Anh Hùng Đại Việt [Phần 1]

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Hoàng Kim, 21 Tháng ba 2021.

  1. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    NHỮNG NGƯỜI NGHỆ SĨ TẠO HÌNH TÀI HOA

    "Tạo hình tài hoa"
    Thành tựu mỹ thuật của người Việt cổ thời dựng nước qua những tác phẩm đồ gốm, đồ trang sức, đồ đồng, qua những hoạt động về tạo dáng, vẽ hình, chạm khắc, tạo tượng.. là bằng chứng rõ rệt về tài năng, khiếu thẩm mỹ của cộng đồng người sống chan hòa với thiên nhiên và sống khăng khít với nhau trong các làng chạ.

    Nền mỹ thuật Việt cổ nhiều màu vẻ có những nét đẹp bình dị, chững chạc, hài hòa, nội dung hiện thực, chân chất, phản ánh khá đầy đủ tư duy, tình cảm và cuộc sống con người thời đó.

    Đồ gốm giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên làm bằng bàn xoay.

    Đó là những đồ đựng, đồ nấu có kích thước khá lớn với những loại hình đa dạng. Kiểu đặc trưng nhất là loại đồ đựng chia làm 3 phần:

    Phần trên loe rộng (để đựng) hay thon thuỗn (để uống), phần giữa thót lại để dễ cầm nắm, phần đế hình nón cụt.

    Tỷ lệ hợp lý giữa chiều cao của 3 phần, độ phình, độ thót vừa phải, tính chững chạc kết hợp tính sinh động của lối tạo dáng nồi, vò, bình, bát, cốc, chậu.. là những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật gốm Phùng Nguyên.

    Đến Văn hóa Đông Sơn, kiểu dáng đồ gốm kế thừa và nâng cao đến mức hoàn thiện trong đồ đồng.

    Nổi tiếng như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, thạp Đào Thịnh, Việt Khê.. là những di vật quý, ở đấy nghệ sĩ dân gian Việt cổ thể hiện toàn diện tài năng sáng tạo.

    Trước hết về mặt tạo dáng. Kiểu dáng trống đồng, thạp đồng mang những đặc điểm có tính thẩm mỹ cao. Do kế thừa kiểu dáng gốm Phùng Nguyên, kết cấu trống đồng chia làm 3 phần:

    Tang trống phình vừa phải, thân trống là hình viên trụ thót dần về phía dưới, chân trống hình nón cụt hơi choãi ra về phía đáy.

    Dáng trống chững chạc, cân xứng, hài hòa, gọn một cách giản đơn.

    Cái đẹp ở đây là ổn định về tỷ lệ giữa 3 phần của trống, độ phình tang trống, độ thót thân trống vừa phải, độ choãi chân trống nhẹ nhàng.

    Kết cấu hình khối của thạp, loại có nắp thì nằm gọn trong hình bầu dục.

    Phần trên của thạp và phần dưới hơi thót vào, đoạn giữa phình vừa phải. Dáng thạp nghiêm túc, dịu dàng.

    Kết cấu 3 phần đồ gốm, của trống và thạp đồng là kết quả phát triển tư duy thẩm mỹ trong quá trình tìm tòi nhằm tạo những sản phẩm cân đối, vững vàng mà hài hòa, thanh thoát.

    Dao găm có cán hình người, rìu đồng lưỡi xéo các kiểu, đẹp độc đáo là những thí dụ tiêu biểu khác của thành tựu tạo dáng trong nền mỹ thuật Việt cổ.

    NGHỆ THUẬT VẼ HÌNH TRÊN GỖ, TRÊN DA

    Thời gian và khí hậu huỷ hoại mất phần lớn những hình vẽ trên các chất liệu không bền chắc.

    Người Việt cổ có tục xăm mình:

    Đứng về góc độ mỹ thuật, tục lệ này là hình thức vẽ màu đặc biệt trên da thịt.

    Một số mảnh gỗ và da thú có vẽ sơn còn sót lại đến nay với nước sơn còn bóng, màu sơn còn tươi đẹp, như các di vật tìm thấy trong quan tài ở mộ Việt Khê cũng chứng tỏ ở thời dựng nước phổ biến hình thức vẽ bằng màu, ít nhất cũng có hình thức vẽ phẩm và vẽ sơn. Những màu sắc:

    Vàng, đỏ gạch, xám, nâu, cánh gián, đen cùng những màu sắc của các màu ấy.

    Đề tài vẽ màu trên gỗ, trên da mà người Việt cổ ưa thích là các hoa văn hình học và các hình động vật:

    Những vòng tròn đồng tâm, hình thoi, hình tam giác, hình hoa lá, hình rồng rắn.

    Các loại hoa văn hình học phức tạp hơn, các hình vẽ khéo léo hơn, hiện thực hơn về người, động vật, phong cảnh là đề tài nghệ thuật vẽ hình trên đồ gốm và đồ đồng.

    Đó là những hoa văn khắc chìm trang trí các đồ gốm, những hoa văn khắc chìm và chạm nổi trang trí trên đồ đồng: Người xưa vẽ trên đất rồi đem nung hoặc đổ khuôn.

    NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC TRÊN ĐỒ GỐM, ĐỒ ĐỒNG

    Do chất liệu tương đối bền vững, đồ gốm và đồ đồng đã trở thành những bằng cứ phong phú và quý báu của nghệ thuật khắc họa thời đại dựng nước còn để lại dấu vết cho tới nay.

    Đồ gốm được trang trí hoa văn bằng cách: Vạch, chải, in, đập, ấn, ghép.

    Sáu cách tạo hoa văn ấy chứng tỏ rằng kỹ thuật trang trí đồ gốm đã tinh vi, trình độ nghệ thuật của người thợ gốm đã khá cao.

    Từ những yếu tố hình học giản đơn như đuờng thẳng, đường cong, chấm tròn và vòng tròn, những đường song song chạy thẳng hoặc uốn lượn, những hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác.. đến những mảnh trang trí hình răng lược, hình sóng nước, hình mắt lưới, hình nhài quạt.. nghệ sĩ Việt cổ phối hợp các yếu tố hình học giản đơn thành những đồ án hoa văn kỷ hà phong phú, phức tạp, đặc sắc, vừa mang tính chất trang trí, vừa có ý nghĩa tượng trưng.

    Hoa văn sóng nước có lẽ biểu hiện sông, suối; hoa văn vạch thẳng song song biểu hiện mưa.

    Hoa văn tam giác biểu hiện núi, các loại hoa văn cuốn chữ S biểu hiện mây, chớp; hoa văn vòng tròn đơn, kép, liên kết hoặc không liên kết thành dải có lẽ thể hiện những khái niệm ước lệ rất đơn giản về trời đất, sinh vật.

    Hoa văn thường bố cục theo từng dải tròn chạy chung quanh bề mặt tròn của đồ đựng và thường bị chi phối bởi những nguyên tắc luật đối xứng.

    Người thời Hùng Vương ưa trang trí đồ gốm bằng các dải hoa văn có kết cấu phức tạp gồm những tiết liên tục (nối liền nhau) hay rời.

    Các họa tiết đóng kín, rời hay nối nhau đó thường đối xứng nhau theo nguyên tắc đối xứng gương, đối xứng trục hay đối xứng tịnh tiến.

    Như vậy người thời Hùng Vương có ý niệm rõ ràng về đối xứng và biết 3 kiểu đối xứng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt quen thuộc là các đồ án đối xứng trục bậc 2.

    Đối với người thời xa xưa ấy cũng như đối với chúng ta nay, đối xứng là yếu tố của cái đẹp:

    Những đồ án có đối xứng gương thường gây cảm giác tĩnh, vững chắc, nghiêm trang, những đồ án có đối xứng trục thì trái lại, gây cảm giác động, rộn ràng, linh hoạt.

    Nhiều bố cục ở nghệ thuật trang trí đồ gốm, nghệ sĩ thời Hùng Vương kết hợp tài tình cả hai kiểu đối xứng động và tĩnh ấy làm đồ án vững chắc mà không cứng nhắc, linh hoạt mà không giảm phần trang trọng[1] .

