Chương 30 –Chỉ làm bổn phận của mình Bấm để xem Vạn Năng và hai hành khách đã mất tích. Họ bị giết chết trong cuộc chiến đấu chăng? Họ bị bọn Sioux bắt làm tù binh chăng? Chưa thể biết được. Số người bị thương khá nhiều, nhưng không ai bị tử thương. Một trong những người bị thương nặng nhất là đại tá Proctor, ông ta đã dũng cảm chiến đấu, và một viên đạn trúng nách và quật ngã ông. Ông được khiêng xuống ga cùng những hành khách khác mà tình trạng đòi hỏi cấp cứu ngay tức khắc. Bà Aouda vẫn nguyên lành. Phileas Fogg đã chiến đấu không tiếc sức mình, mà không hề bị xây xát. Fix bị thương nhẹ ở cánh tay. Nhưng Vạn Năng thì không còn, và những giọt lệ ướt đẫm đôi mắt người thiếu phụ. Khi ấy tất cả các hành khách đã rời khỏi con tàu. Bánh xe các toa tàu đều bê bết máu. Ở các trục và nan hoa lủng lẳng những mảnh thịt không ra hình thù. Người ta nhìn thấy xa tít trên cánh đồng trắng những vệt đỏ kéo dài. Những người da đỏ cuối cùng lúc này đã mất hút về phương nam, ở mạn sông Cộng Hòa. Ông Fogg khoanh tay đứng im lặng. Ông đang phải quyết định một điều quan trọng. Bà Aouda đứng bên ông, nhìn ông không nói.. Ông hiểu cái nhìn đó. Nếu người hầu của ông bị bắt làm tù binh, lẽ nào ông không phải hy sinh tất cả để cướp lại anh ta từ tay bọn cướp? – Tôi sẽ lại tìm thấy anh ta, dù anh ta còn sống hay đã chết. – Ông chỉ đơn giản nói với bà Aouda như vậy. – Trời! Ông.. ông Fogg! – Thiếu phụ kêu lên, nắm lấy hai bàn tay người bạn, nước mắt bà ướt đẫm đôi tay ông. – Còn sống! – Ông Fogg nói tiếp, – nếu ta đừng để lỡ một giây phút! Khi quyết định như thế, Phileas Fogg đã hoàn toàn hy sinh bản thân mình. Ông vừa tuyên cáo sự phá sản của ông. Chỉ một ngày chậm lại sẽ làm ông lỡ chuyến tàu bể ở Nữu Ước. Ông sẽ thua cuộc không cách gì gỡ được. Nhưng trước ý nghĩ. "Đó là bổn phận của ta!" ông đã không do dự. Viên đại úy chỉ huy pháo đài Kearney đứng đó. Quân lính của ông – khoảng một trăm người – đang bố trí phòng ngự đề phòng bọn Sioux mở cuộc tấn công thẳng vào nhà ga. – Thưa ông, – Ông Fogg nói với viên đại uý, –.. ba hành khách đã mất tích. – Chết à? – viên đại uý hỏi. – Chết hoặc bị bắt. – Phileas Fogg đáp. – Đó còn là một điều nghi vấn phải giải quyết. Ông có ý định truy lùng bọn Sioux không? – Việc hệ trọng ấy, thưa ông, – viên đại uý nói. – Bọn này có thể chạy trốn đến tận bên kia sông Arkansas! Tôi không thể bỏ pháo đài tôi phụ trách. – Thưa ông, – Phileas Fogg lại nói, – đây là tính mạng của ba con người. – Hẳn thế.. nhưng liệu tôi có thể hy sinh tính mạng của năm mươi người để cứu lấy ba người được không? – Tôi không biết ông có thể hay không có thể, thưa ông, nhưng ông có bổn phận làm việc ấy. – Thưa ngài, – viên đại uý đáp. – Ở đây không ai phải dạy tôi về bổn phận của tôi cả. – Được, – Phileas Fogg lạnh lùng nói, – tôi sẽ đi một mình! – Ấy kìa ông! – Fix bước tới kêu lên, – sao lại một mình đuổi theo bọn cướp! – Vậy ông muốn tôi để chết con người khốn khổ đã đem lại cuộc sống cho tất cả những người đang sống ở đây ư? Tôi sẽ đi. – Thế thì không, ông không đi một mình! – viên đại uý ấy bất giác xúc động kêu lên. – Không! Ông là một tấm lòng vàng!.. Ba mươi người tình nguyện! – ông nói tiếp, quay lại phía quân lính của mình. Toàn đại đội tiến lên một loạt. Viên đại uý chỉ còn việc chọn trong những con người tốt bụng ấy. Ba mươi người lính được cử ra, dưới quyền chỉ huy của một viên đội trưởng dạn dày chiến đấu. – Cảm ơn ngài đại uý! – Ông Fogg nói. – Ông cho phép tôi cùng đi với ông không? – Fix hỏi nhà quý phái. – Ông cứ làm theo ý định của ông. – Phileas Fogg đáp. – Nhưng nếu ông muốn giúp tôi, xin ông trở lại bên bà Aouda. Trong trường hợp tôi có làm sao.. Khuôn mặt viên thanh tra cảnh sát bỗng tái đi đột ngột. Xa rời con người mà ông đã theo sát từng bước bền bỉ đến thế! Để mặc hắn xông pha như vậy trong cái chốn hoang vu này! Fix đăm đăm nhìn nhà quý phái, và dù ông có tức tối điều gì, có mang thành kiến gì, có những ý nghĩ gì khác nhau giằng xé trong người, ông cúi đầu trước cái nhìn điềm tĩnh và thẳng thắn ấy. – Tôi ở lại, – ông nói. Một lát sau. Ông Fogg bắt tay từ biệt người thiếu phụ, rồi sau khi đã trao cho bà cái xắc du lịch quý giá của ông, ông ra đi với người đội trưởng và đơn vị chiến đấu. Nhưng trước khi đi ông nói với quân lính: "Các bạn, có một nghìn livrơ tặng các bạn, nếu chúng ta cứu được những anh em bị bắt!" Lúc ấy là giữa trưa quá vài phút. Bà Aouda lại về một căn phòng ở phía nhà ga, và tại đây, một mình ngồi đợi, bà nghĩ đến Phileas Fogg, đến tấm lòng cao thượng giản dị và vĩ đại ấy, đến tinh thần quả cảm bình tĩnh ấy. Ông Fogg đã hy sinh tài sản của ông, và bây giờ ông liều cả thân mình, ông làm tất cả những việc ấy không do dự, vì bổn phận, âm thầm lặng lẽ. Trước mắt bà, Phileas Fogg là một anh hùng. Viên thanh tra Fix thì không nghĩ như thế và ông không thể nén được những náo động trong lòng. Ông đi dạo bước trên sân ga, người như lên cơn sốt. Sau một phút bị ngợp, ông trở lại là mình. Fogg đi rồi, ông hiểu ra sự ngu xuẩn của ông ta đã để hắn đi mất! Sao? Cái người ông vừa mới theo gót vòng quanh thế giới, mà nay lại bằng lòng thả hắn ra! Bản tính ông lại nổi lên, ông tự buộc tội, tự lên án, tự xét xử mình cứ như ông là giám đốc ở cảnh sát chính quốc đang quở trách một nhân viên bị bắt quả tang về tội ngu dại. "Mình khờ quá! – ông nghĩ. – Thằng hầu kia chắc chắn đã cho hắn biết ta là ai! Hắn chuồn rồi, hắn sẽ không trở lại nữa! Biết tóm cổ hắn ở đâu bây giờ? Nhưng sao ta lại có thể mê hoặc như thế, ta, Fix, ta, là người đã nắm trong tay lệnh bắt hắn! Ta thật đúng chỉ là một con vật!" Viên thanh tra cảnh sát cứ lý sự như thế, trong khi thời gian trôi đi vô cùng chậm chạp. Ông không biết nên làm thế nào. Đôi lần ông đã muốn nói toạc ra hết với bà Aouda. Nhưng ông hiểu bà sẽ tiếp nhận ông ra sao. Biết quyêt định sao bây giờ? Ông ta ngứa ngáy muốn băng qua cánh đồng trắng mênh mông đuổi theo tên Fogg ấy. Ông thấy việc tìm hắn cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm không làm được. Những vết chân của quân đội hãy còn in trên tuyết kia!.. Nhưng chẳng mấy chốc mọi dấu vết đều bị xóa sạch dưới một lớp tuyết mới. Thế là Fix hoàn toàn thất vọng. Ông cảm thấy không biết gì nữa chỉ muốn bỏ cuộc. Vậy mà chính lúc này đây, ông lại đang có cơ hội rời khỏi nhà ga Kearney và từ bỏ cuộc viễn du đầy dẫy những trắc trở. Thật vậy, vào khoảng hai giờ chiều, giữa lúc tuyết rời từng nắm lớn, người ta nghe thấy tiếng còi tàu rúc lên từng hồi dài từ phía đông vọng đến. Một bóng đen khổng lồ đằng trước chiếu ra một luồng ánh sang đỏ quạch tiến lên chậm chạp, nhìn qua bầu sương mù thấy to lên ghê gớm và mang một vẻ kỳquái. Tuy vậy người ta chưa hề chờ đợi một đoàn tàu nào từ phía đông tới lúc này. Tàu cứu viện được yêu cầu bằng điện báo không thể đến sớm như thế, còn đoàn tàu từ Omaha đi San Francisco phải ngày mai mới qua đây. Nhưng chẳng mấy chốc rồi người ta cũng rõ. Cái đầu tàu kia, đang chạy chầm chậm và rúc lên những hồi còi đinh tai, chính là cái đầu tàu đã tách ra và tiếp tục chặng đường của nó với tốc độ khủng khiếp, mang theo bác thợ đốt lò và bác thợ máy bất tỉnh nhân sự. Nó đã chạy trên đường ray một quãng khá xa; rồi ngọn lửa tàn dần vì thiếu chất đốt; áp suất hơi nước yếu đi, cái đầu máy cứ giảm mãi tốc độ, cuối cùng một giờ sau dừng lại ở quá ga Kearney hai mươi dặm. Cả bác thợ máy và bác thợ đốt lò không ai chết, và sau một cơn ngất khá dài. Họ hồi tỉnh. Lúc bấy giờ cái đầu tàu đã đỗ lại. Khi bác thợ máy thấy mình ở nơi hoang vắng, cái đầu tàu trơ trọi không còn toa đằng sau, ông hiểu chuyện gì xảy ra. Cái đầu tàu đã tách khỏi đoàn tàu ra sao thì ông không rõ. Nhưng ông biết chắc là đoàn tàu còn rớt lại phía sau đang nguy khốn. Bác thợ máy không do dự trước công việc phải làm. Tiếp tục con đường theo hướng Omaha là khôn ngoan; quay lại với đoàn tàu, mà có lẽ bọn da đỏ còn đang cướp phá. Thì thật là nguy hiểm. Mặc! Những xẻng than và củi cứ tống vào lò, ngọn lửa lại bùng lên, áp suất lại tăng lên, và khoảng hai giờ chiều, cái đầu máy chạy lùi trở lại ga Kearney. Chính là nó đang rúc còi trong sương mù. Các hành khách hài lòng vô kể khi họ nhìn thấy đầu tàu ở đằng trước con tàu. Họ sắp được tiếp tục cuộc hành trình đã bị đứt đoạn không may đến thế. Khi cái đầu máy đến. Bà Aouda bước ra ngoài ga cà hỏi bác xa trưởng: – Ông sắp cho đi đấy ư? – Thưa bà. Ngay bây giờ đây. – Nhưng còn những anh em bị bắt kia.. những người bạn đáng thương của chúng ta.. – Tôi không thể để giao thông đứt đoạn, – bác xa trưởng đáp. – Chúng ta đã chậm mất ba tiếng đồng hồ. – Thế chuyến tàu sau từ San Francisco sẽ qua đây lúc nào? – Thưa bà, chiều mai. – Chiều mai! Thế thì chậm quá. Các ông phải đợi.. – Không thể được, – bác xa trưởng đáp. – Nếu bà muốn đi, xin mời bà lên Tàu. – Tôi không đi, – người thiếu phụ đáp. Fix đã nghe được câu chuyện ấy. Vài phút trước, khi mọi phương tiện giao thông đều không có, ông ta đã quyết định rời khỏi Kearney, nhưng giờ đây khi đoàn tàu đứng kia sẵn sàng lao đi, ông chỉ việc ngồi lên chỗ mình trong toa, thì một sức mạnh không cưỡng được níu ông lại dưới đất. Cái sân ga này nóng bỏng dưới chân ông, và ông không thể dứt ra khỏi nó. Cuộc đấu trí bắt đầu trong ông. Cơn giận vì thất bại làm ông nghẹn thở. Ông muốn đấu tranh đến cùng. Trong khi ấy, các hành khách và vài người bị thương – trong đó có đại tá Proctor bị thương nặng – đã về chỗ trong các toa tàu. Người ta nghe tiếng réo của nồi xúp de nóng rực và hơi nước phì ra qua các nắp hơi. Bác thợ máy rúc còi. Đoàn tàu chuyển bánh. Và