28. KHỈ CÁI THÍCH LÀM BẠN VỚI NHAU HƠN LÀ CON ĐỰC Bấm để xem Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy, nhiều động vật có bạn tình tạm thời chỉ để giao phối, chứ không phải để có con. Chính vì thế, mối quan hệ đực – cái của chúng rất lỏng lẻo và chúng chỉ thiết tha với bạn cùng giới mà thôi. Phát hiện này đã đặt ra thách thức mới với giả thuyết tiến hóa của Darwin, tức là mọi sinh vật đều phát triển theo hướng có nhiều con hơn, để duy trì nòi giống. Một bằng chứng mới nhất vừa được tìm thấy trên những con khỉ macaca ở Nhật Bản. Nhà tâm lý học Paul Vasey, Đại học Lethbridge, Alberta (Canada), đã nghiên cứu một nhóm gồm 120 con khỉ đang sống trên dãy núi Arashiyama gần Kyoto. Vasey phát hiện thấy, các "nàng" chủ yếu kết thân với những con cái khác trong đàn. Ngoài việc ăn, ngủ và chải lông cho nhau, chúng còn cưỡi lên lưng nhau và bắt chước hành động giao phối như với con đực. Chưa hết, 9 trong 10 lần các "chàng" thật đến tán tỉnh đều bị các "nàng" đánh đuổi đi. Tuy nhiên, sở thích ngược đời này không ảnh hưởng tới cơ hội có con của khỉ macaca. Vasey phỏng đoán: Những con khỉ cái mà chúng kết giao thường thân thiện hơn và đơn giản chỉ là bạn tốt, chứ không phải là địch thủ cạnh tranh bạn tình. Mặc dù vậy, sở thích ấy đã tiến hóa ra sao thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ chưa có lời đáp. Nhà sinh vật học tiến hóa Joan Roughgarden của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết: Ít nhất có 14 loài khác, trong đó có ngỗng trời Canada và dơi quả, đôi khi vẫn chọn bạn đời cùng giới chứ không phải là những kẻ khác giới. Trước kia, hiện tượng này được xem là các trường hợp ngoại lệ. Nhưng hiện nay, với việc có thêm những bằng chứng thuyết phục hơn, người ta sẽ phải xem lại giả thuyết tiến hóa phổ biến trước đây.
29. ĐỘNG VẬT NHỜ THỰC VẬT GỌI HỘ BẠN TÌNH Bấm để xem Bị nhốt chặt trong thân cây, con cái của loài ong mật thảo nguyên Antistrophus rufus không sao báo được cho các "chàng" biết về sự có mặt của mình trong đó. Chúng bèn kích thích cây sản ra các chất thơm để dụ các "chàng" tới. Đây là lần đầu tiên khoa học ghi nhận được một loài động vật có thể sai khiến được thực vật sản ra "hoocmôn giới tính" cần thiết, giúp nó quyến rũ bạn khác giới, John F. Tooker, Đại học Illinois (Mỹ), cho biết. Khi nghiên cứu về tập tính của những cộng đồng côn trùng trên các thảo nguyên ở miền trung Tây nước Mỹ, Tooker và cộng sự đã tình cờ phát hiện ra kiểu hợp tác kỳ lạ này. Ong mật thảo nguyên Antistrophus rufus chỉ nhỏ như bọ chét, được sinh ra trong thân của loài cỏ Silphium. Mùa đông, con non vẫn còn ở dạng ấu trùng. Xuân đến, những con đực chui ra khỏi tổ đầu tiên, trong khi các con cái vẫn bị nhốt chặt trong thân cây mục. Chỉ khi một con đực tới định cư trên cái thân cây ấy, con cái mới nhai nát thân cây và tìm đường đến với "chàng". Tooker tự hỏi làm thế nào những con ong đực tí hon và không biết bay này, trong quãng thời gian ngắn ngủi 9 ngày chúng có thể tìm ra nơi ở của con cái. Ở đây, cần loại trừ giả thuyết con cái sử dụng các tín hiệu trực tiếp để thu hút con đực như nhiều loài côn trùng khác vẫn làm, vì chúng hoàn toàn bị "niêm phong" trong thân cây. Như vậy, chỉ có khả năng là các "nàng" đã báo động cho "chàng" biết thông qua "bức thư tình" mà thân cây gửi hộ - đó là các chất do cây tiết ra. Quả thật, khi so sánh những thân cỏ Silphium có chứa và không chứa ong cái, Tooker phát hiện thấy những thân cây che giấu các "nàng" thì tiết ra các hóa chất bảo vệ có mùi mạnh hơn nhiều so với các cây không chứa ong. Chính nhờ những dấu vết này, mà ong đực có thể tìm được bạn đời của nó, thậm chí rất lâu sau này cây chết.
