Truyện Ngắn Mùa Hạ Của Bốn Điều Ước - Táo Ngọt

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Táo Ngọt, 4 Tháng sáu 2021.

  1. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Mùa hạ của bốn điều ước

    Tác giả: Táo Ngọt

    Thể loại: Truyện ngắn, Ngôn tình

    Số chương: 10

    Link thảo luận - góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của táo ngọt

    Bài dự thi event: Event - Đón hè cùng VNO


    [​IMG]

    Văn án:

    Có những điều muốn nói ra nhưng không thể tìm được từ nào để diễn tả nó. Cảm xúc lúc này của tôi chính là như thế. Mùa hè của tôi có vị gì ư? Bạn hỏi một câu như vậy, tôi biết trả lời sao bây giờ. Hè này nhiều vị lắm, chỉ là toàn những hương vị không tên. Nói là đắng cay thì lại quá bi lụy, nhưng cũng không hẳn là vui vẻ. Tôi đang thử nó đây, ngay lúc đang viết ra những dòng chữ này. Tôi hiểu tại sao khi ăn người ta cũng có thể khóc rồi, hóa ra một hương vị cũng tạo ra cảm xúc đọng lại thành nước mắt. Chua xót hay hạnh phúc cuối cùng chỉ còn lại vị mằn mặn này thôi..

    Mùa hè năm nay tôi sẽ không kể về bạn bè, thầy cô và mái trường của mình nữa đâu, viết nhiều quá rồi, muốn giữ lại chút gì đó cho riêng mình. Câu chuyện tôi muốn chia sẻ cho các bạn dưới đây là hiện thực, nhưng cũng là ước mơ của chính tôi và cả những đứa trẻ trong xóm nhỏ này nữa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng sáu 2021
  2. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hè này nóng quá! Cái nóng hừng hực thiêu đốt trên sân bê tông, phả lên không khí từng luồng oi ả, khó chịu. Nghe dự báo thời tiết thì đợt nóng này còn kéo dài, lại sớm hơn mọi năm. Nghĩ đến cảnh bật quạt cũng chỉ nhận được làn gió "ấm áp" thì mấy đứa trẻ xóm tôi đã không chịu được rồi, đứa nào đứa nấy than ngắn thở dài mãi.

    Xóm chúng tôi gọi là xóm Cây Bàng. Chả biết các cụ ngày xưa lấy cái tên này từ đâu ra nữa. Rõ ràng đầu xóm có một cây đa cổ thụ to sừng sững đứng đấy, ấy vậy mà lại gọi là Cây Bàng. Tôi từng hỏi bà ngoại, bà nói lúc sinh ra thì mọi người đều gọi như vậy rồi, quen dần cũng không ai muốn sửa lại nữa.

    Xóm Cây Bàng nhỏ lắm, chỉ có bốn hộ gia đình sống cạnh nhau thôi. Bốn ngôi nhà quây quần lại, ở giữa là một lối đi nhỏ. Ngày xưa, lối đi này toàn là đất đá, chả biết tôi đã từng ngã chảy máu bao nhiêu lần ở đó rồi. Người lớn thấy bọn trẻ đùa nghịch bị té nhiều quá, nên góp nhau xây lại đường bê tông xịn hơn hẳn, mấy đứa chúng tôi nhìn thấy thế mà vui cả tháng trời.

    Mặc dù sống chung một xóm, nhưng mỗi gia đình lại có một câu chuyện riêng. Nhà chúng tôi thì có hai chị em, tôi là chị cả, còn có một đứa em trai kém hai tuổi nữa. Gia đình bác Nguyệt, cô Khánh và chú Nhã lại chỉ có một con. Tính ra cả xóm có mỗi tôi và bé Nhan – con chú Nhã là con gái, nên được cưng chiều lắm. Hồi bé, cứ đi học mẫu giáo về là tôi với Nhan lại chạy vụt sang nhà cô Khánh. Nhà cô to nhất, còn mát nữa cơ. Mấy chú cún ở đó mập mạp, lông xù lên. Con gái mà, chúng tôi cũng không chống cự được trước sức hút của loài vật đáng yêu như thế. Cứ mỗi lần sang nhà cô chơi là lại quyến luyến không muốn về, nếu mẹ không một mực kéo về, chắc tôi ăn cơm ở đấy luôn mất.

    Anh Khoa là con trai bác Nguyệt, hơn tôi một tuổi. Anh ấy là niềm tự hào của cả xóm tôi đấy. Năm ngoái anh thi đỗ học bổng ở Nhật, bốn nhà liền tổ chức bữa cơm, còn mời bác trưởng thôn sang ăn mừng cùng nữa. Năm nay dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, anh ấy mới được cho tạm nghỉ và học online tại nhà. Nghe tin đó, bốn đứa chúng tôi vui sướng đến nhảy cẫng lên. Mặc kệ mọi người còn lo lắng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc học của anh Khoa, chúng tôi chỉ chăm chăm nghĩ đến việc có thêm người chơi cùng trong cái hè nhàm chán này.

