Đề: Suy nghĩ của em về nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. A. Mở Bài :(Giới thiệu tác giả - tác phẩm - nhân vật - giới hạn vấn đề nghị luận) Cách 1: "Thân em vừa tráng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son" (Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương) Tiếng lòng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay đó cũng chính là bóng dáng cuộc đời của người phụ nự trong xã hội phong kiến xưa kia nói chung. Đem vịnh lời thơ ấy vào cuộc đời Vũ Nương - nhân vật chính trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ - ta thấy đúng như vậy. Nàng là một người phụ nự đảm đang, hiếu nghĩa thủy chung son sắt thế mà hạnh phúc đối với nàng chỉ là hư ảo, bấp bênh như chiếc bóng trên tường. Cuộc đời đầy bất hạnh và oan khổ của nàng đã gợi biết bao nỗi niềm và sự thương cảm trong lòng người đọc. Cách 2: "Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (Nguyễn Du) XHPK là xã hội đầy bất công và ngang trái. Một xã hội nam quyền bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ đến bước đường cùng. Đã nhiều thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về người con gái nết na đức hạnh phải chấp nhận một số bi kịch cứ mãi lắng động trong lòng người đọc. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Dữ, "CNCGNX" đã khắc họa thành công nhân vật Vũ Nương - người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp mà sao số phận quá cay đắng. B. Thân Bài: 1. Tổng: Xuất xứ + Tóm tắt ngắn gọn hoặc khái quát nội dung chính Như chúng ta đã biết CNCGNX được trích từ tác phẩm "Truyện Kì mạn lục". Dõi theo câu chuyện, ta thấy Vũ Nương là một người phụ nữ đảm đang, hiếu thảo, thủy chung, ân nghĩa, thế nhưng cuộc đời của nàng lại gặp nhiều đau khổ, bất hạnh. 2. Phân tích: Dẫn dắt - Trích dẫn chứng - Phân tích - Mở ý (nếu có) * Vũ Nương - người vợ hiền thủy chung, người con dâu hiếu thảo và một người mẹ hết mực thương con. Trước khi chồng đi lính: Ấn tượng đầu tiên Vũ nương đúng là một mẫu mực của người phụ nữ với những phẩm chất đáng quý. Tính tình không chỉ "thùy mị, nết na" mà còn có "tư dung tốt đẹp" "giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa". Nàng cư xử khéo léo, đúng mực, mong muốn giữ cho tình cảm gia đình luôn đầm ấm, yên vui. Thế nhưng, điều ấy thật mong manh và ngắn ngủi! Khi tiễn chồng đi lính: Trong lời tiễn biệt chồng ra trận, Vũ Nương đằm thắm, thiết tha trong lời dặn "Chàng đi chuyến này thiếp chẳng dám mong đeo được ấm phong hầu.. chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi". Ước mong thật bình dị, nàng luôn coi trọng hạnh phúc gia đình mà xem thường mọi công danh phù phiếm. Cảm thông, chia sẻ nỗi vất vả gian nguy, "Chỉ e việc khó liệu, thế giặc khôn lường". Bởi nói đến chiến tranh là nói đến chia li, đau thương và mất mát, ngày đi thì có nhưng thật khó hẹn ngày trở về. Giây phút đó thật xúc động làm sao trong trái tim bao người vợ trẻ. Trái tim giàu tình yêu thương, biết chịu đựng, biết chờ đợim thật đáng trân trọng. Khi chồng ở ngoài nơi chiến địa: Những năm tháng chồng ở ngoài nơi chiến địa, nàng tần tảo nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng, ngày đêm giữ gìn tiết hạnh. Hết lòng chăm sóc, lo thuốc thang, lễ bái thần phật khi mẹ đau ốm. Hết lời thương xót, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Lời chăn trối cuối cùng của mẹ chồng đã thể hiện sự ghi nhận nhân cách và công lao của nàng đối với gia đình chồng ".. Sau này trời xét lòng lành.. cũng như con chẳng phụ mẹ". Đạo làm con, làm vợ, làm mẹ - tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn với đầy đủ tam lòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Vẻ đẹp đức hạnh của lòng thủy chung, của lòng hiếu thảo và một trái tim khao khát yêu thương. * Vũ Nương - một số phận bi thảm đến tột cùng. Khi Trương Sinh trở về: Chiến tranh gây nên cảnh sinh li làm nên tử biệt. Ba năm chồng đi chinh chiến, nàng ngày đêm mong ngóng ngày chồng trở về. Vậy mà, nàng có ngờ đâu những giây phút đoàn viên cũng chính là giây phút đau khổ bất hạnh nhất. Hành động vô tình dùng cái bóng trên vách để bù đắp cho con phần thiếu hụt tình cảm của