Anh Hùng Đại Việt [Phần 1]

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Hoàng Kim, 21 Tháng ba 2021.

  1. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Sau bao đêm làm ma cắt cắt ghép ghép đống tư liệu lịch sử, cuối cùng cũng hoàn thành thời kỳ hồng hoang của lịch sử nước nhà. Người ta nói biển học vô bờ, vốn liếng lịch sử của mình là con đom đóm so với dải ngân hà rực sáng hàng ngàn năm văn hiến lịch sử dân tộc. Nhưng cũng rất vui vì biết thêm những điều trước nay chưa biết.

    Thời gian làm tư liệu này gặp nhiều khó khăn, phần lớn là kiểm chứng lại các thông tin cũng như tư liệu, cố gắng xóa bỏ các bài viết sai sót. Nhưng vì phải làm vô số tư liệu cùng việc copy link nguồn những bài đó, khó tránh khỏi sơ xuất nên có thể vẫn còn sót lại các nguồn tư liệu bất ổn hoặc những bài viết và chi tiết bất hợp lý, thực tình người lập page này không hề mong muốn. Vì có những bài viết tương tự na ná nhau, nhưng trong các bài đó có chi tiết ở bài này mà bài kia không có, post các bài na ná như vậy đọc rất nản và dễ gây nhàm chán, trong khi tìm ảnh minh họa khó vô cùng, nhiều lúc mò mấy tiếng đồng hồ không thể tìm được ảnh ưng ý.

    Nên buộc phải trộn lẫn các bài vào nhau. Đây là trường hợp bất đắc dĩ, mong các tác giả bài viết bỏ qua. Bộ sử này vốn làm ở Facebook, FB hạn chế số lượng chữ cho phép ở mỗi bài pos, phải xóa bớt số từ trong các bài post, nhưng không làm sai lệch nội dung thông tin. Các bạn thông cảm. Nếu phát hiện có gì không ổn, có nguồn tư liệu hoặc dẫn chứng đáng tin cậy, mong bạn đọc hãy phản hồi sớm để kịp thời sửa chữa hoặc điều chỉnh. Xin cảm ơn!
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Tượng điêu khắc Kinh Dương Vương

    [​IMG]

    "Bài 1: Kinh Dương Vương"
    Kỷ Hồng Bàng

    Hồng Bàng (chữ Hán: 鴻龐) là giai đoạn lịch sử thời thượng cổ lịch sử Việt Nam, dựa nhiều các truyền thuyết truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học với ghi chép lịch sử.

    Niên đại

    Thời Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử bắt đầu từ 2879 trước Công Nguyên (TCN), niên đại vua Kinh Dương Vương húy Lộc Tục nghĩa là nối lộc Tổ tiên. Quốc hiệu Xích Quỷ.

    Lãnh thổ quốc gia thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc tới sông Dương Tử (cả vùng Hồ Động Đình), phía Nam tới nước Hồ Tôn (sau này là Chiêm Thành), phía Đông là Đông Hải (một phần Thái Bình Dương), phía Tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, TQ nay).

    Về sau người Việt chỉ thấy có ở miền Bắc Việt Nam nay, có thể một phần do lấn áp của các tộc người Hoa Hạ từ phương Bắc.

    Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) :

    Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông. Minh tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, TQ) gặp và lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục.

    Sau này Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam) xưng Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu Xích Quỷ.

    Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ năm Nhâm Tuất 2897 TCN. Theo Ngô Sĩ Liên, Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân, sinh Sùng Lãm tức Lạc Long Quân.

    Nguyên văn:

    "Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long."

    Theo câu này phải hiểu Thần Long là tên con gái của Động Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết:

    "Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân."

    Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long.

    Ngô Sĩ Liên nói:

    "Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí Âm Dương. Kinh Dịch nói:

    " Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh "[1] .

    Nên có vợ chồng rồi mới có cha con, có cha con rồi mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời.

    Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương[2], giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu[3], đều là ghi sự thực như thế.

    Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái của Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức Thủy Tổ của Bách Việt.

    Vương lấy con gái của Thần Long sinh Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải cái đã gây nên cơ nghiệp nước Việt ta hay sao?

    Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ[4] nói:

    " Đế Lai là con Đế Nghi. "

    Cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?"

    Chú thích:

    1. Kinh Dịch: Hệ từ.

    2. Truyền thuyết Trung Quốc nói là bà Giản Địch (vợ thứ Đế Cốc) nuốt trứng chim huyền điểu thì có mang, sinh ra ông Tiết, Tổ của nhà Ân - Thương.

    3. Bà Khương Nguyên giẫm vết chân người khổng lồ, sinh ra ông Khi, tức Hậu Tắc, Tổ nhà Chu.

    4. Thông Giám Ngoại kỷ: Tức phần Ngoại kỷ của sách Tư Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.

    Tộc Việt gồm có trăm họ khác nhau, mang tên Bách Việt. Những tên như Âu Việt, Lạc Việt, Đông Việt, Nam Việt, Việt Thường đều thuộc Bách Việt.

    Cái tên trăm họ, hay trăm Việt (Bách Việt) phát xuất từ huyền thoại nói Lạc Long Quân sinh trăm con. Trăm có nghĩa là toàn thể, tất cả, không hoàn toàn là con số như ta tưởng ngày nay.

    Theo kết luận trên, biên cương phía Bắc của Văn Lang tới Hồ Động Đình, xa hơn đỉnh Ngũ Lĩnh vài trăm dặm về phía Bắc.

    Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng Lạc Long Quân tức Hùng Hiền Vương. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi) là Âu Cơ, sinh một bọc trứng nở trăm con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ:

    "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó."

    Hai người từ biệt, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển, phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua (ĐVSKTT, Ngô Sĩ Liên).

    Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 vua, tính từ năm Nhâm Tuất (2879 TCN) đến năm Giáp Thìn (257 TCN) được 2622 năm.

    Tính hơn bù kém, mỗi vua trị vì 120 năm! Dẫu người đời thượng cổ cũng khó có nhiều người sống lâu được vậy.

    Do đó chuyện thời Hồng Bàng chưa hẳn chính xác, nhưng điều đó phần nào cho thấy lịch sử Việt Nam hình thành từ rất lâu đời, thậm chí không sau lịch sử Trung Hoa là mấy.

    Đầu thời đồ đồng, người Việt khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và châu thổ sông Hồng cùng hơn 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông Bắc.

    Tiện trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống kẻ thù. Những bộ lạc Lạc Việt dần gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang, người đứng đầu tự xưng Hùng Vương.

    Thông tin về các đời Vua Hùng dựa nhiều các truyền thuyết. Nhưng có nhiều bằng chứng khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn thấy ở miền Bắc Việt Nam cùng niên đại thời Hồng Bàng, thể hiện nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (Văn hóa Đông Sơn).

    Hình thái xã hội

    Trồng lúa nước, thuần hóa gia súc, dụng cụ có lưỡi cày, đồ dùng có thạp, vũ khí có rìu, đi lại có thuyền.

    Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu, theo chế độ mẫu hệ, thờ cúng Tổ tiên, tôn thờ sức mạnh thiên nhiên:

    Thần núi, thần sông, thần gió. Các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải.

    Trích Thủy Kinh chú (TKC) :

    "Giao Chỉ có ruộng Lạc, trông nước triều lên xuống mà làm. Người ăn ruộng là Lạc Vương (Lạc Hầu). Đứng đầu các bộ là Lạc Tướng (quan cai quản), có ấn đồng dải xanh, tức quan lệnh ngày nay."

    Trích Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) :

    "Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa.

    Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn dễ đi trong rừng rú.

    Đẻ con lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến giúp.

    Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu rồi giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân."

    Hành chính thời Hồng Bàng phản ánh bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương.

    Chính quyền trung ương

    Hồng Bàng là thời đấu tranh hình thành bộ tộc và hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam. Hùng Vương đứng đầu bộ lạc Văn Lang, bộ lạc mạnh nhất trong cộng đồng người Lạc Việt.

    Hùng Vương lấy quốc hiệu Văn Lang. Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam, kinh đô đặt ở Phong Châu (nay thuộc Phú Thọ).

    Lãnh thổ gồm Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nay. ĐVSKTT và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) ghi giới hạn lãnh thổ:

    "Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn tức Chiêm Thành sau này."

    Đại Việt Sử Lược (ĐVSL) ghi:

    "Những địa hạt lãnh thổ Văn Lang không có trong Thiên vũ cống là sách ghi chép về địa lý cổ đại của TQ."

    Sử ghi vắn tắt và không hệ thống bộ máy chính quyền thời Hùng Vương. Các sử gia nhận định nhà nước Văn Lang đơn sơ, đậm dấu ấn bộ lạc-công xã. Theo "Lĩnh Nam Chích Quái" :

    "Nước Văn Lang phía Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới Động Đình Hồ, Nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).

    Hùng Vương sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng.

    Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan Hữu Ty gọi là Bồ Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ Đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi."

    "ĐVSKTT" và "KĐVSTGCM" chép tương tự, chỉ thay hai chữ "Phụ Đạo" 輔導 bằng 父道.

    Xã hội phân ba tầng lớp:

    Vua quan, dân, nô tỳ (nô lệ). Nữ nô lệ gọi là "xảo xứng" (nô tỳ). Sinh hoạt vật chất còn thô sơ, gỗ làm nhà sàn ở, dệt cỏ làm chiếu, vỏ cây làm áo.

    Các sử gia hiện đại nói sử gia thời Hậu Lê mô phỏng triều đình phong kiến TQ để mô tả nhà nước thời Hùng Vương, theo đó đứng đầu phải là Vương hoặc Đế, danh hiệu Hùng Vương xuất phát từ Khun hay Cun trong tiếng Môn-Khmer để chỉ thủ lĩnh bộ tộc.

    Lúc đó thời này chưa phân biệt văn võ, chưa định ra tước Vương - Hầu. Chữ "Mỵ Nương" là phiên âm Hán Việt của chữ "mế, nàng" trong tiếng Mường (nay vẫn dùng) để chỉ con gái nhà quyền quý.

    Quan Lang là chữ "Lang Đạo" trong tiếng Mường; "Phụ Đạo" là chế độ "phìa" cha truyền con nối của người Mường.

    Công việc thực hiện và sự kiện có luật lệ quy định chung mà sau này Mã Viện thời Đông Hán nói:

    "Luật Việt khác luật Hán hơn 10 việc."

    ĐVSL mô tả "chính sự dùng lối kết nút", các nhà nghiên cứu hiện nay xác nhận là dùng dây thắt nút để ghi nhớ sự việc, tương tự như chuỗi dây ghi nhớ sự việc của đồng bào thiểu số Việt Nam hiện nay làm chứng thực cho ghi chép trên.

    Cư dân phạm vi Văn Lang gồm người Việt, người Mường, người Tày-Thái.

    Nảy sinh hình thái nhà nước dù sơ khai, đánh dấu bước tiến quan trọng của lịch sử, xác nhận quá trình dựng nước thời Hùng Vương, đặt cơ sở ra đời loại hình cộng đồng tộc người mới:

    Cộng đồng quốc gia, cộng đồng bộ tộc có ít nhiều tính dân tộc.

    Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sđd, tr97 tổng kết sơ đồ chuyển hóa từ xã hội nguyên thủy tan rã sang xã hội phân hóa giai cấp sơ kỳ:

    Hình thái danh hiệu

    Công xã thị tộc: Tộc trưởng ---> Công xã nông thôn: Bồ Chính.

    Bộ lạc: Tù trưởng ---> Bộ: Lạc Tướng, Phụ Đạo.

    Liên minh bộ lạc: Thủ lĩnh ---> Nước Văn Lang: Hùng Vương

    Theo các sử gia, mối quan hệ chung trong cả nước nặng tính liên minh bộ lạc. Hùng Vương tương đương ngôi vị "cun" (tộc trưởng) của bộ tộc mạnh nhất, các bộ tộc khác vẫn có "cun" riêng và phục tùng Hùng Vương bằng chế độ tiến cống và chỉ chịu chỉ huy khi có việc lớn.

    Lạc Tướng và Lạc Hầu là tộc trưởng bộ lạc mình, giúp Hùng Vương khi có việc chứ không phải quan chức theo biên chế thường trực ở cạnh vua.

    Chính quyền địa phương

    ĐVSKTT ghi kinh đô đóng tại bộ Văn Lang, KĐVSTGCM chép kinh đô ở Phong Châu, ĐVSL không nói đến kinh đô. Theo LNCQ, Hùng Vương chia nước 15 bộ (còn gọi quận) :

    Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận.

    Theo bộ sử cổ nhất là ĐVSL, Văn Lang gồm 15 bộ lạc, Đào Duy Anh đối chiếu xác định các vị trí thời hiện đại:

    1. Giao Chỉ (vùng Hà Nội và lân cận thuộc hữu ngạn sông Hồng)

    2. Việt Thường Thị (tương đương Hà Tĩnh)

    3. Vũ Ninh (tương đương tỉnh Bắc Ninh)

    4. Quân Ninh (tương đương vùng Yên Định thuộc Thanh Hóa)

    5. Gia Ninh (Phú Thọ, Sơn Tây nay)

    6. Ninh Hải (miền Nam Khâm Châu thuộc Quảng Đông, TQ nay)

    7. Lục Hải (ven biển Hải Phòng nay)

    8. Thanh Tuyền (vùng Tây Nam Quảng Tây, TQ nay)

    9. Tân Xương (tương đương miền Vĩnh Phúc, Phú Thọ nay)

    10. Bình Văn (không xác định được)

    11. Văn Lang (tương đương Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, phía Bắc Hà Tây cũ và Hòa Bình nay)

    12. Cửu Chân (tương đương vùng Thanh Hóa nay)

    13. Nhật Nam (tương đương vùng Nam Hoành Sơn, từ Quảng Bình)

    14. Hoài Hoan (tương đương miền Nghệ An nay)

    15. Cửu Đức (tương đương miền Hà Tĩnh nay)

    ĐVSKTT, Dư địa chí (DĐC của Nguyễn Trãi) và KĐVSTGCM đưa danh sách 15 bộ có một số khác biệt với ĐVSL.

    Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, và Văn Lang là bộ nơi vua đóng đô.

    KĐVSTGCM chú thêm sự đối chiếu với địa danh thời Nguyễn. Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược (VNSL) ghi chép theo KĐVSTGCM:

    1. Giao Chỉ (KĐVSTGCM chú là vùng Sơn Nam, giờ là Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên)

    2. Chu Diên (KĐVSTGCM chú là thuộc Sơn Tây)

    3. Vũ Ninh (KĐVSTGCM chú là thuộc Kinh Bắc tức Bắc Ninh nay)

    4. Phúc Lộc (KĐVSTGCM chú là thuộc Sơn Tây)

    5. Việt Thường (KĐVSTGCM chú là Thuận Hóa, từ Hải Lăng thuộc Quảng Trị đến Điện Bàn thuộc Quảng Nam, nhưng Đào Duy Anh căn cứ theo tên huyện Việt Thường quận Cửu Đức thời thuộc Ngô thì xác định đây là khu huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

    6. Ninh Hải (KĐVSTGCM chú là thuộc Quảng Yên, tức Quảng Ninh)

    7. Dương Tuyền (KĐVSTGCM chú là vùng Hải Dương, Đào Duy Anh căn cứ tên huyện Thang Tuyền của Thang Châu xác định là đất Thang Châu thời thuộc Đường, tức Tây Nam Quảng Tây, TQ nay)

    8. Lục Hải (KĐVSTGCM chú là Lạng Sơn, Đào Duy Anh xác định là ven biển Hải Phòng nay)

    9. Vũ Định (KĐVSTGCM chú là Thái Nguyên, Cao Bằng)

    10. Hoài Hoan (KĐVSTGCM chú là Nghệ An)

    11. Cửu Chân (KĐVSTGCM chú là Thanh Hóa)

    12. Bình Văn (KĐVSTGCM nghi ngờ, không khẳng định ở đâu)

    13. Tân Hưng (KĐVSTGCM chú là Hưng Hóa và Tuyên Quang tức Tuyên Quang và Lào Cai nay)

    14. Cửu Đức (KĐVSTGCM chú là Hà Tĩnh)

    Các nhà nghiên cứu, từ Lê Quý Đôn thế kỷ 18 tới thời hiện đại đều xác định hầu hết tên các bộ của Văn Lang là vay mượn tên đời sau chép vào.

    Đại đa số các tên bộ lạc được sử sách lấy theo địa danh quận hoặc huyện từ thời Bắc thuộc lần 1 đến thời Bắc thuộc lần 3, như Đào Duy Anh chỉ ra từng tên khi liệt kê các bộ mà cổ sử đã ghi:

    Giao Chỉ là tên quận nhà Hán đặt.

    Việt Thường Thị là tên huyện thuộc quận Cửu Đức thời thuộc Ngô và huyện thuộc quận Nhật Nam thời thuộc Tùy.

    Vũ Ninh là huyện thuộc quận Giao Chỉ thời thuộc Đông Ngô.

    Quân Ninh là tên huyện thuộc Ái Châu do nhà Đường đặt.

    Gia Ninh là tên huyện thuộc Phong Châu thời thuộc Đường.

    Ninh Hải là tên quận đặt thời thuộc Lương.

    Tân Xương là quận thời thuộc Tấn.

    Thang Tuyền là tên quận và huyện thời Đường thuộc Thang Châu.

    Lục Hải tức Lục Châu thời thuộc Đường.

    Cửu Chân là tên quận thời thuộc Hán.

    Nhật Nam cũng là tên quận thời thuộc Hán.

    Hoài Hoan là tên huyện thời Đường thuộc Hoan Châu.

    Cửu Đức là tên quận thời thuộc Ngô. Vv..

    Các nhà nghiên cứu nói sở dĩ như vậy vì sử gia cổ đại muốn nước Văn Lang trong truyền thuyết có nội dung cụ thể, chọn một số tên với 2 mục đích vừa đủ số 15 bộ trong truyền thuyết vừa trùm đủ địa bàn người Lạc Việt sinh sống thời Hùng Vương. Dân cư đương thời còn thưa thớt. Tổ chức chính quyền có 2 cấp:

    Bộ lạc đến thời thuộc Hán sau này thành huyện và dưới bộ lạc là cộng đồng công xã nông thôn (kẻ, chạ, chiềng, mường), kết hợp quan hệ hàng xóm với quan hệ họ hàng.

    Một chiềng có thể cai quản nhiều bản. Đứng đầu công xã là Bồ Chính (phiên âm Hán của từ Việt cổ, giống âm Pó Chiêng tiếng Tày-Thái, chiềng là bản lớn có thế lực cai quản những bản nhỏ, có nghĩa là già làng). Hội đồng công xã do các thành viên cử ra để giải quyết mọi việc địa phương.

    Sử gia hiện đại dẫn chứng một số địa danh còn thành tố "chiềng" phân bố trong không gian rộng lớn từ Bắc Việt Nam qua Bắc Lào tới Bắc Thái Lan.

    Nơi có địa danh "Chiềng" mật độ lớn nhất là vùng Sơn La, khu vực Hà Nội cũng có (Chiềng Lôi, Chiềng Tăng, Chiềng Vậy).

    Đỗ Văn Ninh thống kê được 80 địa danh ở Việt Nam, 35 địa danh ở Lào và 23 địa danh ở Thái Lan có thành tố "Chiềng."

    Các truyền thuyết

    Thời Hồng Bàng gắn nhiều truyền thuyết. Có thể độ chính xác không cao do truyền miệng qua nhiều thế hệ, nhưng cho thấy nhiều khía cạnh đời sống văn hóa và chính trị ở Việt Nam thời này:

    Truyền thuyết bánh chưng bánh dày gợi ý về chính trị, các Vua Hùng có thể công khai tổ chức các cuộc thi tìm người kế vị.

    Về triết học, bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho quan niệm vũ trụ gồm mặt đất hình vuông màu xanh lá cây và bầu trời hình tròn màu trắng.

    Nhà sử học Trần Quốc Vượng nói bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài giống bánh tét; bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh tét dùng thay cho bánh chưng dịp Tết trong cộng đồng người Việt ở miền Nam Việt Nam theo Trần Quốc Vượng là dạng nguyên thủy của bánh chưng.

    Về nông nghiệp, người Việt thời này phát triển trồng lúa nước (có thể gồm cả lúa nếp) và chăn nuôi (có thể gồm lợn, gà, chó).

    Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thể hiện phần nào thiên tai:

    Người Việt cổ phải chống chọi thuỷ tai.

    Nó cho thấy sức mạnh thiên nhiên hay nhân vật quan trọng giúp dân chống chọi thiên nhiên được thần tượng hóa (Sơn Tinh).

    Thần này có thể vốn là người bình thường có tình cảm qua hôn nhân với con gái của Vua Hùng. Thông lệ cống nạp sản vật quý hiếm như thước đo giá trị đã thịnh hành thời các Vua Hùng.

    Các truyền thuyết khác như Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc Ân xâm lược thời Hùng Vương thứ 6, chuyện Mai An Tiêm miêu tả khai phá vùng đất phía Nam (Thanh Hóa) với giống hoa quả mới (dưa hấu), Sự tích Trầu cau giải thích phong tục ăn trầu.

    Văn Lang chấm dứt

    Đời Hùng Vương thứ 18, Thục Phán ở phía Đông Bắc Văn Lang hợp nhất nước Văn Lang của người Lạc Việt với vùng đất của người Âu Việt (tức Tây Âu) (năm 257 TCN), kết thúc thời kỳ nhà nước Văn Lang.

    Nay vùng cao nguyên Đà Lạt vẫn còn tộc người thiểu số tự xưng con cháu loài chim Lạc, có thể giả định là di dân của các bộ lạc Lạc Việt cổ sau nhiều thời chiến tranh loạn lạc.

    Nghi vấn lịch sử

    Sách giáo khoa bậc phổ thông ghi đời Hồng Bàng từ Kinh Dương Vương tới 18 Vua Hùng như sự thật hiển nhiên. Nhưng trong giới sử học, một số nghi vấn vẫn đặt ra.

    Quốc gia

    Có đời Hồng Bàng không? Có người nói di tích lịch sử chưa chứng minh được hiện hữu của chế độ cai trị như sử vẫn chép về đời Hồng Bàng.

    Người khác nói sự hiện diện trống đồng những năm 200-300 TCN, nếu chưa chứng minh được đời Hồng Bàng cũng đủ để không bác bỏ những điều sử cũ chép về đời Hồng Bàng.

    Có phải đời Hồng Bàng là sản phẩm tưởng tượng của một sử gia thế kỷ 14? Người đặt nghi vấn này dựa việc sử cổ không viết về đời Hồng Bàng:

    Đại Việt Sử Ký (ĐVSK năm 1272) của Lê Văn Hưu không chép gì về đời Hồng Bàng mà bắt đầu từ đời Triệu Vũ Vương tức Triệu Đà.

    An Nam Chí Lược (ANCL) của Lê Tắc viết tại nhà Nguyên khoảng năm 1335 cũng không viết về đời Hồng Bàng dù có nói An Nam giao thiệp với Trung Nguyên từ thời Nghiêu Thuấn.

    1377, Đại Việt Sử Lược (khuyết danh tức không rõ tác giả là ai) nhắc sơ qua đời Hồng Bàng. Truyền thuyết Kinh Dương Vương được ghi lại lần đầu do Ngô Sĩ Liên biên soạn trong ĐVSKTT năm 1479.

    Việt Sử Tiêu Án (VSTA năm 1775), Ngô Thì Sĩ đặt nghi vấn về Kinh Dương Vương, Xích Quỷ và nhiều truyền thuyết liên quan.

    Niên đại đời Hồng Bàng có bắt đầu từ 2879 TCN? Sử gia đặt nghi vấn này (như Trần Trọng Kim) tính từ con số truyền thuyết về Kinh Dương Vương (2879 TCN) qua Lạc Long Quân và 18 Vua Hùng (kết thúc 257 TCN), tính ra 2622 năm cho 20 vua, trung bình mỗi người 120 năm, một điều quá hoang đường.

    Nhiều người chấp nhận niên đại khoảng năm 600 TCN là năm bắt đầu đời Hồng Bàng vì Đại Việt Sử Lược ghi Văn Lang bắt đầu từ đời Chu Trang Vương (696-682 TCN).

    Đại Việt Sử Lược thất lạc. Đến thời Càn Long (trị vì: 1735 - 1796), sách mới được tìm thấy trong Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của triều Thanh ở Trung Quốc.

    Bổ cứu cho ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử, một học giả đời Thanh là Tiền Hy Tộ (người Kim Sơn, nay thuộc tỉnh Giang Tô) đã hiệu đính, cho khắc in rồi đưa sách vào Tứ Khố, nhờ vậy Đại Việt Sử Lược còn tồn tại đến ngày nay.

    Nhưng vì khắc in ở nhà Thanh, vì Trung Hoa luôn coi mình là to lớn, là thiên triều, các nước khác chỉ là man di nhược tiểu, nên sách bị bỏ chữ Đại, sau này sách mang tên Việt Sử Lược.

    Nói về niên đại đầu đời Hồng Bàng (2879 TCN) ở Việt Nam cũng giống giả thuyết về quốc gia cổ Gojoseon trong lịch sử Triều Tiên (Triều Tiên này không phải Bắc Hàn nay, mà là bán đảo Triều Tiên) được Dangun lập năm 2333 TCN và suy tàn khoảng thế kỷ 3 TCN, vương quốc này nay cũng được chứng minh chỉ thực sự hình thành ở thế kỷ 5 TCN (tương tự Văn Lang).

    Một vấn đề khác là họ Hùng:

    Các sử gia nói người Việt cổ tới tận thời Hai Bà Trưng vẫn chưa có họ.

    Theo sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Viện Sử học Việt Nam, chữ "Hùng" trong "Hùng Vương" thực ra là lấy từ tên các vua nước Sở là nước chư hầu thời nhà Chu của TQ.

    Các vua Sở có tên mang chữ Hùng: Hùng Thông (Sở Vũ Vương), Hùng Vận (Sở Thành Vương), Hùng Hòe (Sở Hoài Vương).

    Tổ tiên nước Sở vốn tên Hùng Dịch. Bởi Bách Việt gần nước Sở nhất nên những người Việt lấy theo tên vua nước này.

    Mặt khác, người Việt ở Việt Nam tự gọi là người Kinh, chữ "Kinh" vốn xuất phát từ vùng Kinh Châu, sông Kinh mà nước Sở cai quản.

    Như vậy Hùng Vương nói riêng và Hồng Bàng nói chung với nhiều tình tiết lịch sử pha lẫn truyền thuyết, có thể còn là sản phẩm pha trộn của người Việt gốc và người Việt lai Hán - người Kinh sau này. (Lịch sử Việt Nam - Viện Sử học, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1993)

    Giả thiết khác đặt ra về họ của Vua Hùng là họ Lạc theo họ của Lạc Long Quân và Hùng Vương thì chỉ là tên. Biểu hiện là những chức danh, tên gọi như Lạc Hầu, Lạc Tướng (quan giúp việc), Lạc dân (dân đen), Lạc điền (đất ruộng)..

    Một số thần phả ghi rõ thụy hiệu các Vua Hùng (như Hùng Hi Vương, Hùng Duệ Vương), nhưng các nhà nghiên cứu không cho rằng đó là đáng tin.

    Lãnh thổ

    Theo ĐVSKTT và LNCQ, tên 15 bộ của Văn Lang không thuyết phục vì tên các bộ trên phần lớn là tên Hán-Việt chỉ có sau khi lệ thuộc nhà Hán.

    Chỉ có tên 2 bộ được sử cũ TQ ghi có trước khi văn hóa Hán xâm nhập là Việt Thường (thời Chu Thành Vương) và Gia Ninh (thời Chu Trang Vương). Bộ Việt Thường ở cực Nam Văn Lang tức vùng Hà Tĩnh nay, bộ Gia Ninh ở Phú Thọ nay.

    Về dân số đến đầu Công Nguyên trên khu vực Giao Chỉ, Cửu Chân chưa đến 1 triệu người. Vậy trước đó hàng trăm năm thời Hùng Vương dân số còn ít hơn, chắc chỉ vài trăm nghìn người là tối đa, tương đương dân số tỉnh Điện Biên (500 nghìn) hoặc Lào Cai (560 nghìn) nay, với dân cư như trên thì Văn Lang không thể là quốc gia rộng như miêu tả của LNCQ được.

    Nhưng trước đây vùng Bắc Mỹ - Canada và Hoa kỳ - có nhiều bộ lạc người da đỏ, mỗi bộ lạc chỉ có vài chục người đến hai, ba trăm người là nhiều. Vậy thuyết "ít dân số không thể tản mác trên một diện tích rộng lớn" cũng không có tính thuyết phục.

    Về lãnh thổ, phía Bắc không biết ở đâu nhưng chắc chắn phía Nam lãnh thổ Văn Lang chỉ đến Đèo Ngang vì khi An Dương Vương chiếm Văn Lang, chia đất của Vua Hùng ra 2 bộ tương ứng đất Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hán. Và bộ Việt Thường là phần đất cực Nam của Văn Lang - tương ứng Hà Tĩnh nay.

    Cây chiên đàn và những trò diễn xưa ở đất Bạch Hạc

    Nguyễn Tuệ

    Trong "Thiên Nam Vân Lục Liệt Truyện" (tân biên) của Nguyễn Hãng, hiệu Nại Hiên tiên sinh, quê làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) viết vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497) có truyện "Quỷ Xương Cuồng", nói về cây chiên đàn và những trò diễn xưa ở đất Bạch Hạc, thuộc thành phố Việt Trì bây giờ:

    "Thời thượng cổ, đất Phong Châu có cây cổ thụ lớn là cây chiên đàn, gỗ thơm, cao hơn ngàn trượng, cành lá um tùm phủ quanh đến mấy chục dặm.

    Có đôi hạc trắng sống trên cây nên người ta gọi đất ấy là Bạch Hạc. Cây lâu năm khô chết, hóa thành yêu quái dũng mãnh đầy uy lực chuyên làm hại dân lành. Kinh Dương Vương dùng thần thuật thắng nó khiến yêu khí có bớt nhưng vẫn xuất hiện đây đó rất khó lường.

    Dân quanh vùng sợ lắm, gọi nó là Quỷ Xương Cuồng (quỷ điên), dựng đền thờ nó. Cuối năm, phải dùng người sống tế mới được yên. Năm nào cũng thế mà không làm gì được.

    Đến thời Đinh Tiên Hoàng, vua mời một đạo sĩ tên Vân Du dùng thuật lạ mới giết được con quỷ điên. Thuật lạ gồm:

    Kỵ (cưỡi), can (sào), điếu (câu), hiểm (vỗ tay) thường tổ chức dịp cuối năm để dâng hiến các thần, có thể dùng để lừa quỷ điên.

    Kỵ là cưỡi ngựa phi chạy, lựa mình nhặt lấy vật rơi dưới đất.