    Người xưa đã nói rồi, chẳng có gì là hoàn hảo cả. Một xóm có đứa học giỏi nổi trội như thế, đương nhiên sẽ không thể thiếu những thành phần cá biệt. Cứ mỗi lần cuối kỳ, nhà trường trả bảng điểm là cả xóm lại được nghe "khúc hành ca" muôn thuở của cô Khánh với Toàn – con trai cô. Nó học cùng lớp tôi. Hai đứa năm nay cũng lớp 12 rồi, rối rít điền nguyện vọng xong là cắm mặt ôn thi. Nhưng ngược lại với tình trạng rối tinh rối mù của tôi, nó lại nhởn nhơ như chưa có gì vậy. Tôi nghe mẹ nói, cô Khánh cũng biết năng lực của con trai mình, định cho nó học trường ngay gần nhà rồi sau này làm công ty cũng được. Mẹ tôi thường lấy đó làm bài học cho tôi. Tối tối ngồi ăn cơm, mẹ lại thêm một câu:

    - Đấy! Học hành làm sao cho cẩn thận. Không thì sau này chỉ có đi làm công ty thôi!

    Tôi chỉ dám gật gù vài cái đồng tình, trong lòng lại nghĩ khác. Công nhân thì có gì mà xấu hổ đâu, cũng là một công việc, bát cơm bằng sứ này cũng là nhờ bàn tay của những người đi làm công đấy..

    Cứ nghĩ vẩn vơ không đâu, mãi tôi mới nghe được tiếng gọi khàn khàn ngoài cổng:

    - Táo ơi! Có nhà không, mẹ tôi cho cậu túi kẹo táo này! Ra lấy nhanh không tôi ăn hết bây giờ!

    Cái giọng này, còn là ai ngoài tên Toàn đáng ghét kia nữa. Người ta có tên mà không gọi, cứ suốt ngày "Táo ơi", riết mà mọi người sắp quên luôn tên thật của tôi rồi. Nhắc đến cái biệt danh này, không thể không nhớ tới hồi bé tôi "cuồng" táo như thế nào. Mẹ vừa về đến cổng là tôi đã trực sẵn rồi, ngó nghiêng xem trên xe có treo túi táo nào không. Đến bây giờ tôi vẫn không bỏ được sở thích ấy.

    - Đây! Ra liền! - Tôi nói vọng ra cổng rồi chân nhanh hơn não chạy vèo ra. Tên này nói đùa như thật ấy, bảo ăn hết nhỡ đâu lại ăn thật, lúc đấy thì tôi còn đúng cái vỏ thôi.

    Vừa chạy ra cổng đã thấy người vừa gọi trèo lên cổng, định nhảy xuống.

    - Này! Điên à, nhảy xuống ngã bây giờ! – Tôi vội vàng nói to.

    - Ui trời, cái cổng thấp thế này, còn lâu mới làm khó được anh đây nhé! – Nói xong, cậu ta nhảy xuống thật. Tôi hốt hoảng chạy lại xem sao. Cổng nhà tôi thấp thật, nhưng phía dưới là bê tông cứng cáp, nhỡ bị chấn thương thì sao.

    Thấy tôi bị dọa, Toàn cười hì hì đưa túi kẹo qua:

    - Đây, không ăn thật đâu mà sợ!

    - Ai thèm sợ! - Chột dạ, tôi vội giật lấy cái túi, chạy vào nhà, sao cứ đoán được người ta nghĩ gì thế chứ!

    Vào nhà rồi, tôi mới chợt nhớ ra, lúc nãy quên không mở cổng cho tên kia ra, chẳng lẽ lại vào cách nào thì ra bằng cách đấy rồi à.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  3. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Buổi tối, xóm Cây Bàng yên tĩnh hơn nhiều. Đêm xuống, không khí trở nên mát mẻ hơn khiến tâm trạng mỗi người đều dịu lại.

    Tôi ngồi vào bàn học, lấy xấp đề ra bắt đầu một cuộc chiến mới. Có lẽ chỉ những lúc tập trung như thế này, tôi mới rũ bỏ hết những lo âu mình gặp phải. Toàn có thể đang ngồi chơi game đấy, nhưng tôi thì không thể. Bà ngoại và mẹ đặt hi vọng rất lớn vào tôi. Mỗi đêm thức khuya, mẹ lại bưng đĩa táo đã được gọt sẵn cho tôi ăn. Chẳng cần mẹ phải nói ra, tôi cũng biết bà đang âm thầm truyền động lực nhiều thế nào. Người đàn ông trụ cột trong gia đình đã không còn nữa, gánh nặng kinh tế đều đổ dồn lên vai mẹ. Ấy vậy mà tôi vẫn có táo để ăn mỗi tối, hai chị em chúng tôi vẫn chưa một lần phải hổ thẹn trước mặt người ngoài.

    Trên bàn dán chi chít những tờ giấy nhớ, cắn một miếng táo, vị ngọt tràn ra nơi đầu lưỡi, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình.

    Mười giờ tối, tiếng côn trùng kêu vo ve ngoài cửa sổ. Hình như đêm nay lại có mưa. Tôi rón rén bước ra ngoài, bế Bông vào nhà. Bé mèo này tôi đã nuôi từ lâu rồi, lông mượt trắng muốt, bây giờ cũng nặng lắm. Hai chị em tôi quý nó như thành viên trong nhà vậy, có đồ ngon sẽ phần cho Bông ăn.

    Đang định bước vào nhà, tôi chợt nghe thấy tiếng động ngoài cổng, là tiếng gậy gỗ đập vào cổng sắt. Tôi nhanh chân chạy ra:

    - Nhan à? Muộn rồi sao em còn mất công qua đây thế?

    Nhan mỉm cười tươi rói. Ánh sáng vàng nhạt của đèn ngõ chiếu xuống gương mặt hồn nhiên của em, trong sáng lại dịu dàng. Nhan giơ túi táo nhỏ trong tay lên, lắc lắc trước mặt tôi, ngón tay chỉ chỉ liên tục vào cái túi rồi lại chỉ vào miệng. Tôi hiểu, em ấy muốn nói: "Chị ơi, ăn táo này!".

