Ánh trăng Tác giả: Nguyễn Duy Ánh trăng từ lâu đã trở thành đề tài muôn thuở, khơi gợi dòng cảm xúc bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Ánh trăng qua mỗi dòng văn, dòng thơ của các tác giả khác nhau sẽ hiện lên với những hình ảnh riêng biệt. Nếu như ánh trăng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là "đầu súng trăng treo" đầy thơ mộng, thì ánh trăng của Nguyễn Duy lại đem đến hình ảnh ánh trăng như một người bạn tri kỉ trong những năm tháng gian lao chống giặc. Bước ra khỏi cuộc sống chiến đấu gian khổ để sống những ngày tháng hòa bình, độc lập, con người ta thường dễ dàng lãng quên đi những quá khứ gian lao mà tình nghĩa của một thời. Bởi vậy, để nhắc nhở chính mình cũng như mọi người, Nguyễn Duy đã sáng tác nên bài thơ này, trong đó hình ảnh ánh trăng chính là sự ẩn dụ cho một người chứng kiến những khó khăn, gian khổ ấy. Hồi nhỏ sống với đồng Với sông rồi với bể Hồi chiến tranh ở rừng Vầng trăng thành tri kỷ Trần trụi với thiên nhiên Hồn nhiên như cây cỏ Ngỡ không bao giờ quên Cái vầng trăng tình nghĩa Từ hồi về thành phố Quen ánh điện cửa gương Vầng trăng đi qua ngõ Như người dưng qua đường Thình lình đèn điện tắt Phòng buyn-đinh tối om Vội bật tung cửa sổ Đột ngột vầng trăng tròn Ngửa mặt lên nhìn mặt Có cái gì rưng rưng Như là đồng là bể Như là sông là rừng Trăng cứ tròn vành vạnh Kể chi người vô tình Ánh trăng im phăng phắc Đủ cho ta giật mình TP. Hồ Chí Minh, 197 Bài thơ "Ánh trăng" được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, ba năm sau ngày giải phóng miền Nam 1975, là để giãi bày những cảm xúc và suy tư của mình trước thực tế có người còn ghi nhớ những mất mát hi sinh năm xưa, có người lại lãng quên quá khứ. Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, "Ánh trăng" của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Điều đặc biệt, cả bài thơ 'Ánh trăng' chỉ có duy nhất một dấu chấm khiến ta liên tưởng dòng hồi tưởng của Nguyễn Duy như một dòng chảy xiết, nó cứ triền miên mãi không nguôi mà lại đầy sâu lắng. Qua đó, Nguyễn Duy cũng muốn gửi gắm tới mọi người lời nhắc nhở về thái độ sống"ân tình, thuỷ chung', 'uống nước nhớ nguồn' của không chỉ riêng những người lính thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước mà còn của tất cả mọi người, mọi thời - trong đó có chúng ta.