    Can là nằm ngửa dùng chân nâng gậy để người khác quất vào đầu gậy mà không đổ.

    Điếu là làm cầu phi vân cao 12 thước, bện đay làm chão dài 26 thước, buộc hai đầu chôn dưới đất mắc lên cây mà đi lại, chạy nhảy, treo mình, cúi ngửa trên cây mà không ngã xuống.

    Hiểm là vỗ tay nhảy nhót, hoan hô, lăn đi lật lại, tiến lui lên xuống.

    Những trò chơi này thường có chuông trống náo loạn, ngâm vịnh, nhảy múa góp vui. Lúc bày cuộc vui náo nhiệt, thờ phụng, quỷ điên vui vẻ hưởng lễ, không để ý đến việc khác.

    Vân Du lừa lúc nó không đề phòng, đọc câu quyết thần bí, dùng kiếm chém chết. Bộ hạ của quỷ điên chạy tan tác. Từ đó yêu khí hết, dân chúng yên ổn làm ăn."

    Qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu thêm thời xa xưa, Bạch Hạc không chỉ có những lễ hội bơi chải, giã bánh dày như bây giờ mà còn có những trò diễn văn hóa dân gian cổ xưa, độc đáo.

    Những trò diễn này diễn ra dịp cuối năm, tiến hành tỉ mỉ, lần lượt từng tiết mục, từng động tác trong không gian náo nhiệt.

    Những động tác khỏe khoắn, điêu luyện của trò diễn như phi ngựa, chạy nhảy trên dây, lăn lộn gào thét y như làm xiếc thời nay.

    Phải chăng Bạch Hạc là vùng đất phát tích nghề xiếc Việt Nam? Trò chơi tổng hợp này có chiêng trống phụ họa, nhảy múa, ngâm vịnh, hát ca, cực kỳ cuốn hút.

    Nếu những trò diễn cổ xưa này được phục dựng trong thời hiện đại chắc chắn sẽ làm sống lại nét độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể một thời đã bị chúng ta quên lãng.

    * * *

    Diệt Mộc Tinh

    Lĩnh Nam Chích Quái chép:

    "Mộc Tinh trải không biết bao năm, khô héo rồi biến thành yêu tinh, rất dũng mãnh, giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh thắng nó.

    Nó hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ.

    Hàng năm 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, nó mới cho yên ổn. Dân thường gọi Quỷ Xương Cuồng.

    Biên giới Tây Nam giáp nước Mi Hầu, vua nước này sai dân mọi ở Bà Lộ (nay phủ Diễn Châu) bắt giống mọi sống ở Sơn Nguyên tới nạp, thành lệ thường mọi năm.

    Tần Thủy Hoàng cho Nhâm Ngao làm Quan Lệnh huyện Long Xuyên, Ngao muốn bỏ lệ đó, cấm nạp lễ người sống, Xương Cuồng tức giận vật chết Ngao. Sau phải phụng thờ nhiều hơn.

    Đời Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Du Văn Tường người phương Bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi qua nhiều nước, biết tiếng các dân mọi, học thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam lúc hơn 80 tuổi.

    Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư dạy pháp thuật làm trò vui cho Xương Cuồng xem để giết y.

    Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can, thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát.

    Hàng năm tháng 11 dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy mây quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, ở giữa gác lên cây.

    Thượng Kỵ đứng lên dây chạy nhanh 3, 4 lần, đi lại không ngã. Kỵ đội khăn đen, mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Hai người (mỗi người cầm một cán cờ) đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì tránh, lên xuống không ngã.

    Khi thì Thượng Đát lấy tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lần, tiến tiến lùi lùi.

    Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng giống cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã.

    Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhảy, cúi xuống nhặt vật dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa.

    Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một gậy dài cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Giết súc vật mà tế.

    Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú, lấy kiếm chém. Xương Cuồng cùng bộ hạ chết hết. Lệ làm lễ nạp dâng người sống hàng năm bèn bỏ, dân sống yên lành như xưa."

    * * *

    Mộc Tinh là "ma mộc" gỗ khô, tức những gì hư hóa, nhất là các thứ dị đoan. Long Quân cũng đuổi đi, sau có người dùng ma thuật cũng chỉ tạm bợ, nên nó còn lưu hành trong dân gian, nhưng cả ba thứ tinh không còn nhô đầu lên văn đàn được nữa. Hồ Tinh, Ngư Tinh chỉ còn tác hại dưới hình thức du mục võ biền.

    Link nguồn và tổng hợp từ các nguồn từng đọc.

    Kinh Dương Vương – Wikipedia tiếng Việt

    Đại Việt Sử Lược – Wikipedia tiếng Việt

    Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Informatik

    Còn tiếp
     
    Ngudonghc, Sai NguyenPhan Kim Tiên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng ba 2021
  4. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Bản đồ bờ cõi nước Xích Quỷ

    [​IMG]

    "Thời Hồng Bàng"
    Thời Hồng Bàng

    Truyền thuyết Kinh Dương Vương và Hồng Bàng thị

    Lĩnh Nam Chích Quái - Hồng Bàng thị

    Viêm Đế Thần Nông thị tam thế tôn Đế Minh sinh Đế Nghi, ký nhi Nam tuần chi Ngũ Lĩnh, tiếp đắc Vụ Tiên chi nữ duyệt chi, nạp nhi quy, sinh Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông mẫn túc thành Đế Minh kỳ chi, sử tự Đế vị, Lộc Tục cố nhượng kỳ huynh Đế Nghi, bất cảm phụng mệnh.

    Ư thị Đế Minh lập Đế Nghi vị tự dĩ trị Bắc địa, phong Lộc Tục vi Kinh Dương Vương dĩ trị Nam phương, hiệu kỳ quốc vi Xích Quỷ quốc.

    Kinh Dương Vương năng nhập Thủy Phủ, thú Động Đình Quân nữ viết Long Nữ, sinh Sùng Lãm, thị vi Lạc Long Quân, đại phụ dĩ trị kỳ quốc, Kinh Dương Vương bất tri sở chi.

    Lạc Long Quân giáo dân canh giá y thực, thủy hữu quân thần tôn ty chi tự, phụ tử phu phụ chi luân hoặc thời quy Thủy Phủ nhi bách tính yến nhiên. Dân hoặc hữu sự, tắc hô Lạc Long Quân viết:

    "Bô hồ bất lai dĩ cứu ngã bối" (Việt nhân hô phụ viết "cha", viết "bố", hô quân viết "vua" thị dã). Long Quân tức lai, kỳ uy linh cảm ứng, nhân mạc năng trắc.

    Đế Nghi truyền tử Đế Lai, dĩ Bắc phương vô sự nhân tư cập Tổ Đế Minh Nam tuần tiếp đắc tiên nữ chi sự, nãi mệnh thân thần Xuy Vưu đại thủ kỳ quốc nhi Nam tuần Xích Quỷ quốc, kiến Lạc Long Quân dĩ quy Thủy Phủ, quốc nội vô chủ, nãi lưu ái nữ Âu Cơ dữ bộ chúng thị tỳ cư vu hành tại nhi chu lưu thiên hạ.

    Biến quan hình thắng, kiến kỳ kỳ hoa quái thảo, trân cầm dị thú, tê tượng đại mạo, kim ngân châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn đẳng vị, sơn hào hải thố vô vật bất hữu.

    Hựu tứ thời khí hậu bất hàn bất nhiệt, Đế Lai tâm ái mộ chi nhi vong phản. Nam quốc nhân dân khổ ư phiền nhiễu, bất đắc an thiếp như sơ, nhật dạ vọng Long Quân chi quy, nãi tương suất dương thanh hô viết:

    "Bô tại hà phương, đương tốc lai cứu."

    Long Quân thúc nhiên nhi quy, kiến Âu Cơ độc cư, dung mạo tuyệt mỹ. Long Quân duyệt chi nãi hóa tác nhất hảo nhi lang phong tư tú lệ, tả hữu tiền hậu thị tòng chúng đa, ca xúy chi thanh đạt vu hành tại. Âu Cơ kiến chi, tâm diệc duyệt tòng.

    Long Quân nghênh quy vu Long Trang nham. Cập Đế Lai hoàn, bất kiến Âu Cơ, mệnh quân thần biến tầm thiên hạ.

    Long Quân hữu thần thuật, biến hiện bách đoan, yêu tinh quỷ mỵ, long xà hổ tượng, tầm giả úy cụ bất cảm sưu sách, Đế Lai nãi Bắc hoàn. Tái truyền chí Đế Du Võng, dữ Hoàng Đế chiến vu Phản Tuyền, bất khắc nhi tử, Thần Nông thị toại vong.

    Long Quân dữ Âu Cơ tương xử cơ niên nhi sinh đắc nhất bào, dĩ vi bất tường, khí chư nguyên dã. Quá thất nhật, bào trung khai xuất bách noãn, nhất noãn nhất nam.

    Long Quân toại nghênh quy nhi dưỡng chi, bất lao nhũ bộ, các tự trưởng đại, trí dũng câu toàn, nhân giai úy phục, vị vi phi thường chi huynh đệ. Long Quân cửu cư Thủy Phủ.

    Mẫu tử độc cư, tư quy Bắc quốc. Hành chi cảnh thượng, Hoàng Đế văn chi cụ, phân binh ngự tái ngoại. Mẫu tử bất đắc Bắc quy, nhật dạ hô Long Quân viết:

    "Bô tại hà xứ, sử ngô mẫu tử bi thương!"

    Long Quân hốt nhiên nhi lai, ngộ ư Tương Dã, Âu Cơ khốc viết:

    "Thiếp bản Bắc địa chi nhân, dữ quân tương xử, sinh đắc bách nam, vô do cúc dưỡng, thỉnh dữ quân tòng, vật tương hà khí, sử vi vô phu vô phụ chi nhân, đồ tự thương nhĩ!"

    Long Quân viết:

    "Ngã thị Long chủng, thủy tộc chi trưởng; nhĩ thị Tiên chủng, địa thượng chi nhân, bản chất tương thuộc, tuy Âm Dương chi khí, hợp nhi sinh tử, nhiên phương loại, thủy hỏa tương khắc nan dĩ cửu cư.

    Kim vi phân biệt, ngô tương ngũ thập nam quy Thủy Phủ, phân trị các xứ, ngũ thập nam tòng nhữ cư địa thượng, phân quốc nhi trị, đăng sơn nhập thủy, hữu sự tương quan, vô đắc tương phế."

    Bách nam cáo tự thính thụ, nhiên hậu từ khứ. Âu Cơ dữ ngũ thập nam cư vu Phong Châu (kim Bạch Hạc huyện thị dã), tự suy tôn kỳ hùng trưởng giả vi chúa, hiệu viết Hùng Vương, quốc hiệu Văn Lang quốc.

    Kỳ quốc Đông giáp Nam Hải, Tây để Ba Thục, Bắc chí Động Đình, Nam chí Hồ Tôn quốc (kim Chiêm Thành quốc thị dã).

    Phân quốc trung vi thập ngũ bộ, viết Giao Chỉ, viết Chu Diên, viết Ninh Sơn, viết Phú Lộc, viết Việt Thường, viết Ninh Hải (kim Nam Ninh thị dã), viết Dương Tuyền, viết Quế Dương, viết Vũ Ninh, viết Y Hoan, viết Cửu Chân, viết Nhật Nam, viết Chân Định, viết Quế Lâm, viết Tượng Quận đẳng bộ, mệnh kỳ quần đệ phân trị chi.

    Trí kỳ thứ vi tướng võ tướng văn. Tướng văn viết Lạc Hầu, tướng võ viết Lạc Tướng, vương tử viết Quan Lang, vương nữ viết Mỵ Nương. Tư Mã viết Bồ Chính. Nô bộc viết Trâu, tỳ lệ viết Tinh, tướng quan viết Khối.

    Thế thế dĩ phụ truyền tử viết Phụ Đạo, thế chúa tương truyền giai hiệu Hùng Vương nhi bất dịch. Thời sơn lộc chi dân ngư vu thủy vãng vãng vị giao long sở thương, bạch ư Vương. Vương viết:

    "Sơn man chi chủng dữ thủy tộc thù, bỉ hiếu đồng nhi ố dị, cố vị xâm hại."

    Nãi lệnh nhân dĩ mặc thích thân, vi thủy quái chi trạng, tự thị xà long vô giảo thương chi hoạn. Bách Việt văn thân chi tục thực thủy vu thử.

    Quốc sơ, dân dụng vị túc, dĩ mộc bì vi y, chức quản thảo vi tịch, dĩ mễ tể vi tửu, dĩ quang lang, tung lư vi bản, dĩ cầm thú ngư hà vi hàm, dĩ khương căn vi diêm, đao canh hỏa chủng.

    Địa đa nhu mễ, dĩ trúc đồng xuy chi. Giá một vi ốc dĩ tị hổ lang chi hại. Tiển đoản kỳ phát dĩ tiện nhập lâm.

    Tử chi sơ sinh dã, dĩ tiêu diệp ngọa chi. Nhân chi tử dã, tương thung, linh lân nhân văn chi, xuất lai tương cứu.

    Nam nữ giá thú, dĩ diêm phong tiên vi vấn lễ, nhiên hậu sát ngưu dương dĩ thành phu phụ. Dĩ nhu phạn nhập phòng trung tương thực tất, nhiên hậu giao thông, dĩ thử thời vị hữu tân lang cố dã. Cái bách nam nãi Bách Việt chi Thủy Tổ dã.

    (Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện; Quyển chi nhất)

    Dịch nghĩa

    TRUYỆN HỌ HỒNG BÀNG

    Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích, lấy về, sinh Lộc Tục, dung mạo đoan chính, sớm tỏ thông minh nhanh nhẹn.

    Đế Minh thấy thế, lấy làm lạ, cho nối ngôi, nhưng Lộc Tộc cố nhường cho anh là Đế Nghi, không dám vâng mệnh.

    Đế Minh lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ.

    Kinh Dương Vương có tài xuống Thủy Phủ, lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân, thay cha trị nước. Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.

    Lạc Long Quân dạy dân cày cấy, ăn mặc; trong nước từ đó mới có thứ tự quân thần, tôn ty trật tự; mới có luân thường giữa cha con, chồng vợ.

    Có lúc Long Quân về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui. Hễ dân có việc, cứ gọi Lạc Long Quân rằng:

    "Bố ơi, sao không về để cứu chúng con" (người Việt gọi "phụ" là "cha" hoặc "bố", gọi "quân" là "vua", chính là vậy).

    Long Quân liền về ngay. Sự oai linh cảm ứng của Long Quân, người ta không tài nào lường được.

    Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi phương Bắc vô sự, nhớ chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn bảo kẻ bề tôi thân cận là Xuy Vưu thay mình giữ nước, để đi tuần du nước Xích Quỷ phương Nam.

    Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước vô chủ, bèn để ái nữ Âu Cơ và những kẻ hầu hạ ở lại nơi hành tại, còn mình đi dạo chơi thiên hạ, xem khắp các nơi hình thắng.

    Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, tê tượng đồi mồi, bạc vàng châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn các vị, cùng sơn hào hải vật không thiếu một thứ nào.

    Bốn mùa khí hậu lại không lạnh không nóng, Đế Lai yêu thích, quên về.

    Nhân dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được yên lành như xưa, ngày đêm mong Long Quân trở lại, bèn cùng nhau cất tiếng gọi:

    "Bố ở nơi nao, hãy mau về cứu chúng con!"

    Long Quân thoát nhiên trở về, thấy Âu Cơ đang một mình, dung mạo tuyệt mỹ. Long Quân yêu thích, hóa thành chàng trai hình dáng xinh đẹp, tả hữu trước sau có đông đảo kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng nhạc vang lừng đến nơi hành tại. Âu Cơ thấy Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. Long Quân đón về ở động Long Trang.

    Đế Lai về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần, biến hóa trăm hình vạn vẻ, nào yêu tinh quỷ mỵ, nào rồng rắn hổ voi, làm kẻ đi tìm sợ hãi không dám lục sạo, Đế Lai đành phải về phương Bắc.

    Đế Lai truyền ngôi đến Đế Du Võng thì đánh nhau với Hoàng Đế ở Phản Tuyền, không thắng mà bị chết, họ Thần Nông đến đây thì mất.

    Long Quân và Âu Cơ sống với nhau chừng một năm thì sinh được một bọc, cho là điềm không lành nên đem vứt ngoài đồng. Qua bảy ngày, bọc nở một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai.

    Long Quân đón về nuôi, không cần bú mớm, các con tự lớn, người nào cũng trí dũng kiêm toàn, ai ai trông thấy đều kính phục, cho là đám anh em phi thường.

    Long Quân ở mãi nơi Thuỷ Phủ, làm mẹ con Âu Cơ phải sống lẻ loi, muốn về đất Bắc. Khi đi tới biên giới, Hoàng Đế nghe tin thì lo sợ, chia quân ra ngăn giữ ngoài cửa ải. Mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân:

    "Bố ở nơi nao, làm mẹ con tôi phải buồn đau!"

    Long Quân bỗng nhiên tới, gặp nhau ở Tương Dã. Âu Cơ vừa khóc vừa nói:

    "Thiếp nguyên người đất Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau, sinh được trăm đứa con trai không biết dựa vào đâu nuôi nấng, vậy xin theo chàng; mong chàng đừng ruồng bỏ, làm mẹ con thiếp hóa ra những kẻ không chồng không cha, chỉ riêng mình đau khổ thôi."

    Long Quân nói:

    "Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc; nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn không đoàn tụ được với nhau, tuy khí Âm Dương hợp lại mà sinh con, nhưng dòng giống tương khắc như nước với lửa, khó bề ở lâu với nhau được.

    Nay phải chia ly, ta sẽ mang 50 con trai về Thủy Phủ, chia trị các nơi, còn 50 đứa sẽ theo nàng ở trên đất, chia nước ra mà cai trị. Những lúc lên non, xuống nước có việc cùng gắn bó, đừng bỏ rơi nhau."

    Trăm người con trai nghe theo, cùng nhau từ biệt. Âu Cơ và 50 con trai đến ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) cùng tôn anh cả làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang.

    Nước ấy Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến nuớc Hồ Tôn (sau này là Chiêm Thành). Chia nước làm 15 bộ:

    Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em chia nhau cai trị.

    Vua đặt ra các chức tướng văn tướng võ. Tướng văn gọi Lạc Hầu, tướng võ gọi Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Tư Mã gọi là Bồ Chính.

    Nô bộc gọi là Trâu, nô tỳ gọi là Tinh, các quan gọi là Khối. Đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ Đạo. Các vua truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương mà không thay đổi.

    Thời đó, dân miền núi xuống đánh cá dưới nước thường bị loài giao long gây thương tổn, tỏ bày việc ấy với Vua. Vua nói:

    "Giống sơn man khác với giống thủy tộc; giống thủy tộc vốn ưa những cái giống mình và ghét những cái khác mình, nên ta bị chúng gây hại."

    Bèn lệnh lấy mực xăm vào người thành hình thủy quái, từ đó không còn lo cắn bị thương nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu từ đấy.

    Buổi đầu dựng nước, đồ dùng của dân chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang và tung lư làm cơm, lấy cầm thú cá tôm làm mắm, lấy củ gừng làm muối. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi gạo.

    Gác gỗ làm nhà để tránh hổ lang làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới đẻ, lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì giã cối cho láng giềng nghe tiếng để kéo nhau đến cứu giúp.

    Con trai con gái khi hôn thú, trước hết lấy gói muối làm lễ hỏi, sau đó mới giết trâu giết dê để thành vợ chồng.

    Đem cơm nếp vào buồng cùng ăn xong, vợ chồng mới thành thân. Vì hồi bấy giờ trầu cau chưa có. Trăm con trai chính là Tổ tiên của dân Bách Việt vậy.

    (Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện; Quyển I)

    ĐVSKTT Ngoại kỷ Hồng Bàng thị

    Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết:

    "Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí Âm Dương cả. Kinh Dịch nói:

    " Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh[1] "

    Nên có vợ chồng rồi mới có cha con, có cha con rồi mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời.

    Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương[2], giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu[3], đều là ghi sự thực như thế.

    Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức Thủy Tổ của Bách Việt.

    Vương lấy con gái của Thần Long sinh Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp nước Việt ta hay sao?

    Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ[4] nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?" (ĐVSKTT).

    1. Kinh Dịch: Hệ từ.

    2. Truyền thuyết Trung Quốc nói là bà Giản Địch (vợ thứ Đế Cốc) nuốt trứng chim huyền điểu mà có mang, sinh ra ông Tiết, Tổ của nhà Ân Thương.

    3. Bà Khương Nguyên giẫm vết chân người khổng lồ, sinh ra ông Khi, tức Hậu Tắc, Tổ nhà Chu.

    4. Thông Giám Ngoại kỷ: Tức phần Ngoại kỷ của sách Tư Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.

    Ngô Thì Sĩ viết trong Việt Sử Tiêu Án (VSTA) :

    "Có người hỏi đẻ ra một bọc trăm trứng, việc ấy có chăng? Xin trả lời: Con Rồng sinh ra tự nhiên có cái khác phàm tục thì việc đẻ ra trứng có gì là lạ, nhưng cũng là một thuyết không theo lẽ thường."

    Các sử thần triều Nguyễn trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) thì nói đó là lời chúc cho dân tộc mau phát triển và sống trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt:

    "Kinh Thi có câu: Tắc bách tư nam (hàng trăm con trai). Đó là chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi, xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy, huống chi lại nói đẻ ra trăm trứng!"

    Thế nên:

    "Bạn đang băn khoăn về sự huyền bí đến độ phi lý quanh chuyện Mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng chăng?

    Xin bạn chớ bận tâm, bởi có cổ tích nào lại không bồng bềnh trong những chi tiết hư ảo đại loại như thế?

    Sâu sắc và khiêm nhượng thay, lời ký tải cái tâm của Tổ tiên về cội nguồn dân tộc: Đi từ trứng nước đi lên và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả Con Rồng Cháu Tiên đều cùng từ một bọc trứng ban đầu do Mẹ Âu Cơ sinh hạ.

    Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt ngàn năm còn mãi" (Nguyễn Khắc Thuần - Việt Sử Giai Thoại).

    Còn vì sao không sinh ra người ngay mà lại sinh ra bọc trăm trứng? Đó là vì trong cái phi lý cũng có logic của nó:

    Người Việt được hợp nhất từ hai tộc Âu Việt (sống ở vùng núi) và Lạc Việt (sống ở đồng bằng), hai tộc người này có tín ngưỡng của mình, đó là tín ngưỡng thờ vật Tổ (Tôtem giáo – coi một con vật nào đó là Tổ tiên mình, đây là tín ngưỡng thời sơ khởi) đó là Chim và Rồng.

    Chim ở trên núi tượng trưng cho Mẹ Âu Cơ, Rồng ở miền xuôi được hình tượng hóa chủ yếu từ cá sấu và rắn ở vùng đầm nước, sông biển: Tượng trưng cho Cha Lạc Long Quân.

    Khi hợp nhất về chủng tộc dẫn tới hợp nhất về vật Tổ, tạo nên bộ đôi Rồng – Chim (Tiên), đây là điểm khác biệt lớn với các dân tộc khác trên thế giới khi họ chỉ có một vật Tổ, riêng người Việt lại là hai.

    Duyên kỳ ngộ của Cha Rồng Mẹ Tiên sinh bọc trăm trứng như ta thấy hình tượng tiêu biểu là Chim, Rồng (rắn và cá sấu) đây là những loài đẻ trứng, đó là lý giải truyền thuyết xây dựng Âu Cơ sinh bọc trứng trước rồi mới nở ra những người con.

    Từ câu chuyện huyền thoại đó, tâm khảm mỗi người Việt Nam luôn nhắc nhở nhau phải biết nhớ ơn Tổ tiên, những người khai mở ra giống nòi dân tộc, đất nước; phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, bởi tất cả chúng ta đều là con cháu từ một gốc, sinh ra từ một bọc:

    Đã sinh cùng giống, cùng nòi

    Cùng trong đất nước là người đồng thân

    Phải xem ruột thịt cho gần

    Phải thương, phải xót quây quần lấy nhau

    Phúc cùng hưởng, họa cùng đau

    Một gan, một ruột ghi sâu chữ đồng

    May ra trời có chiều lòng

    Đời đời để giống Lạc Hồng này cho

    Gió thu hiu hắt sông hồ

    Sử xanh còn đó, địa đồ còn đây

    Mấy câu mượn bút giãi bày

    Xin người trong nước non này cùng nghe.

    (Ngô Quý Siêu)

    Có thể nói, qua huyền thoại "Bọc trăm trứng" cho thấy tuyệt tác của trí tuệ dân gian sáng tạo nên hình tượng rất độc đáo, tưởng như hoang đường mà rất thực tiễn, giàu ý nghĩa sâu xa.

    Chính trí tuệ dân gian trong hồi quốc sơ ấy đã nhân cách hóa hình tượng 50 người con theo cha về miền biển, 50 người con theo mẹ lên non để khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, điều có một không hai của văn hóa dân gian Việt Nam.

    Lê Thái Dũng

    Truyền thuyết Việt kể:

    Ý nghĩa từ Xích Quỷ

    Chữ Nho: Xích qủy 赤鬼 thì 赤 nghĩa là màu đỏ. Từ 鬼 nghĩa là (ma) quỷ.

    Giới nghiên cứu nay có người cho: 赤鬼 nguyên nghĩa "quỷ đỏ" cũng có thể hiểu: Quỷ mặc áo đỏ. Ám chỉ trang phục người Xích Quỷ có màu đỏ, trên người xăm đầy mình, nên người Hán gọi là quỷ.

    Về sau, người Xích Quỷ gọi mình là người Việt. Theo Kinh Dịch, Xích Quỷ là chỉ màu đỏ ở phương Nam (ngày nay) nắng chói chang là nơi sáng sủa văn minh, Xích Quỷ phải hiểu là vị thần phương Nam.

    Bản thân người viết trước đây kiến giải Xích Quỷ thực ra là Xích Quái nghĩa là quái màu đỏ cách gọi khác của quẻ Ly – La nghĩa là Lửa, về mặt địa lý tượng trưng cho hướng xích đạo nóng bức. Quái cũng là quỷ nên Việt ngữ có từ kép "quỷ – quái" tức quỷ chỉ là quẻ đọc chệch đi.

    Nước Xích Quẻ nằm ở vùng nhiệt đới, trong ngôn ngữ Dịch học cùng một hệ quy chiếu với Viêm Bang – Hồng Bàng.

    Chữ Nho xưa quỷ không có nghĩa là ma quỷ, Dịch học quan niệm phía Tây mặt trời lặn là Ly – lìa về số là số 4 – 9, hồn lìa khỏi xác rồi thì phần vật chất còn trơ lại gọi là "quỷ", quỷ cũng là 9 – cửu ngược với phía Đông con rồng quẻ Thìn, Thìn cũng là Thần, Đông – Tây là bên Quỷ bên Thần.

    Nguồn tổng hợp

    Informatik

    Lib2. Agu. Edu

    Nhat. 1forum

    Còn tiếp
     
    Ngudonghc, Sai NguyenPhan Kim Tiên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng ba 2021
  5. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    "Đất nước họ Hồng Bàng"
    Phan Huy Chú - Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (LTHCLC) - Dư địa chí

    "Kể vật quý trong nước thì đất đai là lớn nhất, nhân dân và của cải thảy đều do đó mà ra.. nước Việt ta do Vua Hùng gây dựng, chia biên giới, lập kinh đô, từ đó non sông nước Nam tạm phân định theo sơ đồ vạch sẵn ở" sách trời. "

    Tuy trải qua thời thuộc Hán, thuộc Đường, biên giới từng được cắt đặt, sau trước khác nhau nhưng đến khi nhà Đinh, nhà Lý kế tiếp lên ngôi thì bờ cõi nước ta được phân định rõ.."

    Theo sách sử lưu truyền thì Tổ tiên Vua Hùng là Kinh Dương Vương làm vua một nước, quốc hiệu Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ:

    Phía Bắc giáp Động Đình Hồ (nay thuộc tỉnh Hồ Nam - TQ), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành sau này), phía Tây giáp xứ Ba Thục (Tứ Xuyên - TQ) và phía Đông giáp Nam Hải (Biển Đông).

    Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ năm Nhâm Tuất 2879 TCN. Con của Kinh Dương Vương là Sùng Lãm nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân.

    Bộ tộc Bách Việt có nguồn gốc từ nước Xích Quỷ do Lạc Long Quân lập nên, từ khi phân tán thì thành nhiều bộ tộc khác nhỏ hơn, hay gọi chung tộc là Bách Việt. Vùng Hồ Nam trở ra Biển Đông là Ngô Việt, vùng Quảng Đông là Mân Việt, vùng Quảng Tây là Bách Việt.

    Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca

    Thời mở nước (thế kỷ 29 - thế kỷ 2 TCN)

    Hồng Bàng thị (2879 - 257 TCN)

    1. Mở đầu

    Nghìn thu gặp hội thăng bình,

    Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời

    Lan đài dừng bút thảnh thơi,

    Vâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh

    Nam Giao là cõi ly minh,

    Thiên thư định phận rành rành từ xưa

    Phế hưng đổi mấy cuộc cờ,

    Thị phi chép đến giờ làm gương.

    2. Kinh Dương Vương

    Kể từ trời mở Viêm bang,

    Sơ đầu có họ Hồng Bàng mới ra

    Cháu đời Viêm Đế thứ ba,

    Nối dòng Hỏa Đức gọi là Đế Minh

    Quan phong khi giá Nam hành,

    Hay đâu Mai Lĩnh duyên sinh lam kiều,

    Vụ Tiên vừa thuở đào yêu,

    Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên

    Dòng Thần sánh với người Tiên,

    Tinh anh nhóm lại, thánh hiền nối ra,

    Phong làm quân trưởng nước ta,

    Tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương

    Hóa cơ dựng mối luân thường

    Động Đình sớm kết với nàng Thần Long

    Bến hoa ứng vẻ lưu hồng

    Sinh con là hiệu Lạc Long trị vì

    3. Lạc Long Quân và Âu Cơ

    Lạc Long lại sánh Âu Cơ.

    Trăm trai điềm ứng hùng bi lạ dường.

    Noãn bào dù chuyện hoang đường,

    Ví xem huyền điểu sinh Thương khác gì?

    Đến điều tan hợp cũng kỳ,

    Há vì thủy hỏa sinh ly như lời,

    Chia con sự cũng lạ đời,

    Quy sơn, quy hải khác người biệt ly.

    Lạc Long về chốn Nam thùy,

    Âu Cơ sang nẻo Ba Vì Tản Viên.

    Chủ trương chọn một con hiền,

    Sửa sang việc nước nối lên ngôi rồng.

    4. Hùng Vương và nước Văn Lang

    Hùng Vương đô ở Châu Phong,

    Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang.

    Đặt tên là nước Văn Lang,

    Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền.