    Tôi dở khóc dở cười, cảm thấy sẽ có ngày mình phải sợ hãi cái mùi táo này mất. Ai cũng cho táo, hình như lâu lắm rồi tôi không ăn loại quả khác.

    - Vào nhà đã! Chị em mình cùng ăn!

    Tôi dắt Nhan vào phòng, quay chiếc quạt điện nhỏ lại, bắt đầu gọt táo, coi như hôm nay ăn bù cho ngày mai đi. Nhan ngồi xuống, mắt nhìn chằm chằm từng lớp vỏ táo rơi xuống đĩa. Tôi vừa gọi vừa chốc chốc quay lên nhìn em.

    - Hôm nay chú có về không? – Tôi bâng quơ hỏi một câu.

    Nhan nhẹ lắc đầu, gương mặt cúi thấp xuống. Tôi buông quả táo trên tay ra, xòe bàn tay đến trước mặt em. Nhan nắm lấy, dùng ngón trỏ viết xuống từng chữ một.

    - Cả ngày nay bố vẫn chưa về!

    Tâm trạng Nhan trầm xuống theo từng chữ được viết ra. Tôi thở dài, thế cũng tốt, ít ra con bé không phải chịu đau nữa.

    Có một vấn đề xóm tôi tự động không bao giờ nhắc tới, đó là chuyện về gia đình Nhan. Mấy anh em chúng tôi chứng kiến bác Nhã dẫn em về xóm này sinh sống, nhưng lại chưa từng thấy mẹ Nhan đến thăm. Bác ấy không nói, mọi người cũng im lặng. Bác Nhã là thợ xây, hay phải đi công trình ở nơi xa, về nhà thì ít, nhưng mỗi khi trở về thì luôn khiến cả xóm phải lo lắng, bồn chồn. Nhìn những vết thương trên đã mờ đi trên cánh tay Nhan, mắt tôi lại chua xót.

    - Đêm nay em ngủ lại đây với chị đi, dù sao nhà cũng không có ai, nhỡ đâu đêm hôm có chuyện gì..

    Nhan viết xuống tay tôi: "Chị phải học bài!"

    - Không sao hết! Em ngủ trước đi, tí chị ngủ sau cũng được! Vậy táo này để mai rồi ăn!

    Bé Nhan gật đầu, lại mò mẫm trong túi quần ra một cái kẹo, đặt vào tay tôi, viết: "
    Anh Toàn đưa cho chị!"

    Làm xong, Nhan nằm xuống giường, nhắm mắt ngủ.

    Tôi ngơ ra, thất thần nhìn cái kẹo trong tay. Tên này định làm trò gì thế! Vừa nhắc tên thì tin nhắn điện thoại gửi đến.

    - Còn sót lại một cái, cho cậu đấy! Một chút nữa đi ngủ sớm đi!

    Đây là muốn nhắc người ta đi ngủ sớm hay là ý gì đấy hả? Tôi để kẹo cùng với mấy con hạc giấy cất trong hộp thủy tinh nhỏ, muộn rồi không nên ăn đồ ngọt.

    Có những điều không cần nói ra, cứ để mỗi người tự ngầm hiểu là được rồi..

    Sáng sớm, tiếng lạch cạch trong bếp của mẹ đánh thức tôi dậy. Nhan đã tỉnh từ lúc nào, ngồi bế Bông, vuốt nhẹ bộ lông mềm của nó.

    - Em dậy sớm vậy? Đợi chị đánh răng xong rồi chúng ta ra ăn sáng nhé! – Tôi xoa đầu em, dặn dò.

    Nhan lại gật đầu. Hình như rất ít khi tôi thấy em lắc đầu thì phải, gật hoài như thế, không biết có ảnh hưởng tới xương không nữa.

    - Ăn xong hai chị em mình sang nhà bác Nguyệt chơi!

    Bé Nhan cười tươi, hai chúng tôi hợp ý nhau quá mà. Dù chưa từng được nghe giọng nói của em nhưng tôi vẫn cảm nhận được nó sẽ ngọt ngào nhường nào. Quả thật ông trời không lấy hết của ai cái gì, cũng không thể đánh bại được Nhan bảo bối của xóm tôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  4. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có lẽ do tối qua vừa mưa xong, hôm nay trời mát và dễ chịu lắm. Ăn sáng xong xuôi, tôi và Nhan đi qua nhà anh Khoa, hôm nay bọn tôi sẽ đi chơi một chuyến. Vừa ra cổng đã thấy Toàn đừng chờ sẵn, chẳng hiểu sao tôi lại thấy có chút ngại ngùng.

    Điên mất! Ngượng cái gì mà ngượng!

    - Nhanh lên! Đứng đấy mãi thế! - Tên đó nói to, giọng cực kỳ gợi đòn.

    - Ô! Bé Nhan bảo bối cũng ở đây à, anh còn định sang nhà em gọi bây giờ đấy!

    Nhan nép vào sau tôi. Mặc dù mấy anh em đều coi em ấy là bảo bối của mọi người, nhưng cũng không gọi ra một cách sến sẩm như thế. Chỉ có tên điên này suốt ngày thích trêu chọc người ta, cứ gọi vậy làm Nhan ngượng. Mặc dù thế, nhưng tôi biết ở xóm này, cô bé lại thích Toàn nhất. Nhìn ánh mắt sáng như sao của em mỗi khi gặp cậu ta, tôi cảm thấy tình chị em này có vẻ không được bền chặt lắm thì phải!

