80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới - Juyn Vecnơ

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cute pikachu, 1 Tháng năm 2022.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 10– Thoát Nạn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nước Ấn Độ – cái hình tam giác khổng lồ lộn ngược có đáy ở phía bắc và đỉnh ở phía Nam ấy – có diện tích một triệu bốn mươi vạn dặm vuông trên đó được phân bố không đều một dân số là một trăm tám mươi triệu người. Chính phủ Anh đã thiết lập được quyền thống trị thực sự trên một phần đất nước mênh mông này. Một quan toàn quyền đặt ở Calcutta, những quan thống đốc ở Madras, Bombay, Bengale, và một trung tướng-thống đốc ở Agra.

    Nhưng Ấn Độ thuộc Anh thực thụ chỉ chiếm một diện tích bảy mươi vạn dặm vuông với một dân số từ một trăm đến một trăm mười triệu người. Như thế cũng đủ nói rằng một phần quan trọng lãnh thổ còn lọt ra ngoài quyền lực của nữ hoàng và quả thật tại những miền ở sâu bên trong của một số vương hầu dữ tợn và đáng sợ, quyền độc lập của Ấn còn là tuyệt đối.

    Từ 1756 – thời kỳ được thiết lập thuộc địa Anh đầu tiên trên địa phận ngày nay là thành phố Madras – cho đến năm nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính Ấn Độ. Công ty Ấn Độ nổi tiếng này nắm hết mọi quyền hành. Nó thôn tính dần dần nhiều tỉnh khác nhau bằng cách mua của các vương hầu Ấn Độ theo lối trả lợi nhuận hàng năm mà nó trả ít hoặc không trả gì hết, nó bổ nhiệm quan toàn quyền và tất cả các viên chức dân sự hoặc quân sự nhưng bây giờ nó không còn tồn tại nữa và những thuộc địa Anh ở Ấn Độ trực tiếp thuộc nữ hoàng.

    Vì vậy quang cảnh, phong tục, những khu vực nhân chủng có khuynh hướng ngày một thay đổi. Xưa kia, người ta đi lại ở đây bằng đủ mọi phương tiện giao thông cổ sơ, đi bộ, cưỡi ngựa, xe bò, xe cút kít, ngồi kiệu, người cõng, xe ngựa, v. V.. Ngày nay các tàu thủy phóng hết tốc lực trên sông Indus, sông Hằng Hà32 và một con đường sắt xuyên suốt bề ngang Ấn Độ, dọc đường có phân nhánh, nối liền Bombay với Calcutta chỉ mất có ba ngày.

    Lối đi của con đường sắt ấy không xuyên qua Ấn Độ theo đường thẳng. Khoảng cách theo đường chim bay chỉ từ một nghìn mốt dặm thôi và nếu theo khoảng cách đấy thì những đoàn tàu chỉ cần với tốc độ trung bình cũng không đi mất đến ba ngày, nhưng khảng cách ấy tăng thêm ít nhất một phần ba bởi đường dây cung do con đường sắt tạo ra khi phải lên cao đến tận Allahabad ở phía bắc bán đảo.

    Dưới đây trình bày vắn tắt lối đi của "Đường sắt bán đảo Đại Ấn" trên những điểm lớn. Rời đảo Bombay, nó xuyên qua Salcette nhảy vào lục địa ở trước mặt Tannah, vượt qua dãy núi Ghâtes, chạy lên đông bắc đến Burhampour, đi qua nội địa hạt gần như độc lập Bundelkund, lên cao đến tận Allahabad, uốn cong về phương đông, gặp sông Hằng ở Bénarès, khẽ tách khỏi khỏi sông Hằng một chút, rồi lại đi xuống đông nam qua Burdivan và thành phố Pháp Chandernagor và chấm dứt ở ga đầu cùng Calcutta.

    Bốn giờ rưỡi chiều hành khách tàu Mongolia đã lên đến Bombay và đúng tám giờ thì xe lửa sẽ khởi hành đi Calcutta.

    Vậy là ông Fogg cáo từ các bạn chơi bài, rời khỏi tàu, bảo ban người hầu về chi tiết vài đồ vật cần mua, căn dặn anh rành rẽ là phải có mặt ở nhà ga trước tám giờ, rồi với bước chân đều đều điểm từng giây như quả lắc một đồng hồ thiên văn ông đi đến phòng thị thực hộ chiếu.

    Thế là không tưởng gì đến chuyện đi xem các kỳ quan của Bombay, kể cả tòa thị chính, thư viện tráng lệ, các pháo đài, các bến tàu, chợ bông, các cửa hàng tạp hóa, cả các giáo đường Hồi giáo, các nhà thờ Do thái, các nhà thờ ácmên, cả ngôi chùa Malebar-Hill lộng lẫy được trang điểm hai ngọn tháp hình đa giác. Ông không đến chiêm ngưỡng cả các kiệt tác ở đảo Éléphanta lẫn những hầm mộ bí hiểm của nó ẩn mình trong lòng đất phía đông nam vùng biên, cả những hang động Kanhérie ở đảo Salcette là những di tích kỳ diệu của nền kiến trúc phật giáo!

    Không! Ông không xem gì hết. Rời phòng thị thực hộ chiếu, Phileas Fogg thản nhiên đi ra ga và ở đây ông gọi bữa ăn tối. Ngoài các món khác ra, người chủ khách sạn tự thấy phải mời ông xơi món thịt thỏ nấu xốt vang của thứ "thỏ địa phương" mà anh ta hết lời ca tụng với ông.

    Phileas Fogg nhận lời và tận tình thưởng thức món thỏ xốt vang nhưng mặc dầu thứ nước đầy gia vị ông vẫn thấy nó ngán phè.

    Ông bấm chuông gọi người chủ khách sạn.

    – Này anh. – Ông vừa nói vừa nhìn hắn chòng chọc, – thịt thỏ đấy à?

    – Vâng, thưa quý ông, – tên vô lại trơ tráo trả lời, – thịt thỏ rừng ạ.

    – Vậy cái con thỏ ấy có kêu meo meo khi người làm thịt nó không?

    – Kêu meo meo ư! Ồ! Thưa quý ông! Nó là một con thỏ! Tôi xin thề với quý ông.

    – Ông chủ khách sạn này, – ông Fogg lạnh lùng nói tiếp. – Ông đừng thề và xin nhớ điều này: Xưa kia ở Ấn Độ những con mèo đã từng được coi là những con vật thiêng liêng. Thời hoàng kim ấy.

    – Thời hoàng kim của những con mèo ấy ư, thưa quý ông.

    – Và của cả những hành khách nữa chứ!

    Nhận xét xong ông Fogg thản nhiên ăn tiếp.

    Mấy phút sau khi ông Fogg đi, viên mật thám Fix cũng rời khỏi tàu Mongolia và chạy đến gặp ông Giám đốc sở cảnh sát Bombay. Ông tự giới thiệu tư cách nhà thám tử của ông, nhiệm vụ ông được giao, tình thế của ông đối với kẻ được coi là thủ phạm vụ trộm. Ở đây đã nhận được trát bắt của Luân Đôn chưa? Thế ra chưa có gì cả. Và quả thật, cái lệnh bắt ấy lên đường sau Fogg, chưa thể nào đã tới được.

    Fix hết sức bối rối. Ông muốn ngài giám đốc ra lệnh bắt tên Fogg. Ngài giám đốc chối từ. Việc này liên quan đến nhà cảnh sát chính quốc và chỉ cơ quan này mới có quyền xuất lệnh bắt một cách hợp pháp. Tính nguyên tắc chặt chẽ ấy, sự tuân thủ nghiêm ngặt đối với pháp luật ấy là hoàn toàn dễ hiểu theo phong tục của người Anh vốn không chấp nhận một sự độc đoán nào trên phạm vi tự do cá nhân.

    Fix không nài nữa và hiểu rằng đành phải chờ lệnh bắt. Nhưng ông quyết định sẽ không rời mắt khỏi tên vô lại khó hiểu này trong suốt thời gian hắn đi Bombay. Ông tin rằng Phileas Fogg sẽ lưu lại ở Bombay – vì như ta biết, cả Vạn Năng cũng đinh ninh như thế – do đó mà lệnh bắt sẽ có thời gian tới kịp.

    Nhưng từ lúc nhận được những mệnh lệnh cuối cùng của ông chủ mình khi rời khỏi tàu Mongolia. Vạn Năng đã hiểu rõ ràng ở Bombay cũng như ở Suez và Paris vậy thôi, cuộc viễn du sẽ không chấm dứt tại đây, nó sẽ tiếp tục ít nhất đến tận Calcutta, và có thể còn xa hơn nữa. Và anh bắt đầu tự hỏi biết đâu chuyện đánh cuộc ấy của ông Fogg lại chẳng hoàn toàn nghiêm chỉnh và biết đâu số mệnh lại chả lôi cuốn anh, con người chỉ muốn sống yên thân vào một cuộc hành trình vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày!

    Trong thời gian đợi tàu và sau khi đã mua được vài chiếc áo sơ mi và đôi bít tất, anh dạo chơi các phố Bombay. Anh thấy dân chúng tụ tập rất đông và giữa những người Châu Âu đủ mọi quốc tịch là những người Ba Tư đội mũ trùm chóp nhọn, người Bunhyas vấn khăn tròn, người Sindes đội mũ vuông, người Arménie bận áo chùng, người Parsi đội mũ đen. Đây chính là một ngày hội của dân Parsi hoặc Guèbre, con cháu trực hệ của những tín đồ Zoroastre. Họ là những người Ấn Độ khéo léo nhất, văn minh nhất, thông minh nhất, khắc khổ nhất, cái chủng tộc sinh ra những thương gia bản xứ giàu có ở Bombay hiện nay. Ngày hôm ấy họ cử hành một thứ hội hóa trang tôn giáo, có rước, và các trò vui giải trí trong đó những vũ nữ Ấn Độ mặc áo the hồng dát vàng bạc theo tiếng đàn thất huyền và tiếng trống nhảy múa đẹp tuyệt trần, mà vẫn thật là lịch sự.

    Nếu Vạn Năng có ngắm nhìn những đám lễ kỳ lạ ấy, nếu những con mắt và lỗ tai anh có mở banh ra để nhìn và nghe, nếu vẻ người nét mặt anh có đúng hệt một "anh thộn" ngốc nghếch nhất mà ta có thể hình dung được thì ta cũng chẳng cần phải nói dài ở đây làm gì.

    Khốn thay cho anh và cho ông chủ anh mà cuộc hành trình suýt nữa thì bị anh làm rắc rối to, thói tò mò đã lôi cuốn anh đi quá xa.

    Thật vậy, sau khi đã dạo qua đám hội hóa trang Parsi ấy, Vạn Năng đi ra ga nhưng khi qua ngôi chùa Malebar-Hill tuyệt đẹp, anh nảy ra cái ý định tai hại là rẽ vào vãn cảnh chùa.

    Anh không biết đến hai điều: Trước hết việc vào một số ngôi chùa Ấn Độ nào đó là cấm ngặt đối với những người Gia-tô giáo và sau nữa chính các tín đồ cũng phải để dép lại ngoài cổng rồi mới được vào. Ở đây cần chú ý rằng, vì lý do chính trị chính đáng, chính phủ Anh tôn trọng và bắt phải tôn trọng tín ngưỡng địa phương đến cả những chi tiết vô nghĩa nhất của nó và trừng trị nghiêm khắc người nào vi phạm những tục lệ tín ngưỡng ấy.

    Vạn Năng đã vào chùa với tất cả tấm lòng thành như một khách vãn cảnh bình thường, say mê ngắm nghía vẻ hào nhoáng, chói lọi của nghệ thuật trang trí Bà-la-môn bên trong chùa Malebar-Hill thì bất thình lình anh bị vật ngã xuống thềm gạch thánh. Ba giáo sĩ mắt nảy lửa lao vào anh giật tung giày và bít tất của anh và vừa nện anh tới tấp, vừa ré lên những tiếng kêu man dại.

    Anh chàng Pháp đã mạnh lại nhanh bật ngay dậy bằng một cú đấm và một cú đá anh quật ngã hai địch thủ lóng ngóng trong bộ áo chùng của họ và ba chân bốn cẳng phi ra ngoài chùa, chẳng mấy chốc bỏ xa người Ấn Độ thứ ba người này vừa đuổi theo vừa hô hoán dân chúng.

    Tám giờ kém năm, chi vài phút trước giờ tàu chạy, đầu trần chân đất, gói đồ sắm sửa đã mất hết trong vụ xô xát. Vạn Năng ra đến ga.

    Fix đang ở đây, trên sân ga. Đi theo tên Fogg tới nhà ga, ông ta đã hiểu rằng tên vô lại này sắp rời Bombay. Lập tức ông quyết định bám theo nó đến Calcutta và xa hơn nữa nếu cần. Vạn Năng không nhìn thấy Fix đứng trong bóng tối, nhưng Fix nghe được cái chuyện rắc rối của anh qua vài câu vắn tắt Vạn Năng kể lại với chủ mình.

    "Tôi mong rằng anh sẽ không mắc vào những chuyện như thế nữa".

    Phileas Fogg bình thản đáp lại và ngồi vào chỗ trong toa tàu.

    Anh hầu khốn khổ, chân không giày và hết sức sượng sùng theo sau ông chủ mình không nói không rằng.

    Fix đã sắp lên một toa tàu khác thì một ý nghĩ ngăn ông lại và làm thay đổi đột ngột kế hoạch ra đi của ông.

    "Không, ta trở lại. – ông nghĩ bụng. – Một vụ phạm pháp trên đất Ấn Độ.. Nó chết với mình rồi".

    Lúc ấy đầu máy xe lửa rú lên một hồi còi xé tai và đoàn tàu biến vào trongđêm tối.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  2. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 11 – Giá đắt cắt cổ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đoàn tàu khởi hành đúng giờ quy định. Nó chở một số hành khách, vài sĩ quan những viên chức dân sự và những nhà buôn thuốc phiện và buôn chàm vì công việc buôn bán phải đến phía đông bán đảo.

    Vạn Năng ngồi cùng ngăn với ông chủ. Một hành khách thứ ba ngồi trong góc đối diện.

    Đó là vị thiếu tướng lữ đoàn trưởng ngài Francis Cromarty, một trong những bạn chơi bài của ông Fogg trong chuyến đi biển từ Suez đến Bombay đang về đơn vị mình đóng ở gần Bénarès.

    Ngài Francis Cromarty người cao lớn, tóc vàng hung, chạc năm mươi tuổi, đã tỏ ra xuất sắc trong việc dẹp yên cuộc nổi dậy vừa qua của binh lính Ấn Độ, có thể thật xứng đáng được gọi là người bản xứ. Từ thời trẻ ông đã ở Ấn Độ và chỉ năm thì mười họa lắm mới thấy mặt ở nước nhà. Đó là một người có học thức, có thể sẵn sàng cung cấp những hiểu biết về phong lục, lịch sử, tổ chức của nước Ấn Độ, nếu Phileas Fogg là người muốn hỏi những chuyện đó. Nhưng nhà quý phái này không hỏi gì hết. Ông không di du lịch, ông chỉ vẽ một vòng tròn. Đó là một vật thể có trọng lượng, chuyển động trong một quỹ đạo vòng quanh quả địa cầu, theo những định luật của cơ học thuần lý. Lúc này ông đang nhẩm tính lại trong óc số giờ đã dùng từ buổi ra đi ở Luân Đôn và có lẽ ông đã xoa tay khoan khoái, nếu bản tính ông là người có thể làm một cử động vô ích.

    Ngài Francis Cromarty không phải không nhận thấy tính cách kỳ quặc của ông bạn đồng hành, mặc dầu ngài chỉ quan sát ông ta khi cầm quân bài trong tay và giữa hai ván bài. Cho nên ngài có căn cứ để tự hỏi rằng dưới cái vỏ lạnh lùng ấy có một trái tim người đang dập hay không. Phileas Fogg có tâm hồn rung động với những vẻ đẹp thiên nhiên, những khát vọng đạo đức hay không. Với ngài, điều này thành vấn đề. Trong tất cả những người kỳ quặc mà ngài thiếu tướng đã gặp, không ai có thể sánh được với cái sản phẩm này của những ngành khoa học chính xác.

    Phileas Fogg không hề giấu giếm với ngài Francis Cromarty kế hoạch đi vòng quanh thế giới của mình và cả những điều kiện để thực hiện kế hoạch ấy. Ngài thiếu tướng chỉ thấy trong vụ đánh cuộc này một chuyện quái gở không nhằm mục đích gì có lợi và nó tất nhiên là thiếu cái "đầu óc làm ăn" cần phải chỉ đạo tất cả mọi con người có lý trí. Theo kiểu này của nhà quý phái kỳ dị, ông hẳn sẽ chết đi mà "không làm được gì" cho ông ta cũng như cho mọi người khác.

    Một giờ sau khi rời khỏi Bombay, đoàn tàu vút qua các cầu cạn đã đi hết hòn đảo Salcette và đang chạy trên lục địa. Tại ga Callyan nó bỏ con đường rẽ phải là đường qua Kandallah và Pounah xuống sông nam Ấn Độ rồi nó tới ga Pauwell. Ở điểm này, nó dấn mình vào trong những rặng núi trùng điệp của dãy Ghâtes là những dãy núi có nền đá lục thạch, và đá badan, mà những đỉnh cao nhất cũng được phủ kín rừng rậm.

    Thỉnh thoảng ngài Francis Cromarty và Phileas Fogg lại trao đổi với nhau vài lời; câu chuyện thường chuếnh choáng và vị thiếu tướng lúc này muốn nó hào hứng lên bèn nói:

    – Ông Fogg này, mấy năm trước mà qua đây chắc hẳn ông sẽ bị một trở ngại làm chậm trễ cuộc hành trình của ông đấy.

    – Sao vậy thưa ngài Francis?

    – Bởi vì con đường sắt dừng lại ở chân núi này và ta phải qua núi bằng kiệu hoặc ngựa cho đến tận Kandallah ở sườn núi bên kia.

    – Sự chạm trổ ấy chẳng đảo lộn chút nào cái kế hoạch khít khao của tôi.

    Tôi cũng chẳng đã tính trước một số trở ngại bất ngờ.

    – Tuy vậy ông Fogg ạ, – vị thiếu tướng lại nói, – ông có thể lâm vào một vụ rắc rối to vì cái chuyện lôi thôi của anh chàng này đấy.

    Vạn Năng, chân ủ trong chiếc chăn đi đường, đang đánh một giấc ngủ ngon lành và cũng chẳng nằm mơ thấy người ta nói đến anh.

    – Chính phủ Anh cực kỳ nghiêm khắc đối với loại tội phạm này và như vậy là có lý, – ngài Francis Cromarty lại nói. – Chính phủ đòi hỏi trước hết phải tôn trọng các tục lệ tôn giáo của người Ấn Độ và nếu như người hầu của ông bị bắt..

    – Ồ thưa ngài, nếu anh ta bị bắt, – ông Fogg đáp, – thì anh ta sẽ bị kết án, anh ta sẽ chịu hình phạt của anh ta và rồi anh ta lại yên ổn trở về Châu Âu. Tôi không thấy vì lý do gì chuyện này có thể khiến ông chủ anh ta phải chậm lại.

    Và đến đó câu chuyện lại nhạt dần. Ban đêm đoàn tàu vượt qua vùng núi Ghâtes đi đến Nassik và ngày hôm sau 21 tháng mười, nó phóng nhanh qua một miền tương đôi bằng phẳng, nằm trong địa hạt Khandeish. Giữa cánh đồng xanh tươi rải rác những thôn xóm nhỏ, ngọn tháp chùa vút lên thay cho tháp chuông nhà thờ Châu Âu. Nhiều dòng sông nhỏ, phần lớn là chi lưu và phó chi lưu của sông Godavery, tưới cho miền đất màu mỡ này.

    Vạn Năng tỉnh dậy, ngắm nhìn phong cảnh và không thể tưởng tượng rằng mình đang đi ngang qua nước Ấn Độ trong một con tàu của "Đường sắt đại bán đảo". Điều đó đối với anh có vẻ vô lý. Vậy mà không có gì thật hơn! Cáiđầu tàu, được điều khiển bởi cánh tay một người thợ máy Anh và đốt nóng bằng than đá Anh, nhả khói trên những cánh đồng bông, cà phê, đậu khấu, đinh hương, hồ tiêu đỏ. Khói tàu cuốn quanh các khóm cọ giữa đó ẩn hiện những ngôi nhà hai tầng đẹp như tranh vẽ, một vài tu viện bỏ hoang, và đền miếu kỳ lạ được tô điểm bằng nghệ thuật trang trí vô cùng phong phú của kiến trúc Ấn Độ. Rồi đến những khoảng đất rộng mênh mông xa tít, những khu rừng rậm không thiếu rắn rết và hổ báo bị khiếp đảm vì những tiếng còi hú của con tàu và cuối cùng những cánh rừng có đường sắt xuyên qua mà vẫn còn lảng vảng những con voi giương đôi mắt tư lự nhìn đoàn tàu cuộn khói.

