Anh Hùng Đại Việt [Phần 1]

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Hoàng Kim, 21 Tháng ba 2021.

  1. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Ý niệm sự bất tử và tái sinh trên đèn đồng Đông Sơn

    "Ý niệm bất tử"
    Lửa là thần hộ mệnh của nhiều dân tộc trên thế giới. Đối với con người thời xa xưa, lửa luôn mang tính thiêng. Lửa gắn với đời sống tinh thần con người.

    Việc giữ lửa là vấn đề sống còn, do vậy cây đèn ra đời, dùng trong đời sống và thành đồ tùy táng với quan niệm duy trì ánh sáng cho con người khi sang thế giới bên kia.

    Những tạo hình đặc biệt cây đèn còn chứa nhiều bí ẩn về thế giới quan, nhân sinh quan người xưa.

    VHNT giới thiệu nghiên cứu ban đầu về những quan niệm nhân bản (một dạng/hình thức tín ngưỡng vật linh) của người Việt trong giai đoạn:

    Văn hóa Đông Sơn thuộc nền văn minh sông Hồng, thông qua những tạo hình đặc biệt của cây đèn đồng tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ.

    Số lượng đèn đồng Đông Sơn[1] tìm được qua các đợt khảo cổ không nhiều nhưng phong phú loại hình.

    Nhờ phát triển kỹ thuật đúc đồng, người ta tạo ra những cây đèn có kết cấu phức tạp.

    Dựa kết cấu đèn, có thể phân thành 4 loại:

    Đèn đĩa có tay cầm, đèn treo, đèn chùm và đèn có chân thuộc dạng tượng tròn. Riêng loại đèn cuối cùng chia làm 3 nhánh nhỏ:

    Chân đèn có hình tượng người, hình tượng chim hoặc thú và chân đèn kết hợp cả hai loại trên.

    Đa phần các chân đèn tạo hình rất sinh động, thường gặp nhất là hình người, hình chim, rồng, voi, hươu, rùa, nghê, cóc, lợn cõng đèn.. các quai đèn, nhánh đỡ đĩa đèn đôi khi cách điệu thành những nhánh, thân cây có đốt như đốt tre hay đốt mía..

    Yếu tố phồn thực trong nghệ thuật tạo hình đèn

    Nghệ thuật và tín ngưỡng nguyên thủy, các yếu tố phồn thực luôn phản ánh tự nhiên, giản dị, đặc biệt khi người ta tiến hành các nghi lễ, nơi không thể thiếu nguồn sáng từ những cây đèn.

    Điều đáng kể là chính tạo hình các cây đèn lại chuyên chở đầy đặn, hoặc cụ thể hoặc ý vị, yếu tố phồn thực.

    Đèn ở Pompeii[2] có lối thể hiện táo bạo:

    Bầu đựng dầu gợi tả tạo hình dương vật đàn ông được phóng đại kích cỡ; đầu bầu đựng dầu đặt bấc đèn. Những đèn trong hình tượng mẹ Laskmi của Ấn Độ thể hiện như hình âm hộ lớn. Những trường hợp này, chiếc đèn mang ý nghĩa tâm linh:

    Thắp lên ánh sáng khởi nguồn và tái sinh, mở ra sự sống mới.

    Không quá trần trụi và rõ ràng như vậy, song trên các đèn đồng Đông Sơn vẫn dễ nhận ra yếu tố phồn thực.

    Đĩa đèn là thành phần quan trọng nhất trên mỗi đèn đồng. Những đĩa đèn hình tròn, hình lá sen cách điệu, hình oval.. trong đó nổi lên mỏ bấc lớn có thể xem khá gần gũi với hình ảnh âm hộ đàn bà[3] .

    Mỏ bấc của đèn ký hiệu P162 trong sưu tập Hioco Galerie có tạo hình vừa như một cành hoa sen đồng thời tượng trưng cho 1 linga[4] . Hình tượng sinh thực khí cũng dễ thấy ở nhiều chân đèn khác.

    Cùng tìm thấy trong mộ Lạch Trường số 3[5], 2 đèn hình người quỳ và hình người ôm ngõng đều có những dấu hiệu khá rõ nét về biểu tượng linga - vật biểu trưng sức mạnh sinh tồn nòi giống.

    Vai trò linga nhấn mạnh khi khuếch đại tỉ lệ so với cơ thể.

    Cây đèn có hình người ôm ngõng thể hiện rõ hình người đang ôm một cần cong có dáng cái linga, mọc ra từ dưới ngực.

    Bức tượng gợi về trạng thái tinh thần đặc biệt trong phút giây hoan lạc đầy nhục cảm của con người.

    Dường như nó gắn liền nghi lễ quan trọng hơn là chức năng chiếu sáng thông thường.

    Chân đèn Lạch Trường trong hình thức người đang quỳ, hai tay bưng khay.

    Trên hai bắp tay và đằng sau lưng có hình người nhỏ tựa người vào, mỗi người ôm 1 ngõng đèn cong hình chữ S mà thực chất là linga kéo dài.

    Tư thế thả lỏng cơ thể với hai chân buông thõng, hai tay ôm giữ cần đèn gợi liên tưởng hành động giao phối, một trạng thái dâng hiến trọn vẹn.

    Nhìn rộng ra, trên các đồ dùng lễ nghi thuộc Văn hóa Đông Sơn, các hình ảnh sinh thực khí không hiếm gặp. Mộ do Olov Janse khai quật ở Thung Thôn (Thanh Hóa) phát hiện được thứ gợi hình linga, bằng chất liệu sừng, dài 15cm, đường kính 2, 5cm, chạm trổ và trang trí khắp mặt[6] .

    Hiện vật khác, có vẻ là bùa, gợi hình dương vật, bằng đồng, phía trên có gắn tượng hai người ngồi bó gối quay lưng lại cũng tìm được trong mộ khác ở Bắc Trung Bộ..

    Gắn lên đồ vật hoặc tạo hình đồ vật tùy táng theo những biểu trưng phồn thực sinh sôi nảy nở cho thấy ý niệm con người thời đó về mối tương quan giữa sự sống - cái chết:

    Con người khi chết đi là bắt đầu cuộc sống mới. Khi quả chín rụng xuống, nó ươm trong mình mầm cây mới.

    Trên thạp đồng Đào Thịnh, vật để mai táng, có hình 4 cặp nam nữ giao phối.

    Các tượng nam khi tạc trong trạng thái lõa thể, thường đều có dương vật phóng đại so với kích thước thực.

    Ngày nay, tục lệ trai gái giao duyên vào ngày hội mùa, mong cho mùa màng tốt tươi là vết tích của tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam.

    Hình ảnh các loài động vật trang trí trên đèn đồng cũng thể hiện quan niệm người xưa về sự sống và cái chết. Chim là hình ảnh đa nghĩa xuất hiện nhiều trên đèn đồng:

    Đèn cách điệu hình chim, chim đậu trên các quai đèn treo, đĩa đèn cách điệu hình chim.. Chim xuất hiện rất nhiều trên vô số quai đèn tìm được.

    Đối với dân tộc Kinh cũng như nhiều tộc người khác trên nước ta, chim được xem như Thủy Tổ.

    Truyền thuyết Việt kể mẹ chim Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở trăm con trai và con trưởng là Vua Hùng. Huyền thoại Mường kể đôi chim AlƯa đẻ ra người và các con vật.

    Trên mặt nạ Châu Phi, chim là biểu tượng sự sống, sự sinh sản. Nhiều tộc người trên thế giới tin hồn người chết sẽ hóa thành chim.

    Chim bay lên trời gợi hình ảnh linh hồn thoát khỏi thể xác. Chim là biểu tượng chính thống nhất và đối lập với biểu tượng rắn, tạo thành cặp biểu tượng lưỡng phân, lưỡng hợp phổ biến.

    Cùng xuất hiện trên các đĩa đèn hình người quỳ tìm thấy ở khu vực Lạch Trường, Thanh Hóa, rắn và chim như hai thực thể Âm Dương đối nghịch, thể hiện sự giao hòa. Có Âm, có Dương mới tạo sự sống.

    Mặt khác, rắn lại là biểu tượng cái nhất nguyên, bằng với cội nguồn sự sống.

    Quan niệm rắn là Tổ tiên của người cũng phổ biến trên thế giới.

    Tại Haiti, rắn là thần sông suối, mây mưa, sấm chớp, thần cho sức mạnh phồn thực giữa các hòn đá sấm.

    Các môtip trứng rắn nở ra người, người đàn bà mang thai với rắn, rồng khá phổ biến trong các huyền tích, thần tích của nhiều anh hùng, vua chúa, thần làng ở người Hoa (như Hán Cao Tổ Lưu Bang) và người Việt (như Linh Lang Đại Vương).

    Tâm thức Ấn Độ giáo, rắn Ananta nằm cuộn ở chân trục vũ trụ, nâng đỡ và bảo đảm ổn định cân bằng của thế giới.

    Rắn là con vật đầu tiên đóng vai trò nâng đỡ cả thế giới trên mình và voi, rùa, trâu, bò.. chỉ là những con vật thay thế.

    Cây đèn có hình rùa ngậm nhĩ bôi tìm được ở mộ số 7 Bỉm Sơn (Thanh Hóa) không còn nguyên vẹn, nhưng với 3 cái chốt rỗng gắn ở đuôi và hai bên sườn, hoàn toàn có thể đoán đó là cây đèn chùm, một hình thức nâng đỡ vũ trụ trên lưng?

    Con voi cõng đèn Làng Vạc hẳn cũng có nhiệm vụ như vậy. Trên lưng voi, ta còn thấy cả hoạt động nghi lễ quan trọng đang được tiến hành:

    Lễ hiến sinh.

    Hai nhân vật ngồi ở phía trên đang tập trung vào công việc thần bí, sau lưng họ là hai con vật như sẵn sàng cho lễ hiến sinh.

    Khi xem xét các loài vật thể hiện trên đèn đồng dưới cái nhìn về sinh sôi, nảy nở, ta sẽ nhận ra vô vàn các lớp ý nghĩa biểu tượng.

    Các hình ảnh rồng, rắn, tê, ngưu cho tới hươu, chim, cóc, lợn.. gắn trên các vật dụng thể hiện tư duy người xưa về thế giới:

    Chết không phải đã hết mà là sự bắt đầu của cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

    Ý nghĩa và biểu tượng vũ trụ thể hiện trên đèn đồng.

    Ý nghĩa và biểu tượng vũ trụ trên đèn đồng thể hiện ra trong hình tượng cây vũ trụ và chim ba chân.

