Bạc Đầu Gọi Mãi Tên Nhau Tác giả: Tiên Nhi Thể loại: Ngôn tình Văn án: Năm anh năm tuổi, mẹ anh nghe lời thầy bói, mua cô về làm vợ của anh để giúp anh khỏi bệnh. Cô hơn anh bảy tuổi, cuộc sống khó nghèo giúp cô trưởng thành sớm nên chăm sóc anh rất chu đáo. Khi gia đình anh xảy ra biến cố, anh một mực đòi theo cô, không về ở với họ hàng. Không đành lòng thấy anh khóc, cô mang anh theo, tảo tần nuôi anh khôn lớn, ăn học thành tài. Anh không nói yêu thương cô, chỉ bảo cô đợi mình trở về. Thế nhưng, ngày anh lái chiếc xe sang trọng về miền quê nghèo đón cô thì biết tin cô đã theo người về nơi viễn xứ. [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Tiên Nhi Đăng ký đọc truyện: Đăng Ký
Chương 1: Chồng Nhỏ - 1 Bấm để xem Tôi gạt nước mắt nhìn theo chiếc xe đò cũ mèm chở cậu mợ khuất dần cuối con đường làng đất đỏ. Những cơn gió mang theo hơi nóng còn sót lại của chiều hè tạt vào người nhưng không khiến tôi cảm thấy ấm áp hơn, chỉ thấy lạnh giá. Giờ đây, tôi chỉ còn một mình, bên cạnh không còn một người thân ruột thịt. - Đi thôi con, bà Hai đang chờ con đó, nhanh. – Dì Bé vừa nói vừa nắm tay tôi dẫn đi. Tôi theo chân dì băng qua những ruộng lúa bạt ngàn rồi tiến về ngôi nhà ba gian lớn nhất trong làng. Nghe đâu mấy cái cột lớn của nhà đó bán đi là đủ cho người nghèo như chúng tôi mua được một miếng đất, làm được một cái nhà tranh. Qua hết khoảng sân rộng, chúng tôi dừng lại tại gian nhà chính. Bên trong là một người phụ nữ nhìn rất sang trọng, rất phúc hậu đang ngồi phe phẩy chiếc quạt. Tôi biết đó là bà Hai, người đã đến tận nhà cậu mợ để xin tôi về làm cô dâu nuôi từ bé. Nói là xin nhưng thật ra số nợ khổng lồ của gia đình cậu mợ đã được xóa sạch, còn được cho thêm một ít vốn làm ăn. Tất cả cũng bởi vì bà Hai coi thầy, biết tôi có số mạng hợp với con trai bà, tin rằng đưa tôi về sẽ giúp cho con trai bà hết bệnh. - Chào bà Hai đi Thắm. – Dì Bé kéo tôi lên phía trước, nói khẽ. - Dạ, con chào bà Hai. – Tôi vội cúi đầu, làm theo lời dì bảo. - Ừ, ngoan lắm, vô đây ngồi đi con. Thấy bà Hai ân cần đưa tay vẫy gọi, tôi cũng bớt sợ, ngoan ngoãn tiến đến gần bà và ngồi xuống. Bà nắm lấy đôi bàn tay run rẩy của tôi, vỗ về như trấn an. Chẳng hiểu sao lúc này, tôi lại cảm thấy rất ấm áp. Ba mẹ tôi qua đời khi tôi còn đỏ hỏn nên chưa lần cảm nhận được chút hơi ấm tình thân, có lẽ nào nó cũng giống như thế này không? Tuy cậu mợ là người thân, là người đã nuôi nấng dạy dỗ tôi đến hôm nay nhưng họ chưa bao giờ có những hành động thân thiết với tôi như thế này. Thời gian của họ là dành để lo cơm, áo, gạo, tiền. - Sau này kêu bà Hai là mẹ nha. Kêu giống như Tuấn Khải vậy đó. – Bà Hai vuốt tóc tôi, dặn dò. - Dạ. Mẹ. - Ngoan. Giờ thì đi theo mẹ. Tôi theo chân bà vào trong một căn phòng. Ánh mắt tôi dừng lại trên giường, nơi có cậu bé đang nằm cuộn tròn đắp chăn. Tôi đoán đó là