Tự Truyện Áp Lực Và Kỳ Vọng - Lăng Tuyết

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi LangTuyet, 26 Tháng năm 2024.

  1. LangTuyet

    Bài viết:
    12
    Áp Lực Và Kỳ Vọng



    [​IMG]



    Tác giả: Lăng Tuyết

    Nguồn ảnh: Google

    An vừa đi học về, mở cửa vào nhà thấy người bác lâu ngày không gặp đột nhiên qua nhà An, còn đang ngồi chơi cờ với bố An ở phòng khách. An liền biết người bác này qua chắc chắn kiểu gì cũng có chuyện. An lưỡng lự đứng ở cửa một lúc sau đó mới đi vào nhà.

    An lễ phép chào hỏi bố và bác:

    "Con chào bố, cháu chào bác ạ."

    Người bác nghe thấy An chào mình liền ngước nhìn An một cái, lại tập trung vào đánh cờ với bố An và nói:

    "An à, mới đi học về à con."

    "Dạ vâng ạ."

    Bố An không nhìn An, vẫn tập trung vào ván cờ nhưng không quên nói:

    "Về rồi thì vào phòng cất đồ rồi rửa tay đi con."

    "Dạ vâng ạ, con xin phép bố, xin phép bác con vào phòng ạ."

    An khẽ cúi người, có chút rụt rè và đi về phòng của mình cất cặp sách. Vì khát nước nên An chưa kịp thay đồ, tính ra lấy nước trong tủ lạnh uống nhưng vừa chuẩn bị mở cửa, An nghe thấy cuộc nói chuyện của bố và người bác đang chơi cờ:

    "Con chú ngày nghỉ cũng đi học à?" Người bác nói.

    "Vâng, thằng bé đi học thêm, gần thi rồi nên cũng có nhiều kiến thức cần học."

    "Úi giời, học thêm làm gì cho tốn tiền chứ, ở nhà tự học như con tôi đi, như vậy tiết kiệm được một khoản."

    "Gia đình em cho thằng bé đi học thêm để thằng bé học kiến thức mới, phục vụ cho việc ôn thi tốt."

    "Đi học thêm thế chắc điểm thi của con chú cũng cao lắm nhỉ? Thi thử đợt vừa rồi con chú được bao nhiêu?"

    "Điểm của thằng bé cũng không cao lắm, đủ đánh bại đối thủ thôi. Thi thử điểm cũng đủ đậu vào các trường có chút tiếng."

    "Tưởng như nào, đi học thêm, có nhiều kiến thức hơn điểm phải cao hơn chứ? Điểm chỉ đủ đậu vào các trường có chút tiếng thì làm được gì? Đi học thêm làm gì cho tốn tiền. Chả bù cho con tôi, đứa thứ nhất năm ngoái thi suýt làm thủ khoa, đỗ vào trường Kinh Tế Quốc Dân, đứa con thứ nhà tôi bằng tuổi con chú điểm thi thử vừa rồi thừa sức đỗ Bách Khoa, có khi chưa thi tốt nghiệp thằng bé đã được Bách Khoa tuyển thẳng rồi ấy chứ."

    "Ui con anh cũng giỏi nhỉ."

    "Chứ còn sao nữa, cần gì phải đi học thêm đâu, tự học cũng thừa sức đỗ Bách Khoa rồi."

    Bố An không muốn nói nhiều về vấn đề này nữa nên đã đổi chủ đề liên quan đến bàn cờ:

    "Có vẻ như anh sắp thua ván cờ này rồi."

    "Chưa chắc đâu. Cũng muộn rồi chắc xong ván cờ này tôi xin phép về, còn xem con tôi học hành như nào nữa."

    Bố An không nói gì. Nghe xong cuộc nói chuyện, An không muốn ra ngoài lấy nước nữa, quay trở lại ngã lưng lên chiếc giường của mình, nhìn trần nhà và An tự nghĩ:

    "Tại sao bác ấy lại có thể nói được những câu như thế với bố mình chứ? Tại sao bác ấy lại thấy tự hào về thành tích không thật của con mình. Mấy thành tích của con bác đấy đều là do gian lận, quay cóp mà có được mà?"

    An hiểu rõ hai đứa con của bác mình hơn ai hết, vì một đứa học cùng An và còn kể chuyện gia đình, học tập cho An nghe.

    Tới giờ cơm..

    Khi An đang nằm nghỉ, lướt TikTok giải trí một chút, mẹ An từ bếp vọng lên:

    "An ơi, tới giờ cơm rồi, ra ăn cơm thôi con."

    "Vâng ạ, con ra ngay ạ."

    An cất điện thoại và đi ra ngồi vào bàn ăn. Gia đình ba người đang ăn cơm đột nhiên bố An hỏi chuyện học tập của An:

    "Con đi học thêm vậy sao không thấy điểm con có sự thay đổi gì nhiều vậy An?"