    Buổi sáng hôm ấy ở quá Malligaum, các hành khách đi ngang qua cái miền thê thảm thường hay đổ máu vì bàn tay các tín đồ của nữ thần Kali. Không xa đó nổi lên thành phố Ellora với những ngôi chùa tuyệt đẹp và thành phố Aurungabad nổi tiếng kinh đô của quốc vương Aureng-Zeb dung dữ, ngày nay là tỉnh lị bình thường của một trong những tỉnh từ vương quốc Nizam tách ra. Đây chính là một vùng đặt dưới quyền thống trị của Feringhea, thủ lĩnh dân Thug, quốc Vương của những Người bóp cổ. Những kẻ giết người này, tụ tập trong một tổ chức rất khó lùng bắt, bóp cổ những nạn nhân đủ mọi lứa tuổi không đổ một giọt máu do làm lễ tế Thần Chết, và đã có thời người ta không thể đào bới bất cứ một nơi nào trên miền đất này mà không thấy một thây người. Chính phủ Anh đã ngăn chặn được khá nhiều những vụ giết người như thế nhưng cái hội ghê gớm ấy vẫn còn tồn tại và hoạt động.

    Mười hai giờ giữa trưa, tàu đỗ ở Burhampour và Vạn Năng có thể mua ở đây với giá đắt như vàng một đôi giày hàm ếch dát ngọc giả, mà anh xỏ vào chân với một cảm giác hãnh diện ra mặt.

    Hành khách ăn trưa vội vàng, và tàu lại đi đến ga Assurghur sau khi đã chạy một quãng ven bờ sông Tapty, con sông nhỏ này chảy vào vịnh Cambaye ở gần Surate.

    Cũng nên nói rõ đầu óc Vạn Năng lúc này đang theo đuổi những ý nghĩ gì. Cho đến Bombay, anh cứ tưởng và có thể tưởng như mọi sự sẽ chấm dứt ở đây. Nhưng bây giờ, từ khi phóng vùn vụt qua Ấn Độ, thì đầu óc anh có sự thay đổi quay ngoắt lại. Anh nhanh chóng trở về với bản tính mình. Anh lại tìm thấy những ý nghĩ ngông cuồng thời trai trẻ, anh xem những kế hoạch của ông chủ là chuyện đứng đắn, anh tin là vụ đánh cuộc có thật, và do đó cũng tin ở cuộc đi vòng quanh thế giới này và ở thời hạn tối đa này không được vượt quá. Thậm chí anh cũng đã lo lắng đến những chậm trễ, những tai nạn có thể bất ngờ xảy ra dọc dường. Anh cảm thấy như mình cũng tham dự vào vụ đánh cuộc, và rùng mình nghĩ rằng anh có thể làm hỏng nó vì cái trò ngốc nghếch không tha thứ được của anh hôm trước. Cho nên, không được phớt tỉnh như ông Fogg, anh cũng lo lắng hơn ông nhiều. Anh đếm đi đếm lại những ngày đã trôi qua, nguyền rủa những chặng tàu đỗ. Lên án con tàu chạychậm và thầm trách ông Fogg đã không treo thưởng cho người thợ máy. Chàng trai trung hậu không biết rằng cái điều làm được trên tàu bể không làm được nữa trên xe lửa với tốc độ quy định.

    Về nhiều, con lọt tàu vào những đường hẻm của dãy núi Sutpour ngăn cách địa hạt Khandeish với địa hạt Bundelkund.

    Ngày hôm sau, 22 tháng mười, có lần ngài Francis Cromarty hỏi giờ. Vạn Năng giở đồng hồ ra xem trả lời là ba giờ sáng. Và quả thật, cái đồng hồ quả quýt trứ danh ấy luôn luôn lấy giờ theo kinh tuyến Greenwich, ở cách ngót bảy mươi bảy độ về phía tây, tất phải chậm đi và trên thực tế nó chậm bốn giờ.

    Cho nên ngài Francis đính chính lại giờ của Vạn Năng, ngài trao đổi với anh điều nhận xét mà Fix cũng đã nói với anh. Ngài cố làm cho anh hiểu rằng anh phải chỉnh đồng hồ mình theo mỗi kinh tuyến mới, và vì anh luôn đi về phương đông, nghĩa là về phía mặt trời, cho nên cứ mỗi độ đi qua thì ngày lại ngắn đi bốn phút. Nhưng vô ích. Dù anh chàng bướng bỉnh có hiểu ra điều nhận xét của ngài thiếu tướng hay không anh vẫn khăng khăng không chịu vặn đồng hồ lên, cứ giữ mãi giờ Luân Đôn, vả lại đây cũng chỉ là một thói tật vô tội chẳng hại gì cho ai.

    Tám giờ sáng, còn mười lăm dặm đến ga Rothal thì con tàu dừng lại giữa một chỗ rừng thưa rộng, ven rừng có vài nhà hai tầng và những túp lều công nhân. Bác xa trưởng đi đến trước các toa tàu nói:

    "Xin mời hành khách xuống đây".

    Phileas Fogg nhìn ngài Francis Cromarty, ông cũng ngơ ngác không hiểu tại sao đỗ tàu ở giữa một khu rừng me như vậy.

    Vạn Năng ngạc nhiên không kém, anh chạy lao lên đường ray và trong chớp mắt đã trở về kêu lên.

    – Ông chủ ơi, hết đường tàu rồi!

    – Anh bảo sao? – Ngài Francis Cromarty hỏi

    – Tôi muốn nói là tàu không chạy nữa!

    Ngài thiếu tướng lập tức xuống tàu, Phileas Fogg theo ông không vội vã.

    Cả hai cùng nói với người xa trường

    – Chúng ta đang ở đâu đây? – Ngài Francis Cromarty hỏi

    – Ở xóm Kholby – bác xa trưởng trả lời.

    – Tàu đỗ tại đây ư?

    – Chắc thế. Đường sắt chưa làm xong..

    – Sao! Chưa xong à?

    – Vâng! Từ đây đến Allahabad còn một đoạn chừng năm mươi dặm chưa đặt ray, rồi từ Allahabad đường sắt mới lại tiếp tục.

    – Vậy mà báo chí lại đưa tin con đường sắt này đã hoàn thành!

    – Biết làm sao, báo cáo ngài sĩ quan, báo chí đã nhầm.

    – Còn các ông thì bán vé từ Bombay đi Calcutta! – Ngài Francis Cromarty đã bắt đầu nóng mặt nói tiếp.

    – Tất nhiên. – người xa trưởng đáp. – nhưng mọi hành khách đều biết rõ là họ phải tự tìm lấy phương tiện đi từ Kholby liên Allahabad.

    Ngài Francis Cromarty giận điên lên. Vạn Năng hẳn sẵn sàng nện chết lão xa trưởng mà thật ra lão cũng chẳng làm gì hơn được. Anh không dám nhìn ông chủ mình nữa.

    – Ngài Francis ạ. – Ông Fogg bình thản nói – nếu ngài vui lòng, chúng ta sẽ tìm cách đến Allahabad.

    – Ông Fogg, đây có phải là một sự chậm trễ vô cùng tai hại cho công việc của ông không?

    – Không, thưa ngài Francis, điều này đã được tính trước.

    – Sao! Ông đã biết là đường xe lửa..

    – Biết sao được nhưng tôi biết là một trở ngại nào đó sớm muộn cũng xảy ra dọc đường. Thế nhưng chẳng có gì bị hỏng cả. Tôi đang có dư hai ngày có thể hy sinh. Chuyến tàu bể khởi hành từ Calcutta đi Hồng Kông trưa ngày 25. Hôm nay mới 22 và ta sẽ đến kịp Calcutta.

    Với một câu trả lời chắc chắn đến thế thì không có gì phải bàn nữa.

    Điều hiển nhiên là công trình đường sắt mới đặt tới điểm này. Báo chí cũng giống như một số đồng hồ nào đó, có cái bệnh chạy nhanh, và họ đã loan báo quá sớm sự hoàn thành con đường sắt. Phần lớn hành khách đã biết đoạn đường đứt quãng này và khi xuống tàu, họ vội chiếm lấy các xe cộ đủ loại, trong làng, xe ngựa bốn bánh, xe bò kéo bằng bò có bướu, xe du lịch giống như những ngôi chùa lưu động, kiệu, ngựa, v. V.. Bởi vậy ông Fogg và ngài Francis Cromarty sau khi tìm hỏi khắp làng đã phải trở về không.

    "Tôi sẽ đi bộ". Phileas Fogg nói.

    Vạn Năng lúc này đã quay lại gặp ông chủ, anh nhăn mặt đầy ý nghĩa ngắm nghĩa đôi giầy hàm ếch đẹp đẽ nhưng yểu tướng của mình. May thay, anh vốn là con người lắm sáng kiến, và ngập ngừng một chút, anh nói:

    – Thưa ông, hình như tôi đã tìm thấy một phương tiện vận tải.

    – Phương tiện nào?

    – Voi! Con voi của một người Ấn Độ ở cách đây trăm bước.

    – Nào, ta đi xem voi, – ông Fogg đáp.

    Năm phút sau, Phileas Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng tới bên một túp lều ở kế một miếng đất có hàng rào cao bọc kín. Trong lều có một người Ấn Độ, và trong khu đất rào kín có một con voi. Theo yêu cầu của họ, người Ấn Độ đưa ông Fogg và hai ông bạn vào trong miếng đất rào.

    Tại đây, họ đứng trước một con vật đang thuần hóa dở dang, mà người chủ của nó nuôi dạy không phải để thành con vật thồ, mà để thành con vật chọi. Với mục đích ấy ông ta bắt đầu làm thay đổi bản tính vốn hiền lành của con vật, để làm sao đưa dần nó lên tới cực điểm của cơn điên dại gọi là "musơ" trong tiếng Ấn Độ, và muốn vậy, ông nuôi nó trong ba tháng bằng đường với bơ. Cách rèn luyện ấy có vẻ khó mà đem lại hiệu quả mong muốn, nhưng nó vẫn được nhiều người chăn nuôi sử dụng thành công. Rất may cho ông Fogg là con voi này chỉ vừa mới được nuôi theo chế độ đó, và cơn "musơ" vẫn còn chưa nổ ra.

    Kiouni – tên con vật – cũng như tất cả mọi đồng loại của nó có thể đi nhanh trong suốt thời gian dài, và vì thiếu vật cưỡi nên Phileas Fogg quyết định dùng nó.

    Nhưng voi là giống vật đắt tiền ở Ấn Độ vì ở đây chúng đã bắt đầu hiếm. Những con voi đực chỉ chúng mới thích hợp với những cuộc chọi voi ở rạp xiếc, càng được đặc biệt ưa chuộng. Những con vật này khi đã thuần hóa thì sinh sản rất ít đến nỗi người ta chỉ có thể kiếm được chúng bằng săn bắt. Cho nên chúng được hưởng những săn sóc đặc biệt, và khi ông Fogg hỏi thuê con voi thì người Ấn Độ dứt khoát từ chối.

    Ông Fogg cố nài và đặt một giá thuê cực đắt mười livrơ (250 phật lăng) một giờ. Từ chối. Hai mươi livrơ? Từ chối nữa. Bốn mươi livrơ? Vẫn từ chối. Vạn Năng nảy người lên mỗi lần tăng giá. Nhưng người Ấn Độ không chịu mềm lòng.

    Món tiền thế là lớn quá còn gì. Cứ cho là con voi đi đến Allahabad mất mười lăm giờ, nó đã đem lại cho chủ nó sáu trăm livrơ (15.000 phật lăng).

    Phileas Fogg, không chút bốc đồng, bèn đề nghị với người Ấn Độ bán cho ông con vật và ngay thoạt đầu ông đặt giá một nghìn livrơ (25.000 phật lăng).

    Người Ấn Độ không muốn bán! Có lẽ thằng vô lại đã đánh hơi thấy một vụ vớ bẫm.

    Ngài Francis Cromarty kéo ông Fogg ra một nơi và khuyên ông nên nghĩ kỹ trước khi dấn thêm nữa. Phileas Fogg trả lời rằng ông ta không có thóiquen hành động không suy nghĩ, rằng rốt rục đây là một vụ đánh cuộc hai vạn livrơ rằng con voi này cần cho ông và dù có phải trả đắt gấp hai mươi lần ông cũng sẽ có con voi đó.

    Ông Fogg quay lại tìm người Ấn Độ, mà hai con mắt ti hý cháy phừng phừng những ngọn lửa thèm muốn để lộ rõ là đối với hắn chỉ có vấn đề giá cả. Phileas Fogg lần lượt đề nghị một nghìn hai trăm livrơ rồi nghìn rưỡi rồi nghìn tám. Cuối cùng hai nghìn (50.000 phật lăng). Vạn Năng thường ngày mặt đỏ là thế cứ tái nhợt đi vì xúc động.

    Đến hai nghìn livrơ, thằng cha Ấn Độ chịu thua.

    – Xin thề với đôi giày hàm ếch của tôi – Vạn Năng kêu lên. – sao lại có người đi mua thịt voi với cái giá ghê gớm đến thế.

    Ngã giá xong, chỉ còn việc tìm người dẫn dường. Việc này dễ hơn. Một anh thanh niên Parsi có khuôn mặt thông minh đến nhận làm. Ông Fogg chấp thuận và hứa trả công hậu hĩ, điều đó chỉ có thể làm trí thông minh của anh tăng lên gấp bội.

    Con voi được dẫn đến và thắng bộ ngay tức khắc. Anh Parsi rất thành thạo nghề "mahu", nghĩa là nghề quản tượng. Anh trùm một miếng tải lên lưng voi và đặt ở hai bên sườn voi hai ghế có lưng tựa cũng không được đàng hoàng cho lắm.

    Phileas Fogg lấy trong cái xắc trứ danh những tờ bạc giấy trả tiền voi cho người Ấn Độ. Quả thật dường như chúng được rút từ trong ruột Vạn Năng. Rồi ông Fogg mời Francis Cromarty cùng với ông đến ga Allahabad. Vị thiếu tướng nhận lời. Thêm một hành khách cũng chẳng làm con vật khổng lồ này phải mệt nhọc.

    Lương thực được mua ở Kholby. Ngài Francis Cromarty ngồi vào một ghế. Phileas Fogg ngồi ghế bên kia. Vạn Năng ngồi xoạc cẳng trên miếng tải trùm lưng voi giữa chủ mình và ngài thiếu tướng. Anh Parsi vắt vẻo trên con voi và đến chín giờ thì con vật rời xóm nhỏ dấn sâu vào khu rừng gồi rập rạp theo con đường ngắn nhất.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 12 – Phileas Fogg và các bạn mạo hiểm qua rừng Ấn Độ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người dẫn đường, để đi tắt, bỏ lại phía bên phải lối đi cùng con đường sắt đang xây dở. Lối đi này bị vặn vẹo rất nhiều bởi những nhánh núi ngang dọc của dãy núi Vindhias, không theo đường ngắn nhất có lợi cho Phileas Fogg. Anh Parsi, rất thông thuộc đường đi lối lại vùng này, có ý định rút ngắn khoảng hai mươi dặm bằng cách cắt ngang quãng rừng và mọi người chỉ còn biết tin vào anh ta.

    Phileas Fogg và ngài Francis Cromarty ngồi thụt đến tận cổ trong chiếc ghế dựa của họ, bị xóc mạnh bởi nước kiệu cứng nhắc của con voi mà người quản tượng thúc phải phóng nhanh. Nhưng họ chịu đựng tình thế với cái vẻ tỉnh khô rất Ănglê, vả lại họ cũng ít nói chuyện và hầu như không trông thấy nhau.

    Còn Vạn Năng, ngồi vắt vẻo trên lưng con vật và trực tiếp chịu những cú lắc đi lắc lại, anh rất chú ý đề phòng, theo lời dặn của chủ không dại gì đặt lưỡi giữa hai hàm răng để bị nghiến đứt phăng. Chàng trai trung hậu khi bị ném lên cổ voi, khi bị giạt xuống mông voi làm trò nhào lộn như anh hề nhảy trên một bàn nhún. Nhưng anh pha trò, anh cười đùa giữa những cú nhảy lật mình, và thỉnh thoảng anh lại rút trong xắc ra một miếng đường mà con Kiouni thông minh đớp ngay ở miệng vòi, trong khi vẫn không ngừng nước kiệu đều đặn của nó.

    Đi được hai tiếng thì người dẫn đường cho voi dừng lại nghỉ một giờ. Con vật nhai nghiến ngấu những cành lá và cây non sau khi đã đi giải khát ở một đầm nước gần đó. Ngài Francis Cromarty không phàn nàn về đợt nghỉ chân này. Ông đã mệt nhừ. Ông Fogg thì có vẻ khỏe khoắn như vừa bước ra khỏi giường ngủ.

    – Ông này mình đồng da sắt chắc! – vị thiếu tướng vừa nói vừa nhìn ông thán phục.

    – Thưa, sắt luyện đấy ạ. – Vạn Năng đáp, anh đang chuẩn bị một bữa ăn trưa sơ sài.

    Đến trưa, người dẫn đường ra hiệu khởi hành. Chẳng bao lâu quang cảnh miền này mang một vẻ rất hoang dại. Sau những khu rừng lớn tiếp đến những cánh rừng me và cọ lùn mà người ta chặt hàng năm rồi những bình nguyên rộng khô cằn lởm chởm những cây còn xơ xác và rải rác những tảng đá hoa cương lớn. Tất cả miền thượng du Bundelkund ít người qua lại ấy là nơi ở củamột cư dân cuồng tín, đã tiêm nhiễm lâu đời những tục lệ khủng khiếp nhất của Ấn Độ giáo. Nền thống trị của người Anh không thể chính thức thiết lập trên một địa hạt nằm dưới ảnh hưởng của các vương hầu Ấn Độ và càng khó vào lọt được những hang ổ hiểm trở của họ trong vùng núi Vindhias.

    Nhiều lần, các vị khách cưỡi voi trông thấy những tên người Ấn Độ dữ tợn, họ vung tay giận dữ khi thấy con voi chạy nhanh qua. Vả chăng, anh Parsi luôn tìm cách tránh họ, anh cho rằng gặp những loại người này nguy hiểm. Ban ngày hôm ấy họ nhìn thấy ít thú vật, chỉ có vài con khi vừa trốn chạy vừa làm đủ mọi trò vặn vẹo và nhăn nhó khiến Vạn Năng rất thích.

    Trong nhiều ý nghĩ ám ảnh Vạn Năng, có một ý nghĩ làm anh chàng lo ngại. Ông Fogg sẽ giải quyết con voi này như thế nào khi đến ga Allahabad. Ông có đem nó đi theo không? Không thể! Tiền vận tải thêm vào tiền mua sẽ khiến nó thành một con vật khuynh gia bại sản. Ông sẽ bán nó đi hay sẽ trả tự do cho nó? Con vật đáng yêu này xứng đáng để người ta coi trọng nó. Nếu may ra mà ông Fogg lại làm quà cho anh, cho chính anh Vạn Năng, thì anh sẽ rất lúng túng. Ý nghĩ ấy không khỏi làm anh bận tâm mãi.

    Đến tám giờ, ngọn núi lớn nhất của dãy núi Vindhias đã vượt qua và các hành khách ngồi nghỉ ở chân sườn núi phía bắc, trong một ngôi nhà hai tầng đổ nát.

    Chặng đường ngày hôm nay đã được khoảng hai mươi lăm dặm và cũng còn chừng ấy nữa thì đến ga Allahabad.

    Trời về đêm lạnh. Bên trong ngôi nhà đổ nát, anh Parsi vun cành khô nhóm lửa, hơi ấm tỏa ra làm mọi người rất dễ chịu. Bữa ăn tối có thực phẩm mua ở Kholby. Các du khách mệt nhoài và đói ngấu ăn ngon lành. Câu chuyện bắt đầu với vài câu nói nhát gừng, chẳng bao lâu kết thúc bằng những tiếng ngáy vang lên. Người dẫn đường thức canh Kiouni, nó ngủ đứng, tựa mình vào một thân cây lớn.

    Không có chuyện gì xảy ra đêm hôm ấy. Vài tiếng gầm của những con tiểu báo và con báo đôi khi khuấy rối cảnh tĩnh mịch hòa với những tiếng cười nhạo the thé của lũ khỉ. Nhưng những đám thú dữ chỉ một mực kêu hoài mà không biểu thị hành động gì thù địch với các vị khách của ngôi nhà đổ nát. Ngài Francis Cromarty ngủ mê man như một người lính dũng cảm đã chiến đấu mệt nhoài. Vạn Năng, trong một giấc ngủ xáo động, lại mơ thấy những cú ngã bổ chửng ban ngày. Còn ông Fogg thì ngủ yên chẳng khác gì đang ở trong ngôi nhà yên tĩnh phố Saville.

    Sáu giờ sáng, đoàn người lại lên đường. Người dẫn đường hy vọng đến ga Allahabad ngay chiều hôm ấy. Nếu thế thì ông Fogg sẽ chỉ mất có một phần số bốn mươi tám giờ đã tiết kiệm được từ buổi bắt đầu chuyến viễn du.