Tuấn Khải, đứa con trai duy nhất của bà Hai. Tôi cũng không biết cậu bị bệnh gì, nghe đâu chữa bên Tây y không khỏi lại qua Đông y rồi lại nhờ đến thầy bà cúng kiếng. Cuối cùng, nhờ lời ông thầy ấy phán mà bây giờ tôi đang đứng đây. - Công việc của con là chăm sóc cho Tuấn Khải thôi, cho nó ăn, uống, đem nó đi phơi nắng, vệ sinh cá nhân cho nó và xoa bóp tay chân cho nó đỡ mỏi. - Dạ, con sẽ nhớ ạ. Chờ khi bà Hai đã đi ra ngoài, tôi mới từ từ tiến lại gần Tuấn Khải và ngồi xuống bên cạnh. Ốm quá, cậu bé này còn ốm hơn cả tôi, da xanh hơn da tôi và tôi cảm thấy cậu ấy còn tội nghiệp hơn cả mình. Nhác thấy cậu hơi cựa quậy, tôi theo phản xạ đặt tay lên bụng cậu và vỗ nhè nhẹ như cách tôi vẫn thường dỗ mấy đứa con của cậu khi chúng còn bé. Có điều, Tuấn Khải chẳng ngủ tiếp mà mở to mắt nhìn tôi. Có lẽ, đôi mắt chính là điểm sáng duy nhất trên cái thân thể ốm o gầy gò kia. - Chị là ai? Dì Bé đâu? - À, chị là.. là người hầu mới của em. Chị tên Hồng Thắm. Em cứ gọi chị là chị Thắm. – Tôi vội vàng đáp lời. - Chị Thắm, em đói. Trái tim tôi tan chảy vì ánh mắt và câu nói như đang xin ăn ấy. Thật là đáng yêu. Tuấn Khải không giống mấy đứa trẻ con nhà giàu trong tưởng tượng của tôi, cậu có vẻ rất ngoan và lễ phép. Thật tội nghiệp khi một đứa trẻ tốt như vậy lại bị bệnh triền miên. - Đợi chị chút. Nói xong, tôi vụt chạy ra ngoài. Đang lóng ngóng thì vớ được dì Bé. Nghe tôi bảo cậu chủ đói, dì liền chạy xuống nhà bếp và một loáng sau, bát cháo nóng hổi và ly sữa đã ở trên tay tôi. Tôi cẩn thận đặt khay thức ăn xuống bàn và đỡ Tuấn Khải lên. Cậu nhẹ tênh, ngỡ gió thổi bay được. Cũng may là tôi có kinh nghiệm chăm mấy đứa em con của cậu nên những việc thế này không làm khó được tôi. - Nóng không? – Tôi dịu giọng hỏi khi đút thìa cháo đầu tiên vào miệng cậu. - Không ạ, vừa ăn. Cứ thế, tôi đút, cậu ăn, chẳng mấy chốc mà tô cháo hết sạch, ly sữa cũng chỉ còn lại một ít. - Em muốn ra ngoài chơi. – Tuấn Khải kéo tay tôi khi thấy tôi toan rời đi. - Hả? À, để chị hỏi bà Hai xem sao, nếu bà đồng ý thì chị bế em ra nhé.
Chương 2: Chồng Nhỏ - 2 Bấm để xem Cậu cười mệt mỏi, gật gật đầu. Thật ra, người không bệnh mà nằm miết cũng thành bệnh, có lẽ khi ra ngoài, cậu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, bệnh sẽ mau khỏi hơn. Nghĩ vậy nên tôi đánh liều đến gặp bà Hai và xin bà cho tôi đưa cậu ra sân. - Thầy thuốc nói không nên cho nó ra ngoài buổi chiều, lỡ gió nhập vào thì nguy lắm. – Bà lắc đầu từ chối. - Cho cậu chủ mặc áo ấm và đội mũ len là được ạ. Con nghĩ có khi được làm điều cậu thích thì cậu sẽ mau hết bệnh. – Tôi lí nhí ý kiến. - Vậy cũng được, dù sao thì cũng đón con về được đây rồi. Con lấy cái áo dày nhất mặc cho nó nhé. Với lại đừng gọi nó là cậu chủ, tương lai nó là chồng con đấy. Tuy nó nhỏ hơn con tận bảy tuổi nhưng nó sẽ là chồng con. Gọi Tuấn Khải thôi