    Đây là những hình ảnh khá đa dạng trong nhiều nền văn hóa thế giới có gần gũi với văn hóa Hán đương thời.

    Dạng đèn chùm tượng trưng cho cây vũ trụ tìm thấy rất nhiều ở những khu vực thuộc nền văn hóa Hán với tạo hình phong phú, kỹ thuật tạo tác tinh xảo.

    Ở Việt Nam, hình tượng cây vũ trụ có thể nhận thấy ở những hiện vật điển hình như cây đèn hình người quỳ Lạch Trường, đèn người quỳ Làng Vạc, đèn voi cõng nhiều nhánh trên lưng, đèn đĩa mỏ bấc dài trong sưu tập Hioco Galerie hay những quai đèn có chim đậu.

    Nhiều quai đèn và tay cầm của bình đốt trầm - một vật có chức năng khá gần gũi với đèn còn được tạo thành các đốt, khấc thậm chí còn gợi cả mắt lá.

    Trong ý niệm thần thoại, đó là biểu tượng của cây vũ trụ, cây mặt trời hay còn gọi cây của sự sống.

    Đèn duy trì và phát ra ánh sáng, đại diện cho nguồn sinh lực vũ trụ dồi dào, khơi dậy nguồn sống, kiến thành vạn vật và cho ý niệm về sự bất tử.

    Tất cả hình ảnh thể hiện trên đèn đều cho thấy tính biểu tượng thiêng liêng của mặt trời. Cây mặt trời là nơi chim đậu.

    Chim trong giới hạn nào đó cũng là biểu tượng thiêng liêng của mặt trời. Họ nhà chim thể hiện với tần số dày đặc trên những đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn. Một điều rất đặc biệt đó là xuất hiện của những con chim ba chân thường được biết đến với tên gọi phổ biến là kim ô (quạ ba chân).

    Vật dụng Đông Sơn giai đoạn thuộc Hán hầu hết đều có ba chân.

    Nhiều đĩa đèn Đông Sơn được cách điệu thành hình chim ba chân; đôi khi chúng (kim ô) được thể hiện đơn giản là những con chim nhỏ đậu trên cây vũ trụ.

    Trên cây đèn hình người quỳ Lạch Trường có 3 đĩa đèn, trong đó có 1 đĩa trang trí hình đầu rắn, 2 đĩa hình chim, các đĩa đèn này đều có 3 chân.

    Ý niệm về cây vũ trụ trước kia và gần đây rất phổ biến ở Châu Âu và Châu Á, Trung Quốc cũng như các dân tộc thiểu số Việt Nam.

    Trên nhiều đèn gốm TCN ở Châu Âu, người ta thường trang trí hình các loài cây thiêng[7] .

    Huyền thoại ở Ấn Độ, Assyria mô tả cây vũ trụ như những cây mọc ngược. Các vị thần thường gắn sau lưng những cành cây bất tử.

    Tâm linh về cây cuộc sống cũng có ở các dân tộc Việt, Lào. Cây là hiện thân số phận của con người trong dân tộc người Ê đê.

    Người Tày ở Bái Thượng (Thanh Hóa) có tục thể hiện hình cây với ý nghĩa liên quan đến lễ nghi mai táng. Khi có đám ma, họ thường làm một cây giả bằng gỗ có những con chim cũng bằng gỗ đậu trên đó.

    Cây giả được đặt vào nhà người chết. Cây nêu dùng để cọc trâu trong lễ hiến sinh (hội đâm trâu) của nhiều tộc người cũng phản ánh tín ngưỡng tôn thờ cây thần thánh.

    Hình ảnh voi cõng đèn cũng phần nào gợi tả về cây vũ trụ. Nhiều huyền thoại và huyền tích Việt Nam đều có hình tượng cây mọc ngược tượng trưng sự sống.

    Trong tâm linh và thần thoại người Mường về sáng tạo vũ trụ, cây cuộc sống biểu hiện nguyên lý về trật tự thế giới đối nghịch với trạng thái hỗn mang khi thế giới tạo lập[8] .

    Một trong số những truyền thuyết rất phổ biến ở Trung Quốc và có lẽ cả ở Việt Nam là câu chuyện về chàng Hậu Nghệ bắn rụng mặt trời. Dù nhiều dị bản khác nhau đôi chút về chi tiết song nội dung cơ bản:

    Cây đại thụ (cây dâu) mọc ở trên trời. Trên cây có 10 con quạ ba chân (kim ô) trú ngụ, mỗi con quạ như 1 mặt trời. Sức nóng 10 mặt trời quá lớn đến mức nhân gian không chịu nổi.

    Vua Nghiêu giao Hậu Nghệ có tài bắn cung bắn rụng 9 mặt trời đó.

    Hậu Nghệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được vua ban thưởng cho một loại nước chiết, uống vào sẽ trường sinh bất tử.

    Vợ Hậu Nghệ uống trộm thứ nước này và kết quả bị đày lên mặt trăng. Nàng bị biến thành con thỏ (hay con cóc ba chân, cũng có khi là con chó) và có nhiệm vụ hàng ngày phải nghiền hoa quả từ cây vũ trụ để chiết xuất ra nước trường sinh. Đến ngày rằm, Hậu Nghệ lên thăm vợ và giúp nàng hái quả cây thần để chế thuốc trường sinh.

    Ta thấy bóng dáng của câu chuyện này thể hiện trên viên gạch Lim[9] .

    Điều đáng lưu ý là dường như, những hình ảnh xuất hiện trên gạch này cũng thể hiện quan hệ Âm Dương đối đãi và sự trường sinh.

    Hình ảnh người và chó giã cối dưới gốc cây trường sinh chắc là nhắc tới chuyện Hậu Nghệ và vợ đang chế thuốc trường sinh.

    Có điều ở đây không phải con thỏ giã cối mà là con chó; điều này phản ánh câu chuyện cổ tích của dân tộc Mường và dân tộc Thái về Hậu Nghệ còn được truyền miệng đến nay. Vợ chàng Hậu Nghệ bị biến thành con chó.

    Điều này cũng gắn sự tích chú cuội cung trăng của người Việt khi nhắc việc vợ chàng Cuội bị giết, chàng phải dùng ngũ tạng con chó để cứu sống vợ mình.

    Như vậy, chủ nhân mộ gạch ở Lim này hẳn có nguồn gốc bản địa, hay chí ít là chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa bản địa.

    Bản thân câu chuyện về việc chế thuốc trường sinh dưới gốc cây vũ trụ cũng thể hiện nhiều trên gương đồng thời Hán với nhân vật giã cối, ở đây là con thỏ có đôi tai dài.

    Ở Trung Quốc, thời Hán việc tôn thờ cây thần rất thịnh hành. Cây thần là biểu tượng quý tộc đem giàu có và tốt lành.

    Các mộ Hán, người ta tìm được nhiều hiện vật thể hiện cây thần, đây là giai đoạn thịnh hành các tín ngưỡng về bùa chú, về cuộc sống sau cái chết nên việc chôn theo cây thần phổ biến trong dân gian.

    Dẫn chứng về hình tượng cây sự sống và kim ô trên gạch Lim để thấy người Việt bản địa ở khoảng trước - sau CN có giao lưu và tiếp biến văn hóa bên ngoài sâu rộng.

    Các hình tượng trang trí trên đèn đồng thời này phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của chủ nhân những mộ cổ.

    Ý niệm bất tử, hay đi tìm trường sinh bất tử gắn với Đạo giáo.

    Những câu chuyện siêu nhiên thần thánh và những nhân vật bất tử cũng xuất hiện rất sớm ở Việt Nam ở giai đoạn Đông Sơn hậu kỳ[10] .

    Cư dân bản địa vốn có tín ngưỡng vạn vật hữu linh và tín ngưỡng ma thuật nên nếu họ có chịu ảnh hưởng của những hình thức tín ngưỡng mang màu sắc Đạo giáo, như đi tìm bất tử cũng không lạ.

    Mặt khác, ý niệm cây mặt trời bắt nguồn và phát triển lên từ tục thờ thần mặt trời, nảy sinh ở giai đoạn đầu thời kỳ nguyên thủy. Chủ nhân Văn hóa Đông Sơn có tục thờ thần mặt trời trên trống đồng.

    Hình ảnh cây vũ trụ và chim ba chân là những biểu tượng quen thuộc trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, điều này cho thấy mối giao lưu rộng rãi giữa Văn hóa Đông Sơn và các nền văn hóa bên ngoài.

    Việc tìm được hàng loạt các đồ minh khí trong mộ táng Đông Sơn cho thấy sự phát triển của tục tùy táng và các nghi thức đối với việc chôn cất và quan niệm về sự sống - cái chết của con người thời đó.

    Đây là quá trình phát triển tự nhiên, có nền tảng từ văn hóa bản địa trước đó và giao lưu với văn hóa bên ngoài.

    Đáng lưu ý trong những đồ tùy táng tìm được ở đây là những cây đèn đồng. Đèn trong sinh hoạt văn hóa cổ xưa, không đơn thuần chỉ để thắp sáng hay giữ lửa.

    Đèn để trong mộ tương trưng cho nguồn sáng bất diệt, vĩnh hằng, soi rọi cho thế giới tồn tại khác của chủ nhân.

    Có lẽ vì vậy mà trên các đèn đồng, người ta gửi gắm nhiều ước vọng về kiếp sống mới hạnh phúc, no đủ, tái sinh hay thậm chí trường sinh bất tử.

    Cây đèn thành vị thần giữ lửa soi đường, là cành cây bất tử hay mang các dấu hiệu phồn thực, là thứ giúp mộ chủ an nhiên, tự tại trong một thế giới khác.

    Chú thích

    1. Cách gọi chung đối với hiện vật khảo cổ học là gọi tên chúng theo tên riêng của khu vực nơi phát hiện ra chúng.

    Bên cạnh đó, tên địa phương, khu vực ấy còn thường dùng chỉ niên đại, giai đoạn văn hóa được định dạng thông qua hệ thống các hiện vật khảo cổ.

    Do phát hiện một số đồ đồng Đông Sơn trong mộ táng thời Đông Hán nên niên đại Văn hóa Đông Sơn, ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã, giới khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa nhất trí định vị từ TK. VIII - VII TCN tới hết TK. II SCN.

    Những hiện vật ở giai đoạn Đông Sơn muộn này tương đương với cách gọi đồ Hán - Việt thời kỳ Giao Chỉ. Tiến sỹ Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đặt thuật ngữ Văn hóa Lạch Trường.

    2. Đèn đồng Pompeii, Italy, TK I-III trước CN, trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Naples, Italy.

