anh tôi có thói quen để dành bánh kẹo, nếu có ai cho anh thường không ăn, mà đem cất đi, khi nào tôi về anh mang ra dúi vào tay tôi bảo ăn đi.

    Bao nhiêu năm, tôi từ một đứa trẻ, rồi cũng lớn lên, và dần trưởng thành hơn. Nhưng anh tôi thì vẫn thế, lúc nào anh cũng ngây ngô, tính cách không hề thay đổi từ bé cho đến lớn.

    Anh tôi chưa bao giờ, chưa một lần và có lẽ hết đời này cũng không biết nói một câu yêu thương tôi. Nhưng tôi biết tình yêu anh dành cho tôi từ bé tới lớn chưa bao giờ thay đổi. Từ cái lúc anh đánh thằng con trai trong xóm vì nó dám trêu tôi, chođến tận bây giờ, trong trái tim ngây ngô ngớ ngẩn của anh, tôi vẫn luôn là một đứa em gái anh cần bảo vệ, nhường nhịn cho từng cái kẹo.

    Tôi bây giờ đã không còn là đứa trẻ cần được anh bảo vệ. Tôi đã trưởng thành, đi đây đi đó khắp nơi, thỉnh thoảng sống cuộc sống xa xỉ. Tôi có thể đi bar uống một chai rượu vài triệu, mua một chai nước hoa rất đắt tiền chỉ để ngắm. Thế nhưng tôi không bao giờ quên rằng tôi là em gái của anh, một người anh ngớ ngẩn.

    Có lần tôi hẹn hò với một người, lúc tôi kể chuyện anh trai, kể chuyện gia đình, tôi thấy ánh mắt người ấy có chút nghi ngại, ánh mắt ấy, khiến tôi thấy có gợn trong lòng. Rồi tôi bảo, nếu em lấy chồng, em vẫn sẽ nuôi anh trai em suốt đời, người ấy bảo ừ thế thì cũng vất vả nhỉ? Và bọn tôi chia tay sau đó một tháng.

    Cũng chẳng trách được người ta, bạn tôi từng bảo: "Nói mày đừng tự ái nhưng nếu tao đứng trước một cô gái có hoàn cảnh như mày, tao sẽ lưỡng lự lắm. Vì lúc kết hôn lo cho gia đình nhỏ của mình đã đủ mệt rồi.." Câu nói sau đó bạn tôi bỏ lửng, nhưng tôi hiểu bạn tôi muốn nói gì, tôi cũng biết bạn tôi nói đúng.

    Vậy nhưng nếu như có người đàn ông nào cảm thấy lăn tăn vì gia đình tôi, vì anh trai tôi khi muốn tiến tới với tôi thì tôi cũng chẳng hối hận mà nói rằng họ không cần lăn tăn đâu vì tôi cũng sẽ không bao giờ thích họ. Tôi sẽ chỉ thích một người khi người đó cũng biết yêu thương, biết thông cảm với gia đình của tôi.

    Có nhiều người bảo anh là gánh nặng suốt đời của gia đình tôi, thế nhưng tôi nghĩ, chính là anh, đã dùng cả cuộc đời của anh, để gánh tất cả mọi thiệt thòi nhất về phía mình.

    Anh tôi bị ngớ ngẩn, nhưng những người ngớ ngẩn, họ vẫn có tình yêu thương, yêu thương theo cách riêng của họ.

    * * *
     
  6. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Một gia đình có tình yêu của Bố

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bố tôi lam lũ một đời, nhìn cái dáng hao gầy của bố đã thấy hằn lên sự vất vả. Hồi tôi còn bé, nhìn mấy đứa được bố chúng nó kiệu lên vai đi khắp nơi trong xóm, tôi thấy tủi thân ghen tị lắm. Vì tôi chưa bao giờ được bố làm như thế với mình. Bố tôi so với bố bọn nó thì quá bé nhỏ, người bố tôi gầy còm nhỏ thó, mỗi lúc đám trẻ conngồi kể thi xem bố đứa nào mạnh nhất, chúng nó luôn xếp bố tôi sau cùng. Chúng nó nói bố tôi yếu nhất, nếu có đánh nhau bố tôi sẽ thua.

