[Sách] Bí Ẩn Của Nhân Loại – Minh Anh

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Nyanko, 27 Tháng mười một 2021.

  1. Nyanko

    Bài viết:
    380
    18. ĐÔI MẮT – VŨ KHÍ SĂN TÌNH CỦA RUỒI ĐỰC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những con ruồi đực có một đôi mắt đặc biệt mà con ruồi cái nào lọt vào khó mà thoát được. Tế bào trong võng mạc của mắt ruồi đực chuyên biệt hóa để nhận biết những vật thể nhỏ chuyển động, điều này giúp chúng truy đuổi những con cái chạy trốn.

    "Điểm tình" trong mắt ruồi đực có thể nhận biết được những con ruồi bay với tốc độ cao ở khoảng cách 76 cm, trong khi mắt con cái chỉ nhìn thấy được trong khoảng 33 cm. "Khi bạn nhìn thấy 2 con ruồi lượn quanh một cái chao đèn, khả năng sẽ là con ruồi đực đang đuổi, còn con cái đang tìm cách trốn thoát", Simon Laughlin tại Đại học Cambridge, nước Anh, cho biết. Tế bào cảm thụ trong "điểm tình" của mắt ruồi đực phản ứng mạnh mẽ với những vật thể nhỏ và nhận diện mục tiêu chính xác hơn. Chúng cũng dừng phản xạ một cách nhanh chóng, giúp giảm được sự hoa mắt, bởi nó có thể xóa các hình ảnh còn lưu lại trong võng mạc (điều này thường xảy ra khi người ta xem pháo hoa). Mắt ruồi có thuỷ tinh thể lớn hơn vì vậy mà cho ra hình ảnh sắc nét hơn. Tất cả những khả năng này đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng, điều đó lý giải vì sao "điểm tình" chỉ nằm trên 1/5 con mắt. Các nhà khoa học cho biết, mắt động vật thường thích nghi với cuộc sống của chúng. Chẳng hạn mắt ếch phản ứng mạnh mẽ với những vật thể bay. Nhưng nó xảy ra trong quá trình xử lý hình ảnh, chứ không nằm trong tế bào cảm thụ.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  2. Nyanko

    Bài viết:
    380
    19. CHIM MOA CÁI ƯA CÁC CHÀNG TÍ HON

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những loài chim đã trở thành thiên cổ này đều có chung một đặc điểm kỳ lạ, đó là hiện tượng lưỡng hình giới tính đảo ngược – con cái thường lớn gấp đôi bạn đời của mình. Đó là kết quả phân tích AND mới nhất từ hóa thạch chim Moa của hai nhóm nghiên cứu tại Anh và New Zealand.

    Joel Cracraft, một nhà điểu học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ ở New York, cho biết đây là những công trình nghiên cứu đầu tiên về giới tính của chim Moa dựa trên các hóa thạch. Phân tích AND của hai nhóm cũng cho thấy, rất có thể hiện tượng lưỡng hình giới tính đảo ngược còn tồn tại ở một số loài chim khác đã tuyệt chủng, chứ không chỉ ở chim Moa. New Zealand từng là quê hương của nhóm chim này – những loài chim không biết bay, có thể cao từ chưa đầy nửa mét tới hơn 2 m, và nặng từ 20 đến 250 kg. Họ hàng còn sống của chúng hiện nay là đà điểu, đà điểu sa mạc Australia và kiwi. Chim Moa sinh sôi trong những cánh rừng tươi tốt ở New Zealand cho đến năm 1.100 sau Công nguyên, khi con người và các loài chuột xuất hiện. Kể từ đó, chúng và gần một nửa loài chim bản địa ở quốc đảo này dần bị đẩy đến chỗ tuyệt chủng. Trong vòng 160 năm kể từ khi người ta tìm thấy chim Moa đầu tiên, xương của hàng nghìn đồng loại của nó đã được khai quật trong các đầm lầy và hang động. Căn cứ vào kích cỡ và hình dáng của chúng, các nhà khoa học đã xếp chúng thành 60 loài khác nhau. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán kích cỡ vượt trội của con cái là do nó phải đi kiếm thức ăn xa hơn trong các đầm lầy, hoặc cũng có thể để đủ sức cạnh tranh trong cuộc chiến tìm được một "chàng" cho mình. Chỉ có điều, với thân hình quá khổ như vậy so với "đối tác", người ta không hiểu chúng sẽ giao phối bằng cách nào.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  3. Nyanko