30. CÁCH THỨC SINH SẢN KỲ LẠ CỦA THẰN LẰN SƯỜN ĐỐM Bấm để xem Trong thế giới động vật, hiếm có loài vật nào mà con cái lại "chuyên quyền" như ở thằn lằn sườn đốm: Chúng lựa chọn bạn đời, quyết định địa điểm sống và thậm chí còn định địa điểm sống và thậm chí định đoạt giới tính cho con. Hầu như tất cả mọi công đoạn trong chu kỳ kết đôi và sinh sản của loài thằn lằn nhỏ này đều do con cái điều khiển. Thằn lằn sườn đốm là loài thằn lằn phổ biến nhất ở vùng Tây Mỹ. Chúng sống trên các bãi đá phân bố từ vùng Rocky Moutains ở Canada tới bán đảo Baja ở Mexico. Loài động vật này khá nhỏ, con cái dài khoảng 6 cm, con đực còn bé hơn và chỉ bằng nửa như thế. Tuy vậy, chúng vẫn khiến các nhà khoa học phải kinh ngạc về cách thức lựa chọn bạn đời và sinh sản phức tạp của mình. Thông thường, con cái chọn lấy một "chàng" làm "bạn trăm năm" và đó là những con đực to cao, sống trên một tảng đá lớn, tại những địa điểm tốt nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp phải lựa chọn giữa hai khả năng: Con đực lớn - bãi đá nhỏ, hay con đực nhỏ - bãi đá lớn, các "cô" sẽ không ngần ngại chọn phương án hai, là nơi nó được đảm bảo một cuộc sống "tiện nghi" hơn, tuy rằng nó thiệt thòi chút ít về ngoại hình của bạn đời. Nhưng đó vẫn chưa phải là sự lựa chọn cuối cùng. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy thằn lằn cái không chịu bằng lòng với anh chàng bé nhỏ này, mà còn "đi hoang" đến 5- 6 lần nữa trong kỳ sinh sản. Tuy nhiên, nó chưa vội cho trứng thụ tinh ngay, mà giữ tinh trùng của tất cả các con đực trong một cái hốc đặc biệt trên cơ thể, gọi là spermatheca. Tiếp đó, thằn lằn cái sử dụng tinh trùng của những "chàng" cao lớn để tạo ra con đực, và tinh trùng của những chàng nhỏ hơn để tạo ra con cái. Nhà nghiên cứu Ryan Calsbeek, tại Viện Môi trường, Đại học California ở Los Angeles (Mỹ), cũng nghiên cứu về vấn đề này đưa ra nhận xét: "Có thể ví những con thằn lằn cái này giống như một cô gái đa tình, khôn ngoan. Cô ấy cưới một người đàn ông giàu có, thấp và to bè, nhưng lại quan hệ với một gã 20 tuổi vạm vỡ khác để cho ra đời những đứa con trai khỏe mạnh. Kết quả là lũ con ấy vừa to vừa khỏe, mà vẫn được sống trong nhà lầu và được học ở những trường tốt nhất". "Chúng tôi không hiểu bằng cách nào thằn lằn cái có thể làm được điều đó", Calsbeek nói tiếp. Bà và cộng sự giả thuyết rằng: Cơ thể của thằn lằn cái đã tự động quyết định số phận cho tinh trùng, dựa vào nhiễm sắc thể giới tính của chúng, giống như ở người. Theo cơ chế này, một tinh trùng sẽ mang nhiễm sắc thể X hoặc Y, trong khi với tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, một con đực được tạo ra. Còn nếu trứng kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể X thì con non sẽ là con cái.