    Họ xuống những quãng đường dốc cuối cùng của dãy núi Vindhias. Kiouni đã lấy lại nước đi nhanh của nó. Vào khoảng trưa, người dẫn đường đi vòng quanh làng Kallenger bên bờ sông Cani, một nhánh nhỏ của sông Hằng Hà. Anh vẫn cứ tránh những nơi có người ở, tự cảm thấy an toàn hơn trên những quãng đồng không mông quạnh này là những vùng đất thấp đầu tiên của lưu vực con sông lớn. Ga Allahabad còn cách chưa đây mười hai dặm nữa phía đông bắc. Họ nghỉ chân dưới một khóm chuối, thưởng thức những quả chuối mà họ hết lời ca ngợi là cũng lành như bánh mì, "cũng thơm ngon như kem sữa".

    Đến hai giờ, người dẫn đường đi vào một khu rừng rậm mà anh sẽ phải xuyên qua trên một quãng đường dài nhiều dặm. Anh thích chọn đường rừng khuất nẻo như thế mà đi. Dẫu sao thì cho đến nay anh chưa bị một cuộc đụng độ tai hại nào và cuộc hành trình có vẻ như sắp hoàn thành yên ổn thì con voi bỗng dừng lại, biểu lộ vài dấu hiệu nghi ngại.

    Lúc ấy là bốn giờ.

    – Cái gì đấy? – Ngài Francis Cromarty hỏi, nhổm đầu lên khỏi cái ghế tựa của mình.

    – Báo cáo ngài sĩ quan, không rõ ạ – Anh Parsi đáp, tai lắng nghe một tiếng rì rầm mà hô vọng đến qua vòm lá dày.

    Một lúc sau, tiếng rì rầm ấy dễ nhận ra hơn. Nó có vẻ như một cuộc hòa tấu còn ở xa lắm, của những giọng người và giọng kèn đồng.

    Vạn Năng căng hết tai mắt ra nghe ngóng. Ông Fogg kiên nhẫn đợi không nói không rằng.

    Anh Parsi nhảy xuống đất cột voi vào một thân cây và lao vào quãng rừng rậm nhất. Vài phút sau anh trở lại nói:

    "Một đám rước Bà-la-môn đang tiến về hướng này. Tốt nhất ta nên tránh mặt họ".

    Người dẫn đường tháo voi dắt nó vào một chỗ rừng rậm, và căn dặn các hành khách đừng xuống đất. Bản thân anh sẵn sàng nhảy phốc lên mình voi nếu cần phải trốn chạy. Nhưng anh cho rằng đám tín đồ sẽ đi qua mà không thấy anh vì anh đã được vòm lá dày hoàn toàn che khuất.

    Hợp âm hỗn độn của những tiếng người và tiếng nhạc cụ đến gần. Những tiếng hát đều đều hòa với tiếng trống và tiếng chũm chọe. Chẳng bao lâu hàng đầu đám rước hiện ra dưới vòm cây cách chỗ ông Fogg và các bạn ông khoảng năm mươi bước. Nhìn qua cành lá, họ dễ dàng nhận rõ những thành phần kỳ lạ của đám lễ tôn giáo này.

    Trên hàng đầu, các giáo sĩ đội mũ lễ và bận áo chùng trang sức lòe loẹt. Đivây quanh họ là đàn ông, đàn bà, trẻ con ê a một giọng tụng kinh ảo não được điểm đều đều bởi những tiếng trống và chũm choẹ. Đằng sau họ, một pho tượng gớm ghiếc hiện ra trên một cái xe có bánh to mà nan hoa và vành bánh kết hình những con rắn quấn vào nhau, được kéo bởi hai cặp bò có bướu phủ vải trùm lưng sặc sỡ. Pho tượng ấy có bốn tay, mình sơn màu đỏ thắm, mắt long lên dữ tợn, tóc rối bù, lưỡi thè lè, môi tô đỏ bằng nước lá móng và lá trầu không. Cổ pho tượng quấn một vòng đeo cổ kết bằng những đầu lâu người, quanh sườn thắt một thắt lưng bằng những bàn tay bị chặt đứt. Pho tượng đứng trên thây một người khổng lồ bị đánh ngã gục và cụt đầu.

    Ngài Francis Cromarty đã nhận ra pho tượng đó.

    – Nữ thần Kâli, – ông lẩm bẩm, – nữ thần của tình yêu và cái chết.

    – Của cái chết, tôi đồng ý nhưng của tình yêu thì không đời nào! – Vạn Năng nói. – Con mụ gớm khiếp này!

    Anh Parsi ra hiệu bảo anh im.

    Chung quanh pho tượng vùng vẫy, múa may, quằn quại một tốp đạo sĩ khổ hạnh già, trên ngưới vẽ ngoằn nghèo những sọc vàng màu hoàng thổ, khắp mình đầy vết rạch hình chữ thập máu rỉ ra từng giọt, đó là những con người ngu ngốc bị ma làm quỷ ám, thậm chí trong những lễ lớn của Ấn Độ còn lao mình vào dưới bánh xe của xa giá thần Jaggernaut.

    Đằng sau họ vài người Bà-la-môn bận quần áo phương đông hết sức lộng lẫy, kéo lê một thiếu phụ đứng không vững nữa.

    Người thiếu phụ ấy còn trẻ, da trắng như một phụ nữ Châu Âu. Đầu, cổ, vai, tai, cánh tay, bàn tay, ngón chân cô ta đeo đầy đồ trang sức, những vòng cổ, vòng tay, hoa tai và nhẫn. Một áo dài dát vàng, bên ngoài phủ một tấm vải thưa rất mỏng, làm nổi lên những đường cong của thân mình cô ta.

    Theo sau người thiếu phụ ấy, một cảnh trái ngược đập vào mắt, những vệ sĩ kiếm trần giắt lưng và đeo súng lục dài nạm vàng bạc, khiêng một thây người đặt trên một cái kiệu.

    Đó là thây một ông già bận trang phục vương hầu sang trọng mang trên mình như khi còn sống, cái khăn vấn đầu dát ngọc, cái áo dài dệt bằng lụa và vàng, cái thắt lưng bằng vải casơmia37 gắn kim cương và những phù hiệu tuyệt đẹp của dòng họ vương hầu Ấn Độ.

    Rồi đi sau cùng đám rước là các nhạc công và một đội hậu vệ gồm những người cuồng tín và tiếng kêu la đôi khi át cả tiếng ầm ĩ đinh tai váng óc của kèn trống.

    Ngài Francis Cromarty nhìn tất cả cảnh tượng long trọng ấy với một vẻ buồn rầu đặc biệt, và quay sang nói với người dẫn đường:

    "Một xátti!"

    Anh Parsi gật đầu và đặt một ngón tay lên miệng. Đám rước dài diễu qua chậm chạp dưới vòm cây và chẳng bao lâu những hàng cuối cùng của nó mất hút trong rừng sâu.

    Những tiếng hát tắt dần. Còn vài tiếng kêu ré lên từ xa vang lại và cuối cùng thay cho tất cả cảnh náo nhiệt ấy là sự vắng lặng như tờ.

    Phileas Fogg đã nghe được cái tiếng ở miệng ngài Francis Cromarty thốt lên và khi đám rước vừa đi khuất ông hỏi ngay:

    – "Xátti" là cái gì?

    – Ông Fogg ạ. – viên thiếu tướng đáp. – "xátti" là một lễ tế thần bằng mạng người, nhưng một lễ tế thân tự nguyện. Người đàn bà mà các ngài vừa trông thấy sẽ bị thiêu sống ngày mai khi trời sáng.

    – Chà! Những tên vô lại! – Vạn Năng thốt lên, không ghìm được một tiếng kêu phẫn nộ.

    – Còn cái thây kia? – Ông Fogg hỏi.

    – Đó là thây ông hoàng chồng bà ta. – người dẫn đường trả lời, một vương hầu độc lập xứ Bundelkund.

    – Sao thế nhỉ. – Phileas Fogg lại nói, trong giọng nói không hề lộ ra một chút xúc động nào. – những tục lệ dã man ấy sao vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ mà người Anh không triệt đi được?

    – Trên phần lớn đất đai Ấn Độ, – ngài Francis Cromarty đáp, – những lễ tế mạng ấy không còn nữa nhưng ở những vùng hoang vu này thì chúng ta không có ảnh hưởng gì, và nhất là ở địa hạt Bundelkund này. Tất cả triền núi phía bắc dãy Vindhias là nơi diễn ra những vụ giết người cướp của liên miên.

    – Khổ thân bà ấy! – Vạn Năng lẩm bẩm, – bị thiêu sống!

    – Phải, – viên thiếu tướng lại nói, – thiêu sống, và nếu không, thì các bạn không thể tưởng tượng cô ta sẽ bị các người thân thuộc dồn vào tình trạng khốn khổ như thế nào. Người ta sẽ cạo trọc đầu cô ta, người ta sẽ nuôi cô sống vất vưởng bằng vài nắm gạo, người ta sẽ hắt hủi cô, cô ta sẽ bị xem như một vật nhơ bẩn và sẽ chết trong xó xỉnh nào đó như một con chó ghẻ. Cho nên viễn cảnh một cuộc sống kinh tởm như thế thường đẩy những con người khốn khó ấy đến cực hình hơn là tình yêu hoặc lòng cuồng tín tôn giáo. Tuy vậy cũng có khi sự hy sinh quả thật là tự nguyện, và chính phủ phải kiên quyết can thiệp mới ngăn được. Vậy đó, vài năm trước đây khi tôi ở Bombay, một người vợ góa còn trẻ đến xin ông thống đốc cho phép được tự thiêu cùng với thây chồng mình. Hẳn các bạn cũng nghĩ rằng tất nhiên là ông thống đốc

    Từ chối. Thế là người đàn bà góa rời thành phố đến trốn trên lãnh địa một vương hầu độc lập và ở đó bà ta làm trọn nghĩa vụ hy sinh của mình.

    Trong khi viên thiếu tướng kể chuyện, người dẫn đường gật gù xác nhận, và khi chuyện kể xong, anh nói:

    – Lễ tế thần sáng mai không phải là tự nguyện.

    – Sao anh biết?

    – Đó là một chuyện mà bàn dân thiên bạ ở Bundelkund này ai cũng rõ. – người dẫn đường đáp.

    – Mà sao con người xấu số này không thấy tỏ vẻ gì kháng cự, – ngài Francis Cromarty nhận xét.

    – Đó là vì bà ta đã bị làm cho say bằng khói cây gai và khói thuốc phiện.

    – Nhưng họ dẫn cô ấy đi đâu?

    – Đến chùa Pillaji, cách đây hai dặm. Bà ta sẽ ở đó đêm nay, để đợi giờ làm lễ tế thần.

    – Thế buổi lễ ấy tiến hành bao giờ?

    – Ngày mai, khi trời vừa rạng sáng.

    Đáp xong người dẫn đường đưa voi ra khỏi chỗ rừng rậm và leo lên cổ con vật. Nhưng đúng lúc anh sắp lùa voi đi bằng một kiểu huýt sáo riêng thì ông Fogg ngăn anh lại và nói với Francis Cromarty:

    – Hay là chúng ta cứu người đàn bà kia?

    – Cứu người đàn bà ấy ư, ồ ông Fogg ơi! – Vị thiếu tướng kêu lên.

    – Tôi còn dư được mười hai tiếng đồng hồ. Tôi có thể dành nó cho việc này.

    – Chà! Ông quả là một tấm lòng vàng! – Ngài Francis Cromarty nói.

    – Đôi khi. – Phileas Fogg giản dị đáp lại. – Khi tôi có thời giờ.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 13 – Số mệnh ủng hộ những người táo bạo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Kế hoạch của họ thật táo bạo, đầy dẫy khó khăn, chũng có khi không thể thực hiện được. Ông Fogg có thể phải hy sinh tính mạng hoặc ít nhất là tự do và do đó hy sinh cả thành công của cuộc viễn du, nhưng ông không do dự. Vả lại ông thấy ở ngài Francis Cromarty một người cộng sự rất quan tâm.

    Còn với Vạn Năng, anh sẵn sàng, người ta cứ việc sử dụng anh. Ý kiến ông chủ làm anh hào hứng. Anh cảm thấy một trái tim, một tâm hồn dưới cái vỏ ngoài băng giá ấy. Anh bắt đầu thấy yêu mến Phileas Fogg.

    Còn lại người dẫn đường. Anh ta sẽ định thế nào trong việc này? Liệu anh có đứng về phía những người Ấn Độ không? Nếu không tranh thủ được sự hợp tác của anh, ít ra cũng phải nắm chắc là trung lập.

    Ngài Francis Cromarty đặt thẳng vấn đề với anh.

    – Thưa ngài sĩ quan. – Người dẫn đường đáp. – Tôi là người Parsi, và người đàn bà kia là người Parsi. Tôi sẵn sàng theo các ngài.

    – Tốt lắm, anh bạn dẫn đường ạ. – ông Fogg đáp.

    – Tuy nhiên, xin ngài biết cho rằng – anh Parsi lại nói. – chúng ta không chỉ liều mạng mà thôi đâu, mà còn có thể bị những cực hình khủng khiếp, nếu ta bị bắt. Vậy đó các ngài thử xét xem.

    – Xét rồi, – ông Fogg đáp. – Theo tôi thì chúng ta phải đợi đến đêm mới hành động được.

    – Tôi cũng nghĩ như vậy, – người dẫn đường trả lời.

    Anh bạn Ấn Độ tốt bụng ấy bèn cho biết vài chi tiết về nạn nhân. Đó là một phụ nữ Ấn Độ đẹp nổi tiếng, người Parsi, con một gia đình thương gia giàu có ở Bombay. Cô ta đã thu nhận được ở thành phố này một nền giáo dục hoàn toàn Anh và căn cứ vào phong thái của cô, vào học thức của cô, người ta có thể nhầm tưởng là một phụ nữ Châu Âu. Cô ta tên là Aouda.

    Mồ côi cha mẹ, cô bị ép gả cho lão vương hầu già xứ Bundelkund. Ba tháng sau, cô trở thành một bà góa. Biết rõ số phận đang đợi mình, cô chạy trốn, rồi bị bắt lại ngay, và những họ hàng thân thuộc của vương hầu vẫn muốn cho cô chết, biết cô phải chịu cực hình này, mà xem ra cô sẽ không tài nào thoát khỏi.

    Câu chuyện ấy chỉ khiến ông Fogg và các bạn ông càng thêm quyết tâm trong ý định cao thượng của họ.

    Họ quyết định cho người dẫn đường đánh voi đến gần chùa Pillaji, càng

    Gần càng tốt.

    Nửa giờ sau, họ dừng lại trong một cánh rừng cách chùa năm trăm bước: Từ đây không nhìn thấy chùa, nhưng tiếng gào rú của đám dân cuồng tín nghe vẫn rõ.

    Bây giờ họ bàn cách làm sao tới được chỗ nạn nhân. Người dẫn đường biết ngôi chùa Pillaji này, anh quả quyết là người thiếu phụ bị giam trong đó. Liệu có thể lọt vào trong ấy qua một cửa nào đó khi cả bầy đã chìm đắm trong giấc ngủ mê mệt, hay là phải đào một lỗ chui qua tường? Đó là điều chỉ có thể quyết định khi lâm sự và ngay tại chỗ. Nhưng điều chắc chắn là cuộc đánh tháo cho người thiếu phụ phải tiến hành ngay đêm nay, chứ không đợi trời sáng, khi nạn nhân đã bị đem ra hành hình. Vào lúc ấy, không một sự can thiệp nào của con người có thể cứu cô được nữa.

    Ông Fogg và các bạn đợi đến đêm. Khi trời vừa tối vào khoảng sáu giờ chiều, họ tiến hành trinh sát quanh ngôi chùa. Những tiếng kêu thét cuối cùng của các đạo sĩ khổ hạnh lúc này đã im bặt. Theo tục lệ của họ, những người Ấn Độ ấy hẳn đã chìm đắm trong cơn say mê mệt vì nước "hang", một thứ nước thuốc phiện pha với nước cây gai nấu, và biết đâu ta chẳng có thể luồn lách qua đám người ấy vào đến tận điện thờ.

    Anh Parsi dẫn ông Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng tiến lên không tiếng động xuyên qua rừng. Sau mười phút bò trườn dưới những cành bụi rậm rạp, họ đến bên bờ một con sông nhỏ, và tại đây, dưới ánh sáng yếu ớt của những cây thuốc sắt cháy bằng nhựa cây ở đầu ngọn đuốc, họ trông thấy một đống gỗ xếp cao lên. Đó là giàn hỏa thiêu, bằng bạch đàn quý và đã được tẩm một thứ dầu thơm. Trên cùng giàn hỏa thiêu đặt nằm cái thây ướp hương vị của vương hầu, cái thây này rồi sẽ được thiêu cùng với người vợ góa của ông ta. Cách giàn hỏa thiêu một trăm bước nổi lên ngôi chùa, với những ngọn tháp cao xuyên qua vòm cây trong bóng tối.

    "Lại đây" Người dẫn đường khẽ nói.

    Và càng thận trọng hơn, anh lặng lẽ luồn qua cỏ rậm, các bạn đồng đội bám theo sau. Cảnh tịch mịch chỉ còn bị khuấy động bởi tiếng gió rì rào trong cành lá.

    Chẳng bao lâu người dẫn đường dừng lại ở đầu một quãng rừng thưa. Vài ngọn đuốc nhựa cây chiếu sáng nơi này. Mặt đất la liệt những tốp người ngủ mê mệt trong cơn say. Người ta tưởng như một bãi chiến trường ngổn ngang xác chết. Đàn ông, đàn bà, trẻ con tất cả nằm hỗn độn. Đây đó một vài người say rượu còn rên hừ hừ.

    Ở phía sau, giữa đám cây rậm rạp, ngôi đền Pillaji đứng mờ mờ. Nhưng người dẫn đường vô cùng thất vọng vì các vệ sĩ của vương hầu, dưới ánh sángnhững cây đuốc mù khói, đứng gác các cửa ra vào và đi đi lại lại, kiếm tuốt trần. Người ta có thể phỏng đoán rằng bên trong đền các giáo sĩ cũng thức.

    Anh Parsi không tiến xa hơn nữa. Anh đã nhận thấy không thể xông liều vào đền và anh lại dẫn các bạn quay ra.

    Phileas Fogg và ngài Francis Cromarty cũng đã hiểu như anh là họ không thể hy vọng gì ở phía này.

    Họ dừng lại và thì thầm trao đổi với nhau.

    – Đợi đã; – viên thiếu tướng nói. – mới có tám giờ và có khả năng là những lính gác kia buồn ngủ rũ ra cũng sẽ lăn quay ra ngủ.

    – Phải đấy, có thể lắm, – anh Parsi đáp lại.

    Thế là Phileas Fogg và các bạn nằm dài dưới một gốc cây và đợi. Họ thấy thời gian sao mà lâu thế. Người dẫn đường thỉnh thoảng để họ nằm đấy bỏ ra quan sát bìa rừng. Các vệ sĩ của vương hầu vẫn đứng gác dưới ánh đuốc bập bùng, và một ánh sáng lờ mờ lọt qua các cửa sổ của ngôi chùa.

    Họ đợi như vậy đến nửa đêm, tình hình không có gì thay đổi. Phía ngoài vẫn bị canh gác như vậy. Rõ ràng là không thể trông đợi bọn lính gác ngủ thiếp đi. Chắc hẳn bọn này không được uống nước "hang" nên không say. Vậy thì phải hành động theo cách khác và khoét ngạch mà lọt vào chùa. Còn lại vấn đề phải biết xem các giáo sĩ canh gác nạn nhân có cẩn thận như bọn lính gác cổng đền hay không.

    Sau một lần bàn bạc cuối cùng, người dẫn đường cho rằng đã đến lúc đi được rồi. Ông Fogg, ngài Francis và Vạn Năng theo sau anh. Họ phải đi vòng vèo khá lâu để đến được sau lưng ngôi chùa.

    Vào khoảng mười hai giờ rưỡi đêm, họ đến chân tường mà không gặp một ai. Phía này không đặt trạm gác nào, nhưng cũng có thể nói rất đúng là hoàn toàn không có cửa sổ và cửa ra vào.

    Đến tối mịt. Mặt trăng hạ tuần vừa khuất phía chân trời chồng chất những đám mây lớn. Rừng cây cao càng làm bóng tối thêm dày đặc.

    Nhưng đến được chân tường chưa phải đã xong việc, còn phải khoét một lỗ qua tường. Để làm việc này. Phileas Fogg và các bạn ông hoàn toàn chỉ có loại dao con bỏ túi. Rất may làm sao, tường vách ngôi đền bằng gạch lẫn với gỗ, cho nên chọc thủng cũng không khó lắm. Viên gạch đầu tiên đã rỡ ra được, thì những viên khác cũng dễ dàng rỡ theo.

    Họ bắt tay vào việc, cố gắng gây càng ít tiếng động càng hay. Anh Parsi và Vạn Năng mỗi người một đầu hì hục nậy gạch để khoét cho được một lỗ rộng trên sáu mươi phân.

    Công việc đang tiến triển thì một tiếng kêu ré lên trong đền và hầu như ngay tức khắc những tiếng kêu khác đáp lại ở bên ngoài.