chẳng bao lâu mất hút, làn khói trắng của nó hòa lẫn với cơn lốc tuyết. Viên thanh tra Fix đã ở lại. Vài tiếng đồng hồ trôi qua. Tiết trời rất xấu, rét như cắt da cắt thịt. Fix ngồi im không động đậy trên một ghế dài ở nhà ga. Người ta có thể tưởng là ông ta đang ngủ. Bà Aouda, mặc cho gió giật, chốc chốc lại ra khỏi ga, cố nhìn quanh cơn bão tuyết, muốn chọc thủng bầu trời sương mù đang thu hẹp chân trời lại chung quanh bà, nghe ngóng xem có tiếng động nào không. Nhưng không có gì cả. Bà lại trở về buồng, lạnh cóng, để một lúc sau lại quay ra, và bao giờ cũng phí công vô ích. Chiều tối, toán quân không thấy về. Lúc này nó ở đâu? Nó có đuổi kịp bọn da đỏ không? Cuộc chiến đấu có xảy ra không. Hay là những người lính ấy lạc trong sương mù, đang lang thang mò mẫm? Viên đại uý pháo đài Kearney rất lo lắng, mặc dầu ông không muốn để lộ gì ra mặt. Đêm đến, tuyết rơi ít hơn, nhưng trời càng lạnh buốt. Người gan dạ nhất nhìn vào khoảng tối mênh mông dày đặc này cũng kinh hãi. Cánh đồng lặng như tờ. Không một cánh chim. Không một con thú chạy qua quấy rối sự yên tĩnh vô tận của nó. Suốt đêm ấy, bà Aouda đầu óc đầy những linh cảm ghê rợn, trong lòng nặng trĩu lo âu, đi lang thang trên bờ đồng cỏ. Trí tưởng tượng cuốn bà đi xa và cho bà thấy hàng nghìn sự hiểm nguy. Thật không bút nào tả xiết nỗi ưu phiền bà phải chịu đựng trong những giờ phút dài đằng đẵng ấy. Fix vẫn ngồi bất động tại chỗ, nhưng, cả ông nữa, ông cũng không ngủ. Có lúc nào đó có một người lại gần ông, thậm chí còn nói gì với ông, nhưng viên thanh tra đã xua đuổi anh ta, sau khi đáp lại những lời nói của anh ta bằng một cử chỉ từ chối. Đêm qua đã như thế. Rạng sáng, vầng dương mờ nhạt mọc trên một chân trời phủ sương mù. Tuy nhiên tầm mắt có thể nhìn thấy xa đến hai dặm. Chính phương nam là hướng của Phileas Fogg và toàn quân đã đi.. Phương nam hoàn toàn vắng lặng. Lúc này bảy giờ sáng. Viên đại uý, lo lắng đến cực độ, không biết quyết định thế nào. Liệu có phải cử một toán quân thứ hai đi tiếp viện cho toán thứ nhất không? Có phải hy sinh thêm những người mới với rất ít khả năng cứu được những người đã hy sinh trước đó không? Nhưng ông không trù trừ lâu, và, vẫy gọi viên trung uý đến, ông ra lệnh mở một đợt trinh sát về phía nam, thì vừa lúc ấy những tiếng súng vang lên. Súng hiệu chăng? Binh lính lao ra ngoài pháo đài, và cách nửa dặm họ trông thấy một đơn vị nhỏ đang trở về trong đội ngũ chỉnh tề. Ông Fogg đi đầu, bên ông có Vạn Năng và hai người hành khách khác cướp lại từ tay bọn Sioux. Cuộc chiến đấu đã diễn ra cách Kearney mười dặm về phía nam. Trước lúc phân đội đến ít lâu. Vạn Năng cùng hai bạn đã đánh lại bọn lính gác, và anh người Pháp đã đấm gục ba tên, thì vừa lúc ông chủ anh và quân lính xông vào cứu viện! Tất cả, người đi cứu và người được cứu, đều được đón tiếp bằng những tiếng reo hò vui sướng, và Phileas Fogg chia cho quân số tiền thưởng ông đã hứa với họ, còn Vạn Năng thì nói đi nói lại, những lời thật chí lý: – Hẳn đi rồi, phải nhận rằng để cứu được tôi, ông chủ tôi đã phải trả giá quá đắt! Fix chẳng nói chẳng rằng nhìn ông Fogg, và thật khó mà phân tích những cảm giác đang đấu tranh trong con người ông ta lúc đó. Còn bà Aouda thì nắm lấy bàn tay nhà quý phái và xiết chặt tay ông trong tay mình và không nói lên lời! Trong khi ấy thì Vạn Năng, vừa mới về, đã đi tìm đoàn tàu trong ga. Anh đinh ninh sẽ thấy nó ở đó sẵn sàng phóng đi Omaha. Và anh hy vọng còn có thể gỡ lại thời gian đã mất. – Tàu đâu, tàu đâu! – anh kêu lên. – Đi rồi. – Fix đáp. – Còn chuyến tàu sau, bao giờ qua đây? – Phileas Fogg hỏi. – Chiều nay. – A! – nhà quý phái lạnh như tiền chỉ đáp gọn có thế.
Chương 31 – Đứng về phía lợi ích của Phileas Fogg Bấm để xem Phileas Fogg bị chậm mất hai mươi giờ. Nguyên nhân là vô tình tạo sự chậm trễ. Vạn Năng làm ông chủ hết sức thất vọng. Anh đã làm ông chủ anh phải hoàn toàn lụi bại rồi! Lúc ấy, viên thanh tra lại gần ông Fogg, và nhìn thẳng vào giữa mặt ông, hỏi: – Thưa ông, thật tình ông vội lắm phải không? – Quả thật rất vội. – Phileas Fogg đáp. – Tôi nhấn mạnh, – Fix lại nói. – Có đúng thật lợi ích của ông là phải có mặt ở Nữu Ước ngày 11 trước chín giờ tối, giờ khởi hành của chuyến tàu bể đi Liverpool không? – Một lợi ích đứng hàng đầu mọi lợi ích. – Và nếu cuộc hành trình của ông không bị gián đoạn bởi cuộc tấn công của bọn Sioux, thì ông sẽ tới Nữu Ước ngày 11, ngay từ buổi sáng? – Vâng mười hai tiếng, trước giờ tàu chạy. – Được, vậy ông đã chậm hai mươi giờ. Giữa hai mươi và mười hai chênh lệch tám. Có tám giờ phải gỡ lại. Ông có muốn thử gỡ lại không? – Đi bộ ư? – Ông Fogg hỏi. – Không, đi xe trượt tuyết, – Fix đáp, – xe trượt tuyết có buồm. Một người đã đề nghị với tôi phương tiện vận tải ấy. Đó là người đã gợi chuyện với viên thanh tra cảnh sát đêm trước, mà lời đề nghị của ông ta đã bị Fix từ chối. Phileas Fogg không đáp lời Fix; nhưng Fix đã chỉ cho ông thấy người đó đang đi đi lại lại trước cửa ga, và nhà quý phái đến gặp ông ta. Một lúc sau, Phileas Fogg và người Mỹ ấy, tên gọi Mudge, bước vào một căn lều dựng ở dưới chân pháo đài Kearney. Tại đây, ông Fogg xem xét một cái xe khá kì dị, một thứ khung đặt trên hai rầm gỗ dài hơn cất cao lên đằng mũi như những cái càng xe trượt tuyết, và trên khung đó năm hoặc sáu người có thể ngồi vừa. Ở một phần ba khung về phía trước dựng lên một cột buồm rất cao, trên đó mắc một cánh buồm hình thang rộng mênh mông. Cột buồm này được giữ chắc chắn bằng những dây chằng thép. Kéo căng một dây cáp sắt dùng để giương lên một lá buồm tam giác lớn. Phía sau một thứ tay lái hình mái chèo cho phép điều khiển cái xe. Như ta thấy, đó là một xe trượt tuyết được sắp đặt như loại tàu nhỏ một cột buồm. Về mùa đông, trên cánh đồng đóng băng, khi những đoạn tàu hỏa phải đỗ lại vì bị tuyết cản, những xe này vẫn chạy với tốc độ rất nhanh từ ga này sang ga khác. Hơn nữa, chúng được giương lên một khối buồm cực rộng, thậm chí còn rộng hơn cả loại tàu nhỏ một buồm thường rất dễ bị lật úp, và nếu chạy xuôi gió thì chúng lướt trên bề mặt các cánh đồng với một tốc độ bằng tốc độ các con tàu tốc hành, nếu không phải hơn. Một lát sau đã ngã giá giữa ông Fogg và ông chủ cái thuyền trên cạn này. Gió thuận chiều. Từ hướng tây thổi đến những cơn gió mạnh. Tuyết đã cứng lại, và Mudge cam kết đưa ông Fogg trong vài giờ đến ga Omaha. Ở đây có nhiều xe lửa và nhiều tuyến đường dẫn đến Chicago và Nữu Ước. Thời gian chậm trễ không phải là không gỡ lại được. Vậy thời còn do dự gì nữa mà không đi thử liều một chuyến xem sao. Ông Fogg, không muốn bà Aouda phải chịu những cực hình của một chuyến đi giữa đồng không mông quạnh với cái cái rét này mà tốc độ phóng nhanh càng làm cho ghê gớm, đề nghị bà ở lại ga Kearney với sự trông nom của Vạn Năng. Anh đầy tớ trung hậu sẽ chịu trách nhiệm đưa bà thiếu phụ về Châu Âu theo một con đường tốt hơn và trong những điều kiện dễ chịu hơn. Bà Aouda từ chối không chịu rời ông Fogg, và Vạn Năng cảm thấy rất sung sướng với quyết tâm đó của bà. Thật vậy, dù đổi bất cứ cái gì trên đời anh cũng không muốn rời bỏ ông chủ anh, vì Fix vẫn cặp theo ông chủ. Còn viên thanh tra cảnh sát lúc này nghĩ gì, điều ấy thật khó nói. Niềm tin vững chắc của ông có bị lung lay do sự trở về của Phileas Fogg không, hay ông chỉ xem ông ta như một tên vô lại cực kì lão luyện, hắn tự cho rằng sau khi đã hoàn thành cuộc du hành vòng quanh thế giới, hắn sẽ được tuyệt đối an toàn tại nước Anh? Có lẽ ý kiến của Fix về Phileas Fogg quả thật có thay đổi. Nhưng ông không vì thế mà kém quả quyết trong việc thi hành phận sự của ông, và, nóng ruột hơn ai hết, ông đem hết sức mình để giúp Phileas Fogg chóng về tới nước Anh. Tám giờ, xe trượt tuyết đã sẵn sàng lên đường. Các hành khách – có lẽ người ta rất muốn gọi họ là những khách đi thuyền – ngồi vào chỗ sát lại với nhau trong những tấm chăn đi đường. Hai lá buồm rộng mênh mang giương lên, và dưới sức đẩy của gió, cái xe lao đi trên tuyết cứng với tốc độ bốn mươi dặm một giờ. Quãng đường pháo đài Kearney và Omaha tính theo đường thẳng – theo đường ong bay, như người Mỹ nói – nhiều nhất là hai trăm dặm. Nếu được gió, quãng đường ấy có thể vượt qua trong năm tiếng đồng hồ. Nếu không có điều gì bất trắc, thì vào một giờ trưa cái xe trượt tuyết hẳn đã đến Omaha. Một chuyến đi thật kì lạ! Các hành khách, người nọ ép vào người kia, không chuyện trò gì được với nhau. Cái lạnh do tốc độ phòng nhanh càng ghê gớm, dường như đã cắt đứt lời nói của họ. Xe trượt tuyết lướt trên mặt nước – mà lại không có sóng. Khi gió thổi sát đất, cái xe hình như được nhấc khỏi mặt đất bởi những cánh buồm của nó như những cái cánh xòe rộng mênh mông. Mudge ngồi cầm lái luôn giữ đúng đường thẳng, và bằng một động tác đẩy mái chèo thay bánh lái. Ông chỉnh lại cái xe khi nó cứ muốn chạy xiên đi. Tất cả các buồm đều căng gió. Lá buồm tam giác đã ăn gió và không bị lá buồm lớn hình thang ở đằng sau che lấp nữa. Một lá buồm vuông được kéo lên và một lá buồm thượng căng ra trước gió, góp thêm sức đẩy vào với các lá buồm khác. Không thể tính toán chính xác như toán học, nhưng chắc chắn tốc độ xe trượt tuyết không dưới bốn mươi dặm một giờ. "Nếu không có gì bất trắc, – Mudge hô, – chúng ta sẽ kịp giờ!" 54 Và lợi ích của Mudge là đến đúng hạn định, bởi vì ông Fogg, trung thành với chính sách của mình, đã kích thích ông ta bằng một món tiền thưởng lớn. Cánh đồng cỏ, trên đó xe trượt tuyết cứ chiếu đường thẳng mà chạy, phẳng như một mặt biển. Người ta tưởng như một cái hồ mênh mông đóng băng. Con đường sắt