    Ba đứa đợi em trai tôi ra. Nó làm gì lâu thế không biết! Mới nhắc xong, người đã ra đến nơi.

    - Thành, em mặc đồ đi đám cưới đấy à? Sao tự nhiên lại long trọng vậy? – Toàn cười nghiêng ngả. Đến cả tôi cũng tò mò.

    Ngày thường, tôi bắt nó đi giày nó cũng không chịu, cứ thích đi đôi dép bà ngoại mua, lại còn là loại dành cho mấy chú mấy bác dùng nữa. Hôm nay, em trai tôi lại chải chuốt hơn hẳn, hình như tóc còn hơi khác..

    - Em thích thế! Làm sao? – Thành hất cằm nói.

    - Anh có dám ý kiến gì đâu, chỉ thấy lạ chút thôi!

    Ba đứa đi dép, nổi bật lên một người đi giày trắng, cứ thế dắt nhau sang căn nhà to nhất xóm. Lúc chúng tôi vào nhà, anh Khoa đã chờ sẵn rồi. Bé Nhan vội vàng chạy đến ôm chân anh.

    - Bé Nhan cao lên nhiều rồi! – Anh xoa đầu cô bé, dịu dàng nói.

    Nhan cười tít mắt, thời gian cũng không thể khiến chúng tôi thấy xa lạ nhau. Dù đã lâu không gặp, nhưng khoảnh khắc trùng phùng vẫn luôn thân thiết như thế.

    - Lần này anh về nhà khoảng bao lâu ạ? - Tôi hỏi.

    - Cũng không đoán được, khi nào tình hình ổn định anh mới đi!

    Tôi cảm thấy anh hơi buồn. Dù sao đang học mà lại phải về nước, cũng không thuận lợi gì mấy. Bé Nhan thì không nghĩ nhiều, nghe vậy càng vui vẻ, tay bấu chặt lấy anh Khoa.

    - Ha, nhìn em kìa, có khác gì gà con theo mẹ không cơ chứ! - Tên đáng ghét lại nhả ra một câu.

    Nhan quay lại lườm cậu ta một cái, bĩu môi.

    - Còn hơn là không được ai thích! - Tôi chen vào.

    - Cậu thích không?

    - Không.. - Chưa kịp nghĩ gì thì tôi đã nghe thấy mình nói thế rồi.

    * * *

    Toàn không nói gì nữa, chúng tôi cũng tự động bỏ qua việc này.

    Năm đứa dắt nhau đi chơi. Nói là đi chơi cho sang thôi, thực tế chỉ là ra cánh đồng cạnh xóm để nghịch. Ánh sáng chan hòa của buổi sớm dịu dàng ôm lấy hình bóng của năm người, khăng khít và gắn bó.

    Chúng tôi đi đến vườn nhà bác Nguyệt, ở đấy rộng mà còn nhiều cây ăn quả nữa. Ngày xưa, anh Khoa mắc một chiếc xích đu lên, bảo rằng đây là đồ cho riêng hai chị em gái chơi thôi, mấy đứa con trai nặng quá, ngồi lên sợ đứt mất.

    Bé Nhan thích lắm. Lần nào tôi đẩy xích đu lên cao cũng thấy em ấy vui vẻ, mắt híp lại thành một đường. Tôi dắt Nhan đến xích đu, định giúp em trèo lên. Bỗng nhiên Nhan kéo tay tôi lại, chỉ vào tôi rồi lại chỉ vào xích đu.

    - Em muốn chị ngồi lên đó à?

    Nhan lại gật mạnh một cái, nghiêng đầu làm động tác mời kiểu thân sĩ.

    * * *
    - Cái phong cách kì dị này chỉ có thể do tên đáng ghét kia dạy thôi! Dạy hư bé Nhan của tôi rồi!

    Toàn nhìn từ đầu đến cuối, tỏ ra è dè nói:

    - Em chắc không Nhan bảo bối, chị em nặng như thế, dây thừng không chịu nổi đâu!

    Quả nhiên, lòng dạ đã xấu xa thì không thể phát ngôn ra từ nào xuôi tai được. Tôi cảm thấy hơi tức giận, béo chỗ nào, làm gì có nơi nào béo chứ! Bé Nhan cũng lắc đầu, rồi lại lay lay cánh tay tôi, trừng mắt nhìn Toàn. Cô bé mở lòng bàn tay của tôi ra, viết xuống từng chữ: "Chị không béo chút nào!", viết xong, ngẩng đầu lên nhìn tôi với ánh mắt kiên định.

    - Chị biết mà, người ta mù thôi! Vậy chị ngồi lên nhé!

    Nói đoạn, tôi ngồi lên xích đu, để cho Nhan nhẹ nhàng đẩy phía sau. Chẳng có thời gian mà nhìn xung quanh, tôi chỉ cẩn thận nhìn em, nhỡ đâu tôi nặng thật, em ấy không đẩy nổi thì sao?

    Mấy anh em chơi quên cả thời gian. Trong khu vườn rợp bóng cây, chỉ nghe thấy tiếng cười đùa của bốn người. Cũng chả sao cả, mọi người đều nghĩ là thế, chỉ cần chúng tôi biết là được. Còn có một bé Nhan ngốc nghếch luôn dùng ánh mắt trong sáng của em mỉm cười chân thành với chúng tôi..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  5. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gần đến trưa, ánh nắng bắt đầu gay gắt hơn hẳn. Cũng may có mấy tán cây bảo vệ, năm người chúng tôi mới không bị nắng chiếu đến choáng váng đầu óc. Đã lâu lắm rồi không có dịp được quây quần, đoàn tụ như thế này, mọi người cũng tiếc không muốn về.