    Thế nhưng cả đời này, bố tôi cũng chẳng có ý định đánh nhau với ai. Ngay cả to tiếng, quát người khác bố tôi cũng chưa từng làm. Bố tôi khù khờ ít nói, mẹ bảo bố tôi không giỏi giao tiếp, gặp người lạ bố chỉ biết lặng im, người ta hỏi gì bố trả lời đó. Mọi việc giao tiếp bên ngoài đều mẹ làm hết, bố chỉ biết ngày ngày đi làm về đưa tiền cho mẹ. Ngay cả tình yêu bố dành cho mẹ con tôi, cũng cần mẫn yên lặng như chính con người của bố vậy.

    Bố tôi là con trưởng, mẹ sinh được anh tôi, những tưởng anh tôi sẽ là cháu đích tôn nối dõi tông đường, ngờ đâu anh tôi lại bị bệnh. Đến khi đứa con thứ hai (tức chị tôi) ra đời là con gái, mẹ kể hồi mang bầu tôi, mẹ luôn hi vọng, tôi sẽ là con trai để thay anh gánh vác trách nhiệm nối dõi tông đường. Nên khi bà đỡ báo tôi là con gái, mẹbuồn lắm, mẹ khóc rất nhiều. Bố khi đó đang đi làm xa, nghe tin mẹ sinh tôi, bố đạp xe mấy chục cây số để về. Nhìn thấy mẹ như vậy, bố nắm tay mẹ an ủi, bố bảo: "Mẹmày đừng khóc, lớn lên con nó biết nó lại tủi thân, con nào cũng là con, dù có chuyện gì bố cũng không bỏ rơi mấy mẹ con". Mẹ tôi có thể vất vả lam lũ hơn nhiều người phụ nữ khác vì gia cảnh nhà tôi quá nghèo. Nhưng ngược lại, tôi vẫn luôn nghĩ mẹ tôi là người phụ nữ vô cùng may mắn, vô cùng hạnh phúc, vì có đượcngười chồng như bố.

    Hồi tôi vào học lớp một, bố đi làm xa nhà, nhưng cứ mỗi khi được nghỉ phép về nhà, bố đều chở tôi đi học. Thường ngày tôi phải đi bộ, vậy nên lúc nào được bố chở đi học, thì đó là hạnh phúc vô biên của tôi, đám bạn nhìn thấy tôi được ngồi xe đạp, chúng rất ghen tị, và dĩ nhiên tôi vui vì điều đó.

    Bố đặt tôi ngồi sau gác-ba-ga, bố dặn con nhớ giạng chân ra không thì bị kẹt vào nan hoa. Bố tóm lấy tay tôi, đặt vào hai bên hông bố, bảo con nắm chắc vào, không được bỏ ra nhé. Tôi ngoan ngoãn vâng, nhưng bố không yên tâm, cứ đi được một đoạn bố lại nhắc: "Bám cho chắc vào con nhé".

    Bố tôi không to cao vạm vỡ, thế nhưng khi ngồi sau xe bố, tấm lưng của bố đủ chắn nắng cho tôi. Có lúc tôi buồn ngủ ôm chặt vào hông bố rồi dụi đầu ngủ thiếp đi. Bố phải đi xe bằng một tay, một tay kia giữ chặt để tôi khỏi ngã.

    Khi lớn lên tôi luôn tự hỏi với tấm thân nhỏ bé ấy của bố, thì bố lấy đâu ra sức lực để chống đỡ lại những tháng năm khốn cùng nhất của gia đình tôi. Là khi mẹ tôi bệnh nằm liệt giường, ranh giới sự sống với cái chết rất đỗi mong manh, một mình bố vừa chăm mẹ, vừa đi làm kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, lại nuôi ba anh em tôi.

    Gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên đôi vai gầy trơ trọi của bố trong nhiều năm tháng. Bố bỏ cả công việc nhà nước để ra ngoài làm kiếm tiền, làm thuê làm mướn, bố chẳng nề hà việc gì. Thương vợ bị bệnh, thương các con còn nhỏ, ngay cả những việc vặt trong nhà bố cũng luôn cố gắng làm hết.

    Năm tôi học đại học, khi đó sức khỏe của mẹ tôi cũng đã khá lên nhiều, nên mẹ tôi quyết định lên Hà Nội làm osin cho nhà người ta để kiếm tiền trang trải nợ nần cùng với bố. Bố không muốn mẹ đi, nhưng thực tình hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi mỗi lúc một bế tắc hơn, một mình bố gần như không thể gồng gánh nỗi nữa.