    Phong Châu, Phúc Lộc, Chu Diên,

    Nhận trong địa chí về miền Sơn Tây;

    Định yên, Hà Nội đổi thay,

    Ấy châu Giao Chỉ xưa nay còn truyền.

    Tân Hưng là cõi Hưng, Tuyên,

    Vũ Ninh tỉnh Bắc, Dương Tuyền tỉnh Đông;

    Thái, Cao hai tỉnh hỗn đồng,

    Ấy là Vũ Định tiếp cùng biên manh;

    Hoài Hoan: Nghệ; Cửu Chân: Thanh;

    Việt Thường là cõi Trị, Bình trung châu.

    Lạng là Lục Hải thượng du

    Xa khơi Ninh Hải thuộc vào Quảng Yên.

    Bình Văn, Cửu Đức còn tên,

    Mà trong cương giới sơn xuyên chưa tường.

    Trước sau đều gọi Hùng Vương,

    Vua thường nối hiệu, quan thường nối tên.

    Lạc Hầu là tướng điều nguyên,

    Vũ là Lạc Tướng giữ quyền quân cơ;

    Đặt quan Bồ Chính Hữu Tư

    Chức danh một bực, đẳng uy một loài.

    Sai lầm cơ bản của Giáo sư Đào Duy Anh

    Việc coi con chim Lạc gắn liền hiện tượng di cư của người Lạc Việt từ phương Bắc đến miền Bắc nước ta để giải thích nguồn gốc người Việt cổ là điểm mấu chốt trong giả thuyết của Giáo sư Đào Duy Anh (GS ĐDA). Vậy tại sao lại có con chim Lạc, chim Lạc là chim gì?

    1-Tại sao lại có tên là chim Lạc?

    Lịch sử thành văn của nước ta cũng như kho tàng thư tịch cổ TQ, không hề gặp một chữ nào ghi về chim Lạc.

    1902, trống đồng Ngọc Lũ là trống đồng đầu tiên được phát hiện ở miền Bắc nước ta.

    Trên trống đồng có hình khắc rất nhiều chim ở tư thế bay và đậu. Lúc đó người ta không biết những con chim ấy thuộc giống gì.

    Đến những năm 1950, GS ĐDA trong các tác phẩm Lịch sử cổ đại Việt Nam (1956), Nguồn gốc dân tộc Việt Nam (1958) đã căn cứ vài dòng trong thư tịch cổ TQ gọi dân tộc ta là dân tộc Lạc Việt rồi "sáng tác" :

    Huyền thoại về những người Lạc Việt có nguồn gốc ở Giang Nam (chỉ chung vùng đất phía Nam sông Dương Tử tức Trường Giang), hằng năm theo gió mùa, giống "hậu điểu" theo đường biển di cư sang miền Bắc nước ta. Người Việt cổ cũng theo giống chim trong cuộc di cư ấy. Ông viết:

    "Những chim hậu điểu ấy, ta thấy khắc trên trống đồng chính là tô tem (vật Tổ) của những chủ nhân trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt."

    Và:

    "Hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những thuyền chở Tổ tiên họ (tức người Lạc Việt) từ bờ biển Giang Nam đến miền quê mới (tức miền Bắc Việt Nam) cũng như những con chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng là hình chim Lạc vật Tổ" (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam - 1958).

    Như vậy, chim Lạc chỉ là sản phẩm tưởng tượng của GS ĐDA từ những năm 1950.

    Theo suy luận của ông, những thuyền được khắc trên tang trống là những thuyền đưa người Lạc Việt từ miền Giang Nam (Trung Quốc) đến miền Bắc nước ta.

    Quá trình di cư đó, ở trên trời có những đàn chim di cư bay cùng hướng.

    Chim dẫn đường cho người. Người theo chim mà tìm đến miền đất mới (tức miền Bắc nước ta). Vì vậy người biết ơn chim mà coi chim là vật Tổ.

    Trong tộc danh Lạc Việt thì từ "Việt" chỉ một thành phần trong Bách Việt, còn Lạc là tên chim.

    Lạc Việt là những người Việt thờ con chim Lạc làm vật Tổ. Tên con chim Lạc xuất hiện từ đó.

    Giả thuyết của GS ĐDA là giả thuyết mang nhiều yếu tố huyễn tưởng và lãng mạn, nhưng cũng thuyết phục được không ít người tin theo.

    Mãi gần đây, nhiều tác giả vẫn căn cứ vào giả thuyết này mỗi khi đề cập nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

    Chẳng hạn cuốn Các triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, NXB. Thanh Niên, 1999, được tái bản nhiều lần) có ghi:

    "Cư dân cổ xưa của nước ta là người Lạc Việt. Họ từ bờ biển Phúc Kiến di cư sang. Hằng năm theo gió mùa, họ vượt đến các miền duyên hải phương Nam như đảo Hải Nam, vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã (Việt Nam).

    Họ thường tự sánh mình với loài chim Lạc mà hằng năm đầu mùa lạnh, chim cũng rời vùng biển Giang Nam, đến mùa nắng gió nồm, chim lại về Giang Nam.

    Vì thế người Việt lấy chim Lạc làm vật Tổ. Cái tên của vật Tổ ấy thành tên của thị tộc. Sau nhiều năm như vậy, người Lạc Việt đã ở lại miền Bắc Việt Nam (Sdd, tr. 17). "

    Đến nay, những sách vở giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam theo giả thuyết của GS ĐDA thì rất nhiều, tạo ra những cách hiểu mơ hồ về nguồn gốc dân tộc ta, gây biết bao hệ lụy, không biết đến bao giờ mới gột bỏ được.

    2-Những sai lầm cơ bản trong giả thuyết của GS ĐDA

    Thật ra phản bác lại giả thuyết của GS ĐDA không khó.

    Nếu căn cứ trên mặt trống đồng để cho rằng những chim đó là vật Tổ của người Lạc Việt thì giải thích thế nào về 20 con hươu (10 đực, 10 cái) cũng trên mặt trống đồng đó?

    Tại sao chim là vật Tổ, còn hươu không phải vật Tổ? Hươu thì liên quan gì đến các chuyến bơi thuyền vượt biển?

    Cứ cho rằng dân tộc Việt chúng ta từ vùng bờ biển Giang Nam vượt biển mà vào miền Bắc nước ta thì các địa điểm mà họ định cư đầu tiên (sau đó sẽ thành các trung tâm định cư) phải là các vùng duyên hải.

    Lý do gì mà sau chặng đường dài vượt biển, họ còn bơi ngược dòng sông Hồng chảy xiết rồi mới tụ cư ở vùng Việt Trì, Phong Châu (Phú Thọ), sau đó từ Phong Châu tràn xuống vùng đồng bằng như truyền thuyết và sự thật lịch sử đã được kết quả khai quật khảo cổ chứng minh?

    Nếu chấp nhận có một cuộc di cư như thế thì vùng bờ biển Phúc Kiến, Quảng Châu, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (TQ) phải dày đặc người Việt (cụ thể là dân tộc Kinh của chúng ta).

    Họ phải đổ bộ lên các vùng đất ấy trước khi phát hiện ra miền Bắc Việt Nam. Vậy thì tại sao ở những địa điểm đó lại vắng bóng người Việt chúng ta (Những điểm tụ cư, những làng mạc trù phú của người Việt) ?

    Cuối cùng, sai lầm chính của GS ĐDA là từ việc giải mã các hình khắc trên trống đồng.

    Những hình người khắc trên thuyền mà ông cho là "kỳ hình quái trạng" đó là lễ hội hóa trang trên thuyền để mừng chiến thắng của người Việt cổ sau một trận đánh (chú ý đến lính cầm giáo đâm vào đầu tù binh, một nghi lễ hiến tế) chứ chẳng liên quan gì đến việc di cư.

    Từ giải mã sai mà ông đi đến giả thuyết sai lầm nhưng thuyết phục được không ít người.

    Đó là chúng ta chỉ xét thuần túy về mặt lý thuyết. Thực tế từ 1960-1970, kết quả khảo cổ học chứng minh người Việt là chủ nhân nền văn minh phát triển liên tục từ:

    Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn cách đây trên 4000 năm mà thời Hùng Vương chỉ là giai đoạn cuối của tiến trình phát triển lịch sử đó.

    Còn trước Văn hóa Phùng Nguyên, con người đang ở thời kỳ đồ đá, chưa thể đóng thuyền vượt biển được!

    Vậy những con chim trên mặt trống đồng thể hiện điều gì? Người Việt thời đó gồm hai bộ phận:

    Một bộ phận ở đồng bằng và một ở miền núi.

    Trống đồng là mô hình của đất nước ta, trên đó có loài hươu tượng trưng cho người miền núi (bộ phận Âu Việt, Âu Cơ) và loài chim ở nước, tượng trưng đồng bằng (bộ phận Lạc Việt, Lạc Long Quân).

    Chim ở nước có nhiều loài:

    Cò, vạc, sếu, giang, le le, cốc, bồ nông.

    Vì vậy trên mặt trống đồng không chỉ có một loài chim: Con đậu, con bay, con cổ dài, con cổ ngắn.. ngay trong giả thuyết của GS ĐDA, ông cũng không chỉ đích danh con chim nào là chim Lạc.

    Chẳng qua, các nhà làm nghệ thuật của ta sau này thấy con chim đang bay, có mỏ dài, cánh dài, có dáng đẹp nhất nên lấy nó làm hình ảnh tượng trưng cho chim Lạc mà thôi.

    Vả lại, trong các giống chim ấy, không hẳn tất cả chúng đều là chim di cư. Có giống mình to, cánh ngắn, đầu to nặng nề thì bay xa vượt biển sao được?

    3-Về từ "Lạc" trong Lạc Việt

    Sách Giao Châu ngoại vực ký dẫn lại trong Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc, thế kỷ VI) ghi:

    "Đất Giao Chỉ xưa khi chưa chia thành quận huyện (tức chưa bị cai trị của người Tàu) đất có Lạc điền, theo nước thủy triều lên xuống, dân trồng trọt ở các đám ruộng ấy để hưởng hoa lợi, vì vậy dân ấy gọi là Lạc dân, đặt các Lạc Hầu, Lạc Tướng để trông coi các quận huyện. Ở huyện phần nhiều là chức Lạc Tướng. Các Lạc Tướng có ấn đồng thao xanh."

    Ta thấy từ "Lạc" ở đây liên quan đến nước. Bởi những ruộng Lạc đó theo nước thủy triều lên xuống mà canh tác, chứng tỏ chúng nằm ở những địa hình trũng thấp, ven các triền sông, ven miền duyên hải.

    Trong từ Việt cổ, nước phát âm thành NÁC. Nay ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và đồng bào Mường vẫn gọi nước là "nác" :

    "Đẻ đất đẻ nác" (sử thi Mường), "Trăm rác lấy nác làm sạch" (phương ngôn Nghệ Tĩnh, ý nói trăm cái bẩn đều lấy nước rửa sạch).

    Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn có đoạn rất quan trọng, tác giả trích một đoạn trong tập Sứ Giao Châu của Trần Cương Trung người Trung Hoa đời Nguyên đi sứ sang ta thời Trần, Trần Cương Trung dùng chữ Hán để ghi âm từ Việt.

    Ví dụ từ "đất" nghĩa chữ Hán là "địa", ông ghi âm là "đát"; từ "gió" nghĩa chữ Hán là "phong", ông ghi âm là "giáo"; từ "mây" nghĩa chữ Hán là "vân", ông ghi âm là "mai"; từ "miệng" nghĩa chữ Hán là "khẩu", ông ghi âm là "mãnh"..

    Có lẽ Trần Cương Trung ghi âm một số từ cơ bản của ta để phục vụ cho các sứ giả Trung Hoa trong việc học phát âm tiếng Việt, dùng để giao tiếp khi đi sứ sang ta (không loại trừ họ học tiếng Việt để tìm hiểu, do thám bí mật của ta).

    Điều đặc biệt cần chú ý là từ NƯỚC của ta, họ ghi âm thành từ LƯỢC. Rõ ràng theo cách phát âm N thành L này thì từ NÁC của ta trước đây sẽ được các sử gia Trung Hoa ghi thành từ LẠC. NƯỚC = LƯỢC. NÁC = LẠC.

    Trở lại từ LẠC, ta thấy tất cả đều liên quan đến nước. Ruộng Lạc là ruộng thấp, ruộng nước. Còn Lạc Long Quân trong truyền thuyết dẫn 50 con về miền ven biển để khai khẩn đất đai cũng canh tác ruộng lúa nước (sau đó ông còn về Thủy Phủ, tức ở hẳn dưới nước).

    Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, từ LẠC là từ mà người Trung Hoa dùng để ghi âm từ NÁC = nước của ta mà thôi.

    Lạc Long Quân là giống Rồng, thủ lĩnh miền thấp, miền nước, Âu Cơ là giống Tiên, thủ lĩnh miền cao, miền núi hoàn toàn phù hợp với ghi chép trong thư tịch về các thành phần Lạc Việt, Âu Việt phù hợp với các hình khắc trên mặt trống đồng:

    Loài chim ở nước và loài hươu ở núi.

    Đó là 2 bộ phận tộc người nước ta trước đây. Rõ ràng ở đây không có con chim Lạc nào cả!

    Từ LẠC để ghi âm từ NƯỚC cũng tương tự như từ Hùng để ghi âm từ Cun, Khun (thủ lĩnh bộ lạc) trong ngôn ngữ Việt cổ.

    Chúng tôi cho rằng một số nhà nghiên cứu đang tìm cách phân tích, chiết tự chữ Hán để tìm hiểu nghĩa của những từ Âu, Lạc, Văn Lang, Việt Thường.. là việc làm vô ích.

    Bởi những từ đó đơn giản chỉ là những chữ Hán để ghi âm những từ Việt cổ tương tự như LẠC = NÁC. Việc cần thiết khi nghiên cứu thời kỳ đầu dựng nước là phải khôi phục lại âm gốc những từ Việt cổ bị Hán hóa đó.

    Nguồn tổng hợp:

    Phan Duy Kha

    Wikipedia

    Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí

    Còn tiếp
     
    Ngudonghc, Sai NguyenPhan Kim Tiên thích bài này.
  6. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Trần Gia Phụng

    1. XUẤT XỨ CỦA CHỮ "LẠC"

    "Xuất xứ chữ Lạc"
    Tài liệu bằng văn bản quan trọng đầu tiên về chữ "lạc" trong danh từ "Lạc Việt" (Lo Yueh), đến nay tìm thấy trong đoạn văn Giao Châu ngoại vực ký (sách Trung Hoa) xuất hiện giữa đời Tấn (266-420), nhiều sử sách trích dẫn:

    Từ Thủy Kinh chú (TK. 6) của Lịch Đạo Nguyên (Trung Hoa) đến An Nam Chí Lược (TK. 13) của Lê Tắc (Việt gian đầu hàng nhà Nguyên, sau sống ở TQ) rồi các sách khác về sau.

    Lịch Đạo Nguyên trong Thủy Kinh chú lặp lại theo Giao Châu ngoại vực ký:

    "Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu Lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc Vương, Lạc Hầu chủ chư quận huyện. Đa vi Lạc Tướng, đồng ấn thanh thụ."

    Dịch:

    "Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm.

    Dân khẩn ruộng đó ăn, nên tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc Vương, Lạc Hầu để coi quận huyện. Có nhiều Lạc Tướng, có ấn đồng lụa xanh[1]"

    Trong An Nam Chí Lược, Lê Tắc trích:

    "Tại Giao Châu ngoại vực ký, tích vị hữu quận huyện thời, Lạc điền tùy triều thủy thượng hạ, khẩn kỳ điền giả vi Lạc dân, thống kỳ dân giả vi Lạc Vương, Phó Vương giả vi Lạc Tướng, giai đồng ấn thanh thọ.."

    "Giao Châu ngoại vực ký chép:

    Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc Vương, người phó là Lạc Tướng, đều có ấn đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu) [2]"

    Hai cách hành văn khác nhau, nhưng ý chung cả hai phần trích dẫn trong hai sách đều bắt đầu rằng ở cổ Việt có loại ruộng "Lạc điền", người cày cấy "Lạc điền" để sinh sống là "Lạc dân", rồi mới có "Lạc Vương", "Lạc Hầu", "Lạc Tướng."

    Di chỉ rõ nhất về nền văn minh Lạc Việt là trống đồng. Khi Mã Viện (Ma Yuan, 14 TCN – 49 SCN) đem quân sang cổ Việt đánh Hai Bà Trưng năm 41 SCN, Viện lấy được nhiều trống đồng ở cổ Việt, nhiều đến nỗi Viện dùng các trống đồng nấu chảy, đúc thành hai ngựa, dâng Hán Quang Vũ (trị vì 25-57 SCN).

    Sử sách Trung Hoa gọi trống đồng ở cổ Việt là "Lạc Việt đồng cổ" (trống đồng Lạc Việt).

    Như vậy sau "Lạc điền, Lạc dân, Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng" có thêm chữ "Lạc Việt đồng cổ." Từ các tài liệu Trung Hoa trên, danh xưng Lạc Việt dùng để chỉ chủng người sống trên đất cổ Việt, Tổ tiên người Việt chúng ta nay[3] .

    Trên mặt cũng như trên thân những trống đồng Lạc Việt có rất nhiều hình ảnh, trong đó có hình chim.

    Không tài liệu nào của người xưa giải thích các hình vẽ, hoặc những ẩn dụ trong các hình vẽ khắc trên trống đồng.

    Các sử sách cổ không giải thích hình chim trên trống đồng Lạc Việt là chim gì? Nói cách khác, những hình vẽ trên trống đồng Lạc Việt là hình "câm."

    Các giải thích của những học giả đời sau chẳng qua là phỏng đoán, những giả thuyết mà thôi, không ai giải mã được đủ ý nghĩa những hình vẽ này.

    Hình vẽ trên các trống đồng Lạc Việt hoàn toàn không có màu sắc. Màu sắc các loại chim rất quan trọng vì nhiều thứ chim ngoại hình giống nhau, nếu không có màu sắc thì không phân biệt được.

    Những con chim trên trống đồng Lạc Việt chẳng có màu sắc, làm việc phỏng đoán thêm khó khăn.

    2. CHIM "LẠC" LÀ CHIM GÌ?

    Đi tìm ý nghĩa chữ "Lạc Việt", các nhà nghiên cứu Việt Nam giữa TK. 20 tra cứu chữ "lạc" trong các từ điển Trung Hoa, được biết một trong những ý nghĩa chữ "lạc" trong từ điển Trung Hoa là một loài chim.

    Các ông liền liên tưởng hình chim trên trống đồng Lạc Việt, đưa giả thuyết chữ "Lạc" trong "Lạc Việt" là một loài chim, có thể là vật Tổ (Totem) của người Lạc Việt.

    Đầu tiên, học giả Đào Duy Anh trong sách Lịch sử Việt Nam xuất bản lần đầu năm 1955, chương 3 (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, người Lạc Việt), đã viết:

    "Những điểm ấy khiến chúng ta thấy những người đúc trống đồng ấy - người Lạc Việt đã từng vượt biển. Những chim hậu điểu ấy người ta thấy khắc trên trống đồng là chim Tô-tem của những chủ nhân những trống đồng ấy, tức người Lạc Việt.

    Tìm ý nghĩa chữ Lạc hay họ [Lạc], tức tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy chữ ấy chỉ là một loại hậu điểu ở Giang Nam.

    Xã hội học cho biết các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên vật Tổ mà tự đặt tên. Như thế chữ Lạc là tên vật Tổ, tức loài hậu điểu trên trống đồng Ngọc Lũ." [4]

    Đi theo cách nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh là các ông Văn Tân, Hà Văn Tấn và linh mục Nguyễn Phương.

    Hai nhà nghiên cứu Văn Tân và Hà Văn Tấn tham khảo các từ điển Trung Hoa như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, để mô tả hình dạng con chim, tranh luận về chim "Lạc". Sử gia Nguyễn Phương dựa các từ điển Trung Hoa, và thêm rằng:

    "Đối với chúng tôi, thiết tưởng không có gì ngăn trở chúng ta nghĩ rằng thứ chim được vẽ trên các trống đồng rất có thể là chim Lạc.

    Những thứ chim đó là giống chân cao mỏ dài nhưng cổ vắn, thật giống lời tả trong các tự điển về chim Lạc nói rằng nó" giống như chim Nghịch nhưng cổ vắn[5] "

    Nếu các tác giả trên phỏng đoán hình chim trên các trống đồng là chim" Lạc ", vậy chim" Lạc "phải là loại chim sống với người cổ Việt, trên đất cổ Việt. Trong trường hợp đó, câu hỏi đầu tiên là nước Việt Nam chúng ta có chim Lạc không?

    Đời sống thực tế, nay người Việt khắp các miền đất nước, không ai biết chim Lạc là chim gì, không ai thấy chim Lạc thế nào, thậm chí chưa hề nghe nói đến một loại chim là chim" Lạc. "

    Đào Duy Anh, Văn Tân, Hà Văn Tấn, Nguyễn Phương cũng không biết chim" Lạc "là chim gì, vì nếu biết, các ông đã không cãi nhau về hình dạng con chim" Lạc. "

    Bên cạnh thực tế thiên nhiên, có lẽ nên đi vào các từ điển Việt Nam, chứ không phải từ điển Trung Hoa để truy tìm chim Lạc là chim gì ở Việt Nam?

    Từ điển Annamiticum-Lusitanum, et Latinum của linh mục Alexandre de Rhodes, xuất bản lần đầu tại Rome năm 1651, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính dịch, Nxb. KHXH in lại năm 1991, trang 131, không có riêng chữ" lạc "đứng một mình, mà chỉ có chữ kép:

    " LẠC ĐÀNG: Lạc mất đường. Chém lạc: Chém trật. Đi lạc: Đi lạc. Chim lạc: Chim lạc, và cũng nói về các thú vật khác.. "(sic)

    Chú ý từ điển này không giải thích riêng chữ" lạc ", mà bắt đầu bằng chữ" lạc đàng. "

    Đại Nam quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, xuất bản ở Sài Gòn năm 1895 có chữ" lạc ", nhưng không có chữ" lạc "nào nói ý nghĩa là con chim hay con thú.

    Từ điển tiếng Việt do Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội khởi thảo, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1931, đưa ra 5 ý nghĩa của chữ" lạc "(trang 290), nhưng không có ý nghĩa là chim hay thú.

    Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951, có chữ" lạc ", nhưng không có chữ" lạc "nào chỉ chim hay con thú.

    Việt ngữ chính tả tự vị của Lê Ngọc Trụ, Sài Gòn, Nxb. Thanh Tân năm 1959, trang 260, mục chữ" lạc ", nghĩa thứ 5, có ghi:

    " Tên loại thú. "

    Sau đó trong Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970 không đề cập ý nghĩa" lạc "là chim hay thú.

    Tại Hà Nội, Từ điển tiếng Việt, in lần thứ ba, năm 1991, do Văn Tân chủ biên cùng 12 tác giả hợp soạn (ngoài Văn Tân, có những tác giả nổi tiếng như Trần Văn Giáp, Hoa Bằng) cũng không có chữ" lạc "nào có nghĩa là thú hay chim.

    Các sách trên, chỉ có từ điển của Alexandre de Rhodes viết" Chim lạc: Chim lạc, và cũng nói về các thú khác ", và từ điển của Lê Ngọc Trụ ghi" lạc "là" tên loại thú. "

    Còn các từ điển khác không đề cập chim Lạc hay" lạc "là" tên loài thú ". Từ điển của A. De Rhodes và của Lê Ngọc Trụ đều không xác định được chim Lạc là chim gì, mà còn dẫn người ta đến chỗ" lạc "là một loại thú.

    Ngay Văn Tân trước đây rất hùng biện hình dạng chim" Lạc ", nhưng nay trong bộ Từ điển tiếng Việt do ông chủ biên và xuất bản nhiều lần tại Hà Nội lại không có chữ nào nói về chim" Lạc. "

    Truyện cổ tích Việt Nam, các sách truyện thần thoại Việt Nam (Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái), trong truyện dân gian đồng quê Việt Nam, trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, hoàn toàn không có dấu vết chim Lạc.

    Như thế chim" Lạc "theo phỏng đoán của những nhà nghiên cứu trên, không khác gì con rồng trong truyền thuyết, vì chẳng ai thấy rồng, và thực tế không có rồng. Đã không biết chim Lạc là chim gì, làm sao đoán được hình chim trên trống đồng là chim Lạc?

    Ngoài ra, nếu chim Lạc là vật Tổ, là loại chim quan trọng thì hình chim Lạc phải nằm ở nơi trang trọng nhất mặt trống đồng:

    Vị trí trung tâm.

    Đàng này, trên các trống đồng Lạc Việt, hình chim không nằm ở trung tâm, mà nằm ở vòng ngoài cùng; không phải chỉ có một hình chim trên mỗi trồng đồng, mà có rất nhiều hình chim (vừa bay vừa đậu) chạy vòng tròn quanh mặt trống, có thể xem là những hoa văn trang trí chung quanh mặt trống mà thôi.

    Bề mặt trống đồng Ngọc Lũ[6] có hình chim bay và đậu ở vòng ngoài cùng.

    Nền văn minh nông nghiệp Việt Nam từ thuở ban đầu đến TK. 19, rất ít thay đổi, nếu không muốn nói không thay đổi.

    Kỹ thuật cày cấy theo đúng câu phương châm" xưa bày nay làm ", vẫn là người kéo cày, hoặc" con trâu đi trước cái cày theo sau. "

    Do đó, nếu chim Lạc là loại hậu điểu và là vật Tổ của nông dân cổ Việt, tại sao vật Tổ này hoàn toàn không có vết tích gì được ghi trong tín ngưỡng vật linh, trong truyền thuyết dân gian, trong chuyện cổ tích, trong sách vở, trong ngôn ngữ và ngay trong phong tục hay đời sống hằng ngày của nhà nông Việt Nam?

    Người Việt gọi cá ông (cá voi), ông ba mươi (con cọp), nhưng tuyệt nhiên không ai nói chim Lạc hay hậu điểu.

    3." LẠC "LÀ MỘT TỪ NGỮ PHIÊN ÂM

    TK. 18, học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) trong Vân Đài Loại Ngữ khi nghiên cứu cổ sử, đã nhận xét:

    ".. Tôi xét đời Hùng Vương, trên nối đời Hồng Bàng, không có chữ nghĩa gì truyền lại; về 15 bộ đặt ra thời đó, cùng các quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô [Trung Hoa] mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ những tên đó do các hậu Nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó tin được.. "[7]

    Những" hậu Nho "này chẳng những là" hậu Nho "Việt, mà cả những" hậu Nho "Trung Hoa nữa. Việc" các hậu Nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó tin được "bắt nguồn từ hai lý do:

    Thứ nhất, trước khi Triệu Đà áp đặt đô hộ ở cổ Việt, những danh từ riêng như tên đất, tên người đều là tiếng bản địa cổ Việt.

    Khi đô hộ cổ Việt, người Trung Hoa phiên âm các danh từ này rồi viết lại, nghĩa là dùng những chữ Hán có âm giống tiếng cổ Việt, ghi lại địa danh và nhân danh. Chắc chắn chữ" Lạc Việt "nằm trong trường hợp đó.

    Thứ hai, Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, giành độc lập cho người Việt năm 938, nhưng mãi đến TK. 13, nước Việt mới có bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt Sử Ký do Lê Văn Hưu (1230-1322) soạn xong năm 1272 đời Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278).

    Ghi nhận điểm này để lưu ý trước đó nước Việt chưa có sách sử.

    Các sử gia từ Lê Văn Hưu về sau, muốn viết lịch sử nước nhà từ thời cổ đại đến thời Trần, phải dựa sử liệu Trung Hoa, đồng thời dựa thêm những truyền thuyết, cổ tích, chuyện truyền kỳ, mới viết được. Vì vậy, Lê Quý Đôn mới viết:

    " Tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu Nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó tin được.. "

    Trong sách Việt Nam thời khai sinh, sử gia Nguyễn Phương trích dịch một bài báo của Claude Madrolle nhan đề" Le Tonkin ancien "đăng trên Tập san Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l'École Française d'Extrême-Orient), theo đó Claude Madrolle nói chữ" Lạc "trong" Lạc Việt "là chữ phiên âm:

    " Tiếng đã quá quen biết với chúng ta đó, các sách Trung Hoa dùng để chỉ vua và các tướng cùng dân ở Bắc Kỳ, nghĩa là dân Annamites, và chúng ta dùng hùa theo như vậy.

    Tuy nhiên trong cảnh xưng hô chung đó, có một chỗ chúng tôi cho không được ổn là tiếng phiên âm "lo" cũng gặp được tiếng "Hok-lo, Tổ tiên của dân Hải Hậu..

    Trùng hợp đó làm sáng tỏ công trình nghiên cứu của chúng tôi. Thực ra người Lạc ở châu thổ không phải dân Annamites, nhưng là dân Hok-lo của nước Việt, gọi là Hải Hậu.." [8]

    Sau Claude Madrolle, tác giả Hoàng Văn Chí, trong sách Duy văn sử quan, chủ trương rằng chữ "lạc" là phiên âm.

    Ông cho biết người Trung Hoa phiên âm chữ "lạc" với nhiều cách khác nhau, tức với nhiều "bộ" khác nhau, nhưng theo ông "bất cứ chữ lạc nào [trong chữ Hoa], viết với bất cứ" bộ "nào, với nghĩa là con lạc đà, con chim biển, hay con thú bốn chân nào đó.. đều vô nghĩa.

    Đã không có nghĩa mà viết lung tung," bộ nọ, bộ kia ", thì phải ngờ đây là những chữ người Tàu dùng để phiên âm một tiếng nào đó của người địa phương, của Tổ tiên chúng ta." [9]

    Thông thường, một chữ phiên âm phải đọc đúng âm chữ đó. Sau khi đọc đúng âm, cần tìm hiểu ý nghĩa chữ đó trong tiếng gốc trước khi được phiên âm, và trường hợp này là tiếng cổ Việt mới hiểu được chữ đó.

    Chữ "Lạc" viết bằng chữ Trung Hoa. Người Trung Hoa chỉ dùng âm của chữ này để chỉ chủng người ở cổ Việt. Vậy phải đọc theo âm Trung Hoa mới đúng, không phải đọc theo âm Hoa (Hán) Việt.

    Chữ "Lạc" đọc theo âm Hán Việt của người Việt là "lạc", còn đọc theo âm Trung Hoa là "lo, ló, lô". Ví dụ Lạc Dương phiên âm theo chữ Latin là Loyang. Rõ ràng âm "Lo" là Lạc.

    Về việc phát âm chữ này, ông Hoàng Văn Chí viết rõ hơn:

    "Ngay cái lò để nung, người Tàu gọi lò, chúng ta bắt chước gọi lò, mà chữ lò của Tàu, bây giờ tiếng Hán Việt cũng là lạc.