    Mãi một lúc sau, anh Khoa mới nhắc nhở:

    - Này mấy đứa! Muộn rồi đấy, về nhà thôi!

    Bé Nhan nghe thấy thế, nhảy xuống xích đu, chạy tới ôm bàn tay của anh, ánh mắt long lanh cầu xin. Em cẩn thận viết:

    - Có thể ở lại một chút nữa được không anh?

    Anh Khoa bật cười:

    - Này, em đừng có dùng chiêu làm nũng này nữa nhé! Về muộn là chị Táo của em bị mẹ nhốt ở ngoài, không cho ăn cơm đâu!

    Hình như bị nói đúng tâm trạng, Nhan buông tay anh ra ngay, định nắm tay tôi kéo về. Cô bé chạy vội quá, giẫm vào chỗ đất lún, người nghiêng ngả sắp ngã. Mọi người thấy vậy giật mình, bàn tay vừa mới giơ ra định đỡ Nhan thì thằng em trai quý báu của tôi đã phi đến, níu lấy vai cô bé kéo lại. Thật đúng là tiêu chuẩn của từ "nhanh như gió" luôn!

    Bé Nhan suýt vấp té cũng không quan tâm đến bản thân, nắm lấy tay tôi dắt đi.

    - Này Nhan bảo bối! Anh mà về muộn thì cũng bị cho nhịn đói đấy! Em kéo anh về đi! Anh trai em mệt không còn tí sức nào nữa đây này! – Toàn gọi với theo, giọng điệu ngả ngớn khiến tôi muốn đấm cho cậu ta vài phát.

    Thành đang đi trước tôi bỗng lùi lại, nắm lấy bàn tay nhỏ bên kia của Nhan, ba người cùng nhau đi về.

    - Anh Khoa ơi! Bọn mình cũng dắt tay nhau về đi! - Tôi nghe thấy tên đáng ghét nói như thế.

    - Này, em muốn nắm tay cơ mà! Là nắm tay! Anh đưa que củi cho em làm gì hả?

    Ha ha, đáng đời! Trong lòng tôi thầm khen hành động đúng đắn của anh Khoa. Tôi mà là que củi kia thì cũng tự giấu mình đi không cho cậu ta nắm.

    Mấy anh em đi bộ về đến nhà thì cũng gần mười hai giờ trưa. Không khí mát mẻ của trận mưa đêm qua không còn sót lại chút nào nữa, chỉ thấy nắng oi bức đến bực mình. Mấy đứa trẻ tự về nhà, tôi chợt kéo tay Nhan lại:

    - Nhan à, hay em ăn cơm ở nhà chị luôn đi! Giờ này mà về nhà nấu cơm cũng đã muộn lắm rồi!

    Nhan lắc đầu, nắm tay tôi viết xuống:

    - Ở nhà vẫn còn đồ ăn! Em tự về nấu! - Ánh mắt của em kiên quyết, buộc người ta phải đồng ý. Cũng phải, một đứa trẻ mười hai tuổi cũng có lòng tự trọng của riêng mình, chúng tôi đều tôn trọng điều đó của Nhan.

    - Được rồi! Vậy phải cẩn thận chút nhé!

    Nhan gật đầu, mỉm cười với tôi rồi chạy về cổng nhà mình. Tôi lay đứa em đứng yên lặng nãy giờ:

    - Ngẩn người ra đó làm gì! Vào còn ăn cơm!

    Giày trắng đi ra đồng đã bẩn hết rồi, tí nữa tôi phải bắt nó tự giặt mới được! Hai đứa chúng tôi vừa bước vào nhà đã bị mẹ la một trận tơi bời, nhưng nghe nói có anh Khoa đi cùng, mẹ lập tức không nói gì nữa. Thế đấy! Tôi cảm thấy mẹ tin tưởng con nhà người ta hơn cả con gái ruột mình luôn rồi!

    Ngồi xuống bên mâm cơm, cả nhà lại bắt đầu nói mấy chuyện vu vơ xung quanh làng. Bỗng nhiên mẹ tôi lại nhắc đến bác Nhã:

    - Nãy mẹ nhìn thấy có xe đến, hình như ba bé Nhan về rồi, mà còn có một người khác trong xe nữa cơ! Mẹ cũng không rõ là ai!

    Hai chị em tôi nghe thế vội buông bát cơm xuống:

    - Bác Nhã về thật rồi hả mẹ? - Cả hai cùng đồng thanh.

    Mẹ tôi liếc mắt nhìn:

    - Hai đứa làm sao đấy hả? Chuyện riêng nhà người ta cũng đừng xen vào quá nhiều! Ăn cơm nhanh lên!

    Chúng tôi nhìn nhau, trong mắt đều đầy sự lo lắng. Chẳng cần biết bác Nhã đưa ai về, nhưng chưa một lần nào bác ấy về mà bé Nhan được yên cả. Về đến nhà là chỉ chăm chăm vào uống rượu, hút thuốc. Bé Nhan bị sặc khói thuốc cũng không dám ho he nửa lời, làm sao mà bọn tôi yên tâm cho được.

    Kì lạ thay, bác Nhã về đã được mấy tiếng rồi mà không thấy có động tĩnh gì. Tôi cầm điện thoại lên đã thấy anh Khoa và Toàn đều nhắn tới: "Này Táo ơi, bác Nhã về rồi đấy!"