phục vụ miền này đi ngược từ tây nam lên tây bắc qua Đại- Island, Columbus thành phố quan trọng của Bang Nebraska, Schuyler, Fremont, rồi Omaha. Trên suốt chặng đường của nó, nó chạy dọc hữu ngạn sông Platte. Xe trượt tuyết, để chạy tắt con đường này, đã chạy theo đường dây cung của cánh cung do con đường sắt vẽ ra. Mudge không lo bị sông Platte chặn lại ở chỗ khuỷu sông nhỏ phía trước Fremont, vì nước đã đóng băng. Như vậy con đường hoàn toàn không còn chướng ngại, và Phileas Fogg chỉ sợ có 2 trường hợp: Xe bị hỏng và gió đổi chiều hoặc im gió. Mà gió nào có dịu đi. Ngược lại là khác. Nó thổi cong cột buồm đã giữ chắc bằng những dây cáp thép. Những sợi dây kim khí này, giống như những dây đàn, kêu vang như có một cung kéo đàn cọ vào khiến nó rung lên. Cái xe trượt tuyết bay đi giữa một hòa điệu rền rĩ, có cường độ âm vang rất đặc biệt. "Những sợi dây này phát ra hòa âm quãng năm và quãng tám", – ông Fogg nói. Và đó là những lời độc nhất của ông thốt lên trong suốt cả chuyến đi. Bà Aouda, bọc kĩ những áo da thú và chăn đường đi, đã được phòng ngừa chống lạnh với tất cả khả năng cho phép. Còn Vạn Năng mặt đỏ như vầng mặt trời đang lên giữa sương mù, anh hít vào ngực cái làn không khí buốt như kim châm này. Trong thâm tâm vốn mang sẵn một niềm tin không gì lay chuyển nổi, anh lại bắt đầu hy vọng. Đáng lẽ đến Nữu Ước buổi sáng ta sẽ đến buổi chiều, nhưng vẫn còn khảnăng đến trước giờ khởi hành của chuyến tàu để đi Liverpool. Thậm chí Vạn Năng còn cảm thấy một niềm ham muốn mãnh liệt được xiết chặt bàn tay bạn Fix của mình. Anh không quên rằng chính viên thanh tra đã kiếm về cái xe trượt tuyết có buồm, tức là cái phương tiện duy nhất để đến kịp Omaha vào thời gian hữu hiệu. Nhưng, không biết do một tình cảm gì, anh vẫn giữ thái độ dè dặt như thường lệ. Dẫu sao vẫn có điều Vạn Năng không bao giờ quên được, đó là sự hi sinh của ông Fogg đã không ngần ngại cướp lại anh từ tay bọn Sioux. Làm việc ấy ông Fogg đã hi sinh cả tài sản của ông và cả tính mạng ông.. Không! Người hầu của ông không thể quên điều đó! Trong khi mỗi hành khách thả mình theo những suy nghĩ khác nhau như thế, thì cả xe trượt tuyết bay trên tấm thảm tuyết mênh mông. Nếu nó có chạy qua một vài đầm nước, vài chi lưu hoặc phó lưu của sông Tiểu Thanh Giang, người ta cũng không biết được. Những cánh đồng và dòng sông biến đi dưới một màu trắng toát bao la. Bình nguyên hoàn toàn hoang vắng. Nằm giữa trục đường sắt Thái Bình Dương Liên Bang và nhánh đường sắt nối Kearney và Saint-Joseph, dãy bình nguyên ấy như một hòn đảo lớn không người ở. Không một xóm làng, không một nhà ga, đến cả một đồn bốt cũng không có. Chốc chốc, người ta thấy vụt qua như tia chớp một thân cây dăn dúm nào đó mang bộ xương trắng vặn mình trong gió. Đôi khi những bầy chim hoang dại bay vù lên một loạt. Cũng có lần chó sói đồng cỏ kéo đi từng đoàn đông, gầy, đói, được thôi thúc bởi môt nhu cầu dữ tợn, chạy đua với cái xe trượt tuyết. Khi ấy Vạn Năng, súng lục cầm tay, sẵn sàng nhả đạn vào những con gần nhất. Nếu có một sự cố nào làm cái xe dừng lại lúc này, các hành khách bị những con thú hung hãn ấy tấn công có thể mang tai vạ. Nhưng cái xe trượt tuyết chạy tốt, nó nhanh chóng vượt lên, và chẳng mấy chốc cả đàn chó gào rống tụt lại sau. Giữa trưa, qua vài dấu hiệu, Mudge nhận ra ông đang vượt qua dòng nước đóng băng của sông Platte. Ông không nói gì, nhưng đã chắc trong bụng chỉ còn lại mười dặm nữa là tới Omaha. Vả thật vậy, lúc ấy chưa đến một giờ, người cầm lái tài giỏi đã buông tay lái. Vội vã thu dọn dây kéo buồm, trong khi xe trượt tuyết, được cuốn đi bởi cái đà không cưỡng được của nó, còn chạy thêm nửa giờ nữa không buồm. Cuối cùng nó dừng lại, và Mudge chỉ một khu mái nhà trắng xóa vì tuyết, nói: "Đến rồi". Đến rồi! Quả thật là đã đến cái ga này, nơi có nhiều chuyến tàu hỏa hàng ngày liên lạc với miền Đông nước Hoa Kỳ! Vạn năng và Fix nhảy xuống đất, vận động chân tay tê cóng. Họ đỡ ông Fogg và bà thiếu phụ bước ra khỏi xe một cách hào phóng. Vạn Năng bắt tay Mudge như với một người bạn thân, rồi mọi người hối hả đi đến nhà ga Omaha. Chính cái thành phố quan trọng của bang Nebraska này là điểm kết thúc của tuyến đường sắt Thái Bình Dương thực thụ, tuyến đường sắt nối lưu vực sông Mississippi với Thái Bình Dương. Muốn đi từ Omaha đến Chicago, con đường sắt, dưới cái tên "Đường sắt Đảo Đá Chicago", chạy thẳng về phía đông qua năm mươi ga. Một chuyến tàu tốc hàng đang sẵn sàng lên đường, Phileas Fogg và các bạn chỉ kịp xông vào một toa tàu. Họ chẳng được ngó thấy cái gì của Omaha, nhưng Vạn Năng tự nhủ thầm cũng chẳng có gì đáng tiếc, vì việc anh không phải là đi ngắm cảnh. Với một tốc độ cực nhanh, đoàn tàu này đi vào bang Iowa, qua vùng Council-Bluffs, bang của những Tu sĩ, và thành phố Iowa. Ban đêm nó vượt sông Mississippi ở cảng Daven, và qua Đảo Đá nó tiến vào bang Ilinoa. Ngày hôm sau, mồng 10, lúc bảy giờ chiều, tàu đến Chicago, thành phố được phục hồi từ trong đống hoang tàu đổ nát của nó, và càng kiêu hãnh hơn bao giờ hết ngự trị trên bờ hồ Michigan mỹ lệ55. Chín trăm dặm ngăn cách Chicago với Nữu Ước. Ở Chicago không thiếu tàu hỏa. Ông Fogg chuyển ngay tức khắc từ tàu này sang tàu khác. Cái đầu tàu lanh lẹn của tuyến "Đường sắt Pittsburg-Fort-Wayne-Chicago" phóng hết tốc lực, dường như nó cũng hiểu rằng nhà quý phái đáng kính không thể có phút nào để phí. Nó chạy qua như một tia chớp các vùng Indiana, Ohio, Pennsylvanie, Jersey Mới, qua các thành phố và tàu điện, nhưng nhà cửa thì chưa. Cuối cùng sông Hudson hiện ra, và, ngày 11 tháng chạp, lúc mười một giờ mười lăm phút đêm, đoàn tàu đỗ lại trong nhà ga ở hữu ngạn sông, ngay trước cái kè đá của những tàu bể tuyến đường Cunard, nói cách khác của "Công ty tàu thư hoàng gia Anh và Bắc Mỹ". Tàu China đi Liverpool đã khởi hành từ bốn mươi lăm phút trước!
Chương 32 – Cuộc chiến đấu trực diện chống lại số phận Bấm để xem Tàu China ra đi như mang theo cả hy vọng cuối cùng của Phileas Fogg. Thật vậy, không một tàu biển nào khác trong những tàu bể chạy thẳng từ Châu Mỹ sang Châu Âu, dù là những tàu xuyên đại dương Pháp, những tàu của "Đường hàng hải Ngôi sao trắng", những tàu của Công ty Imman, hay những tàu của đường Hambourgeoise, hoặc tàu nào khác. Lại có thể thỏa mãn được kế hoạch của nhà quý phái. Thật vậy, tàu Pereire, của Công ty Đại Tây Dương Pháp mà những con tàu tuyệt diệu có thể sánh ngang về tốc độ và vượt về tiện nghi so với tất cả những tàu của tuyến khác, không trừ một tàu nào – chỉ ngày hôm sau nữa, ngày 14 tháng chạp, mới lên đường. Và vả lại, cũng như những tàu của Công ty Hambourgeoise, nó không chạy thẳng đến Liverpool hoặc Luân Đôn, mà đến Le Havre, và chặng đường phụ ấy từ Le Havre đến Southampton sẽ làm Phileas Fogg bị chậm lại, khiến những cố gắng cuối cùng của ông trở thảnh vô ích. Còn các tàu Imman. Mà một trong số đó, cái Đô Thị Paris, sẽ ra khơi ngày hôm sau, thì cũng chẳng nên nghĩ đến làm gì. Những tàu ấy chuyên dùng vào việc di dân, máy yếu, chúng chạy hơi nước cũng chẳng khác chạy buồm, và tốc độ cúa chúng vào loại kém. Để đi Nữu Ước đến nước Anh, chúng phải dùng nhiều thời gian hơn số thời gian còn lại của ông Fogg để thắng cuộc. Nhà quý phái đã hiểu tường tận tất cả tình hình trên sau khi tra cứu cuốn Bradshaw, cuốn sách cho ông biết những hoạt động từng ngày của ngành hàng hải xuyên đại dương. Vạn Năng cảm thấy rã rời. Đến chậm chuyến tàu biển mất bốn mươi lăm phút, điều đó làm anh kiệt sức. Chính là lỗi ở anh, đáng lẽ phải giúp đỡ ông chủ thì anh lại không ngừng gieo rắc trở ngại trên đường đi của ông! Và khi anh nhớ lại tất cả những biến cố dọc đường, khi anh nhẩm tính những khoản tiêu mất không và chỉ vì lợi ích của riêng anh thôi, khi anh nghĩ rằng vụ đánh cuộc khổng lồ này, thêm những chi phí to lớn của cuộc viễn du đã trở thành vô dụng, sẽ làm ông Fogg phải hoàn toàn bị lụi bại, thì anh hết lời nguyền rủa mình. Tuy vậy, ông Fogg không hề trách móc anh, và khi rời đi khỏi kè đậu các tàu xuyên Đại Tây Dương, ông chủ chỉ nói: "Mai ta sẽ liệu sau. Thôi ta đi." Ông Fogg, bà Aouda, Fix, Vạn Năng qua sông Hudson tại bến đò khu Jersey, và lên xe ngựa đi đến khách sạn Thánh Nicolas, ở đường Quảng lộ. Họ nhận phòng, và một đêm yên ả đối với Phileas Fogg đắm chìm trong giấc ngủ ngày ấy thật ngắn, nhưng khá dài với bà Aouda và các bạn của bà thì cứ trăn trở không sao ngủ được. Hôm nay là ngày 12 tháng chạp. Từ ngày 12, bảy giờ sáng, đến ngày 21, tám giờ bốn mươi phút tối còn chín ngày mười ba giờ và bốn mươi lăm phút. Vậy nếu Phileas Fogg đã đi được từ hôm trước trên tàu China, một trong những tàu bể tốt nhất của đường hàng hải Cunard, thì ông sẽ đến Liverpool, rồi đến Luân Đôn, trong những thời hạn mong muốn! Ông Fogg rời khách sạn ra đi một mình, sau khi đã dặn dò người hầu đợi ông và báo trước cho bà Aouda lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng. Ông Fogg đi đến bờ sông Hudson và trong số những tàu cột ở bến hoặc thả neo trên sông, ông tìm kỹ xem có tàu nào sắp lên đường không. Nhiều tàu đã treo cờ hiệu khởi hành và chuẩn bị ra khơi theo con nước buổi sáng, bởi vì trong cái hải cảng Nữu Ước mênh mông và kỳ diệu này, không ngày nào không có một trăm con tàu lên đường đi đến tất cả mọi điểm trên trái đất: Nhưng phần lớn đó là những tàu chạy buồm, và chúng không thể hợp ý Phileas Fogg. Nhà quý phái tưởng như đã thất bại trong cố gắng cuối cùng của mình thì ông trông thấy một cái tàu buôn có chân vịt, dáng thon thả neo trước Pháo đài cách đó nhiều nhất một tầm, ống khói nhả ra từng