    3. Tham khảo thêm ngõng đèn của đèn có tên Người cầm đèn Làng Vạc, Nghệ An, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

    4. Đèn đồng dài 35cm, niên đại khoảng từ TK I trước CN - TK. III, tìm được ở Việt Nam, ký hiệu P162 được giới thiệu trên Hioco Galerie chuyên doanh nghệ thuật châu Á. Nguồn: Galeriehioco

    5, 6. Olov Janse, Archaeological research in Indo-china (Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương), Cambridge, Massachusetts, Harvard University Press, 1947.

    Cuốn chuyên khảo này chia làm nhiều phần, giới thiệu kết quả các công trình khai quật khảo cổ tại Đông Dương suốt các năm 1934-1939.

    Tác giả tổng hợp một số thông tin, hình ảnh về đèn đồng và trong đó, ông dành một phần ưu ái cho đèn hình người quỳ tìm được ở Lạch Trường.

    Bản tiếng Việt của cuốn sách này dịch với mục đích làm tài liệu tham khảo của Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ký hiệu từ D-55/cdd79 đến D-57/dd79, người dịch là nhà nghiên cứu mỹ thuật Triệu Thúc Đan.

    7. Xem thêm trong Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, 2002.

    8. Trích trong sử thi Đẻ đất đẻ nước:

    Cây cuộc sống xuất hiện, chấm dứt tình trạng hỗn mang:

    Mọc lên một cây xanh xanh

    Cây xanh có chín mươi cành

    Cành mọc lên trời lá xanh biết cựa

    Thân trên mặt đất thân cây biết rung

    Cành bung xung có tiếng đàn bà con gái

    Cành chọc trời biến nên cật đứa cái

    Là ông Thu Tha

    Cành bung xung biến nên cật đứa con mái

    Là bà Thu Ba

    Ra truyền: Làm nên đất nên trời.. (Đẻ đất đẻ nước, sử thi, Nxb. Thông tấn, 2012).

    9, 10. Tích Hậu Nghệ, Hằng Nga trên viên gạch ở mộ Hán thuộc hậu kỳ Đông Sơn, vùng Lim được gửi sang Bảo tàng Cernuschi ở Paris, xem thêm O. Janse, sđd.

    Nguồn: Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

    Tác giả: VŨ THỊ HẰNG

    Còn tiếp
     
  2. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Về những cây đèn đồng Hậu Đông Sơn

    "Đèn"
    Đầu thế kỷ trước, nhà khảo cổ học Thụy Điển O. Janse phát hiện ra đèn đồng hình người ở Thanh Hóa năm 1935, 24 năm sau, ông ra mắt cuốn bút ký khảo cổ học nổi danh:

    Bí mật cây đèn hình người.

    Cuốn sách đưa ông và tác phẩm nghệ thuật này có mặt trong hầu hết các văn liệu khảo cổ học về Văn hóa Đông Sơn.

    Theo quan niệm của O. Janse và các nhà khảo cổ học đương thời, đèn khai quật có niên đại thuộc hậu kỳ thời đại đồ đồng thau – bước sang thời đại sắt sớm.

    Tôi dùng khái niệm Hậu Đông Sơn để chỉ những đèn đồng nói dưới đây, như cách tiếp cận theo quan niệm xưa, hẳn phù hợp hơn.

    Kể cả về học thuật cũng như những vấn đề nhạy cảm khác của giai đoạn tiếp biến văn hóa đầu CN.

    Những loại hình tiêu biểu

    Sau O. Janse, không mấy ai trong các nhà khảo cổ học Việt Nam bàn đến những đèn đồng.

    Phải chăng duy nhất chỉ có đèn Lạch Trường, Thanh Hóa, hay còn những đèn khác chúng ta chưa được tiếp cận?

    Tôi nhìn, cầm và bước đầu nghiên cứu không dưới 20 đèn, có niên đại Hậu Đông Sơn, đang lưu giữ trong các sưu tập tư nhân và bảo tàng nhà nước, mới thấy giai đoạn này, đèn dường như là loại hình ưa thích của cư dân.

    Số lượng ấy chắc chắn khiêm tốn so những đèn đất nung cùng thời, nằm trong những sưu tập, tôi được tiếp xúc, nhưng không là đối tượng trong bài viết ngắn này.

    Đó là những đèn hình người, nhiều tư thế, nhưng chủ yếu là quỳ.

    Tượng tròn, giống Lạch Trường, nhưng nhỏ hơn, nhiều vẻ mặt, đầu tóc khác nhau. Cách cầm đèn rất đa dạng, khi để trước ngực, khi dựng bên sườn, khi đội lên đầu.

    Nét mặt khi đau khổ, lúc tươi vui như tượng tễu, nhưng dường như chất Đông Sơn còn khá đậm nét kể cả trên phương diện nhân chủng học và phòng nghệ thuật.

    Một tượng người ngồi trên đế mỏng, đĩa đèn tròn đính trên giá, nằm bờ vai phải, khuôn mặt không thể trộn lẫn vì nó rất giống tượng trên cán dao găm hay hình người trên trống đồng.

    Một đèn tượng người quỳ khác lưu giữ ở BTLSVN nhân dạng như mặt khỉ, hệt như trên những trống đồng Đông Sơn dáng thấp, phát hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc mà một số nhà nghiên cứu Việt Nam gọi là phong cách Điền.

    Nay Việt Nam có khoảng 4 đèn hình người tôi biết, trong đó 2 ở BTLSVN, kể cả đèn Lạch Trường nổi tiếng.

    Sau đèn hình người là đèn hình thú. Hình thú đa dạng, phong phú hơn rất nhiều hình người. Chúng là những linh thú, bò, hươu, voi.. diễn tả khá sinh động với nhiều kiểu dáng khác nhau.

    Đèn hình thú thường quỳ và nằm, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, ngõng đèn đặt trên lưng và dường như nó còn một cọc đính đĩa đèn, đúc rời, nay rất ít thấy, khiến nhiều người sưu tập cho là loại ống cắm bút – một trong những đồ dùng của văn phòng tứ bảo.

    Những đĩa đèn loại này có hình trụ hoặc hình chỏm cầu, giữa có tim nhọn để đặt bấc, dưới đĩa là 1 cọc ngắn đầu nhọn để cắm vào ngõng đèn trên lưng thú.

    Loại đèn này tôi thấy, nên có thể khẳng định tất cả đều là những đèn đồng đúng với chức năng.

    Đèn hươu và đèn bò thường tư thế đứng hoặc đi, đĩa đèn để trên lưng, thành đứng và sâu.

    Đèn voi hiện có 1 chiếc duy nhất ở BTLSVN có bố cục phức tạp và hoành tráng vô cùng. Voi đang đi, đầu cúi xuống, trên lưng là 1 cọc đèn với nhiều lớp, nhiều nhánh tỏa ra.

    Đầu mỗi nhánh là những đĩa đèn hình trụ, sâu lòng giữa có tim đặt bấc, đầu nhọn.

    Ngoài những đèn tượng linh thú, xem ra có đôi chút xa lạ nghệ thuật Đông Sơn, những đèn tượng hươu, tượng bò, tượng voi đều thấy trên những họa tiết trống đồng, trên đốc dao găm và trên những chuông vẫn quen gọi chuông "voi" thuộc Văn hóa Đông Sơn.

    Đèn treo thời Hậu Đông Sơn nhiều, chủng loại phong phú. Chúng gồm những loại có quang treo là 1 thanh đồng hình gần tròn, đính với đĩa đèn ở dưới, hình trụ, thành đứng, sâu lòng, có tim đèn nhọn ở giữa để đặt bấc.

    Đĩa đèn không chân hoặc ba chân quỳ, giống hệt các loại ấm ba chân thời đầu CN.

    Trên quang treo có phượng hoàng nằm ở đỉnh, tượng người quỳ thổi khèn, thổi sáo, quay hướng lên đỉnh của quang nơi phượng hoàng tọa lạc.

    Những khối tượng nhỏ này mang đậm chất tượng tròn Văn hóa Đông Sơn thường thấy trên cán dao găm, trên những hoa văn hình người, hình chim của trống đồng.

    Loại quang treo khác bằng dây xích, móc vào 2 hoặc 4 khối tượng người quỳ, qua những háng chân, phân bố đều trên thành miệng đĩa đèn. Đĩa đèn sâu, khối hình khá giống thố đồng, nhưng thiết kế đặc biệt hơn nhiều.

    Thành miệng loe rộng, ngoài 2 hoặc 4 tượng người, còn nhiều băng hoa văn hình học.

    Kể cả người và hoa văn đều mang đậm chất Đông Sơn.

    Thân đĩa loe như 1 cốc, trên to, dưới nhỏ, giữa có sống nổi trang trí nhiều hoa văn hình học trên miệng.

    Đế đĩa đèn loe, nhỏ hơn miệng, giống tỉ lệ của miệng và đế thố, phần dưới có đeo nhiều chuông nhỏ, giống những chuông trên các vòng ống, bao tay Đông Sơn.

    Đây mới chỉ là phần vỏ ngoài đĩa đèn, phần trong là hình chỏm cầu nông lòng, tim đèn nhọn ở giữa.

    Đó là phần để dầu và bấc. Vỏ bọc ngoài sâu, to và nhiều hoa văn chỉ như tôn tạo cho đèn hoành tráng và mỹ thuật hơn.

    Cũng treo, nhưng chính xác hơn là móc, gồm một số cây đèn có phần cán là thanh đồng khi tròn, khi dẹt, đầu rồng hoặc rắn có tư thế vươn cao rồi quặp xuống như móc.

    Đầu kia đúc liên vào đĩa đèn hình trụ, hình chỏm cầu, không chân hoặc ba chân quỳ.

    Đó là đèn móc trên tường, bộ gá lắp vào nó vốn xưa chốt trên tường, nay không thấy nữa.

    Cán đèn là đầu rồng, đầu rắn hiếm hơn, nhưng tạo hình như cán xoong, cán chảo loại đèn này khá phổ biến.

    Đèn treo, đèn móc, đĩa đèn ba chân quỳ và móc đèn là hình rồng dễ liên tưởng những loại hình đồ đồng thời đầu CN du nhập từ bên ngoài.

    Nếu nhìn khối tượng người, tượng chim, tượng rắn và những hoa văn tết hình bông lúa ở những quang treo.

    Không thể phủ nhận yếu tố Đông Sơn, đôi khi lấn át ngoại lai, để rồi không thể gọi là những đèn thời Đông Hán, như rất nhiều người quen gọi, mà tôi muốn coi là đèn thời Hậu Đông Sơn, khi hai nền văn hóa tiếp xúc khá mạnh.