31. KIẾN ĐỰC GIẢ MÙI CON CÁI ĐỂ TRÁNH KẺ THÙ Bấm để xem Đó là cách mà những con đực yếu ớt trong đàn kiến cardiocondyla obscurior sử dụng để tránh đụng độ với những kẻ đồng loại cùng giới khác. Chiến lược này tỏ ra rất hữu hiệu, vì trong khi các chàng kiến mạnh mẽ mải đánh nhau, con đực yếu cứ thoải mái giao phối với những con cái trong tổ. Nhà sinh thái học Sylvia Cremer, Đại học Regensburg (Đức), đã quan sát sinh hoạt của loài kiến nhiệt đới cardiocondyla obsscurior. Ở các đàn kiến này, thường có hai loại kiến đực: Loại có cánh và loại không có cánh. Kiến đực không có cánh thường rất khỏe. Chúng luôn ở nhà giữ tổ và sẵn sàng đánh nhau chí chết với những con đực khác để giành quyền giao phối với kiến cái. Khi đối diện với kẻ địch, chúng thường tiết ra một loại chất để khiêu khích, khiến con kia mất bình tĩnh. Nhiều cuộc chiến đã kết thúc bằng cái chết của một con, vì bộ răng của kiến đực cứng như thép, có thể nghiến đứt cổ họng đối phương. So với người anh em "trần trụi", những con đực có cánh thường yếu đuối hơn rất nhiều. Sau khi nở ra, chúng ở tổ khoảng 1-2 tuần, chờ cho đến khi cặp cánh mọc dài để có thể bay được. Trong thời gian đó, kiến có cánh khước từ mọi cuộc chiến. Để được yên thân, chúng tiết ra mùi giống hệt mùi của các nàng kiến. Nhờ vậy, các chàng kiến đực trần trụi hiếu chiến không những không gây hấn, mà còn tỏ ra "âu yếm" chúng hơn. Trong một đàn kiến cardiocondyla obsscurior, số lượng con đực thường nhiều gấp 4-5 lần số lượng con cái. Vì thế, sự cạnh tranh giữa các con đực là quyết liệt. Chiến thuật "giả cái" của những con kiến có cánh tuy không mạnh mẽ, nhưng lại rất hiệu quả. Trong thiên nhiên cũng có một số loài giả cái để tránh kẻ thù, như rắn hoặc bọ cánh cứng. Tuy nhiên, đó thực sự là những con đực yếu ớt. Chúng làm vậy chẳng qua chỉ mong được sống yên thân, chứ chẳng gặt hái được điều gì. Kiến cardiocondyla obsscurior có lẽ là một ngoại lệ, vì con đực giả cái không những tránh được mọi phiền toái, mà còn duy trì được nòi giống của nó một cách tốt nhất.