nhé. Xưng hô thì tạm thời là chị em đi, khi nó trưởng thành thì đổi lại là anh em. Tôi gật đầu rồi bước nhanh đến phòng Tuấn Khải, cảm giác mặt mình nóng ran lên. Trời ạ, cứ nghĩ tới việc cậu nhóc kia là chồng tương lai của mình, tôi cảm thấy thật xấu hổ. Khi biết mình sẽ được ra ngoài, Tuấn Khải vui thấy rõ, cậu ngoan ngoãn giang tay cho tôi mặc áo và ngồi im như tượng để tôi dễ dàng đội cái mũ len vào đầu cậu. Xong xuôi, tôi bế cậu ra ngoài, cho ngồi trên ghế đá, nơi vẫn còn vài tia nắng chiều hắt tới, kèm theo gió ấm ấm, lành lạnh. Tôi nhớ cậu mợ rồi, nhớ những đứa em nữa. Ngày nào cũng có thể nhìn thấy nhau nhưng từ nay trở đi, tôi chỉ có thể tưởng tưởng ra gương mặt của họ mà thôi. Cậu mợ bảo vùng đất này không hợp với gia đình họ, làm ăn ngày càng thất bát, nợ nần chất chồng nên mới đi đến nơi khác, mong rằng với số tiền có được từ việc gả tôi đi sẽ giúp cuộc sống của họ bớt vất vả. Khoảnh khắc mặt trời tắt hẳn nắng, tôi cũng bế Tuấn Khải vào nhà, lấy nước ấm tắm cho cậu. Cậu quá gầy, xương sườn đếm được, cứ như mấy đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nặng. Tôi phải thao tác thật nhẹ nhàng, sợ làm cậu bị đau. Tối đến, tôi ngủ trên chiếc giường nhỏ kê sát vách cạnh giường của Tuấn Khải. Lúc trước là dì Bé nằm ở đây, có khi là bà Hai. Căn phòng kín kẽ, không có gió lùa vào như nhà cậu mợ, không đắp chăn cũng không cảm thấy lạnh nhưng cảm giác trống trải, hoang hoải khiến tôi khó mà nhắm mắt, cứ thao thức suốt đêm. Khi ánh mặt trời buổi bình minh còn chưa ló dạng, tôi đã thức dậy, đánh răng rửa mặt và lấy chổi quét sân. Nhà Tuấn Khải nuôi tận năm người làm và bà Hai không yêu cầu tôi làm những việc này nhưng vì Tuấn Khải chưa dậy mà tôi đứng không thì buồn tay buồn chân nên xin được phụ giúp. Mãi tận tám giờ, cậu ấm kia mới thức, tôi rửa mặt cho cậu, chờ cậu ăn sáng xong rồi ôm cậu ra ghế đá phơi nắng. Tuấn Khải nằm úp trên chân tôi, phơi lưng như lời thầy thuốc dặn. Tôi thuận tay xoa xoa tấm lưng gầy của cậu. Có vẻ cậu thích nên mắt cứ lim dim như sắp ngủ tiếp. - Được rồi, phơi phía trước nào. – Tôi lật ngửa cậu ra, kéo lại vạt áo cho thẳng thớm. - Chị nói dối. - Hả? Là sao? - Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi cu cậu bảo tôi nói dối. - Mẹ bảo chị là vợ em, không phải người hầu. Tôi cứng lưỡi, chẳng còn lời nào bào chữa. Nhưng sao bà Hai lại nói những lời này với trẻ con vậy chứ? Tuấn Khải làm sao mà hiểu được. Tôi nhẩm tính khi cậu trưởng thành thì tôi đã sắp bằng tuổi bà thím hàng xóm rồi. Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, còn tôi hơn cậu tận bảy tuổi, nếu không phải vì chữa bệnh cho cậu, mẹ cậu cũng không rước tôi về đây đâu. Có lẽ khi cậu trưởng thành khỏe mạnh, tôi sẽ được bà Hai cho phép rời đi. - Em biết vợ là gì không? – Tôi lấy ngón tay vuốt nhẹ má cậu, hỏi nhỏ. - Mẹ nói vợ là người sẽ sống với em tới già. Sẽ chăm sóc cho em kỹ hơn mẹ và thương em hơn mẹ. – Mắt Tuấn Khải tròn xoe, cái miệng cũng tròn xoe khi nói. Tôi gật đầu rồi bế Tuấn Khải vào nhà vì đã đến giờ uống thuốc. Thuốc sắc rất đắng nhưng cậu uống ngon lành, chỉ hơi nhăn mặt một chút. Tôi cũng mong lời ông thầy bói nói là sự thật, mong rằng sự xuất hiện của tôi bên cạnh Tuấn Khải sẽ giúp cậu mau chóng hết bệnh. - Em uống thuốc giỏi quá, đắng không? – Tôi bóc viên kẹo bỏ vào miệng cậu và hỏi. - Dạ đắng nhưng em sợ chết nên phải cố uống. Sống mũi tôi cay xè, khóe mắt cũng cay. Có những đứa trẻ quá hiểu chuyện khiến người khác đau lòng. - Em sẽ nhanh chóng khỏe lại thôi. Tuấn Khải sẽ lớn lên thật bình an và trở thành một chàng trai giỏi nhất. – Tôi ôm cậu vào lòng và vỗ về, an ủi.
Chương 3: Tháng Ngày Bình Yên - 1 Bấm để xem Tôi không biết là do số mạng của tôi hợp với Tuấn Khải như lời ông thầy bói nói hay vì lòng thành cầu trời khấn phật của bà Hai và cả của tôi mà cậu nhóc ốm o, bệnh tật ngày nào đã dần khỏe mạnh và mập mạp theo ngày tháng. Nhìn cậu bây giờ rất đáng yêu, da trắng, mũm mĩm và sạch sẽ. Đã cuối hè và Tuấn Khải cũng vừa tròn sáu tuổi, đủ tuổi đến trường. Cậu rất vui khi nghe nói mình sẽ được đi học và gặp gỡ các bạn cùng trang lứa, tối ngày bám theo tôi, hỏi những chuyện xoay quanh vấn đề học tập. Khổ nỗi, tôi có được đi học ngày nào đâu mà biết. Cơm bỏ vào miệng còn bữa có bữa không, tiền đâu, thời gian đâu mà đi học. Tôi chỉ có thể nói cho cậu biết rằng ở trường có rất nhiều bạn bè bằng tuổi cậu và không khí ở đó rất nhộn nhịp. Tôi chỉ có thể nói những điều mà mình nhìn thấy khi đi vội ngang qua cổng trường tiểu học. - Rồi chị có đi học với em không? – Tuấn Khải ngồi xổm xuống, chạm nhẹ đầu ngón tay vào chồng chén tôi đang rửa và hỏi. - Không, chị lớn rồi, làm việc chứ không có học. – Tôi đáp. - Cô giáo có hiền như chị không? Hay là cô dữ như bà Tám? – Cậu thu tay về, phụng phịu hỏi. - Cô giáo hiền lắm, nhưng em phải ngoan, nghe lời cô, học chăm chỉ và đừng đánh nhau với bạn. – Tôi ngừng tay, nhìn thẳng vào đôi mắt to tròn và nói. Tuấn Khải cười vui vẻ, đứng phắt dậy, nhảy vòng ra sau lưng tôi rồi nằm lên, hai tay ôm lấy cổ tôi, miệng khe khẽ hát mấy câu trong bài hát mà tôi vẫn thường hát ru cho cậu ngủ. Cái cậu nhóc này cứ bám tôi như keo, lúc nào cũng quấn quanh chân, đi đâu cũng đòi đi theo. Tuy chỉ một năm ngắn ngủi cận kề chăm sóc nhưng tôi đã có tình cảm với cậu, nó như tình cảm mà tôi dành cho mấy đứa con của cậu mợ. Mà không, hình như tôi thương Tuấn Khải nhiều hơn. Gọi là tình chị em thì đúng nhất. Tối đến, bà Hai, tôi và dì Bé xúm lại, chuẩn bị sách vở, bút thước cho Tuấn Khải. Vốn dĩ bà Hai muốn đợi cho cậu bảy tuổi, khi chắc chắn rằng cậu đã hoàn toàn khỏe mạnh thì mới cho cậu đến trường nhưng vì tôi và dì Bé xin xỏ suốt nên bà đã đồng ý vào phút cuối. Kết