    II. Những kiến giải bước đầu

    O. Janse tìm nguồn cội đèn đồng hình người Lạch Trường, Thanh Hóa từ phương Tây, với liên hệ quá xa vãng với thần thoại Hy Lạp, như trào lưu bấy giờ, muốn phủ nhận tính bản địa Văn hóa Đông Sơn.

    Sau, Đỗ Văn Ninh kéo lại gần hơn, muốn đưa đèn về Trung Nguyên, qua câu chuyện đánh Hung Nô, bắt tù binh làm người hầu đội đèn và thực tế ấy phản ánh qua tác phẩm nghệ thuật Lạch Trường, nó là của người Hán, mang tư tưởng Hán.

    Sau này, không chỉ thông qua đèn, hầu hết sưu tập đồng, gốm phát hiện trong các mộ gạch đầu CN ở Việt Nam, nhiều người càng tin hơn vào yếu tố Trung Nguyên của sưu tập này.

    Chúng được mang vào cùng đội quân Hán viễn chinh, khi chết, chôn theo, như quan niệm hầu hết dân tộc phương Đông.

    Quan điểm dung hòa, nhìn đèn ấy, cùng bộ sưu tập hiện vật đầu CN như là tiếp biến văn hóa, với định danh "Việt – Hán."

    Lẽ đương nhiên, mỗi lý giải đều có những căn nguyên, khi họ mang yếu tố Âu Châu trên khuôn mặt người đội đèn Lạch Trường, khiên cưỡng ghép nó với thần Dionysos (rượu nho) với bao liên hệ suy diễn mang tính logic, khiến nhiều người tin ở đó có một phần sự thật.

    Khi từ bộ râu quai nón, tóc quăn, thường tả là những đội quân Hung Nô vào quấy phá Trung Nguyên, mà người Hán bắt làm nô lệ.

    Khi thì với tiêu bản có 1 không 2 của Lạch Trường cộng những kiểu mô hình nhà, bình con tiện, ấm ba chân, tiền Ngũ Thù.. có niên đại cùng thời đèn này, dường như khó có dẫn dụ nào hơn để phản bác.

    Cách nhìn pha trộn yếu tố Việt – Hán được coi an toàn và hợp lý nhất, nhằm lý giải cho các hiện tượng văn hóa của 2 nền văn minh lớn gặp nhau.

    Giờ đây với sưu tập đèn trong tay, niên đại tương đồng Lạch Trường, khiến nó không còn đơn độc và từng chi tiết những đèn không hề Tây, không hề Hán chút nào.

    Chúng là những sản phẩm Đông Sơn, ít nhiều có ảnh hưởng bên ngoài, nhưng pha trộn và hòa tan từ người Đông Sơn.

    Chúng luôn để người xem có cảm giác, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đâu và dường như cách bức về thời gian và không gian, để nay không thấy bất cứ nguồn gốc nào, ngoài chất Đông Sơn của những đèn ấy.

    Điều này càng minh chứng rõ ràng hơn, khi các học giả hàng đầu về đồ đồng và đồ gốm Trung Quốc, tiếp xúc với bộ hiện vật Hậu Đông Sơn ở Hà Nội, thấy bình con tiện, ấm ba chân, mô hình nhà.. không hề rung động để coi đây là sản phẩm từ triều đại Đông Hán của họ.

    Học giả Mỹ, Marinlyn nhận ra điều này và dường như phân tích thấu đáo hơn khi coi những bộ hiện vật đầu CN ở miền Bắc Việt Nam khác biệt cả với Quảng Đông, thủ phủ cường quốc Nam Việt xưa.

    Gần đây, tôi sang thăm nhiều lần vùng Lưỡng Quảng, xem nhiều bộ sưu tập của mộ Nam Việt Vương, của Hợp Phố, thấy chúng khác xa so Trung Nguyên, dường như chỉ có đôi chút quan hệ mỏng manh với những hiện vật cùng thời của Bắc Việt Nam.

    Nhìn rộng hơn bộ sưu tập có niên đại cùng thời những đèn, mong muốn tiếp cận của chúng ta, cần phải tổng thể hơn, đôi ba ý kiến trên đây chỉ như gợi mở bước đầu.

    Lịch sử đèn Việt Nam, hơn 20 thế kỷ, nếu không kể thời hiện đại, đèn thời Hậu Đông Sơn có lẽ phong phú nhất về số lượng và hình loại.

    Nó dường như không có tiền đề ở phía trước và biểu hiện suy thoái giai đoạn sau. Nó là hiện tượng nổi nét trong lịch sử đèn Việt Nam.

    Hiện tượng ấy có thể liên quan quan niệm người đương thời và quan niệm này có liên quan tín ngưỡng và tôn giáo.

    Các quan hệ tôn giáo thần bí phương Đông hay trong các hoạt động tế lễ về đêm, ánh sáng đóng vai trò cơ bản.

    Điều này có quan hệ gần gũi với những ý tưởng về vũ trụ bao la và xem như phản ánh cao quý của mặt trời, trăng và sao.

    Ánh sáng là biểu tượng tâm hồn và chứa nội dung thiêng liêng.

    Ánh sáng phát ra từ đèn như hào quang chói lọi. Ánh hào quang đó cho mỗi người luôn tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và bất tận.

    Những đèn có thể xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Có nghĩa chúng là vật dẫn đường chỉ lối cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia.

    Những ý tưởng này xem ra khá trùng hợp hiện tượng khảo cổ học thường thấy ở đầu CN, khi những đèn chủ yếu tìm thấy trong các mộ.

    Chủ nhân những mộ ấy cùng gia tộc họ quan niệm, người chết sang thế giới bên kia, sống trong vũ trụ khác, bao la hơn, có trăng, có sao, có mặt trời và hào quang phát ra từ những đèn.

    Nó đi liền với quan niệm "của đồng chia ba, của nhà chia đôi" đề người xuống cõi Âm vẫn có đồ dùng như khi sống. Quan niệm ấy tồn tại tới nay, phổ biến ở các dân tộc phương Đông.

    Đèn liên quan thần linh và tín ngưỡng với phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng và dường như nó hành trình với người Việt tới giờ.

    Mật độ đậm đặc đèn thờ, bắt đầu từ thời Lê sơ, rực rỡ thời Mạc và phổ biến thời Nguyễn, thường thấy trong các di tích, các đình, đền, chùa, miếu, từ đường..

    Lẽ đương nhiên, đó là ý sâu xa giải mã từ đèn, nhưng quá trình vận động, không biết từ bao giờ nó thành đồ thông dụng, nhưng dù là đồ dùng vẫn ẩn chứa thần linh và tín ngưỡng khiến người nghiên cứu cần đọc ra.

    Phả hệ đèn Việt Nam, đèn thờ vẫn có gì đó khác biệt hơn, để tôi càng nhận ra, những đèn hình người nói riêng, phức hợp đèn nói chung thời Hậu Đông Sơn chứa nhiều bí mật cần khám phá và giải mã.

    Nếu tôi là người chuyên sâu và có đủ tầm, cần phải phân loại và khảo tả kĩ hơn từng loại hình, đọc ra những chi tiết hoa văn, giải mã đôi điều về cấu trúc hình những đèn.. hẳn sẽ tìm ra nhiều tín hiệu về thần linh, vũ trụ, ví như quang treo đèn hay vòng hào quang, phượng trên đỉnh quang đèn hay thần vũ trụ.

    Đèn trên lưng voi hay cây vũ trụ và những nhạc công thổi sáo, thổi khèn như đoạn kết của tái hiện các ông thánh, bà thánh với trầm luân của con người cùng suy tư về lựa chọn đường đi..

    Xin nhường cho những người đi sau, nhiều tài năng và đủ điều kiện đến tận cùng tim hiểu những đèn ấy, hẳn sẽ lý thú hơn nhiều và biết đâu những kiến giải của tôi hôm nay không còn phù hợp, chỉ như tiền đề cho những chuyến khảo cổ sâu sắc hơn.

    TS. Phạm Quốc Quân

    Đăng lại từ Tạp Chí Cổ Vật (tapchicovat)

    Còn tiếp
     
  3. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
  4. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
  5. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Đèn đồng Đông Sơn

    [​IMG]
     
  6. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Đèn đồng Đông Sơn

    [​IMG]
     
  7. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Tượng tròn nam nữ thời Đông Sơn mới phát hiện ở Tuyên Quang

    "Tượng tròn"
    Lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học, rất nhiều di tích, di vật khảo cổ học quan trọng phát hiện ngẫu nhiên. Tượng tròn nam nữ mà chúng tôi giới thiệu ở đây là một trong những trường hợp như vậy.

    Cách đây mấy năm, trên khu gò cao của thôn Khổng Xuyên cách bờ trái sông Lô khoảng hơn 50m, thuộc xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, san gạt mặt bằng nhằm tu sửa và xây lại chùa làng, dân địa phương phát hiện rải rác một số đồ đồng gồm rìu xòe cân, dao găm, dao phạng, mũi lao. V. v..

    Đáng chú ý là cùng những di vật trên là tượng tròn đôi nam nữ. Nhận thông tin trên, các nhà khảo cổ đến khảo sát khu vực này, nhưng chưa tìm thấy dấu tích tầng văn hóa khảo cổ, vì toàn bộ khu đồi này đang tu bổ, hoàn thiện chùa với bề mặt sân chùa lát lớp xi măng mới.

    Căn cứ những mảnh gốm cổ tìm thấy dưới chân gò, những ghi nhận ban đầu cho thấy, khu vực này thời xa xưa có thể là khu di chỉ cư trú cư dân thời đại kim khí.

    Hầu hết di vật đồng trên lưu giữ rải rác trong dân đều thể hiện những đặc trưng nổi bật đồ đồng thời Đông Sơn. Các nhà khảo cổ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi tiếp cận tượng tròn nam nữ bằng đồng thau.

    Khối tượng tròn nam nữ tạo dáng trong tư thế mặt đối mặt, đang ôm nhau, giao hoan trong tư thế đứng. Khối tượng cao 17, 2cm, có thể đặt đứng vững chãi trên bề mặt bằng, nam nữ cao xấp xỉ nhau.

    Toàn thân tượng bị gỉ đồng xanh loang lổ, đôi chỗ bị gỉ sâu lồi lõm, nhưng vẫn nhận diện rõ các chi tiết trên cơ thể tượng. Điều dễ thấy là đôi nam nữ với cơ thể tự nhiên, hoàn toàn không có trang phục trên người.

