Bình luận về ý kiến sau: Văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Bả tửu vấn nguyệt, 1 Tháng mười 2023.

  1. Viết bài văn bình luận cho một nhận định văn học như thế nào có lẽ là câu hỏi chung của các bạn khi mới tiếp xúc với LLVH. Cách phân tích dẫn chứng sâu và dẫn chứng điểm như thế nào cho hợp lý? Vậy nên mình xin gửi đến các bạn bài viết mẫu khi bình luận một nhận định văn học.

    Hãy bình luận về ý kiến sau: "Văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới".

    Trong thời hiện đại, đã có rất nhiều người hoài nghi về giá trị của văn chương, rằng văn chương không còn nhiều tác dụng trong một thời đại mà internet lên ngôi. Nhưng có thật như vậy không trong khi văn học "là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới" - điều mà chưa chắc bất kỳ một phát minh khoa học tiên tiến hiện đại nào trên thế giới làm được.

    [​IMG]

    Văn học là một loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu để phản ánh đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm của người sáng tác. Văn học là một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời nhất tồn tại song hành cùng con người, nó đã ra đời từ thuở Homerơ, sử thi và rồi hứa hẹn sẽ đồng hành cùng con người cho đến ngày tận thế. Không chỉ vậy, văn học còn được khẳng định là "phương tách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới", tức là vị thế và chức năng của văn học đã được đề cao.

    Văn học là "phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới", đặc biệt là ranh giới do định kiến tạo ra. Sở dĩ văn học là "phương cách an toàn" bởi nó không cần người đọc phải trải nghiệm trực tiếp mới hiểu biết mà qua việc đọc tác phẩm, bạn đọc có thể hình dung, nhập thân vào hình tượng để "sống". Định kiến là những suy nghĩ từ lâu đã được mặc định, nó ăn sâu vào cách nghĩ, cách sống của con người. Để vượt qua định kiến, con người thường phải trả một cái giá rất lớn. Nhưng bạn đọc tìm đến văn học sẽ được vượt ra mọi lề thói và khuôn khổ bằng trí tưởng tượng, bằng tâm hồn. Văn học muôn đời đều là câu chuyện của sự tự do, những nhân vật của văn học theo cách này hay cách khác luôn là những con người "lệch chuẩn", chống phá định kiến. Ranh giới do định kiến tạo ra vô hình nhưng không phải ai cũng có can đảm bước qua nó, thế mà nàng Kiều của thế kỉ 18 đã "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đến tình tự với chàng Kim. Nói như Xuân Diệu thì bước chân "xăm xăm" ấy vẫn có thể làm giật mình các cô gái ở thế kỷ 20. Đó còn là câu chuyện về những người phụ nữ dám sống cho hạnh phúc của mình như Anna Karenina hay bà Bovary; là ông lão Santiago qua hành trình chinh phục con cá kiếm để khẳng định với dân làng mình không phải vận rủi. Cùng thời với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương - thiên tài kì nữ của nền văn học Việt Nam đã có những câu thơ phá phách, nổi loạn chống lại định kiến về người phụ nữ "không chồng mà chửa" :

    "Cả nể cho nên sự dở dang

    () Quản bao miệng thế lời chênh lệch

    Không có, nhưng mà có, mới ngoan".