cuộn khói lớn cho thấy nó đang chuẩn bị lên đường. Phileas Fogg gọi một cái xuồng và sai vài mái chèo, ông đến bên thang tàu Henrietta. Một tàu có vỏ sắt, mà tất cả phần thân tàu từ mặt trước trở lên đều bằng gỗ. Thuyền trưởng tàu Henrietta đang ở trên tàu, Phileas Fogg trèo lên boong và xin gặp thuyền trưởng. Ông ta ra tiếp ngay: Đó là một người trạc năm mươi tuổi, một thứ sói bể, một kẻ hay cấm ca cấm cẳn hẳn là khó chơi. Mắt to, nước da màu đồng han, tóc đỏ, cổ vạm vỡ. Ông không có vẻ gì là một người của xã hội thượng lưu. – Có phải ông là thuyền trưởng? – Ông Fogg hỏi. – Tôi đây. – Tôi là Phileas Fogg, ở Luân Đôn. – Còn tôi, Andrew Speedy, ở Cardif. – Tàu ông sắp chạy? – Một giờ nữa. – Ông chở hàng đi đâu. – Bordeaux. – Hàng gì vậy? – Sỏi chất trong lòng tàu. Không có hàng. Tàu tôi đi lần này không chở hàng. – Ông có hành khách? – Không có hành khách. Tôi không bao giờ lấy hành khách. Thứ hàng ấy cồng kềnh mà hay phải khám xét lắm. – Tàu ông chạy tốt? – Từ mười một đến hai mươi hải lí? Tàu Henrietta ai cũng biết. – Ông có bằng lòng chở tôi đến Liverpool không, tôi với ba người nữa. – Đến Liverpool? Tại sao không đến Trung Quốc? – Tôi nói Liverpool. – Không! – Sao không? – Không. Tôi đi Bordeaux, và tôi sẽ đến Bordeaux. – Bất kể giá nào? – Bất kể giá nào. Viên thuyền trưởng đã nói với một giọng không cho cãi lại. – Nhưng còn ông chủ tàu Henrietta.. – Phileas Fogg nói lại. – Chủ tàu của tôi, – viên thuyền trưởng đáp – tàu này của tôi. – Tôi thuê tàu ông. – Không. – Tôi mua. – Không. Phileas Fogg vẫn điềm tĩnh. Tuy vậy tình thế thật nghiêm trọng. Ở Nữu Ước không như ở Hồng kông, và ông thuyền trưởng tàu Henrietta không giống ông chủ tàu Tankadère. Cho đến nay, tiền bạc của nhà quý phái vẫn luôn thắng mọi trở lực. Lần này thì tiền bạc đã thất bại. Thế nhưng phải tìm bằng được cách vượt Đại Tây Dương bằng tàu thuỷ, Nếu không qua được đại dương bằng khinh khí cầu, cái việc hết sức mạo hiểm, và vả chăng không thể thực hiện được. Nhưng hình như Phileas Fogg đã có một chủ kiến, bởi vì ông nói với viên thuyền trưởng: – Thế ông có bằng lòng đưa tôi đến Bordeaux không? – Không, cho dù ông có trả tôi đến hai trăm đô la! – Tôi trả ông hai nghìn (10.000 phật lăng). – Mỗi người? – Mỗi người. – Và các ông có bốn người? – Bốn. Viên thuyền trưởng Speedy gãi đầu, tưởng đến rách cả da đầu. Tám nghìn đô la kiếm thêm mà không phải thay đổi cuộc hành trình. Điều đó đáng để ông gạt sang một bên các mối ác cảm công khai với tất cả mọi loại hành khách với giá vé hai nghìn đô la, đó không phải là hành khách nữa, đó là món hàng quý. – Chín giờ thì tôi đi, – viên thuyền trưởng chỉ nói gọn, – và nếu ông và các bạn ông, các ông có mặt ở đây cả không? – Chín giờ chúng tôi sẽ ở trên tàu! – Ông Fogg đáp lại không kém gọn lỏn. Lúc ấy tám giờ rưỡi, rời khỏi tàu Henrietta, lên xe đến khách sạn Thánh Nicolas, từ đó đưa bà Aouda, Vạn Năng và cả ông Fix không dứt ra được mà ông rất lịch sự mời cùng đi, nhà quý phái đã làm mọi việc ấy với sự điềm tĩnh cố hữu của ông trong tất cả mọi hoàn cảnh. Vào lúc tàu Henrietta bắt đầu lên đường, tất cả bốn người đã có mặt trên tàu. Khi Vạn Năng biết được cái quý giá của chặng đường đi cuối cùng này, anh bật lên một tiếng "Ồ" kéo dài, chạy qua tất cả các quãng của một âm giai bán âm thấp xuống! Còn viên thanh tra Fix thì nghĩ bụng rằng dứt khoát Ngân hàng Anh dù có gỡ ra được cũng không thể nguyên lành. Thật vậy, khi về tới đích và cứ cho là tên Fogg không còn ném thêm vài nắm tiền xuống biển nữa, thì cái xắc bạc giấy cũng đã hụt đi trên bảy nghìn livrơ (175.000 phơ răng).
Chương 33 – Đương đầu với mọi hoàn cảnh Bấm để xem Một giờ sau, tàu Henrietta đi qua cái phao đèn đánh dấu ở cửa sông Hudson, vòng qua mũi bãi cát cong và tiến ra biển. Ban ngày hôm ấy nó chạy ra ven bờ Đảo Dài, ở ngoài khơi ngọn đèn pha của hòn Đảo Lửa và phóng nhanh về phương đông. Hôm sau, 12 tháng chạp, lúc giữa trưa, một người trèo lên sân tàu đằng trước ống khói để xác định vị trí con tàu trên biển. Tất nhiên, ai cũng phải cho rằng người đó là thuyền trưởng Speedy! Hoàn toàn không thế. Đó là Tôn ông Phileas Fogg. Còn viên thuyền trưởng Speedy thì đã bị nhốt trong căn buồng khóa trái của ông ta, và ra sức gào thét, biểu lộ một cơn giận dữ đến cực độ, một cơn giận thật ra cũng đáng thông cảm. Chuyện xảy ra rất đơn giản. Phileas Fogg muốn đi Liverpool, viên thuyền trưởng không muốn chở ông đến đó. Phileas Fogg bèn nhận lời đi Bordeaux, và trong suốt ba mươi tiếng đồng hồ trên tàu, ông đã vận dụng tờ giấy bạc tài tình đến nỗi toàn đội thuỷ thủ, kể cả thợ đốt lò, một đội ngũ hơi ham tiền và khá ác cảm với viên thuyền trưởng, cuối cùng thuộc về ông. Và đó là lí do tại sao Phileas Fogg đứng vào vị trí chỉ huy của thuyền trưởng Speedy, tại sao viên thuyền trưởng bị nhốt trong căn buồng của ông ta, và cuối cùng tại sao tàu Henrietta lại tiến về Liverpool. Nhưng cứ xem ông Fogg thao tác thì thấy rõ ông đã từng là thuỷ thủ. Câu chuyện rồi kết thúc thế nào, hạ hồi phân giải. Tuy vậy, bà Aouda chẳng khỏi lo ngại, lo để bụng mà không nói. Fix thì thoạt đầu choáng váng cả người. Còn Vạn Năng, anh chỉ hoàn toàn thấy việc làm rất đáng yêu. "Giữa mười một và mười hai hải lý", thuyền trường Speedy đã nói như vậy và quả thật tàu Henrietta luôn giữ được tốc độ trung bình ấy. Vậy nếu như, còn biết bao nhiêu "nếu như" nữa! Nếu như biển không trở nên quá dữ, nếu như gió không đổi chiều từ hướng đông thổi lại, nếu tàu không bị hư hỏng, máy không sự cố, thì tàu Henrietta trong chín ngày kể từ ngày 12 tháng chạp đến 21, có thể vượt qua ba nghìn hải lý ngăn cách Nữu Ước với Liverpool. Tất nhiên khi đã về đến đích, vụ tàu Henrietta bồi thêm vào vụ Ngân hàng có thể dẫn nhà quý phái đi hơi xa hơn ông mong muốn. Những ngày đầu, cuộc vượt biển được thực hiện trong những điều kiện tuyệt diệu. Biển không dữ lắm; gió như định hướng thổi về đông bắc; buồm giương lên, và dưới những cánh buồm của nó, tàu Henrietta chạy như một contàu xuyên Đại Tây Dương thực thụ. Vạn Năng sướng rơn. Chiến công cuối cùng của ông chủ anh, mà anh chẳng muốn nhìn thấy hậu quả, làm anh hào hứng. Chưa bao giờ đội thuỷ thủ của tàu lại thấy một chàng tai vui tính lanh lợi đến thế. Anh chầm vập hỏi han các thủy thủ và làm họ ngạc nhiên với những trò leo dây tài giỏi của mình. Anh tặng họ không tiếc những tên gọi tốt đẹp nhất và những thứ rượu hấp dẫn nhất. Dưới mắt anh, họ thao tác như những bậc hào hoa phong nhã, và các thợ đốt lò thì đốt lửa như những anh hùng. Cái vẻ vui tươi rất dễ truyền lan của anh thấm sang tất cả mọi người. Anh đã quên những ngày qua, những nỗi buồn phiền, những cảnh hiểm nguy. Anh chỉ nghĩ đến cái đích kia, cái đích đã ở tầm tay với, và đôi khi anh sùng sục nóng ruột, dường như anh đã được cái lò của tàu Henrietta đun sôi lên. Chàng trai đứng đắn nhiều khi cũng quanh quẩn bên Fix: Anh nhìn ông ta bằng một con mắt "ẩn ý sâu xa", nhưng anh không nói gì với ông, bởi vì giữa hai người bạn cũ không còn thân tình nào nữa. Vả lại, cũng phải nói rằng Fix không còn hiểu ra sao cả! Việc chiếm đoạt tàu Henrietta, việc mua chuộc các nhân viên trên tàu, thằng cha Fogg thao tác như một thuỷ thủ lành nghề, tất cả mọi chuyện ấy làm ông choáng váng. Ông không còn biết nên nghĩ thế nào nữa! Nhưng, xét cho cùng, một nhà quý phái đã bắt đầu bằng việc ăn trộm năm mươi nghìn livrơ thì cũng có thể kết thúc bằng vụ ăn cướp một tàu bể. Và cái lô gích rất tự nhiên của Fix là tin rằng tàu Henrietta do Fogg điều khiển chẳng hề đi Liverpool, mà đến một địa điểm nào đó trên trái đất, tại đây tên kẻ trộm, trở thành tướng cướp, sẽ đàng hoàng sống yên ổn! Cái giả thiết ấy ta phải chịu là nó có lí không gì bằng, và nhà thám tử thật sự hối tiếc đã để mình lao vào việc này. Còn viên thuyền trưởng Speedy thì cứ tiếp tục gào thét trong buồng mình, và Vạn Năng, chịu trách nhiệm mang đồ ăn thức uống lại cho ông, phải làm việc ấy với sự phòng bị chu đáo nhất dù anh có khoẻ đến mấy. Ông Fogg, về phía ông, thậm chí có vẻ đã quên đứt đi rằng đang có một viên thuyền trưởng trên tàu. Ngày 13, tàu đi qua đầu mỏm bãi Đất Mới. Đây là đoạn đường khó đi. Nhất là về mùa đông, ở đây hay có sương mù và những trận gió giật đáng sợ. Từ hôm qua phong vũ biểu đã hạ đột ngột. Thật vậy, ban đêm nhiệt độ thay đổi, lạnh hơn, và đồng thời gió đổi chiều thổi từ hướng đông nam lại. Một trắc trở, ông Fogg, để khỏi đi chệch đường, phải cuốn buồm và tăng hơi. Thế nhưng tàu chạy chậm lại, do mặt biển có những làn sóng dài xô mạnh vào mũi tàu. Con tàu bập bềnh ghê gớm, làm tốc độ giảm đi. Gió dần chuyển thành bão, và người ta dự đoán tàu Henrietta không thể đứng vững được trước sóng biển. Nhưng nếu có cái gì cần tránh, thì đó là cái chưa biết với tất cả những sự rủi ro của nó. Khuôn mặt Vạn Năng tối sầm lại cùng với bầu trời, và trong hai ngày, chàng trai hiền lành sống những nỗi lo khô gan héo ruột. Nhưng Phileas Fogg là một thuỷ thủ táo bạo biết đương đầu với biển cả, và ông vẫn luôn luôn thẳng tiến. Khi tàu Henrietta không thể vọt cao bằng con sóng thì nó xuyên qua, và tất cả boong tàu bị nước quét mạnh, nhưng nó vẫn đi qua. Cũng có lần chân vịt bềnh lên, dập chới với trong không khí bằng những cánh điên cuồng của nó, trong khi một khối nước như trái núi nhấc bổng đít tàu khỏi mặt biển, nhưng con tàu vẫn cứ tiến. Tuy nhiên gió không thổi mỗi lúc một mạnh như người ta có thể lo ngại. Đây không phải là một trận bão với tốc độ chín mươi bảy hải lí một giờ. Gió vẫn thế thôi, nhưng khốn thay nó cứ thổi mãi từ một hướng đông nam và không cho