    Tôi cũng chỉ nhắn cho tên kia một câu: "Biết rồi!", xong lại hỏi anh Khoa: "
    Anh biết bác ấy đưa ai về không?"

    Anh Khoa nhắn lại ngay: "Anh cũng không rõ nữa!"

    Cả buổi chiều, xóm Cây Bàng đều chìm trong yên lặng. Không ai dám sang hỏi bác Nhã điều gì. Ai cũng rõ tính bác ấy, làm thế cũng chỉ khiến Nhan bị trút giận thêm mà thôi. Những lúc thế này tôi lại trách ông trời sao mà tàn nhẫn với đứa nhỏ kia như vậy. Ngay cả khi gặp nguy hiểm, hay bị đánh đập, một tiếng cầu cứu cũng không cho em ấy được nói ra..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  6. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những tưởng gió bão sẽ ập tới, nhưng cuối cùng lại là trời yên biển lặng. Có lẽ bởi vì đã quá quen với những trận ồn ào mỗi khi bác Nhã về nhà, nên chúng tôi mới cảm thấy kỳ lạ như thế.

    Tối đến, hai chị em tôi cũng không nhịn nổi nữa, rón rén trốn mẹ dắt nhau đi xem tình hình. Ra khỏi cổng, tôi đã thấy hai bóng đen lén lút bên cửa sổ nhà bé Nhan. Vừa định lớn tiếng quát thì Thành đã giữ tay tôi lại, nói nhỏ:

    - Chị, hình như là hai anh đấy!

    Tôi bình tĩnh lại, căng mắt ra nhìn mới thấy hai bóng dáng quen thuộc kia. Nhiều lúc tôi không nhịn được cảm thán, chơi chung bao nhiêu năm, đến cả suy nghĩ và hành động cũng hợp đến mức này rồi.

    Hai bóng đen quay ra, thấy hai chị em tôi đang đến, vội nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi cửa sổ.

    - Táo ơi! Đến đây nhìn này! Nhà Nhan bảo bối có khách tới! - Là tiếng khàn khàn của tên đáng ghét.

    - Nói nhỏ thôi Toàn! Bị nghe thấy bây giờ! - Anh Khoa khẽ nhắc nhở.

    Thế là bốn cái đầu chen chúc ngó qua cửa sổ nhà bác Nhã.

    Vị khách này là một người phụ nữ trẻ, không rõ là bao nhiêu tuổi nữa, nhưng trẻ hơn mẹ tôi nhiều. Cô ấy rất xinh đẹp, đẹp theo kiểu thanh tao mà quý phái ấy. Tôi thấy cô đang nghe điện thoại, chốc chốc lại quay ra nhìn bé Nhan rồi cười. Nhan cũng không có biểu hiện gì khác thường. Ngược lại, điều làm chúng tôi ngạc nhiên lại là bác Nhã.

    Bác ấy vẫn tỉnh táo, gói thuốc lá trên bàn còn mới nguyên. Bàn tay người đàn ông thô ráp vụng về, cẩn thận gọt từng miếng táo đưa cho Nhan.

    Cả bốn đứa chúng tôi tròn mắt kinh ngạc! Cảnh tượng này đến cả trong mơ tôi cũng không dám nghĩ đến, bây giờ lại chân thật diễn ra. Bé Nhan nhận miếng táo, cười tươi rói. Tôi chưa từng thấy em cười hạnh phúc như thế bao giờ. Đứa bé ngốc này! Mới nhận được chút yêu thương mà em đã vui vẻ đến thế rồi sao?

    Người phụ nữ cúp điện thoại rồi ngồi xuống cùng Nhan và bác Nhã. Cô ấy xoa đầu Nhan, cười hiền từ lắm! Không phải chúng tôi không muốn đoán đây là mẹ Nhan, nhưng khuôn mặt của cô ấy và em chẳng có chút tương đồng nào cả!

    Bác Nhã cũng đưa cho cô ấy một miếng táo. Ba người trông cứ như một gia đình trong mơ vậy. Không khí của ngôi nhà cũng ấm áp hơn phần nào..

    - Về nhà được rồi đấy! - Anh Khoa lên tiếng.

    Cái cửa sổ hơi cao, tôi phải từ từ leo xuống, sợ ngã thì bị người trong nhà nghe thấy mất. Lúc nhảy xuống, bỗng tôi cảm thấy có bàn tay đỡ nhẹ eo mình. Rất nhẹ, nhưng vẫn có thể cảm nhận được. Tôi không nghĩ gì nhiều, chắc thằng em trai quý báu lại rủ lòng thương xót cho người chị này rồi. Nuôi nó bao nhiêu năm kể ra cũng có chút lợi ích đấy chứ!

    Hai chị em lại dẫn nhau về nhà. Cổng nhà tôi đối diện nhà cô Khánh. Lúc chuẩn bị đi vào, tôi nghe thấy tên đáng ghét lại lẩm bẩm:

    - Eo gì mà toàn mỡ!

    Chờ tôi hiểu ra được, tên đó đã lẩn vào nhà trốn mất rồi. Tôi quay phắt người lại, trừng mắt nhìn cái cổng. Đợi đấy! Mỹ nhân báo thù mười năm chưa muộn!

    Nằm lên giường, mở điện thoại ra, tôi mới để ý hôm nay là ngày ba mươi tháng năm, còn một ngày nữa là đến Tết thiếu nhi rồi, phải nhắc mọi người chuẩn bị quà cho bé Nhan sớm thôi!

    Tôi nhắn vào nhóm chung của bốn đứa:

    - Sắp đến ngày một tháng sáu rồi, mọi người nghĩ quà cho Nhan đi!