    Tính đối xứng và tính hài hòa những hoa văn trang trí trên gốm được tôn trọng và phát triển như những nguyên tắc quan trọng của nghệ thuật Việt cổ.

    Trên đồ đồng, lối chạm khắc chìm và chạm nổi kết hợp để tạo những bố cục trang trí hoàn hảo:

    Các bố cục hoa văn phù hợp một cách hữu cơ với những bề mặt bên ngoài trống đồng, thạp đồng: Các diềm trang trí phân bố đều đặn giữa những đường tròn đồng tâm trên mặt trống, nắp thạp.

    Các dải hoa văn chạy tròn chung quanh tang trống, thân thạp, các băng hoa văn thể hiện theo chiều thẳng đứng của thân trống..

    Tất cả kết cấu hài hòa, có thể nói là khoa học đó, chứng tỏ trình độ thẩm mỹ cao nghệ sĩ dân gian thời Hùng Vương.

    Các kết cấu hoa văn mang tính cân đối và tính nhịp điệu thật đặc sắc, bút pháp trang trí bao gồm kỹ thuật khắc vạch bằng đường nét chuẩn xác, thuần thục, khái quát sinh động các đối tượng miêu tả.

    Ở chính giữa mặt trống và nắp thạp luôn có hình mặt trời biểu hiện ước lệ bằng hình ngôi sao nhiều cánh, từ 8 đến 16 cánh.

    Những vành hoa văn hình học vây xung quanh mặt trời; những vành hoa văn miêu tả sinh hoạt thực tiễn của con người, miêu tả thiên nhiên, cầm thú.

    Mặt trống đồng Ngọc Lũ giống cuốn phim hào hứng làm hiện ra trước mắt khung cảnh sinh hoạt, quang cảnh hội hè làng xưa chạ cổ; trong 4 nhà sàn (2 nhà mái cong, 2 nhà mái tròn) có những người đánh chiêng đánh cồng, những đôi gái trai vừa hát đối đáp vừa chơi trò trồng nụ trồng hoa.

    Bên cạnh nhà là 2 giàn trống với những người đang đứng ngồi giã trống, với những đôi gái trai đứng giã gạo chày tay, với những nhóm người (hay đám rước) vừa đi vừa múa sênh phách, thổi khèn, đánh chuông nhạc, quần tụ chung quanh con người đang mở hội cầu mùa, mừng công.. là cả thế giới động vật thân quen:

    Gà (đứng trên mái nhà sàn), những đàn hươu nai đang đi, xen kẽ với những bầy chim đang bay hay đang đậu đủ loại, mỏ dài, đuôi dài, chân dài, cổ dài, đuôi ngắn, hoặc cổ ngắn đuôi ngắn:

    Cò vạc, bồ nông, xít, giang, sếu, công, trĩ, phượng hoàng đất, bói cá, cun cút.. mỗi con mỗi vẻ.

    Ở tang trống Ngọc Lũ, 6 thuyền lớn đang rong ruổi, trên thuyền có người bẻ lái, nguời đánh trống, người cầm lao, người bắn cung, có những nạn nhân thân phận bé nhỏ (nô lệ hay tù binh) bị trói giật khuỷu tay, bị túm tóc, bị dọa giết. Ở thân trống, những vũ sĩ cầm lao, cầm rìu chiến.

    Trên các trống đồng và đồ đồng khác hiện ra cảnh đua thuyền, đi thuyền đánh cá, cảnh đi săn, cảnh những người vũ trang sẵn sàng chiến đấu, những hình ảnh động vật quen thuộc với con người đương thời:

    Chó, gà, cóc, nhái, cầy cáo, cá sấu..

    Chủ nghĩa hiện thực hồn nhiên, sinh động có pha cách điệu và ước lệ nhưng vẫn rất gần gũi với cuộc sống, bao trùm toàn bộ hình thức diễn đạt mảng nghệ thuật trang trí này.

    Nghệ sĩ dân gian ưa dùng những đường thẳng, đường gãy khúc và đường cong lớn, mà ít tỉa tót, uốn lượn của những đường cong nhỏ, để tả các đối tượng (người, cảnh vật, sinh vật, đồ vật) ở mặt cạnh, mặt nghiêng theo lối bổ cắt, hoàn toàn tôn trọng sự thực đến từng chi tiết và sắp đặt trong bố cục đầy đặn, hài hòa.

    Người, chim, thuyền, hươu.. không bao giờ thấy có mặt nhìn thẳng mà chỉ thấy nhìn từ một bên. Qua lần mái nhà, có thể thấy cảnh trong nhà, qua lần váy xoè có thể thấy đôi chân.

    Nghệ sĩ dân gian chú ý dùng những ký hiệu để phân biệt, trong toàn cảnh lớn, từng lối để tóc búi hay cắt tóc ngắn của người, giống đực hay giống cái của hươu nai.

    Kỹ thuật chạm khắc bằng những đường nét cô đọng, chính xác thuần thục điêu luyện, với tài quan sát thiên nhiên và hoạt động thực tiễn của con người nhạy bén, nghệ sĩ dân gian thời Hùng Vương sáng tạo những bức tranh sinh hoạt của con người Việt cổ, chân thật, khái quát, chọn lọc và thể hiện chủ đề khá rõ ràng.

    NGHỆ THUẬT TẠO TƯỢNG

    Dòng máu chân thực cuộc sống cũng rõ nét trong nghệ thuật tạo tượng.

    Những tượng còn để lại tới nay phần lớn là tượng nhỏ, tượng tròn.

    Chất liệu làm tượng là đá, đất nung, đồng thau và những thủ pháp kỹ thuật chính là nặn tay, đúc, rèn, mài gọt.

    Đề tài chính của tượng là con người, phần nhiều là ở trạng thái động:

    Nhảy múa, thổi khèn, yêu đương.. Đó là những nhóm tượng; một số khác là tượng chân dung và hầu hết đều là chân dung phụ nữ.

    Tượng người bằng đá ở Văn Điển (Hà Nội) với dấu hiệu nam tính rõ ràng tạo bằng kỹ thuật chế tác đá tổng hợp và tinh tế theo ước lệ có cân nhắc kĩ càng và khái quát hóa cao.

    Tính chất nghiêm túc cứng cỏi khắc khổ của tượng cho thấy có lẽ nghệ sĩ bị chi phối bởi ý thức tôn giáo.

    Tượng người ngồi xổm thổi khèn (trên cán muôi đồng Việt Khê, Hải Phòng) diễn tả sinh động sắc thái bình dị ung dung con người gắn nội tâm rạo rực, say sưa.

    Khối tượng hai người cõng nhau múa nhảy và thổi khèn ở Đông Sơn (Thanh Hóa) trông thật dí dỏm, lạc quan, cả hai đều như nhún nhảy theo nhịp khèn rộn rịp.

    Nhóm tượng cặp gái trai gắn bó trên nắp thạp Đào Thịnh (Yên Bái) có hình khối tròn lẳn diễn tả cái mộc mạc bình dị hồn nhiên của ước mơ phồn thực: Con người sinh sôi, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu.

    Những chuôi dao găm làm thành tượng phụ nữ ở Hòa Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An - Hà Tĩnh.. cho thấy tính nghệ thuật, dù phải phục vụ tính thực dụng vẫn phản ánh khá rõ nét lối trang sức của chị em thời ấy, toát vẻ đẹp riêng nữ giới.

    Tính hiện thực nâng cao giá trị các tượng vừa có ý nghĩa trang trí vừa có ý nghĩa thực tiễn này:

    Lối vấn tóc hay tết tóc, lối mặc váy dài thắt chẽn ở hông, lối trang sức bằng vòng tay, hoa tai.. là những chi tiết nghệ sĩ dân gian chú ý diễn tả.

    Trên ấm đồng Đông Sơn có hình dáng chim cổ dài mỏ dài, nghệ sĩ miêu tả 4 phụ nữ ngồi trên voi ấm hình cổ con chim cùng những nét hiện thực khá rõ, nhất là chi tiết lối búi tóc ra đằng sau.