    Mẹ tôi vừa đi được vài ngày thì tôi nhận được thư của bố, gọi là thư nhưng thục ra chỉ là một mẩu giấy ô li nhăn nhúm, bố cũng chỉ viết được vài dòng ngắn ngủi: "Thắm con, con có khỏe không? Con ở trên đó học hành thế nào? Con cố gắng giữ sức khỏe đừng để bị ốm nhé. Con đã tới chỗ làm của mẹ chưa? Con thấy ở đó thế nào? Người ta đối xử với mẹ con có tốt không?". Vẻn vẹn mấy chữ ấy thôi, mà nước mắt tôi cứ nhòe đi, tôi chạy ra bưu điện gọi về cho bố. Tôi nói với bố, connhận được thư của bố rồi, mẹ và con đều khỏe, bố và anh ở nhà có khỏe không? Bố nói đều khỏe cả. Rồi tôi im lặng không biết nói gì hơn, quãng chừng vài giây sau tôi mới thấy giọng bố nghẹn đi, bố nói: Bố nhớ mẹ và con lắm, bố xin lỗi vì không lo được cho mấy mẹ con, phải để mẹ con đi làm osin như vậy.. Tiếng khóc của tôi vỡ òa sau câu nói của bố, lúc đó tôi cũng chỉ có thể nói với bố: "Con cũng nhớ bố và anh, bố và anh giữ gìn sức khỏe nhé"! Rồi vội cúp máy.

    Tính bố tôi lầm lì ít nói, không bao giờ biết nói những lời hoa mỹ tình cảm, nên những lời bố vừa nói, với tôi giống như một thứ âm thanh kì diệu được phát ra từ trái tim của bố.

    Tôi từng nghĩ gia đình tôi chẳng có gì đáng để tự hào cả, vì gia cảnh quá nghèo, nghèo thì có gì mà đáng tự hào, thế nhưng bố giúp tôi nhận ra tôi đang thực sự có một thứ quý giá đến mức nào, đó là một gia đình có tình yêu thương của bố, của mẹ.

    * * *
     
  7. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Chị gái

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chị thứ giữa, nhưng lại chẳng khác nào chị cả.

    Anh trai tôi bị ngớ ngẩn, não không phát triển, lơ nga lơ ngơ. Ngày chúng tôi còn nhỏ, bố mẹ vất vả lo mưu sinh. Thế nên giao cho chị gái trông anh trai ngớ ngẩn, kèm trông em nhỏ (là tôi).

    Mẹ kể ngày nhỏ chị gái bị suy dinh dưỡng nặng. Cổ tay chị chỉ bằng cái ngón chân cái của người lớn. Thế mà lúc nào cũng vẹo cả hông vì phải bế em, rồi tay kia thì dắt anh, trông anh, không để anh đi linh tinh. Khác với tôi, chị thương anh trai từ bé. Anh trai và chị rất thân nhau, đi đâu cũng dắt nhau đi cùng. Hồi nhỏ tôi luôn đứngmột mình một phe, đành hanh, và luôn đối đầu với anh chị.

    Lên năm tuổi chị đã phải lo chuyện cơm nước. Lên mười tuổi chị đã phải theo mẹ ra đồng để đi làm ruộng.

    Chị lớn hơn chút nữa thì mẹ tôi lại bị bệnh nặng, nằm liệt hai năm. Bố phải ở bên chăm mẹ, tôi thì còn nhỏ, anh trai lại ngớ ngẩn. Chị trở thành người mẹ thứ hai trong gia đình. Mọi công việc đồng áng chị phải gánh tất. Năm đó chị mới học lớp chín. Chị một sáng đi học, một chiều đi làm đồng, cả hơn một mẫu ruộng đều trong tay chị.

    Năm tôi vào đại học thì chị đi lấy chồng, hồi đi lấy chồng, chị lấn cấn nhiều lắm. Chị cứ lo chị lấy chồng rồi, bố mẹ sẽ vất vả hơn, vì chị không thể toàn tâm toàn ý cùng bố mẹ lo cho tôi và anh trai, rồi còn khoản nợ rất lớn bố mẹ chưa trả được. Mẹ động viên mãi chị mới chịu, ngày chị cưới, chị khóc nhiều lắm.