    Hình như tên bé Nhan là mật mã đánh thức em trai tôi hay sao ấy. Vừa mới nhắn, nó đã đọc luôn rồi!

    - Phải nghĩ quà cho bé Táo nữa chứ! Bé Táo vẫn chưa đủ mười tám tuổi đâu!

    Nếu câu này được nói thành tiếng, chắc tôi ngượng chín mặt mất. Vừa nãy còn chê người ta béo, bây giờ còn bày đặt gọi "Bé táo" nữa chứ!

    - Toàn nói cũng đúng, vậy thì làm hai món quà đi! - Anh Khoa nhắn lại. Tôi có thể tưởng tượng ra được vẻ mặt đắc ý khi trêu đùa người khác của tên kia, chắc chắn rất ngứa đòn!

    - Cứ nghĩ xem tặng quà gì cho bé Nhan đi anh!

    Chúng tôi bàn bạc cả đêm, cuối cùng lại không chốt lại được gì. Mỗi người một ý kiến, không ai chịu nhường cả. Em trai tôi lại nhắn đến một câu:

    - Hay là tự chuẩn bị đi! Mỗi người một món quà, càng nhiều em ấy càng vui!

    Đứa em trai cả ngày không lên tiếng bỗng dưng chịu góp ý như thế, tôi cũng thấy ngạc nhiên.

    - Vậy cũng được. Cứ quyết định thế đi! - Người lớn nhất có quyền, nói gì cũng đúng.

    Nhắm mắt lại, tôi cố suy nghĩ về quà tặng Nhan. Từ trước tới giờ, em ấy luôn dễ thỏa mãn, không đòi hỏi ai cái gì. Tôi thích ăn Táo, em ấy cũng thích theo. Tôi nổi hứng muốn vẽ tranh, Nhan cũng cầm theo hộp màu chạy sang nhà tôi vẽ cùng. Tôi bỗng cảm thấy mình chẳng xứng đáng làm chị chút nào. Nghĩ mãi không được, định đi ngủ thì lại nghe điện thoại có thông báo tin nhắn.

    - Thích táo không?

    - Thích! - Hỏi thừa, cái biệt danh này còn chưa đủ rõ ràng à!

    - Ừ.

    Cái tên này lại định bày trò gì không biết!
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  7. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày cuối tháng năm vẫn là một ngày nắng nóng.

    Sáng sớm, tôi dậy cho Bông ăn, rồi lại bận rộn tắm cho nó. Sấy khô lông xong thì tay tôi đã chằng chịt những vết cào, có chỗ còn chảy máu nữa. Tôi ngồi ôm Bông, cố gắng kể cho nó nghe về mấy vụ làm thịt mèo trong làng, mong rằng nó sẽ biết điều hơn một chút.

    Đang định đứng dậy phụ mẹ làm bữa sáng, cửa sổ cạnh giường lại vang lên tiếng "cộc cộc".

    - Táo ơi! Mở cửa ra đi!

    Không thích đấy! Cậu nói thì tôi phải làm theo à!

    Bụng nghĩ vậy nhưng tôi vẫn quen tay mở cửa. Toàn đứng ở ngoài, tay lại cầm túi táo nhỏ, đưa cho tôi:

    - Này! Cầm lấy!

    Tên này định dùng táo để nuôi tôi đấy à? Tôi nhận lấy cái túi:

    - Mới sáng sớm cậu đã mang tới làm gì?

    - À, vậy lần sau tôi mang vào buổi tối! - Nói xong, cậu ta chạy đi.

    Tôi cảm thấy có chút buồn cười, nếu được một lần kể lại câu chuyện về xóm Cây Bàng này cho ai đó nghe, có lẽ mọi người sẽ ám ảnh mấy quả táo này mất!

    Để túi táo lên bàn, tôi thay quần áo rồi ra gọi Thành dậy. Chắc hôm qua nó lại thức khuya rồi, giữa đêm mà tôi còn thấy phòng nó sáng đèn.

    - Thành! Dậy đi, sắp muộn rồi đấy!

    Người trong phòng nghe thấy tiếng gọi, hình như bị giật mình. Tiếng lạch cạch của đồ vật vang lên, một lúc sau nó mới ra mở cửa:

    - Vẫn còn sớm, chị làm gì mà gọi to thế! Vừa dậy giọng khàn nghe kinh chết đi được! - Thành xoa tóc, mắt híp lại nói.

    - Bảo ai giọng kinh hả? Muốn ăn đòn không?

    Hai chị em cãi nhau từ trong nhà ra đến ngoài sân thì im lặng. Mẹ đang nói chuyện với vị khách mới đến của bác Nhã. Cô ấy cầm theo một túi quà, cười rất vui vẻ.

    Mẹ tôi quay ra nhìn hai đứa:

    - Lại đây nhanh lên! Chào cô Nga đi!

    Cô Nga cười hiền với chúng tôi. Thấy nụ cười ấy, đột nhiên tôi hiểu ra vì sao bác Nhã lại thay đổi nhiều đến vậy. Mặc dù kinh nghiệm sống của tôi chưa đủ phong phú, nhưng cũng biết được tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Hóa ra cảm hóa chính là như thế này. Đôi khi nó rất đơn giản thôi, chỉ là chúng ta chưa chịu đi tìm kiếm.

    Tôi tự nhiên thấy hạnh phúc thay cho bé Nhan. Bởi vì có một người đã làm thay đổi cả một gia đình. Nhan bảo bối của chúng tôi cuối cùng cũng được ông trời để ý tới rồi.