    Vạn Năng và người dẫn đường ngừng tay đào. Họ đã bị bắt chộp rồi chăng? Báo động chăng? Sự thận trọng sơ đẳng nhất cũng buộc họ phải rút lui và cả Phileas Fogg với ngài Francis Cromarty cũng rút theo. Họ lại thu mình ẩn trong rừng rậm đợi cho hết báo động, nếu quả là báo động, và sẵn sàng đến lúc ấy trở lại công việc của họ.

    Nhưng – một trắc trở tai hại – lính gác xuất hiện sau lưng ngôi chùa và chốt ngay tại đó khiến không ai có thể tiến gần được nữa.

    Không bút nào tả xiết nỗi thất vọng của bốn người này bị chặn đứng trong công việc của họ. Giờ đây họ không thể lọt vào chỗ nạn nhân nữa, thì làm sao mà cứu được bà ta? Ngài Francis Cromarty hậm hực, Vạn Năng tức điên lên và người dẫn đường phải khó khăn mới ghìm giữ được anh. Ông Fogg lạnh như tiền chờ đợi, không biểu lộ một tình cảm nào ra ngoài mặt.

    – Tẩu vi thượng sách thôi chứ? – vị thiếu tướng khẽ nói.

    – Đi thôi, – người dẫn đường đáp.

    – Khoan đã, – Fogg nói. – Chỉ cần làm sao ngày mai tôi có mặt ở Allahabad trước mười hai giờ trưa.

    – Nhưng ông còn hy vọng cái gì? – ngài Francis Cromarty đáp. – Vài giờ nữa thì trời sáng và..

    – Cơ hội đã lỡ có thể lại xuất hiện vào phút chót.

    Vị thiếu tướng hẳn là muốn đọc được trong đôi mắt của Phileas Fogg.

    Vậy thì cái ông người Anh lạnh lùng này trông mong ở cái gì? Hay là ông ta muốn vào giữa lúc hành hình, xông đến bên người thiếu phụ và công khai cướp bà khỏi tay lũ đao phủ?

    Đó quả là một sự điên rồ và làm sao tin được con người này lại điên đến mức ấy? Dẫu vậy ngài Francis Cromarty cũng bằng lòng chờ đợi cho đến khi kết thúc màn kịch khủng khiếp này. Nhưng người dẫn đường không để các bạn anh ẩn nấp tại đây và anh lại dẫn họ quay về phía trước quãng rừng thưa. Ở nơi này, nấp trong một bụi cây, họ có thể quan sát những tốp người đang ngủ.

    Trong khi ấy thì Vạn Năng, vắt vẻo trên những cành cây cao nhất, nghiền ngẫm một ý nghĩ thoạt đầu vụt qua óc anh như một tia chớp, để rồi cuối cùng khắc sâu vào tâm trí.

    Thoại đầu anh tự nhủ: "Điên à!" nhưng bây giờ thì anh nhắc đi nhắc lại: "Nói cho cùng sao lại không nhỉ? Đây là một cơ hội, có lẽ là duy nhất đối vớinhững bọn ngu muội như thế này!.."

    Dẫu sao thì Vạn Năng cũng không dãi bầy ý tưởng của mình theo cách nào khác, nhưng không chậm trễ, và mềm mại như một con rắn anh trườn xuống những cành cây thấp mà đầu cành trĩu xuống mặt đất.

    Thời gian trôi qua, và chẳng bao lâu bầu trời tối đen có pha đôi sắc nhạt báo hiệu bình minh sắp đến. Tuy vậy bóng tối vẫn còn dày đặc.

    Già hành hình đã đến. Như có một cuộc hồi sinh trong cái đám đông đang ngủ mê mệt ấy.. Tốp này tốp khác náo nhiệt lên. Chiêng trống inh ỏi. Những tiếng hát và tiếng hò la ầm ĩ. Sắp đến giờ người đàn bà xấu số phải lìa đời.

    Thật vậy, các cửa chùa đã mở. Một luồng ánh sáng chói hơn từ bên ngoài ùa ra. Ông Fogg và ngài Francis Cromarty có thể trông thấy nạn nhân được chiếu sáng rực, do hai giáo sĩ lôi ra ngoài. Họ còn thấy hình như người đàn bà khốn khổ do một bản năng tự vệ tối cao đánh thức dậy qua cơn say tê mê, cố vùng vẫy thoát khỏi tay bọn đao phủ. Trái tim ngài Francis Cromarty tưởng muốn nảy ra khỏi lồng ngực, và bàn tay ngài co quắp nắm lấy bàn tay của Phileas Fogg, cảm thấy bàn tay ấy đang cầm một con dao mở lưỡi.

    Lúc này đám đông rung rung chuyển động. Người thiếu phụ lại rơi vào tình trạng hôn mê do khí cây gai gây ra. Cô ta đi giữa những đạo sĩ khổ hạnh, họ vừa áp giải cô vừa la thét những lời thần chú.

    Phileas Fogg và các bạn trà trộn vào những hàng cuối của đám đông theo cô ta.

    Ba phút sau, họ đến bờ sông và dừng lại cách giàn hỏa thiêu chưa đầy năm mươi bước, trên đó đang đặt cái nằm cái thây vị vương hầu. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, họ trông thấy kẻ bị nạn hoàn toàn bất động nằm bên thây chồng mình.

    Rồi một cây duốc dí vào, và giàn gỗ tẩm dầu lập tức cháy bùng lên.

    Ngài Francis Cromarty và người dẫn đường phải ghìm ngay Phileas Fogg lại khi ông lao về phía giàn lửa thiêu trong một phút điên cuồng cao cả..

    Nhưng Phileas Fogg vừa ẩy đươc họ ra, thì đột nhiên cảnh tượng đã thay đổi. Một tiếng kêu khiếp đảm rú lên. Tất cả đám đông ấy nằm phục xuống đất, bàng hoàng kinh hãi.

    Vị vương hầu già vậy là không chết, người ta trông thấy ông bất thình lình đứng dậy, như một bóng ma, bế người thiếu phụ đứng lên trong tay mình, bước xuống giàn hỏa thiêu giữa những cuộn khói mịt mù khiến ông mang một hình hài quái đản.

    Các đạo sĩ khổ hạnh, các vệ binh, các giáo sĩ bị một cơn khủng khiếp bất thần, cứ phủ phục chết dí tại chỗ, không dám ngước mắt lên nhìn một điều kỳdiệu đến thế!

    Nữ nạn nhân nằm bất động trong những cánh tay lực lưỡng mang cô ta, nom nhẹ như lông hồng. Ông Fogg và ngài Francis Cromarty vẫn đứng nhìn. Anh Parsi cúi đầu, và Vạn Năng chắc hẳn cũng không kém phần kinh ngạc!..

    Con người hồi sinh ấy cứ đi như thế đến gần chỗ ông Fogg và ngài Francis Cromarty, và tới đây, ông ta buông một lời cụt lủn:

    "Chuồn thôi!.."

    Đó chính là Vạn Năng đã lén đến giàn hỏa thiêu giữa làn khói dày đặc! Đó là Vạn Năng lợi dụng lúc trời còn tối đen đã cướp người thiếu phụ khỏi tay thần chết! Đó là Vạn Năng, đóng vai kịch của mình thật táo tợn và may mắn, đã bước đi giữa nỗi kinh hoàng của tất cả mọi người!

    Một lúc sau, cả bốn người biến vào rừng, và con voi phóng nhanh nước kiệu mang họ đi. Nhưng những tiếng la hét và cả một viên đạn xuyên thủng mũ Phileas Fogg cho họ thấy là mưu cơ đã lộ.

    Thật vậy, trên giàn hỏa thiêu đang bốc cháy, lúc này nổi bật lên cái thây vị vương hầu già. Các giáo sĩ, sực tỉnh qua cơn khiếp đảm của họ, đã hiểu ra là vừa có một vụ cướp người.

    Lập tức họ lao vào rừng. Các vệ binh bám theo sau. Một loạt đạn nổ, nhưng những người đánh tháo trốn chạy thục mạng, và một lát sau đã ở ngoài tầm tên đạn.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  5. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 14 – Phileas Fogg đi qua tất cả lưu vực kỳ lạ của sông Hằng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuộc cướp người táo bạo cung đã thành công. Một giờ sau, Vạn Năng vẫn còn cười mãi về thắng lợi của mình. Ngài Francis Cromarty bắt tay chàng trai dũng mãnh. Ông chủ anh nói với anh: "Tốt", ở miệng nhà quý phái như thế là một lời đánh giá cao. Đáp lại các cử chỉ đó, Vạn Năng chỉ trả lời rằng tất cả vinh dự của việc này thuộc về ông chủ của anh. Về phần anh, anh chỉ có một sáng kiến "ngồ ngộ" và anh buồn cười khi nghĩ rằng trong vài phút, anh, Vạn Năng, người giáo viên thể dục cũ, cựu đội trưởng cứu hỏa, đã là ông chồng của người đàn bà đẹp, là một vị vương hầu già được ướp hương!

    Còn việc người thiếu phụ Ấn Độ thì không hay biết gì về mọi việc xảy ra.

    Cuộn tròn trong những tấm chăn đi đường, bà nằm nghỉ trong một ghế tựa.

    Trong khi ấy thì con voi, được anh Parsi điều khiển với một bàn tay rất vững, chạy quanh trong khu rừng còn tối. Một giờ sau khi rời khỏi chùa Pillaji, nó lao mình qua một đồng bằng rộng mênh mông. Đến bây giờ thì họ nghỉ chân. Người thiếu phụ đang trong tình trạng kiệt sức. Người dẫn đường cho bà uống vài ngụm nước và rượu mạnh, nhưng tác dụng chất gây mê đã ngấm sâu vào cơ thể bà còn phải kéo dài một thời gian nữa.

    Ngài Francis Cromarty, đã biết những hiệu quả của cơn say do hít khói cây gai, thấy không có gì phải lo lắng về bà cả.

    Nhưng nếu sự hồi phục sức khỏe của người thiếu phụ Ấn Độ này không đáng kể ngài thiếu tướng phải lo nghĩ, thì ông lại tỏ ra không yên tâm về tương lai của bà. Ông nói thẳng với Phileas Fogg rằng nếu bà Aouda còn ở Ấn Độ bà sẽ không tránh khỏi lại rơi vào tay những tên đao phủ. Những bọn hóa dại ấy có mặt trên khắp bán đảo, và chắc chắn rằng, bất chấp sở cảnh sát Anh, chúng sẽ có cách bắt lại nạn nhân của chúng, dù cho ở Madras, Bombay, hay Calcutta. Và để chứng thực cho những lời ấy của mình, ngài Francis Cromarty kể lại một sự kiện tương tự vừa mới xảy ra. Theo ý ông, người thiếu phụ chỉ thực sự an toàn khi đã rời khỏi Ấn Độ.

    Phileas Fogg đáp lại rằng ông sẽ chú ý đến những nhận xét đó và sẽ nghĩ cách giải quyết.

    Vào khoảng mười giờ, người dẫn đường báo là đã đến ga Allahabad. Ở đấy, con đường sắt bị đứt quãng lại tiếp tục, và đoàn tàu đi chưa đầy một ngày và một đêm quãng đường từ Allahabad đến Calcutta.

    Vậy là Phileas Fogg sẽ đến kịp chuyến tàu bể chỉ ngày hôm sau, 25 tháng mười, vào mười hai giờ trưa, mới khởi hành đi Hồng Kông.

    Người thiếu phụ được đặt nghỉ trong một căn phòng nhà ga. Vạn Năng được giao đi sắm sửa cho bà các đồ trang phục áo dài, khăn choàng cổ, áo da thú, v. V.. có gì mua nấy. Ông chủ anh đã xuất cho anh một ít kinh phí không hạn chế.

    Vạn Năng đi ngay lập tức và chạy khắp thành phố. Allahabad, đó là đô thị của thượng đế, một trong những đô thị được sùng kính nhất của Ấn Độ, do nó được xây dựng ở nơi lưu hợp hai con sông thần thánh, sông Hằng và sông Jumna, những dòng nước ấy đã thu hút về đây khách hành hương của tất cả bán đảo. Ta cũng biết rằng theo những truyền thuyết Ramayana thì sông Hằng bắt nguồn từ trên trời, ở đó nhà Bà-la-môn mà nó chảy xuống trần gian.

    Vừa đi sắm sửa, Vạn Năng vừa xem thành phố. Xưa kia được bảo vệ bởi một pháo đài tráng lệ, pháo đài ấy nay đã thành một nhà tù quốc gia. Không có thương mại, không có công nghệ gì nữa trong cái thành phố xưa kia vốn là một đô thị thương mại công nghệ. Vạn Năng uổng công đi tìm cửa hàng bách hóa như những cửa hàng anh vẫn thấy ở phố Regent cách hang Farmer và Công ty vài bước chân, anh chỉ tìm được những vật anh cần tại một con buôn, một lão già Do thái khó tính: Đó là một áo dài bằng vải Scotland, một măng tô rộng, và một áo lót bông tuyết đẹp bằng da rái cá mà anh không ngần ngại trả ngay bảy mươi lăm livrơ (1875 phật lăng). Rồi dương dương tự đắc, anh trở về nhà ga.

    Bà Aouda đã bắt đầu hồi tỉnh. Bà đã dần dần ra hết cơn mê do các giáo sĩ chùa Pillaji gây ra, và đôi mắt đẹp của bà đã lấy lại tất cả vẻ dịu hiền Ấn Độ của chúng.

    Khi nhà vua cũng là nhà thơ Uçaf Uddaul ca ngợi vẻ đẹp của hoàng hậu Ahméhnagara, ngài viết như sau:

    "Bộ tóc mượt của nàng, được rẽ ra đều đặn, làm hai phần, ôm lấy những đường nét hài hòa của đôi má mịn màng trắng trẻo, với làn da ánh lên sự tươi trẻ. Đôi lông mày đen nhánh của nàng có đường cong và sức mạnh như cây cung của Kama, vị thần ái tình, và dưới hàng mi dài mượt, trong lòng đồng tử đen của đôi mắt to trong suốt của nàng, những ánh phản quang trong sáng nhất của bầu trời như bơi lội trong những hồ thiêng của Hy mã lạp sơn. Răng nàng nhỏ, đều và trắng, chói lọi giữa làn môi tươi cười, như những giọt sương giữa đài hoa hé nở của một bông hoa lựu. Đôi tai xinh xắn có những đường cong cân xứng của nàng, đôi tay son của nàng, đôi chân nhỏ đầy đặn và mềm mại như những búp sen của nàng ánh lên vẻ rực rỡ của những hạt ngọc đẹp nhất của Ceylan, những viên kim cương đẹp nhất của Golconde. Tấm thân mảnh dẻ và mềm mại của nàng, mà một bàn tay cũng đủ ôm chặt, tôn thêm đường cong duyên dáng của đáy lưng ong và vẻ tráng lệ của bộ phận bán thân, ở đó tuổi thanh xuân đang độ tươi đẹp phô bày những bảo vật mỹ lệ nhất của nó, và dưới những nếp gấp mượt mà của chiếc áo dài của nàng, nàngdường như được đúc bằng bạc nguyên chất bởi bàn tay thần thánh của Vicvacarma, người thợ tạc tượng bất diệt".

    Nhưng chẳng phải nhờ đến tất cả mọi thứ ngôn ngữ khoa trương đầy chất thơ ấy, ta chỉ cần nói rằng bà Aouda, bà vợ góa của vương hầu xứ Bundelkund, là một người đàn bà xinh đẹp trong tất cả ý nghĩa Âu Châu của từ này. Bà nói tiếng Anh rất chuẩn, và người dẫn đường không hề nói ngoa khi khẳng định rằng người thiếu phụ Parsi này đã được biến đổi do nền giáo dục.

    Trong khi đó thì đoàn tàu sắp rời ga Allahabad. Anh Parsi chờ đợi. Ông Fogg thanh toán tiền công cho anh theo giá thỏa thuận, không thêm một xu nhỏ. Điều này làm Vạn Năng hơi ngạc nhiên, anh đã biết chủ anh phải chịu ơn người dẫn đường tận tụy này như thế nào. Thật vậy, anh Parsi đã sẵn sàng liều cả thân mình trong vụ Pillaji, và nếu sau này bọn Ấn Độ phát hiện ra, anh hẳn khó mà thoát được sư trả thù của chúng.

    Còn lại vấn đề con Kiouni nữa. Giải quyết thế nào đây với một con voi mua quá đắt như vậy.

    Nhưng Phileas Fogg đã có quyết định về việc ấy.

    "Anh bạn Parsi này, – ông nói với người dẫn đường, – anh thật tốt bụng và tận tụy. Tôi mới trả công cho việc làm của anh, chứ chưa phải cho tấm lòng tận tụy của anh. Anh có thích con voi này không? Nó của anh đấy".

    Đôi mắt người dẫn đường long lanh lên.

    – Thế là cả một tài sản Đức ông ban cho tôi đó! – anh ta kêu lên.

    – Nhận lấy đi, anh bạn dẫn đường ạ, – ông Fogg đáp, – và như thế là anh lại làm ơn cho tôi lần nữa đấy.

    – Hay lắm! – Vạn Năng kêu lên. – Nhận đi, anh bạn! Kiouni là một con vật trung thành và dũng cảm!

    Và, đến bên con vật, anh chìa cho nó vài miếng đường nói: "Ăn đi này, Kiouni, ăn đi, ăn đi!"

    Con voi thốt lên vài tiếng kêu ư ử khoái trí. Rồi, đưa vòi cuốn ngang lưng Vạn Năng, nó nhấc bổng anh lên cao ngang đầu nó. Vạn Năng chẳng chút hãi hùng, âu yếm vuốt ve con vật, nó lại nhẹ nhàng đặt anh xuống đất, và để đáp lại cái bắt tay bằng vòi của con voi Kiouni trung thực, chàng trai trung thực cũng tặng lại nó một cái bắt tay thật chặt.

    Một lúc sau, Phileas Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng đã ngồi lên một toa tàu đầy đủ tiện nghi, trong đó chỗ tốt nhất dành cho bà Aouda, và con tàu phóng hết tốc lực đi Bénarès.

    Đoạn đường từ Allahabad đến thành phố này nhiều nhất là tám mươi dặm, và phải đi mất hai giờ.

    Dọc đường, người thiếu phụ đã hoàn toàn hồi tỉnh, hơi men gây mê của nước "hang" đã tan hết.

    Bà ta kinh ngạc xiết bao khi thấy mình đang ngồi trong một ngăn toa xe lửa, khoác áo choàng Âu, giữa những hành khách không hề quen biết!

    Việc đầu tiên của các bạn bà là chăm sóc chu đáo và cho bà uống vài giọt rượu mạnh cho ấm người lên; rồi vị thiếu tướng kể lại câu chuyện mạo hiểm giải quyết được nhờ bộ óc sáng kiến táo bạo của Vạn Năng.

    Ông Fogg ngồi nghe không nói một lời, Vạn Năng xấu hổ quá cứ nhắc đi nhắc lại: "Cái đó có gì đáng kể!".

    Bà Aouda hết lòng cảm tạ các vị cứu tinh của mình, bằng những giọt lệ của bà hơn là bằng lời nói. Đôi mắt đẹp của bà bày tỏ lòng biết ơn ấy rõ hơn cả miệng bà nói. Rồi tâm trí bà trở về với những cảnh tượng của vụ "xátti", con mắt bà nhìn lại mảnh đất Ấn Độ này trên đó bao nỗi hiểm nguy còn đang đợi bà, và bà bỗng rùng mình kinh hãi.

    Phileas Fogg hiểu những ý nghĩ trong đầu bà Aouda, và để bà được yên lòng, ông đề nghị, vả lại cũng với thái độ rất lạnh lùng, được đưa bà đến Hồng Kông, để bà ở đó cho đến khi nào việc này đã xẹp đi.

    Bà Aouda nhận lời mời với tất cả tấm lòng biết ơn. Vừa đúng tại Hồng Kông bà có một người bà con cũng dân Parsi như bà, và là một trong những thương gia lớn của thành phố này, thành phố hoàn toàn Anh mặc dầu đóng tại một điểm trên bờ biển Trung Hoa.

    Mười hai giờ rưỡi trưa, đoàn tàu dừng tại ga Bénarès. Các truyền thuyết Bà-la-môn khẳng định rằng thành phố này đặt tại địa điểm thành phố Casi cũ, một đô thị ngày xưa được treo lơ lửng trên không trung, giữa điểm đỉnh trời và điểm dưới chân, như ngôi mộ của Mahomet vậy. Nhưng vào thời đại thực tế hơn này, Bénarès, Athènes của Ấn Độ theo lời những nhà phương đông học, được xây dựng một cách hoàn toàn phàm tục trên mặt đất, và Vạn Năng có thể trong chốc lát nhìn thoáng thấy những ngôi nhà gạch, những túp lều có rào giậu đem lại cho nó một cảnh tượng hết sức tiêu điều, không có chút màu sắc địa phương nào.