    Cùng tượng người, tượng súc vật cũng tả sinh động. Tượng đầu gà trống, tượng chim, tượng bò tìm được ở Vĩnh Phú đều nặn bằng đất sét nung đều lửa, trông rất thật thà, phản ánh nền kinh tế chăn nuôi gia đình đã ổn định.

    Tượng gà bằng đồng ở Hòa Bình khái quát cô đọng mà thật duyên dáng, phong cách hiện thực vững vàng. Hàng chục tượng động vật tìm được:

    Tượng cóc, sóc, rùa, chó, hổ, ốc.. có những nhóm tượng tả con vật ở trạng thái động như chó đón hươu, hổ vồ mồi.

    Ở những dao găm có chuôi đẹp mới thấy tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ Tĩnh), có chuôi kết thúc bằng tượng hình chó đứng được cách điệu hóa, có chuôi là hình 2 con rắn, 1 con có mào, 1 con không có mào, quấn lấy nhau, đầu ngẩng cao, miệng ngậm hai chân trước và hai chân sau voi có bành ở trên lưng.

    Dao găm khác cũng cùng phong cách ấy nhưng voi thay bằng chó.

    Voi, chó cùng rắn kết hợp khéo léo thành các cán dao găm vừa thanh thoát và duyên dáng mà không kém phần chắc chắn[2] . Nghệ sĩ dân gian kết hợp tài tình giữa trang trí và thực dụng.

    Như trong lĩnh vực chạm khắc, chủ nghĩa hiện thực hồn nhiên và sinh động để lại dấu ấn sâu sắc trong phương pháp và phong cách tạo tượng.

    Trên mỗi tác phẩm nhỏ nhắn xinh xắn ấy, từ những vòng tay và hoa tai, những đường nét trang trí trên xống áo, vẻ say sưa, nghiêm trang hay ngộ nghĩnh, hóm hỉnh của con người.. đến dáng nhún mình của chó, thế vặn mình của hổ, nét khái quát thanh tao của gà.. đều chú ý tả đúng đắn và kĩ.

    Cốt cách và chủ đề con người hay con vật được nghệ sĩ chú ý nhận chân. Miêu tả người, nghệ sĩ dân gian cũng chú ý diễn đạt cả những sắc thái nội tâm, tính tình.

    Người thổi khèn ở Việt Khê bình dị, ung dung mà vẫn say sưa nhiệt tình, hai người cõng nhau thổi khèn nhảy múa trông rất lạc quan yêu đời mà đượm vẻ hóm hỉnh tinh nghịch.

    Phong cách nghệ thuật phóng khoáng ấy phản ánh phần nào tâm hồn phóng khoáng, sôi nổi con người thời đại.

    Phần lớn những tượng đều là tượng trang trí hoặc giúp trang trí:

    Được gắn vào các đồ dùng hay thành một bộ phận hữu cơ của đồ dùng như vòi ấm, chuôi kiếm, chuôi dao, cán muôi.

    Một số ít là tượng mang tính tôn giáo, phục vụ tín ngưỡng tôn giáo tự nhiên, tín ngưỡng vật Tổ, tín ngưỡng phồn thực.

    MỸ THUẬT THỰC DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

    Sản phẩm nghệ thuật Việt cổ có một bộ phận quan trọng là những đồ nghề, đồ dùng hàng ngày.

    Đưa thẩm mỹ vào thực dụng, từ cuộc sống bình thường mà phát triển thành mỹ thuật, là khuynh hướng dễ thấy của người thời đại Hùng Vương.

    Nhiều vật dụng bình thường cũng đồng thời là sản phẩm nghệ thuật.

    Từ những nồi, bình, mâm bồng bằng gốm giản đơn đến những trống đồng quý giá, tất cả đều chú ý trong quá trình tạo dáng.

    Kết cấu 3 phần của chúng ta là kết quả quan trọng trên con đường tìm tòi suy nghĩ nhằm tạo những sản phẩm cân đối, vững vàng mà thanh thoát, uyển chuyển.

    Những rìu đồng có lưỡi xéo các kiểu, đẹp độc đáo là ví dụ tiêu biểu khác của thành tựu tạo dáng cho các vật dụng hàng ngày.

    Nghệ thuật vẽ hình, chạm khắc và tạo tượng mang chức năng trang trí phong phú và đặc sắc.

    Những đoản kiếm và dao găm đồng thau có chuôi làm bằng những tượng phụ nữ là trường hợp điển hình thành tựu trang trí cho các đồ dùng hàng ngày, kết hợp nhuần nhị sản phẩm thực dụng với sản phẩm thẩm mỹ, trống đồng là đỉnh cao thành công tổng hợp về nghệ thuật tạo dáng, chạm khắc, trang trí và nghệ thuật âm nhạc, một văn vật tiêu biểu cho thời đại văn minh.

    Những đồ trang sức phát triển rất phong phú là thành tựu đặc sắc mỹ nghệ thời Hùng Vương:

    Vòng tay, hoa tai, nhẫn, hạt chuỗi bằng đá quý, đồng thau được gia công bằng kỹ thuật chế tác tinh xảo, với khiếu năng thẩm mỹ tinh tế làm đẹp cho con người.

    Các nghề thêu, nạm, cẩn làm tôn giá trị thẩm mỹ của quần áo và các đồ dùng, đồ đựng bằng gỗ, bằng da còn để lại đến nay những sản phẩm hoặc hình ảnh cụ thể:

    Đồ da sơn có nạm cẩn những hình kỷ hà bằng kim loại tìm được ở Việt Khê (Hải Phòng) ; nhiều mẫu quần áo có trang trí đẹp của nhiều tượng phụ nữ tìm được ở nhiều nơi:

    Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái..

    Các công trình xây dựng:

    Nhà làng, nhà ở, nhà kho (nhà làng vùng Mường, ngôi nhà rông Tây Nguyên và đình miền xuôi nay còn phảng phất dáng dấp) có kiểu hay, dáng đẹp, cấu trúc độc đáo.

    Trang trí thêm những hình chim, hình gà.. càng tăng thêm giá trị thẩm mỹ thực dụng.

    Những thuyền đi sông, đi biển, thuyền chiến, thuyền đua cũng có nhiều kiểu dáng đẹp:

    Mũi cong, đuôi én, thân thuyền trang trí những hình kỷ hà quen thuộc như chấm tròn, vòng tròn có tiếp tuyến, đoạn thẳng song song, đường gãy khúc.

    MỘT NỀN NGHỆ THUẬT BÌNH DỊ HIỆN THỰC VÀ PHÓNG KHOÁNG

    Mỹ thuật thời Hùng Vương trong mọi lãnh vực:

    Vẽ tranh, chạm khắc, tạo tượng và mỹ nghệ đều bắt nguồn từ cuộc sống thực tiễn con người và trở lại hòa lẫn trong cuộc sống đó.

    Nội dung phản ánh là những người Việt cổ bình dị, gắn bó với cộng đồng làng chạ và những sinh hoạt bình thường, những con vật phần lớn hiền hòa, những chủ đề trang trí dịu dàng, duyên dáng tế nhị.

    Đó là nền mỹ thuật của xã hội nông thôn mà vai trò quần chúng rất quan trọng.

    Tính chất dân chủ trong làng chạ đưa đến tính chất dân chủ trong nghệ thuật biểu hiện ở những kích thước đều nhau của các đối tượng:

    Hình người thường theo những tỉ lệ vừa phải, những khuôn mẫu giống nhau.

    Mỹ thuật thời Hùng Vương chưa thấy xuất hiện những hình tượng quái đản, những cảnh tượng dữ dội, những nhân vật quyền uy (thần, vua) như trong nghệ thuật một số quốc gia phương Đông cổ đại như ở:

    Ấn Độ, Ai Cập, Lưỡng Hà, chưa thấy xuất hiện những hình mẫu mang tính chất thần thoại, huyền bí lối thao thiết như trong nghệ thuật thời đại đồ đồng ở Trung Quốc.

    Nền nghệ thuật thời đại dựng nước, luôn nổi bật tính bình dị, hiện thực phóng khoáng về cuộc sống dân chủ bình đẳng của cộng đồng làng chạ Việt cổ.