    Bài viết:
    380
    20. MÓN QUÀ TÌNH YÊU ĐỘC ĐÁO CỦA BỌ ZEUS

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những con cái thuộc loài bọ sông nước ở Australia này chuyên cung cấp thức ăn cho bạn tình trong thời kỳ giao phối kéo dài 4 ngày của chúng. Đây là "món quà cưới" được coi là độc nhất vô nhị trong thế giới động vật.

    Những con bọ cái cánh cứng Zeus – thuộc loài côn trùng tí hon có tên khoa học là Phoreticovelia disparata, tiết ra một thứ mật ngon lành trên lưng của chúng để con đực có thể xơi giữa các chặng làm tình đầy nặng nhọc. "Đó không chỉ là một bữa ăn nhẹ mà là cả một bữa tiệc thịnh soạn", các chuyên gia cho biết. Một con bọ đực trung bình tiêu thụ lượng chất bài tiết tương đương với vài phần trăm cân nặng của nó – giống như một bữa ăn gồm có pizza, một chai champagne và một hộp chocolate. Món quà xa xỉ của con cái này là vô cùng bất thường xét về mặt tiến hóa. Trong thế giới động vật, thông thường con đực cung cấp thức ăn cho con cái trong quá trình tìm hiểu hoặc ái ân. Điều này được lý giải theo thuyết tiến hóa rằng: Làm cho con cái khỏe mạnh và sung sức cũng có nghĩa là con đực đang đầu tư vào những đứa con sắp sinh của mình. Nhưng điều này có thể không đúng đối với loài bọ Zeus. Trong trường hợp của bọ Zeus cái, thức ăn chỉ là một hành động nhằm cứu sống bản thân – nhằm giúp chúng khỏi bị con đực nuốt chửng vì đói lả đi sau khi làm tình. "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc con cái chu cấp cho con đực không phải để nhằm nuôi dưỡng tinh trùng, mà chỉ để ngăn chặn hậu quả do con đực gây ra như ăn thịt, tấn công...", các tác giả kết luận. Loài bọ này được lấy tên từ vị thần Hy Lạp Zeus, người đã ăn thịt người vợ đầu tiên của mình là Metis.
     
    Cute pikachuNam Dã Tú Nhất thích bài này.
  4. Nyanko

    Bài viết:
    380
    21. MẶT HỒNG HẤP DẪN HƠN MẶT TRẮNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đôi má hồng dường như đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm bạn đời của linh trưởng (trong đó có con người). Ít nhất ở loài khỉ nâu rhesus macaque, con cái bị cuốn hút nhiều hơn bởi những anh chàng có khuôn mặt mang sắc đỏ.

    Một nhóm nghiên cứu người Anh đã thử nghiệm trên 24 con khỉ nâu đực rhesus macaque. Họ sử dụng máy tính để biến hình ảnh khuôn mặt chúng từ trắng xanh sang ửng đỏ và cho 6 con cái xem. Họ nhận thấy những con cái dừng lại lâu hơn trên khuôn mặt hồng hào và có hành động như chép miệng thể hiện sự thích thú. Theo các nhà khoa học, má hồng chứng tỏ hàm lượng testoterone cao ở con đực, cũng đồng nghĩa với hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và bộ gene tốt. "Những con linh trưởng (không phải là người) có vẻ mặt hồng hào nhất trong các loài thú. Không ai biết rõ vì sao nhưng nó có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh giành bạn tình giữa các con đồng giới", người đứng đầu nhóm nghiên cứu Corri Waitt tại Đại học Stirling, Anh, phát biểu. Các nhà khoa học cho rằng: Khuôn mặt hồng hào cũng là một đặc điểm hấp dẫn ở con người. Phụ nữ luôn muốn tìm kiếm những ông chồng có bộ gene chất lượng cao. Nhưng cái khó là đặc điểm thể chất nào phản ánh được đúng chất lượng đó. Dường như sắc đỏ hồng hào là một sự phản ánh trung thực về bộ gene và sức khỏe con người. Điều đó có thể lý giải vì sao phụ nữ dùng mỹ phẩm để làm hồng má và đỏ môi.

