Nền văn học nước ta đã có từ lâu đời và trải qua hàng nghìn năm văn hiến với những tác phẩm mang tầm vóc tư tưởng lớn như Truyện Kiều của Nguyễn Du.. Nhưng bộ phận văn học đầu tiên xuất hiện không phải do một nhà văn hay một tác gia nổi tiếng nào đặt nền móng mà chính là nhân dân-những con người có đời sống tinh thần phong phú. Chính họ là những tác giả đầu tiên với bộ phận văn học dân gian, đặt nền móng cho văn học viết sau này và cho đến nay văn học dân gian vẫn là viên ngọc quý của nền văn học dân tộc và vẫn giữ nguyên giá trị đến tận các thế hệ mai sau. Trong nền văn học Việt Nam, ta có thể thấy có rất nhiều tên tuổi nhà văn với những phong cách, đề tài khác nhau làm phong phú cho vườn hoa văn học. Nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành nét văn học chính trong suốt hàng ngày lịch sử, ta không thể không nhắc đến một tác giả đó chính là nhân dân với văn học dân gian. Văn học dân gian xuất hiện từ khi con người bắt đầu có ý thức về cái đẹp, về cái thiện, về lẽ phải. Nó xuất hiện từ những ngày đầu của nền văn minh với các thần thoại về nguồn cội của con người. Khi các bộ lạc hình thành, các thế lực bắt đầu có mong muốn mở rộng lãnh thổ thì đồng thời các sử thi về các anh hùng như sử thi Ô-đi-xê.. xuất hiện. Con người con kể lại những truyền thuyết về những người có công với dân tộc. Truyền thuyết vừa mang tính đề cao, vừa phê phán. Sau đó lại có sự xuất hiện của truyện cổ tích với những nhân vật hư cấu, truyện ngụ ngôn, vè, truyện thơ, truyện cười. Hay cả những câu ca dao than thân, ca dao về nông nghiệp.. Văn học dân gian trở thành món ăn tinh thần cho người dân Việt Nam bao đời và cũng là nền tảng phát triển cho văn học viết sau này. Thứ nhất, những tác phẩm văn học dân gian là những tác phẩm ngôn từ truyền miệng. Văn học dân gian thường không có bản ghi chép, đa số được kể qua các thế hệ, qua các địa phương. Do tình "tam sao thất bản" của việc truyền miệng mà các tác phẩm văn học dân gian thường có các dị bản. Mỗi địa phương, khu vực khi truyền miệng thì sẽ có thêm thắt những chi tiết cho phù hợp với cuộc sống của người dân nơi đây ví như truyện cổ tích "Tấm cám" cũng có rất2 nhiều dị bản với những cái kết khác nhau. Thứ hai, trong văn học dân gian có tính tập thể. Trong khi các tác phẩm văn học viết thường là cá nhân sáng tác hoặc một văn đoàn, văn phái như Ngô gia văn phái thì văn học dân gian được sáng tác bởi tập thể quần chúng nhân dân. Từ đầu sẽ là một người khởi xướng, sau đó được lưu truyền, sửa chữa, bổ sung để phù hợp với hoàn cảnh, địa phương và từ đó tác phẩm trở thành tài sản của tập thể. Thứ ba, các tác phẩm văn học dân gian được kể, hát, kịch ở các họa động sinh hoạt cộng đồng. Sinh hoạt cộng đồng trở thành cái gốc để văn học dân gian phát triển và các sinh hoạt cũng trở thành đề tài trong văn học dân gian. Ta có thể dễ dàng bắt gặp các chi tiết trong các câu ca dao về kinh nghiệm trồng trọt của ông bà xưa hay các phong tục, tập quán trong các câu chuyện cổ tích. Văn học dân gian cũng mang lại những giá trị nhất định cho con người: Văn học dân gian chính là kho tri thức phong phú về các dân tộc. Từ lâu trong văn học dân gian ông cha ta đã biết lồng ghép những kinh nghiệm, quan niệm, phong tục tập quán trong các tác phẩm văn học dân gian. Đó là những đúc kết được qua các thế hệ không qua cuộc kiểm tra hàn lâm nào, đền giờ có thể một số quan niệm, phong tục, kinh nghiệm không còn chính xác nhưng đại đa số vẫn mang một giá trị tri thức to lớn như các câu dao về thiên nhiên, vũ trụ như "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng Ngày tháng mười chưa cười đã tối" Đã được chứng minh trên Cơ sở khoa học. Những tác phẩm như truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích.. đều mang một bài học về đạo làm người, về khát vọng chiến thắng cái ác của nhân dân. Những câu ca dao, truyện ngụ ngôn vẫn đã và đang được kể cho các thế hệ để giáo dục những đức tình, đạo lí, lẽ phải. Văn học dân gian cũng mang một giá trị thẩm mỹ nhất định, tạo nên bản sắc riêng cho văn học dân tộc. Nó là nền tảng cho các tác phẩm văn học viết về sau. Các yếu tố kì ảo, các câu ca dao, vần, vè, chèo vẫn được các tác giả thời gian sau sử dụng để đề cao tính dân tộc cũng như làm cho câu thơ, câu văn gần gũi hơn với đại chúng. Ta thể thấy được rằng văn học dân gian chính là bước đầu khẳng định nét riêng của văn dân tộc, là một bộ phận văn quan trọng không kém văn học viết, là viên ngọc quý trong hàng nghìn năm lịch sử và vẫn luôn giữ nét duyên dáng, hấp dẫn với những thế hệ độc giả sau này.