32. KHỦNG LONG QUYẾN RŨ BẠN TÌNH NHƯ THẾ NÀO? Bấm để xem Ở một số loài khủng long, con đực có mỏ, mào và sừng lộng lẫy. Tuy nhiên, những "vũ khí" này chẳng có ý nghĩa gì về mặt sinh học, mà chỉ có tác dụng quyến rũ con cái. Đó là kết luận của nhà khoa học Scott Sampson, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Utah (Mỹ). Trước đây, có rất nhiều cuộc tranh luận về chức năng của các bộ phận lớn như mỏ, mào và sừng của khủng long. Nhiều người cho rằng, chúng được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ thân thể khủng long, hoặc như một thứ vũ khí chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, tiến sĩ Sampson cho rằng: Chúng chỉ có chức năng duy nhất, đó là tạo cảm hứng tình dục, tương tự như chiếc đuôi của con công đực vậy. Theo ông, lý do các giống khủng long có mào, mỏ và sừng là rất khác biệt, thậm chí có loài còn không có các bộ phận này. Vì thế không thể nói rằng, chúng có một chức năng sinh học cụ thể. Theo Sampson, có lẽ ở thời thịnh trị, những con khủng long thường đưa đuôi lên cao rồi đung đưa để thể hiện mình, như một số loài chim hiện nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học rất khó để phác họa được các động tác cụ thể của khủng long từ những hóa thạch đang có. Đến nay, hóa thạch ghi lại cảnh giao phối lâu đời nhất được biết đến là có niên đại 100 triệu năm. Đó là cảnh làm tình của một loài động vật thân giáp, dài 1 mm ở Brazil.
33. ẾCH ĐỰC "CẦU HÔN" BẰNG TIẾNG HÓT Bấm để xem Một đêm đáng nhớ, Albert S. Feng và cộng sự của ông ra bờ sông Tau Hau (Trung Quốc) để tìm hiểu những tiếng chim đang lảnh lót ở đâu đó. Thì ra, đó là một chú ếch đực Amolops tormotus (A. tormotus) đang mải miết phô diễn những giai điệu du dương hệt như tiếng chim để dụ dỗ bạn tình. Đây là lần đầu tiên khoa học ghi nhận được một con ếch biết kết hợp các âm điệu trầm bổng, bởi hầu hết các loài ếch trước nay đều chỉ độc diễn một khúc tấu bổng hoặc trầm mà thôi. Đây cũng là những tiếng kêu đầu tiên của ếch có phổ âm thanh mở rộng sang cả dải sóng siêu âm. "Âm thanh này có phổ rộng đến mức khó tin", Albert S. Feng, một chuyên gia tại Đại học Illinois ở Urbana (bang Illinois, Mỹ), cho biết. Loài ếch A. tormotus thường trổ tài ca hát vào ban đêm. Chúng tăng cường các giai điệu, độ phức tạp và tần số của tiếng kêu để át hẳn đối thủ. Chính vì sự đa dạng này mà trong suốt 12 giờ ghi âm tiếng "hót" của 21 con đực, các nhà nghiên cứu đã không hề phát hiện được "bản giao hưởng" nào trùng nhau. Nhóm nghiên cứu hiện đã có kế hoạch tìm hiểu, liệu có phải cấu tạo đặc biệt của cơ thể ếch đã phú cho chúng tiếng hót của những động vật có cánh. Ếch đực A. tormotus có những rãnh ở tai dẫn vào các màng tai nằm trong hộp sọ. Trong khi đó, hầu hết màng tai của những loài ếch khác nằm ở rìa quanh miệng và đầu của chúng. Nhóm nghiên cứu cũng dự kiến sẽ tìm hiểu xem ếch A. tormotus có thể điều khiển hai túi âm thanh ở cổ họng độc lập nhau hay không. Nếu đúng như vậy điều này có thể đã góp phần tạo ra những tiếng kêu rất phức tạp của chúng.