    Giả thuyết rằng linh trưởng cái bị hấp dẫn bởi màu hồng của con đực, thực ra đã được nhà sinh vật học Charles Darwin đề cập đến vào năm 1876. Nhưng đây được coi là bằng chứng thực nghiệm đầu tiên ủng hộ giả thuyết này.
     
    Cute pikachuNam Dã Tú Nhất thích bài này.
  5. Nyanko

    Bài viết:
    380
    22. THÂN THIỆN – BÍ QUYẾT ĐỂ LINH CẨU ĐỰC LỌT MẮT XANH CON CÁI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thiện chí, chứ không phải hung hăng, là cách tốt nhất để chinh phục "người đẹp". Chiến lược này có lẽ không chỉ của riêng loài linh cẩu mà còn là bài học cho các chàng trai. Một nhóm khoa học Anh, Đức đã rút ra kết luận này từ mô hình kết đôi của linh cẩu.

    Marion East, thuộc Viện nghiên cứu động vật và thú hoang ở Berlin (Đức), đã sử dụng kỹ thuật gene để nghiên cứu những "mánh lới kết đôi" mà 3 nhóm linh cẩu đốm trong công viên quốc gia Serengeti ở Tanzania đã làm. Họ nhận thấy những con linh cẩu đực thể hiện sự thân thiện thường có duyên may với con cái nhiều hơn những con chuyên đi gây hấn. Nếu cố cưỡng ép hoặc độc chiếm các nàng, linh cẩu đực sẽ không hoàn thành được cuộc giao phối. Nhưng chỉ cần bỏ ra thời gian và năng lượng để xây dựng mối quan hệ cũng như thiện cảm, thì cơ may làm bố của chúng chắc chắn sẽ tăng lên. "Nhiều người thường nghĩ con cái sẽ chọn giao phối với con đực thống trị trong đàn... nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi lại chỉ ra rằng điều đó không đúng với linh cẩu" – Marion East nói. "Càng thân thiện và bền bỉ, con đực càng có triển vọng được các cô linh cẩu để mắt tới". Cũng theo các nhà nghiên cứu, con cái bị ấn tượng bởi "những điệu bộ thân mật, niềm nở và hào hoa". Trong khi đó, những cố gắng đeo bám bạn tình tương lai trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, hoặc cố gắng giành con cái khỏi sự chú ý của những con linh cẩu đực khác đều bị xem là "hành vi đáng khinh". Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy: Một số con đực phạm phải sai lầm chỉ đơn giản là do không đoán đúng thời điểm sẵn sàng giao phối và sinh con của "đối tác". Để hạn chế tham vọng của những con đực đầu đàn muốn độc quyền làm cha và chống lại những kẻ muốn giết con mình, một vài con cái đã giao phối với nhiều bạn tình.
     