người cha và khỏa lấp nỗi nhớ thương chồng dẫn đến bi kịch. Nghe lời nói ngây thơ của con trẻ, Trương Sinh trút cơn ghen tuông, Vũ Nương đã ra sức phân trần: "Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu.. cách biệt ba năm giữ gìn một tiết". Lời nói ấy cho ta hiểu được Vũ Nương muốn khẳng định tấm lòng thủy chung, mong muốn gia đình đầm ấm. "Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có thú vui nghi gia nghi thất" Thật quá xót thương, nàng đang hết lòng tìm cách hàn gắn cái hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ. Giờ đây, không chỉ ngậm đắng nuốt cay chịu đựng những lời mắng nhiếc, xua đuổi của Trương Sinh mà con phải mang lấy nỗi oan lớn nhất là sự thất tiết. Cái chết đầy oan ức: Bão tố oan ức đẩy nàng vào kết cục bi thảm, tỏ lòng trinh bạch, giải thoát cuộc đời oan nghiệt: "Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ..". Tiếng khóc nghẹn ngào hay là tiếng kêu thương chung cho những kẻ má hồng. Cái chết của nàng làm người đời lưu truyền tấn bi kịch về cái đẹp bị chà đạp. Còn gì đau đớn hơn kẻ đẩy nàng vào cái chết là người chồng mà nàng đã vò võ chờ đợi. Vả lại họ đâu phải là kẻ ác và nàng đâu phải là người phản bội. Đây chính là bản án đanh thép vạch trần bộ mặt của chế độ XHPK. Duới thủy cung: Câu chuyện có thể khép lại nơi đây, nhưng tác giả thêm vào lớp màn kì ảo cho Vũ Nương sống lại dưới thủy cung. Yếu tố không thể thiếu được của truyện truyền kì, tạo nên kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân. Ngoài ra, nhà văn còn muốn hoàn chỉnh hơn tính cách cao đẹp của Vũ Nương. Những năm tháng sống ở chốn làng mây cung nước nàng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương chồng con. Nghe Lang kể về tình cảnh gia đình, nàng ứa cả nước mắt xót thương. Mặc dù đã nặng lời thề sống chết với Linh Phi nhưng nàng vẫn tìm cách trở về với chồng con giây lát để đa tạ tấm lòng chồng. Nhưng sâu xa, cái kết thúc ấy không hề làm giảm đi tính chất bi kịch của tác phẩm. Vũ Nương hiện về uy nghi, rực rỡ nhưng đó chỉ là sự hiển linh trong thoáng chốc, là ảo ảnh ngăn ngủi và xa xôi. Sau giây phút đó, nàng vẫn phải về chốn làng mây cung nước, vợ chồng con cái vẫn âm dương đôi ngả. Hạnh phúc lớn nhất đời người đàn bà ấy là được sum họp bên chồng bên con, cuối cùng cũng không đạt được. Sự trở về và lời tiễn biệt của nàng đã hé ra cái sự thực cay đắng là nhân gian đầy oan nghiệt, không có chốn chung thân cho người phụ nữ, vì thế mà, lời cuối cùng nàng từ biệt chồng con "Thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Lời đa tạ nghe sao mà xúc động thảm thiết. Điều đó cho thấy người thiếu phụ ấy sống có trước có sau, chỉ có yêu thương và lòng vị tha, là lời tố cáo mạnh mẽ XHPK thiếu tình yêu thương với người phụ nữ. 3. Hợp: Đánh giá + nghệ thuật Câu chuyện thực sự làm lay động tâm hồn bạn đọc về phẩm chất đáng quý nhưng phải chấp nhận cái chết oan nghiệt. Nghịch lí ấy là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến - xã hội nam quyền. Hôn nhân không có tình yêu và tự do, cướp đi hạnh phúc của người phụ nữ. Đặc biệt với yếu tố kì ảo đã làm tăng sức hấp dẫn bằng sự li kì và trí tưởng tượng phong phú, hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của Vũ Nương, tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta. Người đọc còn vô cùng ấn tượng với chi tiết cái bóng góp phần thể hiện tính cách nhân vật: Bé Đản ngây thơ, Trương Sinh hồ đồ đa nghi còn Vũ Nương hết mực thương yêu chồng con. 4. Chuyển ý: Liên hệ trong văn học hoặc trong cuộc sống (Theo yêu cầu của đề bài) * Trong văn học: Có thể liên hệ với Hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa - Bằng Việt * Trong cuộc sống: Có thể liên với người phụ nữ trong gia đình: Bà, mẹ, chị.. C. Kết bài (Khẳng định lại vấn đề - suy nghĩ bản thân) Vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương và nỗi oan của người thiếu phụ trẻ đã làm rơi nước mắt của người đọc qua nhiều năm. Khép lại câu chuyện "Thiên cổ kỳ bút" ta càng tự hào hơn về người phụ nữ ngày nay - những con người đóng góp cho quê hương đất nước không ngừng nghỉ. Xem chi tiết: Soạn Bài Chuyện Người Con Gái Nam Xương - Nguyễn Dữ