    Nền nghệ thuật ấy mang mục đích trang trí rất rõ và nhiều khi mang chức năng thực dụng, do đó trở nên phổ biến.

    Mặt khác nó phản ánh trung thành thực tiễn xã hội và tình cảm, tư duy con người, nói lên bản chất cần cù say sưa lao động tập thể (đi thuyền, đánh cá, giã gạo).

    Bản chất hồn hậu, lạc quan yêu đời, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống cộng đồng (hội hè múa hát tập thể) nó phản ánh những ước mơ về con đàn cháu lũ, mùa màng bội thu, những khái niệm về vũ trụ, những thực trạng xã hội, tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, ý chí quyết thắng bảo vệ lãnh thổ, giống nòi.

    Nền nghệ thuật mang nội dung hiện thực ấy ghi lại truyền thống vừa sản xuất vừa đánh giặc của Tổ tiên, nay chúng ta đang phát huy lên đỉnh cao.

    Tính hiện thực sâu sắc đi đôi nét cách điệu khéo léo, phong cách hồn nhiên trong sáng, phóng khoáng, kỹ thuật phát triển, với những tỉ lệ chuẩn xác, kết cấu hài hòa, cân xứng, vững chắc..

    Tất cả chứng minh cho năng khiếu và trình độ thẩm mỹ cao người Việt cổ.

    Vì thế nền nghệ thuật thời Hùng Vương có những ảnh hưởng lâu dài và xa rộng ở nhiều miền của Đông Nam Á.

    Nước ta, truyền thống nghệ thuật cổ xưa ấy vẫn giữ gìn bền bỉ:

    Trống đồng vẫn chế tạo trong thời Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, thời Lý - Trần, thời Tây - Sơn[3] ; dân tộc Mường anh em vẫn giữ tục lệ đúc trống đồng đến đầu TK. 19.

    Tài năng những nghệ sĩ dân gian đầu tiên với những thành tựu độc đáo của nền văn hóa nhân dân rực rỡ cách đây nhiều nghìn năm thành niềm tự hào sâu xa trong tư tưởng và tình cảm của dân tộc ta.

    [1] . Hà Văn Tấn. Người Phùng Nguyên và đối xứng, tạp chí Khảo cổ học, số 3-4 (1969), tr 16-27.

    [2] . Minh Hiên, Di sản văn hóa Đông Sơn mới tìm được, tạp chí Văn hóa Nghệ Thuật, số 34, tháng 10/1973

    [3] . Trống đồng đúc thời Tây Sơn hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử.

    Nguồn

    Web chimviet

    Vài nét về nghệ thuật biểu diễn thời Hùng Vương

    Các trống đồng, đặc biệt trống Ngọc Lũ (Hà Nam) và Hoàng Hạ (Hà Tây) những hình chạm thể hiện sinh hoạt xã hội và nghệ thuật thời Hùng Vương tiêu biểu là các trống đồng.

    Trống thường bằng da, nhưng trống đồng không dùng thường xuyên mà để phục vụ cho các nghi lễ quan trọng như lễ cầu mưa, lễ xuất quân, lễ mừng chiến thắng hay lễ đăng quang.

    Trống đồng Ngọc Lũ có hình người đánh trống là nữ ngồi cầm dùi đâm theo chiều thẳng từ trên xuống mặt trống.

    Phần chân trống rỗng đặt úp xuống hố cộng hưởng tạo độ rung khuếch đại âm thanh, tiếng trống cất lên nghiêm trang, hùng tráng và sôi động.

    Trống đồng thời Hùng Vương vẫn dùng lâu dài ở nước ta qua Lý, Trần, Lê, nay ở vùng Mường – Hòa Bình và Phú thọ còn tục đâm trống đồng, còn gọi chàm thau trong lễ cầu mưa và đón mừng năm mới.

    Bên trống đồng là cồng chiêng, nhạc khí bằng đồng hình tròn có núm ở giữa.

    Các hình ở trống đồng Ngọc Lũ thấy những cồng đặt trong nhà sàn, chia làm hai bên, một người đứng giữa hai tay cầm dùi đánh cả hai giàn.

    Hiện người Mường và người Ba-Na, Ê-Đê – Tây Nguyên vẫn có những giàn cồng đủ bộ, ít nhất 5 chiếc, có giàn 18 chiếc.

    Người Thượng – Tây Nguyên, cồng là nhạc khí mà còn là vật biểu hiện quyền lực và giàu có của chủ nhân.

    Người Việt cũng dùng cồng, thường gọi chiêng, trong lễ hội hay tang ma, nhưng là cồng lẻ dùng điểm nhịp theo tiếng trống cái.

    Ngoài trống đồng và cồng còn nhiều nhạc khí cũng được khắc họa, trang trí trên các trống đồng như khèn, trống da với trống lớn (trống cái) và trống con (trống bản, trống khẩn), sênh, phách, chuông, nhạc.

    Người đánh trống cái đứng gõ dùi vào mặt trống, trống đặt nằm ngang trên giá đỡ, đánh trống là nữ váy xòe hai bên, đánh trống con là nam ngồi phệt trên đất, gõ bằng cả hai tay cầm dùi.

    Khèn là nhạc khí phổ biến thời Hùng Vương, hình dạng khèn trên trống đồng không khác khèn của người H'Mông nay, như vậy Tổ tiên rất xa của khèn H'Mông là khèn Văn Lang.

    Không chỉ trên trống đồng ở Hà Tây và Hà Nam mới thấy hình khèn mà ở Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng phát hiện rìu đồng có cán chạm hình người cõng nhau thổi khèn, cán đồng Việt Khê (Hải Phòng) cũng có hình người ngồi xổm thổi khèn.

    Khèn là nhạc khí phổ biến của người Việt cổ, nay chỉ thấy ở vùng người H'Mông.

    Những nhạc khí nói lên sinh hoạt văn nghệ thời Hùng Vương, trên trống đồng ta còn những thông tin ca hát và nhảy múa.

    Hình người, một nam, một nữ giao chân, giao tay nhau, miệng hé mở mà một số nhà nghiên cứu cho là trò chơi "trồng nụ trồng hoa" là hình thức ca hát giao duyên nam nữ mà Ngô Sĩ Liên nói tới ĐVSKTT.

    Vua Lê về thăm Thanh Hóa, dân địa phương đón, hát lý liên hay rí ren, trai gái bá vai níu cổ nhau hát.

    Phú Thọ còn bảo lưu hát đối đáp nam nữ mà từng cặp vừa hát vừa cầm tay nhau co đi kéo lại, chân giao chân chẳng khác hình chạm vẽ trên trống đồng.

    Hình đôi nam nữ giã gạo chày đôi, miệng há ra, là hình thức hò giã gạo rất phổ biến ở miền Trung.

    Trống đồng còn những hình người nhảy múa, hoặc múa hóa trang đeo lông chim, múa tay cầm sênh phách, múa khèn, múa vũ khí, có thể nói nghệ thuật múa thời Hùng Vương phát triển cao.

    Nghệ thuật biểu diễn thời Hùng Vương vừa là sinh hoạt vui chơi tập thể, vừa là hình thức nghệ thuật lễ nghi mang tính cộng đồng, tinh thần lạc quan yêu đời, biểu hiện đời sống tinh thần phong phú, giàu sinh lực. Đáng chú ý hầu hết các nhạc khí đều do nữ biểu diễn:

    Trống đồng, cồng chiêng, trống con, chuông nhạc và phách, riêng khèn có khèn nam và khèn nữ, nói lên vị trí quan trọng phụ nữ trong xã hội, tinh thần dân chủ và vai trò phụ nữ trong đời sống văn hóa thời Vua Hùng dựng nước.