    Chính là tại đây ngài Francis Cromarty phải xuống đơn vị của ngài đóng ở phía bắc thành phố cách vài dặm. Thế là vị thiếu tướng chia tay với Phileas Fogg, chúc ông vạn sự may mắn, và tỏ lòng mong muốn ông tiếp tục cuộc viễn này một cách đỡ kỳ quoặc hơn, mà có lợi hơn. Ông Fogg khẽ xiết mấy ngón tay ông bạn. Những lời chúc tụng của bà Aouda đằm thắm hơn. Không bao giờ bà có thể quên ơn ngài Francis Cromarty. Còn Vạn Năng thì đượcvinh dự nhận một cái bắt tay thành thực của thiếu tướng. Vô cùng cảm động, anh tự hỏi đến dịp nào và bao giờ mới có thể đem hết sức mình phục vụ ngài. Rồi họ chia tay nhau.

    Bắt đầu từ Bénarès, con đường sắt có đoạn chạy theo lưu vực sông Hằng. Qua cửa kính toa tàu, vào một ngày khá đẹp, hiện lên phong cảnh nhiều vẻ của xứ Béhar, rồi đến những ngọn núi xanh rờn, những cánh đồng lúa mạch, ngô, lúa mì, những con sông nhỏ và những ao thả những con cá sấu xanh ngà, những xóm làng đẹp mắt, những cánh rừng xanh. Vài con voi, những con bò bướu có bướu to đến tắm trong làn nước của con sông thiêng liêng, và, mặc dầu trời đã cuối thu và tiết trời đã lạnh, có cả những đoàn người Ấn Độ nam và nữ cùng đến tắm gội nước thánh với tất cả tấm lòng sùng kính. Những thiện nam tín nữ ấy, kẻ thù quyết liệt của đạo Phật, là những tín đồ nhiệt thành của đạo Bà-la-môn, hiện thân trong ba vị thần sau đây: Whisnou, thần mặt trời. Shiva, thần của sức mạnh thiên nhiên và Bà-la-môn, thần tối thượng của những giáo sĩ và những nhà làm luật. Những Bà-la-môn: Shiva và Whisnou sẽ phải xem xét bằng con mắt như thế nào cái nước Ấn Độ bây giờ đã "Anh hóa" này, khi một tàu thủy nào đó sùng sục chạy qua làm đục ngầu làn nước thiêng liêng của sông Hằng, làm kinh hãi những con hải âu đang bay lượn trên mặt sông, và những kẻ sùng đạo nằm dài dọc bãi sông!

    Tất cả bức tranh toàn cảnh ấy diễu qua như một tia chớp, và một làn khói trắng thường che phủ những chi tiết của nó. Các hành khách chỉ có thể nhìn thoáng qua một chút pháo đài Chunar ở cách Bénarès hai mươi dặm phía đông nam, một pháo đài cổ của các vương hầu xứ Béhar, thành phố Ghazepour với những xưởng chế tạo nước hoa hồng quan trọng của nó, ngôi mộ Đức ông Cornwallis dựng trên tả ngạn sông Hằng, thành phố Buxar có pháo đài thành quách. Patna đô thị công nghiệp và thương mại lớn, thị trường thuốc phiện chủ yếu của Ấn Độ, Monghir, thành phố mang đậm tính chất Châu Âu, tính chất Anh như Manchester hoặc Birmingham, nổi tiếng về những lò đúc sắt, những xưởng chế tạo dao kéo hay gươm giáo, với những ống khói cao nhả khói đen làm bẩn bầu trời của Bà-la-môn, – một đòn trắng trợn đánh vào xứ sở của thơ mộng!

    Rồi đêm đến, và giữa tiếng gào rống của những con hổ, báo, chó sói trốn chạy trước cái đầu xe lửa, con tàu phóng hết tốc lực và người ta không còn nhìn thấy gì nữa về những kỳ quan của xứ Bengale, không thấy cả thành phố Golgonde lẫn thành phố Gour hoang phế, cả Mourshedabad xưa là kinh đô lẫn Burdwan, Hougly, lẫn Chandernagor, mảnh đất Pháp trên lãnh thổ Ấn Độ tại đây Vạn Năng tự hào được thấy phấp phới lá cờ tổ quốc anh!

    Cuối cùng, bảy giờ sáng, tàu đến Calcutta. Chuyến tàu bể đi Hồng Kông mười hai giờ trưa mới nhổ neo. Vậy là Phileas Fogg còn rảnh được năm tiếng đồng hồ nữa.

    Theo hành trình của ông, nhà quý phái này phải đến thủ đô Ấn Độ ngày 25 tháng mười tức là hai mươi ba ngày sau khi rời Luân Đôn, và ông đã đến đúng ngày ấn định. Như vậy ông không đến muộn cũng không đến sớm. Điều không may là hai ngày được lợi giữa Luân Đôn và Bombay đã bị mất đi, ta biết tại sao rồi, trên chặng đường qua đảo Ấn Độ, nhưng ta có thể đoán được rằng Phileas Fogg cũng chẳng tiếc nó chút nào.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  6. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 15 - Xắc bạc giấy còn nhẹ thêm vài ngàn livrơ nữa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi tàu đỗ ở ga, Vạn Năng là người đầu tiên trên toa tàu bước xuống, theo sau anh ông Fogg dìu bà bạn trẻ đặt chân lên sân ga. Phileas Fogg định đến thẳng chiếc tàu bể đi Hồng Kông, để thu xếp cho bà Aouda ăn nghỉ ở đó được thuận tiện, ông không muốn rời xa bà chừng nào bà đang còn ở trên cái xứ sở nguy hiểm cho bà đến thế.

    Vào lúc ông Fogg sắp ra khỏi ga, một viên cảnh sát lại gần ông và nói:

    – Ông là Phileas Fogg?

    – Tôi đây.

    – Người này là người hầu của ông? – viên cảnh sát chỉ vào Vạn Năng hỏi thêm.

    – Vâng

    – Xin mời cả hai ông đi theo tôi.

    Ông Fogg không biểu lộ một chút ngạc nhiên nào. Viên cảnh sát là người đại diện của pháp luật, và đối với mọi người Anh thì pháp luật là thiêng liêng. Vạn Năng, với những thói quen người Pháp của ảnh, muốn lý sự, những viên cảnh sát cầm dùi cui đụng khẽ vào anh, và Phileas Fogg ra hiệu bảo anh cứ phục tùng.

    – Bà này đi với chúng tôi được không? – Ông Fogg hỏi.

    – Có thể được, – viên cảnh sát đáp.

    Viên cảnh sát dẫn ông Fogg, bà Aouda, và Vạn Năng đến một đội xe song mã, một kiểu xe có bốn bánh và bốn chỗ ngồi, đúng hai ngựa. Xe bắt đầu chạy. Không ai nói gì trong suốt chặng đường kéo dài khoảng hai mươi phút.

    Cái xe thoạt đầu đi qua "khu phố đen" với những phố xá chật hẹp, hai bên là những căn nhà ổ chuột, trong đó lúc nhúc một đám dân tứ chiếng bẩn thỉu và rách rưới; rồi xe chạy qua khu phố tây với những nhà gạch vui mắt, những hàng dừa rợp mát, những cột buồm tua tủa, và mặc dầu mới sướm bảnh mắt đã có những người cưỡi ngựa sang trọng và những cỗ xe tráng lệ phóng trên đường phố.

    Chiếc xe song mã dừng lại trước một ngôi nhà trông bề ngoài rất bình thường, nhưng chắc hẳn không phải là nhà của tư nhân. Viên cảnh sát cho những tù nhân của mình xuống, người ta có thể thực sự gọi họ bằng cái tên ấy, và dẫn họ đến một phòng có cửa sổ lắp chấn song sắt, và bảo họ:

    "Đến tám giờ rưỡi các ông sẽ trình diện trước quan tòa Obadiah". Rồi anh ta rút lui và đóng cửa lại.

    "Thôi! Bị tóm rồi!" Vạn Năng kêu lên, buông mình xuống một cái ghế tựa.

    Bà Aouda liền nói ngay với ông Fogg bằng một giọng không giấu nổi xúc động.

    "Thưa ông, xin ông cứ bỏ mặc tôi! Chính vì tôi mà các ông bị truy nã!

    Chính vì để cứu sống tôi!".

    Phileas Fogg chỉ đáp lại là chuyện ấy không thể có được. Bị truy nã vì cái vụ "Xátti" ấy ư! Vô lý! Đời nào những kẻ như thế lại dám trình diện trước tòa? Hẳn là có sự nhầm lẫn gì đây. Ông Fogg nói thêm rằng trong bất kể trường hợp nào ông cũng không bỏ mặc bà thiếu phụ và ông sẽ đưa bà đến Hồng Kông.

    – Nhưng mười hai giờ trưa thì tàu biển chạy rồi! – Vạn Năng nhắc.

    – Trước mười hai giờ trưa chúng ta sẽ ở trên tàu, – ngài quý phái lạnh như tiền chỉ trả lời đơn giản như vậy.

    Câu nói được khẳng định rành mạch đến nỗi Vạn Năng không thể không tự nhủ:

    "Hẳn chứ! Nhất định là thế! Trước mười hai giờ trưa ta sẽ ở trên tàu!" Nhưng anh cũng chưa chắc dạ cho lắm!

    Tám giờ rưỡi, cửa buồng mở. Viên cảnh sát lại hiện ra và dẫn các tù nhân sang phòng bên. Đó là một phòng xử án, và một công chúng khá đông, gồm người Âu và người bản xứ, đã tề tựu trong tòa án.

    Ông Fogg, bà Aouda và Vạn Năng ngồi trên một chiếc ghế dài đằng trước chỗ ngồi của quan thẩm phán và viên lục sự.

    Quan thẩm phán ấy, tức quan tòa Obadiah, hầu như liền ngay đó bước vào, theo sau là viên lục sự. Đó là một người to lớn, béo tròn. Ông nhấc bộ tóc giả, treo ở một cái đinh và lanh lẹn đội vào đầu.

    "Vụ kiện thứ nhất", ông nói.

    Nhưng đưa tay lên đầu, ông kêu lên:

    – Ủa! Không phải bộ tóc giả của tôi!

    – Dạ đúng vậy, thưa ngài Obadiah, bộ tóc của tôi đấy ạ. – Viên lục sự đáp.

    – Ông bạn Oysterpuf yêu quý, một vị quan tòa làm sao có thể ra lời phán quyết minh mẫn với bộ tóc giả của viên lục sự được!

    Việc trao đổi bộ tóc giả được tiến hành. Trong thời gian những thủ tục dựbị ấy, Vạn Năng sôi lên sùng sục vì nóng ruột, anh thấy cái kim đồng hồ có vẻ chạy nhanh kinh khủng trên mặt đồng hồ lớn của tòa án.

    – Vụ kiện thứ nhất. – quan tòa Obadiah lại nói.

    – Phileas Fogg? – viên lục sự Oysterpuf gọi.

    – Tôi đây, – Ông Fogg đáp.

    – Vạn Năng?

    – Có mặt! – Vạn Năng đáp.

    – Tốt! – quan tòa Obadiah nói. – Các bị cáo, thế là đã hai ngày nay người ta rình đón các ông ở tất cả các chuyến tàu từ Bombay đến.

    – Nhưng người ta buộc cho cúng tôi tội gì nào? – Vạn Năng nóng nảy kêu lên.

    – Rồi các ông sẽ biết, – quan tòa đáp.

    – Thưa ngài, – Ông Fogg lúc này mới nói, – tôi là một công dân Anh, và tôi có quyền..

    – Người ta đã làm gì thiếu tôn trọng ông chưa? – ông Obadiah hỏi.

    – Chưa hề.

    – Tốt! Cho mời nguyên cáo vào.

    Theo lệnh quan tòa, một cánh cửa mở ra và viên mõ tòa đưa ba giáo sĩ Ấn Độ vào.

    "Thôi đúng rồi! – Vạn Năng lẩm bẩm, – đúng là bọn vô lại định thiêu sống bà bạn trẻ của chúng ta đây mà!".

    Các giáo sĩ đứng trước quan tòa, và viên lục sự cất cao giọng đọc một tờ đơn kiện về tội phạm thánh, buộc tội ông Phileas Fogg và người hầu của ông ta đã xâm phạm một nơi thờ phụng của đạo Bà-la-môn.

    – Các ông nghe rõ chưa? – quan tòa hỏi Phileas Fogg.

    – Thưa ngài, rõ, – Ông Fogg trả lời và nhìn đồng hồ, – và tôi thú nhận.

    – A! Ông thú nhận?

    – Tôi thú nhận và tôi đợi ba giáo sĩ này đến lượt họ cũng thú nhận những gì họ định làm ở chùa Pillaji.

    Các giáo sĩ nhìn nhau. Họ có vẻ không hiểu gì về những lời của bị cáo. "Hẳn thế! – Vạn Năng hùng hổ kêu lên, – ở chùa Pillaji ấy, nơi họ địnhđem thiêu sống nạn nhân tế thần của họ!".

    Các giáo sĩ càng sửng sốt và quan tòa Obadiah thì hết sức ngạc nhiên.

    – Nạn nhân tế thần nào? – ông hỏi. – Thiêu sống ai? Ở giữa thành phố Bombay ư?

    – Bombay nào? – Vạn Năng kêu lên.

    – Tất nhiên. Đây không phải chùa Pillaji mà là chùa Malebar-Hill, ở Bombay.

    – Và tang chứng thì đây, đôi giày của kẻ phạm thánh, – viên lục sự nói thêm, rồi đặt một đôi giày lên bàn làm việc của ông.

    – Giày của tôi! – Vạn Năng kêu lên ngạc nhiên đến cùng cực, không thể ghìm được tiếng kêu bất giác bật ra ấy.

    Ta đã có thể đoán ra sự nhầm lẫn trong đầu ông chủ và người hầu. Cái sự kiện trong ngôi chùa ở Bombay họ đã quên rồi, nhưng chính nó đã đưa họ đến trước vành móng ngựa ở Calcutta.

    Thật vậy, viên thanh tra cảnh sát Fix đã hiểu tất cả lợi ích mà ông có thể khai thác được từ cái việc rủi ro này. Ông hoãn giờ khởi hành của mình lại mười hai tiếng đồng hồ, đến làm thầy dùi cho các giáo sĩ chùa Malebar-Hill: Biết rõ là chính phủ Anh tỏ ra rất nghiêm khắc với loại tội phạm này, ông hứa hẹn với họ những khoản bồi thường lớn; rồi trên chuyến tàu sau, ông dẫn họ rượt theo tên phạm thánh. Nhưng do thời gian mất vào việc giải phóng người thiếu phụ góa chồng, Phileas Fogg và người hầu của ông đã đến Calcutta sau Fix và đám người Ấn Độ. Trong khi ấy thì các quan tòa đã được diện báo từ trước là phải bắt giữ các bị cáo khi họ xuống tàu. Ta có thể hình dung sự thất vọng của Fix khi được tin Phileas Fogg vẫn còn chưa đến thủ đô Ấn Độ. Ông đã phải nghĩ rằng tên trộm của ông đã xuống một ga nào đó trên tuyến đường sắt xuyên bán đảo, và đã lỉnh trốn trong những tỉnh phía bắc. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Fix ôm trong lòng những nỗi lo héo hắt ruột gan rình tên trộm ở nhà ga. Cho nên ông vui sướng biết chừng nào khi trông thấy hắn ngay buổi sáng này từ trên tàu bước xuống, cùng đi với một người đàn bà trẻ mà quả thật ông không thể giải thích được sự có mặt. Ông lập tức phóng một viên cảnh sát đi bắt hắn, và như thế là ông Fogg, Vạn Năng và bà vợ góa của vương hầu xứ Bundelkund được dẫn đến trước quan tòa Obadiah.

    Và nếu Vạn Năng không quá mê mải vào công việc của mình, anh hẳn đã nhìn thấy, ở một góc tòa án, viên thám tử dang theo dõi cuộc tranh tụng với một hứng thú dễ hiểu, bởi vì Calcutta, cũng như ở Bombay, cũng như ở Suez, lệnh bắt vẫn còn chưa đến tay ông!

    Trong khi ấy quan tòa Obadiah đã ghi vào biên bản lời thú nhận, ông chịu nhận đã xâm phạm bằng một bàn chân bất kính nền gạch của ngôi chùa Malebar-Hill, ở Bombay, vào ngày 20 tháng mười, nay kết án ông Vạn Năng

    Nói trên mười lăm ngày tù và một khoản tiền phạt ba trăm livrơ (7, 500 phơ lăng).

    – Ba trăm Livrơ? – Vạn Năng kêu lên, anh chỉ thật sự bị kích động vì món tiền phạt quá lớn.

    – Yên lặng! – viên mõ tòa nói giọng the thé.

    – Và, – quan tòa Obadiah nói thêm, – căn cứ vào chỗ không có gì chứng tỏ cụ thể rằng giữa người hầu và ông chủ không có sự đồng lõa và bất kể thế nào ông này cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động và cử chỉ của một người tôi tớ làm cho mình, nay giam giữ ông Phileas Fogg nói trên và kết án ông tám ngày tù với một trăm năm mươi livrơ tiền phạt. – Ông lục sự cho gọi vụ kiện khác!

    Fix, ở trong góc phòng cảm thấy một niềm khoái trá không sao kể xiết, Phileas Fogg bị giữ tại tám ngày ở Calcutta, thật là quá đủ để cái lệnh bắt có thời giờ đến tay ông. Vạn Năng chết điếng người, án phạt này thật tai hại cho ông chủ anh. Thế là đi đời món tiền cuộc hai vạn livrơ, và tất cả chỉ vì anh đã quá rỗi hơi đâm vào cái chùa khốn khiếp ấy.

    Vẫn bình tĩnh chẳng khác gì cái án này không chút liên quan đến ông, Phileas Fogg cũng chẳng thèm chau mày nữa. Nhưng vừa lúc viên lục sự gọi vụ kiện khác, ông đứng dậy và nói:

    – Tôi xin nộp bảo lãnh.

    – Đó là quyền ông, – quan tòa đáp.

    Fix cảm thấy lạnh sống lưng, nhưng lại yên lòng khi nghe quan tòa ấn định. "Do tư cách người ngoại quốc của Phileas Fogg và người hầu của ông", số tiền bảo lãnh cho mỗi người là một món tiền kếch xù một nghìn livrơ (25, 000 phơ lăng).

    Thế là ông Fogg sẽ phải mất hai nghìn livrơ, nếu ông không chịu ngồi tù. "Tôi trả", – nhà quý phái ấy nói.

    Và rút từ cái sắc trong tay Vạn Năng ra một gói bạc giấy, đặt lên bàn viên lục sự.

    – Món tiền này sẽ hoàn lại khi ông ra khỏi nhà giam, – quan tòa nói. – Trong khi chờ đợi, ông được tự do vì đã có bảo lãnh.

    – Đi thôi, – Phileas Fogg nói với người hầu của mình.

    – Nhưng ít ra họ cũng phải trả giày cho tôi đã chứ! – Vạn Năng kêu lên với một cử chỉ phẫn nộ.

    Họ trả lại anh đôi giày.

    "Cái của này sao mà đắt gớm! – anh lầm bầm. – Hơn một nghìn livrơ một chiếc! Chưa kể nó còn làm rày tôi nữa!".

    Vạn Năng tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, đi theo sau ông Fogg, còn ông thì đưa cánh tay cho bà thiếu phụ, Fix vẫn còn hi vọng tên trộm không bao giờ dám bỏ hai nghìn livrơ và hắn sẽ chịu tám ngày tù. Thế là ông bám theo sau Fogg.

    Ông Fogg gọi xe, và ba người lên xe ngay. Fix chạy theo sau, chẳng bao lâu cái xe dừng lại trên một bến tàu của thành phố.

    Tàu Rangoon đang thả neo trong vũng, cách bờ nửa dặm, lá cờ, báo hiệu tàu sắp khởi hành đã kéo lên đỉnh cột buồm. Đồng hồ điểm mười một tiếng. Ông Fogg vẫn sớm được một giờ. Fix thấy ông xuống xe, bước lên một cái xuồng với bà Aouda và người hầu của ông, viên thám tử giậm chân hậm hực.

    "Thằng khốn nạn! – ông kêu lên, – nó chuồn rồi! Dám quẳng đi hai nghìn livrơ! Xài phí như một thằng ăn cắp! Chà! Ta sẽ theo hút nó đến tận cùng trời cuối đất nếu cần, nhưng với điệu tiêu xài này thì tất cả số tiền nó ăn cắp được cũng đến nướng hết mất thôi!"

    Ngài thanh tra cảnh sát suy nghĩ như vậy là có căn cứ. Quả thật, từ khi Phileas Fogg rời Luân Đôn, tính cả tiền đi đường lẫn các khoản tiền thưởng, tiền mua voi, tiền bảo lãnh và tiền nộp phạt, ông đã vung đi hơn năm nghìn livrơ (125, 000 phơ lăng), và khoảng phần trăm của số tiền thu hồi lại được để thưởng cho các thám tử cứ rút dần đi mãi.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  7. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 16– Chẳng biết gì về những chuyện người ta nói

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Con tàu Rangoon, tàu biển của Công ty bán đảo và phương đông chạy trong các vùng biển Trung Quốc và Nhật Bản, là một tàu thủy bằng sắt, có chân vịt, trọng tải cả bao bì một nghìn bảy trăm bảy mươi tấn, và có một lực danh nghĩa là bốn trăm sức ngựa. Nó cũng chạy nhanh như tàu Mongolia, nhưng không đầy đủ tiện nghi bằng. Cho nên chỗ ăn của bà Aouda không được như ý muốn Phileas Fogg. Rốt cuộc thì đây cũng chỉ là chặng đường ba nghìn năm trăm hải lý, nghĩa là từ mười một đến mười hai ngày, và người thiếu phụ không tỏ ra là một hành khách khó tính.