quả là ngày mai tựu trường thì hôm nay anh Bảo mới đi lo thủ tục nhập học cho cậu và dì Bé mới bắt xe đi xuống huyện mua cho cậu bộ sách lớp một, vở và các dụng cụ học tập. Dì Bé bảo đi học trễ một năm thì uổng mất một năm. Còn tôi, đơn giản là muốn Tuấn Khải đi học để tinh thần cậu ấy được tốt hơn, quanh quẩn ở nhà hoài nên tôi cảm thấy cậu không mấy lanh lẹ, thi thoảng thấy cậu buồn buồn, cứ nhìn ra xa xa. Trong khi dì Bé và bà Hai ghi nhãn tên trên sách và vở thì tôi phụ trách bọc chúng vào bìa kiếng và bấm lại. Tuấn Khải vẫn theo thói quen cũ, mỗi lần tôi ngồi làm việc là cậu lại nằm sấp trên lưng tôi, ngắm nghía, gò má phúng phính mềm mại thi thoảng lại cọ vào má tôi. Con nít thường mến người đối xử tốt và dịu dàng với chúng, điều này cũng dễ hiểu. - Mai vào lớp một rồi, thành thanh niên rồi, cho nên từ hôm nay tập ngủ một mình nha con. – Bà Hai ngừng tay, ngẩng đầu lên, nghiêm giọng nói. - Không chịu đâu. – Tuấn Khải lắc đầu, tay siết chặt lấy cổ tôi. - Đàn ông con trai nên tập tính tự lập, can đảm lên. Lúc trước tại cháu bệnh nên mới phải có người túc trực, giờ khỏe rồi, phải mạnh mẽ lên chứ. – Dì Bé tiếp lời. - Không chịu đâu. Cậu lắc đầu mạnh hơn, dụi vào cổ tôi khiến tôi suýt chút ngã nhào ra phía trước, phải dùng tay chống lại. Cuối cùng, tôi phải dỗ ngọt, bảo rằng ngủ một mình sẽ được các nàng tiên ghé xuống ban phép lành để không còn bị bệnh trở lại thì cậu mới đồng ý nhưng cái miệng nhỏ xinh màu son đỏ kia vẫn còn mếu máo, ra chiều ấm ức lắm. - Nhưng chị Thắm phải hát ru em ngủ rồi mới được đi. - Được, em ngủ rồi chị mới đi. - Tôi đành thỏa hiệp với cậu nhóc đáng yêu này. Bà Hai từng nói với tôi rằng Tuấn Khải quá yếu đuối. Lúc trước vì cậu bệnh nên bà chỉ mong cậu khỏi bệnh, sống được là mừng rồi. Thế nhưng, bây giờ, bà hiểu mình ngày càng lớn tuổi, sức khỏe không mấy tốt, chẳng thể đồng hành cùng cậu dài lâu, nếu cậu không thể mạnh mẽ, e khó mà sống được với đời. Vậy nên, bà muốn tập cho cậu tính tự lập từ bây giờ. Mọi việc xong xuôi, tôi giữ lời hứa, đưa Tuấn Khải vào phòng và hát ru cho cậu nghe. Chắc có lẽ hôm nay cậu không chịu ngủ trưa nên tôi chỉ hát đâu ba bài thì cậu đã nhắm tịt mắt, thở đều đều. Đắp chăn, dém mùn cho cậu xong, tôi rón rén đến căn phòng dành cho mình. Giường ở đây to hơn chiếc giường tôi đã nằm trong một năm qua, cửa sổ cũng lớn hơn. Từ góc độ này, tôi có thể dễ dàng ngắm vầng trăng treo lơ lửng trên đầu ngọn tre cao phía sau vườn.