    "Dạ, đợt này, đề thi khó hơn, hình thức và cách thi cũng thay đổi. Nên bọn con phải làm quen dần với cấu trúc đề thi mới ạ."

    "Vậy sao con không học hỏi cách ôn thi của anh Bình con nhà bác Hải. Con bác đấy có đi học thêm đâu, mà điểm số vẫn cao đấy."

    "Dạ.. con.." An ấp úng.

    "Bố hy vọng bố cho con tiền đi học thêm con sẽ không làm bố thất vọng. Nếu lần thi này, con không đạt điểm cao, không vào được Bách Khoa hay Kinh tế Quốc dân thì đừng trách bố."

    "Nhưng con không muốn học hai trường đấy."

    "Con không có lựa chọn khác ngoài hai trường đấy."

    Mẹ An thấy bầu không khí không được ổn liền nói:

    "Chồng à, trời đánh tránh miếng ăn, đang ăn cơm sao anh lại nói về chuyện này, để lát ăn xong nói cũng được mà. Để con ăn cơm đã."

    "Chuyện cần nói không tránh gì hết. Tôi cũng chỉ là muốn tốt cho con mình thôi."

    An không nói gì nữa cả. Im lặng ăn cơm, ăn cơm xong An vào phòng lại tiếp tục ôn bài. Thời gian thi sắp tới, dưới sự áp lực và kỳ vọng từ bố mẹ, An không có thời gian nghỉ ngơi nhiều, cứ vùi đầu vào ôn thi, đến cả lúc ăn An cũng vừa học vừa ăn. An bị sốt, nhưng vẫn cố ôn bài.

    Thời gian ngắn ngủi cứ thế trôi đi, ngày thi cũng đã diễn ra suôn sẻ, nhưng thi xong An cũng không được nghỉ, bố bắt An phải học Tiếng Anh. An mệt mỏi lắm, nhưng cũng không thể làm gì được. Thậm chí đến việc đăng ký nguyện vọng của mình An cũng bị bố mẹ bắt ép. Nhưng An vẫn âm thầm đăng ký một nguyện vọng An thích.

    Đến ngày có kết quả thi, bố mẹ An xem điểm và nở nụ cười, khá hài lòng với mức điểm này của An, còn hy vọng An sẽ đỗ Bách Khoa. Còn An, tuy điểm số cũng thuộc hạng cao, nhưng An lại không hề thấy vui chút nào. An về phòng của mình, nhìn điểm số đang hiện trên màn hình trên máy tính mà thấy chán ghét.

    Cuối cùng cũng đến ngày có kết quả xét tuyển. An nhận được thông báo trúng tuyển từ trường mà An thích. An vui lắm, cầm tờ giấy trúng tuyển trên tay, An không thể diễn tả hết niềm vui này, áp lực bấy lâu nay cũng không hiện lên trên khuôn mặt của An.

    Nhưng chưa vui được bao lâu, An liền thay đổi sắc mặt sang lo lắng, An sợ nếu bố mẹ biết sẽ không cho An theo học ở đó và bắt An phải thi lại. Cái gì đến cũng sẽ đến, lúc bố mẹ đi ra ngoài về. An lấy hết can đảm cầm tờ thông báo trúng tuyển ra phòng khách trước mặt bố mẹ, nhưng không dám đưa cho bố mẹ luôn. Thấy An, mẹ hỏi:

    "Sao vậy An, con có chuyện gì à?"

    "Dạ.. Con.." An ấp úng.

    "Sao? Có chuyện gì, nay có kết quả trúng tuyển rồi đấy. Như nào rồi? Bố thấy điểm Bách Khoa năm nay cũng ổn đấy." Bố An nói và rót một cốc nước uống.

    "Dạ con trúng tuyển rồi ạ."

    "Thật sao? Con mẹ giỏi quá." Mẹ nhìn An với vẻ mặt vui vẻ.

    Bố An uống xong nước, để cốc nước xuống bàn, vẻ mặt trở nên vui vẻ khi nghe An báo mình đã trúng tuyển. Bố nhìn An cười:

    "Thế con trúng tuyển vào Bách Khoa hay Kinh tế Quốc dân. Nhưng bố nghĩ con sẽ trúng tuyển vào Bách Khoa, lúc đấy, bố sẽ đem tin này đi khoe với bác con cho hả giận."

    "Nhưng mà.. Con.. Không trúng tuyển vào Bách Khoa hay Kinh Tế Quốc dân, con.. trượt hai trường đó." An ấp úp khẽ cúi mặt nói.

    "Không trúng tuyển vào hai trường đó? Con chỉ đăng ký hai trường đó thì phải trúng tuyển một trong hai chứ? Điểm con cao vậy mà?"