    Nguồn

    Web daytot

    Còn tiếp
     
  2. Hoàng Kim

    Bài viết:
    152
    [​IMG]

    Nguồn: Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

    Tác giả: ĐẶNG THỊ HUỆ

    Tính bản địa của nghệ thuật Đông Sơn

    "Tính bản địa"
    Trống đồng có tuổi trên 2.000 năm phát hiện đầu tiên 1924 tại làng Đông Sơn bên bờ sông Mã và thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn chính thức nêu tên trong giới nghiên cứ‌u khảo cổ quốc tế từ 1934 do nhà nghiên cứ‌u người Áo R_Heine Gelderm đ‌ề nghị.

    Khai quật, sưu tầm và nghiên cứ‌u nền Văn hóa Đông Sơn trải qua tròn 85 năm. Hàng trăm khai quật khảo cổ học của các nhà nghiên cứ‌u trong và ngoài nước tiến hành.

    Những hiện vật sưu tầm được từ các khai quật này hiện đang lưu giữ ở nhiều bảo tàng từ trung ương tới các địa phương, kể cả một số bảo tàng lớn trên thế giới ở Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Mỹ.

    Tới nay gần 500 di tích, hàng vạn di vật thuộc Văn hóa Đông Sơn - một nền văn hóa thời đại kim khí cách nay 2.000-2.600 năm được phát hiện, nghiên cứ‌u.

    Triển lãm chuyên đ‌ề Tiếng vọng Đông Sơn - Những hiện vật mới phát hiện từ 2004-2009 đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhân kỷ niệm 85 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn một lần nữa minh chứng tính độ‌c đáo và nghệ thuật rực rỡ của nền văn minh Lạc Việt thời các Vua Hùng.

    Triển lãm trưng bày hơn 100 hiện vật, nhiều hiện vật chưa từng xuất hiện trong các sưu tập Văn hóa Đông Sơn trong nước cũng như trên thế giới như sưu tập đèn ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An), trống đồng có kiểu dáng và hoa văn khác lạ trang trí hình người kéo thuyền được tìm thấy ở Tây Nguyên, thạp có chân trổ thủng tìm thấy ở Thanh Hóa..

    Các hoa văn và tượng tròn trang trí trên các di vật trưng bày tại triển lãm thực sự gây ngạc nhiên và xúc động cho người xem bởi tính sáng tạo và cách điệu cao của nghệ thuật Đông Sơn.

    Như trước đây, giới nghiên cứ‌u trong nước và thế giới vẫn luôn có những nghi ngờ về tính bản địa đồ đồng Đông Sơn. Cuốn bút ký khảo cổ học Bí mật cây đèn hình người, nhà khảo cổ học Thụy Điển O_Janse kiến gi‌ải cội nguồn cây đèn được tìm thấy ở Lạch Trường (Thanh Hóa) có nguồn gốc từ Hy Lạp vì trên gương mặt tượng người có những đặc điểm giống vị thần rượ‌u nho Dionysos.

    Một số nhà nghiên cứ‌u cho rằng cây đèn nguồn gốc Hán gắn tích Trung Nguyên bắ‌t tù binh Hung Nô làm người hầu đội đèn. Với bộ đèn đồng hoành tráng đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử mới phát hiện những năm gần đây, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng khẳng định:

    "Giờ đây, bộ sưu tập đèn trong tay có niên đại tương đồng Lạch Trường khiến cây đèn Lạch Trường không còn đơn độ‌c và từng chi tiết của những cây đèn không hề Tây, không hề Hán chút nào.

    Chúng là những sản phẩm của Đông Sơn, ít nhiều có ảnh hưởng bên ngoài, nhưng pha trộn và hòa tan từ người Đông Sơn. Chúng luôn để người xem có cảm giác không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đâu và dường như có cách bứ‌c về thời gian và không gian, đến nay, không nhậ‌n thấy bất cứ nguồn gốc nào, ngoài chất Đông Sơn của những cây đèn ấy."

    So sánh bộ đèn hươu, bò, voi ở dạng tượng tròn tại triển lãm với các hoa văn trang trí trên trống đồng, thấy tương đồng thú vị khi các nghệ nhân Lạc Việt xưa tạo hình trong không gian ba chiều và vẽ đồ họa trang trí trên mặt phẳng.

    Những hình khối khỏe khoắn, căng đầy nhấn mạnh những đường nét kỷ hà hình học hơn là đi vào tả thực những đường uốn mềm mại.

    Lần nữa tính thống nhất trong phong cách nghệ thuật Đông Sơn khẳng định. Rất thú vị khi nghe nghệ sĩ gốm Đan Mạch Michel Geertsen nhậ‌n xét khi anh thăm các bảo tàng tại Hà Nội:

    "Những nghệ sĩ trẻ phương Tây chúng tôi luôn cố gắng tìm những cách thức tạo hình tối gi‌ản hiện đại. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các di vật gốm và đồng Đông Sơn ở Việt Nam. Các nghệ nhân xa xưa của các bạn còn hiện đại hơn cả chúng tôi. Những hình khối cường điệu và tối gi‌ản là điều chúng tôi hướng tới."

    Lý gi‌ải về tính bản địa của nghệ thuật Đông Sơn, có thể trích dẫn nhậ‌n xét của PGS Nguyễn Du Chi:

    "Nền văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa thời các Vua Hùng dựng nước, có nguồn gốc bản địa vì chúng ta có nền Văn hóa Phùng Nguyên (tiền Đông Sơn) hết sức rực rỡ trước đó."

    Điều này càng minh chứng rõ ràng hơn, khi các học gi‌ả hàng đầu về đồ đồng và đồ gốm Trung Quốc tiếp xúc bộ hiện vật hậu Đông Sơn ở Hà Nội, thấy bình con tiện, ấm ba chân, mô hình nhà.. không hề rung động để coi đây là sản phẩm từ triều đại Đông Hán của họ.

    Nhìn tổng thể và đơn gi‌ản hơn, ta sẽ thấy toàn bộ hoa văn, tượng tròn trang trí Đông Sơn đều diễn tả thế giới thiên nhiên với các loài muông thú và đời sống cư dân Lạc Việt với những lễ hội và phong tụ‌c tập quán vẫn có một sợi dây liên hệ liền mạch đến nay - đó là con người và thiên nhiên đất Việt.

    Link

    Nghệ thuật

    Tâm hồn người Đông Sơn

    Người Đông Sơn là cư dân đôn hậu, sống trong xã hội tương đối thanh bình, hài hòa với tự nhiên, mọi tầng lớp trong xã hội chưa phân biệt rạch ròi.

    Điều đó truyền tụng qua các đời mà Phan Huy Chú còn ghi lại:

    "Bấy giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm cùng (dòng sông) không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền thứ bậc.. cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên" (Phan Huy Chú, bản dịch 1960)

    Có lẽ xã hội người Việt bấy giờ chưa phân hóa thành các giai tầng quá sâu sắc, các thành viên còn coi sự công bằng về mặt vật chất và quyền lợi là một trong những giá trị đẹp của cuộc sống:

    "Hùng Vương đi săn được thú lấy bộ lòng cùng ăn tại chỗ, thịt về nhà chia" (Nguyễn Khắc Xương, 1970)

    Cuộc sống người Đông Sơn an cư lạc nghiệp thể hiện quá trình chinh phục đồng bằng và ven biển một cách chắc chắn.

    Các di tích khảo cổ học thời Đông Sơn mở rộng hơn thời tiền Đông Sơn rất nhiều, ở chân núi, lan tỏa xuôi theo các sông lớn ra ven biển.

    Thiên nhiên phong phú khoáng đạt giúp người Đông Sơn có tâm hồn thanh bình của cư dân lấy nông nghiệp lúa nước làm nền tảng, chu kỳ thời vụ, gần gũi cây cỏ, vật nuôi, sông nước làm nhịp chứ không dữ dội như tính cách cư dân vùng đồng cỏ chuyên săn bắn và chăn nuôi ở nước Điền (Vân Nam) là nền văn hóa rất gần gũi Đông Sơn.

    Âm nhạc

    Dịp tế lễ hay hội lớn, dao găm, rìu dùng múa vũ trang; thạp, thố, chậu dùng đựng đồ tế lễ đều trang trí nên trống đồng với vị trí là chủ thể trong bộ lễ khí cũng trang trí hết sức công phu, phức tạp.