    Chi tiết này ít thấy trên những tượng tròn bấy giờ. Phải chăng, nghệ nhân tạo tượng xưa chủ ý như vậy cho phù hợp nội dung miêu tả?

    Tượng phụ nữ có khuôn mặt bầu bĩnh, khả ái, tóc tết đuôi sam quấn thành vòng tròn trên đầu trước khi buông thả xuống vai, gáy. Hai tay nữ ôm choàng qua vai phải và cánh tay trái nam, ghì chặt tấm thân săn chắc của bạn tình.

    Với đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt rạng ngời người nữ, nghệ nhân xưa tả tài tình khảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc tột đỉnh mà tạo hóa ban tặng cho phái đẹp.

    Tượng người nam có khuôn mặt lanh lợi, rạng rỡ, tóc búi tó, cằm tỳ nhẹ xuống vai phải bạn tình, trong tư thế kề vai, áp má của những cặp uyên ương.

    Người đàn ông với hai cánh tay ôm vòng qua lưng, ghì kéo bờ mông người nữ. Nghệ sĩ tạo tượng xưa thành công khi lột tả tính chủ động, chế ngự trong tình yêu của phái mạnh.

    Toàn khối tượng toát vẻ đẹp mạnh mẽ, vừa hiện thực vừa ẩn chứa sâu lắng tinh thần phồn thực. Đây là tác phẩm nghệ thuật đẹp, sản phẩm của trình độ kỹ thuật đúc đồng và mỹ thuật đỉnh cao thời Văn hóa Đông Sơn.

    Bức tượng tạo tác theo phong cách tả thực, bằng những đường nét phóng khoáng, sinh động. Giới nghiên cứu đánh giá cao giá trị lịch sử và văn hóa tác phẩm nghệ thuật này.

    Khi so sánh các tượng tròn Đông Sơn khác và căn cứ tình trạng xuất xứ bức tượng này, các nhà khảo cổ cho rằng khối tượng tròn nam nữ ở Hồng Lạc mang phong cách Đông Sơn núi, đậm tính chất giao lưu văn hóa.

    Trong nghệ thuật tạo hình Ðông Sơn, hình tượng con người luôn chiếm vị trí chủ đạo trong thế giới muôn loài.

    Con người luôn hài hòa với thiên nhiên, với mọi vật. Ðó là những con người bình dị, thuần hậu, chất phác, hiền hòa chứa đựng tính nhân bản sâu sắc.

    Ngắm nhìn tượng nam nữ Hồng Lạc gợi nhớ hình ảnh tượng 4 cặp đôi nam nữ trong tư thế giao tình trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, Yên Bái, hoặc những cặp bò đực bò cái, hươu đực hươu cái xen kẽ, những đôi chim trống chim mái, những đôi cá sấu đang giao cấu thể hiện trên những trống đồng Đông Sơn.

    Tất cả thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân Đông Sơn - cư dân nông nghiệp lúa nước. Đó là triết lý về phát triển của cư dân Việt cổ, ước mong cuộc sống sinh sôi, nảy nở, hòa bình hạnh phúc mà tượng tròn nam nữ Hồng Lạc là một trong những biểu tượng tiêu biểu.

    PGS. TS. Trình Năng Chung

    Còn tiếp

    Nguồn

    Web antg. Cand

    Còn tiếp
     
  8. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Những người da đen lạ phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

    Những giao lưu kỳ bí từ 2000 năm trước

    Nguyễn Việt

    "Giao ước"
    1977, lần đầu xuất hiện trên tạp chí "Khảo cổ học" của Việt Nam ảnh tượng người da đen được các nhà nghiên cứu khai quật địa điểm khảo cổ học Đông Sơn nổi tiếng.

    Đó là tượng đồng màu xanh đen cao khoảng 12cm, tạo hình theo lối khuôn sáp (wax lost casting).

    Nghệ nhân tạo tượng thể hiện thanh niên tóc xoăn ngắn, mắt lồi, miệng nhô, trên mỗi bên má có hai vạch ngắn song song như cách người da đỏ Nam Mỹ trang trí trên mặt.

    Tượng ở trần thể hiện dáng đứng rất lạ:

    Chân phải đứng thẳng trong khi chân trái vắt lên cao được nâng đỡ bởi cánh tay trái. Cánh tay phải vòng cong như phối hợp cùng chân trái ôm che vật gì đó.

    Đặc biệt dương vật (penis) phóng đại rất lớn. Tại phần cổ và thắt lưng hiện hai đường ngấn lõm như kiểu thể hiện ngấn áo hay quần, nhưng thực tế cách để lộ dương vật và hoa vú cho thấy đây là tượng khỏa thân (hình 1).

    Những yếu tố kỹ thuật rất đặc trưng để lại trên tượng như vết đậu rót xoắn đinh ốc ở háng, cách vuốt mỏng bàn chân, bàn tay và khía tinh hình móng chân, cách chấm tròn tạo hoa vú và mắt, ngấn ở cổ và thắt lưng, cách chấm tạo kiểu tóc xoăn ngắn (negrito "peppercorn hair").. khiến tượng khác hẳn mọi nền nghệ thuật cổ phát hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

    Hình 1:

    Tượng đồng da đen do GS Diệp Đình Hoa phát hiện ở địa điểm Đông Sơn (Thanh Hóa), công bố trên TC "Khảo cổ học" năm 1977.

    1987, 10 năm sau khi bức ảnh tượng nam được công bố, ông già nông dân từ làng Đông Sơn (Thanh Hóa) mang đến Viện Khảo cổ học tại Hà Nội một tượng nữ bằng đồng màu xanh nâu có kích thước và phong cách nghệ thuật hoàn toàn giống tượng nam nói trên.

    Theo lời ông, đó là hiện vật đào được ngẫu nhiên trong khu phân bố di tích Văn hóa Đông Sơn.

    Tượng còn khá nguyên vẹn, chỉ có phần nửa đùi chân bên trái tượng đã gãy.

    Nếu đầu tượng nam tròn vo thì đầu tượng nữ vuốt nhọn như thể đội mũ, cách thể hiện phủ kín những búi tóc xoăn ngắn chứng tỏ đầu tượng nữ không đội mũ.

    Khuôn mặt pho tượng này thể hiện rõ những đặc tính "Phi Châu" :

    Tóc xoăn, cặp môi dày, nhô và đôi mắt lồi. Hai má đều có hai đường rạch ngắn song song giống tượng nam đã công bố (hình 2, 3).

    2, 3 (phiên bản composit – plastic duplicated) :

    Tượng đồng da đen thứ hai phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

    Tượng nữ này có cặp vú nổi cao. Trên đỉnh núm vú in hai vòng tròn đồng tâm thể hiện nhũ hoa.

    Các đầu vuốt và khía móng đặc trưng bàn chân, bàn tay cũng như phần lồi ra của chỗ rót đồng có hình xoắn đinh vít bên hông cũng hoàn toàn giống tượng nam đã công bố.

    Rõ ràng đó là cặp tượng, tượng nữ mặt ngửa lên trời, hai chân như muốn khép, một tay che mặt, một tay che bộ phận sinh dục, đặt gọn trong vòng tay, chân của tượng nam. Quả là hội ngộ kỳ thú!

    Tinh tế hai tượng cũng như nguồn gốc bí ẩn của chúng thu hút công sức tìm tòi của tác giả bài viết này từ gần 30 năm nay.

    Một ngày tại vùng xa cách hàng ngàn km về phía Nam Đông Sơn, một gặp gỡ bất ngờ hé mở con đường tìm ra mối giao lưu tiền sử kỳ bí vào loại nhất trong đời hơn 40 khai quật và nghiên cứu khảo cổ học của tác giả.

    Mùa thu 2009. Chuyến điền dã xuyên Việt, tôi dừng chân tại thị trấn Châu Ổ (Quảng Ngãi).

    Sau khi hoàn tất các phúc tra, giám định, làm tư liệu sưu tập Gò Quê, chúng tôi chuẩn bị đi tiếp Quy Nhơn, Khánh Hòa vào TP. HCM để đi các tỉnh Miền Tây.

    Lâm Dũ Xênh – chủ nhân sưu tập Gò Quê, xin cùng đi theo xe. Xe chuẩn bị lăn bánh, bỗng Xênh gọi tôi giật giọng:

    "Thầy ơi, xin thầy xem cái này đã."

    Anh đưa tôi coi tượng nhỏ bằng đồng. Tôi không thể tin ở mắt mình.

    Đó là tượng đồng đúc như cùng một lò đúc với hai tượng kể trên thể hiện người đàn ông da đen ở trong tư thế khỏa thân, ngồi gập gối, chiều cao khoảng 11-12cm với mớ tóc xoăn ngắn, cặp môi dày, đôi mắt to, trên hai má hiển hiện hai nhát rạch trang trí.

    Hai tay và dương vật bị người dân bẻ gãy đem đến thử vàng ở hiệu kim hoàn (Hình 5, 6, 7).

    Chỉ nhìn lướt qua khuôn mặt 3 tượng có thể nhận ra ngay họ là gia đình. Tượng vừa nói cũng có đầu tròn vo bên trên chấm nhỏ tạo các búi tóc xoăn ngắn.

    Hình 4, 5, 6: Bức tượng đồng phát hiện ở Sa Thày (Kon Tum)

    Thật khó tả nỗi vui sướng và kinh ngạc trước bất ngờ này. Sau khi bình tâm tôi mới biết, vốn Lâm Dũ Xênh có bàn thờ nhỏ để cầu may trước khi đi xa.

    Anh thường đặt tượng này trong hộp nhỏ phía trước bàn thờ.

    Mỗi khi đi xa, anh thắp hương cầu khấn và xoay đầu tượng và khi về nhà lại thắp hương, đặt trở lại theo tư thế ban đầu.

    Suốt 1 tuần làm việc với nhau về sưu tập Gò Quê, tôi nhiều lần đưa hình và phiên bản hai tượng da đen ở Đông Sơn để hỏi Lâm Dũ Xênh, anh hoàn toàn không nhớ mình có tượng như vậy ở trên bàn thờ.

    Bất chợt trước khi ra xe đi cùng tôi, theo lệ, anh thắp hương cầu may và xoay đầu tượng như mỗi lần trước khi đi xa và bất chợt nhận ra.

    Đấy là thời khắc lạ kỳ. Bởi anh không đưa ra sẽ còn rất lâu nữa tôi mới có thể chắp nối những nhân vật họ hàng đó với nhau.