Chương 4: Tháng Ngày Bình Yên - 2 Bấm để xem Qua một đêm ngon giấc, tôi thức dậy khi đồng hồ chỉ mới điểm năm giờ sáng. Quét sân xong thì vừa đúng sáu giờ. Cả nhà xúm xít vây quanh Tuấn Khải, cho cậu ăn, thay đồ, chải tóc. Đường từ nhà đến trường không quá xa nhưng cũng chẳng được gọi là gần, đi bộ cũng mất gần mười phút. Tôi bế Tuấn Khải đặt lên yên sau xe đạp rồi cũng leo lên ngồi chung với cậu cho anh Bảo đèo đi. Tuy mang thân phận như một người ở đợ nhưng nghe đâu anh Bảo cũng học hết lớp năm trường làng, không đến nỗi một chữ cắn làm đôi không biết như tôi. - Nhìn vậy thôi chứ nhanh lắm, thoắt cái là Tuấn Khải sẽ lớn rồi ra huyện học. Tôi gật đầu, không đáp, mắt chăm chú nhìn vào khoảng sân trường. Tiếng trống khai mạc năm học mới đánh động lòng tôi, cho tôi một cảm giác nôn nao khó tả. Đến tận gần trưa, lễ khai giảng kết thúc và sau khi nhận lớp xong, Tuấn Khải chạy ào ra cổng trường như bao đứa trẻ khác. Là con trai nhà giàu nhất làng nên trông cậu nổi bật hơn hẳn giữa đám trẻ con nhà nông chân lấm tay bùn. Ngay khi tôi vừa cúi xuống, cậu liền sà vào lòng tôi, miệng cười toe toét, líu lo kể chuyện. Cứ thế, sáng sáng tôi phụ trách đưa cậu đi học, trưa lại dắt cậu về. Cả hai đi bộ vì tôi không biết chạy xe đạp dù đã cố gắng tập mà anh Bảo thì còn bận việc đồng áng. Hơn nữa, bà Hai muốn Tuấn Khải đi bộ cho cứng chân, cứng tay chứ trông cậu èo uột quá. Hôm nay, cũng như bao ngày, tôi đến cổng trường chờ cậu tan học. Ánh nắng trưa gay gắt đổ xuống vùng quê nghèo lam lũ. Ngôi trường này là nơi dệt ước mơ không chỉ của những cô, cậu học trò nghèo mà còn là nơi dệt cả ước mơ của ba mẹ họ. Ai cũng mong con cái mình biết chữ, mai này có việc làm khác nhẹ tay nhẹ chân, không còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mau thoát khỏi kiếp nghèo cơ cực. Ước mơ của tôi là gì nhỉ? Tôi gần như chẳng có ước mơ. Lúc trước, tôi chỉ mong có cơm lấp cho đầy bụng, mong cho cậu mợ đừng hục hặc cãi vã những khi cạn tiền, nợ chồng nợ, mong cho mấy đứa con của cậu đừng bệnh tật. Còn bây giờ, ước mơ của tôi hoàn toàn trống rỗng. - Chị Thắm. Tiếng gọi non nớt kéo tôi ra khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn. Tôi vội cúi xuống, ôm Tuấn Khải vào lòng. Thật buồn cười khi mỗi ngày cậu đều bảo rằng rất nhớ tôi, đòi tôi vào lớp học cùng. - Hôm nay em được mười điểm chính tả. Cậu ríu rít khoe rồi tháo cặp, lấy vở ra cho tôi xem. Những con chữ tròn tròn, mập mập đáng yêu hiện ra trước mắt tôi và điểm mười đỏ chót khiến tôi bất giác tự hào về cậu biết bao. Tôi vốn ngu dốt nên việc dạy cậu thêm ở nhà và kiểm tra bài vở đều do bà Hai phụ trách. Thi thoảng đứng kế bên, nhìn cậu tập viết mà tôi ngưỡng mộ lắm, cảm giác như là một thằng bé sáu tuổi giỏi giang hơn một cô gái mười ba tuổi. Cậu bệnh suốt, thành thử không học mầm non như mấy đứa trẻ khác, chỉ được bà Hai dạy viết chữ, đếm số ở nhà thôi. - Khải giỏi quá. Viết đẹp nữa, mẹ Khải sẽ vui lắm cho mà xem. – Tôi vỗ về nhè nhẹ vào lưng cậu, khen ngợi. - Chị Thắm có vui không? - Có chứ. Đi, chị mua cho Khải cây cà rem nha, coi như là thưởng. Mắt Tuấn Khải sáng như sao, gật đầu lia lịa. Tôi cầm lấy cặp rồi dẫn cậu đến quán nhỏ gần đó, mua cho cây cà rem. Cậu ăn ngon lành còn tôi tranh thủ xem qua một