Một mùa thi lại đang đến gần, và hẳn các sĩ tử lớp 12 đang cảm thấy đau đầu, trăn trở với những bài văn Nghị luận văn học, có phải không nào? Để giúp các bạn thêm phần tự tin khi làm môn Ngữ Văn, mình xin phép gửi đến các bạn những mở bài vô cùng dễ nhớ, dễ thuộc và cũng dễ ăn điểm từ tác phẩm Tây Tiến nhé! Cảm nhận 14 câu thơ đầu: Mẫu 1: Nhà thơ Bằng Việt từng viết: "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ Như áng mây ngũ sắc ngủ trong đầu" Thật vậy, có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm lại như "dòng sông đỏ nặng phù sa", như "bản trường ca rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn" để rồi in dấu và chạm khắc trong tâm khảm ta những gì đẹp nhất. Đó phải chăng là những tác phẩm đã vượt qua mọi băng hoại của thời gian, để trở thành bài ca đi cũng năm tháng để lại trong tâm hồn bạn đọc bao thế hệ những dư ba chẳng thể nào quên. Một trong số bài ca đó phải kể đến Tây Tiến của người nghệ sĩ đa tài Quang Dũng. Trong bài thơ, vần nào cũng hay, cũng lắng đọng, đặc biệt là đoạn: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi [..] Mai Châu mùa em thơm nếp xôi." Đã khắc họa rõ nét thiên nhiên Tây Bắc và chặng đường hành quân gian khổ của người lính. Mẫu 2: Trong lời ai điếu đọc trước lễ tang Quang Dũng, nhà thơ Trần Lê Văn có nói: "Trong một tác phẩm văn xuôi viết về rừng, anh có nói đến chim sơn tiêu – một loài chim lạ, lông chim màu đỏ rực đẹp như ánh chiều rực rỡ. Chim sơn tiêu một hôm bay qua rừng nguyên thủy Cúc Phương đánh rơi một cái lông rồi bay đi mất, chim hiếm bay đi để lại một cái lông rực đẹp cũng là đáng quý." Có thể nói, Quang Dũng cũng là cánh chim sơn tiêu của xứ Đoài mây trắng. Cánh chim ấy đã bay vào cõi vĩnh hằng nhưng đã kịp để lại một cánh lông quý. Ấy là thi phẩm Tây Tiến. Bài thơ ra đời cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh khi nhà thơ nhớ về đơn vị cũ. Thi phẩm có bốn khổ giống như bốn đợt sóng trong kí ước và trong đó, những câu thơ cảm nhận dưới đây là khổ thơ mở đầu. Quang Dũng đã tái hiện thành công rừng núi Tây Bắc và chân dung người lính Tây Tiến anh hùng: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi [..] Mai Châu mùa em thơm nếp xôi." Mẫu 3: "Thơ chỉ tràn ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật đầy." Thật vậy, nhận định của nhà thơ Tố Hữu đã đề cập đến một trong những đặc trung của thơ: "Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời." Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã trở thành một hiện tượng đặc biệt có sức sống lâu bền mà trước hết phải kể đến yếu tổ cảm xúc của bài thơ. Chính những nhịp rung mãnh liệt trong tâm hồn chàn thi sĩ khi hồi tưởng về một thời bom lửa đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ. Xuyên suốt thi phẩm là nỗi nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ kỉ niệm ấm áp tình quân dân và xúc cảm chân thành ấy được chưng cất thành những vần thơ thật đẹp trong đoạn mở đầu: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi [..] Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Cảm nhận 8 câu thơ khổ 2: Mẫu 1: Thơ ca kháng chiến chống Pháp viết về người lính ái quốc có nhiều. Cảm hứng về những hồn thơ cách mạng, Quang Dũng là nhà thơ của xứ Đoài mây trắng cũng góp vào đề tài này một giọng điệu riêng bởi sự khắc họa tài hoa những chàng trai Thăng Long – Hà Nội của một thời trận mạc. Tây Tiến là bài thơ được Quang Dũng sáng tác vào năm 1948 tại Phù Lưu Chanh (Hà Đông cũ) khi nhà thơ nhớ về đơn vị cũ của mình. Trong đó, những câu thơ bình giản dưới đây là khổ thơ thứ hai của bài thơ ấy. Bằng cảm hứng lãng mạn thuần khiết, Quang Dũng đã tái hiện thành công đêm vui liên hoan văn nghệ và bức tranh sông nước miền Tây: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa [..] Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa." Mẫu 2: "Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ" (Lê Đạt) Có phải vì thế mà chỉ khi đến với Quang Dũng chúng ta mới cảm nhận được những tiếng thơ rất đỗi lãng mạn mà lại đậm chất sử thi như thế. Ngòi bút tài hoa của nhà thơ đã làm nên hương vị rất riêng, rất Quang Dũng. Thơ ông khắc họa được cái dữ dội, hào hùng, cái khí thế của con người và đất trời trong kháng chiến khói lửa kiêu hùng và cứng cỏi. Dẫu là một bông hoa trên chiến trường khốc liệt nhưng Quang Dũng đã thổi hồn vào Tây Tiến một luồng gió mới, "tươi mát sâu lắng". Và đó là sự rung động của tâm hòn thi sĩ trước cảnh vật và con người. Bài thơ mặc dù nhuốm màu đau thương, những mất mát của chiến tranh nhưng không hề bi lụy mà vụt sáng lên bằng ý chí, nghị lực, lòng lạc quan yêu đời đáng quý của người chiến sĩ. Đặc biệt là những vần thơ ở khổ thứ hai của bài thơ Tây Tiến càng cho ta thấm đượm tinh thần cao quý ấy: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa [..] Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa." Mẫu 3: Nhà thơ Quang Dũng là một sự xuất hiện đầy độc đáo trên thi đàn văn học Việt Nam. Thi sĩ "đứng riêng một ốc đảo" tự mình tỏa cho đời những bông hoa tinh khôi quyến luyến. Là một người nghệ sĩ đa tài, thông tinh cầm, kì, thi, họa nên ta thường thấy bóng hình những yếu tố họa, nhạc đan xen cùng lời thơ Quang Dũng. Những trang thơ Quang Dũng kết tinh lấp lánh vẻ đẹp tàu hoa của người nghệ sĩ, mang đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bài thơ Tây Tiến được sáng tác khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác ở Phù Lưu Chanh trong nỗi nhớ da diết núi rừng Tây Bắc và đoàn binh Tây Tiến. Với Tây Tiến, Quang Dũng thực sự khẳng định được tài hoa vượt bậc, một hồn thơ hết sức nồng hậu, độc đáo của mình, đặc biệt là trong đoạn thơ: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa [..] Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."
Cảm nhận 8 câu thơ khổ 3: Mẫu 1: Thơ ca là tiếng nói hồn nhiên nhất của lòng người. Thơ là tiếng mẹ, giọng bà, là lời ru cây cỏ, là tiếng vọng non sông. Thơ đến với cuộc đời bằng tấm chân tình, bằng xúc cảm dạt dào trong trái tim người chiến sĩ. Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn một con người. Tâm hồn của Quang Dũng, người thi sĩ của "xứ Đoài mây trắng" cũng được soi chiếu qua những vần thơ bất hủ vì một lẽ giản đơn như thế. Đặc biệt, "Tây Tiến" đã làm nên tên tuổi và những giá trị còn mãi của nhà thơ trên diễn đàn văn học. Hồn thơ phóng khoáng, nồng hậu rất riêng, rất mới trong từng câu chữ được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ thứ ba của bài: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc [..] Sông Mã gầm lên khúc độc hành." Mẫu 2: Trong cuộc đời mỗi con người, những gì gắn bó thân thiết đậm sâu nhất khi chia xa sẽ trở thành những kí ức khó mà phai nhạt. Và khi những kí ức ấy sống dậy, vang dội trong lòng người để cất lên tiếng nói của tình cảm mãnh liệt nhất. Và mỗi khi kí ức thoáng hiện lên như thế, người nghệ sĩ đem lòng mình trải phẳng lên trang và Tây Tiến của Quang Dũng chính là một tiếng thơ như thế. Trong niềm nhớ xa xăm một