phép giương buồm. Ấy thế mà, như ta sẽ thấy, tình hình đã đến lúc rất cần phải trợ lực cho hơi nước! Ngày 16 tháng chạp, đó là ngày thứ bảy mươi lăm kể từ khi khởi hành ở Luân Đôn. Tóm lại, tàu Henrietta vẫn chưa bị chậm trễ nào đáng ngại. Nó đã đi được chừng nửa chặng đường, và những đoạn khó nhất đã vượt qua. Vào màu hè, thành công đã có thể xem là chắc chắn. Mùa đông, người ta phải phụ thuộc vào thời tiết xấu. Vạn Năng không tỏ ý kiến gì. Trong thâm tâm anh vẫn nuôi hi vọng, và nếu không được gió thuận thì ít ra cũng còn trông cậy ở sức hơi nước. Thế nhưng, ngày hôm ấy, bác thợ máy lên boong gặp ông Fogg và bàn luận với ông khá sôi nổi. Không biết tại sao, chắc hẳn do linh tính, Vạn Năng cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ. Anh sẵn sàng cắt bỏ ngay một tai để nghe bằng tai kia những chuyện gì trao đổi trên ấy. Tuy vậy, anh cũng nghe lỏm được vài câu trong đó, có những câu sau đây do ông chủ anh thốt lên: – Bác dám chắc về những điều bác nói đấy chứ? – Thưa ngài, chắc, – bác thợ máy đáp. – Xin ngài nhớ cho rằng, từ lúc khởi hành, chúng ta đã đốt tất cả các lò cùng cháy với tốc độ chậm từ Nữu Ước đi Bordeaux thì lại không đủ để chạy hết tốc lực từ Nữu Ước đi Liverpool! – Tôi sẽ lo liệu, – ông Fogg đáp. Vạn Năng hiểu. Anh lo muốn chết nửa con người. Than sắp hết! "Chà! Nếu ông chủ ta mà chống đỡ được đòn này, – anh nghĩ, – thì quả là một ông thánh sống!" Và khi gặp Fix, anh không thể không nói cho ông biết tình hình ấy. – Vậy ra, – viên thanh tra nghiến răng đáp lại, anh tưởng chúng ta đi Liverpool đấy à! – Hẳn chứ! – Ngốc! – viên thanh tra đáp và nhún vai bước đi. Vạn Năng đã định cho ông ta một bài học đến nơi đến chốn về cái hình dung từ ấy, mà vả chăng anh cũng không thể hiểu được ý nghĩa thật sự của nó, nhưng anh ta tự nghĩ con người xấu số Fix kia hẳn phải thất vọng lắm, phải nhục nhã lắm với lòng tự trọng của mình, sau khi đã theo dõi vòng quanh thế giới vụng về đến thế một tung tích lầm lẫn, và anh bỏ qua cho cái tội của ông. Con bây giờ thì Phileas Fogg sẽ định sao đây? Điều ấy thật khó mà hình dung được. Tuy vậy, hình như nhà quý phái lạnh như tiền đã hạ một quyết định. Bởi vì ngay chiều hôm ấy ông gọi cho bác thợ máy đến và nói với bác: "Bác quạt lửa mạnh lên và chạy cho kì hết chất đốt". Một lúc sau, ống khói tàu Henrietta nhả ra từng cuộn khói ngùn ngụt. Vậy là con tàu lại tiếp tục mở hết tốc lực; nhưng đúng như đã báo trước, hai ngày sau, ngày 18, bác thợ máy cho biết là nội nhật ngày hôm ấy than sẽ hết. "Không hạ lửa, – ông Fogg đáp. – Ngược lại. Đốt mạnh lên cho các nắp hơi luôn ứ đầy hơi". Ngày hôm ấy, vào khoảng giữa trưa, sau khi tính toán vị trí con tàu. Phileas Fogg cho gọi Vạn Năng và ra lệnh cho anh đi mời viên thuyền trưởng Speedy tới. Thật chẳng khác gì người ta sai chàng trai trung hậu này đi tháo cũi cho một con hổ, và anh bước xuống phòng cuối tàu, nghĩ bụng: "Nhất định hắn sẽ phát điên lên!" Thật thế, vài phút sau, một quả bom rơi xuống phòng cuối tàu giữa tiếng kêu gào chửi bới. Quả bom ấy là thuyền trưởng Speedy. Rõ ràng là nó sắp nổ: "Chúng ta đang ở đâu vậy?" đó là những lời đầu tiên ông thốt lên trong cơn giận dữ đến nghẹt thở, và chắc chắn nếu con người tử tế này bị bệnh uất máu thì dù nhẹ đến đâu ông cũng đi đứt. – Chúng ta đang ở đâu đây? – ông ta nhắc lại, mặt đỏ phừng phừng. – Ở cách Liverpool bảy trăm bảy mươi hải lí. (300 dặm biển) – Ông Fogg đáp lại với một vẻ điềm tĩnh không nao núng. – Tên kẻ cướp! – Andrew Speedy kêu lên. – Tôi mời ông đến đây, thưa ông.. – Quân giặc biển! –.. thưa ông, – Phileas Fogg nói tiếp, – để xin ông bán cho cái tàu của ông. – Không! Ngàn lần không! – Đó là vì tôi sắp phải đốt nó đi. – Đốt tàu ta? – Phải. Ít ra ở những phần trên mặt, bởi vì chúng ta thiếu chất đốt. – Đốt tàu ta! – viên thuyền trưởng Speedy kêu lên lưỡi ríu lại không nói lên lời. – Một cái tàu trị giá năm vạn đô la (250.000 phơ răng). – Đây sáu vạn (300.000 phơ răng) ! – Phileas Fogg đáp, đưa cho viên thuyền trưởng một tập giấy bạc. Cái đó tạo nên một hiệu quả kỳ diệu ở Andrew Speedy. Người ta sẽ không phải là người Mỹ nếu việc nhìn thấy sáu vạn đô la lại không gây cho người ta một xúc động nào đó. Trong một phút viên thuyền trưởng quên hết cả giận dữ, quên cả cảnh giam cầm của ông, cả những nỗi bất bình của ông đối với người hành khách kia. Con tàu của ông đã chạy hai mươi năm. Vụ này kiếm bẫm đây!.. Quả bom không nổ được nữa. Ông Fogg đã tháo ngòi của nó. – Còn cái vỏ sắt thuộc về tôi. – Ông ta nói với giọng dịu đi kỳ lạ. – Cái vỏ sắt và cỗ máy, thưa ông. Xong chưa? – Xong. Và Andrew Speedy vồ lấy tập giấy bạc, đếm và đút biến vào trong túi. Trong khi diễn ra cảnh tượng ấy. Vạn Năng đứng trắng bệch. Fix thì suýt chút nữa bị một cú choáng. Đã cho mất hai vạn livrơ, tên Fogg này còn bỏ lại cái vỏ tàu và cỗ máy cho người bán, nghĩa là gần như giá trị toàn bộ con tàu. Đích thực số tiền mất cắp của nhà ngân hàng lên đến năm vạn rưỡi livrơ! Khi Andrew Speedy đã bỏ tiền vào túi, ông Fogg nói: "Thưa ông, xin ông đừng ngạc nhiên về tất cả những chuyện này. Ông biết cho rằng tôi sẽ mất hai vạn livrơ, nếu tôi không về đến Luân Đôn ngày 21 tháng chạp, lúc tám giờ bốn mươi lăm tối. Vậy mà tôi lỡ tàu ở Nữu Ước, và vì ông từ chối không chịu chở tôi đến Liverpool.. – Và tôi đã từ chối như thế là phải, xin thề có trời đất quỷ thần, – Andrew Speedy kêu lên, – bởi vì tôi đã kiếm được ở đây ít nhất bốn vạn đô la". Rồi, ung dung hơn, ông nói tiếp: – Ngài có biết một điều này không, thưa ngài thuyền trưởng? – Fogg. – Ngài thuyền trưởng Fogg, vâng, ở ngài có tố chất Yankee đấy. Và sau khi nói đã nói với hành khách cái điều mà ông tưởng là một lời khen ngợi, ông ta bước đi, thì Phileas Fogg lại nói với ông: – Bây giờ tàu này thuộc về tôi? Tất nhiên, từ sống tàu đến đỉnh cột buồm, nhưng phải hiểu là tất cả cái gì bằng "gỗ" thôi! – Được. Cho phá các thiết bị bên trong và lấy những mảnh phá ấy chất lò. Ta thử tưởng tượng xem muốn giữ được hơi nước có áp lực đầy đủ, phải ngốn biết bao nhiêu cái thứ củi không này. Ngày hôm ấy phòng cuối tàu, nóc tàu, các căn buồng, các nơi ở, boong dưới, tất cả đều chui vào lò hết. Ngày hôm sau, 19 tháng chạp, người ta đốt bộ cột buồm, các dây buồm, các trục buồm. Người ta hạ các cột buồm xuống, lấy rìu chẻ ra. Các thuỷ thủ làm việc này hăng hái lạ thường. Vạn Năng đẽo, chặt, cưa. Làm công việc của mười người. Quả là một cuộc phá huỷ điên cuồng. Ngày hôm sau, 20, các bao lơn, gỗ cạp mạn tàu, các phần tàu bên trên mặt nước, phần lớn boong tàu đều bị ngốn sạch. Tàu Henrietta bị phá nhẵn nhụi trơ ra như một cái cầu phao. Nhưng ngày hôm ấy, người ta đã nhìn thấy bờ biển Ai Len và ngọn đèn pha Fastenet. Tuy nhiên, đến mười giờ đêm, con tàu mới chỉ đi ngang qua Queenstown. Phileas Fogg chỉ còn hai mươi bốn giờ nữa đến tới Luân Đôn! Vậy mà đó là thời gian cần thiết cho tàu Henrietta để tới Liverpool – dù phóng hết tốc lực. Và cuối cùng thì chất đốt cũng sắp sửa không còn đủ cho nhà quý phái táo bạo nữa! – Thưa ngài, – viên thuyền trưởng Speedy lúc này đã quan tâm đến những kế hoạch của Phileas Fogg bèn nói với ông, – tôi thật sự ái ngại cho ngài. Tất cả đều chống lại ngài! Chúng ta mới chỉ đang ở trước mặt Queenstown thôi. – À! – ông Fogg nói, – cái thành phố mà chúng ta đang nhìn thấy ánh đèn kia là Queenstown đấy ư? – Vâng. – Ta có thể vào cảng được chứ? – Phải đợi ba giờ nữa. Nước lên mới vào được. – Thì đợi vậy! – Phileas Fogg thản nhiên đáp, không thể để lộ trên mặt một vẻ gì cho thấy rằng ông sắp cố thử chiến thắng số phận rủi ro một lần nữa. Thật thế, Queenstown là một hải cảng của bờ biển Ai Len, tại đây những Chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương từ Hoa Kỳ đi qua vứt bọc bưu kiện lại. Các bọc bưu kiện ấy được trở đến Dublin bằng những chuyến xe lửa tốc hành luôn sẵn sàng chạy. Từ Dublin, những bưu kiện ấy được tàu thuỷ tốc hàng chuyển đến Liverpool – như thế sớm được mười hai giờ trước cả tàu bể chạy nhanh nhất của các công ty hàng hải. Con số mười hai giờ mà bưu cục châu Mỹ tranh thủ được như thế, Phileas Fogg cũng muốn tranh thủ. Theo tàu Henrietta thế phải tối hôm sau mới tới Liverpool, đằng này ông sẽ đến vào giữa trưa, và do đó có thể về kịp Luân Đông trước tám giờ bốn mươi lăm phút tối. Vào khoảng một giờ sáng, tàu Henrietta theo nước lên vào cảng Queenstown, và Phileas Fogg, sau khi nhận được một cái bắt tay thật chặt của thuyền trưởng Speedy, để ông ta lại trên cái xác tàu đã phá trụi của ông, nó vẫn còn giá trị bằng nửa con tàu ông ta đã bán đi! Các hành khách lên bờ ngay tức khắc. Fix lúc này có một nỗi thèm khát dữ tợn muốn bắt giữ tên Fogg. Thế nhưng ông ta không làm việc đó! Sao thế? Một cuộc đấu tranh gì đang diễn ra trong con người ông vậy? Ông ta đã thay đổi ý kiến về ông Fogg rồi chăng? Tuy nhiên, Fix vẫn không rời ông Fogg. Cùng với ông Fogg, với bà Aouda, với Vạn Năng lúc này không còn thời gian để thở nữa, ông lên xe lửa ở Queenstown lúc một giờ rưỡi đêm, đến Dublin khi trời rạng sáng, và liền sau đó bước xuống một trong những cái tàu thuỷ ấy – những con thoi bằng thép thật sự, toàn bộ là máy là máy – chúng không thèm cất mình lên theo con sóng. Mà chỉ một mực phóng xuyên qua. Cuối cùng, mười hai giờ kém hai mươi trưa ngày 21 tháng chạp, Phileas Fogg lên bộ ở cảng Liverpool, ông chỉ cần sáu tiếng đồng hồ nữa là đến Luân Đôn. Nhưng đúng vào lúc đó, Fix tiến lại, đặt tay lên vai ông, và chìa lệnh bắt ra, nói: – Ông có thật là đúng là ông Phileas Fogg? – Vâng, thưa ông. – Thay mặt nữ hoàng, tôi bắt giữ ông!