    Trong những ngày đầu của chuyến đi này, bà Aouda đã làm quen nhiều hơn với Phileas Fogg. Bà tranh thủ mọi dịp bày tỏ với ông lòng biết ơn sâu sắc nhất của mình. Nhà quý tộc phớt lờ nghe bà với vẻ lạnh lùng hết sức, ít ra là bề ngoài, trong giọng nói, cử chỉ của ông, không hề biếu lộ một chút xao xuyến nhỏ nào. Ông quan tâm đến bà không thiếu một thứ gì. Ông đến thăm bà vào những giờ đều đặn, nếu không nói chuyện thì ít ra cũng để nghe bà nói. Đối với bà, ông chấp hành những bổn phận của phép lịch sự nghiêm ngặt nhất, nhưng với vẻ duyên dáng và bất ngờ của một người máy mà những cử động hẳn đã được tính toán cho việc này. Bà Aouda không biết nên nghĩ thế nào, nhưng Vạn Năng đã giải thích qua cho bà hiểu cái cá tính kỳ quặc của ông chủ anh. Anh cho bà biết một vụ đánh cuộc như thế nào đã lôi cuốn nhà quý phái này đi vòng quanh thế giới. Bà Aouda mỉm cười, nhưng rốt cuộc thì bà đã chịu ơn ông cứu mạng, và theo cái cách bà nhìn ông qua lòng biết ơn của bà thì vị cứu tinh của bà không thể nào thua được.

    Bà Aouda xác nhận những điều mà người đẫn đường Ấn Độ đã kể về câu chuyện đáng thương của bà. Thật vậy, bà là người chủng tộc ưu đẳng trong số các chủng tộc bản xứ. Nhiều thương gia Parsi đã lập nên những cơ nghiệp lớn ở ấn Độ trong nghề buôn bông. Một số người trong số đó, ngài James Jejeebhoy, đã được chính phủ Anh phong tước, và bà Aouda là họ hàng với nhân vật giàu có ấy ở Bombay. Còn người bà định tìm đến ở Hồng Kông, ngài Jejeeh đáng kính, cũng chính là anh em họ với ngài Jejeebhoy. Liệu bà có thể nhận được ở ông sự che chở và giúp đỡ không? Bà không dám chắc. Về điều này ông Fogg đáp lại là bà không có gì phải lo ngại, và mọi sự rồi sẽ tự nó thu xếp đâu vào đấy. Đó là tiếng thường dùng của ông.

    Người thiếu phụ có thể hiểu được cái trạng từ gớm khiếp ấy không? Ta không biết. Nhưng đôi mắt to của bà, đôi mắt to "trong suốt như những hồ thiêng ở Hy mã lạp sơn" nhìn đăm đắm vào đôi mắt ông Fogg. Nhưng ông Fogg bất trị bao giờ cũng vẫn đóng bộ áo quần nghiêm chỉnh, không có vẻ gì là người muốn nhảy vào cái hồ ấy cả.

    Đoạn đầu của chuyến tàu Rangoon được thực hiện trong những điều kiện tuyệt diệu. Thời tiết ôn hòa. Tất cả cái phần của vùng biển mêng mông mà các thủy thủ gọi là "những sải tay của vịnh Bengale" tỏ ra thuận lợi cho hoạt động của con tàu. Chẳng bao lâu, tàu Rangoon đã trông thấy đảo Đại Andaman, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo, trên đó có ngọn núi đẹp như tranh vẽ, ngọn Saddle, cao hai nghìn bốn trăm piê, mà từ rất xa các nhà hàng hải đã nhìn thấy.

    Con tàu chạy khá gần bờ. Những người mọi Papoua trên đảo không thấy xuất hiện. Đó là những người được xếp vào bậc thang cuối cùng của loài người, nhưng người ta đã tưởng lầm họ là mọi ăn thịt người.

    Bức tranh toàn cảnh của những hòn đảo này mở ra thật là đẹp mắt. Những cánh đồng mênh mông trồng gồi, cau, tre, đậu khấu, tếch, mi-mô-dê khổng lồ, dương xỉ loại cây cao, bao phủ mặt trước của miền này, còn ở đằng sau in lên nền trời bóng hình duyên dáng của núi non. Trên bờ biển lúc nhúc hàng đàn chim yến quý giá, mà những tổ ăn được của chúng làm thành một món ăn nổi tiếng ở Trung Quốc. Nhưng tất cả cảnh sắc phong phú ấy mà quần đảo Andaman phơi bày trước mắt qua đi nhanh chóng, và tàu Rangoon lướt nhanh đến eo biển Malacca, để từ đây tiến vào những vùng biển Trung Quốc.

    Trong chặng đường này, viên thanh tra cảnh sát Fix làm gì, cái con người bị xô đẩy đến là đen đủi vào một cuộc viễn du vòng quanh lục địa? Ra đi ở Calcutta, sau khi đã dặn dò người ta chuyển cái lệnh bắt, nếu cuối cùng nó đến, tới tay ông ở Hồng Kông, ông đã có thể lên tàu Rangoon không để Vạn Năng trông thấy, và ông hy vọng sẽ giấu kín tung tích mình cho đến tận cuối chuyến đi. Thật vậy, ông sẽ khó giải thích được sự có mặt của mình trên tàu mà không gợi lên những nghi ngờ của Vạn Năng, anh chàng chắc hẳn vẫn tưởng ông ở Bombay. Nhưng rồi chính cái logic của hoàn cảnh đã đẩy ông nối lại quen biết với chàng trai lương thiện. Như thế nào? Rồi ta sẽ thấy.

    Tất cả hy vọng, tất cả ước muốn của viên thanh tra cảnh sát bây giờ tập trung vào một điểm duy nhất trên đất Hồng Kông, bởi vì tàu bể đỗ lại quá ít thời gian ở Singapore khiến ông không thể hành động gì tại thành phố này. Vậy chính là ở Hồng Kông, ông phải bắt giữ tên trộm, hoặc tên trộm sẽ thoát khỏi tay ông, có thể nói là không bao giờ trở lại.

    Thật vậy, Hồng Kông vẫn còn là một mảnh đất Anh, những mảnh đất cuối cùng trên đường đi. Xa nữa, thì Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Mỹ sẽ cho tên Fogg một nơi ẩn náu khác khá chắc chắn. Ở Hồng Kông, nếu cuối cùng có lệnh bắt, vì tất nhiên lệnh này vẫn đang chạy theo sau ông. Chẳng khó khăn gì. Nhưng quá Hồng Kông, thì chỉ một lệnh bắt không đủ nữa. Phải có một công văn dẫn độ40. Do đó mà đủ thứ lỡ làng, chậm chạp, trở ngại, mà thằng vôlại có thể lợi dụng để trốn biệt. Nếu công việc bị lỡ ở Hồng Kông, thì dù tiếp tục cũng sẽ rất khó, nếu không phải là không thể, có được hy vọng thành công nào đó.

    "Vậy thời, – Fix nhắc đi nhắc lại trong những giờ phút dài dằng dặc tại căn buồng ông, – vậy thời, hoặc là lệnh bắt sẽ ở Hồng Kông, và ta bắt tên trộm của ta, hoặc là lệnh bắt không ở đó, và lần này thì bằng bất cứ giá nào ta cũng phải trì hoãn ngày lên đường của nó! Ta đã thất bại ở Bombay, ta đã thất bại ở Calcutta! Nếu nhỡ chuyến này ở Hồng Kông, ta sẽ mất hết danh tiếng! Bằng mọi giá phải thành công. Nhưng nếu cần trì hoãn ngày lên đường của tên Fogg khốn kiếp này thì biết làm oách nào!"

    Cùng kỳ kế, Fix dứt khoát quyết định sẽ nói thật tất cả với Vạn Năng, cho anh ta biết cái ông chủ mà anh ta phục vụ là con người như thế đấy, và tất nhiên anh ta không phải kẻ tòng phạm của hắn ta. Vạn Năng, tỉnh ngộ nhờ sự phát giác ấy, tất phải sợ bị liên lụy, và chắc chắn sẽ đứng về phía ông, Fix. Nhưng rốt cuộc đó là một cách làm liều lĩnh, chỉ có thể dùng đến khi không còn cách nào khác. Một lời của Vạn Năng ton hót với ông chủ mình cũng đủ làm hỏng việc không sao cứu vãn nổi.

    Vậy là viên thanh tra cảnh sát vô cùng lúng túng, nhưng sự có mặt của bà Aouda trên tàu Rangoon, cùng đi với Phileas Fogg, lại mở ra cho ông những triển vọng mới.

    Người đàn bà này là ai? Hoàn cảnh nào đã khiến bà ta thành người bạn đồng hành của Fogg? Hiển nhiên là họ gặp nhau giữa Bombay và Calcutta. Nhưng trên địa điểm nào của bán đảo? Có phải do ngẫu nhiên mà Phileas Fogg và ba hành khách trẻ này kết bạn với nhau? Hay ngược lại, cuộc viễn du qua Ấn Độ đã được nhà quý phái tổ chức với mục đích tìm lại người đàn bà đẹp này? Bởi vì bà đẹp thật! Fix thấy rõ điều ấy trong phòng xử kiện của tòa án Calcutta.

    Ta hiểu viên thanh tra cảnh sát phải thắc mắc biết chừng nào. Ông tự hỏi trong công việc này có một vụ bắt cóc phạm pháp nào không. Phải! Chắc phải có! Ý nghĩ này ăn sâu trong tâm trí Fix, và ông nhận ra tất cả lợi ích có thể khai thác được từ tình thế đó. Dù người đàn bà trẻ ấy có chồng hay chưa thì cũng là có chuyện bắt cóc, và ở Hồng Kông, chuyện ấy có thể gây ra cho kẻ bắt cóc những trắc trở đến mức hắn không thể vung tiền ra mà thoát được.

    Nhưng cũng không nên đợi đến tàu Rangoon tới Hồng Kông. Tên Fogg này có cái thói quen đáng ghét là cứ nhảy tót từ một tàu bể này sang tàu bể khác, và khi công việc chưa kịp bắt đầu thì hắn có thể cao chạy xa bay rồi.

    Cho nên điều quan trọng là phải báo trước nhà chức trách Anh cho họ biết chuyến đi này của tàu Rangoon trước khi nó cập bến. Vậy mà chẳng có gì dễ hơn chuyện ấy, vì tàu đỗ lại ở Singapore, và từ Singapore có đường dây điệnbáo liên lạc với bờ biển Trung Quốc.

    Tuy nhiên, trước khi hành động và để công việc chắc chắn hơn, Fix quyết định dò hỏi Vạn Năng. Ông biết rằng khơi chuyện chàng trai này cũng chẳng có gì khó lắm, và ông quyết định bỏ lỗi mai danh ẩn tích vẫn giữ cho đến nay. Thế nhưng thời gian gấp lắm rồi. Hôm ấy đã là ngày 30 tháng mười, và đúng ngày hôm sau tàu Rangoon phải thả neo ở Singapore.

    Vậy là ngày hôm ấy, Fix ra khỏi căn buồng của mình, bước lên boong tàu, định bụng hỏi chuyện Vạn Năng "trước" với tất cả nỗi ngạc nhiên cùng cực nhất. Vạn Năng đang dạo chơi bằng mũi tàu, thì ông thanh tra lao đến bên anh kêu lên:

    – Kìa anh, anh cũng đáp tàu Rangoon đấy ư?

    – A, ông Fix! – Vạn Năng đáp lại, hết sức ngạc nhiên nhận ra ông bạn đường trên tàu Mongolia. – Kìa! Tôi đã chia tay với ngài ở Bombay, và tôi lại thấy ngài đi Hồng Kông! Thế ra cả ngài nữa, ngài cũng đi vòng quanh thế giới?

    – Không, không, – Fix đáp, – tôi định ở lại Hồng Kông, ít ra cũng vài ngày.

    – A! – Vạn Năng nói, có vẻ ngạc nhiên trong thoáng chốc. – Nhưng làm sao từ Calcutta đến đây tôi không thấy ông ở trên tàu?

    – Quả thật, tôi khó ở.. hơi bị say sóng: . Tôi phải nằm bẹp trong buồng.. Vịnh Bengale cũng như Ấn Độ Dương không hợp với tôi. Còn ông chủ của anh, ông Phileas Fogg thế nào?

    – Hoàn toàn mạnh khỏe và cũng đúng giờ răm rắp như cuộc hành trình của ông ta! Không một ngày bị chậm! A! Ông Fix này, chắc ông chưa biết nhỉ, chúng tôi có cả một người đàn bà trẻ cùng đi.

    – Người đàn bà trẻ sao? – ông thanh tra đáp lại, hoàn toàn có vẻ như không hiểu anh bạn mình muốn nói gì.

    Nhưng Vạn Năng đã cho ông biết ngay câu chuyện về bà ấy. Anh kể lại sự kiện ngôi chùa ở Bombay, việc mua con voi với giá hai nghìn livrơ, vụ "xátti", việc cướp bà Aouda, án phạt của tòa án Calcutta, việc chuộc tự do có bảo lãnh. Fix mặc dầu đã biết phần cuối câu chuyện, vẫn làm như không hay biết gì cả, và Vạn Năng tha hồ say sưa kể lại những cuộc phiêu lưu của mình trước một thính giả tỏ ra thích nghe chuyện anh kể đến thế.

    – Nhưng rốt cuộc lại – Fix hỏi, – liệu ông chủ anh có ý định đưa cái bà trẻ ấy về Châu Âu không?

    – Không đâu, ông Fix ạ, không đâu! Chúng tôi hoàn toàn chỉ đưa bà ta về nhà một người họ hàng của bà là một thương gia giàu có ở Hồng Kông trôngnom bà thôi

    – Chẳng còn sơ múi gì được! – viên thám tử nghĩ bụng, cố che giấu nỗi thất vọng của mình – Một cốc vang chăng, ông Vạn Năng?

    – Sẵn sàng, ông Fix ạ. Kể cũng đáng ăn mừng cuộc gặp gỡ của chúng ta trên tàu Rangoon đấy nhỉ!
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  8. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 17 – Trong chuyến đi từ Singapore đến Hồng Kông

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ ấy, Vạn Năng và viên thám tử gặp nhau luôn, nhưng viên thám tử hết sức giữ ý với người bạn của mình, và ông không khơi chuyện cho anh nói nữa. Chỉ có đôi lần, ông thoáng thấy ông Fogg ngồi lại trong phòng khách lớn tàu Rangoon, hoặc tiếp chuyện bà Aouda hoặc chơi bài "uýt" theo thói quen bất di bất dịch của ông.

    Còn về Vạn Năng, anh bắt đầu suy nghĩ rất nghiêm chỉnh về sự ngẫu nhiên kỳ lạ một lần nữa đặt Fix trên đường đi của ông chủ anh. Và quả thật, ngạc nhiên cũng phải. Nhà quý phái này, con người rất đáng yêu, chắc chắn là rất tốt bụng nữa, đầu tiên gặp ở Suez, xuống tàu Mongolia, lên đến Bombay, mà ông nói là phải ở lại đó rồi lại thấy trên tàu Rangoon đi Hồng Kông, nói tóm lại theo sát từng hành trình của ông Fogg, điều đó cũng đáng để người ta phải nghĩ ngợi. Ở đây có một sự trùng hợp ít ra cũng là kỳ quặc. Cái ông Fix này có chuyện gì thế? Vạn Năng sẵn sàng đánh cuộc đôi giày ếch của anh – mà anh giữ gìn như vật báu – rằng lão Fix này sẽ rời Hồng Kông đồng thời với ông chủ của anh và anh, và hẳn là cùng trên một chuyến tàu bể.

    Dù Vạn Năng nghĩ đến một thế kỷ, anh cũng không bao giờ đoán được nhiệm vụ mà viên thám tử này đảm nhận. Không bao giờ anh có thể tưởng tượng được rằng Phileas Fogg bị "theo hút" như một thằng kẻ cắp, vòng quanh quả địa cầu. Nhưng vì bản chất con người là muốn tìm cách giải thích mọi sự việc cho nên Vạn Năng chợt lóe lên một ý giải thích sự có mặt thường trực của Fix, và quả thật, cách giải thích của anh cũng rất có lý. Thật vậy, theo anh, Fix chỉ là và chỉ có thể là một nhân viên được các bạn đồng sự của ông Fogg ở Câu lạc bộ Cải cách tung đi theo hút ông, để xác nhận rằng cuộc du hành này được thực hiện hợp lệ vòng quanh hế giới, theo hành trình đã thỏa thuận.

    "Thật rõ rành rành! Thật rõ rành rành! – chàng trai ngay thật nói đi nói lại, hết sức tự hào về sự sáng suốt của mình. – Đây là một tên mật thám mà các ngài quý phái kia phái đi bám sát chúng tôi! Kiểu ấy không đứng đắn đâu! Ông Fogg trung thực như thế, đáng tôn trọng như thế! Cho một nhân viên đi rình mò ông! Các ngài ở Câu lạc bộ Cải cách ơi, rồi các ngài phải trả giá đắt cho việc này!".

    Vạn Năng say sưa với phát kiến của mình, tuy vậy vẫn quyết định không nói với ông chủ, sợ ông bị xúc phạm vì chính sự nghi ngờ này của các đối thủ của ông. Nhưng anh bụng bảo dạ nếu có dịp sẽ trêu Fix, nói bóng nói gió thôi và không để hắn làm gì mình được.

    Thứ tư 30 tháng mười, về buổi chiều, tàu Rangoon đi vào eo biển Malacca, giữa bán đảo cùng tên với miền đất Sumatra. Những hòn đảo nhỏ núi non chập chùng hiểm trở đẹp như tranh vẽ che lấp tầm mắt các hành khách không nhìn thấy được hòn đảo lớn.

    Ngày hôm sau, vào bốn giờ sáng, tàu Rangoon sau khi đã đến sớm nửa ngày trước quy định, đỗ lại ở Singapore để lấy thêm than đốt.

    Phileas Fogg ghi giờ đến sớm đó vào cột những khoảng thời gian được lợi, và lần này thì ông lên bộ, đi với bà Aouda, vì bà ngỏ ý muốn được dạo chơi trong vài tiếng đồng hồ.

    Fix bám theo sau mà không để lộ, đối với ông thì hành động của Fogg đều là khả nghi cả. Còn Vạn Năng chỉ cười thầm trong bụng khi thấy thủ đoạn của Fix, và anh đi mua bán lặt vặt như thường lệ.

    Hòn đảo Singapore nhìn dáng vẻ không to lớn cũng không đường bệ. Nó thiếu núi non, nghĩa là thiếu những hình trông nghiêng. Tuy nhiên, nó xinh đẹp trong cái vẻ nhỏ nhắn của nó. Đó là một công viên với những con đường đẹp chạy ngang dọc. Một xe ngựa sang trọng, thắng những con ngựa thanh lịch nhập từ Tân Hà Lan đưa bà Aouda và Phileas Fogg đi giữa những vườn cọ dày đặc có vòm lá rực rỡ, và những vườn đinh hương mà những nụ khô được tạo thành từ chính cái nụ bông hoa hé mở. Tại đây, những bụi cây hồ tiêu thay thế cho những hàng rào gai ở các vùng nông thôn Châu Âu; những cây búng báng, loại cây dương xỉ lớn có cành lá rậm rạp, đem thêm vẻ đa dạng cho quang cảnh vùng nhiệt đời này; những cây đậu khấu lá bóng như đánh vécni tỏa trong không khí một mùi hương sực nức. Những con khỉ kéo đi từng bầy lanh lẹ và mặt mày nhăn nhó nhan nhản trong những cánh rừng, và có lẽ cả hổ nữa cũng không thiếu trong những khu rừng rậm. Nếu ai ngạc nhiên khi được biết trên hòn đảo này, tương đối bé nhỏ là thế, mà những loài thú ăn thịt người ghê gớm ấy không bị tiêu diệt đến con cuối cùng, thì người ta sẽ trả lời là chúng đến Malacca, bơi qua eo biển.

    Sau khi đã dạo chơi vùng nông thôn trong hai tiếng đồng hồ, bà Aouda và ông bạn của bà – mắt ông có ngó ra mà chẳng buồn nhìn – quay về thành phố, một nơi quần tụ những ngôi nhà nặng nề và thấp, có vườn cây đẹp mắt bao bọc, trong vườn trồng măng cụt, dứa, và đủ mọi thứ quả ngon nhất trên đời.

    Đến mười giờ, họ trở về tàu, chẳng nghi ngờ gì về viên thanh tra theo dõi suốt dọc đường, còn ông này thì cũng tốn khá tiền ngựa xe.