    Nghề nào cũng có những phút giây hạnh phúc. Đối với tôi, gặp lại bức tượng thứ 3 ở nhà Lâm Dũ Xênh là hạnh phúc đáng ghi nhớ suốt đời làm nghề khảo cổ của tôi.

    Chuyện nguồn gốc tượng. Những năm đầu 1980, Lâm Dũ Xênh, tuổi chạc 20, cùng nhiều thanh niên xung phong huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được tăng cường lên chiến trường biên giới Tây Nam.

    Đoàn của Xênh được điều về khu vực Sa Thày (Kon Tum) giáp biên giới Campuchia. Anh cùng hai bạn đồng hương khác làm thành tổ 3 người.

    Một trong số hai người bạn kia được một người dân tộc ở địa phương tặng tượng đồng này, vốn là đồ đào được khi đi làm rẫy.

    Do bệnh tật, người bạn đó qua đời tại Sa Thày và tượng trao lại cho người bạn thứ hai của Xênh.

    Chiến tranh biên giới kết thúc, Xênh cùng người bạn kia về địa phương, khi đó Xênh chưa sưu tầm cổ vật.

    Cách đây ít năm, biết tin Xênh sưu tầm cổ vật, người bạn kia trao Xênh tượng đồng kỷ vật thời chiến tranh khắc nghiệt. Từ đó Xênh đặt nó trong hộp cầu may trước bàn thờ.

    Tia sáng le lói hiện ra trên con đường truy tìm nguồn gốc những sứ giả Đông Sơn kỳ bí này. Vùng Sa Thày (Kon Tum) gần đây phát hiện nhiều di vật liên quan Văn hóa Đông Sơn. Phải chăng những người Negrito từng sinh sống vùng này.

    Phát hiện khảo cổ học tại Hòa Diêm (Khánh Hòa) xác nhận hiện diện nền văn hóa cao có niên đại trên dưới 2000 năm nay mà chủ nhân là những người có đặc trưng nhân chủng rất giống những người da đen Negrito ở Philipin hay người Semang ở Malaysia.

    Xuân năm nay, tháng 3 Tây Nguyên, chúng tôi tập trung nghiên cứu Sa Thày và vùng lân cận, hy vọng tìm thêm những dấu hiệu có thể chỉ dẫn làm sáng tỏ những vị sứ giả kỳ bí viếng thăm Đông Sơn và để lại nơi đây những kiệt tác nghệ thuật tâm linh phồn thực bất hủ.

    Ghi chú:

    Bài từng được TG giới thiệu trong đặc san "Nghiên cứu Mỹ thuật" (ĐH Mỹ Thuật Hà Nội) và TC cua Vietnam Airline "Heritage"

    Nguồn

    Web drnguyenviet

    Còn tiếp
     
  9. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Nghệ thuật Đông Sơn

    "Nghệ thuật Đông Sơn"
    Văn hóa Đông Sơn phát hiện và nghiên cứu từ 1924, đến nay trải hơn 90 năm.

    Nhiều bảo tàng lớn ở Việt Nam, có sưu tập hiện vật phong phú thuộc Văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là BTLSVN.

    Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao thời đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam.

    Đây là thời đại người Việt hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau.

    Họ tạo bộ công cụ, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ vô cùng độc đáo và tinh xảo.

    Thành tựu vĩ đại đó làm nên bức tranh hoành tráng của nghệ thuật Đông Sơn.

    Nhưng nghệ thuật Đông Sơn, trước hết là biểu hiện qua chất liệu gốm trải qua chặng đường phát triển từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đồ gốm được người Việt sáng tạo ra các nhóm đồ đựng, đồ đun nấu như nồi, chõ, vò, bình, chậu, và nhiều biến thể khác nhau.

    Nhóm đồ dùng ăn uống như mâm bồng, bát, chén, cốc.. và đặc biệt có loại "chạc gốm" với kiểu dáng thể hiện và kích thước khác nhau mà công dụng của chúng đến nay còn chưa dứt luận bàn.

    Nhưng đáng lưu ý hơn là nhiều loại hoa văn thể hiện trên đồ gốm. Từ những hình răng cưa, răng lược, chấm dải đơn giản đến các loại văn chữ S, vòng tròn tiếp tuyến, khuông nhạc, phức tạp.. với rất nhiều biến thể, muôn vẻ muôn hình.

    Giáo sư Hà Văn Tấn rất thành công trong khảo cứu về "Người Phùng Nguyên và đối xứng."

    Tư duy đối xứng, có lẽ là đặc trưng của người Việt cổ hình thành từ rất sớm và rồi tất cả vốn liếng thành quả nghệ thuật gốm nhanh chuyển giao cho nghệ thuật đồ đồng.

    Kết quả nghiên cứu đồ đồng Đông Sơn được trình bày trong một số bảo tàng Việt Nam cũng như trong nhiều sách và luận văn Tiến sĩ.

    Từ công cụ, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt cho đến nhạc khí, tượng nghệ thuật Đông Sơn có thể xem là bức tranh toàn cảnh về đời sống cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

    Đề tài trang trí trên đồ đồng Đông Sơn mà đỉnh cao là trống đồng với các đại diện tiêu biểu như Ngọc Lũ, Sông Đà, Hoàng Hạ, Cổ Loa phản ánh trình độ đúc đồng tuyệt vời của cư dân Việt cổ.

    Các loại hoa văn kể từ vòng tròn tiếp tuyến, vạch thẳng song song, hình răng cưa cho đến hình thuyền, hình người hóa trang lông chim thể hiện trên rất nhiều chủng loại:

    Trống đồng, thạp đồng, thố đồng, rìu đồng, khóa thắt lưng, tấm che ngực.. điều đó cũng lý giải tính thống nhất nghệ thuật Đông Sơn.

    Nhiều chủng loại đồ đồng thau chúng ta đều thấy lấp lánh những điểm sáng kỳ diệu.

    Bộ vũ khí Đông Sơn không chỉ gây những ấn tượng mãnh liệt về ngọn giáo thời dựng nước đầu tiên, mà còn có những lưỡi rìu chiến với hoa văn hình người hóa trang, cảnh đi săn.

    Những dao găm có cán hình người đeo trang sức trên đôi tai và vòng cổ tay; những tấm che ngực (hộ tâm phiến) hình vuông hay chữ nhật phủ kín mặt ngoài hoa văn những hình người đội mũ lông chim, những cặp thú đuôi dài, chéo nhau, xen những băng vòng tròn tiếp tuyến. Chẳng hạn:

    Hộ tâm phiến đào được ở Phú Xuyên - Hà Tây dài 22, 5cm, rộng 8, 6cm.

    Rìu đồng, Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay (hiện vật BTLSQG.

    Hộ tâm phiến (giáp che ngực) - đồng, Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay (hiện vật BTLSQG)

    Thạp, thố, bình, âu.. là những loại thường dùng trong sinh hoạt. Đến nay, thống kê chưa đầy đủ có gần 90 thạp được phát hiện.

    Trong đó, thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có kích thước và hoa văn đẹp nhất.

    Thạp có nắp cao 81cm, đường kính chỗ lớn nhất tới 70cm. Trên nắp thạp có 4 cặp tượng nam nữ giao cấu, khoảng cách đều nhau.

    Thân thạp có tất cả 25 băng văn hình học bao lấy 6 hình thuyền - thể thức tương tự hình thuyền trên trống đồng. Hình thuyền và hình người trên thuyền biến cách phong phú mà không trùng lặp.

    Những hình người hóa trang, tay khiên, tay giáo, những hình chim bay hướng lên trời, những hình cá sấu quanh thuyền.. càng làm sinh động cho đề tài trang trí.

    Các loại nhạc cụ nổi bật nhất là trống, chuông, lục lạc. Ngoài ra còn có các nhạc cụ khác như khèn, chiêng, cồng.. có thể quan sát trong phần trang trí trên trống, thạp hay tượng nhỏ.

    Trống đồng Đông Sơn - loại hình đặc sắc nhất, chẳng những thể hiện kỹ thuật, mỹ thuật tuyệt hảo mà còn là biểu tượng quyền uy, góp mặt quan trọng trong đời sống tâm linh Việt cổ.

    Rất nhiều sách vở ngợi ca về trống đồng Đông Sơn nhưng có thể cần nhận rõ tính "độc bản" của nó.

    Bởi trống đồng đúc bằng khuôn phá và vì vậy, ngày nay chúng ta không thể gặp những trống đồng giống hệt nhau.

    Hơn nữa, nét đặc thù khác cần phải nói tới là loại trống đồng minh khí, đúc phỏng theo kiểu dáng và hoa văn trống Đông Sơn.

    Và đến nay, cũng chỉ có duy nhất loại trống minh khí Đông Sơn, không hề có loại minh khí của các kiểu trống khác.

    Chuông đồng Đông Sơn có loại to và nhỏ, khá đa dạng. Nhỏ nhất là loại lục lạc được đính vào vòng cổ, vòng tay, cán muôi và cả khóa thắt lưng nữa.

    Những vòng ống, vòng tay đính nhiều lục lạc gợi hình ảnh về "những bước đi có nhạc" xuất hiện cách ngày nay trên dưới 2000 năm.

    Vòng gắn lục lạc - đồng, Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay.

    Nghệ thuật Đông Sơn - đáng kể hơn nữa là những hình tượng con người với các cặp như tượng 2 người cõng nhau nhảy múa, chỉ cao 8, 8cm tìm được ở chính Đông Sơn; hình tượng người thổi khèn, tóc búi sau gáy, thể hiện trên cán muôi đồng tìm thấy ở mộ Việt Khê, dài 17, 8cm..

    Muôi đồng trang trí hình người thổi kèn, Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay (hiện vật BTLSQG).

    Nghệ thuật Đông Sơn phát triển và khẳng định đỉnh cao trong tiến trình lịch sử dân tộc. Thời đầu dựng nước, cách nay trên 2000 năm.

    Sau ngót cả ngàn năm Bắc thuộc, những tín hiệu của nghệ thuật Đông Sơn chúng ta vẫn còn thấy phát quang, tỏa sáng mãi trong nghệ thuật thời Lý - Trần.

    TS. Nguyễn Đình Chiến

    Nguồn

    Web baotanglichsu

    Còn tiếp
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng tư 2021
  10. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    HÌNH TƯỢNG VOI TRONG NGHỆ THUẬT ĐÔNG SƠN VÀ VẤN ĐỀ LỊCH SỬ TƯỢNG QUẬN

    Phạm Quốc Quân

    "Hình tượng voi"
    Nền nghệ thuật Văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở nước ta, cách nay trên dưới 2000 năm, xuất trình hàng loạt bộ sưu tập, phản ánh muôn mặt đời sống:

    Kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng và tâm linh cư dân Việt cổ, tạo nên sao sáng chói trên bầu trời khu vực bấy giờ.