    Tóm lại, những chữ mà người Tàu đọc ló, lò, bây giờ chúng ta đọc là lạc hết thảy. Vì người Tàu chỉ dùng chữ Lạc để phiên âm tiếng Ló của người Giao Chỉ, nên về sau, họ viết bất cứ chữ lạc nào:

    Lạc là con lạc đà, lạc là chim biển cũng được, vì bất cứ chữ lạc nào, viết với bất cứ" bộ "nào, họ cũng đọc là ló tất." [9]

    Nếu đọc là "lo, ló, lô" phải tìm hiểu ý nghĩa những chữ này trong tiếng Việt cổ. Nếu nhất định đọc theo âm Hán Việt là "lạc", rồi tìm hiểu nghĩa theo chữ Trung Hoa sẽ bị lạc hướng.

    Ví dụ tên nước Canada được Trung Hoa đọc theo tiếng "Phổ thông" là "Cá nả tà (i)", rồi phiên âm qua chữ Trung Hoa.

    Người Việt đọc chữ Trung Hoa đó theo âm Hoa (Hán) Việt là Gia Nã Đại. Tên Thủ đô nước Hoa Kỳ là Washington. Người Trung Hoa đọc "Hỏa shỉn tơn", rồi phiên âm qua chữ Trung Hoa.

    Người Việt đọc chữ Trung Hoa đó theo âm Hoa Việt là Hoa Thạnh Đốn. Không lẽ một lúc nào đó, người Việt giải thích "Gia" là, hoặc "Hoa" là.

    Giải thích "Hoa" là bông hoa hay cái gì đi nữa, dù có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ "hoa", về các loại hoa cũng hoàn toàn vô nghĩa, vì đã sai từ căn bản, do chữ "hoa" chỉ là một tiếng phiên âm.

    Trường hợp chữ "Lạc Việt" cũng thế. Chữ "lạc" là tiếng phiên âm một từ ngữ của người bản địa cổ Việt.

    Dù có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ "lạc" trong sách Trung Hoa, trong các từ điển như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, và các bộ từ điển này căn cứ trên những cổ thư danh tiếng của Trung Hoa[10] thì đó là ý nghĩa chữ "lạc" trong tiếng Trung Hoa phát âm theo lối Hán Việt, không phải chữ phiên âm từ tiếng của người bản địa cổ Việt[11] .

    4. "LẠC" LÀ LÚA GẠO

    Chữ "lạc" đọc theo âm Hán Việt là "lạc", nhưng đọc theo âm tiếng Hoa là "lo, ló, hay lô.." Như vậy, cách tốt nhất nên tìm nghĩa của chữ có âm "lo, ló, lô" trong tiếng cổ Việt là gì?

    Xin bắt đầu bằng tục ngữ, là những lời nói bình dân phổ thông có vần điệu của mọi người. Tại miền Quảng Bình, phía Bắc Trung phần, có câu tục ngữ:

    "Cơm mô [đâu] cho vừa bụng chó, ló mô cho vừa bụng gà."

    Chữ "ló" trong câu này có nghĩa "lúa", vì từ Thừa Thiên ra đến Nghệ An, dân nông thôn đều hiểu và nói thường ngày chữ "ló" nghĩa là lúa.

    Ai cũng biết người miền núi và cao nguyên Việt Nam đều trồng một loại lúa gạo là lúa lốc. Chữ "lốc" cũng là lối đọc từ chữ "ló."

    Gần đây xuất hiện hai bộ từ điển tiếng Việt là Từ điển đồng nguyên (viết trên CD) của ông Nguyễn Hy Vọng, Từ điển tiếng Huế của ông Bùi Minh Đức (California: Nxb. Tâm An, 2001, tr. 271), đều viết "ló" nghĩa là "lúa gạo."

    Theo tác giả bộ Từ điển đồng nguyên, từ ngữ này vẫn dùng ở vài sắc tộc miền núi nước ta như người Mường, người Bờ-ru (Brou), người Mon, và nhiều sắc dân Đông Nam Á.

    Hai chi tiết đáng chú ý trong câu viết của Thủy Kinh chú, khi trích dẫn Giao Châu ngoại vực ký:

    "Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu Lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc Vương, Lạc Hầu. Đa vi Lạc Tướng.."

    (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc Vương, Lạc Hầu. Có nhiều Lạc Tướng).

    Chi tiết thứ nhất là "Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu Lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ." (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm).

    Tùy thủy triều lên xuống mà cày cấy, thì rõ ràng ruộng Lạc là ruộng lúa nước, nghĩa là lúa gạo, không phải lúa mì hay lúa mạch ở ruộng khô.

    Theo Phan Khoang, "từ đời Tây Chu trở về trước, người Hoa chỉ chiếm lưu vực sông Hoàng Hà.." [12] Điều này rất dễ thấy nếu chịu khó mở bất cứ bản đồ nào về nhân chủng và dân số Trung Hoa qua các thời đại trong các sách Anh ngữ viết về Trung Hoa cổ đại trong các thư viện Bắc Mỹ.

    Người Trung Hoa cổ đại sống ở thung lũng sông Hoàng (Hoàng Hà), trồng (lúa) mì, (lúa) mạch và kê ở ruộng khô, chưa biết lúa gạo ở ruộng nước.

    Nhà nghiên cứu Hoa Kỳ - tác giả Edward H. Schafer viết sách Ancient China (1967) :

    "Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Hoa] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền Nam xa xôi hẻo lánh [Nam Man] ."

    Nguyên văn:

    "The arts of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south."

    Nhà nghiên cứu này cho rằng Khổng Tử người tỉnh Sơn Đông (Shandong) vùng hạ lưu Hoàng Hà và ở phía Bắc sông Dương Tử[13]:

    "Sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê" (nguyên văn: ".. Confucius have subsisted chiefly on millet cakes.."), và "Khổng Tử chưa bao giờ thưởng thức trà, và chắc chắn Vương Xung, sáu thế kỷ sau, cũng thế." (nguyên văn: ".. Cofucius never tasted tea, and it is doubtful that Wang Ch'ung, six centuries later, did either.." [14] .

    Trà là loại giải khát cũng phát xuất từ miền Nam.

    Ngày càng nhiều kết quả khảo cứu của các học giả Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa và Việt Nam cho thấy trung tâm đầu tiên trên thế giới của văn minh lúa nước là Đông Nam Á, từ đó lan truyền khắp nơi trên thế giới.

    Theo các tác giả trên, tâm điểm trung tâm văn minh lúa nước ở Đông Nam Á là khu vực Hòa Bình ở Bắc Việt[15] .

    Hòa Bình nằm trong khu vực uốn khúc sông Đà để đổ lên sông Hồng, gần huyện Mê Linh (tức Phú Thọ, Vĩnh Phúc), quận Giao Chỉ thời cổ Việt, nơi phát tích của Hai Bà Trưng.

    "Theo một tư liệu được coi như tiếng nói chính thức của giới nghiên cứu sử học Trung Quốc, quyển An Outline History Of China, do nhà xuất bản Ngoại văn ở Bắc Kinh ấn hành, giữa năm 1973 đến 1978, các nhà khảo cổ khai quật số lượng rất lớn các di chỉ:

    Lúa gạo, xương và các lưỡi mai bằng gỗ đã hóa thạch dùng trong trồng lúa ở làng Hemudu, thuộc huyện Yuyao, tỉnh Zhejiang; niên đại các di chỉ này cách nay 7.000 năm." [16]

    Tỉnh Zhejiang (phiên âm theo Pinyin) được viết là Chekiang (phiên âm theo Wade-Giles) tức tỉnh Triết Giang hay Chiết Giang (phiên âm Hoa Việt) bên Trung Hoa, nằm ở phía Đông Nam sông Dương Tử, phía trên tỉnh Phúc Kiến.

    Cách nay 7.000 năm nghĩa là 5.000 TCN, lãnh thổ tỉnh Zhejiang tức Triết Giang hay Chiết Giang chưa thuộc về Trung Hoa. Tài liệu này càng cho thấy rõ trồng lúa ở Trung Hoa phát xuất từ phía Nam mà đi lên.

    Người Trung Hoa gọi những người ở phía Nam sông Dương Tử là Bách Việt, trong đó Zhejiang tức Triết Giang hay Chiết Giang là nơi cư ngụ của nhóm người Đông Việt.

    Đông Việt thuộc chủng Việt, không phải người Hoa (Hán), ai cũng biết các chủng người Việt ở phía Nam sông Dương Tử trong nhóm Bách Việt có nhiều liên hệ với nhau thời cổ đại.

    Bằng chứng mối liên hệ này là nay nhiều người địa phương từ tỉnh Triết Giang xuống phía Nam, sử dụng một số từ ngữ rất giống tiếng Việt và không có trong tiếng Trung Hoa, vì họ gốc từ nhóm Bách Việt, trong đó có Lạc Việt[17]

    Hiện nay, vấn đề chủng tộc "Việt" (Yueh) là vấn đề chính trị rất nhạy cảm ở các tỉnh Đông Nam Trung Hoa và cả Đài Loan.

    Chi tiết thứ hai trong câu văn của Thủy Kinh chú lập lại ý của Giao Châu ngoại vực ký:

    "Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu Lạc điền.. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc Vương, Lạc Hầu. Đa vi Lạc Tướng.."

    (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc.. Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc Vương, Lạc Hầu. Có nhiều Lạc Tướng)

    Trong câu này, chữ "lạc" bắt đầu từ "Lạc điền", sau đó lặp lại nhiều lần, "Lạc dân, Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng"; tất cả đều bắt đầu bằng chữ "Lạc."

    Nếu hiểu chữ "lạc" là lúa nước tức lúa gạo, thì chữ "Lạc điền" nghĩa là "ruộng Lạc", tức là ruộng lúa nước, có lý hơn là chữ "Lạc" là chim, vì nếu "Lạc điền" là "ruộng chim Lạc" thì ý nghĩa không được chính xác.

    Có thể có người cho rằng "Lạc điền" là ruộng "người Lạc" cũng không đúng, vì trong trình tự câu văn này, rõ ràng bắt đầu từ "Lạc điền" (ruộng ló tức ruộng lúa gạo). Sau đó tác giả Giao Châu ngoại vực ký mới định danh:

    "Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc Vương, Lạc Hầu chủ chư quận huyện. Đa vi Lạc Tướng.."

    (Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc Vương, Lạc Hầu để coi quận huyện. Có nhiều Lạc Tướng)

    Hơn nữa, theo ông Hoàng Văn Chí, không ai nói "Hán điền" (ruộng Trung Hoa) hay "Pháp điền" (ruộng Pháp) nên không thể nói "Lạc điền" là ruộng của "người Lạc". [18]

    Cuối cùng tất cả "Lạc dân", "Lạc Vương", "Lạc Hầu", "Lạc Tướng" sống bằng "Lạc điền" được gọi chung là Lạc Việt, tức là sắc dân Việt cày cấy ruộng lúa gạo để sinh sống, phân biệt với các sắc dân Việt khác trong nhóm Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử như:

    Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Đông Việt ở Chiết Giang.

    Sắc dân Lạc Việt được nhắc nhiều trong Hậu Hán thư của Phạm Diệp (Fan Yeh, 398-446), nhất từ giai đoạn Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Tô Định năm 40 và Mã Viện cầm quân tấn công Hai Bà Trưng năm 41, xâm lăng Lạc Việt.

    5. CHIM GÌ TRÊN TRỐNG ĐỒNG?

    Nếu nói chữ "lạc" không phải chim Lạc, và chữ "lạc" là "lo, ló, lô", tức lúa gạo, "Lạc điền" là ruộng lúa gạo, "Lạc Việt" là người Việt sống bằng ruộng lúa gạo, thì một câu hỏi mới:

    Hình chim trên trống đồng là loại chim gì?

    Trả lời câu hỏi này, trước hết nên đặt thêm câu hỏi phụ là ở Việt Nam, xưa nay, loại chim nào gần với ruộng lúa nước, với nhà nông và với nghề nông nhất?

    Trả lời câu hỏi này là có thể trả lời luôn câu hỏi về hình chim trên trống đồng Lạc Việt, tức trống đồng của những người Việt sống nhờ "Lạc điền", trồng lúa nước tức lúa gạo.

    Trên các cánh đồng lúa Việt Nam, có các loại chim thông thường sau đây:

    Chim sẻ, chim mía, chim sâu, chim ột rột hay rột rột (một loại chim có tổ rất đẹp), chim sáo, chim cu đất, chim cu cườm, chim cò, chim hạc.

    Chim cò và chim hạc, hai loại chim hơi giống nhau, với mỏ dài, cổ dài, cánh dài, xem ra có vẻ giống với các hình chim vẽ trên trống đồng hơn các loại chim khác.

    Trên trống đồng, ngoài hình chim, còn nhiều hình khác, trong đó có hình người, có thể là những vũ công, hoặc có thể là những chiến sĩ đang nhảy múa.

    Những người này trang điểm bằng những lông chim dài trên đầu. Các loài chim trên đồng ruộng Việt Nam, cò có lông dài, có thể dùng để trang điểm, đeo lên đầu, như hình người trên các trống đồng Lạc Việt.

    Hình chim bay khắc trên trống đồng Ngọc Lũ được vẽ lại, khá giống hình ảnh trong câu tục ngữ "Cò bay thẳng cánh" mà thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy trên đồng ruộng Việt Nam[19] .

    Ngoài hình vẽ chim bay, các trống đồng Lạc Việt còn có hình vẽ chim đậu trên cành cây. Xin hãy tiếp tục quan sát: [19]

    Qua hình nầy, có hai câu hỏi:

    Thứ nhất hình dạng cổ chim. Có ba cách suy đoán hình dạng này:

    1. Đây có thể là cái bìu dài nơi cổ. Nếu là bìu dài ở cổ, đây phải chăng là chim bồ nông, một loại chim săn cá? Bồ nông cũng là loại chim có trên đồng ruộng Việt Nam.

    Nhưng ở Việt Nam, bồ nông không phổ thông như cò, nhiều nơi hoàn toàn không có bồ nông, trong khi cò tràn đầy khắp nơi, từ Bắc chí Nam, từ bình nguyên lên cao nguyên, nơi nào có hồ ao, ruộng lúa là có cò.

    2. Đây có thể là chim cò đang ngậm mồi, vì khi bắt được mồi, chim đậu lên cành để nghỉ.

    3. Đây có thể là chim cò, và bộ lông ở cổ chim bị gió thổi hất tung ra.

    Thứ hai, tại sao có những lông bờm dài trên đầu hình chim? Có người trả lời đây không phải những lông bờm trên đầu cò, nhưng nếu thường sống ở nông thôn Việt, có thể thấy hình ảnh này:

    Những ngày lộng gió, gió thổi làm lông đầu của cò xửng lên.

    Có thể người xưa chú trọng trang điểm bằng lông chim nên vẽ lông cò theo mô thức mà họ thích.

    Phải chăng bộ lông dài trên đầu xửng lên là nét độc đáo của cò, nên sở Bưu Điện Hoa Kỳ ghi hình ảnh này trên tem thư (stamp) phát hành năm 2003?

    Đây là hình loại "snowy egret", một trong những loại cò sống từ miền Nam Hoa Kỳ xuống tới Chile và Argentina.

    Lông chim dài, trắng như tuyết, rất đẹp; dân thích săn bắt loại cò này để lấy lông làm đồ trang điểm, nên nay chính phủ Hoa Kỳ lệnh cấm săn bắt loại chim này để bảo vệ chim khỏi bị tuyệt chủng.

    (Hình bao đựng 20 tem thư loại 37 xu có hình cò)

    Cò hiện diện khắp lãnh thổ Việt, ở miền bình nguyên cũng như trên các cao nguyên. Cò chuyên bắt cá, tôm, tép, cua, ếch, nhái trên các ao hồ, sông ngòi, nhất là trên các cánh đồng lúa nước.

    Cò gắn liền đời sống nông nghiệp, bàng bạc trong ca dao tục ngữ Việt. Cò có chân dài, bước trên ruộng nước lúp xúp để kiếm mồi, mỏ dài để thò xuống nước bắt mồi, cò dễ kiếm mồi ở những ruộng nước đục (đục nước béo cò). Đôi khi cò giẫm hư lúa của nhà nông. Ca dao có câu:

    "Cái cò cái vạc cái nông,

    Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?

    Không không tôi đứng trên bờ

    Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi.."

    Bất cứ khi nào ra đồng cày cấy, nhà nông cũng gặp ngay con cò, dù sáng sớm hay xế chiều, kể cả phải kiếm ăn ban đêm:

    "Con cò mà đi ăn đêm,

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.."

    Những ngày đẹp trời, cò bay lượn thong thả rất đẹp, được ghi lại trong một bài ca:

    "Con cò bay lả bay la,

    Bay qua ruộng lúa, bay về đồng xanh.."

    Thân cò mảnh khảnh, rất siêng năng, kiếm sống suốt ngày, không khác gì phụ nữ Việt Nam, cần cù làm việc trên các cánh đồng để nuôi gia đình, thay chồng lên đường theo phận sự nam nhi:

    "Thân cò lặn lội bờ sông,

    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

    Nàng về nuôi cái cùng con,

    Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.."

    Câu ca dao này liên tưởng đến hình ảnh bà vợ Trần Tế Xương, một phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, do chính chồng bà ghi lại:

    "Quanh năm buôn bán ở mom sông,

    Nuôi đủ năm con với một chồng.

    Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

    Eo xèo mặt nước buổi đò đông.

    Một duyên hai nợ, âu đành phận,

    Năm nắng mười mưa, dám quản công,

    Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

    Có chồng hờ hững cũng như không[20]"

    Tất cả ca dao, tục ngữ, bản nhạc, bài thơ trên cho thấy tâm tình người Việt nói chung, đặc biệt nông dân Việt nói riêng, rất gần gũi với cò.

    Như thế chắc chắn thuở bình minh lịch sử dân tộc, người Lạc Việt cũng tiếp cận thân thiết với cò trong khi cày cấy đồng ruộng mà theo Giao Châu ngoại vực ký là loại ruộng nước. Loại ruộng nước rất thích hợp với đời sống con cò.

    Ngày ngày, nông dân thuở sơ khai gặp gỡ thường xuyên con cò đi kiếm ăn trên những cánh đồng lúa nước, nên hình ảnh cò gắn liền đời sống của họ, thấm đậm tâm tư tình cảm của họ.

    Có thể người Lạc Việt ghi lại hình ảnh con cò trên các trống đồng của mình. Hình chim trên trống đồng Lạc Việt có thể là những con cò trên đồng lúa cổ Việt, chủng loại cò đó tồn tại mãi đến ngày nay ở Việt Nam.

    Khi giải thích chữ "Lạc Việt" và hình chim trên trống đồng Lạc Việt, những nhà nghiên cứu từ Đào Duy Anh đến Nguyễn Phương chỉ chú trọng đến những bộ từ điển có tính cách hàn lâm Nho học của Trung Hoa, mà không nhìn lại những bộ từ điển Việt Nam như:

    Annamiticum-Lusitanum, et Latinum (năm 1651) của linh mục Alexandre de Rhodes, Đại Nam quấc âm tự vị (năm 1895) của Hùinh Tịnh Paulus Của, hay Từ điển tiếng Việt (năm 1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, là những bộ từ điển được ấn hành trước thời các ông.

    Còn có bộ từ điển khổng lồ mà ai cũng có thể tra cứu. Đó là đời sống nông dân Việt trong cảnh quan thiên nhiên, với những sinh thực vật thân thiết chung quanh.

    Đó là những ruộng lúa trên khắp các nẻo đường đất nước, cùng những động vật sống theo đồng ruộng, sống nhờ đồng ruộng.

    Thực tế, những đồng ruộng đó nuôi sống dân tộc chúng ta từ thuở khai sinh, nuôi sống luôn một số động vật khác, trong đó con cò rất gần gũi thân thiết với nhà nông, nhưng vì quá bình dân và quá quen thuộc, nên không được các học giả chú ý.

    Con cò là đề tài của ca dao tục ngữ, thơ văn, âm nhạc, thế thì tại sao cò không thể là đề tài điêu khắc, hội họa? Nền điêu khắc và hội họa này rất xưa, thật là xưa. Đó là những hình vẽ trên trống đồng Lạc Việt, xuất hiện cách đây trên 2.000 năm.

    Để kết luận, xin lưu ý tất cả hình ảnh trên trống đồng Lạc Việt đều là hình "câm". Những ý kiến đưa ra quanh các hình câm trên trống đồng, kể cả bài viết này, chỉ là những phỏng đoán, những giả thuyết, không phải là những kết luận. Giả thuyết có thể đúng, có thể sai. Giả thuyết nào hợp lý sẽ đứng vững.

    Hy vọng có thêm những thảo luận về vấn đề này để càng ngày càng làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử thuở khai sinh của dân tộc Việt.

    TRẦN GIA PHỤNG

    (Toronto, 21-12-2005)

    CHÚ THÍCH

    1. Nguyễn Phương trích dịch, Việt Nam thời khai sinh, Huế: Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại học Huế, 1965, tt. 137-138.

    2. Lê Tắc, An Nam Chí Lược [chữ Nho], Huế: Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, phiên âm và dịch nghĩa, 1961, tr. 39.

    3. Trong sách Việt Nam thời khai sinh, sử gia Nguyễn Phương cho rằng Tổ tiên người Việt thuộc chủng Mông Cổ (Mongoloid), nhưng ông không giải thích vì sao người Việt nói tiếng Việt chứ không nói tiếng Trung Hoa.

    Trong khi càng ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy người Việt là hợp chủng của người bản địa cổ Việt (Malayo-Polinesian hay Indonesian) với người Mông Cổ đến sau, mà trong đó yếu tố bản địa có tính cách chủ yếu.

    4. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam [xuất bản lần đầu năm 1955], Hà Nội: Nxb. Văn Hóa Thông Tin [tái bản], 2002, tr. 38.

    Theo lời nói đầu trong sách, Đào Duy Anh cho biết ông soạn sách này từ năm 1949 ở Thanh Hóa, nơi tìm ra được nhiều trống đồng.

    5. Nguyễn Phương, sđd. Tr. 136.

    6. Trống đồng Ngọc Lũ: Phát hiện năm 1893, nguyên vẹn trong lòng đất ở xã Như Trác, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

    Đường kính 79cm, cao 63cm. Bề mặt:

    Mặt trời 14 tia, 3 vành hoa văn: 1 vành cảnh sinh hoạt, 1 vành 20 hươu đi và 14 chim bay, 1 vành 18 chim bay xen kẽ 18 chim đứng. Tang:

    Hoa văn hình thuyền, lưng hoa văn người múa. (Hình vẽ lại, trích từ Phạm Huy Thông (Chairman of Editorial Board), Dong Son Drums in Viet Nam, Hà Nội: The Vietnam Social Science Publishing House, 1990, tr. 5) [Theo ghi chú của Nxb, sách in ở Nhật]

    7. Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, Hoa Kỳ: Bd. Của Phạm Vũ và Lê Hiền, Tự Lực [tái bản], không đề năm ấn hành, tr. 167.

    8. Nguyễn Phương trích dịch, sđd. Tt. 132-133. (Về số báo, Nguyễn Phương ghi là BEFEO XL)

    9. Hoàng Văn Chí, Duy văn sử quan, Nxb. Cành Nam, Hoa Kỳ, 1990, tt. 78 và 79.

    10. Các từ điển Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên soạn từ thế kỷ 17, 18 trở đi ở Bắc Kinh (Trung Hoa), căn cứ trên những bộ cổ thư Trung Hoa, nên có tính Trung Hoa hơn là cổ Việt hoặc Đại Việt.

    Những bộ cổ thư đó đại để như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, Mặc Tử, Liệt Tử, Sử ký (Tư Mã Thiên), Chiến Quốc sách, Ngô Việt Xuân Thu, Hán thư (Ban Cố), Hậu Hán thư (Phạm Diệp), Hoài Nam tử, Quốc ngữ, Thuyết văn, Nhĩ nhã, Quảng nhĩ nhã..

    11. Từ vấn đề này, có lẽ nên mở rộng việc nghiên cứu thêm một số tên những nhân vật nổi tiếng như Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh..

    12. Phan Khoang, Trung Quốc Sử Lược, Đại Nam tái bản không đề năm, tr. 1.

    13. Khổng Tử: Người tỉnh Sơn Đông (Shandong hay Shantung) vùng hạ lưu Hoàng Hà và ở phía Bắc sông Dương Tử.

    14. Edward H. Schafer, Ancient China, New York: Time-Life Books, 1967, tt. 16, 37, 38. Wang Ch'ung tức Vương Xung (27-97), triết gia thời Đông Hán (25-220) là tác giả nhiều sách lý luận về triết học, quan trọng nhất là bộ Luận hoành (30 quyển). Hoành là cái cân, nghĩa rộng là cân nhắc, so sánh.

    15. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TpHCM, 1997, tt. 75-86.

    16. Nguyễn Đức Cung, "Chung quanh vấn đề Lạc Việt", tạp chí Đất Mẹ, Houston, số 119, tháng 10-2005, tr. 50, trích dẫn sách của Yang Zhao, Fang Linggui, Gong Shuduo, Zhu Zhongyu, An outline history of China, Edited by Bai Shouyi, Foreign languages press, Beijing, 1982, tr. 39.

    17. Theo lời kể của một số người Việt du lịch Trung Hoa, đã đến thăm các tỉnh từ Triết Giang xuống phía Nam.

    18. Hoàng Văn Chí, sđd. Tr. 78.

    19. Hình trích từ Nguyễn Khắc Ngữ: Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, Montréal: Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1981, tr. 49.

    20. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc Gia giáo Dục, Sài Gòn, in lần thứ 8, 1962, tr. 179.

    Nguồn:

    Luanhoan

    Pgae Nam Văn Hội Quán

    Còn tiếp

    Đôi lời:

    Bộ sử này không chỉ về các sự kiện lịch sử, các danh nhân, văn thần võ tướng, các triều đại, mà còn đề cập rất nhiều vấn đề khác trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, và mọi thứ sẽ diễn ra lần lượt theo thứ tự từ trước đến sau, nên nếu ai đó post chen vào sẽ rất khó cho người đọc theo dõi, vì sẽ rất lộn xộn về mặt thời gian, giống như chưa học lớp 1 đã học lớp 2 vậy. Mong các bạn thông cảm cho mình và người đọc!
     
    Sai NguyenPhan Kim Tiên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng ba 2021
  7. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Thủy Tổ Đài Môn

    [​IMG]

    "Đi tìm mộ Tổ Kinh Dương Vương"
    Đi tìm mộ Tổ Kinh Dương Vương

    "Em ơi buồn làm chi

    Anh đưa em về bên kia sông Đuống

    Ngày xưa cát trắng phẳng lì

    Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh

    Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ."

    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

    Từ cảm hứng thi ca mà cố nhà thơ Hoàng Cầm khắc họa, chúng tôi có chuyến hành trình mùa xuân xuôi dòng sông Đuống hiền hòa tìm về mảnh đất Kinh Bắc.

    Có thể nói bên kia sông Đuống là miền văn hóa lâu đời với mái chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp và Luy Lâu nơi khởi thủy Phật giáo khi truyền vào Việt Nam.

    Ở triền đê bên kia sông Đuống có làng tranh Đông Hồ với hình ảnh gà, lợn nét tươi trong in trên giấy điệp.

    Nhưng có mấy ai biết nơi đây:

    Thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm sát bên bờ sông Đuống, bao quanh là rừng cây và sông nước, cổ kính, thâm nghiêm, kỳ vĩ.

    Nằm sát bờ Nam sông Đuống, Á Lữ là một trong những làng Việt cổ, xưa có tên là Phúc Khang (hoặc Phúc Thần) thuộc vùng đất cổ Luy Lâu (hay Liên Lâu), nay thuộc huyện Thuận Thành là nơi duy nhất độc đáo có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, ghi dấu và thờ phụng tôn vinh Thuỷ Tổ dân tộc có công khai sơn sáng thuỷ, khởi lập giang sơn gấm vóc Việt Nam.

    Nếu ai một lần xuôi dòng sông Đuống theo triền đê văn hóa và chú ý trên đoạn đê từ làng tranh Đông Hồ về chùa Bút Tháp sẽ gặp tấm biển bê tông cỡ lớn ghi:

    "Di tích lịch sử lăng Kinh Dương Vương - Thủy Tổ Việt Nam."

    Nếu không có mục đích từ trước hoặc không thích quan sát hai bên đường thì khó ai biết mình vừa đi qua lăng mộ, nơi yên nghỉ ngàn thu của người được coi Thủy Tổ khai thiên lập quốc của Việt Nam.

    Men theo đường bê tông từ đê sông Đuống rẽ xuống theo biển chỉ dẫn, chúng tôi gặp bia cổ đã bị vỡ một phần được đặt trên bệ bê tông. Ở đây quanh năm u tịch, vắng lặng khác thường.

    Sông Đuống (Thiên Đức) - dòng chi lưu ngắn ngủi của sông Hồng chưa đầy 70km, chảy qua Bắc Ninh, chia tỉnh thành hai phần Nam, Bắc.

    Nghìn năm qua, dòng sông Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích.. bồi đắp nền văn hiến, văn hóa đặc trưng cho Kinh Bắc.

    Sông Đuống được xếp hàng quán quân của những dòng sông có mật độ di tích văn hóa lịch sử dày đặc. Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích triều Lý, triều đại khởi đầu văn minh Đại Việt, mở thời độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống đậm đặc dấu thiêng, truyền thuyết về:

    "Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân - Âu Cơ, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt."

    Qua cầu Hồ nối bờ Bắc với bờ Nam sông Đuống là về đất Thuận Thành – vùng đất cổ đầy trầm tích và huyền thoại. Nắng chiều sông Đuống nhuộm vàng những vạt ngô, khoai.

    Con đê uốn lượn chầm chậm đưa tới cửa Lục Đầu Giang mênh mông. Trong xôn xao sóng nước, vẳng nghe như lời bàn luận của tướng sĩ nhà Trần ở Hội Nghị Bình Than tìm kế sách chống quân xâm lược thuở nào.

    Và hình ảnh thiếu niên trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản phải đứng ngoài hội nghị mà lòng ngùn ngụt chí báo quốc, bóp nát quả cam lúc nào không biết để rồi viết vào sử xanh 6 chữ vàng:

    "Phá cường địch, báo hoàng ân."

    Ráng chiều lấp lánh, gió sông lồng lộng thổi bung làn khói bếp lam chiều còn đang bồng bềnh bên mái ngói nâu trầm phía những làng cổ trong đê, gọi ký ức về trong thương nhớ:

    Kinh Dương Vương thác tại mảnh đất Luy Lâu (Thuận Thành nay - PV). Do đó, dân chọn phần đất cao, địa thế đẹp đắp mộ thờ phụng ông ở làng Á Lữ bây giờ.

    Sau 4892 năm, trải nhiều biến thiên lịch sử, nước nhà bị xâm lược, truất vị đổi ngôi, nhưng mộ phần vẫn còn giữ nguyên được hình dáng và vị trí.