  6. Nyanko

    Bài viết:
    380
    23. SẺ BIỂN QUYẾN RŨ NHAU BẰNG MÙI QUÝT

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn sẽ ngửi thấy mùi hương mà những con sẻ biển có mào tỏa ra giống như có ai đang bóc quýt bên cạnh trước khi bạn nhìn thấy chúng vậy. Các nhà khoa học cho biết đây là loài chim đầu tiên được phát hiện thấy có cách giao tiếp bằng mùi. Dường như bằng cách này, chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt kẻ khác giới, Julie Hagelin, nhà sinh học tại Đại học Swarthmore ở Pennsylvania (Mỹ) đã nhận định. Sẻ biển nhỏ có mào (tên khoa học là Aethia cristatella) sống ở Alaska, một đàn của chúng có thể đông tới 100.000 con. Khi gặp gỡ, chúng thường cọ mỏ vào cổ của những con khác, những con tỏa mùi đậm đặc nhất. Các nhà nghiên cứu hiện chưa biết mùi hương này biểu hiện điều gì. Hagelin phỏng đoán đó có thể là thông điệp về chất lượng của cá thể, vì một con chim được ăn uống đầy đủ dường như tỏa mùi mạnh hơn. "Đó là một phương thức giao tiếp hoàn toàn mới trong họ nhà chim mà trước đây chúng ta đã bỏ qua", Julie cho biết. Về bản chất, mùi quýt trên là một hỗn hợp dầu thơm, nhưng chúng được tạo ra bằng cách nào thì vẫn còn là điều bí ẩn. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy thứ dầu mà tuyến nhờn trên da sẻ biển tiết ra thực chất không có mùi, mà hình như chính những con vi khuẩn sống bám trên lông đã giúp chuyển hóa thành loại hương thơm độc đáo ấy. Sẻ biển nhỏ có mào chỉ tỏa mùi trong thời kỳ sinh sản. Khi ấy, các "chàng" và các "nàng" đều thơm lừng không kém gì nhau. Nhóm của Julie cũng phát hiện thấy: Sẻ biển nhỏ thích những bộ lông vũ có mùi hôi, hoặc len nhúng hơn là các loại hóa chất khác, như mùi xạ hương của động vật hoặc những thứ "không tỏa ra cái gì". "Cho tới nay, người ta đã tìm thấy nhiều loài chim, trong đó có kền kền và bồ câu, dựa vào hương thơm để tìm kiếm thức ăn và định vị, nhưng việc sử dụng mùi hương để phát hiện cho đối phương thì chưa từng được biết tới. Sẻ biển nhỏ đã mở ra một phương diện nghiên cứu hoàn toàn mới", nhà vật lý học Bernice Wenzel của Đại học California ở Los Angeles, đã nhận xét.
     
  7. Nyanko

    Bài viết:
    380
    24. ÁNH SÁNG PHÂN CỰC TRÊN CÁNH BƯỚM HẤP DẪN BẠN TÌNH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không chỉ màu sắc lung linh của những con bướm cái thu hút bạn tình, mà chính ánh sáng phân cực phát ra từ cánh của chúng cũng làm say mê bao "chàng trai tìm bạn đời". Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy một loài vật trên cạn có phản ứng với ánh sáng theo cách này. Những thí nghiệm mới nhất trên loài bướm Heliconis cydno, sống phổ biến tại các khu rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ, đã "mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới về sự tiến hóa của cánh bướm", Alison Sweeney tại Đại học Duke ở Durham, North Carolina, Mỹ, nhận xét. Sóng ánh sáng phát ra từ mặt trời là dao động theo mọi hướng. Khi phản xạ trên một bề mặt vật thể nào đó, nó trở nên phân cực, tức là tất cả các ánh sáng đều xếp thẳng hàng và dao động theo một hướng. Ánh sáng phân cực gần như "vô hình" trước mắt người, nhưng lại dễ nhìn thấy trước mắt một số loài bướm. Nhóm nghiên cứu của Sweeney đã phát hiện ra rằng: Ánh sáng phản xạ từ cánh loài bướm Heliconius cydno thì phân cực, còn ánh sáng phản xạ từ cánh loài Heliconius melpomene thì không. Hơn thế nữa, khi cho một con cydno đực xem cánh của một con cydno cái có phản xạ ánh sáng phân cực, con đực trở nên rất chú ý, bay tới gần và đập cánh vào cánh con cái. Nhưng khi ánh sáng phân cực bị lọc đi, thì các con đực tỏ thái độ thờ ơ. Các nhà khoa học cho rằng: Loài bướm này đã tiến hóa để sử dụng ánh sáng phân cực như một cách tạo tín hiệu nổi bật trong khu rừng tràn đầy ánh sáng không phân cực, nơi mà chúng sinh sống. Thực tế, những sắc tố thông thường trên cánh phải được chiếu sáng đầy đủ mới có thể nhìn rõ. Điều này có thể giải thích vì sao những con melpomene sống ở đồng cỏ tràn ngập ánh sáng không phát triển cấu trúc làm phân cực trên cánh. Tom Cronin tại Đại học Maryland, Matimore (Mỹ), nhận định: Kết quả này cho thấy có nhiều động vật sử dụng ánh sáng phân cực để giao tiếp hơn chúng ta nghĩ. Ngoài bướm, một số sinh vật biển cũng sử dụng ánh sáng phân cực để tìm bạn đời.
     