Chương 34 – Đặt ra một trò chơi độc địa mới lạ Bấm để xem Phileas Fogg bị bắt vào tù. Người ta nhốt ông ở đồn giam sở thuế quan Liverpool, và ông phải ngủ đêm tại đây trong khi chờ đợi đưa về Luân Đôn. Lúc xảy ra chuyện bắt giữ, Vạn Năng định xông vào viên thám tử. Các nhân viên cảnh sát đến ngăn anh lại. Bà Aouda, kinh hoàng về sự việc tàn bạo, không hiểu ra sao cả vì bà vốn không biết gì về chuyện này. Vạn Năng giải thích cho bà rõ. Ông Fogg, nhà quý phái ngay thẳng và quả cảm ấy, con người đã cứu sống bà bị bắt về tội ăn cắp. Bà thiếu phụ phản đối một sự kết tội như thế, trái tim bà phẫn nộ, và những giọt lệ ràn rụa trên mắt bà khi bà thấy mình không thể làm gì, không có cách gì để cứu được vị cứu tinh của bà. Về phía Fix, ông ta đã bắt giữ nhà quý phái vì bổn phận phải làm như vậy, dù người ấy có tội hay không. Rồi công lý sẽ quyết định. Nhưng bấy giờ một ý nghĩ đến với Vạn Năng, cái ý nghĩ kinh khủng rằng anh dứt khoát là nguyên nhân của tất cả tai họa này! Thật vậy, tại sao anh đã giấu chuyện này với ông Fogg? Khi Fix đã lộ ra cả nghề nghiệp thanh tra cảnh sát của hắn và cả cái nhiệm vụ hắn đang nhận, sao anh lại ôm lấy trách nhiệm không chịu báo cho ông chủ anh biết để ông ấy đề phòng? Ông chủ anh mà biết trước chắc hẳn sẽ đưa ra cho Fix thấy những bằng chứng là ông vô tội; ông sẽ chứng minh cho Fix thấy sai lầm của hắn ta, dẫu sao thì ông cũng không để cho viên cảnh sát tai ách này đi tàu xe bằng tiền túi của ông và bám theo ông lẵng nhẵng, cái viên cảnh sát mà điều quan tâm trước hết chỉ là bắt giữ ông đúng vào lúc ông đặt chân lên mảnh đất của Vương quốc Liên hiệp. Nghĩ đến những lỗi lầm, những dại dột của mình, chàng trai khốn khổ lại bị lương tâm cắt dứt không chịu nổi. Anh khóc lóc. Nom thật tội nghiệp. Anh muốn dập đầu chết đi cho rảnh! Bà Aouda và anh, mặc dầu trời lạnh, vẫn ngồi lại dưới hàng hiên phía trước sở thuế quan. Cả hai, người này với người kia đều không muốn bỏ đi. Họ muốn nhìn lại ông Fogg một lần nữa. Còn về nhà quý phái này, ông đã bị tổn hại ghê gớm mà lại theo thủ tục hợp pháp, và điều đó đúng vào lúc ông sắp tới đích. Vụ bắt giữ làm ông thua cuộc hẳn không phương cứu vãn. Rời Liverpool lúc mười hai giờ kém hai mươi trưa ngày 21 tháng chạp mà đến tám giờ bốn mươi lăm phút tối ông mới phải trình diện ở Câu lạc bộ Cải Cách, nghĩa là còn được những chín giờ năm phút nữa, thế mà ông chỉ cần sáu giờ thôi để về tới Luân đôn. Lúc này, người nào bước vào đồn giam sở thuế quan sẽ thấy ông Fogg ngồi Im trên tấm ghế gỗ dài, không nổi giận, không bối rối. Ông cam chịu nhẫn nhục ư, khó mà nói vậy, nhưng cái đòn cuối cùng này đã không thể làm ông hoảng hốt, ít nhất về bề ngoài. Phải chăng trong lòng ông đã hình thành một cơn giận dữ thầm kín, khủng khiếp vì được nén lại, và chỉ đến phút cuối cùng nó mới nổi ra với một sức mạnh không gì chống lại được? Ta không biết. Nhưng Phileas Fogg ngồi đó, bình thản, chờ đợi.. cái gì? Ông còn giữ một niềm hy vọng nào chăng? Ông vẫn còn tin ở thắng lợi chăng, khi mà cánh cửa nhà tù này đã giam chặt ông lại? Dù sao chăng nữa, ông Fogg đã cẩn thận đặt cái đồng hồ quả quýt của ông trên mặt bàn, và ông nhìn các kim đồng hồ đang chạy. Không một lời thoát ra từ miệng ông, nhưng con mắt ông nhìn đăm đắm một cách khác thường. Dẫu sao mặc lòng, tình thế thật đáng sợ, và với những ai không đọc trong ý thức con người này, thì cái tình thế ấy tóm tắt như sau: Là người lương thiện. Phileas Fogg đã bị phá sản. Là kẻ bất lương, ông đã bị bắt. Lúc bấy giờ ông có ý định trốn không? Ông có nghĩ đến việc tìm xem trong đồn này có lối nào ra thoát được không? Ông có nghĩ đến trốn chạy không? Có lẽ ta cũng muốn tin là như thế, bởi vì, có lúc nào đó, ông đi vòng quanh buồng. Nhưng cửa ra vào đã đóng chặt, còn cửa sổ thì có chấn song sắt. Vậy là ông lại ngồi xuống, và ông rút ở trong cặp ra cuốn nhật ký hành trình. Trên dòng chữ: "21 tháng chạp, thứ bảy, Liverpool" Ông viết thêm: "Ngày thứ 80, 11 giờ 40 sáng" Và ông đợi. Đồng hồ sở thuế quan điểm một giờ. Ông Fogg nhận thấy đồng hồ ông nhanh hơn đồng hồ này hai mươi phút. Hai giờ! Giả sử lúc này ông lên được một chuyến tàu tốc hành, ông có thể về Luân Đôn và Câu lạc bộ Cải Cách trước tám giờ bốn mươi tối. Vầng trán ông hơi nhíu lại.. Hai giờ ba mươi phút, một tiếng động vang lên phía ngoài, tiếng loảng xoảng của các cánh cửa đang mở. Nghe có tiếng Vạn Năng, nghe có tiếng Fix. Con mắt Phileas Fogg loé sáng lên trong giây lát. Cánh cửa đồn giam mở ra, và ông trông thấy bà Aouda, Vạn Năng, Fix chạy lao lại phía ông. Fix muốn đứt hơi, tóc rối bù.. Ông ta không nói nên lời! "Thưa ngài, – ông ta lúng túng, – thưa ngài.. xin lỗi.. một sự giống nhau đáng tiếc. Kẻ trộm đã bị bắt từ ba ngày nay.. ngài.. tự do.." Phileas Fogg được tự do! Ông tiến đến viên thảm tử. Ông nhìn hắn ta chằm chằm giữa mặt, và, làm cái động tác nhanh chóng duy nhất mà cả đời ông chưa bao giờ làm và chưa bao giờ phải làm. Ông đưa hai cánh tay ra sau, rồi, với sự chính xác của một người máy, ông nện cả hai quả đấm vào giữa mặt viên thanh tra khốn khổ. "Đấm ra đấm! – Vạn Năng kêu lên, và tự cho phép mình dùng cái trò chơi chữ độc địa thật xứng đáng với một người Pháp, nói tiếp:" Mẹ kiếp! Thế mới gọi là một cú đấm Anh giập bã trầu!" Fix, bị đánh ngã quay lơ, không nói nửa lời. Ông ta chỉ nhận được cái mà ông ta đáng nhận. Nhưng ngay lúc đó ông Fogg, bà Aouda, Vạn Năng đã rời khỏi sở thuế quan. Họ lao lên một cái xe. Và vài phút sau đã tới ga Liverpool. Phileas Fogg đi hỏi xem có một chuyến tàu tốc hành nào sẵn sàng đi Luân Đôn không.. Lúc ấy hai giờ bốn mươi.. Đoàn tàu tốc hành đã đi từ ba mươi lăm phút trước. Phileas Fogg bèn đặt riêng một chuyến tàu đặc biệt. – Ở đây sẵn có nhiều đầu tàu có tốc độ lớn, nhưng do những thủ tục cần thiết, chuyến tàu đặc biệt không thể rời ga trước ba giờ. Đến ba giờ, Phileas Fogg, sau khi đã nói vài lời với bác thợ máy về món tiền thưởng hứa hẹn, ngồi trên con tàu phóng thẳng đến Luân Đôn, cùng với người thiếu phụ và người hầu trung thành của ông. Ông cần phải vượt qua trong năm giờ rưỡi quãng đường ngăn cách Liverpool với Luân Đôn, một-việc-hoàn-toàn-làm-được, nếu đường sắt được tự do trên suốt chặng đường. Nhưng do những sự chậm trễ bắt buộc, cho nên khi nhà quý phái về tới ga, thì tất cả các đồng hồ ở ga đều điểm chín giờ kém mười. Phileas Fogg, sau khi đã hoàn thành cuộc du hành vòng quanh thế giới, về đến đích chậm mất năm phút! Ông đã thua cuộc.
Chương 35 – Phải ra lệnh đến hai lần Bấm để xem Hôm sau, dân phố Saville rất ngạc nhiên nếu có ai quả quyết với họ rằng ông Fogg đã về. Tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều đóng kín. Không một thay đổi gì xảy ra ở bề ngoài. Thật vậy, ở ga đi ra, Phileas Fogg đã sai Vạn Năng đi mua vài món thực phẩm rồi ông trở về nhà mình. Nhà quý phái đã tiếp nhận với vẻ lì lợm thường lệ của ông cái đòn giáng vào ông. Ông đã bị phá sản! Và do lỗi của tên thanh tra cảnh sát kém cỏi ấy! Sau khi đã đi những bước chắc nịch trong suốt chặng đường dài, sau khi đã khắc phục hàng ngàn trở lực, vượt qua hàng ngàn nỗi nguy hiểm, mà vẫn có thời gian làm vài việc thiện dọc đường, thì thắng lợi đã đến nơi rồi còn để mất, do một sự việc tàn nhẫn mà ông không thể nào dự tính, và để đương đầu với nó thì ông lại bị tước vũ khí; điều ấy thật kinh khủng! Số tiền lớn ông đem theo buổi lên đường chỉ còn lại một ít tiền thừa không đáng kể. Tài sản ông chỉ còn hai vạn livrơ ấy lĩnh ra là để trả cho các bạn đồng sự của ông ở Câu lạc bộ Cải cách. Sau nhiều khoản tiêu pha như thế, ông có được cuộc cũng chẳng giàu lên, và chắc hẳn ông không mưu chuyện làm giàu. Ông thuộc loại người đánh cuộc là vì danh dự, nhưng vụ thua cuộc này đã làm ông hoàn toàn lụn bại. Thế nhưng nhà quý phái có chủ ý rồi. Ông biết mình còn phải làm gì nữa. Một căn phòng của ngôi nhà phố Saville được dành cho bà Aouda. Người thiếu phụ thật tuyệt vọng. Qua vài câu nói ông Fogg hở ra, bà đã hiểu là ông đang nghiền ngẫm một ý đồ bi thảm. Thật vậy, ta biết rằng những người Anh có thói quen thiên cuồng đôi khi đã đi đến những hành động cực đoan đáng tiếc như thế nào dưới sự hối thúc của một ý nghĩ ám ảnh. Cho nên Vạn Năng, ngoài mặt làm như không để ý gì, vẫn phải canh giữ ông chủ. Nhưng trước hết, chàng trai ngay thật đã lên buồng mình, tắt ngọn đèn hơi vẫn cháy từ tám mươi ngày nay. Anh thấy trong hộp thư một phiếu thanh toán của Công ty hơi đốt, và anh nghĩ có chấm dứt những phí tổn anh phải chịu này cũng đã là quá muộn. Đêm đến, ông Fogg đã đi nằm, nhưng ông có ngủ không? Còn Bà Aouda, bà không chợp mắt được một phút. Vạn Năng thì thức canh như một con chó bên cửa buồng ông chủ. Ngày hôm sau, ông Fogg gọi anh đến, và bằng lời lẽ rất vắn tắt, ông dặn doành sửa soạn bữa ăn sáng cho bà Aouda. Về phần ông, ông chỉ cần một tách chè và một miếng bành mì nướng. Bà Aouda hẳn sẵn sàng miễn thứ cho sự vắng mặt của ông trong bữa sáng và bữa ăn trưa, vì tất cả thời gian của ông phải để sắp xếp lại công việc. Ông sẽ không xuống dưới nhà. Chỉ chiều tối ông mới xin bà Aouda cho phép hầu chuyện bà một lát. Vạn Năng, đã được thông báo chương trình trong ngày, chỉ còn việc theo đó mà làm. Anh nhìn ông chủ anh luôn luôn lì lợm, và không đành lòng ra khỏi phòng ông. Anh rất buồn, lương tâm cắn rứt và hối hận, bởi vì anh tự kết tội hơn bao giờ hết về cái họa không cứu vãn được này. Phải! Nếu anh báo trước cho ông Fogg biết, nếu anh thổ lộ với ông những ý đồ của tên cảnh sát, ông Fogg chắc chắn sẽ không kéo lê theo mình tên Fix đến tận Liverpool và nếu thế thì.. Vạn Năng không chịu nổi nữa. – Thưa ông chủ! Thưa ông Fogg! – anh kêu lên, – ông nguyền rủa tôi đi. Chính vì lỗi lầm của tôi mà.. – Tôi không buộc tội