    Chị cưới chồng mãi không chịu đẻ con, ai nói gì chị cũng làm lơ. Mãi khi mẹ tôi giục nhiều quá, chị mới khóc bảo mẹ: "Con không đẻ lúc này được, con đẻ con bây giờ thì con không thể cùng bố mẹ lo cho em Thắm và anh Quản được, chờ khi nào em học xong ra trường, em đi làm rồi con mới sinh con". Nghe tới đây mẹ ôm chị khóc rất nhiều, tôi cũng khóc.

    Tôi đã hiểu, gia đình tôi tuy rất nghèo khó nhưng thực sự là hạnh phúc thế nào, là trân quý thế nào. Mọi người luôn nghĩ về nhau để sống. Luôn đặt nhau ở trong tim, và ở trên trước, cho bất cứ một quyết định nào.

    Tôi nghĩ, tiền bạc có thể hôm nay chưa có thì mai ngày kia sẽ có. Nhưng yêu thương trong gia đình thì không bao giờ nên chậm trễ một giây, một phút nào hết.

    * * *
     
  8. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Nghèo không có gì đáng phải xấu hổ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gia đình tôi đã từng rất nghèo. Xung quanh làng trên xóm dưới, trong đó có cả anh em họ hàng, người ta từng miệt thị cái nghèo khó của gia đình tôi.

    Có nhiều người bảo, nghèo như nhà tôi thì tới bao giờ mới nở mày nở mặt được với thiên hạ. Bố đi làm phụ hồ, mẹ đi làm osin, anh trai thì ngớ ngẩn. Còn hai đứa congái nhìn đâu cũng chẳng thấy có tương lai.

    Thế nhưng từ nhỏ, bố mẹ luôn nói với hai chị em tôi: "Cuộc đời này chẳng ai nắm tay tới tối, gối đầu tới sáng được các con ạ. Sông có khúc, người có lúc. Đời bố mẹkhổ, anh trai các con thì bị bệnh. Nhà chỉ còn hai con, bố mẹ mong các con trưởng thành, để người đời không còn khinh khi nhà mình nữa. Nghèo không có gì phải xấu hổ, chỉ cần mình nghèo mà không hèn".

    Bố mẹ dạy chị em tôi trưởng thành từ những điều đơn giản nhất.

    Ví dụ, lúc chúng tôi còn nhỏ, dù anh trai ngớ ngẩn, nhận thức không tốt, nhưng chỉ cần mẹ nghe thấy chị em tôi nói một câu "mày tao" với anh thì mẹ sẽ nọc ra đánh một trận. Mẹ tôi luôn bảo trong gia đình phải có trên có dưới, anh ra anh, em ra em, anh có hâm hâm ngớ ngẩn thì cũng là anh, phải lễ phép với anh. Bố mẹ dạy chúng tôi, anh chị em trong một gia đình, như là máu thịt chân tay của nhau, phải thương yêu, đùm bọc nhau.

    Có lúc vỡ nợ, phải bán nhà, nhưng bố mẹ không quỵt của ai nửa đồng, dù họ chovay lãi cao đến cắt cổ nhưng đã vay là phải trả. Mẹ tôi bảo nghèo đã là nhục rồi, đừng để mất đi nốt cái tự trọng làm người.

    Chị em tôi lớn khôn lên trong sự dạy bảo ấy của bố mẹ. Rồi cùng nỗ lực rất nhiều cho cuộc sống.

    Chị gái tôi nói, chị không muốn để ai phải khinh khi nhà mình nữa. Tôi bảo, mình nỗ lực để cho cuộc sống mình tốt, rồi phụng dưỡng bố mẹ và anh được tốt. Còn người ta nói gì hay nghĩ gì về nhà mình thì mình cứ bở họ đi thôi. Bận lòng làm gì.

    Tôi ra trường. Mục tiêu lúc đó chẳng có gì ngoài việc trả hết hơn trăm triệu nợ nần cho bố mẹ. Tôi từng nghĩ cuộc đời tôi chỉ cần trả hết nợ cho bố mẹ là đã quá mãn nguyện rồi.

    Mấy năm tích cóp cũng trả xong. Lúc đó bố lại mắc bệnh, đi viện cấp cứu, mẹ contôi khóc cạn nước mắt khi thấy bố phải thở oxi, tôi chỉ biết chắp tay cầu xin đức Phật, may là bố qua khỏi.