    Bố An liền đổi sắc mặt nhìn An mà nói. An vẫn cúi mặt:

    "Thật ra, con đã thêm một nguyện vọng nữa khi đăng ký. Và giờ con đã trúng tuyển vào nguyện vọng đó."

    Như không tin vào tai mình, bố An liền tức giận nói:

    "Con nói gì? Con dám đăng ký thêm sao? Bố không tin, đưa bố xem tờ trúng tuyển."

    An rụt rè đưa tờ thông báo trúng tuyển đang giấu sau lưng ra cho bố An. Bố An cầm lấy tờ thông báo, xem tên trường và biết đó là một trường tư, vừa nhìn tờ giấy, vừa nhìn An:

    "Con đăng ký cái gì đây? Con đăng ký cái trường gì đây hả? Sao lại đăng ký trường tư hả? Sao con lại không nghe lời bố?"

    "Trường tư cũng là một trường mà bố? Hơn nữa con muốn theo đuổi đam mê của con nên con mới.."

    Bố An nghe vậy càng tức giận hơn, đứng lên tát An một cái và nói:

    "Đam mê? Đam mê của con là không học Bách Khoa mà đi học một trường tư sao? Đó là đam mê của con sao?"

    Mẹ An thấy bố tát An vội đứng lên đi lại chỗ An, ôm lấy đứa con của mình và nói:

    "Anh làm cái gì vậy? Sao lại đánh con? Cũng chỉ là một trường học mà, không học trường này học trường khác."

    "Bà im lặng cho tôi dạy con của mình. Thằng bé bị bà chiều hư rồi."

    An không nói gì, bố An liền xé tờ giấy đó đi, An thấy vậy liền cản bố mình lại nhưng không được, còn bị bố hất văng tay ra khi cố lấy lại tờ giấy, mẹ An đỡ lấy An. Bố An vừa xé vừa nói:

    "Này thì đam mê này, này thì trường tư này. Đam mê, đam mê này."

    Xé xong bố An vứt đống giấy vụn ra sàn, quay lại nhìn An nói:

    "Bố nói con biết, năm nay con không thi được vào Bách Khoa thì năm sau thi vào, năm sau không thi được thì năm sau nữa thi. Bố cho con tiền đi học thêm, để con thi đỗ Bách Khoa, nếu không thi được thì cứ học lại, thi bao giờ đỗ thì thôi. Không có chuyện học trường khác ngoài Bách Khoa với Kinh tế Quốc dân, cũng không có chuyện theo đuổi đam mê ở trường tư."

    Lúc này, khóe mắt An đã đỏ hoe rồi, An nhìn bố mình bằng ánh mắt căm hận:

    "Con ghét bố, con sẽ không bao giờ thi vào Bách Khoa hay Kinh tế Quốc dân như ý của bố."

    Nói xong An chạy về phòng của mình và khóa cửa phòng của mình lại. Bố An tức giận ngồi xuống ghế uống một ngụm nước. Mẹ An thấy vậy liền nói:

    "Ông quá đáng với con lắm rồi đấy."

    Sau đó mẹ An đi lại phòng của An nhưng phát hiện An đã khóa cửa, mẹ An nói:

    "An ơi, mở cửa cho mẹ vào đi."

    "Con không muốn nói chuyện với bố mẹ, cũng không muốn gặp bố mẹ."

    Mẹ An ở ngoài biết làm cách nào An lúc này cũng không mở cửa, liền đứng trước cửa phòng An nói nhẹ:

    "Bố con làm vậy cũng chỉ muốn tốt cho con thôi, con đừng để ý nhé. Bố mẹ muốn con học ở một môi trường tốt nhất, để sau này con có một cuộc sống tốt hơn. Mẹ cũng không mong gì nhiều, chỉ mong con hiểu cho bố mẹ. Con mệt rồi thì nghỉ ngơi đi, tới giờ cơm mẹ sẽ gọi con dậy."

    Bố An liền nói vọng lại:

    "Bà không phải dỗ, lớn rồi phải tự hiểu cho bố mẹ, bà càng làm thế, thằng bé càng hư đấy."

    Mẹ An không nói gì, chỉ nhìn bố An bằng ánh mắt chán ghét rồi đi vào bếp nấu ăn. Còn An ở trong phòng, nằm trong chăn khóc đẫm cả cái gối. An mệt mỏi, áp lực lắm, An không chịu được nữa, An ngồi dậy, cố lau nước mắt, đi lại bàn học, lấy giấy bút ra viết điều gì đó.

    Và.. An đã chọn cách kết thúc cuộc đời đầy áp lực, mệt mỏi của mình bằng con dao gọt hoa quả trên bàn.

