Đọc hiểu: Qua nhà - Nguyễn Bính: Cái ngày cô chưa có chồng/Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 24 Tháng mười một 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu bài thơ "Qua nhà" - Nguyễn Bính bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu:

    Nhận biết: Nhận biết được các biểu hiện của thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật; bố cục, những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình; bối cảnh lịch sử - văn hóa; những biểu hiện trực tiếp của tình cảm, cảm xúc; đề tài của bài thơ..

    Thông hiểu: Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, vần, nhịp và các biện pháp tu từ; ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình; nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp; phát hiện và lí giải các giá trị đạo đức, văn hóa từ bài thơ.

    Vận dụng: Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do bài thơ gợi ra; nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với tình cảm, quan niệm, cách nghĩ của bản thân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc văn học; Thể hiện thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với các vấn đề đặt ra từ bài thơ.

    Vận dụng cao: Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ; Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu; so sánh được hai văn bản thơ cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; viết liên hệ với các vấn đề trong thực tiễn.

    Đọc hiểu: "Qua nhà" - Nguyễn Bính

    Đọc bài thơ sau:

    Cái ngày cô chưa có chồng

    Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

    Lối này lắm bưởi nhiều hoa

    (Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

    Một hôm thấy cô cười cười

    Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng

    Biết đâu, rồi chả nói chòng:

    "Làng mình khối đứa phải lòng mình đây!"

    Một năm đến lắm là ngày!

    Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng.

    Từ ngày cô đi lấy chồng

    Gớm sao có một quãng đồng mà xa

    Bờ rào cây bưởi không hoa

    Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

    Lợn không nuôi, đặc ao bèo

    Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn

    Giếng thơi mưa ngập nước tràn

    Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.

    (Nước giếng thơi -1957- Nguyễn Bính)

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai?

    Câu 3. Mục đích của chàng trai khi đi đường vòng là gì?

    Câu 4. Khi cô gái đi lấy chồng, cảnh vật thay đổi như thế nào qua con mắt chàng trai?

    Câu 5. Hình ảnh nắng chiều trong câu thơ cuối Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều gợi lên điều gì?

    Câu 6. Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đối lập trong bài thơ trên.

    Câu 7. Nhận xét về nhân vật trữ tình trong bài thơ trên.

    Câu 8. Nhận xét về ngôn từ, hình ảnh của bài thơ.

    Câu 9. Bài thơ viết về đề tài gì? Kể tên 2 bài thơ cùng đề tài đó.

    Câu 10. Khái quát nội dung của bài thơ.

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1.

    - Thể thơ: Lục bát (Trên 6, dưới 8)

    - Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là chàng trai - người xưng "tôi".

    Câu 3. Mục đích của chàng trai khi đi đường vòng là được đi qua nhà cô gái - người mà chàng trai thầm yêu trộm nhớ.

    Câu 4. Khi cô gái đi lấy chồng, qua con mắt chàng trai cảnh vật đã thay đổi:

    - Lúc cô chưa lấy chồng, cảnh đẹp đẽ, thơ mộng: Lắm bưởi, nhiều hoa.

    - Lúc cô gái đã lấy chồng: Cây bưởi không hoa, nhà vắng teo, ao nhiều bèo, giầu không leo giàn, nước tràn giếng thơi, nắng đầy 3 gian.

    Câu 5. Hình ảnh nắng chiều trong câu thơ cuối Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều gợi lên căn nhà trống trải, vắng người, chỉ có nắng chiều tràn ngập. Đây là không gian, thời gian của tâm trạng, gắn liền với cảm xúc buồn, hụt hẫng của chàng trai sau khi cô gái lấy chồng. Tâm trạng ấy nhuốm lên cảnh vật, khiến cảnh buồn, vắng lặng.

    Câu 6. Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đối lập trong bài thơ trên:

    - Nét đặc sắc của bài thơ là sử dụng nghệ thuật đối lập:

    + Đối lập giữa cảnh đẹp thơ mộng lúc cô gái còn xuân thì và cảnh tàn phai, hoang vắng khi cô gái đã lấy chồng;

    + Đối lập giữa cảm nhận gần - xa trên cùng một con đường đi: Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa >< Gớm sao có một quãng đồng mà xa.

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh tâm trạng nuối tiếc, hụt hẫng của chàng trai sau khi cô gái lấy chồng. Khi cô gái lấy chồng, thế giới của những mộng và mơ trong tâm trí của chàng trai tan biến. Con đường gần bỗng trở nên xa tít tắp, cảnh đẹp bỗng hóa hoang vu. Chỉ khi lòng người buồn bã, ưu phiền, mới có cảm nhận khác biệt như thế.

    + Giúp lời thơ thêm sinh động, hấp dẫn, mang đến những cảm nhận thú vị.

    Câu 7. Chàng trai trong bài thơ trên:

    - Là người rụt rè: Yêu cô gái nhưng chỉ để trong lòng, không dám thổ lộ.

    - Là người chân tình, mộc mạc, có tình cảm sâu nặng với người mình thương.

    Câu 8. Nhận xét về ngôn từ, hình ảnh của bài thơ:

    - Hình ảnh trong bài thơ vô cùng gần gũi, mộc mạc, mang những nét đặc trưng của làng quê Việt: con đường, hoa bưởi, bờ rào, quãng đồng, ao bèo, giầu không, giếng thơi..

    - Ngôn từ trong bài thơ tự nhiên, thể hiện cách nói quen thuộc bình dị hàng ngày: đấy thôi, hơi mất lòng, biết đâu, chả nói chòng, khối đứa, đến lắm là, gớm sao, chẳng buồn, đầy cả..

    Như vậy, từ hình ảnh đến ngôn ngữ trong bài thơ đều mang phong vị rất quê, đậm phong cách thơ Nguyễn Bính - nhà thơ của thôn quê.

    Câu 9. Bài thơ viết về đề tài tình yêu. Hai bài thơ cùng đề tài tình yêu: Chân quê (Nguyễn Bính) ; Tương tư (Nguyễn Bính).

    Câu 10. Khái quát nội dung của bài thơ:

    Tác phẩm đã thể hiện tình yêu chân thành, mộc mạc, bình dị của chàng trai thôn quê mà chưa một lần dám nói. Qua bài thơ, Nguyễn Bính đã khắc họa được tâm hồn, chân thật, bình dị mà tha thiết ân tình của con người thôn quê Việt Nam.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...