Đề kiểm tra môn ngữ văn 11 cuối học kì 2 năm học 2020 - 2021, tỉnh Hải Dương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng chín 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    SỞ GD & ĐT HẢI DƯƠNG

    ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ II NĂM HỌC 2020-2021

    Môn: Ngữ văn, lớp 11

    Thời gian làm bài: 90 phút, không tính thời gian phát đề

    I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

    Đọc đoạn thơ dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

    Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
    Em có tuổi hay không có tuổi
    Mái tóc em đây, hay là mây là suối
    Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
    Thịt da em hay là sắt là đồng?

    Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
    Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
    Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
    Trên mình em đau đớn cả thân cành

    Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
    Em đã sống lại rồi, em đã sống!
    Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
    Không giết được em, người con gái anh hùng!

    Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
    Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
    Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
    Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!..


    (Trích Người con gái Việt Nam,Tuyển tập Thơ Tố Hữu)

    Câu 1 (0,75 điểm): Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2 (0,75 điểm): Chỉ ra biện pháp tu từ chính được sử dụng trong hai câu thơ:

    Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

    Không giết được em, người con gái anh hùng!

    Câu 3 (1,0 điểm): Xác định nghĩa sự việc và nghĩa tình thái của câu thơ: Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

    Câu 4 (0,5 điểm): Thông điệp của tác giả từ đoạn thơ trên.

    II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

    Câu 1 (2,0 điểm):

    Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

    Câu 2 (5,0 điểm)

    Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.

    -------------Hết------------

    ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

    Môn: Ngữ văn, lớp 11

    (Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

    Phần I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

    Câu 1

    Thể thơ: tự do

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm.

    - Học sinh trả lời không đúng thể thơ: không cho điểm.

    Câu 2

    Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong hai câu thơ là: Liệt kê

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm.

    - Học sinh trả lời không đúng biện pháp tu từ: không cho điểm.

    Câu 3

    - Nghĩa sự việc: Miêu tả ánh mắt của nhân vật em nhìn như chớp lửa đêm giông.

    - Nghĩa tình thái:

    + Ánh mắt căm thù giặc sục sôi

    + Thái độ tình cảm của tác giả: Ngợi ca, tự hào.

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh trả lời nghĩa sự việc và nghĩa tình thái của câu thơ như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.

    - Học sinh trả lời được nghĩa sự việc và một phần nghĩa tình thái của câu thơ hoặc nghĩa tình thái và một phần nghĩa sự việc của câu: 0,75 điểm.

    - Học sinh trả lời được nghĩa sự việc hoặc nghĩa tình thái của câu:0,5 điểm.

    - Học sinh trả lời được một phần nghĩa sự việc hoặc nghĩa tình thái của câu: 0,25.

    Câu 4

    Học sinh trả lời được thông điệp của Tố Hữu từ đoạn thơ:

    - Ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Việt Nam

    - Tinh thần lạc quan cách mạng

    - Luôn trung thành với Tổ quốc

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh trả lời được hai đến ba ý: 0,5

    - Học sinh trả lời được một đến hai ý: 0,25

    II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

    Câu 1. (2,0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

    a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm).

    Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tinh thần lạc quan trong cuộc sống (0,25 điểm).

    c. Triển khai vấn đề nghị luận (0,75 điểm).

    Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

    Lạc quan là thái độ sống tích cực, vui cười dù có bất kì chuyện gì xảy ra. Lạc quan sẽ tạo nên cuộc sống tươi đẹp cho tất cả mọi người, giúp chúng ta biết sống một cách có ý nghĩa hơn, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Những người lạc quan thường thành công trong cuộc sống và công việc. Tinh thần lạc quan được thể hiện qua cách sông vui vẻ, yêu đời, bình tĩnh dù có chuyện gì xảy ra. Một số tấm gương về tinh thần lạc quan (Hồ Chí Minh, Nick Vujicic

    Hướng dẫn chấm:

    - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

    - Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).

    - Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

    Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

    d. Chính tả, ngữ pháp

    Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

    Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

    e. Sáng tạo

    Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

    Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

    - Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

    - Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

    Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.

    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)

    Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

    Hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

    Hướng dẫn chấm:

    - Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

    - Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

    Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

    * Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh, Hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối (0,5 điểm.)

    Hướng dẫn chấm:

    - Giới thiệu tác giả: 0.25 điểm

    - Giới thiệu tác phẩm: 0.25 điểm

    Hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối: 2,5 điểm.

    - Người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn rộng mở, phóng khoáng trước bức tranh thiên nhiên.

    - Người chiến sĩ có tấm lòng nhân ái, quan tâm, chia sẻ với con người lao động, một tâm hồn luôn hướng về sự sống và ánh sáng.

    - Người chiến sĩ có nghị lực phi thường, có bản lĩnh, ý chí vượt lên hoàn cảnh, lạc quan, tin tưởng vào tương lai.

    - Bút pháp khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ cách mạng: cổ điển và hiện đại.

    Hướng dẫn chấm:

    - Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm

    - Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 2,25 điểm - 1,25 điểm.

    - Trình bày chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm – 1,0 điểm

    * Đánh giá: 0,5 điểm.

    Hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng hiện qua bức tranh cảnh vật thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt lao động của con người. Đó là con người ung dung, hoà hợp với thiên nhiên nhưng vẫn luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh, hướng về con người, sự sống và ánh sáng, chất thi sĩ và chất chiến sĩ hoà quyện làm một.

    Hướng dẫn chấm:

    - Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

    d. Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm).

    Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    Hướng dẫn chấm:

    Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

    e. Sáng tạo: 0,5 điểm

    Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

    Hướng dẫn chấm:

    Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với cáctác phẩm khác, với thực tiễn đời sống để làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

    - Đáp ứng được hai yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

    - Đáp ứng được một yêu cầu: 0,25

     
    P.Punny thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng tư 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...