    Bố mẹ An vẫn chưa biết chuyện, tới giờ cơm, mẹ An vẫn như thường nói vọng vào, nhưng không thấy An trả lời, bà bèn đi lại gõ cửa phòng An, gọi An:

    "An ơi, dậy ăn cơm thôi con. An ơi, An ra ăn cơm thôi con."

    Gọi mãi không thấy An trả lời, bà thấy có điềm chẳng lành, liền lấy khóa dự phòng ở chiếc tủ gần đó, mở cửa vào, bà vẫn gọi:

    "An ơi, dậy ăn.."

    Chưa nói hết câu, bà nhìn thấy An đang ngồi dựa vào giường, trên sàn đầy máu chảy ra từ cổ tay, một tay còn đang cầm con dao đó. Bà hốt hoảng đi lại ôm An gọi:

    "An ơi An, con làm sao vậy An? An ơi, con tỉnh dậy đi An ơi.

    Chồng ơi, chồng ơi, mau gọi cấp cứu đi, con mình không hay rồi. Chồng ơi."

    Bà hét vọng lên, bố An nghe vậy đứng lên vừa đi lại phòng An vừa nói:

    "Thằng bé lại dở trò gì mà phải gọi cấp cứu, bà đừng làm quá lên."

    Mẹ An vẫn ôm An, tay còn vỗ nhẹ lên mặt An, vừa khóc vừa nói:

    "An ơi, mau tỉnh dậy đi con, đừng làm mẹ sợ mà. An ơi, An có nghe mẹ nói không?"

    Bố An đi vào phòng An, đến khi thấy mẹ đang ôm An khóc, một vũng máu trên sàn, bố An liền lo sợ, nhưng thấy tờ giấy trên bàn học của An, bố An cầm lên đọc, đó là bức thư An để lại cho bố mẹ, nội dung là:

    "Bố mẹ à, trước khi lựa chọn việc này, con đã rất mệt mỏi và áp lực. Bố mẹ cứ muốn con phải như thế này, phải như thế kia, phải đúng theo ý bố mẹ. Mẹ bảo bố mẹ làm vậy cũng chỉ muốn tốt cho con, nhưng có bao giờ bố mẹ nghĩ đó là điều tốt cho con không? Hay đó là điều tốt cho bố mẹ? Bố mẹ muốn con hiểu cho bố mẹ, vậy ai hiểu cho con? Những hôm con học bài đến mệt, đến ốm nhưng vẫn cố gắng vì không muốn bố mẹ thất vọng, nhưng cuối cùng thì sao chứ? Bố mẹ bắt con phải theo đuổi thứ con không muốn, còn xé đi đam mê của con.

    Con không yêu cầu được đến thế giới này, là bố mẹ đã đưa con đến thế giới này. Nhưng chưa bao giờ bố mẹ để con sống cuộc sống của chính con cả. Mà bố mẹ đang bắt con sống cuộc sống của bố mẹ muốn. Con cũng mệt mỏi lắm chứ, bố mẹ có hiểu cho con không? Con đã cố gắng hết sức rồi, con cũng biết buồn chứ. Nếu bố mẹ không hiểu cho con, không ai hiểu con, hãy để con rời khỏi thế giới đen tối đáng sợ này. Nếu có kiếp sau, con không muốn làm con của bố mẹ nữa. Con muốn làm một con sứa biển, không có trái tim sẽ không cảm nhận được nỗi đau, khi con chết đi, con được hòa mình làm một phần của đại dương, tự do tự tại là điều con muốn.

    Tạm biệt bố mẹ, con xin đi trước bố mẹ."

    Bố An đọc xong mới hiểu được những việc bố An là không đúng và chính tay ông đã gián tiếp giết con mình. Mẹ An thấy bố An vẫn không phản ứng gì, bà liền quát:

    "Ông còn đứng đó làm gì nữa, mau gọi cấp cứu đến đi, mau cứu con mình đi.

    An ơi, An ơi, đừng làm mẹ sợ mà."

    Lúc này bố An mới ý thức được vội nói vấp, lấy điện thoại trong túi quần gọi cấp cứu.

    "Đươ.. Được, để tôi gọi, tôi gọi."

    Nhưng tất cả đã quá muộn. An đã về nơi An cần về.

    (Lời nhắn: Đôi lúc, sự kỳ vọng của chúng ta, chính là áp lực của con trẻ. Nếu không thể cho con trẻ thứ tốt nhất, hãy để con trẻ làm những thứ con trẻ thích nhất. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người con, đó chính là một cách gián tiếp lấy đi tính mạng của con. Đứa trẻ không yêu cầu được sinh ra, là người lớn đã đưa đứa trẻ đó đến thế giới này. Vì thế, hãy thấu hiểu con một chút, để con không làm điều dại dột)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...