thời binh lửa, ta gặp lại hình ảnh người lính hào hùng, hào hoa thủa nào hiện lên thật đẹp qua ngòi bút thấm đẫm chất bi tráng và cảm hứng lãng mạn của nhà thơ. "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc [..] Sông Mã gầm lên khúc độc hành." Mẫu 3: Nói về tính độc đáo của phong cách sáng tác văn học, có ý kiến cho rằng: "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ, thể hiện trong tác phẩm của mình." Thật vậy, tác động vào tâm hồn con người không phải là chuyện dễ, để đột phá vào thế giới ấy thật riêng từ và đòi hỏi sự khéo léo cao độ, nhà văn, nhà thơ cần dùng một phương tiện cũng phải thật riêng: Phong cách độc đáo. Nếu như Chính Hữu nổi bật với những vần thơ giản dị, mộc mạc, Phạm Tiến Duật được người đời ưa thích bởi chất ngang tàn, hiện thực trong lời thơ thì những trang tâm hồn Quang Dũng lại được đón nhận nồng nhiệt bởi nét hào hoa phong nhã mà cũng rất đỗi sử thi của nhà thơ cầm súng. Đặc biệt, bài thơ Tây Tiến có thể coi là một áng thơ nức danh trong thời khi khói lửa bom đạn của dân tộc đã đem đến những trải nghiệm lí thú và trọn vẹn cho bạn đọc. Đặc biệt là khổ thơ thứ ba với bóng hình người lính được khắc tạc vừa nên thơ mà cũng thật nghẹn ngào: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc [..] Sông Mã gầm lên khúc độc hành."
Cảm nhận 4 câu thơ khổ cuối: Bấm để xem Mẫu 1: Nếu có hái được trăng sao, người ta đã chẳng cần mơ ước. Nếu ra đi mà còn trở lại, chiến trường phải chăng chẳng đến nỗi đáng sợ như thế! Những người lính dù là địch hay ta thì khi ra chiến trường đều mong sao được ngày đoàn tụ, sum vầy. Thế nhưng cái ước mơ nhỏ nhoi ấy lại thật khó có thể thành hiện thực, nhất là trong khi mạng sống của các anh luôn bị đe dọa trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Là một người lính, nhà thơ Quang Dũng cũng thấu hiểu lẽ thường ấy hơn bao giờ hết, bởi vậy chăng mà những vần thơ Tây Tiến mới thật nghẹn ngào xúc động, nhất là khi Quang Dũng và đồng đội đã xác định rõ chẳng còn đường trở lại: "Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường lên thăm thẳm một chia phôi Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" Mẫu 2: Mùa xuân trong ý thơ Xuân Diệu là mùa của tình yêu, mùa của vội vã; trong ý thơ Hồ Chủ Tịch, xuân là khi đất nước vẹn tròn thì nay ta lại bắt gặp một sắc xuân trong thơ Quang Dũng, tuy không xa lạ, độc đáo mà lại ý vị đến bất ngờ. Ấy là khi ta bắt gặp nét xuân xanh mà những người lính đã đóng góp để làm nên mùa xuân của Đất Nước: "Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường lên thăm thẳm một chia phôi Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" Mẫu 2: Buồn đau là biển cả. Hạnh phúc là ngọc châu. Muốn tìm được ngọc châu phải lặn sâu nơi biển cả. Chân lí ấy cũng đúng đắn với dòng chảy của văn chương, bởi văn chương đòi hỏi những người nghệ sĩ phải không tiếc hiến dâng linh hồn và thể xác mình để làm nên một trang văn đẹp. Những người nghệ sĩ cần cù hiến tặng "vạn chuyến ong bay" chỉ để làm nên một vài từ duy nhất. Với Quang Dũng, phải chăng đó là "Tây Tiến". Tây Tiến không chỉ được gợi lên qua niềm thương niềm nhớ mà còn được thiêng liêng hóa qua dáng hình của những người con yêu nước, qua cốt cách oai hùm của các anh và cả những lí tưởng và ý chí sắt đá các anh luôn đeo đuổi. Nổi bật cho những tư tưởng ấy chính là khổ thơ cuối bài: "Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường lên thăm thẳm một chia phôi Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"