    Chức năng trống đồng ban đầu là công cụ thông tin:

    Trống ra trận xuất quân, trống tập hợp cư dân một làng, một bộ tộc.. mang thêm chức năng nhạc khí thiêng liêng. Trống đánh để hiệu triệu quần chúng và chư vị thần linh cõi thiêng trời đất.

    Xét góc độ âm nhạc, trống đồng là nhạc cụ tạo tiết tấu cho giàn nhạc.

    Bằng nghệ thuật đúc trống, dùng đặc tính hợp kim tạo cho trống âm thanh trầm hùng, ấm mà không đục, vang không rè.

    Chỉ riêng 1 trống đồng đã có một số âm chứ không phải 1 âm đơn điệu.

    Người xưa đánh trống chủ yếu ở giữa mặt nơi ngôi sao – mặt trời đúc dày, nổi rõ. Người xưa đánh ở nhiều điểm khác nhau trên mặt trống, tang trống và cả thân trống tạo âm thanh khác nhau. Ví dụ đo âm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ của Cao Xuân Hạo:

    - Ngôi sao giữa có nốt mi

    - Vành hoa văn 1-3 có Si giáng

    - Vành hoa văn 4-5 có Mi-Pha

    - Vành hoa hăn 7 có Si giáng

    - Vành hoa văn 9 trở lại nốt Mi

    Kết cấu trống đồng cho thấy trống có 1 thùng cộng hưởng rộng độc đáo:

    Phần tang phình to, phần thân và chân loe rộng giúp trống có âm thanh vang xa, từ những âm ban đầu nhân lên về cường độ.

    Người xưa còn đào hố rộng, treo trống đồng lơ lửng giữa hố, giúp âm thanh mạnh hơn. Hố như thùng cộng hưởng.

    Hình ảnh những hố cộng hưởng thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và thấy ở nhiều dân tộc dùng trống đồng.

    Hình người đánh trống trên trống đồng Ngọc Lũ cho thấy 4 người ngồi dùng dùi trống đánh như giã gạo theo hướng thẳng đứng như người Mường. Dùi bằng gỗ đầu bịt vải hoặc bằng thoa vàng thoa bạc.

    Sử dụng nhiều trống.. mỗi trống có kích thước khác nhau, sản sinh những thanh âm khác nhau, âm đặc trưng mỗi trống, âm các phần mỗi trống kết hợp nên giai điệu đa dạng trầm hùng.

    Hình ảnh trống da thấy trên mặt trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là những hình khắc trên thuyền để giữ nhịp chèo trong hội đua hay gõ nhịp cho đôi trai gái hát đối đáp trong nhà sàn với cách đánh ngang như ngày nay ta thấy.

    Trống da có thể cũng có chức năng truyền tin như trống đồng, hoặc chức năng trống lệnh trong chiến trận.

    Hình khắc trên trống đồng cho thấy xuất hiện cồng chiêng trong giàn nhạc thời Đông Sơn.

    Nay vẫn chưa tìm thấy cồng chiêng trong tài liệu khảo cổ Đông Sơn tuy tài liệu dân tộc học có nhiều về vai trò, ý nghĩa cồng chiêng đối với văn hóa các tộc người vùng Tây Nguyên.

    Cả dân tộc Mường có cồng chiêng để đón khách. Nếu có cồng chiêng trong giàn nhạc Đông Sơn thì chức năng của chúng phải là dụng cụ âm nhạc tạo tiết tấu và những giai điệu.

    Có thể người xưa dùng 1 giàn cồng chiêng nhiều kích cỡ và âm thanh khác nhau như người Tây Nguyên ngày nay để tạo âm thanh đa dạng.

    Một nhạc cụ thuộc bộ gõ phổ biến nữa là chuông nhạc, khắc họa trên trống đồng với hình người đang gõ lắc chuông to trong đoàn người múa trên mặt trống. Hiện vật khảo cổ rất nhiều loại chuông, vô cùng phong phú.

    Chuông lớn mà người ta gọi là chuông voi như chuông Mật Sơn dài 31, 5cm, rộng miệng 25, 5cm tạo âm thanh vui tai.

    Những chuông để lắc có hình thức không khác chuông để gõ nhưng kích thước không kém.

    Chuông có then ngang treo quả lắc, lắc rung đệm tiết tấu cho những điệu múa.

    Những chuông nhỏ còn gọi nhạc đồng hay lục lạc không có quả lắc mà thường đeo vào những đồ đồng (vòng ống, khuyên tai, xà tích, thắt lưng)

    Chuông loại này tạo những âm thanh khi rung chạm với nhau và với đồ đồng gắn vào, nó phục vụ cho những điệu nhảy múa.

    Ngoài chuông đồng còn loại chuông làm từ những nguyên liệu không bền vững như gỗ, tre nứa mà có thể mang dạng gần giống mõ, dùng đệm cho giàn nhạc.

    Căn cứ những hình khắc trên trống đồng có thể giàn nhạc Đông Sơn còn tồn tại loại nhạc cụ là sênh, phách.

    Một số hình vũ công múa cầm trên tay một vật giống cây gậy ngắn, có thể giống nhạc cụ gọi là "hương mậy" của dân tộc Xá (Nguyễn Hữu Thu và Lê Văn Lan 1974).

    Nhạc cụ này là ống nứa chặt vát một đầu, phần tay cầm dùi lỗ nhỏ điều chỉnh âm thanh. Trên trống đồng còn có hình ảnh người múa cầm chiếc phách, đó là 2 đoạn giống gậy nhỏ, ngắn.

    Việc múa cầm phách được người Việt dùng trong các nghệ thuật biểu diễn dân gian. Nhưng sênh phách có lẽ bằng tre nứa nên dễ mục nát nên khảo cổ vẫn chưa có bằng chứng.

    Khèn là loại nhạc cụ bộ hơi chắc chắn có mặt trong Văn hóa Đông Sơn thể hiện qua hình khắc họa nhiều trên trống đồng và những tượng người thổi khèn trên cán mui đồng Việt Khê, tượng người cõng nhau thổi khèn Đông Sơn. Thường là khèn 4 hoặc 6 ống dài, cắm trong quả bầu.

    Lĩnh biểu lục dị:

    "Người Giao Chỉ thường lấy quả bầu không cuống, cắm 13 cái ống vào, trên đầu ống óc gắn 13 đồng mỏng làm lưỡi gà để thổi."

    Không những người Việt mà các dân tộc như Mèo, Thái, Mường và dân Tây Nguyên đều sử dụng khèn trong ngày hội.

    Có thể suy đoán trong số nhạc cụ thuốc bộ hơi thời Đông Sơn còn nhiều loại khác như sáo, tù và, khèn lá, sâu kèn.. hay các loại đàn ống như tơ-rưng làm bằng tre trúc, đàn đá, đàn đất.. nhưng vì dễ bị hủy hoại nên tài liệu khảo cổ học không có.

    Thanh nhạc có lẽ cũng phát triển vì trên mặt trống đồng có khắc hình nam nữ hát đối đáp. Trong nhà sàn mái cong có đôi nam nữa ngồi đối diện, tay và chân giao nhau. Bên cạnh lại có người đánh trống giữ nhịp. Tục hát đối đáp này gọi "cái hoa kết hoa" khi hát sẽ vòng tay, vòng chân vào nhau.

    Lối hát này còn gọi Lý Liên (Rí Ren) thể hiện một số tín ngưỡng phồn thực, giao hòa Âm Dương. Có thể trong những cuộc đua thuyền sẽ xuất hiện những điệu hò cổ vũ người đua..

    Đặc điểm âm nhạc Đông Sơn là phát triển bộ gõ, nổi bật là trống đồng. Bộ gõ làm nền cho các điệu múa, điệu khèn. Tiết tấu tiết điệu vô cùng phong phú và đa dạng.

    Dịp hội hè cùng lúc sử dụng nhiều loại nhạc cụ tạo thành giàn nhạc chứ ít dùng đơn lẻ từng nhạc cụ. Điều này phản ảnh trên hình khắc trống đồng, thể hiện phối khí tài tình của cư dân đông sơn.