lượt sách vở dù rằng chẳng hiểu gì ngoài mấy con số đơn giản. Khi nghe lành lạnh nơi cánh tay, tôi giật mình quay sang thì thấy cậu đã ăn hết kem từ bao giờ, cái miệng chúm chím còn lạnh ngắt đang cọ vào cánh tay tôi, làn môi đỏ càng thêm đỏ. Để tôi dự đoán nhé, có lẽ khi trở thành một chàng thanh niên, cậu ấy sẽ rất đẹp trai. - Ăn kem nữa. – Tuấn Khải vòi vĩnh. - Không được, ăn nhiều sẽ bị đau bụng. - Không chịu đâu. Trời ạ, nếu biết trước cậu ta sẽ mè nheo, nhõng nhẽo thế này, tôi tuyệt đối không mua cho cậu ấy ăn đâu. Cơ mà tôi không nỡ từ chối cái mặt đáng yêu của cậu. Cuối cùng, tôi mua cho cậu ấy thêm một cây nữa, đợi cậu ăn xong rồi dắt về. Hai cái bóng một dài một ngắn đổ trên con đường vàng sắc mật ong, những ruộng lúa dập dìu trong gió tạo nên một bức tranh thôn quê bình dị. Thế nhưng, ai mà ngờ giữa chốn bình yên này lại là nơi trú ngụ của những mảnh đời giông bão, cơ cực, trong đó có tôi. Trước khi đến đây, gia đình cậu mợ đã đem tôi lưu lạc đến rất nhiều nơi, mỗi khi vỡ nợ lại bồng bế nhau bỏ trốn trong đêm. Nghĩ lại khoảng thời gian ấy, tôi vẫn ám ảnh khôn nguôi.
Chương 5: Gia Đình Không Hoàn Hảo - 1 Bấm để xem Hôm nay là cuối tuần, Tuấn Khải không phải đến trường và dĩ nhiên, cậu viết bài xong thì cứ quấn lấy chân tôi, lon ton chạy theo từ nhà trước ra nhà sau như cái đuôi nhỏ. Ừ thì cũng đáng yêu đấy nhưng cũng phiền lắm cơ. - Cho em một miếng đi. – Tuấn Khải chỉ vào rổ khoai lang tôi đang rửa và xin xỏ. - Còn sống mà, để chị luộc rồi ăn. – Tôi phì cười, đáp. - Khoai luộc ngon hơn sao? - Ừ, khoai nướng thì còn ngon hơn nữa nhưng mẹ em không cho nướng khoai đâu. Tôi lấy nước sạch dội lên rổ khoai lần nữa rồi đặt chúng vào nồi. Cũng chẳng biết bà Hai nghe ai nói mà tin rằng nếu nướng khoai trong nhà thì sẽ khiến gia đình sa sút, nghèo đói. Tôi thích ăn khoai nướng hơn, bùi và ngọt lắm. Hồi còn sống với cậu mợ, mỗi khi có được mấy củ khoai, chị em chúng tôi sẽ vùi ngay vào tro nóng, lúc lấy ra ăn vẫn còn chỗ sống, nhai cứ sực sực nhưng mà ngon cực. Khi tôi vừa vớt khoai chín ra rổ thì bỗng nghe có tiếng chó sủa râm ran. Tôi tò mò nên nắm tay Tuấn Khải dắt lên nhà trên xem sao. Chúng tôi đứng nép vào cây cột và nhìn người đàn ông phong độ đang ngồi nói chuyện với bà Hai. Sau khi nghe loáng thoáng cuộc trò chuyện của họ thì tôi cũng đã nhận ra ông ta chính là ba của Tuấn Khải. Từ ngày tôi mang mác con dâu vào nhà nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy ông. Có lẽ Tuấn Khải giống ông nhiều, các đường nét trên khuôn mặt cậu như tạc từ ông mà ra. - Đất đai còn có nhiêu đâu, ông nhắm làm ăn không khá được thì về đi, bán hết rồi mai mốt lấy gì lo cho thằng Khải? – Giọng bà Hai đầy bất lực cùng tủi thân. - Đàn bà biết gì mà nói. Đất cát cũng do một tay tôi làm nên, tôi có quyền, hiểu chưa? Tôi có bán hết thì bà cũng không có quyền nói. Còn