    Những bộ sưu tập phong phú ấy, hình ảnh voi vô cùng ấn tượng với những biểu hiện tư duy đa ngữ nghĩa, và phong cách thể hiện vô cùng phong phú.

    Giờ đây tích lũy tư liệu ngày một điền đầy dễ nhận ra, trong khi vài thập niên trước khá mờ nhạt, do tài liệu còn ít.

    Đâu đó, trong các văn liệu sử và khảo cổ học, đôi ba gợi ý về mối liên hệ giữa hình ảnh voi với danh xưng Tượng Quận, khiến khó bỏ qua.

    Dẫu giải mã mối quan hệ ấy vô cùng phức tạp, khi tính đa chức năng, đa ngữ nghĩa của vật dụng từ những sáng tạo của con người nói chung và người Việt cổ nói riêng, dường như không có biên độ rõ ràng.

    Bài viết này, xin mạnh dạn gợi mở vài ý ban đầu qua những kiến giải chủ quan và trực quan, mong lần ra sợi dây liên hệ mong manh giữa chúng, khi di vật khảo cổ học và tư liệu lịch sử dường như trùng khớp ít nhiều.

    Nghệ thuật tạo hình Đông Sơn là nghệ thuật miêu tả con người và động vật vô cùng sinh động và xuất sắc với hai phong cách:

    Tả thực và cách điệu, qua 2 kỹ thuật biểu hiện:

    Tượng tròn và phù điêu. Nhưng, đề tài voi tả thực dường như được quán xuyến trong tất cả tác phẩm đã khảo sát.

    Như nhiều người tổng kết, tượng tròn trong nghệ thuật Đông Sơn không phải thế mạnh như các nền nghệ thuật phương Tây suốt từ cổ chí kim.

    Đề tài và hình ảnh voi cũng không nằm ngoài đặc điểm chung ấy, chúng thường là phù điêu hoặc được gắn trên vật dụng với tên gọi phản ánh công năng.

    Dẫu không rõ ràng và chưa thống nhất trong giới khảo cổ học, bởi đa chức năng của chúng.

    Chuông voi trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là ví dụ.

    Chuông gồm 2 bộ phận, thân chuông là hình nửa quả bàng, có lục lạc bên trong, 2 lỗ thủng hình chữ nhật ở trên thân, 2 tai vểnh cong như 2 ngà.

    Trên đỉnh, giữa 2 "ngà" ấy là tượng voi đứng. Đa số giới nghiên cứu khảo cổ học gọi là "chuông voi", hẳn có hàm ý, đó là vật dụng cho những đàn voi chăn thả trong quá trình thuần dưỡng, hoặc là vật nuôi của cộng đồng.

    Tôi lại cho đó là những chuông trong giàn chuông, liên quan những tế lễ về ban đêm, có quan hệ những cây đèn trong tín ngưỡng Đạo giáo[1] .

    Đưa ví dụ trên để thấy tính đa chức năng hiện vật, nhằm giải mã những giá trị, ít nhiều mang tính biểu tượng, liên quan tới phần sau bài viết này.

    Tại BTLSQG còn có cây đèn đồng phát hiện ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An) [2], thuộc Văn hóa Đông Sơn. Cả cây đèn nhiều nhánh, nhiều tầng, nhiều đĩa đèn đặt trên bệ đỡ hình voi đứng.

    Tỷ lệ giữa bệ và đèn khá chông chênh và yếu ớt, nhưng dáng vẻ tả thực của voi/bệ đỡ, uy nghi và hùng dũng, tạo cây đèn – cây vũ trụ, liên quan tới những hành lễ, của tín ngưỡng Đạo giáo, mà O. Janse chỉ ra cách đây hơn nửa thế kỷ, qua đèn hình người nổi tiếng ở Lạch Trường, Thanh Hóa[3] . Lần nữa, tượng voi gắn với tên gọi khác:

    Cây đèn, với ngữ nghĩa nhiều hơn.

    Làng Vạc không chỉ đèn này có hình voi, còn có dao găm voi ở đốc, muôi hình voi ở cán và tượng voi, chắc được gắn trên vật gì đó, nay còn lại dấu vết trên 4 chân[4], khiến tôi không tin đó là tượng tròn - hiện tượng hiếm thấy trong nghệ thuật Đông Sơn.

    Ở BTLSQG cũng còn một dao găm khác, sưu tầm hơn 10 năm trước tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam).

    Theo hồ sơ, đây là dao găm phát hiện ở Đại Lãnh cùng tỉnh, trong Văn hóa Sa Huỳnh, niên đại tương đương Đông Sơn.

    Trên đốc dao có tượng voi giống dao găm Làng Vạc, dẫu khác biệt đôi chút ở phần lưỡi, khiến có thể đưa ra giả thuyết về trao đổi, buôn bán đương thời giữa 2 trung tâm lớn Đông Sơn và Sa Huỳnh – điều chúng ta nhận diện qua rất nhiều tư liệu trên đồ gốm, đồ đồng, đồ trang sức.. do 2 nền văn hóa ấy phát lộ cung cấp.

    Nghệ thuật miêu tả voi trên đồ dùng thời Đông Sơn còn thấy trên các ấm đồng, phối kết khá đặc biệt. Đó là những ấm có nắp đậy, quai vòng qua miệng, cổ eo, bụng phình, đế loe.

    Nắp và chân ấm đúc nổi cánh sen, giữa thân có gân nổi. Vòi ấm là đầu voi, giới sưu tập cổ ngoạn gọi tên là "ấm đầu voi."

    Loại ấm này khá phổ biến giai đoạn Đông Sơn mạt kỳ và cùng với chúng là những ấm chất liệu gốm có hình dáng tương tự, nhưng kích thước lớn hơn.

    Nhiều nhà nghiên cứu coi loại hình này là giao thoa văn hóa Việt – Hán.

    Tôi hoàn toàn không tán đồng với thuật ngữ này và coi đây là sản phẩm 100% bản địa.

    Gần đây, một số nhà nghiên cứu Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc có chung nhận định này[5] .

    Nghệ thuật tạo hình thời Đông Sơn, hoa văn trống đồng là đỉnh cao phong cách tả thực. Nghệ sĩ xưa gửi gắm vào bên trong nhiều cảm xúc và tư duy, khiến nay, có rất nhiều mô-típ hoa văn cùng vận hành biến ảo của chúng, chưa thể giải mã thấu đáo.

    Một sưu tập tư nhân Hà Nội, có một trống đồng Đông Sơn vô cùng đặc biệt, với những tổ hợp hoa văn khác lạ so nhiều trống đồng đã biết trước đây.

    Ngoài những hình ảnh thuyền – người, chim – thú hao hao với bố cục trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, thì trống này lại thuộc về loại hình trống lùn, hoa văn thuyền – người được tối giản nơi tang trống với hình thuyền mỏng manh như lá, còn người được cách điệu như một ẩn dụ, TS. Tạ Đức và tôi gọi là người khỉ[6] .

    Đặc biệt nằm ở hai tổ hợp khác trên thân trống, đó là cảnh hiến sinh bò mà nay còn thấy "hóa thạch" ở một số dân tộc Tây Nguyên và hình ảnh hai phụ nữ cưỡi voi, cùng những chiến binh đánh bộ, cầm vũ khí hò reo xung trận.

    Hình ảnh trên duy nhất có trên trống đồng Đông Sơn này và dường như liên quan truyền thuyết lịch sử về Hai Bà Trưng, niên đại tương đối trùng khớp với khởi nghĩa ấy ở TK. I SCN.

    Trống đồng loại II Heger, giới nghiên cứu đồng thuận, coi chúng như loại trống nối tiếp trống Đông Sơn, với gần 20 thế kỷ.

    Nhưng chỉ ở giai đoạn đầu, khoảng TK. II – III SCN, có ít trống loại này đúc tượng voi, hàn trên vành ngoài cùng, bên cạnh tượng cóc phổ biến, đều có chuyển động ngược chiều kim đồng hồ.

    Voi và cóc tả thực sinh động, không có cách điệu như hình ảnh con người và những động vật khác.

    Voi trong nền nghệ thuật tạo hình Đông Sơn và hậu Đông Sơn, không chỉ có thế và người viết cũng không muốn sa đà hơn để miêu thuật thêm những tư liệu tương đồng.

    So với đề tài con người và động vật, theo khảo sát của tác giả, hình tượng con voi không nổi trội và đậm đặc, nhưng là nguồn cảm hứng nghệ sĩ với loại động vật gần gũi và thân quen trong đời sống người Việt cổ.

    Cùng sự thực chứng qua di vật, con voi thường đi liền những câu chuyện, những tên gọi liên quan chức năng của hiện vật, khiến cho nó không phải, hay chưa hoàn toàn mang giá trị biểu tượng cho một danh xưng.

    Xét nghệ thuật biểu hiện, voi là con vật diễn tả cụ thể, sinh động, chân thật nhất so nghệ thuật miêu tả con người và động vật thời Đông Sơn.

    Dường như, nó chưa hề thấy trong nghệ thuật tạo hình của nhiều nền văn hóa tương đồng, kề cận Đông Sơn, khiến cho đâu đó có ý kiến đặt mối quan hệ Tượng Quận với hình ảnh voi trong nghệ thuật Đông Sơn.

    Xem ra có phần logic, khi chúng ta khảo sát thêm không gian địa lý của Tượng Quận trong lịch sử.

    Voi và vấn đề Tượng Quận

    Từ những thập niên đầu thế kỷ trước, bàn về danh xưng Tượng Quận và cương vực quận này, L. Auroseau gọi đó là quận của những con voi[7] .

    Sau này, các học giả Đài Loan như Ngô Tấn Tài, Quách Đình Dĩ, Chu Văn Ánh, đây đó trong các khảo cứu của mình đều ghi:

    "Tượng Quận do sản sinh ra voi mà có tên. Trung Quốc từ thời có sử, không kể lưu vực sông Hoàng Hà hoặc Hoài Hà, đều không có chứng cứ xác thực về sản sinh ra voi."

    Học giả Trần Kính Hòa, căn cứ 2 đoạn ghi chép về voi trong Toàn Thư, cùng một số ghi nhận về voi ở Giao Chỉ trong nhiều thư tịch Trung Hoa, nhận định:

    ".. Đất này đặt tên Tượng Quận (Quận Voi) càng chứng thực tên gọi đó bắt nguồn từ đặc sản loài voi."

