Cách viết một mở bài hay gây ấn tượng

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Bả tửu vấn nguyệt, 1 Tháng mười 2023.

  1. Mở bài là một vấn đề mà bất cứ người viết nào cũng quan tâm. Và để viết được một mở bài hay cũng đòi hỏi kĩ thuật. Vậy viết như thế nào?

    1. Vai trò của mở bài trong bài văn nghị luận văn học.

    - Đối với người viết: Tạo cảm hứng.

    - Đối với người đọc: Tạo được ấn tượng ban đầu.

    - Đối với bài văn: Khiến cho bài văn trở nên sáng hơn.

    2. Yêu cầu của một mở bài hay.

    - Đầu tiên là phải đúng, khoan hãy xét tính hay dở của mở bài, mà trước hết phải xét đến tính chính xác của nó.

    - Phải ngắn gọn và chuẩn. Một mở bài hay không thể dài dòng lan man hết cả mặt giấy được.

    - Độc đáo, mới lạ (yêu cầu sự sáng tạo).

    [​IMG]

    3. Một số cách viết mở bài hay.

    a) So sánh.

    - Cách 1: So sánh hai hoặc nhiều tác phẩm cùng chủ đề.

    Ví dụ đề bài yêu cầu phân tích "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu, vậy cùng viết về mùa thu như XD, ta có chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư. Vậy chúng ta có thể viết mở bài theo lối so sánh nhiều tác phẩm cùng chủ đề.

    "Bốn mùa tự lâu đã trở thành chủ đề xuyên suốt tiến trình văn học từ thuở hồng hoang cho đến thời hiện đại. Mỗi thi sĩ tìm đến bốn mùa đều lưu lại những hương sắc riêng. Theo tôi, mùa thu trong thi ca có lẽ là âm vang đặc biệt nhất, bởi đó là mùa phôi pha, là nốt chuyển giao giữa sự sống và cái chết, mùa thu có sự bịn rịn của những niềm vui sắp biến mất và cả những nỗi buồn hình thành ngày một rõ rệt. Từ trung đại, ta đã được thưởng lãm một mùa thu giản dị, thân thuộc và đơn sơ của làng quê Việt Nam qua chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến với" Thu ẩm "," Thu vịnh "và" Thu điếu ". Và khi nền thi ca Việt Nam xuất hiện Thơ mới, ta lại bắt gặp một" Tiếng thu "của Lưu Trọng Lư với" Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô ", đó là một thanh âm được cất lên bởi nỗi cô đơn, bơ vơ của con người lạc phương hướng trong thưở nước mất nhà tan. Ngay cả Xuân Diệu, một hồn thơ sóng sánh mùa xuân, cũng dành một góc nhỏ tâm hồn để ấp ủ màu hoen ố mỗi độ thu về. Qua thi phẩm" Đây mùa thu tới ", ta sẽ cảm nhận được tư vị của mùa phôi pha, một mùa thu có sắc, có tình qua lăng kính của" Ông hoàng thơ tình Việt Nam "."

    - Cách 2: So sánh hai tác phẩm đối lập nhau, có thể là đối lập về phong cách nghệ thuật.

    Ví dụ, Chế Lan Viên và Xuân Diệu là hai thi sĩ có phong cách đối lập nhau, một người muốn quay về quá khứ, một người lại bám rễ hiện tại. Vậy thì ta có thể viết mở bài như sau:

    "Cùng trưởng thành trong giai đoạn Thơ Mới nhưng mỗi thi sĩ lại có một cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Nếu Chế Lan Viên là kẻ mang trong mình nỗi đau vong quốc, luôn lang thang trong quá khứ để tìm về những tháp Chàm" đổ nát dưới thời gian ", thì Xuân Diệu lại là người biến trần gian thành khu vườn địa đàng, bám rễ vào bữa ngon của thiên đường trên mặt đất."

    - Cách 3: So sánh hai giai đoạn, hai nền văn học khác nhau.

    Ví dụ như so sánh hai nền văn học Đông - Tây hoặc giai đoạn Văn học hiện thực phát triển ở Việt Nam và Văn học Việt Nam hậu hiện đại (viết tương tự hai ví dụ trên).

    b) Đi từ đề tài, chủ đề.

    - Giống như tên của cách làm này, chúng ta sẽ viết mở bài đi từ chủ đề của tác phẩm.