34. GIỐNG CÁI CŨNG CHỦ ĐỘNG SĂN ĐÓN BẠN TÌNH Bấm để xem Theo Charles Darwin, chuyện tình trong giới tự nhiên luôn bắt đầu bằng màn ve vãn chủ động của giống đực và giống cái chỉ đồng ý khi bị khuất phục. Với các nhà tiến hóa hiện đại, lý thuyết trên dường như quá đơn giản vì theo họ, cả giống đực lẫn giống cái đều cùng là "bên A" trong việc đi tìm nửa kia của mình. Một phần của bằng chứng này là công trình nghiên cứu ngoại hình giống cái trong nhiều loài động vật. Không chỉ giống đực mới trưng diện để dụ giống cái (như cái đuôi màu mè của công trống hay cái bờm ngang tàng của sư tử đực), mà giống cái cũng biết làm dáng để tăng tính quyến rũ. Tiến sĩ Trond Amundsen thuộc Đại học khoa học kỹ thuật Nauy cho biết: Cá bống đốm đực chỉ chọn mặt "nàng" nào có màu sắc rực rỡ. Vào mùa kết đôi, cá bống đực có những đốm xanh dương trên vây và hai bên hông trong khi con cái mọc thêm những cái "bớt" vàng cam trên bụng. Trường hợp tương tự với cá chìa vôi. Tiến sĩ Geoff Hill thuộc Đại học Auburn còn cho biết thêm: Chùm lông trên đầu chim mái thuộc loài sẻ nhà (house finch) ngày càng rực rỡ hơn sau mỗi thế hệ, do chim trống thích tán tỉnh con mái có chùm lông đầu màu sáng. Bộ dạng bắt mắt của con cái còn thể hiện nó có sức khỏe tốt và đủ khả năng làm mẹ.
35. PHONG LAN DỤ DỖ ONG BẰNG MÀU SẮC Bấm để xem Trên 70% các loài phong lan không có phấn và mật, thế nhưng chúng vẫn được thụ phấn. Các nhà khoa học Cộng hòa Séc mới phát hiện ra rằng: Chúng đã bắt chước màu sắc và kiểu dáng của những bông hoa có phấn để dụ dỗ các chàng ong ngốc nghếch. Những con ong thiếu kinh nghiệm thường chui vào bất kỳ bông hoa có màu sắc sặc sỡ nào vì nghĩ rằng trong đó sẽ có mật. Phấn dính vào thân chân và cánh của ong sẽ được truyền từ hoa này sang hoa khác, nhờ đó mà những bông hoa không có phấn vẫn được thụ. Tuy nhiên, những con ong có kinh nghiệm có thể phân biệt chính xác màu sắc và kích cỡ của hoa để biết loài nào có mật, loài nào không có mật. Vì thế để "bẫy" ong, một số giống phong lan đã tỏ ra tinh quái khác thường bằng cách cho ra những bông hoa giống hệt hoa của các loài phong lan có phấn và mật. Trong trường hợp này, những con ong già đời nhất vẫn bị mắc lừa như thường. Các nhà khoa học đã quan sát được hàng trăm cặp phong lan như vậy. Thường thì đi với một loài phong lan có phấn (và thường có mật) thì đều có một đến vài loài "ăn ké". Những bông hoa này nhìn bề ngoài rất giống nhau, cùng kích cỡ, cùng màu đỏ hoặc vàng, chỉ có nhụy hoa là khác nhau.