thằng Khải, tự tui biết tính toán, còn nhỏ xíu mà lo cho xa. Mau vô lấy mấy cái sổ đỏ đưa đây. Ông ta rít một hơi thuốc dài rồi tiện tay ném đầu lọc ra sân. Chút khói mờ từ đó lảng vảng bay lên không trung. Tôi bỗng cảm giác chân mình đau đau, nhìn xuống thì thấy Tuấn Khải đang úp mặt vào đó, hai tay cậu cấu chặt lấy đùi tôi. Hình như tôi đã quên cắt móng tay cho cậu ấy. Cấu đau thật đấy. Sau hồi lâu hậm hực, bà Hai cũng đi vào phòng, lát sau bà trở ra với hai cuốn sổ đỏ trên tay. Tôi gần như nín thở, ngồi xổm xuống, ôm chặt Tuấn Khải vào lòng. Mấy anh, mấy chị người làm cũng chẳng ai dám bén mảng lên nhà trên, cứ cắm cúi làm việc ở mé sân và sau bếp. - Ông cầm lấy rồi đi cho khuất mắt tôi. Ông nói ông làm ăn lớn nhưng thật chất là mang của đi cung phụng con đĩ kia, ông đừng tưởng là tôi không biết. – Bà Hai ném hai cái sổ đỏ xuống bàn, giọng bà trở nên run rẩy. - Bà nói cái gì vậy. Đàn ông xa vợ thì cũng cần có chỗ giải tỏa nhu cầu chứ. Không lẽ bà muốn tôi đi với nhiều người, lây bệnh sao? - Ông ta cười cười, nhặt hai cuốn sổ lên, cầm gọn trong tay. Tôi cứ tưởng ông ấy sẽ đi khi đã lấy được thứ ông muốn. Thế nhưng không phải, ông đột ngột tóm lấy tay bà Hai và kéo bà đi một mạch vào trong phòng mặc cho bà vùng vẫy muốn thoát ra. Theo phản xạ, tôi ôm Tuấn Khải đứng lên và chạy theo với ý nghĩ sẽ giải thoát cho bà ấy. Tôi sợ bà sẽ bị ông đánh đập, tôi sợ ông ta sẽ làm điều gì đó đe dọa đến tính mạng của bà. Có điều, khi bước chân tôi vừa chạm đến bậc cửa thì những lời nói phát ra từ miệng ông ta khiến tôi chững lại. - Vợ chồng lâu ngày mới gặp, để tôi bù đắp cho bà nhé. Tiếp đó là tiếng hôn ướt át và tiếng vải bị xé rách. Và khi những tiếng rên rỉ cùng những âm thanh đầy gợi dục vang lên thì tôi phát hoảng, vội bế Tuấn Khải chạy một mạch ra khỏi nhà, thẳng đến tận bờ hồ cuối vườn mới dám dừng lại. Toàn thân tôi lạnh toát và tay chân tôi run rẩy, suýt đánh rơi cậu bé trên tay mình xuống đất. Tôi không còn nhỏ nữa và tôi cũng không khù khờ đến mức không biết hai người họ đang làm gì. Họ đang làm tình, chính xác là như vậy, một kiểu làm tình đầy bạo lực, không hề nhẹ nhàng âu yếm. Nhác thấy khúc gỗ lớn gần đó, tôi liền bước đến, đặt Tuấn Khải xuống. Mắt cậu đỏ hoe, làn môi đỏ mếu máo trong rất tội nghiệp. Có lẽ cậu sợ khi nghe hai người kia to tiếng với nhau. - Không sao rồi, Khải đừng khóc, đàn ông con trai không được khóc. – Tôi cố nặn ra một nụ cười thật tươi để trấn an tinh thần cậu. - Ba mẹ cãi nhau. Miệng cậu mếu hơn rồi tiếng khóc thút thít vang lên. Thật xót xa. Giá như thời gian quay lại, tôi nhất định sẽ bế Tuấn Khải ra đây sớm hơn, không tò mò lên nhà trên để cậu phải chứng kiến cảnh tượng không hay đó. - Không phải, ba em và mẹ em chỉ nói lớn tiếng thôi. Họ sợ người kia không nghe đấy. – Tôi vội tẩy não cậu. - Không phải, là cãi nhau, ba mẹ cãi nhau.