Mọi người cho mình hỏi là với dạng đề chứng minh/ làm sáng tỏ một ý kiến/ nhận định thì có nên lồng phần mở rộng (bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận) vào phần kết bài không? Tại vì mình sợ khi làm bài thi sẽ không đủ thời gian viết hoặc bí ý, không nghĩ ra nhiều ý tưởng cho phần mở rộng. Cảm ơn mọi người!
Lại là mình đây! Để mình trả lời cho bạn một chút nhé! Mình nghĩ rằng KHÔNG nên lồng phần mở rộng vào kết bài mà thay vào đó, nên để nó ở phần trên. Trước hết, Kết bài là nơi để bạn TÓM GỌN nội dung toàn bộ bài viết của bạn. Ví dụ khi bạn phân tích đề: "Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học" qua một tác phẩm thì phần kết bài, bạn cần nêu lại tính đúng đắn và phổ quát của nhận định và những yếu tố khiến cho bạn sử dụng tác phẩm nào đó để chứng minh. Nếu là mình, mình sẽ chứng minh qua tác phẩm Vợ Chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài và mình có thể kết bài ngắn gọn lại như sau: "Lặng lẽ trôi giữa suối nguồn văn học nghìn đời bất diệt, mỗi con chim xanh của thi ca nhạc họa cứ tự nhiên mà độc đáo hứng trọn những giọt máu đào tươi trẻ của cuộc đời, ủ ấm chúng bằng tình yêu, đam mê và nhân đạo để chờ ngày diễn sinh. Bởi" Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học ", bởi Mị khổ quá, A Phủ khổ quá, nên từng trang văn Tô Hoài mới thấm đầy ý vị nghệ thuật vị nhân sinh. Không chỉ đề cao vai trò của nghệ thuật trong cuộc sống, nhận định của Tố Hữu còn khẳng định mối quan hệ khăng khít của những hồn đồng điệu và Tô Hoài đã kết tinh tất thảy trong" Vợ chồng A Phủ "của mình" Viết như vậy, nghĩa là bạn đã có phần mở đầu: Lặng lẽ trôi giữa suối nguồn văn học nghìn đời bất diệt, mỗi con chim xanh của thi ca nhạc họa cứ tự nhiên mà độc đáo hứng trọn những giọt máu đào tươi trẻ của cuộc đời, ủ ấm chúng bằng tình yêu, đam mê và nhân đạo để chờ ngày diễn sinh, phần liên hệ, lí do bạn chọn tác phẩm để chứng minh: Bởi "Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học", bởi Mị khổ quá, A Phủ khổ quá, nên từng trang văn Tô Hoài mới thấm đầy ý vị nghệ thuật vị nhân sinh và cuối cùng là những ý chính bạn đã chứng minh trong bài: Không chỉ đề cao vai trò của nghệ thuật trong cuộc sống, nhận định của Tố Hữu còn khẳng định mối quan hệ khăng khít của những hồn đồng điệu và Tô Hoài đã kết tinh tất thảy trong "Vợ chồng A Phủ" của mình Một mở bài như vậy có thể coi là đầy đủ và đạt yêu cầu rồi đó ạ! Bạn nên viết phần mở rộng ở đoạn trên như một phần liên hệ riêng biệt, một luận điểm mở rộng riêng để cho phần Kết bài không bị quá dài và thừa ý. Cụ thể, sau khi bạn đã phân tích và cô đọng nhận định, bạn có thể tách một đoạn mới và dẫn dắt vào những vấn đề mở rộng: Người đọc nên như thế nào, nhà văn ngày nay ra sao, nền văn học hiện nay đang phát triển như thế nào, còn đỉnh cao như trước hay không.. Phần liên hệ này có rất nhiều ý và nếu bạn viết chúng trong phần Kết bài, nếu đầy đủ thì quá dài, đi xa quá bạn không tóm được ý cuối để chốt vấn đề nữa mà nếu như quá ngắn thì nó chỉ mang tính chất liệt kê chứ không hề bàn luận, vô hình chung khiến bài của bạn bị đánh giá là nông, có luận điểm nhưng không được khai thác triệt để. Như vậy, theo những gì mình được học thì không nên viết phần mở rộng ở kết bài mà nên để nó riêng một đoạn phía trên nếu bạn muốn. Ngắn cũng được nhưng cứ tách nó ra thì giám khảo sẽ dễ thấy những luận điểm và dễ cho điểm hơn. Mọi người đều thích sự rõ ràng bạn nhé! Chúc bạn học tốt!