    Nguồn:

    Baobacninh

    Nguyên vẹn lăng mộ Thủy Tổ

    Bà Nguyễn Thị Mừng, ban quản lý khu di tích chùa Dâu nói thành Luy Lâu cổ với sông Dâu chạy qua, xưa là vùng đất vô cùng trù phú được ví như "Kinh Kỳ, Phố Hiến" thời cổ đại.

    Được bồi đắp phù sa bởi sông Dâu cổ nên vùng đất này rất phát triển về nông nghiệp, trồng trọt.

    Hệ thống trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, các lái buôn đều chọn vùng đất Luy Lâu làm nơi giao thương, buôn bán trao đổi hàng hóa bởi đây là nơi Phật giáo đầu tiên đặt chân đến nước Việt truyền đạo, chứng tích còn lưu lại hiện nay là chùa Dâu cổ kính, độc đáo bậc nhất Việt Nam vừa thờ Phật vừa thờ Tứ Pháp.

    Từ thành phố Bắc Ninh (trước là thị xã Bắc Ninh) xuôi đường 38 đến cầu Hồ (trước là phà Hồ) khoảng 12km, đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km đến thôn Á Lữ:

    "Nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ."

    Đứng trên đê thôn Á Lữ, nhìn về sông Đuống sẽ thấy vùng cây cối tốt tươi.

    Những cây xà cừ cổ thụ cành lá sum suê có tuổi đời hàng trăm năm, nhiều gốc cây hai, ba người vòng tay ôm không xuể.

    Thoảng trong gió là hương của hàng ngàn bông hoàng lan xòa bóng xuống khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương.

    Trông sang chùa Phật Tích, nhìn rõ tượng Phật lớn trên đỉnh núi, xuôi dòng về đến Lục Đầu Giang gặp Kiếp Bạc.

    Á Lữ là làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng là đất hội tụ của "tứ linh" với 99 ao, 99 gồ, những ao, gồ này linh ứng vào địa thế long, ly, quy, phượng chầu về, nơi duy nhất có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương.

    Vùng đất có nước có lửa, có khí Âm khí Dương, giao thoa bồi tụ, ở vào thế bất vong (không thể lưu lạc, phù hợp với việc đặt lăng làm mộ).

    Vì thế trước lăng còn bia đá khắc nổi hai chữ "bất vong" (trường tồn mãi mãi). Phía dưới hàng ngang có chữ:

    "Ái Quốc Mạc Vong Tổ."

    Phía hậu lăng là bức Nam Tổ Miếu. Hai bên lăng có đôi câu đối:

    "Quốc thống khai Nam phục

    Bi đình kỷ thành công."

    Cụm di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ là chốn linh thiêng bậc nhất được xếp vào loại miếu thờ Đế Vương các triều đại từ cổ xưa.

    Lâu nay, không nhiều người biết đến khu đền thờ và lăng mộ này.

    Có lẽ vì đây là nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Thủy Tổ người Việt là Kinh Dương Vương.

    Lăng mộ Nam Bang Thuỷ Tổ tọa lạc trên đất phù sa ven sông, mặt hướng về phía dòng sông Thiên Đức (nay sông Đuống) nghiêng nghiêng uốn lượn, dưới những rặng tre êm ả bình yên như phong cảnh làng quê có tự bao đời.

    Lăng mộ Kinh Dương Vương được ghép toàn bằng đá xanh với kiến trúc đơn giản kiểu chồng diêm tám mái, tám đao dốc, xung quanh có tường bao bảo vệ. Lăng có nhiều bậc tam cấp xuống tận mép nước.

    Lối vào lăng có bia đá xanh khắc nổi hai chữ Hán: "Hạ mã" nhắc nhở mọi người xuống ngựa (xe) trước khi vào viếng.

    Bia cao 65cm, rộng 55cm, dầy 10cm, phần bia là 65cm x 35cm, trán bia trang trí hình hổ phù ngậm chữ thọ, hai chân khuỳnh rộng, phía dưới là những đám mây, xung quanh và lòng bia trang trí hoa dây cỡ chữ 19cm x 19cm khắc nổi.

    Bia "hạ mã" dựng trước khu lăng, xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ qua khu lăng mộ này đều phải xuống đi bộ, ít nhất là hết địa phận của lăng.

    Trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ và đại tự "Nam Bang Thủy Tổ" cùng câu đối:

    "Lập thạnh kỷ công Nam Thánh Tổ,

    Phong thần tố tích Bắc thần tôn."

    Với một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính. Trên đường vào phía phải khu lăng mộ có nhà để khách sắp lễ. Phía ngoài lăng có đôi câu đối:

    "Xích Quỷ sơ đồ xuất

    Hồng Bàng vạn đại xương."

    Nghi trượng khu lăng mộ gồm: Bia đá xanh ở giữa lăng cao 1, 05m, rộng 0, 45m khắc chìm 19 chữ, chính giữa mang dòng chữ:

    "Kinh Dương Vương lăng" cỡ chữ 10cm x 10cm, trán bia trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh trang trí hoa dây cách điệu, phía dưới là hình sóng nước.

    Bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng và dựng trước lối vào lăng ghi rõ sự tích Kinh Dương Vương. Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi:

    Xuân năm 1840, nhà vua (tức Minh Mạng) ban ân điển 18 điều, điều 4:

    "Lăng tẩm Đế Vương các triều đại có hỏng nát chỗ nào thì thuê dân sửa chữa, lập bia chí, cấm dân hái củi ở đấy."

    Sách "Bắc Ninh địa dư chí" ghi rõ hơn về việc thờ phụng ở đền và lăng:

    "Đền Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ huyện Siêu Loại gần sông Thiên Đức, lăng vua cũng ở phía trên bờ sông cách đền vài trăm bước.

    Xưa nơi này vốn rậm rạp, triều Minh Mạng tu sửa, dựng bia. Xếp vào loại miếu thờ Đế Vương, các triều đại mỗi lần quốc khánh, vua sai quan đến tế."

    Qua sử sách, đền và lăng Kinh Dương Vương vốn có từ lâu đời, đến thời Minh Mạng được tu bổ, lập bia và việc thờ phụng ở đây mang tính quốc gia.

    Lăng mộ nổi tiếng linh thiêng. Xung quanh có rất nhiều cây gỗ quý, cổ thụ, trị giá chục tỷ, nhưng chưa lần nào có kẻ dám vào cưa trộm. Những người thủ nhang ở lăng mộ nói:

    "Nếu vào lăng mà không dâng hương xin phép thì không thể quay phim, chụp ảnh. Từng có đoàn làm phim, đoàn nhà báo từ Hà Nội về nhưng không xin phép thần linh, tự ý lấy máy ra quay chụp, khi về toàn bộ số băng, phim đều hỏng."

    Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là mộ cổ do dân chọn địa thế đẹp, tụ khí phong thủy, dựng lên như một biểu tượng.

    Theo như nhận xét của nhà văn, nhà nghiên cứu Xuân Cang, mộ cổ có địa thế tuyệt đẹp, long mạch giao nhau sinh ra linh khí đất trời, từ đó kết phát mãi cho muôn đời sau.

    Thế đất tứ linh với mộ cổ này, theo quan niệm cổ xưa chi phối trên từng vị trí, cảnh quan khu lăng mộ. Đằng sau lăng, phần hậu điện ứng với vị trí Huyền Vũ (Rùa) là gò đất chắc chắn, vững vàng. Bao quanh là um tùm cổ thụ, ứng với vị trí Thanh Long (Rồng).

    Về phía Tây của lăng, khu vực này thấp và phẳng phiu hơn, hướng về đồng ruộng, từ đó kiềm chế nguồn năng lượng bất định của vị trí Bạch Hổ (Cọp).

    Mặt trước của lăng ứng vị trí Chu Tước (Phượng) hướng ra sông Đuống. Nhiều năm qua, dân thôn Á Lữ trông nom, gìn giữ khu di tích này.

    Điều quan trọng là mộ nằm trung tâm thời dựng nước, từng là thánh địa do Kinh Dương Vương chọn.

    Trên đường đi kinh lý, qua trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành), nhận ra thế đất quý, có tứ linh:

    Long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục, ngài đem cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên xóm làng đầu tiên.

    Vùng đất Phúc Khang bắt đầu trỗi dậy sức sống mãnh liệt và thành vùng thánh địa của thị tộc, bộ lạc người Việt, sau là vùng Luy Lâu nổi tiếng đến nay.

    Sau này, để ghi nhớ công Tổ tiên, dân nơi đây dựng lăng, lập miếu thờ để con cháu đời đời ghi nhớ.

    Bởi thế đền Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, thiết kế thờ tam vị Thánh Tổ (Kinh Dương Vương; Lạc Long Quân và Âu Cơ).

    Hiện giới sử gia chưa xác định được đền thờ tam vị Thánh Tổ có từ bao giờ, chỉ biết nó được trùng tu, tôn tạo thời Lê-Trịnh (cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XVII). Đến thời Gia Long, trùng tu lại đền Kinh Dương Vương.

    1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự "Nam Tổ Miếu" (thờ Thủy Tổ) và Thần truyền, Thánh kế (thờ các Thánh, Thần).

    Các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định lăng và đền thờ Kinh Dương Vương phải có từ trước đó rất lâu, bởi nơi đây vẫn đang lưu dấu tích xưa:

    Những sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ.. từ Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn.

    Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Thành, kiêm trưởng ban quản lý lăng và đền Kinh Dương Vương, hiện xã còn giữ 18 sắc phong, 2 sắc phong đời Trần và 16 sắc phong triều Nguyễn. Ngoài ra, có một số đồ vật được các đời vua Nguyễn dâng lên Tổ tiên:

    Bát đời vua Lê, mâm đồng..

    Khu di tích Kinh Dương Vương có thờ Hưng Đạo Vương và bức vẽ truyền thần ông ngay cạnh khu thờ chính.

    Trong khu lăng có một số câu đối, đại tự:

    "Bất vong."

    Tạm dịch:

    "Không quên."

    Ý nói không bao giờ được quên hoặc sao nhãng chốn Tổ của mình. Phải luôn hướng về cội nguồn nhớ ơn Tổ tiên.

    "Nam Bang Thuỷ Tổ."

    Tạm dịch:

    "Ông Tổ đầu tiên của nước Nam."

    * * *

    "Lập thạch kỷ công Nam Thánh Tổ

    Phong phần tố tích Bắc thần tôn."

    Tạm dịch:

    "Lập bia để ghi lại công đức Thánh Tổ nước Nam

    Đắp mộ để nhớ lại dấu tích thần tôn đất Bắc."

    * * *

    "Việt Nam sơ đầu xuất,

    Thần Nông tứ thế phân."

    Tạm dịch:

    "Ông Tổ Việt Nam chính là từ đây,

    Cháu 4 đời của Thần Nông chia ra."

    Có tài liệu ghi vế 2:

    "Hồng Bàng vạn đại xương."

    Tạm dịch:

    "Họ Hồng Bàng muôn đời thịnh vượng."

    * * *

    "Đức Giang kim lăng miếu,

    Nghĩa Lĩnh cổ kinh thành."

    Tạm dịch:

    "Bên dòng sông Thiên Đức nay còn khu lăng miếu,

    Ở núi Nghĩa Lĩnh xưa là khu kinh thành."

    * * *

    "Vạn cổ giang sơn ân hồn Tổ.

    Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi."

    Tạm dịch:

    "Từ vạn đời cả nước Nam chịu ơn sâu ngọn nguồn tiên Tổ;

    Một nấm mồ nhỏ, trải bao mưa gió vẫn sừng sừng một tấm bia to."

    Về phía Đông trong khuôn viên đền thờ Kinh Dương Vương có nhà tả văn, hữu võ, nhà bàn soạn, nhà trình và chùa Đông Linh Bát Nhã thờ mẹ của Kinh Dương Vương, vợ của Kinh Dương Vương, và Âu Cơ.

    Bên trong hậu cung đền có ba ngai thờ:

    Ngai Kinh Dương Vương ở gian giữa, ngai Lạc Long Quân bên phải, ngai Âu Cơ bên trái.

    Toàn bộ quần thể khu di tích thấp thoáng dưới những vòm cây xanh lá, thâm u tĩnh mịch. Mỗi khi gió nhẹ từ mặt sông Đuống thổi lên, tiếng lá xạc xào như tiếng vọng về từ muôn xưa.

    Kinh Dương Vương còn được thờ làm thành hoàng làng thôn Á Lữ. Đình cổ phía Đông làng khởi dựng với quy mô lớn gồm 2 tòa:

    Tiền tế 7 gian và đại đình có 5 gian tiền đình, 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ chạm khắc "tứ linh, tứ quý" lộng lẫy.

    Hệ thống thần phả, sắc phong của đình và đền cho biết người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

    Đền trong thờ Lạc Long Quân, đền ngoài thờ Âu Cơ (hai đền đều bị Pháp phá 1949).

    Đền xây trong làng, theo đường bộ về thành phố Bắc Ninh, qua chùa Bút Tháp, chùa Dâu đều tiện.

    Cổng tam môn đền có đôi rồng đá chầu vào và những trụ đèn lồng hai bên cánh phong đắp nổi hình võ sĩ giáp trụ oai nghiêm.

    Từ ngoài nhìn vào, cổng tam môn đắp nổi bốn chữ Hán "Thủy Tổ đài môn" (Cửa đền thờ Thủy Tổ). Từ trong nhìn ra, đắp nổi ba chữ "Ẩm tư nguyên: Uống nước nhớ nguồn.

    Theo các cụ cao niên thôn Á Lữ, từ lâu đời thôn Á Lữ có hai đền được dựng để thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, ở xóm Bi phía Tây làng Á Lữ thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ.

    Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí" tứ linh, tứ quý "lộng lẫy.

    Phía ngoài đê là bãi lăng nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương cũng được quy hoạch tu tạo khang trang.

    1949-1952, giặc Pháp đến thôn Á Lữ hai lần, phá hoại toàn bộ đền, đình, chùa, khai thác hết cây cối phục vụ nhu cầu làm công trình giao thông, đồn bốt.

    Dân làng kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý:

    Ngai, kiệu, 15 sắc phong.. của đền và đình thời Nguyễn, các thư tịch cổ, sắc phong còn lại bị Pháp đốt sạch.

    Dân địa phương đấu tranh bảo vệ phần lăng của Tổ tiên cùng các sắc phong, đồ thờ, ngai, kiệu.

    Theo ông Khải, tất cả đạo sắc phong thời Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều có câu đầu tiên" Thần truyền - Thánh kế ", chứng tỏ các triều đại trước đều coi khu di tích Kinh Dương Vương là nơi linh thiêng của dân tộc trực thuộc triều đình" nhất thôn nhất xã "bởi tên gọi trước kia của thôn Á Lữ là trang Phúc Khang.

    1959, dân Á Lữ rước ba vị về thờ ở khu văn chỉ (nơi thờ hiện nay). 1971, dân thôn Á Lữ mới có điều kiện quy hoạch và tôn tạo khang trang, thoáng mát mà vẫn đậm nét dấu ấn kiến trúc cổ.

    2-2-1993, Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ đó đến nay, khu di tích này được dân thôn Á Lữ và tỉnh Bắc Ninh gìn giữ.

    Đền nay gồm ba gian xây cất kiểu chữ" Công ", nhà ngoài (tiền tế) gồm năm gian, đủ để lập các ban thờ và tiếp đón du khách thăm viếng, tường gạch bao quanh để bảo vệ, diện tích khu đền khoảng 2347m2.

    Ba gian trong:

    Gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái có ngai đặt trên bệ thờ Âu Cơ, gian bên phải có ngai đặt bệ thờ Lạc Long Quân cùng hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú:

    Mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng, bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Các đại tự đặt ở vị trí trang trọng:" Nam Tổ miếu "," Nam Bang Thủy Tổ "và câu đối:

    " Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy

    Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh thanh. "

    Nghĩa:

    " Cương vực Việt Nam núi sông vạn dặm được tạo dựng từ trước

    Họ Hồng Bàng gìn giữ ngàn năm còn để lại tiếng linh thiêng. "

    " Phụ đạo thiên niên quốc

    Âu Cơ bách noãn bào. "

    Nghĩa:

    " Đạo của cha ngàn năm là đạo của đất nước

    Mẹ Âu Cơ là mẹ sinh ra bọc trăm trứng. "

    Cùng 15 đạo sắc của các vua Nguyễn ban cấp hiện còn lưu giữ, đạo sắc có niên hiệu:

    ".. Gia Long cửu niên (1810) tháng 8 ngày 11 sắc chỉ. Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc. "

    Các đạo sắc về sau:

    1 đạo Minh Mệnh năm thứ 2 (1821),

    2 đạo Thiệu Trị năm thứ 2 (1842),

    2 đạo Thiệu Trị năm thứ 6 (1846),

    2 đạo Tự Đức năm thứ 3 (1850),

    1 đạo Tự Đức năm thứ 33 (1880),

    2 đạo Đồng Khánh năm thứ 2 (1887),

    1 đạo Duy Tân năm thứ 3 (1909)

    2 đạo Khải Định năm thứ 9 (1924).

    15 đạo sắc phong có 9 đạo sắc phong cho Kinh Dương Vương, 1 đạo phong cho Lạc Long Quân, còn 5 đạo phong cho thành hoàng làng thôn Á Lữ.

    Đạo sắc có niên hiệu muộn nhất.. Khải Định cửu niên (1924) tháng 7 ngày 25 sắc chỉ, Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, toàn tiền phụng sự Kinh Dương Vương hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông ban cấp, sắc chỉ chuẩn hứa phụng sự tứ kinh chính trực..

    Các bậc cao niên làng Á Lữ cho biết:

    " Những đại tự, câu đối, sắc phong hiện còn giữ tại đây cho thấy lăng Kinh Dương Vương thời xưa được xếp hàng miếu thờ Đế Vương các triều đại, mỗi lần tổ chức quốc lễ đã ban sắc, gia phong mỹ tự, sai quan đến tế lễ trang nghiêm, trọng thể, đồng thời tu bổ, tôn tạo, lập bia.. "

    Năm 2000, một đền chung thờ các Thủy Tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống. Kiến trúc kiểu chữ" Nhị ":

    Tiền tế 5 gian, 4 mái đao cong và hậu cung 3 gian.

    Trên tất cả bộ phận kiến trúc như con rường, cốn, bẩy đều chạm nổi" tứ linh, tứ quý "và hoa lá cách điệu.

    20-2-2000, ông Nguyễn Khoa Điềm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về dâng hương đền và lăng Kinh Dương Vương, ghi:

    " Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ là Thủy Tổ của đất nước, mở ra thời đại các Vua Hùng làm rạng rỡ non sông đất Việt.

    Di sản và những nơi thờ cúng của các vị là tài sản quý báu thiêng liêng của dân tộc. Nhà nước ta nhất định sẽ có chính sách trùng tu, tôn tạo ngày càng tốt đẹp hơn. "

    Trải thăng trầm thời gian, hiện nay khu quần thể lăng và đền Kinh Dương Vương còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như ngai, bài vị, thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, văn tế, tín ngưỡng, lễ hội.

    Dù chiến tranh tàn phá, bão lũ hủy hoại, dân Á Lữ luôn bảo vệ, tôn tạo khu di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để dân trong làng và khách thập phương quanh năm hương khói và tụ hội (từ 15 đến 18 tháng Giêng Âm Lịch hàng năm) dâng hương bái lạy tiên Tổ biểu thị truyền thống" Uống nước nhớ nguồn. "

    Di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương khẳng định Bắc Ninh là vùng đất người Việt cổ sớm tụ cư – cái nôi chốn Tổ của đất Việt.

    Thời gian gần đây, khu di tích được quan tâm đặc biệt của nhiều lãnh đạo Đảng và nhà nước cũng như các quan chức, các nhà khoa học từ các tỉnh thành trong nước.

    Nhiều người trong số họ về dâng hương, dự khai mạc lễ hội Kinh Dương Vương. Các nhà khảo cổ và văn hóa khi về đây nghiên cứu sắc phong và phần mộ cổ đều công nhận:

    " Đây là chốn linh thiêng bậc nhất được xếp vào loại miếu thờ Đế Vương các triều đại từ cổ xưa. "

    Ông Nguyễn Bá Khải (SN 1962), Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã, xã Đại Đồng Thành cho biết:

    " Á Lữ là một làng đặc biệt trong cả nước. Từ khi được thành lập cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng thuộc quyền quản lý độc quyền của triều đình, gọi là nhất xã nhất thôn (nghĩa là thôn Á Lữ cũng là xã Á Lữ và không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương). Do đó hàng năm, vua các triều đại thường trực tiếp về thắp hương bái Tổ vào ngày giỗ. "

    Hàng năm Tết đến xuân về, trong không khí vui tươi những ngày đầu xuân, khu di tích đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành lại tưng bừng mở hội và hàng ngàn vạn" con Lạc cháu Hồng "từ khắp mọi miền đất nước lại tìm về trẩy hội để về với cội nguồn dân tộc.

    8-10, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia lăng và đền thờ Kinh Dương Vương.

    Trước đó, 2011, tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương với tổng mức đầu tư hơn 47 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 30ha.

    Có thể sẽ làm cầu hoặc cầu treo nối từ lăng Kinh Dương Vương sang chùa Phật Tích (huyện Tiên Du) để kết nối, tạo thành các điểm du lịch văn hóa - lịch sử thu hút khách thập phương.

    Từ đó để người Việt biết thêm một địa danh lịch sử có vua Thủy Tổ Việt Nam. Tiếp đó, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh lập dự án quy hoạch bổ sung khu quần thể di tích này với tổng diện tích hơn 346.000m2 trải dài theo tuyến đường đê và sông Đuống thuộc khu vực xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.

    Khu di tích trong không gian thoáng rộng nhưng khá hiu quạnh, nên việc khai thác các giá trị văn hóa lịch sử gắn quần thể di tích chưa được quan tâm đúng tầm.

    Đặc biệt khu di tích chưa gắn kết với hệ thống các di tích lịch sử và các điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được coi quê hương của đền, chùa, miếu mạo.

    Do đó, quy hoạch và lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích rất cần thiết.

    Ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết:

    " Năm 2011, tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương và công bố quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia này với tổng mức đầu tư hơn 491 tỷ đồng.

    Dự án chia làm 4 hạng mục xây dựng chính gồm không gian bảo tồn di tích, tập trung tu bổ, tôn tạo di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, sân đền, vườn khu lăng mộ..

    Không gian giá trị di tích gồm tượng đài Thủy Tổ, quảng trường văn hóa lễ hội, nhà trưng bày văn hóa.. và các dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách và hạ tầng kỹ thuật, san nền, đường giao thông, đường điện.. "

    Ông Nguyễn Nhân Chiến – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định giá trị văn hóa của quần thể di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước hướng về cội nguồn.

    Đây là Quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.

    Theo kế hoạch, dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được thực hiện từ nay đến 2019.

    Nguồn dulichvn

    Rồng" bò "ngược

    Kinh Dương Vương theo truyền thuyết là người sinh Lạc Long Quân, tín ngưỡng dân gian coi là Thủy Tổ người Việt nên có nhiều nơi xây đền thờ ông.

    Đền thờ và lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia 2008.

    Lễ hội lăng Kinh Dương Vương tổ chức 18 tháng Giêng, dân coi là ngày giỗ ông.

    Năm nay, du khách về dự lễ hội lăng Kinh Dương Vương được chiêm ngưỡng đôi rồng đá do một doanh nghiệp mới cung tiến cho địa phương.

    Đôi rồng được tạo từ đá xanh, phần cao nhất tới 1, 8m, dài gần 12m, đặt hai bên bến từ bờ sông Đuống đi thẳng lên lăng.

    Đông người đến chiêm bái lăng đều ngưỡng mộ kích thước cùng những đường nét tạo hình trau chuốt. Nhưng chẳng hiểu sao đôi rồng không chầu hướng xuống bến nước mà hùng dũng, oai phong" bò ngược "lên bờ?

    Đến đình, đền, miếu, quán nào ở Việt Nam, chúng ta đều quen thấy hình (tượng) rồng chỉ chầu xuống theo hướng từ trong chính điện đi ra.

    Hay cùng lắm chỉ" bò ngang "trên mái khi cùng" chầu nhật "(nguyệt) hoặc" tranh châu "chứ chưa hề" bò ngược lên "theo hướng vào chính điện bao giờ.

    Hiện tượng bất thường này được nhiều nhà nghiên cứu sử học và lịch sử mỹ thuật lên tiếng từ cuối 2010, khi rồng bò ngược lên mái đình Nam Hương (75 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội).

    Một Tiến sĩ khảo cổ học thâm niên hơn 20 năm làm công việc trùng tu, bảo tồn di tích thốt lên" đó là điều chưa từng thấy "trên các di tích.

    Nay lại thêm đôi rồng" bò "ở lăng thờ Kinh Dương Vương. Một khuynh hướng mới trong các công trình kiến trúc tâm linh chăng?

    Nghe nói cả khối nguyên liệu và các nghệ nhân tạc nên đôi rồng đều đến từ Thanh Hóa, nơi nổi tiếng đã lâu về nghề tạo tác đá, với kinh phí khá lớn. Nhưng không rõ họ tên tác giả của đồ án" lưỡng long bò lên "này.

    TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học:

    " Tôi khẳng định không bao giờ có chuyện rồng bò ngược trên bậc lên xuống như vậy trong các di tích cổ của Việt Nam.

    Tại điện Kính Thiên, ta có thể thấy rõ rồng bò xuống như theo bước chân của nhà vua từ trên xuống. Chứ còn rồng bò ngược lại thì chả hiểu có ý gì? "

    PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học:

    " Rồng trên thành cầu thang trong các cung điện, lăng tẩm thì thường bò xuống mang nghĩa đón vua khi ngài đi vào.

    Trường hợp này, tôi chưa phê phán vì chưa hiểu nó nằm ở phần nào trong di tích. Dù thế nào về mặt văn hóa nó cũng là trường hợp khó hiểu, hy hữu. "

    Nguồn:

    Báo thanh niên

    Vietlandmarks

    Kinh Dương Vương - Vị vua đầu tiên của lịch sử dân tộc qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn

    Hiện các nhà nghiên cứu lịch sử nhiều điểm chưa thống nhất cách gọi tên và phong danh cho Kinh Dương Vương thuộc họ Hồng Bàng cũng như tồn tại nước Xích Quỷ, liệu có chính xác là quốc hiệu đầu tiên nước ta không?

    Bài viết này sẽ hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử dân tộc cách đây 4895 năm qua tài liệu lưu trữ đặc biệt là mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu Thế giới.

    Kinh Dương Vương (chữ Hán: 涇陽王) là nhân vật truyền thuyết trong lịch sử, tương truyền ông là Thủy Tổ mở ra nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta.

    2879 TCN, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nước Xích Quỷ (chữ Hán: 赤鬼 tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời).

    Các Vua Hùng là hậu duệ huyết thống của Kinh Dương Vương. Mộc bản sách ĐVSKTT, quyển 1, mặt khắc 1 có chép thân thế Kinh Dương Vương:

    " Vương tên húy Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh Đế Nghi, sau Đế Minh nhân lần đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh Kinh Dương Vương.

    Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho Đế Nghi, không dám vâng mệnh.

    Đế Minh lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong vua làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân. "

    Theo mộc bản sách" ĐVSKTT "thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị Xích Quỷ từ khoảng 2879 TCN.

    Địa bàn hoạt động của Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương rất rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp Hồ Động Đình; phía Nam giáp Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ) ; phía Tây giáp đất Ba Thục; phía Đông giáp Biển Đông.

    Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại truyền thuyết vua đánh đuổi Quỷ Xương Cuồng dũng mãnh, trừ hại cho dân chúng.

    Kinh Dương Vương mất ngày 18-1 tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh và được dân kính cẩn lập miếu thờ. Mộc bản sách Đại Nam Thực Lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25, 26 chép:

    " Miếu Kinh Dương Vương nằm ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). "

    Đền thờ cùng lăng mộ Kinh Dương Vương hiện vẫn còn ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Thủy Tổ người Việt.

    Đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh từ lâu được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các Đế Vương, chốn linh thiêng bậc nhất xứ Kinh Bắc.

    Mỗi lần quốc lễ, triều đình sai quan đến tế, dân quanh năm phụng thờ.

    Dưới triều Nguyễn, miếu thờ Kinh Dương Vương được các vua chúa quan tâm đặc biệt. Minh Mạng thứ 21 (1840), khi Bộ Lễ dâng lên vua lời tư của tỉnh Bắc Ninh:

    " Xã Đình Bảng hạt ấy có lăng tẩm của các vua triều Lý, nhưng chỗ nào là lăng vua thì sự tích không rõ. Các lăng Kinh Dương Vương, Sĩ Vương có nên theo ân chiếu tu lý dựng bia không? "

    Minh Mạng nói:

    " Tên lăng các vua Lý không xét vào đâu được, vì cùng một chỗ cấm địa. Nên chiểu chỗ lăng, thuê dân sửa đắp cho chỉnh đốn, chọn chỗ đất cao ráo lập một bia đá. "

    1874, Tự Đức lệnh địa phương trùng tu, sửa chữa lại:

    " Chỗ miếu thờ Kinh Dương Vương, nếu có hư hỏng gì thì địa phương xét thực, xin chi tiền, giao dân sở tại tu bổ, cấm cắt cỏ chăn trâu, định làm lệ mãi mãi. "

    Đồng thời, vua cho định lại điển lễ thờ tự miếu bậc Đế Vương:

    Miếu Kinh Dương Vương thờ 1 vị thì mỗi năm cấp tiền 100 quan và 10 người miếu phu.

    Sở dĩ các vua triều Nguyễn quan tâm miếu thờ Kinh Dương Vương bởi theo Minh Mạng lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn. Mộc bản sách Đại Nam Thực Lục, quyển 215, mặt khắc 9 chép lời Minh Mạng:

    " Sự tích Kinh Dương Vương dẫn chép ở sách "Ngoại kỷ", thực là vua bắt đầu lịch đại nước ta. "

    Như vậy, tư liệu lưu trữ mộc bản, miếu thờ nhân vật Kinh Dương Vương có thật, Kinh Dương Vương không phải nhân vật huyền thoại nữa.

    Tiếp nhận phiên bản mộc bản triều Nguyễn về Kinh Dương Vương

    Khai hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2016, tiếp nhận phiên bản mộc bản triều Nguyễn về Kinh Dương Vương, khánh thành tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ tại khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM.

    Đại diện trung tâm lưu trữ quốc gia 4, Cục Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) trao tặng phiên bản mộc bản triều Nguyễn về Kinh Dương Vương cho đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Thuận Thành.

    23-2 (tức 16 tháng Giêng), tỉnh Bắc Ninh tổ chức dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương (ở xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) kỷ niệm 4.895 năm Thủy Tổ Việt Nam khai sinh mở nước; tiếp nhận phiên bản mộc bản triều Nguyễn về Kinh Dương Vương.