    Giáo sư Kiều Thu Hoạch, trong công trình nghiên cứu công phu, dường như tán đồng với danh xưng này:

    "Tượng Quận là tên bắt nguồn từ xứ sở voi là điều không nghi ngờ gì nữa."

    Minh họa phần phụ lục, dẫu chẳng bình luận, nhưng ông đưa những hiện vật Đông Sơn trang trí hình tượng voi như gợi ý chỉ dẫn về Tượng Quận, theo cách hiểu của người viết bài này.

    Xuất phát điểm những ý kiến trên, chính là đặc sản voi ở miền Bắc Việt Nam bấy giờ, khoảng TK. II TCN, khi Tần Thủy Hoàng xua quân xâm chiếm Bách Việt, đồng thời là thời điểm tên Tượng Quận ra đời.

    Câu chuyện còn liên quan phụ nữ có tên Triệu Ẩu, ở quận Cửu Chân, nổi lên chống giặc Ngô, qua hình ảnh với voi quen thuộc, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca nhắc:

    "Vú dài ba thước vắt lưng/

    Cưỡi voi gióng trống trong rừng trẩy ra."

    Trong Thủy kinh chú:

    "Tháng 10 năm Kiến Vũ 19 (43) đời Hán Quang Vũ, Mã Viện tiến quân vào quận Cửu Chân đánh dẹp tàn quân của Hai Bà Trưng. Lúc Viện tới vùng Dư Phát (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa nay), thủ lĩnh nghĩa quân là Chu Bá chạy vào rừng sâu, đầm lớn, ở đó có tê giác, voi quần tụ, dê, bò cả đàn đứng đông ngàn con, thấy voi tụ vào riêng thành đàn vài ngàn con."

    Chuyện này có phần liên quan hình ảnh trên trống đồng mà tôi lược thuật, khi voi thuần dưỡng, tham gia trận chiến chống quân Đông Hán của Hai Bà Trưng năm 43.

    Qua đơn cử sử liệu và những nhận xét của các học giả đương đại, mối liên hệ giữa voi và Tượng Quận diễn ra chủ yếu ở vùng đất mà nay thuộc miền Bắc Việt Nam.

    Nhưng Tượng Quận có phải là vùng đất ấy không, lại là vấn đề vô cùng dài dòng phức tạp, tôi muốn mượn đôi ba ý của Giáo sư Kiều Thu Hoạch để tóm lược các ý kiến của các học giả bàn về cương vực Tượng Quận như sau[8]:

    - H. Maspero, học giả Pháp, tác phẩm: Những luận văn khảo cứu về nước An Nam, công bố trên tạp chí BEFEO, quyển XVI, năm 1906 viết:

    "Tóm lại, Tượng Quận phải nằm trong phạm vi của Trung Quốc hiện tại. Do đó nó chiếm hữu một phần đất của tỉnh Quảng Tây và Quý Châu."

    - L. Auruseou cũng là học giả Pháp cùng thời, không tán đồng với quan điểm này và cho rằng Tượng Quận hoàn toàn nằm trên lãnh thổ Việt Nam nay, qua công trình nghiên cứu Cuộc chinh phục đầu tiên của người Trung Hoa vào đất An Nam, đăng trên BEFEO, tập XVIII, năm 1923, với hẳn một chương bàn các thuyết giới hạn của Tượng Quận.

    - Học giả Đào Duy Anh trong tác phẩm Lịch sử cổ đại Việt Nam, phần viết về vị trí Tượng Quận có bình luận về thuyết Tượng Quận của Phạm Khải – sử thần cuối thời Tự Đức, của học giả Nhật Bản Guimeisacki, của học giả Trung Quốc Trần Tu Hòa và trọng điểm là 2 thuyết của H. Masspero và L. Aurouseau, rồi kết luận:

    "Tượng Quận là miền Tây Bộ tỉnh Quảng Tây nay."

    - PGS Nguyễn Duy Hinh, công trình nghiên cứu Văn minh Đại Việt nói Tượng Quận ở Bắc Bộ Việt Nam nay:

    "Tượng Quận là vùng đất nào? Các sử gia cổ nước ta cho rằng, Tượng Quận là đất nước ta bao gồm toàn bộ lưu vực sông Hồng và sông Mã. Họ cho rằng xâm lược của Triệu Đà chiếm Tượng Quận là cuộc chiến của Triệu Vũ Vương đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương. Dù vẫn có tư liệu về Tượng Quận nằm ngoài địa bàn nước ta."

    Các học giả thời Trung Hoa Dân Quốc đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có Lê Chính Phủ, công trình Quận huyện thời đại chí An Nam, tỏ ý đồng thuận với L. Aurouseau, bác bỏ quan điểm của H. Masspero.

    Lã Sĩ Bằng trong Bắc thuộc thời ký đích Việt Nam cũng tán thành với khảo cứu của L. Aurouseau và phản bác H. Masspero.

    Lã Sĩ Bằng cho rằng L. Aurouseau vẫn còn lỗ hổng, khi kéo biên giới phía Nam của Tượng Quận đến tận mũi Veralla (Đại Lãnh nay) là quá xa, vì theo Sam Bản Trực Trị Lang – một nhà nghiên cứu Nhật Bản, bàn về biên cảnh phía Nam Trung Quốc thời Tần – Hán, cũng nghĩ Tượng Quận đời Tần là vùng Bắc Kỳ, bởi chính lệnh của nhà Tần không thể tới Varella được.

    - Các học giả nghiên cứu Việt Nam học người Đài Loan như Ngô Tuấn Tài, Quách Đình Dĩ, Chu Văn Ánh đều có chung kết luận.

    Dẫu những cách diễn đạt khác nhau trong các công trình khảo cứu của mình, rằng Tượng Quận nằm trên đất Việt Nam và Tượng Quận gắn liền sự kiện Tần Thủy Hoàng bình Bách Việt.

    - Giáo sư Kiều Thu Hoạch, sau khi khảo cứu tất cả luận điểm trên và đi đến kết luận Tượng Quận là danh xưng hoàn toàn nằm trên đất Việt Nam, như địa danh lịch sử thời Tần, không phải địa danh trên đất Trung Quốc như ngộ nhận của H. Masspero.

    Ông nhấn mạnh từ góc nhìn sinh thái nhân văn, bên cạnh những góc nhìn khác như địa chính trị, địa lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học và ngôn ngữ học lịch sử để kết luận này là hoàn toàn đủ cơ sở.

    Tôi hoàn toàn tán đồng với ý các học giả cho rằng Tượng Quận là vùng đất thuộc miền Bắc Việt Nam nay.

    Đó là không gian Văn hóa Đông Sơn thời trung kỳ và phần nào đó tới hậu kỳ, tương đương giai đoạn Tần – Hán.

    Đó là văn minh vật chất của những dòng sông Hồng, sông Mã và sông Cả và kết thúc ở biên giới 2 tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình nay.

    Voi và danh xưng Tượng Quận có mối dây liên hệ là hoàn toàn có thể khẳng định.

    Nhưng voi trong nghệ thuật Đông Sơn có hẳn là biểu tượng cho danh xưng này thì vẫn còn rất mờ nhạt, khi hình tượng voi sớm nhất tìm thấy trong di chỉ Làng Vạc Nghệ An, trích thuật ở đầu bài này..

    Dường như còn đơn điệu, cô độc và ít giá trị biểu tượng, dù có vẻ niên đại Làng Vạc khá trùng khớp sự kiện Tần Thủy Hoàng xâm chiếm đất phương Nam[9] để lập nên Tượng Quận, là miền Bắc Việt Nam nay là hoàn toàn có cơ sở.

    Niên điểm đầu là vậy, nhưng Đông Sơn ở những thế kỷ trước, SCN, qua tài liệu khảo cổ học, cũng không thể phủ nhận mối liên hệ của chúng với danh xưng Tượng Quận.

    Tôi vẫn cho rằng vùng sinh thái nhiều voi ở miền Bắc Việt Nam xưa kia, ít nhất cũng tạo cảm hứng cho địa danh lịch sử Tượng Quận và nó tạo nguồn cảm hứng nghệ thuật tả thực voi trong Văn hóa Đông Sơn..

    Để 7, 8 thế kỷ đêm trường thuộc Bắc vắng bóng, trở lại trong văn hóa Đại Việt thời độc lập tự chủ như hằng số nghệ thuật dân tộc.

    Ý tưởng này xin nợ lại độc giả bài viết sau, sâu sắc và kĩ hơn với những tư liệu phong phú chuẩn bị.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Phạm Quốc Quân, "Về những chiếc" Thố đồng "Đông Sơn", Tạp chí Khảo cổ học, số 2

    2. Phạm Quốc Quân, Về những cây đèn đồng Hậu Đông Sơn – Ngã Ba di sản, Nxb. Dân Trí, Hà Nội, 2011.

    3. Janse, Bí mật cây đèn hình người. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, năm 2003.

    4. Trịnh Minh Hiên và các cộng sự, Báo cáo khai quật di chỉ Làng Vạc (Nghệ An) lần thứ nhất. Tư liệu Bảo tàng Nghệ thuật.

    5. Marlynn Larew, Trở lại với Janse:

    Đồ tùy táng ở Thanh Hóa – thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Hà Nội, Nguyễn Việt cũng có ý kiến tương tự trong tọa đàm khoa học 6-2017 về niên đại Văn hóa Đông Sơn để phục vụ cho tập II, bộ Lịch sử Việt Nam đang biên soạn.

    Các nhà khảo cổ học tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khi làm với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, những đồ đồng, đồ gốm tìm thấy trong những thế kỷ đầu CN ở Bắc Việt Nam không mang yếu tố Hán Trung Nguyên kể cả phong cách lẫn kiểu dáng.

    6. Tạ Đức, Nguồn gốc và phát triển của trống đồng Đông Sơn (sách chuyên khảo), Trí Thức, Hà Nội, 2017. – Phạm Quốc Quân, Về những cây đèn đồng Hậu Đông Sơn, sđd.

    7. Phần viết này, tôi tóm tắt ý GS. Kiều Thu Hoạch trong sách Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2016.

    8. Kiều Thu Hoạch, Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội,

    9. Phạm Minh Huyền – Trịnh Sinh, Khai quật Làng Vạc (Nghệ An) lần thứ 2 – Tư liệu Bảo tàng Nghệ An. Trong báo cáo, hai tác giả cho niên đại Làng Vạc là thế kỷ II TCN, theo tôi là hợp lý.

    Nguồn

    Web xuanay, vanhoahoc

    Còn tiếp
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng tư 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...