    Vạn Năng đợi họ trên boong tàu Rangoon. Anh đầy tớ trung thành đã mua về vài tá măng cụt, to bằng những quả táo cỡ trung bình, vỏ ngoài nâu sẫm, cùi bên trong đỏ thắm, và những múi trắng thì ăn vào tan ra trong miệng khiến những người sành ăn thực thụ cũng được hưởng một khoái cảm chưatừng thấy. Vạn Năng vô cùng sung sướng được biếu bà Aouda những quả măng cụt ấy, bà rất duyên dáng cảm ơn anh.

    Mười một giờ, tàu Rangoon nhổ neo sau khi đã lấy đầy than, và vài tiếng đồng hồ sau các hành khách đã mất hút sau những ngọn núi cao của Malacca, nơi có những khu rừng với những con hổ đẹp nhất trần đời.

    Khoảng một nghìn ba trăm hải lý ngăn cách Singapore với đảo Hồng Kông, mảnh đất Anh nhỏ bé tách biệt khỏi bờ biển Trung Quốc, Phileas Fogg phải vượt qua chặng đường này trong sáu ngày là nhiều nhất, để kịp chuyến tàu biển ngày 6 tháng mười một từ Hồng Kông đi Yokohama, một trong những hải cảng lớn nhất của nước Nhật.

    Tàu Rangoon chở rất nặng. Từ Singapore có nhiều hành khách lên tàu gồm người Ấn Độ, người Ceylan, người Trung Quốc, người Mã Lai, người Bồ Đào Nha, phần lớn đi vé hạng nhì.

    Thời tiết cho đến lúc này khá đẹp, bắt đầu thay đổi khi bước vào tuần trăng cuối. Biển động, gió đôi khi thổi từng trận lớn, nhưng rất may là từ hướng đông nam, cho nên chỉ càng thuận lợi cho tốc độ của con tàu. Khi gió thuận, thuyền trưởng cho giương buồn lên. Tàu Rangoon, một loại tàu nhỏ có buồm, thường chạy với hai buồm vuông và lá buồm đằng trước, và tốc độ của nó tăng lên do sự kết hợp sức hơi nước và sức gió. Nó đã chạy như thế dọc bờ biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, trên một luồng sóng ngắn và đôi khi rất xóc.

    Nhưng khó khăn do biển thì ít mà do tàu Rangoon nhiều hơn, và chính cái tàu này phải chịu trách nhiệm về lỗi phần lớn hành khách bị ốm mệt.

    Thật vậy, các tàu bể của Công ty bán đảo phục vụ trong vùng biển Trung Quốc có một khuyết điểm nghiêm trọng về cách cấu tạo. Tỷ lệ giữa lườn tàu ngập nước với lòng tàu đã tính toán sai, do đó những tàu ấy chỉ chống cự với biển cả một cách yếu ớt. Thể tích kín để nước không vào được của chúng cũng không đầy đủ. Chúng bị "đắm", theo cách nói của dân hàng hải, và do cách cấu tạo như thế, chỉ cần vài con sóng bắn vọt lên tàu cũng đủ làm thay đổi tốc độ của chúng. Cho nên những tàu này thua kém rất xa, nếu không phải về động cơ phát lực và bộ máy bốc hơi thì ít nhất cũng về cách cấu tạo, những loại tàu của các Công ty hàng hải Pháp, như chiếc Nữ hoàng và chiếc Nước Khơ Me. Trong khi những tàu bể ấy, theo tính toán của các kỹ sư, có thể lọt vào tàu một trọng lượng nước ngang với trọng lượng bản thân nó rồi mới chịu chìm, thì những tàu của Công ty bán đảo, chiếc Golgonda, chiếc Corea, và cuối cùng chiến Rangoon, nếu để lọt một khối lượng nước bằng một phần sáu trọng lượng của chúng là đã đắm rồi.

    Vậy thời, khi trời xấu, phải có những biện pháp phòng ngừa thật cẩn thận. Đôi khi phải hạ buồm và giảm hơi. Sự mất thời giờ này không có vẻ gì khiến

    Phileas Fogg phải bận tâm, nhưng Vạn Năng thì tỏ ra khó chịu đến cực độ. Anh liền đổ tội cho thuyền trưởng, cho bác thợ máy, cho Công ty và tống về nhà bò tất cả những người nào dính dáng đến nghề vận tải hành khách. Có lẽ cả sự bận tâm về cái ngọn đèn hơi cứ cháy hoài vào tiền thanh toán của anh trong ngôi nhà phố Saville cũng tham dự khá nhiều vào nỗi sốt ruột này.

    – Vậy ra các anh vội đến Hồng Kông đến thế kia ư? – một hội viên thám tử hỏi anh.

    – Rất vội! – Vạn Năng đáp.

    – Anh có cho rằng ông Fogg sẽ cấp tốc lên tàu bể đi Yokohama không?

    – Cấp tốc kinh khủng.

    – Vậy ra bây giờ anh tin là có cuộc du hành kỳ quoặc vòng quanh thế giới thật à?

    – Tin tuyệt đối. Còn ông thế nào, ông Fix?

    – Tôi ấy ư? Tôi không tin!

    – Thôi đi, anh hề ơi! – Vạn Năng vừa đáp vừa nháy mắt một cái với ông ta.

    Cái tiếng ấy khiến viên thám tử phải suy nghĩ vẩn vơ mãi. Cái hình dung ngôn ngữ ấy làm ông lo lắng, mà không rõ tại sao. Anh chàng người Pháp đã đoán ra ông chăng? Ông cũng không biết nên cho là thế nào nữa. Nhưng làm sao mà Vạn Năng có thể nhận ra được tư cách thám tử của ông, cái bí mật chỉ mình ông biết? Thế nhưng, khi nói với ông như thế, nhất định là Vạn Năng có ẩn ý.

    Thậm chí một hôm khác chàng trait rung hậu còn đi xa hơn, nhưng đó là vì anh quá ngứa miệng không chịu im được.

    – Thế nào, ông Fix, – anh hỏi ông bạn với một giọng ranh mãnh, – đến Hồng Kông liệu chúng tôi có phải chịu nỗi bất hạnh chia tay với ông không?

    – Ồ, – Fix đáp lại khá luống cuống, – cũng chẳng rõ nữa.. Có thể là..

    – Chà! – Vạn Năng nói, – nếu ông cùng đi với chúng tôi thì thật là phước cho tôi quá! Thế nào! Một nhân viên của bán đảo không thể dừng lại giữa đường! Ông chỉ đi Bombay thôi, vậy mà chẳng mấy chốc ông sắp ở Trung Quốc rồi; Châu Mỹ không còn xa, và từ Châu Mỹ đến Châu Âu chỉ một bước chân!

    Fix chăm chú nhìn người bạn nói chuyện với mình, anh ta phô bày với ông bộ mặt dễ thương nhất trên đời, và ông quyết định cười cợt với anh. Nhưng anh chàng này đang bốc lại hỏi luôn "cái ấy có kiếm được khá không, cái nghề ấy ý mà?"

    – Có và không, – Fix thản nhiên đáp lại – Có những vụ tốt đẹp và những vụ chẳng ra gì. Nhưng chắc anh cũng biết tôi đi thế này không phải bỏ tiền túi ra đâu nhé!

    – Ồ! Điều đó thì tôi chắc quá đi rồi! – Vạn Năng kêu lên, càng cười khỏe hơn.

    Sau câu chuyện, Fix trở về buồng và bắt đầu nghĩ ngợi. Rõ ràng ông đã bị lộ rồi. Bằng cách này hay cách khác, anh chàng người Pháp cũng đã nhận ra ông là nhà thám tử. Nhưng hắn ta đã báo cho chủ mình chưa? Hắn đóng vai trò gì trong tất cả chuyện này? Hắn có phải là kẻ tòng phạm hay không? Công việc đã bị đánh hơi thấy chưa, và do đó đã hỏng chưa? Viên thanh tra trải qua mấy tiếng đồng hồ thật gay go, khi thì tưởng đã mất hết, khi thì hy vọng Fogg chưa biết gì, tóm lại là chẳng biết xử sự thế nào.

    Tuy vậy đầu óc ông trở lại bình tĩnh và ông quyết định nói thẳng với Vạn Năng. Nếu ông không có những điều kiện bắt giam Fogg ở Hồng Kông, và nếu Fogg chuẩn bị lần này rời hẳn đất Anh, thì ông, Fix, ông sẽ nói tất cả với Vạn Năng. Hoặc người hầu là tòng phạm của chủ ông ta, – và ông này đã biết hết, và trong trường hợp ấy thế là đi đứt, – hoặc người hầu không dính dáng gì đến vụ trộm, và như thế lợi ích của anh ta là phải đoạn tuyệt với tên kẻ trộm.

    Tình thế hai người này như vậy, và trên đầu họ Phileas Fogg bay lượn với một vẻ bình thản uy nghi. Ông thực hiện một cách thuần lý quỹ đạo của mình vòng quanh thế giới, không bận tâm gì đến những vệ tinh châu tuần quanh ông.

    Thế mà trong vùng lân cận – theo cách nói của các nhà thiên văn học – có một thiên thể nhiễu đáng lẽ là phải gây ra một số rối loạn nào đó trong trái tim nhà quý phái. Nhưng không! Trước nỗi kinh ngạc của Vạn Năng, vẻ đẹp của bà Aouda chẳng gây được ảnh hưởng gì, và những rối loạn nếu có hẳn còn khó tính toán hơn cả những rối loạn của Thiên vương tinh đã dẫn đến sự phát hiện ra Hải vương tinh.

    Phải! Đây là nỗi kinh ngạc hàng ngày của Vạn Năng, vì anh đọc được trong mắt người thiếu phụ vô vàn lòng biết ơn đối với ông chủ của anh! Đúng là Phileas Fogg chỉ có trái tim cần thiết cho những hành động anh hùng, còn cho tình yêu thì không! Ông cũng chẳng tỏ vẻ gì bận tâm về những may rủi của cuộc viễn du. Nhưng Vạn Năng thì sống trong những nỗi lo sợ thường xuyên. Một hôm, đứng tựa lan can buồng máy, anh nhìn cỗ máy to khỏe có lúc nổ ầm ầm, và chiếc chân vịt như điên cuồng vọt ra khỏi mặt nước trong một cái chồm lên dữ dội của con tàu. Khi đó hơi nước phì qua những nắp hơi phùn phụt khiến chàng trai đứng đắn phải nổi khùng lên.

    "Những cái nắp hơi này không giữ được mấy hơi! – anh kêu lên. – Tàukhông nhích lên được! Dân Anh thế đấy! A! Nếu đây là một tàu Mỹ, có thể ta đã bị nổ tung lên rồi, nhưng ta chạy nhanh hơn!"
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  9. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 18 – Ai lo phận nấy chạy theo công việc của mình

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những ngày cuối cùng của chuyến đi, tiết trời khá xấu. Gió nổi lên rất mạnh. Gió thổi cố định từ hướng tây bắc, cản đường tàu chạy. Chiếc Rangoon không đầm tàu lắc ghê gớm, và các hành khách tha hồ nguyền rủa những đợt sóng dài khó chịu mà gió đánh cuộn lên tự ngoài khơi.

    Ngày mồng 3 và mồng 4 tháng mười một, trời như có bão. Cơn gió mạnh đánh dữ dội vào mặt biển. Tàu Rangoon phải cuộn buồm trong nửa ngày, chỉ chạy với tốc độ mười vòng chân vịt, để có thể lượn khúc giữa các làn sóng biển. Tất cả các lá buồm đã được cuộn chặt lại, mà chúng cứ rít lên giữa những cơn gió giật.

    Dễ hiểu là tốc độ của con tàu phải giảm đi nhiều, và người ta có thể ước tính nó sẽ đến Hồng Kông chận hai mươi tiếng đồng hồ so với qui định, và còn chậm nữa nếu bão không dứt.

    Phileas Fogg chứng kiến cảnh tượng một cái biển điên khùng dường như trực tiếp chống lại ông, mà vẫn giữ vẻ lạnh như tiền quen thuộc của ông. Vầng trán ông không một giây sầm xuống, vậy mà một sự chậm trễ hai mươi tiếng đồng hồ có thể gây tác hại cho cuộc hành trình khiến ông phải lỡ chuyến tàu bể đi Yokohama. Nhưng con người không có thần kinh này không hề cảm thấy nóng ruột hay bực dọc. Cứ như là trận bão ấy đã ghi vào trong chương trình của ông, đã được dự kiến trước. Bà Aouda, khi nói chuyện với bạn mình về sự trắc trở này, thấy ông vẫn bình tĩnh như thường.

    Còn Fix thì không nhìn sự việc với con mắt ấy. Hoàn cảnh ngược lại. Trận bão này hợp ý ông ta quá. Thậm chí ông ta còn cảm thấy một niềm vui thích không bờ bến nếu tàu Rangoon bắt buộc phải ẩn trốn cơn giông tố. Tất cả những sự chậm trễ ấy có lợi cho ông ta, vì nó sẽ buộc tên Fogg phải lưu lại vài ngày ở Hồng Kông. Tóm lại, tiết trời này, với những cơn cuồng phong này, cùng ăn cánh với ông. Quả thật ông có hơi mệt một chút, nhưng hề gì! Ông ta không đếm từng cơn nôn mửa, và khi cơ thể quằn quại vì say sóng, thì đầu óc ông lại hoan hỉ một niềm khoái trá vô bờ.

    Về phía Vạn Năng, ta có thể đoán được anh trải qua cuộc thử thách này với một cơn giận dữ không che đậy như thế nào. Cho đến nay, tất cả diễn ra tốt đẹp biết bao! Dường như cả đất và nước đều một lòng một dạ với ông chủ anh. Tàu thủy và xe lửa đã phục tùng ông. Gió và hơi nước đã hợp sức lại để cuộc du hành của ông được thuận lợi. Phải chăng cuối cùng giờ thất vọng đã điểm? Vạn Năng như một cái xác không hồn, cứ như hai vạn livrơ đánh cuộc là tiền túi anh bỏ ra. Trận bão này làm anh điên tiết, cơn gió mạnh này khiếnanh nổi khùng lên, và anh hẳn sẵn sàng đánh đòn cái biển không biết vâng lời này! Tội nghiệp anh chàng! Fix giấu kỹ không để anh biết sự khoái trí của ông, và ông ta làm thế là đúng, vì giả thử Vạn Năng đoán ra sự hài lòng thầm kín của Fix, thì Fix hẳn sẽ khốn khổ với anh rồi.

    Trong suốt thời gian gió bão, Vạn Năng có mặt trên boong tàu Rangoon. Anh không thể ở lại bên dưới; anh trèo lên các cột buồm; anh khiến các thủy thủ trên tàu phải ngạc nhiên, và góp một tay vào đủ việc với cái tài khéo léo của một con vượn. Anh căn vặn hàng trăm lần ông thuyền trưởng, các sỹ quan, các thủy thủ, và họ không thể nín cười thấy một anh chàng bối rối đến thế. Vạn Năng muốn biết dứt khoát trận bão còn kéo dài bao lâu nữa. Người ta bèn đưa anh đến xem phong vũ biểu, nó cứ nhất định không chịu chỉ cao lên. Vạn Năng lắc lắc cái phong vũ biểu, nhưng cả những cái lắc mạnh, cả những lời nguyền rủa của anh trút lên đầu cái dụng cụ vô tội cũng đều vô tác dụng.

    Cuối cùng cơn bão cũng dịu đi. Tình trạng biển có sự thay đổi trong ngày mồng 4 tháng mười một. Gió đột ngột đổi chiều ngược lại một trăm tám mươi độ và lại thành gió thuận.

    Vạn Năng tươi tỉnh lại cùng với thời tiết. Những buồm cao và buồm thấp lại có thể giương lên, và tàu Rangoon lại tiếp tục chặng đường của nó với một tốc độ kỳ diệu.

    Nhưng người ta không thể gỡ lại tất cả thời gian đã mất. Việc đã vậy đành phải vậy, và chỉ đến năm giờ sáng ngày mồng 6 tàu mới thấy đất liền. Theo hành trình đã định của Phileas Fogg thì ngày đến con tàu là mồng 5. Nhưng ngày mồng 6 nó mới đến. Vậy là chậm mất hai mươi bốn giờ, và chắc hẳn chuyến tàu đi Yokohama đã lỡ.

    Đến 6 giờ, người hoa tiêu lên tàu Rangoon và đứng ở cầu tàu điều khiển con tàu đi qua các eo lạch cho đến cảng Hồng Kông.

    Vạn Năng bồn chồn, khao khát muốn thăm dò con người này, muốn hỏi anh ta xem chuyến tàu bể đi Yokohama đã rời Hồng Kông chưa. Nhưng anh không dám, để thà còn được chút hy vọng đến tận phút cuối cùng. Anh thổ lộ những nỗi lo lắng của mình với Fix, ông ta – cái con cáo già ấy – cố an ủi anh, nói với anh rằng ông Fogg chỉ việc đi chuyến tàu sau là xong thôi. Vạn Năng nghe mà giận tím mặt lại.

    Nhưng nếu Vạn Năng không dám hỏi ông Fogg, sau khi đã tra cứu cuốn Bradshaw, thản nhiên hỏi người hoa tiêu xem anh có biết bao giờ có chuyến tàu bể từ Hồng Kông đi Yokohama.

    – Ngày mai, lúc thủy triều buổi sáng, – người hoa tiêu đáp.

    – A! – Ông Fogg nói, không biểu lộ một chút ngạc nhiên nào.

    Vạn Năng, cũng có mặt tại đó, hẳn muốn ôm chầm lấy người hoa tiêu, còn Fix thì có lẽ muốn vặn cổ anh ta.

    – Tàu nào đấy nhỉ? – Ông Fogg hỏi.

    – Tàu Carnatic, – người hoa tiêu đáp.

    – Có phải đáng lẽ nó đi từ hôm qua rồi không?

    – Thưa vâng, nhưng nó có một nồi súp de phải chữa, và giờ khởi hành của nó hoãn đến mai.

    – Cám ơn anh! – Ông Fogg đáp, và bước chân tự động của ông lại đi xuống phòng khách tàu Rangoon.

    Còn Vạn Năng thì nắm lấy bàn tay người hoa tiêu, siết mạnh và nói: "Anh bạn hoa tiêu, anh thật là một con người tốt bụng!"

    Người hoa tiêu chắc hẳn không bao giờ biết được do đâu mà những câu trả lời của anh lại được đón nhận với một tình thân đến thế. Một tiếng còi tàu rúc lên, anh lại trèo lên cầu tàu và điều khiển con tàu đi giữa một rừng thuyền thoi, tàu chở xăng dầu, tàu đánh cá, tàu thuyền đủ loại, ngổn ngang trên các eo lạch của Hồng Kông.

    Một giờ trưa, tàu Rangoon cập bến, và các hành khách lên bờ.

    Trong trường hợp này, ta phải thừa nhận là sự ngẫu nhiên đã giúp đỡ một cách kỳ lạ cho Phileas Fogg. Nếu không phải chữa nồi súp-de, tàu Carnatic đã đi từ ngày 5 tháng mười một, và hành khách muốn đi Nhật sẽ phải đợi tám ngày mới đến chuyến tàu sau. Quả thật ông Fogg có bị chậm hai mươi bốn giờ, nhưng sự chậm trễ này không thể gây hậu quả tai hại gì cho phần còn lại cuộc hành trình.

    Thật vậy, chiếc tàu bể từ Yokohama đi San Francisco qua Thái Bình Dương có liên lạc trực tiếp với tàu bể Hồng Kông, và nó không thể đi khi tàu bể Hồng Kông này chưa đến. Tất nhiên sẽ có hai mươi bốn giờ chậm trễ tại Yokohama, nhưng trong hai mươi ngày vượt biển trên Thái Bình Dương cũng dễ gỡ lại. Vậy là, ba mươi lăm ngày sau khi rời khỏi Luân Đôn, Phileas Fogg vẫn đang bám sát chương trình của ông, với sự chênh lệch trên dưới hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

    Tàu Carnatic đến năm giờ sáng hôm sau mới khởi hành, ông Fogg có mười sáu giờ để giải quyết công việc của ông, tức là công việc liên quan đến bà Aouda. Ở tàu lên, ông đưa tay dìu người thiếu phụ và dẫn bà đi thuê một cái kiệu. Ông hỏi thăm các phu kiệu tìm một khách sạn, họ chỉ cho ông khách sạn Câu lạc bộ. Cái kiệu lên đường, Vạn Năng đi theo, và hai mươi phút sau họ đến nơi.

    Một căn phòng được dành riêng cho thiếu phụ, và Phileas Fogg chú ý để bà không thiếu một thứ gì. Rồi ông nói với bà Aouda là ông đi tìm ngay người họ hàng để gửi bà lại Hồng Kông cho người ấy trông nom. Đồng thời ông dặn Vạn Năng cứ ở khách sạn cho đến khi ông về, để người thiếu phụ không phải ở lại một mình.

    Nhà quý phái tìm đến Sở giao dịch chứng khoán. Ở đây chắc chắn người ta phải biết một nhân vật như ngài Jejeeh đáng kính, con người được kể vào hàng những thương gia giàu có nhất của thành phố.