    Sau đó tôi nghĩ mình phải tiết kiệm tiền để dành cho bố mẹ một khoản dưỡng già, phòng khi bệnh tật. Nghĩ rồi tôi cứ mải miết làm mọi thứ. Đến bây giờ có thể nỏi tôi đã làm được tất cả những điều đó.

    Có thể tôi là người may mắn. Nhưng quan trọng nhất là tôi thấy hạnh phúc với những mục tiêu của mình, bởi vì mọi mục tiêu của tôi, luôn chất chứa đầy tình yêu thương của gia đình.

    * * *
     
  9. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Yêu thương dịu êm nhất

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tình yêu nào trên đời này cùng đều có thể thay đổi, chỉ duy nhất một thứ yêu thương vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Đó là yêu thương của gia đình, của huyết thống, của khúc ruột trên khúc ruột dưới dành cho nhau.

    Yêu thương ấy tồn tại ngay khi chúng ta bắt đầu tượng hình cho đến khi chúng ta trở thành cát bụi để xong một kiếp người, yêu thương ấy vẫn còn mãi mà không hề phôi pha.

    Với tôi, yêu thương của gia đình, là những yêu thương dịu dàng và an yên nhất trong cuộc đời này. Là cho dù đi tới nơi đâu cũng luôn mong được trở về, sóng to gió lớn thế nào cũng chỉ có thể theo tôi về đến cửa mà thôi, chúng sẽ bất lực đứngngoài nhìn mà chẳng làm gì được tôi, bởi ở bên trong cánh của ấy tôi có giá đình. Cũng như khi nào mệt mỏi nhất, tôi muốn gối đầu lên những yêu thương của bố mẹ, của anh chị, rồi ngủ một giấc thật ngon, thật yên ổn, thảnh thơi.

    Tôi thấy mình giống như bông hoa đỏ rực rỡ được nở ra từ những yêu thương êm dịu mang tên "gia đình".
     
  10. Nguyễn Nguyễn Nothingspecialaboutme

    Bài viết:
    280
    Phần 3 - Rồi Ai Cũng Bận Sống Cuộc Đời Người Ta

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Rồi ai cũng bận sống cuộc đời người ta

    Đâu thể vui buồn cùng mình mãi.."

    * * *

    Yêu thương có vị đắng

    Trong tất cả những yêu thương thì có lẽ tôi sợ nhất là màu yêu thương của tình nhân. Vì tôi thấy đó là yêu thương mang nhiều nước mắt nhất, trong yêu thương của tình nhân bao giờ cũng đầy đủ cả đớn đau và hạnh phúc. Thậm chí hai thứ này thỉ lệ thuận với nhau. Khi hạnh phúc càng lớn thì tới lúc đớn đau cũng sẽ càng nhiều. Nhiều khi vì không muốn phải đau đớn, không muốn phải gánh lấy tổn thương quá nhiều, tôi dặn lòng mình hãy yêu đương thật hời hợt, thật nhạt nhòa thôi. Nhưng tôi lại thấy làm như vậy chẳng khác nào mình đang cố gắng đạp một cái xe mà chỉ có một bánh, nó thật lỡ cỡ và mệt mỏi. Suy cho cùng yêu đương của tình nhân xưa nay vốn vậy, chỉ có thể là hết mình để hạnh phúc với nó, rồi sẽ có lúc đớn đau mà lau nước mắt để tự bước qua những tổn thương. Và rằng chúng mình luôn cần nhiều lắm mạnh mẽ để ôm trọn một tình yêu như thế. Để có gan yêu thì có gan chịu, để hạnh phúc với nó được, thì cũng phải bước qua tổn thương mất mát được.

    * * *

    Tình yêu là thứ không bao giờ nên vội

    Khi chưa yêu:

    Đừng vội nói yêu một người chỉ vì những cảm xúc ào ạt thoáng qua.

    Đừng vội nhận lời yêu một người khi chưa hiểu gì về người ấy.

    Đừng vội tin một người khi chưa từng nhìn thấy những điều họ thực sự đã làm.

    Và khi đã yêu..

    Đừng vội nói lời chia tay chỉ vì vài phút bốc đồng nóng giận.

    Đừng vội kết tội nhau khi chưa kịp nghe lời giải thích.

    Đừng vội buông bỏ khi cả hai chưa cố gắng hết mình.

    * * *
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...