36. NHỆN SĂN MỒI BẰNG CÁCH GIẢ MẠO MÙI HƯƠNG Bấm để xem Đó không phải là mùi hương thông thường, mà là một loại "nước hoa" giống hệt như hoóc môn giới tính của những con sâu bướm cái. Bằng cách ấy, nhện bolas đã dụ được những con sâu đực đang đi tìm bạn tình trong đêm rơi vào bẫy của chúng. Và khi cần dụ dỗ các loài sâu hoạt động vào những giờ khác nhau trong đêm, nhện bolas sẽ thay đổi thành phần "nước hoa" của nó. Loài nhện này không chăng lưới bắt mồi theo cách thông thường. Nó treo mình trên một sợi tơ duy nhất mắc ngang qua một khe trống, và kiên nhẫn chờ đợi. Trên một chân khác, nó cũng treo lủng lẳng một sợi tơ với một giọt chất dính ở đầu, làm vũ khí săn mồi. Tiếp đó, con nhện giải phóng các chất giả làm hoóc môn giới tính của sâu bướm cái. Nhận được tín hiệu này, các chàng sâu đực tấp nập kéo đến ngay. Và nhện ta liền quăng chiếc thòng lọng bằng tơ của nó, đầu kia sẽ là bữa ăn. Ngón đòn của nhện tuy rất xảo quyệt, nhưng nó cũng chỉ có giới hạn nào đó. Vì mỗi loài sâu bướm tạo ra rất nhiều các hỗn hợp hoóc môn giới tính khác nhau, nên nhện bolas phải chọn loại "nước hoa" giả phù hợp để có thể thu được nhiều mồi nhất. Và nếu trong hỗn hợp đó có quá nhiều loại hoóc môn giả cùng lúc, con sâu đực sẽ bỏ đi vì không phân biệt được. Vì thế, nhện bolas phải cân bằng giữa tính hiệu quả bắt chước của "nước hoa" với số lượng các loài khác nhau mà nó có thể dụ được. Kenneth Haynes của Đại học Kentucky và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu trên nhện bolas châu Mỹ (Mastophora hutchinsoni). Họ nhận thấy chúng chỉ thích bắt hai loài sâu bướm là tetanolita (Tetanolita mynesalis) và ngài đêm lông cứng (Lacinipolia renigera). Hai loại sâu bướm này bay vào những giờ khác nhau trong đêm, với ngài đêm lông cứng là khoảng 22 giờ 30 phút, còn tetanolita hoạt động muộn hơn, vào khoảng 23 giờ. Khi thay đổi đồng hồ sinh học trên cơ thể sâu bướm để nhện có thể săn cả hai loài cùng lúc, các nhà khoa học nhận thấy nhện bolas có thể bắt mồi suốt đêm. Điều này cho thấy nó đã tạo ra được hỗn hợp hoóc môn giả của cả hai loài và nếu gặp đối tượng nào, nó sẽ có ngay "đồ nghề" chuyên dụng cho loài đó. Nhận định về đặc tính này, nhà sinh thái học Thomas Eisner của Đại học Cornell, Ithaca, New York (Mỹ) cho biết: "Khả năng chuyên hóa để bắt được những loài sâu khác nhau vào các thời điểm trong đêm quả là điều đáng ngạc nhiên".
37. CÁ HEO DỤ DỖ BẠN GÁI BẰNG GIỌNG HÁT TRẦM Bấm để xem Cá heo Phần Lan và cá heo xanh hát lên những bản nhạc trầm, được phát ra từ con đực nhằm quyến rũ con cái. Phát hiện này của các nhà khoa học Mỹ đã giải thích câu hỏi bao lâu nay: Vì sao cá heo hát. Nhờ lắp đặt một hệ thống thu thanh cực nhạy, nhóm nghiên cứu của nhà sinh học Donald Croll, Đại học California ở Santa Cruz đã thu được những âm thanh của cá heo dưới đại dương. Họ phát hiện thấy một điều bất ngờ ở các đàn cá heo Phần Lan và cá heo xanh, chỉ có các con đực hát. Với giọng trầm, lan xa hàng trăm kilomet, chúng cố gắng gây sự chú ý với những con cái ở trong phạm vi xa nhất. Tiếng hát tình ái này rất quan trọng với hai loài cá heo này bởi vì chúng sống khá đơn lẻ. Đôi khi trong phạm vi đường kính vài chục lilomet chỉ có một con duy nhất. Vì thế cơ hội giao phối của chúng không lớn như ở các loài cá heo khác, chẳng hạn như cá heo Nhật Bản. Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, với các phương tiện sonar đặt dưới đáy biển hiện nay, nhất là ở các chiến hạm quân sự, tín hiệu của cá voi đực có thể bị gây nhiễu, không lan xa được. Điều này có thể làm giảm cơ hội giao phối của cá heo vì chỉ có những con cái ở phạm vi gần mới nghe được tín hiệu của con đực.