    Xã hội phong kiến xưa bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ, cho rằng những người phụ nữ đã một lần lầm lỡ như thế là sự nhơ nhuốc đáng bị trừng phạt thế nên mới xuất hiện bi kịch của Xúy Vân, Thị Màu. Nhưng đến Hồ Xuân Hương, bằng tiếng nói đanh thép, bà khẳng định giá trị của những người phụ nữ "không chồng mà chửa" ấy. Có thể ngoài đời, những người phụ nữ như vậy không thể phản kháng lại xã hội (chính Xuân Hương hai lần lấy chồng đều cam chịu làm lẽ) nhưng ít nhất đã có văn chương nói thay điều gọ không dám nói, làm thay thứ họ không dám làm. Câu thơ "Không có, nhưng mà có, mới ngoan" trắc trở, là thứ thơ nổi loạn như chính nội dung của nó. Ngang ngược đấy thì sao nào, Xuân Hương mặc kệ, bà vẫn cứ ngang nhiên khẳng định sự "ngoan" của người phụ nữ "không chồng mà chửa" trước cuộc đời. Như thế, văn học đã bằng những câu thơ, lời văn đã đưa chúng ta vượt lên những ranh giới, dù chỉ trong tâm hồn, nhận thức nhưng ít nhất cũng tạo nên mầm mống cho những "nổi loạn" thật sự sau này.

    Không chỉ vậy, văn học là "phương cách an toàn nhất" để vượt qua những ranh giới về không gian và thời gian. Khoa học kỹ thuật đã phát triển nhưng chúng ta vẫn chưa có cách nào để du hành ngược lại trở về quá khứ, hay xuyên tới tương lai. Những phương tiện di chuyển hiện đại hàng đầu trên thế giới vẫn cần mất thời gian, tiền bạc và công sức để di chuyển từ một địa điểm này đến một địa điểm khác chứ không thể có cánh cửa thần kì của Doraemon giúp bạn làm điều đó. Nhưng bạn biết không, văn học có thể làm được. Đến với những trang văn chương, chúng ta có thể đi du lịch không cần hộ chiếu đến mọi miền đất trên thế giới, chúng ta có thể ngược về quá khứ để hiểu về cách sống của con người cổ đại qua những trang sử thi, chúng ta có thể mường tượng về tương lai qua những trang văn khoa học viễn tưởng. Ở một đất nước còn nhiều bạo lực như Afganistan, du lịch ở đó là một điều không tưởng đối với tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không biết gì về Afghanistan. Bởi tôi có văn chương, Tôi đã đọc những trang sách của Khalad Hosseini: "Người đua diều", "Ngàn mặt trời rực rỡ".. Tôi hiểu ở đất nước đấy vẫn còn những phận người khốn khổ, vẫn còn có sự phân biệt chủng tộc và đời sống của người phụ nữ ở đó không khác gì địa ngục. Đôi khi tôi cảm thấy Mariam sống mà khổ hơn chết bởi sự hành hạ của người chồng và hơn hết là những định kiến: "Giống như chiếc kim la bàn đang chỉ về hướng bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn chỉ về phía người phụ nữ." Nhưng Afghanistan không chỉ của bạo lực, đói nghèo và tuyệt vọng, ở một vùng đất như thế vẫn còn "ngàn mặt trời rực rỡ", vẫn còn hi vọng, niềm tin và tình yêu: Đó là tình bạn cảm động của hai cậu bé trong "Người đua diều", là sự giúp đỡ lẫn nhau của hai người phụ nữ khốn khổ Laila và Mariam.. Từ đó, ta thấy rằng văn học không chỉ có quyền năng giúp tao vượt qua ranh giới của không gian và thời gian mà còn cho ta nhìn nhận nhiều mặt hơn về mọi miền trên thế giới, thậm chí là ở những nơi ta chưa từng đặt chân đến.

    Tuy nhiên không vì thế mà ta thần thánh hóa vai trò của văn chương. Có một sự thật cần được công nhận khách quan là hiện nay, văn chương đang dần mất ưu thế hơn so với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc hay điện ảnh dù nó là "phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới". Muốn vậy, văn chương cần có những cải biên, thay đổi để đáp ứng những nhu cầu của thời đại.

    Dù hiện nay vẫn còn đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về văn chương nghệ thuật, nhưng bạn thấy không, văn chương vẫn tồn tại đấy thôi, nó vẫn đang âm thầm thực hiện sứ mệnh của mình, không rầm rộ phô trương nhưng vẫn có thể lâu dài vĩnh cửu.
     
    LieuDuongVân Yên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...