    Xác định nhịp theo âm nhạc dựa hình khắc trên trống là không thể làm được, có thể dựa một số tài liệu cổ liên quan. Sách "Đả cổ lục" ghi chép cách đánh trống ngày xưa minh họa bằng bốn câu thơ.

    Đi chiến đấu

    Đi chiến đấu

    Không diệt được giặc

    Không thèm sống

    Đoạn thơ theo nhịp 1/2. Thực tế cho thấy nhịp 1/2 được sử dụng phổ biến trong âm nhạc dân gian ta, hiếm thấy nhịp phức tạp như 3/4 hay 5/4..

    Nguyên tắc quán triệt trong bố cục những hình khắc trên trống đồng là tính đối xứng "đối xứng từng cặp và đối xứng vòng tròn", quy định nghệ thuật Lạc Việt ưu tiên sử dụng số chẵn (số chẵn của những cánh sao, những hình chim trong vành) tức những bội số của 2, điều này có lẽ liên quan đến cách tính nhịp trong âm nhạc.

    Nghệ thuật không gian (bố cục mặt bằng) thấy nghệ nhân hứng thú với tiết tấu nhịp nhàng trong những bố cục cân xứng cặp đôi, trong nghệ thuật thời gian hẳn năng khiếu thẩm mỹ này sẽ tái hiện.

    Xuất phát từ đây chúng tôi cho rằng nhạc và múa của người Lạc Việt trình diễn theo nhịp 1/2. Đây cũng là nhịp giã gạo chày tay, nhịp tát nước của cư dân nông nghiệp Lạc Việt.

    Nhảy múa

    Đội múa trong hình khắc trên mặt trống đồng là tốp người múa theo hàng dọc, đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, người nọ nối người kia vừa đi vừa hát thành vòng tròn. Những người múa thường được phục trang bằng những bộ quần áo lộng lẫy nhất:

    Áo hai vạt dài, áo lông chim cao hoặc mặt nạ, họ đôi khi cầm vũ khí.

    Mỗi tốp múa 3-4 hoặc 6-7 người. Vài tốp có người thổi khèn số còn lại biểu hiện theo động tác thống nhất, chuyển động từ trái sang phải, người sau nối tiếp người trước một khoảng đều đặn, tất cả diễu hành vòng quanh ngôi sao ký hiệu cho mặt trời.

    Xét hình dáng bề ngoài đội hình nhảy múa, thấy nghệ thuật nhảy múa của người Lạc Việt gắn bó chặt chẽ âm nhạc (khèn và trống) nói về cách biểu hiện có thể tồn tại những quy cách, những động tác tư thế, những tuyến chuyển động quy định rõ. Động tác nói chung còn đơn giản.

    Đặc biệt bàn tay thể hiện động tác múa cách điệu, xòe rộng tạo hình chữ V to quá cỡ so với người mà Heger gọi là bàn tay cầm thoa, hoặc cầm phách.

    Động tác múa này giải thích rõ nếu ta so sánh với hình người nhảy múa trên rìu Đông Sơn và ở các tượng tròn trong Văn hóa Điền (Vân Nam).

    Đó là tượng người múa tay xòe, cổ tay đeo vòng ống tròn như cầm sênh phách.

    Dùng tay, nhất là bàn tay để diễn đạt ngôn ngữ múa là đặc trưng nghệ thuật múa các dân tộc ở Việt Nam nói chung. Đội hình múa, đạo cụ còn gặp ở các dân tộc Tây Nguyên nay.

    Con người ra khỏi giới động vật thì bàn tay là công cụ thần diệu để thực hiện những sáng tạo của bộ óc. Do đó những nền văn minh tối cổ nhân loại, bàn tay được phủ lên những quan niệm thần bí. Người ta xem nó như nơi chứa những phép tắc nhiệm màu.

    Đội hình múa mọi người đều hóa trang lông chim và nhại những động tác chim bay, gọi là điệu vũ chim bay.

    Vòng ống đeo ở cổ tay, cổ chân trang trí hoa văn đẹp và đeo thêm lục lạc độc đáo. Có người cho đây là loại bao tay, bao chân trong khi chiến đấu tuy nhiên kiểu trang sức này không thể thuận lợi khi lâm trận.

    Nó phải là kiểu nhạc cụ phụ kèm khi vũ công nhảy múa ngày lễ hội tạo âm thanh cùng giàn nhạc cho điệu múa thêm rộn ràng, thậm chí thăng hoa mang tính huyền bí tôn giáo.

    Nghệ thuật tạo hình

    Nghệ thuật những hình khắc trên trống đồng cổ là thành tựu xuất sắc nhất lĩnh vực tạo hình của người Lạc Việt.

    Nền nghệ thuật này liên quan những quan niệm tôn giáo, nó chứa đựng những nét sống thực, thể hiện quan hệ con người với thế giới xung quanh.

    Nghệ thuật này cho thấy con người chiếm vị trí trung tâm miêu tả thế giới khắc quan, xuất hiện trong hoạt động tập thể:

    Đội hình múa, lễ hiến tế trong cảnh đua thuyền ngày hội, diễn tấu trống khèn, giã gạo bên mái nhà..

    Mỗi cảnh mang ý nghĩa riêng, như những yếu tố cơ bản, kết hợp nhau, sắp xếp trong bố cục vòng tròn. Từ bố cục này toát lên đề tài chung nói về lễ hội nước, lễ hội mùa.

    Nghệ thuật trống đồng độc đáo đặc trưng bởi nghệ thuật khắc chạm trên khuôn, tạo những hình ảnh khắc chìm chủ yếu trên mặt các trống phong phú, thân trống thì hình khắc hơi nổi.

    Tất cả hình ảnh và hoa văn thể hiện bằng những hình ngang dọc cắt nhau, không gian giữa chúng toát ra những đường nét sâu lõm của hình ảnh tạo trên khuôn đúc.

    Nghệ nhân xây dựng hình ảnh trong những bố cục tròn trên mặt trống và ô chữ nhật trên thân trống, bên trong hai loại bố cục này hình ảnh sắp xếp rất cân đối. Nét đặc sắc nghệ thuật biểu hiện này là hình ảnh con người diễn tả theo tư thế động.

    Về bố cục, tất cả hình ảnh diễu hành vòng tròn quanh ngôi sao giữa mặt trống. Cảm giác nhà mái cong đứng giữa những hình chuyển động cũng bị cuốn vào, cũng di chuyển.

    Tả cảnh động là điều thường thấy trong các nền nghệ thuật nguyên thủy. Với người thời cổ, chỉ những hình ảnh sinh hoạt tập thể như lễ hội, săn bắt, đánh cá, đua thuyền mới gợi cảm xúc thẩm mỹ.

    Truyền đạt những hình ảnh động, nghệ sĩ vận dụng nguyên tắc tạo hình "kiểu Ai Cập". Ví dụ tốp người múa trên mặt trống thể hiện theo lối:

    Ngực hướng thẳng về phía khán giả, đầu và chân theo lối nhìn nghiêng. Hình chim bay thì thân cánh và đuôi nhìn từ trên xuống, đầu nhìn nghiêng.

    Nguyên tắc này rất ổn định, thành phong cách mẫu mực truyền đạt hầu hết hình người múa, vũ sĩ và hình chim bay trên các trống đồng Đông Sơn từ sớm nhất đến muộn nhất.

    Phong cách tả độc đáo này là các nhìn hiện vật từ nhiều vị trí trong không gian, xuất hiện ở hầu hết các nền nghệ thuật cổ Ai Cập, Lưỡng Hà.. ở đây thế giới trong tranh thể hiện như không gian khép kín.

    Truyền đạt hình ảnh, nghệ nhân có cái nhìn sâu sắc, chỉ chú ý những điểm nổi bật của đối tượng miêu tả, tạo những hình ảnh chính xác tinh tế bằng những đường nét đơn giản.

    Ví dụ tả hươu nhấn mạnh vào đôi sừng, phân biệt dễ nói với loài vật khác. Nguyên tắc này vận dụng để tả những hình cá sấu, chim bay, vũ sĩ, người múa.