    Tại lễ khai hội Kinh Dương Vương, đại diện trung tâm lưu trữ quốc gia 4, Cục Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) trao tặng phiên bản mộc bản triều Nguyễn về Kinh Dương Vương cho đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Thuận Thành để gìn giữ, trưng bày nhằm phát huy hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa khu di tích đền thờ và lăng Kinh Dương Vương.

    Lễ hội Kinh Dương Vương tổ chức tỏ lòng thành kính, tuyên truyền, giáo dục người dân đất Việt nhớ về nguồn cội, tri ân Kinh Dương Vương, phát huy truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa.

    Bày tỏ tự tôn dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở dòng máu huyết thống con Lạc, cháu Hồng, thi đua lao động, học tập xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương xây từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ Nam sông Đuống, năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) trùng tu, đặt văn bia.

    Hiện khu quần thể lăng và đền thờ Kinh Dương Vương còn lưu những dấu tích xưa với bia, mộ và hoành phi:

    " Nam Bang Thủy Tổ "(Thủy Tổ nước Nam), " Nam Tổ miếu "(Miếu thờ ông Tổ nước Nam), " Bách Việt Tổ"(Vua Tổ của người Việt)..

    Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia 1993.

    Nguồn tổng hợp:

    Baochinhphu

    Vitalk

    Còn tiếp
     
    NgudonghcSai Nguyen thích bài này.
  8. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Đền Tiên Cát

    [​IMG]

    "Đền Tiên Cát"
    Từ núi thiêng Nghĩa Lĩnh đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì), Kinh Dương Vương xây 50 lâu đài, cung điện. Nổi bật là cung của vợ Kinh Dương Vương. Bà qua đời, cung thành đền Tiên, dân tôn thờ là Thủy Tổ Quốc Mẫu..

    Chấp nhận đề nghị của hội người cao tuổi phường Tiên Cát, TP. Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ cấp 6.833m2 đất ao đầm ngay cạnh nhà máy bê tông để xây đền. Những tượng trong đền tạc đá rất độc đáo.

    Mặt tượng Mẫu hiền từ, đội mũ lông chim, khoác áo họa tiết trống đồng, cầm ngọc, cổ đeo vòng đá theo đúng mẫu vòng đá đào được ở Phùng Nguyên.

    Chiếc nha trượng (hốt hình răng biểu hiện quyền lực) của Cự Linh Lang (ngồi giữa) theo đúng mẫu nha trượng đào được ở làng Cả, phường Tiên Cát.

    Một trong những ý tưởng độc đáo nhất của đền là tranh đá lớn trên 30m2 ốp nơi hậu cung, phía sau Mẫu.

    Tranh gồm 72 phiến ghép lại cao 4, 5m, rộng 7, 5m diễn tả lại thời tiền sử kinh đô Văn Lang.

    Trên đỉnh cao nhất của tranh là hình mặt trời tỏa rạng và hình dây bầu cuốn.

    Dưới tranh có cảnh đền Tiên, cảnh Đền Hùng, cảnh núi Ba Vì, nơi phát tích của Tổ tiên ta. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền, nguyên gốc công trình đền Tiên có rất nhiều hiện vật quý như các con thú:

    Voi đá, ngựa đá, đền đài cùng nhiều tầng văn hóa thể hiện thời lịch sử vàng son, sát di chỉ Làng Cả, gần nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa, nơi tiện giao lưu cả thủy, bộ.

    Các cụ Nguyễn Văn Bén, Nguyễn Văn Tứ, Trần Thị Tích.. cùng nhiều người già được dân làng Tiên Cát cử làm trong ban nhà đền khẳng định những năm 1948-1949, mảnh đất Tiên Cát (Việt Trì) là tâm điểm càn quét, nã đạn của Pháp. Toàn thể đền, chùa trong khu vực bị tàn phá.

    Những năm 1960, bảo tàng tỉnh Phú Thọ về kiểm kê, đền chỉ còn bờ tường đổ nát. Sau này, nhà máy bê tông Việt Trì xây đúng trên nền đất của đền.

    Thể theo nguyện vọng của dân, đền xây lại năm 2000 trên khu đất do địa phương quy hoạch, chưa đúng vị trí cũ nhưng đã cố gắng phục dựng giống những gì có và còn lại trong tâm tưởng dân địa phương.

    Kinh phí xây đền khoảng 5 tỷ đồng do dân Tiên Cát và đồng bào cả nước đóng góp.

    Thủy Tổ Quốc Mẫu trong lòng dân Tiên Cát

    Hằng ngày, ban nhà đền cử 3 người thường trực, trông nom, hướng dẫn khách đến tế lễ. Cụ Trần Thị Tích, 70 tuổi, tham gia nhiều năm nay nói:

    "Bao đời nay, dân chúng tôi coi đền này là đền thờ chung của con cháu Quốc Mẫu. Là người địa phương, tự hào đại diện cả nước hương khói cho Người, chúng tôi có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo quản."

    Cụ Nguyễn Văn Bén dù đã bàn giao việc cho thế hệ kế tiếp nhưng hằng ngày cụ vẫn có mặt ở đền như một thói quen tín ngưỡng thường nhật. Cụ hồi tưởng chuyện giữ gìn đền từ khi còn trai tráng.

    Khi pháo đạn và quân Pháp càn quét rát quá, dân phải gồng gánh đi sơ tán, cử nhau mang sơ tán một số long báu, đồ tế nhuyễn của đền.

    Cụ Khiết, một trong những cụ Từ ở đền, khi đi sơ tán lên nhà con gái ở Yên Bái cách đó hơn trăm cây số, mang theo các ống nứa đựng 8 đạo sắc phong của đền từ thời Nguyễn.

    Cụ giấu các đạo sắc phong trên gác bếp, không nói cho con gái, định bụng hết chiến tranh sẽ mang về, cùng dân làng phục dựng đền. Cụ Khiết mất tại Yên Bái do tuổi cao sức yếu.

    Sau này, gia đình con gái cụ Khiết sửa nhà, phát hiện ra các đạo sắc phong này bèn cung tiến cho miếu gần sông Hồng.

    Cuộc cải cách ruộng đất 1954, một số lực lượng phát hiện, quy kết các đạo sắc phong mê tín dị đoan, yêu cầu đốt đi.

    Dân làng kiên quyết không đốt, bèn làm một bè, thắp hương, thả sắc phong lên rồi cho trôi sông. Dân làng Tiên Cát nghe tin, cử lực lượng men dọc sông Hồng dò la xem các đạo sắc phong có linh thiêng trôi dạt vào đâu mà xin lại.

    Cụ Bén nhìn xa xăm về phía sông Hồng nói:

    - Đến nay, dân làng vẫn chưa hết hy vọng tìm được những đạo sắc phong ấy.

    Bản sao cuốn Ngọc phả tại đền Tiên gồm 59 trang viết trên giấy dó bằng chữ Hán, do Hàn Lâm Lễ Viện Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ hai (1573). Ngọc phả viết:

    "Hồng Đăng Ngàn là Hoàng Hậu nước Xích Quỷ, vợ vua Kinh Dương Vương, mẹ đẻ Lạc Long Quân. Bà được vua phong" Vi Cung Chính Khổn "(Hoàng Hậu) và xây cho cung điện Tiên Cát.

    Khi bà mất, cung điện chuyển thành Tiên Cát lăng. Lạc Long Quân sai 3 con là hoàng tử Cự Linh thần tướng, Ất Linh Lang, Linh Thông Thủy quản trị khu vực đầu sông và giữ gìn cung sở. Hiện nay trong đền có thờ 3 ông, ngồi dưới tượng Mẫu."

    UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng công nhận di tích cho đền Tiên. Hằng năm, mỗi khi hành hương về chốn Tổ, người Việt lại có thêm địa chỉ mới.

    Nguồn:

    Phunutoday

    Ngọn lửa lòng dân

    Tiếng lòng dân Á Lữ

    Về làng Á Lữ đúng ngày rằm tháng 2 Âm Lịch, chúng tôi được dự Lễ Mát theo quan niệm của dân trong vùng, đó là lễ thiêng ở đền Kinh Dương Vương, dân chú trọng chỉ sau lễ hội Kinh Dương Vương (18 tháng Giêng Âm Lịch).

    Lễ Mát cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, rất nhiều người dân có mặt ở lăng và đền tế lễ.

    Trước kia, khu di tích này thật hiu quạnh. Từ khi được quan tâm của chính quyền và ngành chức năng, du khách trong và ngoài nước biết đến khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương nhiều hơn.

    Dịp lễ hội mừng 4.892 năm ngày vua mở nước (xuân Quý Tỵ) vừa rồi hàng chục vạn du khách tìm về, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương chưa bảo đảm cho các hoạt động lớn. Sân, khuôn viên, đường sá chật nêm người.

    Công trình bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích mới khởi công hôm 25-2.

    Công trình có chi phí chừng 500 tỷ đồng gồm các hạng mục công trình bảo tồn, phát huy giá trị và quản lý di tích, mở rộng phạm vi lăng mộ với diện tích hơn 36ha.

    Bên cạnh đó là bảo tồn hệ thống thư tịch cổ, thần phả, bài tế, văn bia, sách cổ.. gặp khó khăn.

    Một số sách cổ bằng giấy dó, giấy bản dính vào nhau mà các nhà nghiên cứu chuyên môn không dám động đến, chưa có biện pháp phục chế.

    Cụ Nguyễn Sỹ Quất, 80 tuổi từng làm thủ đền nhiều năm. Mắt mờ, chân chậm, nhưng khi có khách tìm hiểu về các chữ Hán cổ, cụ vẫn cố đọc và dịch nghĩa cho khách. Cụ Quất bảo:

    "Chúng tôi cũng chẳng có chuyên môn gì nhưng hiểu chút ít chữ. Những người biết chữ cổ ở đây không còn nhiều, chắc sau này chỉ còn các nhà nghiên cứu ở trên biết thôi."

    Ước nguyện đền Tiên

    Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Văn Xuyền có công lớn trong nghiên cứu phục dựng lại đền Tiên.

    Ông nói xưa kia đền Tiên ở vị trí rất đẹp, trước khi đắp đê, đền nối cửa sông, có ghềnh đá tiện lợi, ở trung tâm kinh tế chính trị nhiều năm thời kỳ Hùng Vương.

    Đền Tiên trong lịch sử được nhiều triều đại, nhiều thế hệ con người rất trọng vọng. Trước kia, quan Thượng Thư triều đình Huế ra tế lễ Đền Hùng đều qua lễ đền Tiên trước.

    Giờ nhiều người lãng quên đền, đi lễ Đền Hùng không qua đền Tiên, việc phục dựng đền Tiên đều do dân đóng góp.

    Trao đổi với ông Phan Quang Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Tiên Cát, trưởng ban quản lý đền Tiên cũng như các cụ do người dân Tiên Cát cử ra trong ban nhà đền, chúng tôi được biết những người dân tự hào được quản lý, hướng dẫn ở đền Tiên. Nhưng còn rất nhiều điều băn khoăn.

    Ngày càng ít con Hồng cháu Lạc về thắp hương viếng Thủy Tổ Quốc Mẫu; chưa tìm lại được bản chính của Ngọc phả đền Tiên cũng như các đạo sắc phong của triều Nguyễn; phần đất mà địa phương giao cho đền chưa thống nhất, có nguy cơ bị thu hẹp..

    "Nhưng dù thế nào, dân chúng tôi vẫn quyết bảo tồn bằng được đền của Thủy Tổ Quốc Mẫu" - cụ Nguyễn Văn Bén và cụ Trần Thị Tích khẳng khái nói.

    Ông Đăng cho biết:

    "Tìm lại được bản chính cuốn Ngọc phả của đền cũng như phục chế các đạo sắc phong, trên cơ sở đó, địa phương sẽ xúc tiến đề nghị công nhận đền Tiên là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cho xứng tầm với ý nghĩa đặc biệt của di tích."

    Có điểm chung giữa đền Kinh Dương Vương và Hồng Đăng Ngàn là đều có lăng mộ, nằm sát bờ sông.

    Bến sông Đuống sát lăng mộ Kinh Dương Vương đồng thời là bến thuyền đón du khách cập bến viếng lăng mộ. Giờ người ta đặt đôi rồng đá từ dưới sông chầu hướng về lăng mộ, thể hiện những nét hoa văn 4 triều đại phong kiến Việt Nam.

    Còn ở di tích đền Tiên, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Đại An, khi chưa đắp đê trị thủy, chưa có QL. 2 chạy qua, di tích đền Tiên nằm sát cửa sông Hồng.

    Vì thế, đền thờ hai Thủy Tổ càng linh thiêng vì gắn với nhân vật lịch sử, gần với nền văn hóa lúa nước.

    Theo quan sát, ghi nhận của chúng tôi, lâu nay các cấp, các ngành chưa thực sự chú trọng tuyên truyền ý nghĩa ở hai đền Kinh Dương Vương và đền Tiên.

    Các cấp chưa thực sự đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa có các công trình khoa học nghiên cứu về giá trị ở hai khu di tích này.

    Đến khu di tích Kinh Dương Vương từ bốn hướng:

    Từ chùa Dâu vào, chùa Bút Tháp đến, làng Đông Hồ sang, từ dưới bến sông lên. Tất cả nhỏ hẹp, xuống cấp cần được đầu tư nâng cấp.

    Ở di tích đền Tiên, du khách ngược Đền Hùng hầu hết chỉ đi theo đại lộ Hùng Vương mà dọc đại lộ cũng không có biển nào chỉ dẫn, giới thiệu về đền Tiên.

    Quốc lộ 2 cũ, đoạn qua Việt Trì xuống cấp, đang sửa chữa chưa thể đặt biển chỉ dẫn đàng hoàng.

    Ước nguyện của dân Đại Đồng Thành (Thuận Thành - Bắc Ninh) cũng như Tiên Cát (Việt Trì - Phú Thọ) là di tích thờ Kinh Dương Vương và Hồng Đăng Ngàn sẽ được công nhận là di tích đặc biệt của quốc gia.

    Lễ hội hằng năm cũng được công nhận là lễ hội tiêu biểu của quốc gia.. như thế sẽ được quan tâm của các cấp các ngành, cộng đồng xã hội hơn, cho xứng tầm nơi thờ tự ông, bà nội Vua Hùng.

    Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Văn Xuyền nói:

    "Dù đền Tiên từng bị phá, dù di tích chưa được quan tâm phục dựng và phát huy xứng tầm nhưng sức sống tâm linh trong dân là bất diệt, ngọn lửa văn hóa tâm linh trong dân sẽ không mất, dân vẫn bảo vệ đến cùng."

    Khởi công tu bổ, tôn tạo di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương

    Sáng 25-2-2013, tại Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành dâng hương, tưởng niệm Kinh Dương Vương mở nước và dự lễ khởi công dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương.

    Hàng năm, dịp 18 tháng Giêng Âm Lịch, dân làng Á Lữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh mở lễ hội để tỏ lòng nhớ ơn tiên Tổ, đón tiếp khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ.

    Lễ hội phản ánh nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng của cư dân Lạc Việt cổ cũng như nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng.

    Lăng Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê sông Đuống, trên một diện tích đất rất rộng khoảng trên 20.000m2. Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1971, khu lăng mộ được phục dựng.

    Tại đây còn lưu giữ bia đá khắc chìm 19 chữ, chính giữa là chữ "Kinh Dương Vương lăng". Bia có niên đại năm Minh Mạng 21 (1840).

    Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đền thờ hiện lưu nhiều đạo sắc phong có niên đại từ năm 1810 - 1924 và một đại tự có chữ:

    "Đại Nam Tổ miếu."

    Từ Lương

    Nguồn:

    Baochinhphu

    Tìm hiểu về làng Á Lữ trong cụm di tích Kinh Dương Vương.

    (PL&XH) - Cụm di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là chốn linh thiêng xếp vào loại miếu thờ Đế Vương các triều đại từ cổ xưa.

    Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khảo cổ học và sử học về đây đã công nhận mộ Kinh Dương Vương là phần mộ ông nội của các Vua Hùng có công dựng nước.

    Phần mộ này là phần mộ duy nhất còn giữ nguyên bản hình hài qua gần 5000 năm lịch sử.

    Những bất ngờ phía sau phần mộ

    Tâm thức mình, người Việt xưa nay bị chi phối bởi câu ca:

    "Dù ai đi ngược về xuôi

    Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba."

    Mỗi dịp giỗ, người người hành hương về mảnh đất Phong Châu, Phú Thọ thắp hương làm lễ dâng vật phẩm cúng tế Vua Hùng nhằm tri ân bậc khai sinh nước nhà.

    Á Lữ vẫn còn giữ gần nguyên vẹn mộ phần Kinh Dương Vương, người được sử sách công nhận ông nội của các Vua Hùng. Đây là minh chứng thực tế hóa tồn tại của Vua Hùng.

    Lâu nay không nhiều người biết đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương.

    Khu di tích nằm khiêm nhường bên bờ Nam sông Đuống, dưới những rặng tre êm ả bình yên như phong cảnh làng quê có tự bao đời.

    Đây là nơi duy nhất trong nước lưu giữ phần mộ Thủy Tổ, đền rất bình dị có ý nghĩa thiêng liêng với cả dân tộc.

    Mộ tọa lạc trên diện tích đất phù sa ven sông, hướng mặt về dòng sông Đuống nghiêng nghiêng uốn lượn.

    Phần mộ Tổ duy nhất còn tương đối nguyên vẹn

    Người Việt coi các Vua Hùng có công xây dựng nhà nước đầu tiên và hàng năm vẫn tổ chức Giỗ Tổ.

    Nhưng thần phả tại Á Lữ và nhiều tài liệu sử sách chứng minh Vua Hùng là cháu nội Kinh Dương Vương.

    Bởi vậy, dân Á Lữ luôn tự hào vì làng mình còn lưu giữ phần mộ duy nhất của Thủy Tổ. Thần phả làng bao đời nay vẫn nguyên vẹn:

    Kinh Dương Vương thác ở mảnh đất Luy Lâu (Thuận Thành nay – PV). Dân chọn phần đất cao, địa thế đẹp đắp mộ thờ phụng ông tại làng Á Lữ nay.

    Trải nhiều biến thiên lịch sử, mộ phần tuy mai một nhưng vẫn còn giữ nguyên hình dáng và vị trí, đặc biệt là hai chữ "bất vong" trên nền gạch cổ.

    Ông Nguyễn Bá Khải, SN 1962, Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã, xã Đại Đồng Thành nói:

    "Theo thần phả và sắc phong còn giữ tại đình Kinh Dương Vương thì Á Lữ là làng đặc biệt trong cả nước. Từ khi được thành lập đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Á Lữ thuộc quyền quản lý độc quyền của triều đình, gọi là nhất xã nhất thôn (nghĩa là thôn Á Lữ cũng là xã Á Lữ và không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương). "

    Theo sắc phong ghi lại, Kinh Dương Vương qua đời, từ các Vua Hùng đến các triều đại phong kiến Việt Nam sau này, năm nào cũng có người đứng đầu của triều đình về dâng lễ vật cúng giỗ ngày Thủy Tổ mất.

    Mộ phần Kinh Dương Vương nằm ven bờ sông Đuống thơ mộng, hướng mặt ra dòng sông quanh năm nước chảy hiền hòa. Phần mộ cổ vẫn lưu truyền từ ngày xưa, dưới hàng ngang có chữ:

    "Ái Quốc Mạc Vong Tổ."

    Phía hậu lăng là bức Nam Tổ miếu. Hai bên lăng có đôi câu đối ghi:

    "Quốc thống khai Nam phục

    Bi đình kỷ thành công."

    Giữa lăng là bia đá khắc chữ Kinh Dương Vương được Minh Mạng năm thứ 21 trùng tu lần cuối cùng 1840. Phía bên ngoài lăng có đôi câu đối:

    "Xích Quỷ sơ đồ xuất

    Hồng Bàng vạn đại xương."

    Các nhà khảo cổ và văn hóa khi về đây nghiên cứu sắc phong và phần mộ cổ đều công nhận:

    "Đây là chốn linh thiêng bậc nhất được xếp vào loại miếu thờ Đế Vương các triều đại từ cổ xưa."

    Cách khu mộ cổ chừng 300m hướng đi về phía làng Á Lữ, đình thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ nằm khá khiêm nhường và tĩnh lặng. Trước đây, đình xây ở khu đất phía Tây làng.

    Pháp chiếm đóng, càn quét, đánh phá, các cụ trong làng phải ôm thần phả, sắc phong và một số đồ vật cổ đến nhà Văn Chỉ của làng (nơi đặt bia ghi tên những người tài giỏi có công với làng).

    Sau này, hòa bình lập lại, mảnh đất đình xưa không còn giữ được, dân Á Lữ xây lại đình trên nền của khu Văn Chỉ là đền Kinh Dương Vương nay.

    Ông Biện Xuân Phẩm, SN 1948, thủ từ đền Kinh Dương Vương đã 6 năm nay chia sẻ:

    "Tôi rất tự hào là người nhang đèn hương nước trong đền. Nhiều năm qua, cứ sau Tết Nguyên Đán, dân trong làng vô cùng háo hức, không chỉ người già chúng tôi, thế hệ trẻ, con cháu thanh thiếu niên cũng ý thức rất cao về nơi cội nguồn giống nòi. Chúng tôi rất vinh dự được chăm sóc mộ phần và khu đền thờ Thủy Tổ."

    Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa tại Quyết định số 74/VH – QĐ ngày 2-2-1993.

    UBND tỉnh đề đạt Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia.

    Khu di tích nay đang được UBND tỉnh Bắc Ninh quy hoạch và bảo tồn với nhiều hạng mục công trình. Khu di tích đã và đang thành trọng điểm của du lịch văn hóa tâm linh tìm về nguồn cội nước ta.

    Khánh Phong

    Nguồn:

    Phapluatxahoi

    Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương tiếp nhận 100 cây hoa anh đào

    Ngày 20-2, ủy ban tổ chức lễ hội hoa anh đào Nhật Bản trao tặng 100 cây hoa anh đào cho UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tại khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh.

    Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng lễ khai hội lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, kỷ niệm 4895 năm Thủy Tổ khai sinh mở nước, thể hiện tình cảm quý báu của Nhật Bản dành cho Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó lâu dài giữa hai nước.

    Tham dự buổi lễ có bà Suzuki Mari, Giám đốc quản lý ủy ban lễ hội hoa anh đào Nhật Bản; Chủ tịch UBND và Bí thư huyện uỷ huyện Thuận Thành;

    Ông Nakajima Yoshito là Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, ông Vương Hữu Tấn Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đại diện Công ty Mitsubishi.

    Lãnh đạo ban quản lý khu di tích và đại diện một số cơ quan ban ngành có liên quan.

    Phát biểu tại buổi lễ, ông Nakajima Yoshito vui mừng vì 100 cây hoa anh đào được Hiệp hội SAKURA tặng cho lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, tượng trưng cho thiện chí, mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước luôn tốt đẹp.

    Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành thay mặt nhân dân huyện cảm ơn thiện chí của Hiệp hội SAKURA và tình cảm của nhân dân Nhật Bản dành cho nhân dân Việt Nam thông qua hoạt động ý nghĩa này, đồng thời cảm ơn ông Vương Hữu Tấn là cấu nối cho mối quan hệ giữa Hiệp hội SAKURA và UBND huyện Thuận Thành.

    Tại buổi lễ, chuyên gia Nhật Bản tiến hành trồng mẫu một số cây hoa anh đào tại khu di tích, hướng dẫn tỉ mỉ cách thức trồng, chăm sóc cây đảm bảo phát triển và ra hoa của cây.

    12 năm qua, Hiệp hội SAKURA từng tặng cây hoa anh đào cho Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Ninh Thuận, Phú Yên, đóng góp lớn cho mối quan hệ thân thiết giữa hai nước.

    Hoa anh đào là loài hoa đặc trưng của Nhật Bản, loài hoa báo hiệu ghé thăm của mùa xuân, người Nhật rất yêu quý.

    Tại Nhật, gia đình và bạn bè thường tập trung dưới những chùm hoa, thông qua vẻ đẹp của hoa để cảm nhận sự bắt đầu một mùa mới.

    Tin, ảnh: Anh Thư

    Nguồn:

    Truyenthongkhoahoc

    Còn tiếp
     
    NgudonghcSai Nguyen thích bài này.
  9. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Thuyền cổ và ông Nghị

    [​IMG]

    "Thuyền cổ"
    Bí ẩn quanh khu mộ Kinh Dương Vương và con thuyền cổ dưới lòng sông

    Thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là nơi tọa lạc khu lăng mộ Kinh Dương Vương vị Thủy Tổ mở ra thời Vua Hùng.

    Đằng sau những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu còn chứa đựng biết bao điều bí ẩn có giá trị tâm linh.

    Thuyền cổ dưới lòng sông

    Thông tin về thuyền cổ mà dân trục vớt được dưới đáy sông Đuống đoạn chạy qua khu lăng mộ Kinh Dương Vương dù xảy ra ngót ngét trên nửa năm nhưng những lời đồn về con thuyền vẫn không ngớt.

    Nào là thuyền cổ phải đến 2000 năm tuổi? Con thuyền độc nhất vô nhị hiện nay ở nước ta?

    Hay chuyện những người trục vớt thuyền bỗng dưng bỏ nghề lặn, người đau ốm, kẻ bỏ đi làm ăn xa xứ cũng không tránh khỏi tai ương. Dân thôn Á Lữ nói:

    "Những đứa trẻ mới lớn được các bậc cao niên trong làng kể những chuyện xung quanh Kinh Dương Vương. Vì thế, ý thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa vùng đất này đã bén rễ ăn sâu vào tiềm thức nhân dân."

    Đứng trên triền đê xa xa nhìn về phía khu lăng mộ Kinh Dương Vương toàn một màu xanh mướt. Những cây cổ thụ cao vút trời xõa tán che kín một vùng.

    Bà Nguyễn Thị Vân nói với chúng tôi đầy tự hào, thành kính và như có phần am hiểu:

    "Vùng đất này linh thiêng lắm. Nơi đây là kho tàng văn hóa một thời hưng thịnh."

    Sao bà biết, chúng tôi hỏi vội. Bà Vân nhanh nhẩu không cần đắn đo suy nghĩ:

    "Nhìn những cổ vật ngày ngày người dân nhặt được ở bên bờ sông Đuống hay ở các ruộng ngô là biết liền."

    Để minh chứng cho những gì mình nói là sự thật, bà Vân dẫn chứng cho chúng tôi về sự kiện lạ mà chính mắt bà thấy, tai bà nghe.

    Những ngày cuối 1-2012, dân hút cát săn lùng sắt thép trên sông Đuống ngay trước khu đền Kinh Dương Vương bất ngờ phát hiện một vật thể lạ, to và rất nặng dưới lòng sông nhưng không cách nào vớt lên được.

    Mấy ngày sau, dân lại thấy thuyền, người neo đậu ở khu vực cũ để bắt đầu hành trình trục vớt, săn lùng cổ vật.

    Có đến chục người, những tay thợ lặn trên xà lan, trang bị áo lặn, vòi dưỡng khí rồi lần lượt từng người một lao mình xuống đáy sông mất hút.

    30 phút một lần, chủ thuyền lại giật giật dây thừng to và chắc dùng để "kết nối" với thợ lặn. Những lần như thế lại có một thợ lặn ngoi lên khỏi mặt nước để báo cáo những gì xảy ra dưới lòng sông bí ẩn.

    Một số dân Á Lữ hôm đó chứng kiến tàu săn "cổ vật" nhưng không biết một thông tin gì bởi địa điểm là nơi đối diện đền Kinh Dương Vương cách xa phía bên kia sông.

    Phải ì ạch, vật lộn với dòng nước xoáy sâu, mất hơn 4 giờ, đám thợ lặn và chủ thuyền dùng dây cáp, móc sắt, dây thừng và các biện pháp như cẩu, kéo mới lôi được cổ vật từ dưới lòng sông lên.

    Đó là hai thuyền độc mộc cổ có hình thù rất lạ kỳ chưa ai từng gặp, chúng úp vào nhau nhưng một chiếc đã bị vỡ vụn khi chưa đưa lên khỏi mặt nước.

    Người có "duyên" với thuyền cổ

    Ông Lê Thành Nghị, hiện đang dạy bộ môn công nghệ tại trường cấp 3 Thuận Thành II (Bắc Ninh) đã gắn bó 25 năm với "nghề" sưu tầm đồ cổ, ông là thành viên trong hội cổ vật Kinh Bắc.

    Ông Nghị kể về cơ duyên sưu tầm được thuyền cổ. Vớt được thuyền cổ, chủ xà lan gọi điện đến những người chuyên chơi đồ cổ có tiếng ở Bắc Ninh.

    Khi đó rất nhiều tay chơi đồ cổ thuộc hạng đại gia "máu me" đến xem. Có người còn "đấu giá" đến cả trăm triệu nhưng cuối cùng chẳng ai mua.

    Nguyên nhân, theo ông Nghị vì đây là thuyền độc mộc có chất liệu bằng gỗ, họ không hiểu được giá trị văn hóa và giá trị lịch sử nên việc từ chối mua thuyền cổ này là điều dễ hiểu.

    Một số điện thoại lạ gọi vào số máy ông Nghị, lúc đó ông Nghị đang ở tít tận miền Nam.

    Khi họ giới thiệu qua về thuyền cổ, lập tức ông Nghị trao đổi với ông Nguyễn Đăng Vông vốn là nghệ nhân gốm Luy Lâu nổi tiếng cũng là nhà sưu tầm và khôi phục cổ vật để tìm cách mua bằng được thuyền này.

    Nếu chậm chân, sợ thuyền rơi vào người ít hiểu biết không may lại làm hỏng nó đi. Thế là họ mua thuyền, lên phương án kéo thuyền về bến Hồ.

    Thuyền được cẩu lên hai xe cải tiến, chằng dây và buộc lại rất cẩn thận rồi thuê người vận chuyển nó về cất giữ tại "kho" chứa đồ cổ của nhà ông Lê Thành Nghị ở thị trấn Thuận Thành.

    Trò chuyện với phóng viên, ông Nghị cao hứng:

    "Dân sưu tầm đồ cổ như chúng tôi thường có linh cảm rất tốt. Lúc nghe thông tin về thuyền cổ, tôi đã nói với chủ trục vớt là chỉ có những người như chúng tôi mới dám mua thuyền này."

    Tôi gặng hỏi về giá thuyền mà ông Nghị đã mua thì nhận được câu trả lời từ chối khéo:

    "Giá vô cùng lắm. Có mê chơi đồ cổ mới biết được. Dân chơi đồ cổ thường" kiêng kỵ "khi có ai đó hỏi giá."

    Sau khi thuyền độc mộc cổ nằm yên vị tại nhà ông Nghị đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về thuyền.

    Theo số liệu ông Nghị cung cấp qua đo đạc, thuyền dài 9, 7m, chiều ngang chỗ phình ra rộng nhất ở gần giữa thuyền là 0, 86m.

    Hai bên thuyền là những cặp mấu nhô ra đối xứng giữa hai mạn thuyền là chỗ đặt ván ngang cho mỗi tay chèo cách nhau 51cm đủ chỗ cho 10 người cùng ngồi được trên thuyền.

    Lạ nhất là dọc hai bên mép mạn thuyền, người xưa đục mỗi bên 44 lỗ để xỏ dây và lỗ thứ 89 nằm ngay chính mũi.

    Có người bảo đây là các lỗ để buộc dây cho mái chèo nhưng không phải vậy?

    Theo những gì mà cánh thợ lặn kể lại thì các lỗ ấy tạo ra nhằm để buộc hai thuyền lại với nhau bằng thứ dây giống lá dừa.

    Thuyền làm từ một cây gỗ lớn, theo phỏng đoán của rất nhiều chuyên gia nghiên cứu có thể đó là gỗ sưa hoặc gỗ cây bách vàng mới có thể tồn tại ở dưới lòng sông lâu như vậy được.

    Quan sát kĩ, giả định người làm thuyền dùng rìu, các vật cứng sắc nhọn nên các vết đẽo còn để lại trên thân và lòng thuyền rất rõ, tạo thuyền hình dạng thủy động học.

    Ông cha ta ngày xưa rất thông minh, bằng kinh nghiệm sông nước đã chế tác thuyền giảm được sức cản của dòng nước và rất ổn định trên mặt nước. Nó có thể vượt mọi dòng nước sâu xoáy, thác ghềnh và dễ quay ngược lại khi cần gấp.

    Tổng hợp những đặc tính trên, có thể đánh giá đây là thuyền rất độc đáo.

    Vì sao hai thuyền lại buộc úp vào nhau và được nhấn chìm dưới đáy sông ở khúc sông trước cửa đền Kinh Dương Vương nối đến lăng Sĩ Nhiếp ở hướng sau đền.

    Đây có phải là cách Tổ tiên ta thời dựng nước gửi gắm nền văn minh kỹ thuật và trình độ chinh phục sông nước cho con cháu nghìn năm sau biết được?

    Thanh Phùng

    Nguồn Phaply

    Còn tiếp
     
    NgudonghcSai Nguyen thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng ba 2021
  10. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Độc đáo lễ Phục Ruộc

    "Lễ Phục Ruộc"
    Cách khu mộ cổ chừng 300m hướng đi về phía trong làng Á Lữ là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

    Tại đây hàng năm từ 12-24 tháng Giêng Âm Lịch thường diễn ra lễ hội nhân ngày giỗ Thủy Tổ (18 tháng Giêng).

    Kinh Dương Vương tạ thế 18 tháng Giêng tại Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (thuộc Bắc Ninh nay). Dân địa phương lấy ngày giỗ ông để tổ chức lễ hội.

    Từ đời Lý, Kinh Dương Vương được tôn "Thủy Tổ nước Nam", lăng và đền thờ đặt tại vị trí nay.

    Qua bao biến thiên lịch sử, lăng và đền vẫn tồn tại, các triều đại phong kiến Việt Nam, gần nhất là triều Nguyễn.. dâng nhiều đạo sắc phong, bốn mùa thờ cúng.

    Tưởng nhớ Tổ tiên, hàng nghìn năm nay, 18 tháng Giêng, dân từ xa đến gần, từ thôn trang đến phủ chúa nô nức về dự lễ hội hướng về cội nguồn, thắp hương tưởng nhớ:

    Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, tam vị Thánh Tổ và dự hội Phục Ruộc (hội tắm gội) tại ấp Phúc Thần, làng Á Lữ, vùng Luy Lâu, Kinh Bắc (nay thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Hội này duy trì đến nay.

    Á Lữ là làng quê cổ kính nằm giữa cái nôi của vùng văn hóa Kinh Bắc.

    Chếch thêm một đoạn đê non nửa ống tay áo là trung tâm Phật giáo Luy Lâu với chùa Dâu, lùi lại một chút là chùa Bút Tháp.

    Chếch bên phải theo hướng triền đê là làng tranh Đông Hồ. Á Lữ cổ xưa có tên gọi làng Phúc Khang. Có giai đoạn gọi trang Phúc Khang gồm hai làng:

    Phúc Thần (Á Lữ nay) và Phú Thần (Phú Mỹ nay).

    Làng Phú Mỹ nay thuộc xã Đình Tổ có đền thờ thành hoàng Quảng Hóa Đại Vương, con thứ 37 của Lạc Long Quân. Chính sự liên quan này giúp hai làng gắn kết nhau hơn qua lễ rước ngày giỗ Thuỷ Tổ.

    Thông thường ngày Tết Nguyên Tiêu, các cụ ở thôn Phú Mỹ xã Đình Tổ mang kiệu, long đình đến đền Kinh Dương Vương làm lễ rước bài vị Thuỷ Tổ về đình làng Phú Mỹ.

    Nghi lễ thể hiện đạo lý cháu đến vấn an ông nội và rước ông về thăm nơi cháu ngự.

    Đáng chú ý nhất là lễ Phục Ruộc trước ngày chính giỗ 2 - 3 ngày. Phục Ruộc là lễ rước nước dòng sông về thờ Thánh ngày đại giỗ.

    Lễ Phục Ruộc xuất phát từ truyền thuyết Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ.

    Chuyện kể con trai Kinh Dương Vương là Sùng Lãm nối ngôi xưng Lạc Long Quân. Sùng Lãm tuấn tú khôi ngô lạ thường, sức khỏe vô địch, nhiều phép lạ, cầu gì được nấy.

    Thuở hồng hoang ấy, vùng đất Lạc Việt có nhiều loại yêu quái làm hại dân lành. Lạc Long Quân giúp dân diệt trừ các loài thủy quái hung dữ: Ngư tinh dưới biển, hồ tinh nơi đầm lầy, mộc tinh chốn núi rừng sâu thẳm.

    Chữa bệnh giúp người, dạy dân làm nhà, trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở, may mặc, dạy đạo làm người.. công đức ấy của Lạc Long Quân được dân ghi tạc.

    Từ đó, đất nước mới có tôn ty trật tự, có luân thường đạo lý, cha con, chồng vợ quy củ. Sau mỗi lần cứu giúp dân, Lạc Long Quân lại về Thủy Phủ. Mỗi khi trần gian có việc, dân cất tiếng gọi cha Lạc Long Quân:

    "Bố ơi, bố ở nơi nào hãy về cứu chúng con!"

    Lập tức Lạc Long Quân xuất hiện. Chính cảm ứng oai linh đó được dân gian truyền tụng là biểu hiện của tình phụ tử:

    Cha Lạc Long Quân luôn ở bên che chở cho con dân đất Việt.

    Quần thể di tích đền và lăng mộ Kinh Dương Vương còn nổi tiếng với lễ hội truyền thống:

    Tục truyền, xưa hàng năm 18 tháng Giêng, đền và đình thôn Á Lữ lại mở hội.

    Để lo đình đám, ngay trong năm, làng phân công việc cho quan đám và các giáp. Giáp đăng cai lễ hội được nhận ruộng công để nuôi lợn và làm bánh chưng, bánh dày tế thần.

    Từ 12 tháng Giêng, đền và đình mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Sau lễ dâng hương tại đền thờ:

    Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ là nghi thức rước kiệu tam vị từ đền ra lăng Kinh Dương Vương và từ lăng trở lại đền theo nghi lễ truyền thống.

    Đoàn rước có tế nữ quan (nữ quan đi theo kiệu Âu Cơ) và các đội nghi lễ trống chiêng vang lừng, cờ xí rợp đất, dẫn đầu là đội múa lân, múa rồng, múa rùa.. Tổ chức tế lễ theo nghi thức cung đình và làm lễ Nguyên Tiêu.

    14 tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ rước nước từ đền xuống lăng, lấy nước ở giữa sông về thờ làm nghi lễ nhập tịch và tế theo nghi lễ truyền thống, đồng thời rước bài vị từ đền thờ về đình làng Phú Mỹ, tế lễ theo nghi thức cung đình tại đền thờ Kinh Dương Vương.

    Theo phong tục làng, 3 ngai thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ cùng 3 bộ long đình được rước từ đền thờ chính (khu nhà ngài) sang khu lăng, sau đó từ lăng rước ngược lại đền, 6 kiệu gồm 3 kiệu bát cống, mỗi kiệu phải có 8 trai làng lực lưỡng to khỏe khênh rước, đi trước mỗi ngai thờ là kiệu long đình.

    Từ sáng sớm, trên dọc triền đê sông Đuống hiền hòa vùng quê Kinh Bắc, những người già vội vã với áo thâm, nón trắng đi về hướng lá cờ phướn đang bay phấp phới trong gió sớm.

    Thoảng nghe trong gió xa, tiếng trống hội thì thùng, càng giục lòng người rộn rã.

    Đôi khi trong những điếm canh đê còn sót lại dọc khúc đê sông, những đứa trẻ trâu mải buộc trâu vào gióng. Hôm nay, làng có hội. Mọi việc đều có thể gác lại vì một lý do chính đáng như thế.

    Đám rước kiệu và rước hội rồng rắn dài ngót cây số. Màu cờ lễ rực rỡ. Tiếng thanh la, chũm chọe, tiếng kèn nam, kèn đồng, đàn bầu, tiếng trống cái, trống con.. hòa nhịp.

    Cả khúc đê rộn rã. Đường làng thêm chật hẹp vì đám rước và bởi những người xem. Đám múa tứ linh có anh hề rối, có ông phỗng "bụng phệ" đeo mặt nạ làm trò càng làm hội thêm linh đình.

    Những ông chủ trò áo the, khăn xếp; các cụ trong đội múa trang phục lễ hội, dẫu tuổi già vẫn làm nắng cuối xuân thêm đượm bởi nụ cười đen bóng hạt na với đuôi mắt dài thời son trẻ vẫn còn lưu luyến trên những gương mặt loang dấu chân chim.

    Đám rước từ giữa làng qua đê, vòng vèo qua những ngõ xóm hình xương cá. Chưa trông thấy người đã rộn rã tiếng trống hội và màu sắc rực rỡ cờ phướn.

    Những người bị tiếng trống hội dồn dập, cuống chân chạy tít lên triền đê cao chót vót ngồi đợi để nhìn đoàn rước rồng rắn từ phía nhà thờ Tổ ló dạng qua các ngã ba, ngã tư đầu xóm, mặc cho nắng xối xả đổ xuống triền đê.

    Thời xưa, lễ hội kéo dài hơn 10 ngày nên lễ rước nước tổ chức từ 14 tháng Giêng. Nay thực hiện nếp sống mới, lễ hội tổ chức gọn trong 3 ngày 16-18 tháng Giêng Âm Lịch nên lễ rước nước thường diễn ra chiều 16 tháng Giêng.

    Ông Biện Xuân Phẩm kể:

    "Xuân Thu nhị kỳ, mỗi năm 2 lần 14-8 Âm Lịch và trước ngày chính hội 18 tháng Giêng, dân làng Á Lữ tổ chức đi thuyền ra giữa sông (trước kia là sông Dâu, nay là sông Đuống) tế lễ xin nước, rước vong linh cha về thờ phụng, cầu mong cha cứu giúp dân làng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt.

    Người được cử đi múc nước giữa dòng sông là ông trùm tuổi từ 60 trở lên. Người này phải song toàn về mọi mặt, gia đình thuận hòa, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, không có tang bụi hay làm điều gì tai tiếng ở làng xã.

    Xưa nay, lễ rước nước được cử hành tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống với đủ các thành phần:

    Hai hàng cờ ngũ sắc, kiệu long đình, kèn, chiêng, trống, nhạc, lọng, tàn và các lão ông, lão bà cùng toàn thể dân làng đi sau cầu khẩn.

    Mở đầu là màn trống khai hội, sau đó đến lễ dâng hương tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

    Tiếp theo là nghi thức rước kiệu. Một thuyền rồng có trang hoàng cờ, lọng rực rỡ được các thanh niên trai tráng trong làng chèo bằng tay ra giữa dòng sông.

    Người ta quan niệm nước giữa dòng là nguồn nước trong lành và tinh khiết nhất, không vẩn phù sa, không cặn đục. Dùng nước này để lễ Thánh là rất thiêng liêng.

    Người có vị trí cao trong làng sẽ mang chóe xuống thuyền bơi ngược về phía thượng nguồn, đến chỗ dòng nước trong và sạch, vừa múc nước đầy chóe vừa đọc thần chú:

    " Ô hô! Ô hô! Ô hô "(nghĩa là bố ơi, bố ơi, bố ở nơi nào về cứu chúng con) 3 lần rồi dùng gáo dừa nhỏ múc từng gáo đổ vào 1 chóe (chứa khoảng 20 lít nước - PV).

    Khi chóe đầy, mọi người phất cờ, nổi chiêng trống, đoàn rước trang trọng đưa nước về đền Kinh Dương Vương để cúng và tế lễ suốt mấy ngày diễn ra lễ hội.

    Sau khi dâng chóe nước vào đền, các cao niên trong làng tập trung tế Thánh, làm lễ nhập tịch.

    Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ xin rước các Thủy Tổ dân tộc về đình để tế lễ, mở hội, cả sườn đê sông Đuống nơi có lăng Kinh Dương Vương kín người xem quan họ.

    Đến chiều 18 tháng Giêng, dân trong làng tổ chức lễ hồi nước trả về sông với ý nghĩa sau khi cha về chứng kiến lòng thành của dân lại rước cha về Thủy Phủ.

    Một phần nước được đem tưới cho cây cối xung quanh đền, cầu cho dân làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

    Rước nước là lễ thức có ở rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống trong cả nước.

    Nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh sống động, đặc sắc của cộng đồng cư dân nông nghiệp trao truyền từ đời này sang đời khác với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu nước, cầu mùa màng tươi tốt."

    Nhưng lễ Phục Ruộc ở hội Kinh Dương Vương làng Á Lữ ngoài mục đích trên còn mang ý nghĩa độc đáo, đặc sắc hơn bởi gợi nhớ những truyền thuyết dân gian về Kinh Dương Vương - cội nguồn dân tộc, về tình phụ tử, mẫu tử giữa Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long Quân với con dân muôn đời.

    Nghi lễ Phục Ruộc và lễ hội truyền thống Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ hàng năm ở làng Á Lữ (xã Đại Đồng Thành) là truyền nối tâm thức lịch sử, bao hàm cả quan hệ mật thiết, hữu cơ của tình cha con, đồng thời kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất nước với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn."

    Từ 18 đến 24 tháng Giêng, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh chưng, bánh dày. Chính hội 18 tháng Giêng:

    Lễ rước kiệu Thủy Tổ, kiệu Lạc Long Quân – Âu Cơ từ đền xuống lăng và nghi thức tế lễ truyền thống. Vật phẩm ngày giỗ Tổ 18-1 là lợn đực và gà trống (gọi là khiết sinh).

    Các vật phẩm trong ngày lễ có đủ ngũ phẩm gồm:

    Gạo, nước, lửa, hương, hoa.

    Đặc biệt là xuất hiện 3 mâm cá gỏi vào ngày tế giã đám 25 tháng Giêng tại đền Thượng và đền Hạ.

    Cá làm gỏi sạch sẽ, rửa bằng rượu và trộn nước lá thơm. 3 mâm cá mang ý nghĩa là vật phẩm của con trai xuống biển đánh cá mang về dâng cha mẹ.

    Ngoài 18 tháng Giêng còn có ngày lệ riêng của đền Thượng và đền Hạ. Tục truyền đến 15-8 (Âm Lịch), dân làng làm 3 mâm xôi, 3 mâm trám đen và 3 mâm gỏi cá để tế Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ tại đền Thượng và Hạ.

    Các mâm tế trám đen tượng trưng 50 con theo mẹ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp. Cá gỏi tượng trưng 50 con theo cha xuống vùng biển khai lập.

    Khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động vui chơi giải trí:

    Thi vật, cờ tướng, tổ tôm điếm, đập niêu, đu cây, vật, hát tuồng, chèo, múa rối nước, ca trù, trống quân, quan họ.

    Những ngày lễ hội đền và lăng Kinh Dương Vương thu hút hàng ngàn vạn "con Lạc cháu Hồng" từ mọi miền đất nước về với khu di tích nhằm tri ân và thờ phụng tôn vinh Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ.

    Hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng, 26-2 diễn ra lễ diễu hành môtô, xe đạp với hàng trăm người tham gia.

    Nguồn: Baobacninh

    Khi hỏi về sự tham dự của các cấp chính quyền địa phương tại lễ hội Kinh Dương Vương làng Á Lữ, Nhân Khánh được Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh là ông Lê Đắc Thuật cho biết:

    "Tất cả tỉnh xuống làm lễ dâng hương và làm lễ khai hội vào sáng mai."

    Đến nay vẫn chưa có nguồn tư liệu đáng tin cậy nào cho biết niên đại xây lăng ở làng Á Lữ, ngoài sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" ghi 1840 thời Minh Mạng, lăng được trùng tu và khắc bia chữ "Kinh Dương Vương lăng". Liên quan thời điểm tôn tạo, có câu đối trong lăng ghi:

    "Trên núi Nghĩa Lĩnh (vùng Phú Thọ) có kinh thành cổ,

    Bên bờ sông Thiên Đức (tức sông Đuống) có lăng miếu mới."

    Vậy lăng Kinh Dương Vương có thực chứa hài cốt vua đầu tiên nước Việt không và nên hiểu thế nào về mộ này.

    Nhân Khánh đặt câu hỏi trên trong cuộc nói chuyện cùng Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Duy Mền, phụ trách Phòng Nghiên cứu lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam thuộc Viện Sử học và được biết:

    "Lăng là do đời sau họ dựng lên. Thật ra là tượng trưng thôi, nếu gọi xác thực có chất lịch sử và khoa học, việc đó còn phải khảo cứu.

    Nhưng theo thiển nghĩ của tôi có lẽ mang tính tượng trưng do dân mình mến mộ ông vua đầu tiên, họ dựng lên thôi."

    Thời Hồng Bàng xa xôi đặt dấu ấn trong lịch sử dân tộc, một giai đoạn huyền sử mang dáng dấp những truyền thuyết, tương tự lịch sử khai thiên lập địa của các dân tộc khác trên thế giới.

    Đành rằng huyền sử kia có những nét mông lung mà khoa học khó kiểm chứng xác thực, nhưng toàn bộ chuyện xưa không hề là tác phẩm được dựng lên chỉ để thỏa thói bông phèng.

    Huyền thoại là ước vọng của con người xuất phát từ thực tế, không đợi khắc lên đá hay chạm vào gỗ, lịch sử Hồng Bàng được giữ gìn và lưu truyền trong lòng dân tộc Việt Nam.

    Nhìn chung, những nỗ lực nghiên cứu của ngành khoa học lịch sử Việt Nam về thời đại trước các Vua Hùng cần triển khai mạnh hơn.

    Dẫu sao trong tâm thức nhiều người Việt, Kinh Dương Vương vẫn là vua đầu tiên có danh vị của quốc gia Việt Nam, đánh dấu ra đời nhà nước đầu tiên trong lịch sử một dân tộc.

    Sau nhiều ngàn năm thăng trầm, vượt qua bao điêu linh để dựng lên quốc gia, tất trải nhiều gian khó.

    Kinh Dương Vương gắn liền những năm tháng hào hùng và bi tráng của chủng tộc Bách Việt, công lao anh hùng lập quốc này đáng được nhìn nhận một cách trọng vọng hơn.

    Đồng chí Lê Đức Anh dâng hương Kinh Dương Vương

    (BNTV) Sáng 10-12, đồng chí Lê Đức Anh, Nguyên Chủ tịch nước cùng phu nhân tới dâng hương tưởng niệm Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lương Thành và đại diện lãnh đạo, dân địa phương cùng dự lễ dâng hương với Nguyên Chủ tịch nước.

    Thăm đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân bày tỏ xúc động khi lần đầu được về thăm, thắp hương tưởng niệm tiền nhân. Nguyên Chủ tịch nước viết lưu bút trong sổ lưu niệm với dòng chữ:

    "Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương."

    Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lương Thành bày tỏ lòng biết ơn những công lao, đóng góp của Nguyên Chủ tịch nước đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước và tỉnh Bắc Ninh. Kính chúc sức khỏe Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh an khang, trường thọ.

    Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Lương Thành báo tin vui về tình hình phát triển kinh tế, một số kết quả nổi bật trong thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh những năm qua, đặc biệt giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013, góp phần to lớn tạo động lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân.

    Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đề nghị chính quyền và dân Bắc Ninh tiếp tục gìn giữ, bảo tồn để khu di tích là "địa chỉ đỏ" để người Việt tự hào truyền thống con Lạc cháu Hồng, hướng về cội nguồn, dựng xây Việt Nam đẹp giàu, phát triển.

    Thăm quần thể lăng, đền thờ Kinh Dương Vương, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng phu nhân trồng cây lưu niệm tại khu di tích.

    Hà Tâm – Đức Minh

    Nguồn vanminhsonghong

    Đi tìm thứ bậc cho Kinh Dương Vương

    GiadinhNet - Lâu nay, theo truyền thuyết thì người sinh ra Vua Hùng là Lạc Long Quân và người sinh ra Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương. Vậy ai sinh ra Kinh Dương Vương?

    Gọi Vua Hùng là "Quốc Tổ" thì gọi Kinh Dương Vương là gì? Hơn nữa phải có dân mới có vua, gọi vua là "Tổ" có thực đúng không?

    Đó là những băn khoăn của ông Trần Quốc Thịnh, người có một số công trình nghiên cứu về văn hóa ở Bắc Ninh..

    Băn khoăn tên gọi

    Chúng tôi tìm về thôn Thất Giang, xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tìm gặp ông Trần Quốc Thịnh (nguyên chuyên viên Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Bắc cũ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang) là người đưa ra băn khoăn trên.

    Ông Thịnh băn khoăn nếu cho rằng Hùng Vương là "Quốc Tổ" thì không biết xếp Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương vào bậc gì?

    Ông Thịnh đặt vấn đề:

    "Từ thuở nhỏ, ở lớp vỡ lòng các thày cô đã dạy tôi về lịch sử Việt Nam. Theo đó, Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân rồi Lạc Long Quân sinh ra Vua Hùng. Vậy giờ gọi Vua Hùng là" Tổ "thì gọi các vị kia là gì?"

    Theo ông Thịnh, có lẽ vì trong sử liệu còn nhiều điểm chưa thống nhất nên việc gọi tên và phong danh cho các vua thuộc họ Hồng Bàng có nhiều điểm bất cập.

    Có thể đây là các nhân vật huyền thoại nhưng rõ ràng tên tuổi những nhân vật đó vẫn hiện hữu trên các di tích và sống trong tâm thức người Việt.

    Một điểm rất bất hợp lý là hiện nay cả Lạc Long Quân lẫn Hùng Vương đều được gọi "Tổ". Như vậy đã phù hợp chưa? Cả cha và con cùng là "Tổ" thì quả là bất hợp lý về thứ bậc.

    Kinh Dương Vương sinh ra ở Bắc Ninh?

    Trong cuốn "Danh nhân lịch sử Kinh Bắc" của mình, ông Trần Quốc Thịnh cho rằng Kinh Dương Vương là người bộ lạc Dâu, cư trú tại địa bàn phía Nam sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh nay.

    Không chỉ Kinh Dương Vương mà cả Lạc Long Quân cũng từng sinh, trưởng tại vùng đất này.

    Có lẽ một trong những căn cứ để ông Thịnh nhận định Kinh Dương Vương từng sinh sống tại Bắc Ninh là đến nay, đền thờ cùng lăng mộ vị của vị vua này hiện vẫn còn tồn tại ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

    Khu di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là di tích Quốc Gia năm 2008.

    Lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê sông Đuống, trên một diện tích đất rất rộng khoảng trên 20.000m2.

    Theo một thông tin thì khoảng năm 1949, khu lăng mộ và đền thờ bị thực dân Pháp phá huỷ, đến 1971 mới được phục dựng.

    Hiện nay tại đây vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá, phía trên bia trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh trang trí hoa dây cách điệu, phía dưới là hình sóng nước.

    Trong lòng bia được khắc chìm 19 chữ. Chính giữa là bốn chữ Kinh Dương Vương lăng. Bia có niên đại năm Minh Mệnh 21 (1840).

    Còn ở khu đền thờ, ngoài thờ Kinh Dương Vương còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đền thờ hiện lưu giữ nhiều đạo sắc phong có niên đại từ năm 1810 đến 1924 và một bức đại tự có chữ Đại Nam Tổ miếu.

    Khu di tích sạch sẽ nhưng khá hiu quạnh. Ông Vương Hữu Thông, người trông coi đền cho biết, năm 2000 khu di tích được tỉnh đầu tư sửa một lần, từ đó đến nay không có gì cả.

    Dù cũng có nhiều đoàn khách đến thăm, nhưng di tích vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng tầm của nó.

    Ngay cả Lễ hội tưởng nhớ Kinh Dương Vương ngày 18-1 Âm Lịch hàng năm, phần lớn cũng do dân làng tự tổ chức. Là người trông coi di tích, ông Thông không khỏi chạnh lòng.

    Theo ông Thông thì cần có quan tâm, đầu tư hơn nữa để khu di tích xứng với vai trò, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của thời đại các Vua Hùng.

    "Từ năm 2009, cả nước đã góp giỗ trong ngày Giỗ Tổ Vua Hùng, việc này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cả dân tộc, đáng hoan nghênh.

    Tuy nhiên, nếu xét theo lịch sử, Kinh Dương Vương còn là ông nội của Hùng Vương. Việc phải quan tâm đến ngài về đạo lý cũng là điều nên làm", ông Thông nói.

    Ông Thịnh cho rằng, Kinh Dương Vương phải được tôn sùng hơn nữa vì là vua đầu tiên có danh vị trên địa phận Việt Nam.

    Không nên hiểu là giỗ vị Tổ đầu tiên

    Trước các băn khoăn trên, cố GS sử học Phan Huy Lê nói lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết.

    Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là tưởng niệm nguồn gốc xa xưa của Tổ tiên, cội nguồn dân tộc.

    Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng là chứng tích những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa.

    Ví dụ như cột đá thề trên đền Thượng của Đền Hùng được dân ta gắn với truyền thuyết Thục Phán thề nguyền khi được Vua Hùng nhường ngôi.

    Thực ra, thông qua các mộng ghép của cột, các nhà khoa học chứng minh cột đá đó có niên đại gần đây, do ai đó lấy từ một kiến trúc đá đem về dựng bên đền Thượng để cụ thể hóa một truyền thuyết.

    Một số huyền thoại thường được lịch sử hóa là chuyện bình thường, nằm trong quy luật lưu truyền và phát triển loại hình văn hóa dân gian.

    Sử học mới chỉ chứng minh được thời Hùng Vương là có thật theo ý nghĩa là thời hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử, dù còn sơ khai, phôi thai.

    Lịch sử bất cứ một quốc gia - dân tộc nào trên thế giới thời cổ đại đều có hai mốc quan trọng.

    Thứ nhất là xuất hiện con người trên lãnh thổ nước đó, mốc mở đầu lịch sử gắn liền cuộc sống con người.

    Thứ hai là hình thành nhà nước đầu tiên khi cư dân nước đó bắt đầu tập hợp lại thành cộng đồng quốc gia, mở đầu lịch sử dựng nước và giữ nước.

    Cố GS. Phan Huy Lê nói:

    "Thời Hùng Vương là mốc thứ hai và do đó, không nên hiểu Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ vị Tổ đầu tiên của người Việt và của dân tộc Việt Nam."

    Theo ông, trước thời Hùng Vương, khảo cổ học phát hiện được rất nhiều di tích thời đại đồ đá và đồ đồng, chứng tỏ cách ngày nay hàng vạn năm, trên lãnh thổ nước ta đã tồn tại và phát triển cuộc sống con người thời tiền nhà nước. Đó là thời tiền sử theo cách gọi của khảo cổ học và sử học.

    Những huyền thoại, truyền thuyết thời trước Hùng Vương phản ánh lịch sử thời tiền sử, trong đó có sự xuất hiện của con người và nguồn gốc Tổ tiên.

    Truyện Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân - Âu Cơ là huyền thoại phản ánh cội nguồn dân tộc.

    Kinh Dương Vương là ông nội Hùng Vương?

    Hiện nay, các tài liệu nghiên cứu về giai đoạn thời Hồng Bàng có nhiều điểm chưa tương đồng.

    Một số cuốn sách khi đề cập tới cội nguồn của người Việt, đất nước Việt Nam ngày nay đều bắt đầu bằng việc nhắc tới Kinh Dương Vương nhưng thông tin về xuất thân của vị vua này gần như không có gì. Tuy nhiên tại Lăng Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh có ghi:

    "Kinh Dương Vương tên huý là Lộc Tục, là bậc thánh trí có tư chất thông minh, tài đức hơn người, sức khoẻ phi thường.

    Kinh Dương Vương hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 TCN), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ), đóng đô ở Hồng Lĩnh (nay là Ngàn Hống, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Sau đó dời đô ra Ao Việt (Việt Trì). "

    ĐVSKTT ghi vua Đế Minh là cháu 3 đời của vua Thần Nông. Đế Minh truyền ngôi cho 2 con trai là Đế Nghi và Lộc Tục.

    Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu Xích Quỷ.

    Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi và xưng là Lạc Long Quân.

    Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và đẻ ra một trăm người con. Lạc Long Quân phong cho con trai cả làm vua và đóng đô ở đất Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), lấy hiệu là Hùng Vương.

    Như vậy, chỉ có một điểm tương đối thống nhất về Kinh Dương Vương, đó là xét về mặt thứ bậc, ngài là ông nội của Vua Hùng.

    Còn tiếp
     
    Sai Nguyen thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng ba 2021
  11. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    Lạc Long Quân diệt Hồ Tinh (họa sĩ Phan Vũ Linh)

    [​IMG]

    "Lạc Long Quân"
    Lạc Long Quân (chữ Hán: 貉龍君), có nhiều chữ khác nhau và được dùng không thống nhất, về chữ Lạc viết bằng Hán tự nào xin xem thêm bài viết Lạc Thư Minh Triết của tác giả Kim Định.

    Tên húy là Sùng Lãm (崇纜), cha là Kinh Dương Vương Lộc Tục, mẹ là con gái của Động Đình Quân. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:

    "Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long."

    Theo câu trên thì phải hiểu Thần Long là tên con gái của Động Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới soạn giả lại viết:

    "Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh Lạc Long Quân."

    Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long.

    Truyền thuyết

    Lớn lên Sùng Lãm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Ông có tài đi dưới nước như đi trên cạn. Nối nghiệp cha, lấy hiệu Lạc Long Quân.

    Đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí du ngoạn khắp nơi.