  8. Nyanko

    Bài viết:
    380
    25. ĐOM DÓM TỎA ÁNH SÁNG ĐỂ THU HÚT BẠN TÌNH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Những đốm sáng lấp lánh của những chú đom đóm trong đêm hè chỉ là một kiểu phô trương hình thức, giống như chiếc đuôi rực rỡ của những con công đực". Một nhóm khoa học tại Mỹ cho biết.

    Cuộc nghiên cứu cho thấy sự phô trương vẻ đẹp giới tính không chỉ có ở các loài như chim, thú, người mà có cả ở côn trùng. Những con đom đóm đực tập hợp được ánh sáng huỳnh quang lâu hơn sẽ có khả năng tìm bạn đời thành công hơn và giúp con cái sinh được nhiều con hơn. Sara Lewis tại Đại học Tufts, Boston (Mỹ), cho biết: "Hầu hết việc chúng làm khi trưởng thành chỉ là sinh sản. Nhiều loài khác còn kiếm ăn, nhưng với đom đóm, không gì khác có thể làm chúng sao nhãng việc sinh hoạt tình dục". Đom đóm sống dưới dạng ấu trùng trong 2 năm. Giai đoạn này chúng chủ yếu dành cho việc ăn thức ăn. "Chúng lớn, ăn, rồi lớn trong vòng 2 năm" Lewis nói. Sau đó, đom đóm bay lên khỏi mặt đất và dành 2 tuần huy hoàng để tán tỉnh và làm tình, trước khi chết dần vì đói. Mỗi loài đom đóm có kiểu phát sáng và thời gian phát sáng khác nhau. Độ dài của tín hiệu phát sáng còn liên quan tới lượng chất dinh dưỡng con đực cung cấp trong khi giao phối và sau đó tích trữ trong trứng của con cái.
     
  9. Nyanko

    Bài viết:
    380
    26. MỎ CÀNG SÁNG, CHIM ĐỰC CÀNG KHỎE, CÀNG HẤP DẪN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chim cái bị hấp dẫn bởi những chiếc mỏ sáng chói của chim đực, bởi mỏ của "chàng" nào càng sặc sỡ, bóng bẩy thì càng có nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Các nhà nghiên cứu tại Anh và Pháp cho biết như vậy.

    Những chất dinh dưỡng đó được gọi là carotenoid, gồm chủ yếu lutein và zeaxanthin, được tìm thấy trong hoa quả, rau cỏ và hạt giống, có thể làm sáng mỏ chim. Các nhà khoa học từ trước tới nay vẫn biết rằng: Chim thường "trưng diện" một cách tối đa để hấp dẫn bạn tình. Chẳng hạn như loài công với chiếc đuôi dài lấp lánh, chim với tiếng hót trong trẻo... Động vật "trưng diện" để chứng tỏ một điều là chúng rất sung sức – một con công yếu ớt thì không thể mang nổi trên mình một chiếc đuôi lớn. Nhưng hiện nay, các nhà sinh vật học tại Đại học Glasgow (Anh) đã tìm ra và thấy rằng còn có lý do khác đằng sau sự "đỏm dáng" đó. Họ nhận thấy loài sẻ vằn làm mỏ sáng bằng cách ăn những hạt giống và chồi non ở miền quê Australia. Cơ thể chúng không thể tự nhiên tạo ra carotenoid, để tạo ra màu vàng và đỏ ở mỏ. Các nhà khoa học đã thử nghiệm bổ sung chất carotenoid vào chế độ ăn của những con chim nhỏ này. "Chúng tôi lấy hai con đực. Một con có một chế độ ăn thông thường và con kia được bổ sung carotenoid. Chỉ sau 4 tuần, chúng tôi nhận thấy con chim có chế độ ăn bổ sung có chiếc mỏ đỏ sáng hơn hẳn, chín trong mười trường hợp thì con cái đều đi theo anh chàng có chiếc mỏ sặc sỡ kia", nhà sinh vật học Jonathan Blount nói. "Điều thú vị trong thí nghiệm này là chúng tôi cũng nhận thấy hệ thống miễn dịch của con chim có mỏ đỏ hơn đã mạnh lên đáng kể. Những con chim có hệ thống miễn dịch khỏe hơn thì sẽ có khả năng chống chọi bệnh tật tốt hơn, tâm lý vững vàng hơn và vì vậy, tìm kiếm thức ăn giàu dinh dưỡng giỏi hơn", Blount bổ sung. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học tại Đại học Bourgogne, Pháp, đã nghiên cứu những con chim két đực có mỏ màu vàng cam. Những con có mỏ chứa sắc cam nhiều hơn thì kiếm bạn tình tốt hơn. Họ đã thử nghiệm bằng cách tiêm máu cừu (có thể gây bệnh) vào cơ thể chúng, nhằm kích hoạt hệ thống miễn dịch. Kết quả là màu của mỏ chim bị phai dần. Nghiên cứu này chứng tỏ bệnh tật đã làm giảm hệ thống miễn dịch và làm tiêu hao carotenoid vốn đem lại màu sắc cho mỏ chim. Từ 2 nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã kết luận rằng việc phô bày cơ thể là hành động chứng tỏ sức khỏe của giống đực. Và điều này cũng giống như ở con người. Ăn nhiều hoa quả giàu chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch ở con người, làm họ trở nên trẻ trung và khỏe mạnh.
     