    Nhìn một vật, không phải là sao chép nguyên si đối tượng mà phải nắm những đặc tính cơ bản, nắm cái thần của đối tượng, nhờ đó cảm nhận hiệu quả hơn. Nghệ nhân Lạc Việt đã đặc tả tới cách nhìn khái quát.

    Nhấn mạnh những đặc tính của đối tượng miêu tả là thuộc tính nguyên tắc cách điệu trong nghệ thuật.

    Quan sát những hình người, thu hút nhất là mũ cao ngất, áo dài lê thê, đặc biệt ở những người múa là bàn tay xòe rộng dài quá cỡ.

    Những vật này không thể dùng trong thực tế mà phải liên quan tín ngưỡng, dùng những dịp đặc biệt. Dụng cụ tín ngưỡng thường cải tạo theo quy tắc tôn giáo.

    Tức những dụng cụ ấy cách điệu một phần, cách điệu thêm một phần nữa qua nghệ thuật tạo hình vũ sĩ và vũ công trên trống đồng trong trang phục tôn giáo, nhấn mạnh đặc điểm tôn giáo tạo cách điệu hóa cao độ.

    Hình ảnh cách điệu theo thời gian dần chuyển thành những họa tiết hoa văn hình học. Đây là đặc điểm nổi bật trong đồ đồng Việt Nam.

    Một số hình ảnh tả rất sơ lược, không quan tâm tỷ lệ hiện vật.

    Ví dụ chim trên nóc nhà mái cong dài gần bằng chiều dài nóc nhà, nhà thể hiện dưới dạng nhìn thẳng một bên mái (không thấy 2 đầu hồi nhà), mái úp sát tận sàn, nhưng có thể hình sau mái để thấy người trong nhà.

    Nghệ nhân tả hiện vật không theo cách nhìn trực tiếp, mà nhìn qua lăng kính còn rất gần gũi với tự nhiên.

    Nghệ thuật Lạc Việt đôi khi gặp những dấu hiệu hình ảnh biểu trưng.

    Ví dụ hình lông chim trên đầu người biểu trưng cho mũ hình chim, đầu chim gắn vào mũ tượng trưng hình chim, hoa văn vòng tròn chấm giữ biểu tượng cho mắt động vật.

    Người Lạc Việt tồn tại định lý về hình thức là "bộ phận thay cho toàn thể" xuất phát từ nguyên lý "trừu tượng hóa một cách tiết kiệm."

    Người cổ đại thường hướng tới truyền đạt lượng thông bác tối đa bằng lượng tín hiệu tối thiểu.

    Nghệ thuật trống đồng phát triển rực rỡ từ giữa và nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất TCN ở miền Bắc Việt Nam nay, tồn tại đến khi Phật giáo xác lập ở vùng này.

    Thời kỳ phát triển rực rỡ, nghệ thuật Lạc Việt ảnh hưởng đến nghệ thuật các dân tộc láng giềng, trước hết là miền thượng lưu sông Dương Tử, đặc biệt là nước cổ đại.

    Những hiện vật trong khu mộ táng núi Thạch Trại (Tấn Ninh-Vân Nam-Trung Quốc) có 17 trống đồng kiểu Đông Sơn.

    Một số hiện vật khác thấy tả những đề tài quen thuộc như cảnh giết trâu, lễ hiến tế, giàn trống, nhà sàn.

    Những hình ảnh như vũ sĩ bắn cung, giã gạo chày tay, nhà sàn mái dô về phía trước trên nóc có 2 chim đậu thấy được vẽ trên vách núi thuộc vùng Thương Nguyên tỉnh Vân Nam.

    Nghệ thuật Lạc Việt cổ đại là nền nghệ thuật trẻ tuổi so thời đại và điều kiện lịch sử cụ thể trong đó nó tồn tại.

    Tuy nhiên chỉ so sánh nền nghệ thuật này với nghệ thuật những dân tộc cùng trình độ phát triển về xã hội, mới hiểu hết giá trị và đánh giá đúng mức những đóng góp độc đáo vào kho tàng văn hóa nhân loại.

    Link

    Khơi nguồn sáng tạo từ nghệ thuật Đông Sơn

    Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội đang triển lãm Nghệ thuật Đông Sơn, giới thiệu các bản rập hoa văn, cùng nhiều hiện vật thời kỳ văn hóa này như vải, sơn then, bộ dụng cụ và khuôn đúc trống đồng, bộ gốm lễ nghi bình tuyến Hoabinhian và Phùng Nguyên..

    Ngoài những bản rập hoa văn các loại (20 - 25 mặt trống đồng, 20 phần tang và thân trống, 10 thạp, 5 tấm che ngực, 10 qua, dao găm, rìu), triển lãm còn giới thiệu bản rập tượng phục chế cảnh sinh hoạt dân thời Đông Sơn.

    Hình ảnh các công cụ sản xuất bằng đá, dao găm đồng, quầy trưng bày công cụ đá, gốm từ bộ sưu tập của Ts. Nguyễn Việt và từ Bảo tàng Phạm Huy Thông (thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) khiến người xem có cảm tưởng nền Văn hóa Đông Sơn tàn lụi trên 2000 năm trở nên sống động, gần gũi hơn. Bản rập đồ tùy táng mộ thuyền là những hé mở đời sống tâm linh người dân thời văn hóa vốn còn nhiều bí ẩn này..

    Mỹ thuật Đông Sơn là thời huy hoàng nhất giai đoạn mỹ thuật tiền sơ sử Việt Nam và Đông Nam Á. Từ cuối TK. XIX đầu TK. XX, các học giả người Pháp đặc biệt quan tâm sáng tạo mỹ thuật của chủ nhân Văn hóa Đông Sơn.

    Đến khi lập Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 1968, nghiên cứu mỹ thuật Đông Sơn mới được chú trọng khoa học và có hệ thống.

    2003, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á dưới chủ trì của Ts. Nguyễn Việt tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật tiền sử Việt Nam và kết quả được công bố trên tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

    Những nghiên cứu về hoa văn trống đồng, trong đó có cảnh hổ săn hươu và người săn hổ cho thấy người Việt cổ tôn thờ sức mạnh vô song loài vật này.

    Đối với cư dân nông nghiệp, hổ không còn là đối tượng săn bắt lấy thịt nữa mà thành con vật huyền thoại đáng tôn thờ. Tượng đôi thể hiện hai nữ quý tộc công kênh nhau trang trí trên cán dao găm Đông Sơn được cho hình ảnh về hai nhân vật lịch sử thời Đông Sơn, chị em sinh đôi Trưng Trắc và Trưng Nhị.

    Các nghệ nhân thời Đông Sơn có những ràng buộc mang tính quy chuẩn trong chế tác đồng thể hiện trên hình hoa văn mặt trống và tang trống hay cán dao găm..

    Nói về "đặc sản" trống đồng Đông Sơn, GS sử học Lê Văn Lan trên quan điểm người tham quan triển lãm cho biết, thực ra trống đồng là mô hình vũ trụ theo quan niệm của người xưa với trung tâm là mặt trời, xung quanh là thiên nhiên sông nước và cuộc sống sinh hoạt của con người thời tiền sử.

    Truyền thống nghệ thuật Đông Sơn rất đáng tự hào. Nó nên là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật, nhất là lĩnh vực mỹ thuật.

    Cùng quan niệm này, Ts Nguyễn Việt cho biết, sắp tới ông sẽ tổ chức thi sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ nghệ thuật thời Đông Sơn để khích lệ những người làm nghệ thuật trẻ tuổi hướng về truyền thống mỹ thuật của dân tộc.

    Triển lãm mang ý nghĩa "tiếp lửa" cho lòng tự hào và niềm mến yêu nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật Đông Sơn.

    Cuộc phát động giải thưởng Tình yêu dành cho Mỹ thuật Đông Sơn dành cho sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam do Quỹ Phạm Huy Thông (Pham Huy Thong Foundation) khởi xướng chiều 28-9.

    Hữu Vi

    Web daibieunhandan

    Còn tiếp
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...