1. Giá trị hiện thực Trong truyện ngắn "Trăng sáng", Nam Cao đã từng viết: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Quả thực, văn chương luôn bắt đầu từ điểm xuất phát là cuộc đời. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chẳng thể nào tồn tại mãi mếu nó xa rời thực tế. Hiện thực cuộc sống được người nghệ sĩ lựa chọn đưa vào trong tác phẩm qua cái nhìn, quan điểm và ngòi bút của mình, đem đến với bạn đọc, để từ đó mở ra bức tranh đời rộng lớn. Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (hoặc qua đoạn trích trên - đoạn vừa phân tích), ta sẽ bắt gặp ở đó giá trị hiện thực sâu sắc, bức tranh đời đớn đau của những người dân miền núi. Truyện không chỉ cho ta thấy sự tàn bạo độc ác trong chế độ cai trị của bọn chúa đất miền núi qua hình ảnh cha con thống lí Pá Tra, A Sử mà đám tay sai của chúng mà còn tái hiện lại cuộc sống thống khổ bị bóc lột của người lao động vùng cao Tây Bắc dưới sức đàn áp của cường quyền và thần quyền. Giá trị hiện thực khiến cho tác phẩm trở nên sâu sắc hơn, gần đời hơn. 2. Giá trị nhân đạo "Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy", T. Sekhop đã từng khẳng định như vậy. Nhà văn, bên cạnh việc phải phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống và con người, còn cần phải đưa vào trong tác phẩm của mình, tình cảm, suy nghĩ và quan điểm của mình về cuộc đời, về con người. Đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm. Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (hoặc qua đoạn trích trên – đoạn vừa phân tích), ta sẽ thấy được ở đó giá trị nhân văn, tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Điều đó được thể qua lòng cảm thương sâu sắc của Tô Hoài dành cho số phận những người dân bị áp bức. Từ thương cảm, nhà văn đã lên tiếng tố cáo chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu đã đẩy con người vào tình cảnh khốn khổ (cúng trình ma, bắt vợ, xử kiện phạt Dạ, cho vay nặng lãi). Đồng thời, nhà văn còn ca ngợi nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất của những con người miền núi. Không chấp nhận để nhân vật rơi vào ngõ cụt, nhà văn còn chỉ ra cho họ con đường mới - con đường tìm đến cách mạng để tự giải phóng cuộc đời. Giá trị nhân đạo sâu sắc ấy đã mang đến cho người đọc những ấn tượng đậm nét và mang đến sức sống lâu bền cho tác phẩm.