    Ví dụ:

    "Trong thời kì văn học hiện thực phát triển, các nhà văn luôn chú trọng phản ánh số phận của những người lao động bình thường, những người thấp cổ bé họng trong xã hội, đồng thời vạch trần, phanh phui những ung nhọt, những mặt trái của xã hội. Không là ngoại lệ," Số đỏ "của Vũ Trọng Phụng đã góp phần gỡ bỏ tấm mặt nạ của giới thượng lưu thời bấy giờ, nơi mà một kẻ qua hai đời chồng lại được danh" Tiết hạnh khả phong ", một kẻ lông bông không tài không cán lại có thể bước lên thềm danh giá, trở thành một đốc tờ Xuân đức cao vọng trọng".

    c) Đi từ tác giả.

    Ví dụ phân tích "Người lái đò Sông Đà".

    "Nếu được phép nói về một nhà văn để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất, chắc tôi sẽ không tiếc giấy mực mà viết về phu chữ Nguyễn Tuân. Tôi tự hỏi làm sao một nhà văn lại có thể cuồng nhiệt với cái đẹp như thế. Từ trong" Vang bóng một thời ", tôi tìm thấy được một vẻ đẹp hoài cổ của một thời xa xăm. Từ trong những bút kí về Hà Nội, tôi tìm thấy cái thú ăn rất" nghệ thuật ", đặc biệt là phở Hà Nội, hiếm có nhà văn nào lại có cái lối viết tài hoa bậc nhất như Nguyễn Tuân, người đã so sánh việc ăn một bát phở giống như" nuốt một chiếc chăn bông vào bụng ". Với một lối viết chỉnh chu và sáng tạo, trong bài kí" Người lái đò Sông Đà ", Nguyễn Tuân đã cho độc giả thấy một hình tượng sông Đà kì vĩ cùng với hình ảnh người lái đò can đảm và tài hoa khi băng qua những khúc sông đầy nguy hiểm".

    d) Đi từ thể loại.

    - Có thể dùng những câu nói, câu thơ bàn về một thể loại nhất định để dẫn vào bài viết của mình.

    Ví dụ đề bài muốn hỏi về chức năng của thơ.

    "Có những phút ngã lòng

    Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy".

    Phùng Quán đã từng viết như thế khi nói về những vần thơ. Thơ quả thực không chỉ là sản phẩm tinh thần đơn thuần qua quá trình mài dũa của người nghệ sĩ, mà nó đã trở thành điểm tựa cho tâm hồn của mỗi con người. Thơ khởi phát từ thuở hồng hoang và sẽ làm bạn với con người cho đến ngày tận thế, Hoài Thanh cũng đã nói đại ý như vậy. Không chỉ tác động lên người đọc, thơ cũng chính là chỗ dựa lớn cho những thi sĩ, bởi nó chính là sản phẩm được sinh ra từ khát khao muốn được giãi bày, muốn được đồng cảm của những con người luôn mang nặng nỗi đau với đời. "

    e, Đi từ một vấn đề LLVH:

    - Các vấn đề LLVH thường được dùng cho mở bài là văn học và hiện thực, tình cảm trong văn học, sứ mệnh nhà văn, chức năng văn chương, đăc trưng truyện hoặc thơ..

    VD khi mở bài cho" Mùa xuân chín ", bạn có thể dẫn từ câu nhận định LLVH về đặc trưng thơ

    Người ta vẫn hay nói" Người thơ phong vận như thơ ấy', "Thơ là sự lên tiếng của thân phận con người". Nhìn vào thi sĩ Hàn Mặc Tử, ta mới thấy nhận định ấy không sai. Khi bị bệnh tật giày vò, những trang thơ của "thi sĩ Đau Thương" ấy quằn quại thê thiết: "Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt/ Mộng có thành là mộng ở đầu hôm". Nhưng có ai biết răng trước đó cũng có một Hàn Mặc tử yêu đời bằng cả cõi long tha thiết nhất, dành trọn tình yêu cho thiên nhiên và con người khi vào xuân trong "Mùa xuân chín"?


    (Có tham khảo và bổ sung thêm từ Bún riêu ốc văn vở)

    F, Bắt đầu từ những câu thơ hay do cùng tác giả đó viết:

    Ví dụ khi phân tích "Tây Tiến", bạn có thể dẫn:

    "Mây ở đầu ô

    Mây lang thang

    Ôi! Chật làm sao

    Góc phố phường"

    Người viết nên những câu thơ như mơ như nhạc ấy không ai khác chính là "áng mây trắng xứ Đoài" Quang Dũng. Là con người trưởng thành trong khói lửa chiến tranh nhưng thơ Quang Dũng vẫn luôn giữ một sự hào hoa lãng mạn của chàng trai Hà thành. Ta thấy được đặc trưng đó trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng, một áng thơ hào hùng nhưng lại rất đỗi hào hoa..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...