    Người mối lái mà ông Fogg hỏi đến quả có biết nhà thương gia Parsi. Nhưng từ hai năm nay, ông này không ở Trung Quốc nữa. Sau khi đã làm giàu, ông sang lập nghiệp bên Châu Âu, – người ta cho là ở Hà Lan, – do nhiều quan hệ sẵn có với nước này trong cuộc đời buôn bán của ông.

    Phileas Fogg trở về khách sạn Câu lạc bộ. Ngay lập tức ông xin phép bà Aouda được tiếp kiến bà, và, không cần phi lộ, ông cho bà biết là ngài Jejeeh đáng kính không còn ở Hồng Kông nữa và có lẽ ngài đang ở Hà lan.

    Bà Aouda nghe xong, thoạt tiên không nói gì. Bà đặt bàn tay lên trán, và suy nghĩ một lúc. Rồi, với giọng hiền dịu của mình, bà hỏi:

    – Tôi phải làm gì bây giờ, thưa ông Fogg?

    – Rất đơn giản, – nhà quý phái đáp, – về Châu Âu.

    – Nhưng tôi, không thể lạm dụng..

    – Bà không lạm dụng và sự có mặt của bà không trở ngại gì cho chương trình của tôi. Vạn Năng đâu?

    – Thưa ông gọi ạ. – Vạn Năng đáp.

    – Đến tàu Carnatic, và đặt trước ba buồng.

    Vạn Năng, vô cùng sung sướng vì được tiếp tục cuộc hành trình bên người thiếu phụ rất ân cần với anh, lập tức rời khách sạn Câu lạc bộ.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
  10. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 19 – Quá quan tâm đến ông chủ và sinh ra hậu quả

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hồng Kông chỉ là một hòn đảo nhỏ, mà sau cuộc chiến tranh 1842, hiệp ước Nam Kinh đã nhượng cho nước Anh. Trong vài ba năm, tài thực dân của Đại Anh quốc đã xây dựng ở đây một thành phố quan trọng và lập ra một hải cảng, cảng Victoria. Hòn đảo này nằm ở cửa sông Quảng Châu, và chỉ có cách thành phố Bồ Đào Nha, Ma cao, xây dựng ở bờ sông bên kia, có sáu mươi dặm. Hồng Kông chắc chắn phải thắng Ma cao trong cuộc đấu tranh thương mại, và ngày nay sự chuyển vận quá cảnh các hàng hóa Trung Quốc đại bộ phận được thực hiện qua thành phố Anh. Những bến tàu, những nhà thương, những sân ga, những kho hàng, một nhà thờ gô tích, một dinh toàn quyền, những phố rải đá, tất cả khiến ta tưởng tượng như một trong những đô thị buôn bán của các phân hạt Kent hoặc Surrey, nước Anh đã xuyên qua trái đất trồi lên ở địa điểm này trên nước Trung Quốc, gần ngay điểm đối chân của nó.

    Vậy là Vạn Năng, hai tay đút túi quần, đi đến cảng Victoria, dọc đường ngắm nhìn những cái kiệu, những xe đẩy một bánh có mái che còn đang thịnh hành trên đất nước Thiên triều, và cả một đám đông những người Trung Quốc, Nhật bản, Châu Âu chen chúc trong các phố. Nói đại khái thì đây cũng vẫn là Bombay, Calcutta hoặc Singapore mà chàng trai đứng đắn lại thấy trên đường của mình. Dường như có cả một dãy những thành phố Anh vòng quanh thế giới.

    Vạn Năng đã đến cảng Victoria. Tại đây, ở cửa sông Quảng Châu, tàu bè đủ mọi nước đông như kiến, tàu Anh, tàu Pháp, tàu Mỹ, tàu Hà Lan: Tàu buồn và tàu chiến, thuyền nhỏ Nhật Bản hoặc Trung Quốc, thuyền thoi, thuyền tam bản, tàu chở xăng dầu, và cả những tàu-hoa tạo thành những vườn hoa nổi trên mặt nước. Đi dạo chơi, Vạn Năng để ý thấy một số người bản xứ mặc quần áo vàng: Tất cả đều rất cao tuổi. Vào một cửa hàng thợ cạo Trung Quốc để cạo râu "theo kiểu tàu", anh được biết qua ông Figaro địa phương nói tiếng Anh khá thạo, rằng tất cả những cụ già ấy đều ít nhất tám mươi tuổi, và đến tuổi ấy họ được đặc quyền mặc đồ vàng là màu của hoàng tộc. Vạn Năng thấy điều gì đó thật tức cười mà không biết tại sao.

    Cạo râu xong, anh ra đến tàu Carnatic, và tại đây, anh trông thấy Fix đi đi lại lại, điều ấy đối với anh chẳng lạ gì. Nhưng viên thanh tra cảnh sát để lộ trên mặt những biểu hiện của một nỗi thất vọng cay đắng.

    "Tốt! – Vạn Năng tự nghĩ, – công việc của các ngài quí phái ở Câu lạc bộ Cải cách không ổn rồi!"

    Và anh lại bên Fix với nụ cười vui vẻ, không muốn để ý đến vẻ bực mình của ông bạn.

    Thế nhưng viên thanh tra có đầy đủ lý do để nguyền rủa cái số phận độc ác cứ đuổi theo ông mãi. Vẫn chưa có lệnh bắt! Dĩ nhiên cái lệnh bắt ấy chạy đằng sau ông, và chỉ có thể đến tay ông nếu ông lưu lại vài ngày ở thành phố này. Vậy mà Hồng Kông là mảnh đất Anh cuối cùng trên đường đi, tên Fogg sắp thoát hẳn, nếu ông không có cách nào giữ chân hắn lại.

    – Thế nào, ông Fix, ông có định cùng đi với chúng tôi đến tận Châu Mỹ không? – Vạn Năng hỏi.

    – Có. – Fix đáp, hai hàm răng nghiến chặt.

    – Thế thì đi! – Vạn Năng kêu lên, phát ra một chuỗi cười giòn tan. – Tôi biết thừa là ông không thể rời chúng tôi mà. Lại đây mà giữ lấy một chỗ, lại đây nào!

    Và cả hai cùng bước vào sở vận tải đường biển thuê bốn buồng cho bốn người. Nhưng người bán vé lưu ý họ là tàu Carnatic đã sửa chữa xong, nó sẽ đi ngay tám giờ tối nay chứ không phải sáng mai như báo trước.

    "Rất tốt! – Vạn Năng đáp. – như thế càng hợp ý ông chủ tôi. Tôi phải về báo ngay cho ông biết mới được".

    Lúc này Fix chọn lấy chước cuối cùng. Ông quyết định sẽ nói hết với Vạn Năng. Có lẽ đó là biện pháp duy nhất để ông có thể giữ Phileas Fogg lại trong vài ngày ở Hồng Kông.

    Ra khỏi sở, Fix mời anh bạn đi giải khát ở một quán rượu, Vạn Năng còn rộng rãi thời giờ. Anh nhận lời mời của Fix.

    Một quán rượu mở trên bến. Nó có một vẻ ngoài dễ có cảm tình. Hai người bước vào. Đó là một căn phòng rộng, trang trí đẹp, cuối phòng có một bộ phản trải đệm. Trên bộ phản ấy có một số người đang nằm ngủ xếp hàng bên nhau.

    Khoảng ba chục khách ngồi trong một phòng lớn bên những bàn nhỏ đan bằng cói. Một vài người đang nốc cạn những vỏ rượu bia Anh, "alơ" hay "Pooctơ", vài người khác uống những bình rươu mùi, "gin" hay "brani". Ngoài ra, phần đông hút trong những tẩu dài bằng đất đỏ, nhồi những viên thuốc phiện trộn tinh dầu hoa hồng. Rồi chốc chốc, một người say thuốc nào đó ngã dúi xuồng gầm bàn, và cách anh bồi bàn của tiệm, nắm lấy chân và đầu ông ta, khiêng ông ta đặt lên bộ phản bên một ông bạn cùng cảnh. Khoảng hai chục con người say thuốc ấy được xếp thành hàng bên nhau tử tế, trong tình trạng tột cùng của sự ngu độn.

    Fix và Vạn Năng hiểu rằng họ đã bước vào một tiệm hút được những conngười khốn khổ, đần độn, gầy ốm, ngu xuẩn ấy lui tới, những con người mà nước Anh con buôn đã bán cho hàng hai trăm sáu mươi triệu đồng phật lăng cái thứ thuốc tai hại mà người ta gọi là thuốc phiện! Đáng buồn thay những thứ bạc triệu ấy kiếm chác trên một trong những thói xấu nguy hại bậc nhất của bản tính con người.

    Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng để trừ bỏ cái tệ nạn ấy bằng những giáo luật nghiêm khắc, nhưng vô hiệu. Từ tầng lớp giàu có, thoạt đầu nắm độc quyền hút thuốc phiện, tệ nạn này lan xuống các tầng lớp bên dưới, và những sự tàn phá của thuốc phiện không thể nào ngăn chặn được nữa. Người ta hút thuốc phiện khắp mọi nơi mọi lúc trong vương quốc thiên triều. Đàn ông và đàn bà đắm mình trong cái thú say mê thảm họa này, và khi đã quen với khói thuốc phiện thì họ không thể thiếu nó được nữa, nếu không sẽ phải chịu những cơn co giật khủng khiếp của dạ dày. Một người nghiện nặng có thể hút đến tám điếu một ngày, nhưng trong hai năm thì anh ta chết.

    Vậy mà, với ý định giải khát, Fix và Vạn Năng đã bước vào một trong những tiệm hút như thế nhan nhản ngay cả ở Hồng Kông này. Vạn Năng không có tiền, nhưng anh vui lòng đón nhận "cử chỉ lịch sự" của ông bạn anh, chỉ cần anh sẽ mời lại ông ta khi có dịp.

    Họ gọi hai chai Pooctơ, anh chàng Pháp uống thoải mái không khách khí, còn Fix, dè dặt hơn, chăm chú quan sát anh bạn của mình. Họ nói chuyện này chuyện nọ, nhất là về cái ý định tuyệt diệu của Fix sẽ đi tàu Carnatic. Và nhân nói đến cái tàu bể này, mà giờ khởi hành đã chuyển sớm lên mấy tiếng đồng hồ, Vạn Năng đứng dậy, các chai rượu lúc này đã cạn, để đi báo ông chủ mình.

    Fix níu anh lại.

    – Khoan tí đã. – ông nói.

    – Ông cần gì, ông Fix?

    – Cần nói với anh một chuyện quan trọng.

    – Quan trọng à? – Vạn Năng kêu lên, uống cạn một vài giọt rượu còn lại trong đáy cốc. – Thế thì để mai nói. Hôm nay tôi không có thời giờ.

    – Anh nán lại ngồi lại đây đã. – Fix đáp. – Đây là chuyện ông chủ anh!

    Nghe nói thế, Vạn Năng chăm chú nhìn ông bạn. Anh thấy nét mặt Fix có vẻ gì kỳ lạ. Anh ngồi lại.

    – Ông có chuyện gì cần nói với tôi nào? – Anh hỏi.

    Fix đặt bàn tay lên cánh tay anh bạn, và hạ thấp giọng, ông hỏi:

    – Anh đã đoán ra tôi là ai chưa?

    – Hẳn chứ! – Vạn Năng tủm tỉm nói.

    – Nếu vậy thì tôi sẽ thú hết với anh..

    – Thú bây giờ thì tôi đã biết tỏng cả rồi, ông bạn cáo già của tôi ơi! Chà! Cái chuyện chẳng hay ho gì! Dẫu sao thì ông cứ việc mà làm. Nhưng trước hết, tôi xin thưa với ông rằng các quý ngài quý phái ấy thật phí tiền vô ích!

    – Vô ích à! – Fix nói, – anh chỉ được cái nói liều. Rõ ràng anh không biết số tiền lớn như thế nào.

    – Biết chứ, sao lại không biết, – Vạn Năng đáp, – hai vạn livrơ.

    – Năm vạn rưỡi! – Fix nói lại, nắm chặt bàn tay người Pháp.

    – Sao! – Vạn Năng kêu lên, – ông Fogg đã dám!

    – Năm vạn rưỡi livrơ!.. Thôi được! Thêm một lý do không được để phí một giây, – anh nói thêm và lại đứng lên một lần nữa.

    – Năm vạn rưỡi livrơ! – Fix nói, và ép Vạn Năng ngồi lại, sau khi đã gọi một chai rượu mạnh "branđi", – và nếu thành công, tôi sẽ được một khoản tiền thưởng là hai nghìn livrơ. Anh có muốn được năm trăm trong số đó không? (12.500 phật lăng), với điều kiện là giúp tôi một tay.

    – Giúp ông à? – Vạn Năng kêu lên, hai mắt tròn xoe.

    – Phải, giúp tôi giữ ông Fogg lại vài ngày ở Hồng Kông!

    – Hử? – Vạn Năng bật lên, – ông nói gì vậy? Sao chưa vừa lòng cho người theo dõi ông chủ tôi, nghi ngờ lòng trung thực của ông, các ngài quý phái ấy còn muốn gây cho ông những trở ngại dọc đường! Tôi thật lấy làm nhục thay cho họ.

    – Chà chà! Anh nói gì thế? – Fix hỏi.

    – Tôi muốn nói đó là sự hoàn toàn vô liên sỉ. Chẳng khác gì bóc lột Ông Fogg, và thò tay vào túi ông móc tiền ra.

    – Ồ! Chính là chúng tôi muốn làm việc ấy!

    – Nhưng đó là một mưu ma chước quỷ! – Vạn Năng kêu lên, lúc này cũng đã nóng mặt do ảnh hưởng của chai rượu "branđi" ông Fix mời, mà anh uống mà không biết là mình uống, – mưu ma chước quỷ thật sự! Thế mà cũng gọi là những nhà quý phái đấy! Bạn đồng sự đấy!

    Fix bắt đầu chẳng hiểu mô tê gì nữa.

    – Bạn đồng sự đấy! – Vạn Năng kêu lên. – Hội viên Câu lạc bộ Cải cách đấy! Xin ông biết cho, ông Fix, ông chủ tôi là một người quân tử, và khi ông đánh cuộc, thì ông ấy muốn thắng cuộc một cách ngay thẳng.

    – Thế anh cho tôi là ai vậy? – Fix hỏi, chăm chăm nhìn Vạn Năng.

    – Còn ai nữa! Một chân tay của các ngài hội viên Câu lạc bộ Cải cách, có nhiệm vụ điều tra cuộc hành trình của ông chủ tôi, một việc làm nhục người ta ghê gớm! Cho nên, mặc dầu từ lâu nay tôi đã đoán ra ông, tôi vẫn cố giữ không nói cho ông Fogg biết!

    – Ông ta không biết gì hết ư? – Fix hỏi vội.

    – Không biết gì hết. – Vạn Năng cạn cốc một lần nữa đáp.

    Viên thanh tra cảnh sát đưa tay ôm trán. Ông ngập ngừng trước khi lại nói tiếp. Làm gì bây giờ? Sự nhầm lẫn của Vạn Năng có vẻ thành thực, nhưng nó khiến kế hoạch của ông khó khăn hơn. Rõ ràng anh đầy tớ này đã nói với tất cả lòng ngay thật, và hẳn không phải là kẻ tòng phạm của chủ hắn, điều mà Fix có thể e ngại.

    "Được rồi", – ông nghĩ bụng, – hắn đã không phải tòng phạm thì hắn sẽ giúp ta ".

    Viên thám tử lại quyết định một lần thứ hai. Vả chăng, ông ta cũng không còn thời gian chùng chình nữa. Bằng mọi giá phải bắt giam ông Fogg ở Hồng Kông.

    – Anh nghe đây. – Fix nói bằng một giọng cộc lốc, – anh nghe tôi cho rõ. Tôi không phải như anh tưởng, nghĩa là không phải người của hội viên Câu lạc bộ Cải cách.

    – Ô hay! – Vạn Năng nói và nhìn ông với một vẻ giễu cợt.

    – Tôi là thanh tra cảnh sát đang nhận một nhiệm vụ của nhà nước chính quốc..

    – Ông.. thanh tra cảnh sát!..

    – Phải, và tôi sẽ chứng minh cho anh thấy, – Fix lại nói. – Giấy ủy nhiệm của tôi đây.

    Và viên thanh tra rút trong ví ra đưa cho anh bạn xem một giấy ủy nhiệm do ông giám đốc sở cảnh sát trung ương ký. Vạn Năng ngây người nhìn Fix, không thốt lên được một lời.

    – Vụ đánh cuộc của tên Fogg – Fix lại nói – chỉ là một trò bày ra để bịp các anh, anh và các bạn đồng sự của hắn ở Câu lạc bộ Cải cách, vì hắn rất cần biến các anh thành những kẻ tòng phạm vô tình cho hắn.

    – Nhưng cớ sao? – Vạn Năng kêu lên

    – Anh nghe đây. Ngày 28 tháng chín vừa rồi, một vụ trộm năm vạn rưởi livrơ đã xảy ra ở Ngân hàng Anh do một kẻ mà người ta đã ghi được hình

    Dạng. Vậy mà hình dạng ấy đây, đúng từng tí với hình dạng tên Fogg.

    – Thôi đi! – Vạn Năng đấm mạnh nắm tay lực lưỡng của anh xuống mặt bàn kêu lên. Ông chủ tôi là con người lương thiện nhất trên đời!

    – Anh biết gì mà nói? – Fix đáp. – Thậm chí anh cũng chẳng biết hắn ta như thế nào! Anh vào làm việc cho hắn đúng ngày hắn ta ra đi, và hắn đã đi hấp tấp với một cớ vô nghĩa lý, không hòm xiểng, đem theo một đống bạc giấy kếch xù! Vậy mà anh dám quả quyết là một con người lương thiện!

    – Phải, phải! – chàng trai khốn khổ nhắc đi nhắc lại như cái máy.

    – Vậy anh cũng muốn bị bắt như một kẻ tòng phạm của hắn hay sao?

    Vạn Năng đưa hai tay ôm lấy đầu. Trông anh không còn nhận ra được nữa. Anh không dám nhìn viên thanh ra cảnh sát. Phileas Fogg là một tên kẻ cắp, ông, vị cứu tinh của bà Aouda, con người cao thượng và dũng cảm! Vậy mà người ta nêu lên bao nhiêu điều kết tội ông! Vạn Năng cố gạt bỏ những mối nghi ngờ cứ luồn vào trong tâm trí anh. Anh không muốn tin ông chủ của mình là kẻ phạm tội.

    – Rốt cuộc thì ông muốn gì ở tôi? – anh cố sức nén mình lại nói với viên thanh tra cảnh sát.

    – Thế này. – Fix đáp. – Tôi đã theo hút tên Fogg đến tận đây, nhưng tôi vẫn chưa nhận được lệnh bắt mà tôi yêu cầu Luân Đôn gửi tới. Vậy anh phải giúp tôi giữ hắn lại ở Hồng Kông..

    – Tôi ấy à! Ông muốn tôi..

    – Và tôi sẽ chia với anh món tiền thưởng hai nghìn livrơ của Ngân hàng Anh đã hứa!

    – Không đời nào! – Vạn Năng đáp, muốn đứng lên rồi lại ngã xuống, anh cảm thấy cùng một lúc mình đã mất hết cả trí khôn lẫn sức lực.

    – Ông Fix, – anh nói lúng búng, – cứ cho rằng tất cả những gì ông nói với tôi đều là sự thật.. cứ cho rằng ông chủ tôi là tên kẻ cắp mà ông tìm kiếm.. cái đó tôi không thừa nhận.. tôi đã.. tôi làm cho ông ấy.. tôi đã thấy ông ấy tốt bụng và cao thượng.. Phản bội ông ấy.. không đời nào.. không, dù đổi lấy tất cả vàng bạc trên trái đất này.. Tôi sinh ra ở một làng mà người ta không ăn phải cái bả ấy!..

    – Anh từ chối?

    – Tôi từ chối.

    – Vậy anh cứ coi như tôi đã không nói gì cả, – Fix đáp, – nào ta uống đi.

    – Phải, uống đi.

    Vạn Năng mỗi lúc một chuếch choáng. Fix muốn đánh anh gục hẳn. Ông hiểu rằng bất cứ giá nào cũng phải tách rời anh ta ra khỏi ông chủ anh. Trên bàn có vài cái tẩu đã nhồi sẵn thuốc phiện. Fix tuồn một tẩu vào tay Vạn Năng, anh cầm lấy, đưa lên miệng, châm lửa hít mấy hơi, rồi lại ngã ra, đầu óc nặng trĩu dưới tác dụng của chất ma túy.

    " Thế là ổn chuyện. – Fix nhìn Vạn Năng đã lịm đi. Nói – tên Fogg sẽ không được loan báo kịp thời về giờ khởi hành của tàu Carnatic, và nếu hắn đi, thì ít ra cũng là đi không có cái thằng Pháp khốn khiếp này!"

    Rồi ông trả tiền và đi ra.
     
    Heo Bảo Bảotatsuno jin thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...