ai hết. – Phileas Fogg đáp lại với giọng bình tĩnh nhất. – Cho anh ra. Vạn Năng ra khỏi phòng và tìm đến bà Aouda. Anh cho bà biết ý định của ông chủ anh. – Thưa bà, – anh nói thêm, – tự tôi chẳng thể làm gì được, quả là không làm gì được! Tôi không có một ảnh hưởng gì đối với tư tưởng của ông chủ tôi cả. Còn bà, có thể bà.. – Tôi thì có ảnh hưởng gì, – bà Aouda đáp. – Ông Fogg chẳng chịu ảnh hưởng nào của ai hết! Có bao giờ ông hiểu cho rằng lòng biết ơn của tôi đối với ông lúc nào cũng sẵn sàng muốn trào ra! Có bao giờ ông chịu đọc trong trái tim tôi!.. Anh bạn ạ. Anh đừng có phút nào rời ông ra. Anh nói là ông chủ ngỏ ý muốn nói chuyện với tôi chiều nay ư? – Thưa bà, vâng. Chắc hẳn về việc bào toàn địa vị của bà ở nước Anh. – Để xem, – người thiếu phụ trả lời, trầm ngâm nghĩ ngợi. Như thế, ban ngày chủ nhật hôm ấy, ngôi nhà phố Saville như không có người ở. Và lần đầu tiên từ khi sống trong ngôi nhà này. Phileas Fogg không đến Câu lạc bộ, khi chuông đồng hồ trên tháp Nghị viện điểm mười một giờ rưỡi. Và vì việc gì nhà quý phái ấy phải đến trình diện ở Câu lạc bộ Cải cách? Đồng sự của ông có chờ ông ở đấy nữa đâu. Bởi vì tối hôm trước, vào cái ngày số phận đã định thứ bảy ngày 21 tháng chạp, tám giờ bốn mươi lăm phút. Phileas Fogg đã không có mặt ở phòng khách Câu lạc bộ Cải cách, vàông đã bị thua cuộc. Thậm chí ông cũng chẳng cần phải đến ngân hàng lấy số tiền hai vạn livrơ ấy nữa. Các đối thủ của ông đã nắm trong tay cái ngân phiếu có chữ ký của ông, và chỉ cần một mảnh giấy con gửi Ngân hàng Anh em Baring là đủ để hai vạn livrơ ấy được chuyển sang cho họ. Vậy thời ông Fogg không cần phải ra khỏi nhà, và ông không ra khỏi nhà. Ông ở trong phòng sắp đặt lại công việc. Vạn Năng hết lên lại xuống cầu thang gác ngôi nhà phố Saville. Thời gian dường như không trôi đi với chàng trai khốn khổ này. Anh nghe ngóng ở cửa phòng ông chủ anh, và làm việc ấy, anh không hề nghĩ rằng mình đã phạm tội thóc mách dù nhỏ nhất! Vạn Năng lúc nào cũng nơm nớp một tai họa gì, đôi khi, anh nghĩ đến Fix, nhưng lúc này tư tưởng anh đã hoàn toàn thay đổi. Anh không thù ghét ông thanh tra nữa. Fix đã nhầm lẫn như tất cả mọi người về Phileas Fogg, và theo hút ông, bắt giữ ông, ông ta cũng chỉ làm phận sự của ông ta thôi, còn anh thì.. Ý nghĩ ấy đè nặng lên anh, và anh tự thấy mình là đồ khốn kiếp nhất trên đời. Cuối cùng, khi Vạn Năng cảm thấy ngồi một mình khổ quá. Anh gõ cửa phòng bà Aouda, anh bước vào phòng bà, anh ngồi một xó chẳng nói chẳng rằng, và anh nhìn người thiếu phụ lúc này cũng trầm ngâm suy nghĩ. Vào khoảng bảy giờ rưỡi tối, ông Fogg xin được gặp bà Aouda, và một lát sau, chỉ còn mình bà với ông ngồi trong phòng. Phileas Fogg kéo ghế đến gần lò sưởi, trước mặt bà Aouda, khuôn mặt ông không biểu lộ chút xúc động nào. Cái ông Fogg này trở về vẫn hệt như ông Fogg buổi ra đi. Vẫn một vẻ điềm tĩnh ấy, một vẻ lạnh như tiền ấy. Ông ngồi im trong năm phút, rồi, ngước mắt nhìn bà Aouda, ông nói: – Thưa bà, chẳng hay bà có tha lỗi cho tôi đã đưa bà đến nước Anh! – Tôi ấy ư, thưa ông Fogg!.. – Bà Aouda đáp, cố nén những nhịp tim hồi hộp. – Xin bà cho phép tôi nói nốt, – ông Fogg tiếp. – Khi tôi định đưa bà trốn xa cái vùng đã trở thành vô cùng nguy hiểm cho bà ấy, tôi giàu có, và tôi hy vọng để một phần tài sản của tôi dưới quyền bà sử dụng. Cuộc sống của bà hẳn sẽ hạnh phúc và tự do. Bây giờ, tôi bị phá sản. – Thưa ông Fogg, điều đó tôi biết, – thiếu phụ đáp, – và đến lượt tôi xin hỏi ông: Chẳng hay ông có tha lỗi cho tôi đã đi theo ông, và biết đâu đã chẳng góp phần làm ông phá sản, do những chậm trễ tôi gây ra? – Thưa bà, bà không ở lại Ấn Độ được, và bà chỉ có thể an toàn nếu bà lánh đi khá xa để những kẻ cuồng tín kia không thể bắt lại được bà. – Như vậy, thưa ông Fogg, – bà Aouda lại nói, – đã cứu tôi khỏi một cái chết kinh tởm còn chưa đủ, ông còn tự mình phải bảo đảm cho tôi một địa vịở nước ngoài nữa hay sao? – Vâng, thưa bà, – ông Fogg đáp, – nhưng số mệnh đã thù tôi. Tuy vậy, cái phần ít ỏi tôi còn lại, tôi xin và cho phép để quyền bà sử dụng. – Nhưng còn ông, ông Fogg, ông sẽ ra sao? – Bà Aouda hỏi. – Tôi ấy ư, thưa bà, – nhà quý phái lạnh lùng đáp lại, – tôi không cần gì hết. – Nhưng, thưa ông, vậy ông xem xét ra sao cái số phận đang chờ ông? – Như người ta cần xem xét. – Ông Fogg đáp. – Dẫu sao, – bà Aouda lại nói, – một con người như ông không thể rơi vào cảnh nghèo hèn được. Các bạn ông.. – Tôi không có bạn, thưa bà. – Bà con ông.. – Tôi không còn bà con. – Nếu thế thì thật ái ngại cho ông quá, ông Fogg ạ, bởi vì sống cô độc là một điều đáng buồn. Sao! Ông không có một trái tim nào để cùng chia sẻ những nỗi ưu phiền của ông ư? Vậy mà người ta nói rằng có hai người thì ngay cả sự nghèo khổ cũng dễ chịu! – Vâng thưa bà, người ta nói thế. – Thưa ông Fogg, – bà Aouda bèn nói, và đứng lên đưa tay cho nhà quý phái, – ông có muốn cùng một lúc có cả người bà con và một bạn thân tình không? Ông có muốn nhận tôi làm bạn trăm năm của ông không? Nghe nói thế, ông Fogg đến lượt mình đứng lên. Hình như đôi mắt ông có một ánh gì khác lạ, và đôi môi ông hơi run run. Bà Aouda nhìn ông. Sự chân thành, lòng ngay thẳng, chí kiên nghị và ánh dịu dàng trong đôi mắt rất đẹp ấy của một người đàn bà cao quý dám làm tất cả để cứu con người đã đem lại cho bà tất cả, thoạt đầu khiến ông ngạc nhiên, rồi thấm vào lòng ông. Ông nhắm mắt lại trong giây lát, như thể tránh cái nhìn ấy không xoáy và sâu hơn nữa.. Khi lại mở mắt ra, ông chỉ giản dị nói: – Tôi yêu bà! Vâng, thật vậy, bằng tất cả những gì thiêng liêng nhất trên đời, tôi yêu bà, và tôi hoàn toàn thuộc về bà! – Ôi!.. – Bà Aouda kêu lên, đặt tay lên tim. Vạn Năng nghe chuông gọi. Anh đến ngay tức khắc. Ông Fogg còn đang cầm trong tay mình bàn tay bà Aouda. Vạn Năng hiểu, và khuôn mặt vành vạnh của anh ngời lên rực rỡ như mặt trời vùng nhiệt đới khi lên tới đỉnh trời. Ông Fogg hỏi anh nếu bây giờ đi báo Đức cha Samuel Wilson ở nhà thờ Mary-le-Bone có muộn quá không. Vạn Năng tủm tỉm cười với nụ cười tươi nhất. "Không có gì là muộn cả", anh nói. Lúc ấy mới có tám giờ năm phút. – Vậy là tổ chức vào ngày mai, thứ hai! – anh nói. – Vào ngày mai thứ hai nhỉ? – ông Fogg nhìn người thiếu phụ hỏi. – Ngày mai thứ hai! – bà Aouda đáp. Vạn Năng ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà.
Chương 36 – Lại được giá cao trên thị trường Bấm để xem Đã đến lúc cần nói ra sự thay đổi ngược hẳn với dư luận trong Vương quốc Liên Hiệp, khi người ta được biết tên trộm thật sự của Ngân hàng, một thằng cha James Strand nào đó, đã bị bắt, vào ngày 17 tháng chạp ở Édimbourg. Trước đó ba ngày, Phileas Fogg là một phạm nhân bị sở cảnh sát truy lùng ráo riết, và bây giờ thì đó là nhà quý phái lương thiện nhất đang thực hiện răm rắp cuộc du hành kỳ dị của ông vòng quanh thế giới. Cả một sự chấn động, cả một dư luận ồn ào xiết bao trên báo chí! Tất cả những đánh cá phía theo hay phía chống vốn đã quen việc này rồi bây giờ lại nổi dậy như nhờ phép ảo thuật. Tất cả các hợp đồng lại có giá trị. Tất cả các bàn giao kết lại phục hồi, và cũng phải nói là những vụ đánh cá lại tiếp tục với một khí thế mới. Cái tên Phileas Fogg lại cao giá trên thị trường. Năm người bạn đồng sự của nhà quý phái ở Câu lạc bộ Cải cách ba ngày nay sống trong lo lắng. Cái ông Phileas Fogg mà họ đã quên đi lại hiện ra trước mắt họ! Ông ta lúc này đang ở đâu? Ngày 17 tháng chạp, – ngày James Strand bị bắt, – Phileas Fogg đã ra đi được bảy mươi sáu ngày rồi, mà không có một tin tức nào về ông ta cả! Ông đã chết rồi chăng? Ông đã bỏ cuộc, hay ông vẫn tiếp tục cuộc du hành của ông theo hành trình đã định? Và ngày thứ bảy 21 tháng chạp, tám giờ bốn mươi phút tối, liệu ông có hiện ra, như ông Thần Chính xác, trên ngưỡng cửa phòng khách Câu lại bộ Cải cách hay không? Không thể miêu tả nổi nỗi lo âu của tất cả giới thượng lưu xã hội Anh trong ba ngày nay. Người ta đánh điện Châu Mỹ, Châu Á. Để hỏi thăm tin tức Phileas Fogg! Người ta phái người sớm chiều đến quan sát ngôi nhà phố Saville.. Không có gì cả. Ngay cả sở cảnh sát cũng không biết được viên thám tử Fix ra sao, cái con người đã không may rượt theo một dấu tích lầm lạc. Tình hình ấy không ngăn trở những vụ đánh cá lại càng phát triển trên một quy mô rộng lớn hơn. Phileas Fogg như một con ngựa đua đã đến quãng đường ngoặt cuối cùng. Ngươi ta không định giá ông một trăm ăn một nữa, mà hai mươi, mà mười, mà năm ăn một, và ông già bại liệt nghị sĩ Albermale thì định giá ông ăn một. Cho nên, tối thứ bảy, rất đông người kéo đến phố Pall-Mall và các phố lân cận. Người ta tưởng như một cuộc tụ tập rộng lớn những người mối lái thường trực quanh Câu lạc bộ Cải cách. Giao thông bị đình trệ. Người ta bàn luận, người ta tranh cãi, người ta rao giá "chứng khoán Phileas Fogg", nhưrao giá các đồng tiền Anh. Các nhân viên cảnh sát vất vả lắm mới ngăn giữ được quần chúng. Và càng đến gần giờ Phileas Fogg phải trở về, thì người ta càng xúc động đến mức như cuồng dại. Tối hôm ấy, năm người bạn đồng sự của nhà quý phái đã tề tựu từ tám giờ tại phòng khách lớn Câu lạc bộ Cải cách. Hai ông chủ nhà băng, John Sullivan và Samuel Fallentin, Kỹ sư Andrew Stuart, Viên quản lí Ngân hàng Anh Gauthier Ralph, bồn chồn chờ đợi. Vào lúc đồng hồ phòng khách lớn chỉ tám giờ hai mươi lăm, Andrew Stuart đứng lên nói: – Thưa các ngài, còn hai mươi phút nữa là hết kỳ hạn đã định giữa ông Phileas Fogg với chúng ta. – Chuyến tàu cuối cùng từ Liverpool đến đây lúc mấy giờ? – Thomas Flanagan hỏi. – Bảy giờ hai mươi ba, – Gauthier Ralph đáp, – và chuyến sau phải mười hai giờ mười phút đêm mới đến. – Thế thì, thưa các ngài, – Andrew Stuart lại nói, – nếu Phileas về chuyến bảy giờ hai mươi ba thì ông ấy ở đây rồi. Vậy ta có thể xem như đã thắng cuộc. – Khoan đã, xin đừng nói trước, – Samuel Fallentin đáp. – Các ngài đã biết ông bạn đồng sự của chúng ta là một con người kỳ dị nhất. Tính chính xác của ông trong mọi việc đã nổi tiếng. Ông không bao giờ đến quá muộn hoặc quá sớm, và nếu ông xuất hiện ở đây đúng vào phút cuối thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên gì. – Còn tôi, – Andrew Stuart nói với vẻ rất nóng nảy như xưa nay ông vẫn thế, – để xem đã. Tôi không tin. – Thật thế, – Thomas Flanagan lại nói, – ý định của Phileas Fogg thật điên rồ. Dù ông ta chuẩn xác đến như thế nào, ông cũng phải bó tay trước những trậm trễ xảy ra không tránh khỏi, và chỉ cần một sự chậm trễ hai hoặc ba ngày đủ làm vỡ cuộc hành trình của ông ta. – Vả chăng, các ngài cũng thấy đó, – John Sullivan nói tiếp, – chúng ta không nhận được tin tức gì về ông bạn đồng sự của chúng ta cả, thế mà trên đường đi của ông không thiếu gì đường dây điện báo. – Ông ta đã thua cuộc, thưa các ngài, – Andrew Stuart lại nói, – ông ta đã trăm lần thua cuộc! Vả lại các ngài biết rằng tàu China, con tàu duy nhất từ Nữu Ước có thể đưa ông ta tới Liverpool trong thời gian hữu hiệu, đã đến ngày hôm qua. Thế nhưng, đây là bản danh sách hành khách do Nhật báo Hàng hải công bố, trong đó không có cái tên Phileas Fogg. Cứ cho là thuận Buồm xuôi gió nhất, ông bạn đồng sự của chúng ta may ra bây giờ mới tới được châu Mỹ! Tôi đánh giá sự chậm trễ của ông so với thời hạn đã định ít nhất hai mươi ngày, và ông già nghị sĩ Albermale, cả ông ấy nữa, cũng sẽ mất toi năm nghìn livrơ thôi! – Dĩ nhiên là như vậy, – Gauthier Ralph đáp, – và ngày mai chúng ta chỉ còn việc đến trình Ngân hàng Anh em Baring tờ ngân phiếu của ông Fogg. Lúc này đồng hồ phòng khách điểm tám giờ bốn mươi. "Còn năm phút nữa", – Andrew Stuart nói. Năm ông bạn đồng sự nhìn nhau. Người ta có thể tin rằng nhịp đập của trái tim họ có nhanh lên một chút, vì rốt cuộc, ngay cả với những tay chơi giàu sụ, ván bạc này cũng lớn quá! Nhưng họ không muốn để lộ gì ra mặt, và theo đề nghị của Samuel Falentin, họ ngồi vào bàn chơi bài. "Tôi sẽ không nhượng lại phần đặt cuộc bốn nghìn livrơ của tôi, – Andrew Stuart ngồi xuống nói, – dù cho người ta có biếu tôi ba nghìn chín trăm chín mươi chín livrơ!" Kim đồng hồ lúc này chỉ tám giờ bốn mươi hai phút. Các người chơi bài đã cầm bài ở trên tay, nhưng chốc chốc, con mắt họ lại ngước nhìn lên đồng hồ. Ta có thể quả quyết rằng dù họ có nắm chắc phần thắng đến thế! "Tám giờ bốn mươi ba", – Thomas Flanagan vừa nói vừa ôm con bài mà Gauthier Ralph đánh ra cho ông. Rồi một giây phút im lặng. Phòng khách rộng của Câu lạc bộ thật yên tĩnh. Nhưng ở bên ngoài người ta nghe tiếng ồn ào của đám đông, trong đó thỉnh thoảng chói lên những tiếng kêu the thé. Quả lắc đồng hồ điểm giây theo một nhịp đều tăm tắp. Mỗi người chơi bài đều có thể đếm được từng giây đồng hồ đập vào tai họ. "Tám giờ bốn mươi bốn!" John Sullivan nói với một giọng trong đó người ta cảm thấy như có một nỗi xúc động gì không nén được. Còn hơn một phút nữa là thắng cuộc, Andrew Stuart và các bạn đồng sự của ông không chơi nữa. Họ buông cỗ bài! Họ đếm từng giây! Giây thứ bốn mươi không có gì. Giây thứ năm mươi, vẫn không có gì! Giây thứ năm mươi lăm, người ta nghe như sấm động bên ngoài, những tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô, và những lời nguyền rủa lan đi rầm rầm như một tiếng sấm rền kéo dài không dứt. Các người chơi bài đứng lên. Giây thứ năm mươi bảy, cánh cửa phòng khách mở ra, và khi quả lắc còn chưa điểm đến giây thứ sáu mươi thì Phileas Fogg hiện lên, theo sau là một đám đông cuồng nhiệt đã đạp cánh cửa câu lạc bộ xông vào, và bằng một giọng điềm tĩnh của mình ông nói: "Tôi đây, thưa các ngài".
Chương 37 – Cái cuối cùng nhận được trong chuyến đi vòng quanh thế giới là hạnh phúc (Hết) Bấm để xem Phải! Đó chính là một Phileas Fogg bằng xương bằng thịt. Nhớ lại lúc tám giờ năm phút tối, vào khoảng hai mươi lăm giờ sau khi các du khách đã về đến Luân Đôn, Vạn Năng được ông chủ sai đi báo với Đức cha Samuel Wilson về một lễ cưới nào đó phải tổ chức ngay ngày hôm sau. Thế là Vạn Năng đã ra đi, vô cùng sung sướng. Anh rảo bước đến nhà Đức cha Samuel Wilson, lúc này vẫn chưa về. Tất nhiên là Vạn Năng đợi, mà anh đợi ít ra là hai mươi phút tròn. Tóm lại, lúc ấy tám giờ ba mươi lăm khi anh ra khỏi nhà Đức cha. Nhưng trong tình trạng thế nào! Tóc rối bù, không mũ, chạy, chạy, như từ xưa chưa ai chạy như thế bao giờ, xô ngã khách đi đường, xông lên các vỉa hè như một cơn lốc! Trong ba phút anh đã trở về ngôi nhà phố Saville, và thở hổn hển ngã vào trong buồng ông Fogg. Anh không nói được nữa. – Chuyện gì thế? – ông Fogg hỏi. – Ông chủ.. – Vạn Năng ấp úng, – đám cưới.. không được. – Không được? – Không được.. vào ngày mai. – Tại sao? – Vì mai.. là chủ nhật! – Thứ hai – Ông Fogg đáp. – Không.. hôm nay.. thứ bảy. – Thứ bảy à? Vô lí! – Có, có. Có lí mà! – Vạn Năng kêu lên. – Ông đã nhầm mất một ngày! Chúng ta đã về sớm hai mươi bốn tiếng đồng hồ.. nhưng chỉ còn mười phút nữa thôi! Vạn Năng nắm cổ áo ông chủ anh, và lôi ông đi với một sức mạnh không cưỡng nổi! Phileas Fogg, bị bắt cóc đi như thế, không kịp nghĩ, ra khỏi phòng, ra khỏi nhà, nhảy lên xe ngựa, hứa thưởng một trăm livrơ cho người đánh xe, và sau khi đã chẹt chết hai con chó và va phải năm cái xe, ông đến Câu lạc bộ Cải cách. Đồng hồ chỉ tám giờ bốn mươi lăm thì vừa lúc ông xuất hiện trong phòng khách lớn.. Phileas Fogg đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày!.. Phileas Fogg đã được cuộc hai vạn livrơ! Và giờ đây, ta thử xem tại sao một con người chính xác như thế, tỉ mỉ như thế, lại có thể nhầm ngày như vậy? Làm thế nào ông lại tưởng ông về Luân Đôn vào tối thứ bảy, 21 tháng chạp, trong khi hôm ấy mới chỉ là tối thứ sáu, 20 tháng chạp, mới có bảy mươi chín ngày sau buổi lên đường? Đây là lí do của sự nhầm lẫn đó. Nó hết sức đơn giản. Phileas Fogg đã được lợi một ngày "không ngờ" trong hành trình của ông, và lí do duy nhất là vì ông đã đi vòng quanh thế giới theo hướng đông, còn nếu ông đi theo hướng ngược lại, tức hướng tây, thì trái lại, ông sẽ bị thiệt đi một ngày như thế. Thật vậy, khi đi về hướng đông, Phileas Fogg đi đón trước mặt trời, và do đó cứ mỗi lần ông vượt qua một độ theo hướng này thì ngày lại giảm đi cho ông bốn phút. Vậy mà chu vi trái đất có ba trăm sáu mươi độ, và ba trăm sáu mươi độ này nhân với bốn phút cho ta đúng hai mươi bốn giờ, nghĩa là cái ngày tranh thủ được một cách không ý thức ấy. Nói cách khác, trong khi mà Phileas Fogg đi về hướng đông nhìn thấy mặt trời qua kinh tuyến tám mươi lần, thì các bạn đồng sự của ông ở Luân Đôn chỉ nhìn thấy mặt trời có bảy mươi chín lần thôi. Bởi thế cho nên chính trong ngày hôm ấy, là ngày thứ bảy chứ không phải chủ nhật như ông Fogg tưởng, họ ngồi đợi ông trong phòng khách Câu lạc bộ Cải cách. Và đó cũng là điều mà cái đồng hồ trứ danh của Vạn Năng, nó luôn giữ mãi theo giờ Luân Đôn, hẳn sẽ nhận ra, nếu như cùng với việc chỉ giờ và chỉ phút, nó chỉ cả ngày! Vậy thời Phileas Fogg đã được cuộc hai vạn livrơ. Nhưng vì ông đã chi tiêu dọc đường khoảng một vạn chín, cho nên thu hoạch về tiền bạc không đáng kể. Tuy vậy, như ta đã nói, nhà quý phái kỳ dị trong vụ đánh cuộc này chỉ đi tìm sự đấu tranh chứ không tìm tiền của. Và ngay cả số tiền một nghìn livrơ còn lại ông cũng chia nốt cho Vạn Năng trung hậu và ông Fix khốn khổ mà ông không thể mang lòng thù ghét. Chỉ có điều, và để đúng qui tắc, ông khấu lại của người hầu số tiền một nghìn chín trăm hai mươi giờ hơi đốt doanh lãng phí. Ngay tối hôm ấy, ông Fogg vẫn bình thản, vẫn lạnh như tiền, nói với bà Aouda: – Thưa bà. Cuộc hôn nhân này vẫn cứ hợp ý bà chứ ạ? – Ông Fogg, – bà Aouda đáp, – chính tôi mới là người phải hỏi ông câu hỏi đó. Hôm qua ông bị phá sản, hôm nay ông giàu có. – Xin bà tha lỗi, thưa bà, tài sản này là của bà. Nếu bà không có ý định cưới, người hầu của tôi đã không đến nhà Đức cha Samuel Wilson, tôi đã không được báo cho biết sự nhầm lẫn của tôi, và.. – Ông Fogg thân yêu.. – bà Aouda nói. – Aouda yêu quí.. – Phileas Fogg đáp. Ta hiểu ngay ra rằng đám cưới được tổ chức mười tám giờ sau. Và Vạn Năng, bệ vệ, rạng rỡ, chói lọi, có mặt ở đám cưới với tư cách người làm chứng của bà thiếu phụ. Chẳng phải chính anh đã cứu bà đấy ư, và anh chẳng hoàn toàn xứng đáng với vinh dự này hay sao? Nhưng, ngay hôm sau, khi trời vừa sáng, Vạn Năng đã đạp cửa thình thình ở buồng ông chủ. Cánh cửa mở, và nhà quý phái bình thản bước ra. – Gì thế, Vạn Năng? – Có chuyện là, thưa ông, là, tôi vừa mới được biết ngay đây.. – Sao kia? – Rằng ta có thể đi vòng quanh thế giới trong bảy mươi tám ngày thôi. – Hẳn thế, – ông Fogg đáp, – nếu không đi qua Ấn Độ. Nhưng nếu không đi qua Ấn Độ, tôi đã không cứu được bà Aouda, bà đã không là vợ tôi, và.. Và ông Fogg nhẹ nhàng đóng cửa buồng lại. Như thế là Phileas Fogg đã thắng cuộc. Ông đã hoàn thành trong tám mươi ngày cuộc du hành vòng quanh thế giới! Để làm được điều ấy, ông đã sử dụng tất cả các phương tiện vận tải, tàu thuỷ, tàu hỏa, xe cộ, du thuyền, tàu buôn, xe trượt tuyết, voi. Nhà quý phái kì dị đã phát huy trong việc này những phẩm chất tuyệt diệu của ông là tính gan góc và tính chính xác. Nhưng sau đó thì sao? Ông đã được gì trong chuyến đi này? Từ cuộc du hành ấy, ông đã mang về được cái gì? Chẳng được gì cả, thật thế chăng? Chẳng được gì, phải, trừ một người đàn bà đẹp, và người đàn bà ấy, dù cho điều này có vẻ khó tin đến đâu, đã khiếnông trở thành con người sung sướng nhất trên đời! Nhưng dù chỉ được như vậy thôi chẳng lẽ còn chưa đáng đi vòng quanh thế giới hay sao? Hết