    Diệt Ngư Tinh (Ngư Tinh Xà)

    Lĩnh Nam Chích Quái ghi Biển Đông có Tinh Ngư Xà (còn gọi Ngư Tinh) dài hơn 50 trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, đi ầm ầm như mưa, ăn thịt người, ai cũng sợ.

    Đời thượng cổ có cá dung mạo như người, tới bờ Đông Hải, sau biến thành người, biết nói, dần lớn lên, sinh nhiều con trai, con gái, bắt cá, tôm, sò, hến mà ăn.

    Lại có giống Đản Nhân sống ở gò dưới bể, chuyên nghề bắt cá, sau biến thành người, giao dịch với man dân đổi lấy thóc gạo, dao, búa, thường qua lại ở Đông Hải. Có hòn đá Ngư Tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, dưới đá có hang, Ngư Tinh sống ở đó.

    Sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở đường khác nhưng đá rắn khó đẽo. Thuyền dân đi qua chỗ này thường bị Ngư Tinh hại. Đêm kia có bọn người tiên đục đá làm đường đi để hành nhân qua lại.

    Ngư Tinh hóa gà trắng gáy trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rạng đông bèn bay lên trời. Nay người ta gọi lối đi ấy là Phật Đào Hạng (Ngõ Phật Đào).

    Long Quân hóa phép thành thuyền dân, lệnh cho Quỷ Dạ Thoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, song giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn.

    Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật thuyền.

    Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên núi nay chỗ đó gọi Bạch Long Vĩ. Đầu trôi ra ngoài bể biến thành chó. Long Quân lấy đá ngăn bể rồi chém.

    Nó biến thành đầu chó, nay gọi Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, nay gọi Mạn Cầu Thủy (còn gọi Cẩu Đầu Thủy).

    Diệt Hồ Tinh

    Truyền thuyết ghi:

    Trừ xong nạn Ngư Tinh, ngài đến Long Biên có cáo chín đuôi sống hơn nghìn năm, thành tinh, trú trong hang sâu dưới chân núi đá phía Tây Long Biên.

    Cáo thường hóa thành người trà trộn trong dân dụ bắt con gái về hang hãm hại.

    Từ Long Biên đến núi Tản Viên bị Hồ Tinh hại. Dân hai miền rất sợ, nhiều người bỏ ruộng đồng, nương rẫy, đi nơi khác làm ăn.

    Long Quân một mình một gươm đến sào huyệt Hồ Tinh. Ngài đến cửa hang, cáo thấy bóng người liền xông ra, ngài làm mưa gió, sấm sét vây chặt cáo.

    Đánh 3 ngày 3 đêm, cáo dần yếu sức, tìm đường chạy, ngài đuổi theo chém đứt đầu. Nó hiện nguyên hình là cáo khổng lồ chín đuôi.

    Ngài vào hang cứu những người còn sống, sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái xoáy hang cáo thành vực sâu, đương thời gọi đầm Xác Cáo, đời sau gọi Tây Hồ. Dân quanh vùng về cày cấy trên đồng ven hồ, dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi làng Hồ, nay vẫn còn.

    Lĩnh Nam Chích Quái chép:

    Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Sau này Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai rồng dẫn thuyền đi, nên đặt tên là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy.

    Xưa ở phía Tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía Đông gối lên sông Lô Giang.

    Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian.

    Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng.

    Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc, nên gọi là Bạch Y Man (Mán Áo Trắng).

    Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở.

    Long Quân bèn lệnh cho lục bộ Thủy Phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân Thủy Phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn.

    Nơi này thành một cái vũng sâu gọi là "Đầm Xác Cáo" (tức Tây Hồ ngày nay). Sau lập miếu (Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái.

    Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Động (hang cáo).

    Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.

    Vậy Hồ Tây là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi? Mang huyền thoại này đi hỏi những người dân sống lâu năm ở khu vực xung quanh hồ thì được bác Văn (ở phố Trấn Vũ) cho biết:

    "Gia đình tôi có 3 đời sống ở nơi này. Truyền thuyết về Hồ Tây có rất nhiều, nào là Hồ Trâu Vàng, Đầm Xác cáo, Hồ Dâm Đàm.

    Về huyền thoại cáo chín đuôi, tôi được nghe trước đây vùng đất này là rừng núi hoang vu, ít người qua lại.

    Lúc đó, trên một ngọn núi giữa vùng có con cáo chín đuôi. Hàng ngàn năm tu luyện, cáo đã thành tinh, phép thuật lợi hại.."

    Và có vẻ như khơi đúng mạch, bác Văn ngược về quá khứ, cứ kể như mình là người chứng kiến sự việc:

    "Con cáo chín đuôi lúc biến thành cô gái xinh đẹp, lôi dụ các chàng trai; lúc lại thành chàng thanh niên tuấn tú đi tán tỉnh thôn nữ; khi lại là quỷ dữ dọa người đến khiếp sợ.. Nó làm thế vì muốn bắt được càng nhiều người đưa về hang sâu để ăn thịt dần."

    Sách viết về Hồ Tây cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận xét:

    "Hồ Tây là hồ thuộc loại linh thiêng nhất Việt Nam. Không chỉ ông mà trong tâm thức nhiều người Hà Nội, Hồ Tây đã và đang được tin như là long mạch lớn nhất của Thủ đô cổ kính.

    Theo ông Phúc, cái tên xưa nhất của Hồ Tây là Đầm Xác Cáo và truyền thuyết gắn liền với công đức của Lạc Long Quân giúp người dân có cuộc sống yên bình, mà không bị loài yêu tinh quấy phá.

    Thần đã truy đuổi con cáo vào tận hang và sau đó, cho nước ngập hang làm chết cáo."

    Diệt Mộc Tinh

    Lĩnh Nam Chích Quái chép:

    "Mộc Tinh trải không biết bao năm, khô héo rồi biến thành yêu tinh, rất dũng mãnh, giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh thắng nó.

    Nó hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ.

    Hàng năm 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, nó mới cho yên ổn. Dân thường gọi Quỷ Xương Cuồng.

    Biên giới Tây Nam giáp nước Mi Hầu, vua nước này sai dân mọi ở Bà Lộ (nay phủ Diễn Châu) bắt giống mọi sống ở Sơn Nguyên tới nạp, thành lệ thường mọi năm.

    Tần Thủy Hoàng cho Nhâm Ngao làm quan lệnh Long Xuyên, Ngao muốn bỏ lệ đó, cấm nạp lễ người sống, Xương Cuồng tức giận vật chết Ngao. Sau phải phụng thờ nhiều hơn.

    Đời Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Du Văn Tường người phương Bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi qua nhiều nước, biết tiếng các dân mọi, học thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam lúc hơn 80 tuổi. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư dạy pháp thuật làm trò vui cho Xương Cuồng xem để giết y.

    Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can, thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát.

    Hàng năm tháng 11 dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy mây quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, ở giữa gác lên cây.

    Thượng Kỵ đứng lên dây chạy nhanh 3, 4 lần, đi lại không ngã. Kỵ đội khăn đen, mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba.

    Hai người (mỗi người cầm 1 cán cờ) đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì tránh, lên xuống không ngã.

    Khi thì Thượng Đát lấy tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lần, tiến tiến lùi lùi.

    Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng giống cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã.

    Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhảy, cúi xuống nhặt vật dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa.

    Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một gậy dài cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Giết súc vật mà tế.

    Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú, lấy kiếm chém. Xương Cuồng cùng bộ hạ chết hết. Lệ làm lễ nạp dâng người sống hàng năm bèn bỏ, dân sống yên lành như xưa."

    Mộc Tinh là "ma mộc" gỗ khô, tức những gì hư hóa, nhất là các thứ dị đoan. Long Quân cũng đuổi đi, sau có người dùng ma thuật cũng chỉ tạm bợ, nên nó còn lưu hành trong dân, nhưng cả 3 thứ tinh không còn nhô đầu lên văn đàn được nữa. Hồ Tinh, Ngư Tinh chỉ còn tác hại dưới hình thức du mục võ biền.

    Chuyện tả con người chiến đấu yêu ma, thuỷ quái, phản ánh công cuộc chinh phục thiên nhiên, chiếm lĩnh các vùng miền núi, đồng bằng châu thổ, vùng ven biển.. là khắc phục trở ngại thiên nhiên để khai phá đất hoang, rừng rậm, chống hạn hán, ngập lụt, thú dữ.

    Điều này được huyền thoại hóa bằng những kỳ tích chống Thuỷ Tinh (lụt lội), diệt Ngư Tinh (miền sông nước), đánh Mộc Tinh (miền rừng núi), diệt Hồ Tinh (đồng bằng châu thổ)..

    Qua đó thể hiện sức mạnh chinh phục, cải tạo thiên nhiên của cư dân Việt cổ để kiến tạo, xây dựng quốc gia phát triển qua hàng ngàn năm đến nay và mãi về sau.

    Con Rồng Cháu Tiên

    Diệt xong yêu quái, ngài thấy dân vùng này vẫn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ gianh làm ổ nằm bèn dạy dân trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn ở, phòng thú dữ.

    Dạy dân đạo lý cha con, vợ chồng. Dân cảm tạ, xây cung điện nguy nga trên núi cao. Nhưng ngài không ở, thường về quê mẹ dưới Thủy Phủ, dặn dân:

    "Hễ có tai biến gì thì gọi, ta về ngay!"

    Đế Lai nhân phương Bắc vô sự, nhớ chuyện Đế Minh tuần thú phương Nam gặp được tiên nữ, Đế Lai bảo bề tôi thân cận là Xuy Vưu (còn gọi Xi Vưu) thay mình giữ nước để đi tuần du Xích Quỷ phương Nam.

    Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, nước vô chủ, bèn để ái nữ Âu Cơ và những kẻ hầu ở lại hành tại.

    Lai dạo chơi thiên hạ, xem khắp hình thắng. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, tê tượng đồi mồi, bạc vàng châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn các vị, sơn hào hải vật không thiếu thứ nào.

    Bốn mùa khí hậu không lạnh không nóng, Đế Lai yêu thích, quên về, sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài.

    Dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được yên lành như xưa, ngày đêm mong Long Quân về, cùng hướng về Biển Ðông gọi to:

    "Bố ở nơi nao, mau về cứu chúng con!"

    Long Quân thoát nhiên trở về, thấy Âu Cơ dung mạo tuyệt mỹ, Long Quân yêu thích, hóa thành chàng trai đẹp, đông kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng nhạc vang lừng đến nơi hành tại.

    Âu Cơ thấy Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. Long Quân giấu Âu Cơ ở Long Đài trong cung điện trên núi Nghĩa Lĩnh.

    Lai về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân biến hóa trăm hình vạn vẻ, yêu tinh quỷ mị, rồng rắn hổ voi xé xác chúng làm kẻ đi tìm không dám lục sạo.

    Lai đành về phương Bắc, truyền ngôi đến Đế Du Võng thì Xuy Vưu làm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên Hoàng Đế đem chư hầu tới đánh nhưng không được.

    Xuy Vưu mình thú nói tiếng người, sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thú làm lệnh, Xuy Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc.

    Đế Du Võng cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh 3 trận đều bị thua, Võng bị giáng phong ở đất lạc ấp rồi chết ở đó. Dòng họ Thần Nông tới đây thì hết.

    Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ một bọc, cho là bất thường, vứt ra cánh đồng; qua 6, 7 ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở một con trai mới đem về nuôi.

    Không phải bú mớm, các con tự lớn, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người kính trọng cho là phi thường.

    Hàng chục năm sau, Long Quân sống đầm ấm bên vợ con vẫn nhớ Thủy Phủ. Một hôm từ giã vợ con, hóa rồng vụt lên mây bay về biển.

    Vợ con thường muốn về đất Bắc, tới biên giới, Hiên Viên nghe nói rất sợ hãi, cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không về được bèn về nước Nam. Âu Cơ đứng trên núi cao hướng về Biển Ðông gọi:

    "Bố ở nơi nào để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này."

    Long Quân bỗng về, gặp nhau ở Tương Dã. Âu Cơ nói:

    "Thiếp nguyên người đất Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau, sinh được trăm đứa con trai không biết dựa vào đâu nuôi nấng, vậy xin theo chàng; mong chàng đừng ruồng bỏ, làm mẹ con thiếp hóa ra những kẻ không chồng không cha, chỉ riêng mình đau khổ thôi."

    Long Quân nói:

    "Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc; nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn không đoàn tụ được với nhau, tuy khí Âm Dương hợp lại mà sinh con, nhưng dòng giống tương khắc như nước với lửa, khó bề ở lâu với nhau được.

    Nay phải chia ly, ta sẽ mang 50 con trai về Thủy Phủ, chia trị các nơi, còn 50 đứa sẽ theo nàng ở trên đất, chia nuớc ra mà cai trị. Những lúc lên non, xuống nước có việc cùng gắn bó, đừng bỏ rơi nhau."

    Trăm con vâng theo, từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu nay thuộc Phú Thọ, suy phục lẫn nhau, tôn người con cả làm vua, hiệu Hùng Vương.

    Vua Hùng chia nước làm 15 bộ, đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung là Hùng Vương.

    Lạc Long Quân mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại yên ổn cho dân. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn nói mình là dòng giống Tiên Rồng.

    Việt Sử Giai Thoại của Nguyễn Khắc Thuần bàn:

    "Không thể nói khác hơn rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã có một cuộc kỳ ngộ. Người từ phương xa theo cha đi chu du khắp cõi, tình cờ dừng bước ở đất Xích Quỷ.

    Người làm vua một phương, được dân thương mà gọi là bố. Xứ sở chẳng cùng, tuổi tác cách biệt, thế mà vừa gặp đã rung động về nhau. Lạ thay!

    Xét về thế thứ, Lạc Long Quân và Đế Lai là anh em con chú con bác với nhau. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, tức là lấy con gái của anh con nhà bác.

    Có người nhân đó mà nghiêm phê rằng luân thường đạo lý đảo điên, mối họa cho thiên hạ thật khó lường được.

    Song lấy khuôn mẫu đạo đức hiện thời để xét đoán hành vi của thiên cổ, trong chỗ ngỡ như đúng, cái sai đã chất chứa sẵn rồi.

    Đọc sách đâu phải chỉ đọc chữ trong sách. Ngàn xưa vẫn thế, nỗi tâm sự cần ký thác, thường hay nằm ở giữa những dòng chữ hoặc ở sau những dòng chữ đó thôi.

    Sử cũ vẫn nhấn mạnh mối thâm tình của các nhóm thuộc Bách Việt. Chừng như chuyện này muốn tỏ rằng vốn dĩ tất cả đều chung máu mủ ruột rà. Ngẫm mà xem!"

    Nguồn:

    Daovien

    Baomoi

    Cha Rồng, Mẹ Tiên đã gặp gỡ và chia tay ở đâu?

    Theo chú giải trong "Tân đính Lĩnh Nam Chích Quái" thì Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ kết duyên ở vùng đất sau này đặt tên là Ái Châu (tức Thanh Hóa nay) rồi đưa nhau về sống ở Long Đại Nham (tức núi Hàm Rồng), khi Lạc Long Quân lên ngôi mới đưa vợ về ở tại núi Nghĩa Lĩnh.

    Sách "Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện" viết Long Quân rước Âu Cơ về ở núi Long Trang, có lẽ đây là tên gọi khác của núi Hàm Rồng.

    Chia ly xuống biển lên rừng

    Lĩnh Nam Chích Quái viết:

    "Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ, vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi, cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân:

    - Bố ở nơi nào mà để mẹ con thiếp cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này!

    Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói:

    " Thiếp nguyên người đất Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau, sinh được trăm đứa con trai không biết dựa vào đâu nuôi nấng, vậy xin theo chàng; mong chàng đừng ruồng bỏ, làm mẹ con thiếp hóa ra những kẻ không chồng không cha, chỉ riêng mình đau khổ thôi. "

    Long Quân nói:

    " Ta là nòi Rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên, sống ở trên đất, tuy khí Âm Dương hợp lại mà sinh con, nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly.

    Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng bỏ rơi nhau. "

    Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu, cùng tôn con cả làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang.."

    Như vậy Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau ở đất Tương. Một số sử liệu, thần tích dân gian cho biết như vậy nhưng chép là Đồng Tương hoặc Tương Dã.

    Vậy địa danh này ở đâu? Đồng Tương hay Tương Dã là huyện Tương nằm ở bờ Bắc Hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, TQ) nơi sông Tương có nhánh chảy vào sông Trường Giang. Tuy nhiên điều này không đúng vì mẹ con Âu Cơ chưa về phương Bắc:

    "Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho quân lính ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam.."

    Có ý kiến nói Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau ở Tương Dã thực ra là đọc chệch của từ Tương Dạ, nghĩa là tận đáy lòng mình, một nơi một thời điểm không thuộc về thời gian không gian của khả năng con người. Tức là không xác định được chính xác nơi hai người chia tay.

    Bên cạnh đó có cách giải thích hợp lý hơn khi nói đất Tương không phải nằm ở phía Bắc Hồ Động Đình mà có thể là cánh đồng Tiêu Tương, gần khu vực sông Tiêu Tương (nay sông này không còn) chảy vào sông Đuống, thuộc địa phận xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh nay, nơi còn huyền tích về thời Hùng Vương như lăng mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ). Có thi nhân viết:

    Bố về gặp Mẹ bến sông Tương

    Giọt lệ sầu đong nghĩa vợ chồng

    Ngàn năm tự thuở chia ly ấy

    Huyền sử Rồng Tiên giống Lạc Hồng.

    ĐVSKTT viết về thời Hồng Bàng trong mục Lạc Long Quân:

    "Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh trăm con trai là Tổ của Bách Việt.." ( "Ngoại kỷ, quyển I, kỷ Hồng Bàng").

    Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận (năm 1514) của Lễ Bộ Thượng Thư triều Hậu Lê là Lê Tung viết:

    "Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, Tổ người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm rất lâu dài, đã phú thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có vậy."

    Có thể thấy huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ lung linh màu sắc mà thấm đượm ý nghĩa từ bao đời nay đã in đậm trong tâm thức dân tộc Việt.

    Một trong những phản ánh về thời đại Hùng Vương, thời đại mở đầu lịch sử dân tộc, thời kỳ đỉnh cao của một nền văn minh cổ xưa của cha ông mà các thế hệ con cháu chúng ta phải đời đời biết ơn, ghi khắc.

    Một kiến giải lịch sử về truyền thuyết Lạc Long Quân giúp người Việt

    (Lịch sử Việt Nam) - Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, khi chia tay Âu Cơ và các con, Long Quân căn dặn:

    "Ta là loài Rồng, nàng là giống Tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem 50 con về miền biển, còn nàng đem 50 con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp nguy hiểm thì báo nhau biết, cứu giúp lẫn nhau.."

    Các truyện dân gian, mỗi khi dân tộc Việt Nam gặp nguy, Long Quân lại giúp đỡ, chuyển nguy thành an, an cư lạc nghiệp.

    Nhưng đâu là sự thực của sự giúp đỡ đó? Xin bàn luận về vấn đề này để chúng ta có dịp hiểu sâu sắc hơn về suy nghĩ của cha ông ta trong quá khứ.

    Diệt quái, dạy dân, lấy vợ, chống giặc

    Trước khi kết duyên với Âu Cơ và sinh trăm con, theo nhiều tài liệu, Long Quân là vua vùng đất Lĩnh Nam với tên tục là Sùng Lãm.

    Khi lên ngôi, ông có nhiều chiến công hiển hách như diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, đẩy lùi Đế Lai khi Lai nhũng nhiễu dân phương Nam.

    Ngoài các chiến công, Long Quân có công dạy dân trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn ở, phòng thú dữ, đề ra quy tắc ứng xử cha con, vợ chồng.

    Công đầu của Long Quân là để lại cho con cháu Bách Việt của mình những tiền đề để lập quốc gia độc lập tự chủ:

    Thứ nhất, việc đẩy lùi Đế Lai là bảo vệ được vị thế của cư dân bản địa vùng Lĩnh Nam và tạo sức mạnh vượt trội về quân sự của cư dân vùng này với các cư dân ở những vùng đất xung quanh.

    Thứ 2, việc Long Quân đi tuần du khắp nơi, diệt các "loài quái vật" thực chất là sự việc khai hoang, san rừng lấp bể để mở rộng cương vực của những cư dân bản địa vùng Lĩnh Nam. Đây là tiền đề quan trọng để thiết lập đúng nghĩa về cương vực một quốc gia.

    Thứ 3, Long Quân lấy Âu Cơ người phương Bắc và sinh con đẻ cái tạo giao thoa, học hỏi văn hóa giữa các vùng miền, phá vỡ tính cục bộ địa phương của từng bộ lạc.

    Và việc "phân chia" con cái thực chất là phân chia các cư dân theo địa vực cư trú, một "dấu hiệu" của nhà nước. Dù chỉ là hình thức sơ khai nhất:

    Phân chia giữa miền núi và miền biển.

    Nên khi con cả của Long Quân trưởng thành, nhà nước Văn Lang có đủ điều kiện để ra đời và theo truyền thuyết thì truyền được 18 đời Hùng Vương.

    Khuyên Vua Hùng

    Theo nhiều tài liệu văn học dân gian và Lĩnh Nam Chích Quái, khi giặc Ân xâm lược Văn Lang, Lạc Long Quân "khuyên" Vua Hùng thứ sáu nên cho sứ đi khắp nước để tìm người kỳ tài cứu nước, người đó là Thánh Gióng, anh hùng nhổ tre đánh lùi giặc Ân, đem lại thái bình và lạc nghiệp cho cư dân Văn Lang. Sự việc này tất nhiên là huyền thoại. Tuy nhiên nên đặt câu hỏi:

    "Tại sao dân gian lại" cho phép "Long Quân hiện thân và thực hiện điều đó?"

    Đầu tiên, việc Long Quân hiển linh, báo mộng cho Vua Hùng nghĩa là người Văn Lang lúc này đã thịnh hành về tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên.

    Việc tin vào quỷ thần báo mộng hoặc gieo quẻ đoán việc trở nên phổ biến trong lòng xã hội Văn Lang.

    Điều này là hiển nhiên khi Văn Lang vẫn rất sơ khai và vị thế lẫn quyền lực của các Vua Hùng chưa được chuyên chế hóa.

    Chuyện Mai An Tiêm dám nói "của biếu là của lo, của cho là của nợ" khi Vua Hùng đãi ngộ là ví dụ điển hình.

    Khi vua chưa chuyên chế thì tội "khi quân phạm thượng" không được áp dụng tối đa để áp chế lòng người.

    Đổi lại, vai trò của thầy cúng, thầy pháp rất to lớn trong tín ngưỡng và lòng tin của dân. Và việc sử dụng thần linh để tạo quyền lực cho nhà nước sơ khai là "dấu hiệu" quan trọng trong thời kỳ này.

    Giúp Thục Phán

    Thành Cổ Loa gắn liền những truyền thuyết kỳ thú dân tộc Việt:

    An Dương Vương định đô, xây thành; nỏ Thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm giặc.

    Mối tình bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Nhưng vì quá chú ý những tình tiết này nên ít ai lưu tâm "vai trò" của hình tượng Lạc Long Quân trong đó.

    Theo truyền thuyết thì Thần là người sai Kim Quy giúp vua xây thành Cổ Loa để định đô và chế "nỏ thần" để chống giặc.

    Việc Long Quân giúp An Dương Vương xây thành, chế "nỏ thần" nên nhìn nhận như thế nào cho hợp lý?

    Chắc hẳn Thục Phán rất toan tính khi vay mượn hình tượng Lạc Long Quân để trấn áp phản kháng của cư dân Văn Lang trong việc xây Cổ Loa và cai trị nước.

    Việc thành Cổ Loa "xây rồi lại sập" nhiều lần, không phải do nhà Thục không đủ kỹ thuật mà có thể do dân Văn Lang cũ bất phục tùng nên phá hoại khi phải phục dịch xây cung điện cho bộ tộc khác.

    Và dù Thục Phán là anh hùng đánh bại quân Tần vẫn không thể xua tan tâm lý "bài ngoại" của cư dân Văn Lang vốn còn lưu giữ chế độ thị tộc sâu sắc.

    Thục Phán cướp ngôi của Hùng Vương thứ 18. Những cuộc chiến diễn ra giữa hai bên Hùng – Thục miêu tả rất nóng bỏng và sinh mạng của người Văn Lang bị tàn hại rất nhiều.

    Việc Cổ Loa không thể xây thành công cũng vậy. Thực tế kỹ thuật xây thành của nhà Thục rất điêu luyện và công phu.

    Kiến trúc kiên cố của Cổ Loa sau này với hàng vạn mũi tên đồng tìm được là ví dụ điển hình. Nên mới có chuyện Thục Phán phải đăng đàn với trời đất để cầu thánh thần phù trợ.

    Việc nhà Thục tung tin Lạc Long Quân sai Kim Quy đến giúp sức xây thành, cho lẫy làm "nỏ thần" là thủ thuật gây "nhiễu" tâm lý của lao dịch người Văn Lang trước khi dùng bạo lực áp chế họ xây thành và cai trị họ.

    Chúng ta có từng suy nghĩ là "nỏ thần" vào thuở ban đầu do tướng Cao Lỗ làm ra là thứ vũ khí để áp chế dân trước khi chống Triệu Đà không?

    Chính vì nền tảng quyền lực như vậy nên Thục Phán mới đa nghi với dân nhưng lại hòa hiếu với Triệu Đà để đến nỗi mất nước. Thậm chí con gái mình cũng xem là "giặc."

    Một sự bao biện đến kinh hoàng. Tuy nhiên xé lớp màn sương huyền hoặc đi thì ta sẽ có một kết luận thú vị:

    "Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một vua ngoại tộc cai trị quốc gia dựa vào niềm tin thánh thần của dân tộc khác và thành công trong buổi ban đầu.

    Sau này người Mông Cổ là thí dụ điển hình của thủ đoạn chính trị này. Áp chế được các dân tộc khác bằng quân sự, chính trị nhưng lại phải dùng văn hóa của các dân tộc đó để dễ bề cai trị."

    Trao Thuận Thiên Kiếm

    Việc Long Quân "trao" kiếm Thuận Thiên cho Lê Lợi cũng có nhiều điều khiến chúng ta băn khoăn suy nghĩ không kém.

    Thời Minh chiếm đóng Đại Việt, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn - Thanh Hóa để chống lại nhà Minh.

    Buổi đầu thế lực còn non yếu nên trước thế mạnh và khả năng tổ chức tốt của quân Minh, nghĩa quân Lê Lợi nhiều lần thất bại. Do vậy, để tập hợp lực lượng và thu phục lòng dân, ông buộc phải dùng đến sức mạnh thánh thần.

    Lê Lợi chọn Lạc Long Quân làm "giá đỡ" cho tinh thần nghĩa quân đang rệu rã.

    Cùng với sự "tự trị" của làng xã, chiến đấu bền bỉ và xuất hiện các anh hùng cái thế thì dòng máu Lạc Hồng cũng là yếu tố tạo sức mạnh phản kháng như bão táp của dân tộc Việt Nam trước mọi xâm lược.

    Đọc truyền thuyết Hồ Gươm ta càng thấy rõ điều này. Việc kiếm Thuận Thiên không đến thẳng với Lê Lợi mà được chia làm hai phần:

    Một lưỡi kiếm và một chuôi kiếm.

    Khi có kiếm thần, Lê Lợi đánh thắng liên tiếp quân Minh và việc "hoàn kiếm" cũng chứng tỏ tính toán đầy khôn ngoan của Lê Lợi trong việc tung tin đồn để khích động quan tâm của xã hội vào vấn đề chung của đất nước.

    Thứ nhất, thuộc hạ là Lê Thận kéo lưới "vô tình" được lưỡi kiếm, Lê Lợi chạy giặc "vô tình" được chuôi kiếm khiến dân và nghĩa quân tin chắc chắn quân Lam Sơn đang được thần linh phù trợ.

    Lịch sử có nhiều ví dụ tương tự để chứng minh. Như cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng thời Đông Hán phát triển đến trăm vạn binh sĩ khi anh em họ Trương tung tin đồn:

    "Trời xanh đã chết, trời vàng lên thay."

    Hay như "bài thơ Thần" Nam Quốc Sơn Hà tương truyền của Lý Thường Kiệt giúp nhà Lý đánh bại được Tống trong trận quyết chiến chiến lược.

    Thứ 2, từ việc tung tinh đồn có Lạc Long Quân phù trợ, Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn cố gắng đánh ăn chắc một số trận.

    Từ đó tạo tâm lý "bách chiến bách thắng" của nghĩa quân Lam Sơn khi sở hữu Thuận Thiên Kiếm. Điều này rất có lợi cho việc chiến đấu và quy tụ lực lượng của nghĩa quân.

    Nói chung, đối với Lê Lợi thì việc sử dụng biểu tượng Long Quân để nâng cao vị thế khởi nghĩa Lam Sơn là áp dụng thủ thuật "binh bất yếm trá." Nghĩa là dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng.

    Thứ 3, việc "hoàn kiếm" cũng là thủ thuật chính trị mẫu mực của Lê Lợi. Người đứng đầu một quốc gia dân tộc nên Lê Lợi phải tính để kết thúc hợp lý truyền thuyết do mình tạo ra.

    Nghĩa là Lạc Long Quân cho Thần Kim Quy nổi lên ở hồ Tả Vọng để đòi kiếm trước thuyền rồng của vua thực chất là sự "hợp lý hóa" truyền thuyết Thuận Thiên Kiếm do Lê Lợi tạo ra.

    Sự có trước có sau, đầu đuôi đều khớp như thế không làm lộ "sự thật" về Thuận Thiên Kiếm mà còn tăng thêm tính thiêng liêng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và uy tín triều Lê.

    Thời đầu xây dựng chế độ, việc làm đó của Lê Thái Tổ đã tạo vững tin tuyệt đối của nhân dân vào triều đại. Điều này có lợi cho công cuộc ổn định và dựng xây lại đất nước.

    Cuối cùng, qua tìm hiểu của chúng tôi, thanh Thuận Thiên Kiếm của Lê Lợi và thanh Excalibur của vua Arthur nước Anh có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc.

    Nó cùng tượng trưng cho quyền lực và tính hợp pháp của vua tương lai, cùng được một sinh vật sống dưới nước trao tặng, cùng quay về nơi nó xuất phát sau khi giúp người được trao tặng hoàn thành mục đích.

    Như vậy, không chỉ Lê Lợi mà nhiều vua cũng rất "thích" một truyền thuyết có lợi cho mình.

    Đó là mẫu số chung của các nhà lãnh đạo mong muốn có chuyên chế và phục tùng để ổn định dân tâm, dân tình cho đất nước còn có nhiều nhiễu nhương, bất ổn.

    NGUYỄN VĂN TOÀN (Tạp Chí Nghiên Cứu Văn Hóa)

    Còn tiếp
     
    Thienphong100783Sai Nguyen thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng ba 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...