  10. Nyanko

    Bài viết:
    380
    27. CÁ GAI ĐỰC TRANG HOÀNG TỔ ĐỂ QUYẾN RŨ BẠN TÌNH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đặt vài đồ trang sức sặc sỡ trước mặt một cá gai đực, chàng ta sẽ mau chóng đưa ngay chúng về chất đống trong tổ của mình. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, chúng làm thế để thỏa mãn sở thích màu mè của các con cái. Trong tự nhiên, cá ba gai đực (Gasterosteus aculeatus) thường dệt những chiếc tổ hình ống bằng cỏ nhãn tử. Con cái sẽ đẻ trứng vào chiếc tổ này và trông nom cho đến khi trứng nở. Vào mùa sinh sản, phần bụng của những con đực khỏe mạnh chuyển sang màu đỏ và những con cái sẽ chọn các "chàng" có màu cơ thể tươi tắn. Trong một thí nghiệm mới đây, nhà sinh thái học Mikael Holmlund và cộng sự, Đại học Oslo, Nauy, đã thả vào trong nước những chuỗi hạt màu xanh, các lá kim loại đỏ, xanh và trắng bạc. Ông nhận thấy con cá gai đực thích nhất là những lá kim loại màu đỏ và cá gai cái cũng dành 90% thời gian của chúng để thăm dò những cái tổ sặc sỡ, hơn là những "căn hộ" trống trơn, xám xịt. "Với việc dệt tổ cùng màu với cơ thể, con đực dường như muốn làm nổi bật mình", nhà nghiên cứu Iain Barber của Đại học Wales ở Aberystwyth, Anh, phỏng đoán. Barber còn phát hiện thấy cá gai cái cũng thích những chiếc tổ gọn gàng, đồng nghĩa với việc nó được dệt chắc chắn – một bằng chứng nữa cho thấy "đức lang quân" tương lai sẽ cường tráng và khỏe mạnh. Việc trang hoàng tổ cũng là cách mà cá gai đực quảng cáo về mình có khả năng đánh cắp đồ trang trí của hàng xóm và không sợ kẻ thù (vì rằng màu sắc lộng lẫy của chiếc tổ cũng sẽ lôi kéo những kẻ săn mồi tới). Trong thiên nhiên, có rất nhiều loài cá mà con đực xây tổ để phục vụ con non, nhưng cá gai là loài đầu tiên trang hoàng tổ chỉ để làm "phòng the". Nhà nghiên cứu Carl Smith của Đại học Queen Mary và Westfield, London, cho rằng phát hiện này có thể kích thích các nhà khoa học tìm kiếm những hiện tượng tương tự trên những động vật khác và có thể nó còn phổ biến hơn nhiều như ta vẫn tưởng.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...