    Sau một hồi nghe cô Nga và mẹ nói chuyện, chúng tôi mới hiểu hơn về gia đình Nhan. Nói ra cũng thật nực cười, sống chung một xóm bao nhiêu năm, đến tận bây giờ tôi mới biết một phần câu chuyện nhà em ấy. Mẹ ruột của Nhan cũng là người có quyền, trong khi bác Nhã lại không được như cô. Hai người vốn đã mâu thuẫn, bé Nhan sinh ra cũng không được chăm sóc cẩn thận. Cả ngày em đều ở nhà một mình, không nói không rằng, dần dần cũng chẳng tìm lại được giọng nói của mình nữa.

    Hai chị em tôi đều rất ngạc nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ Nhan bẩm sinh đã bị như vậy rồi. Bỗng dưng tôi muốn khóc, không phải khóc cho mình, mà là cho những gì Nhan bảo bối của tôi đã phải trải qua. Khi gia đình đổ vỡ, tổn thương nhất chính là những đứa trẻ. Chỉ là nhiều lúc, người lớn cũng không quan tâm đến điều ấy..

    Giữa trưa, tôi hì hục ngồi cắt khúc gỗ ra làm khung ảnh. Mồ hôi nhỏ xuống thành từng giọt, hình như lưng áo tôi đã ướt đẫm rồi. Nghĩ đến Nhan sẽ thích món quà này, tôi lại có động lực làm tiếp.

    Thành vẫn ngồi trong phòng từ sáng tới giờ, chẳng biết nó đang làm gì nữa, cứ giấu tôi mãi không chịu nói.

    Chiều tối, mấy anh em chúng tôi lại sang nhà anh Khoa. Thực ra mục đích chính của lần này là muốn hỏi Nhan xem thế nào.

    - Này Nhan bảo bối! Người kia là ai thế? - Toàn hỏi trước.

    Bé Nhan rút tờ giấy trắng ra, viết nắn nót từng chữ:

    - Ba nói từ nay gọi cô ấy là mẹ!

    Bốn người im lặng.

    - Em có thích cô ấy không?

    Nhan chần chừ một lát rồi gật đầu. Tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù em không biểu hiện quá rõ ràng, nhưng đối với Nhan, đó là thích. Giống như cách em đối xử với chúng tôi vậy, chỉ cần mỉm cười là đủ rồi.

    Nói chuyện một lúc, mấy người chúng tôi lại nhắc về Tết thiếu nhi.

    - Nhan à, mai là mùng một tháng sáu rồi đấy! Anh chị tổ chức một buổi liên hoan cả xóm nhé! - Anh Khoa hỏi Nhan

    Bé Nhan gật đầu cười. Hình như chợt nhớ ra thứ gì đó, em viết xuống:

    - Hộp ước năm ngoái..

    Mấy đứa nhìn nhau, bỗng nhớ ra năm trước, cũng vào ngày Tết thiếu nhi này, chúng tôi đã cùng nhau thực hiện một lời hứa. Năm người cầm năm hộp thủy tinh nhỏ, gấp mấy con hạc giấy bỏ vào rồi vùi xuống dưới gốc đa đầu xóm. Nhan bảo đây là hộp ước nguyện, mỗi năm sẽ thêm vào đó một điều ước nữa.

    Chuyện này nói ra cũng buồn cười. Ước mơ của người ta thì treo trên cây cao, nhờ gió gửi mây thực hiện. Ước mơ của chúng tôi lại đem vùi dưới đất. Anh Khoa nói rằng, điều ước nào cũng bắt đầu từ mặt đất cả, cớ gì ta phải đem nó đi đâu xa. Chúng tôi lớn lên ở xóm nhỏ này, ước mơ cũng từ đây mà từng chút từng chút được dưỡng thành..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  8. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhớ lại quãng thời gian ngây ngô năm trước, mấy đứa chúng tôi đều có chút hoài niệm. Vậy năm nay lại tiếp tục đi! Mỗi năm một ước mơ nhỏ, một con hạc giấy, đầy bình thì thay cái mới thôi!

    Sáng mùng một tháng sáu, trời trong xanh, nắng vẫn còn chậm chạp chưa đến. Cả xóm Cây Bàng bận rộn chuẩn bị bữa liên hoan vào buổi trưa. Năm nào cũng thế, dù có bận rộn đến mấy, vào những ngày đặc biệt, chúng tôi vẫn dành chút thời gian cho nhau.

    Mẹ tôi và bác Nguyệt đã đi chợ từ sớm rồi, mấy người tập trung cùng nhặt rau ngoài sân. Nhiều lúc tôi chỉ muốn ở lại khoảnh khắc này mãi thôi, có tôi, có mọi người bên cạnh, chẳng cần lo toan nhiều chuyện phức tạp đau đầu. Tôi bế Bông đang ngáp ngắn ngáp dài trên giường lên:

    - Làm một con mèo như em cũng sướng lắm đấy!

    Bông không thèm quan tâm đến tôi, quay đầu ngủ tiếp. Tôi bật cười, mình cũng vô lo vô nghĩ như nó được thì tốt.

    - Táo ơi! Bé Nhan tìm con này! - Mẹ tôi ở ngoài sân gọi với vào phòng.

    Tôi vội vàng cầm theo một con hạc giấy, chạy ra. Bé Nhan đứng đợi sẵn ở cửa.

    - Nhan, em dậy sớm vậy?

    - Không phải Nhan bảo bối dậy sớm, là cậu ngủ nướng thôi! - Hình như tôi có thù hằn gì với tên này hay sao ấy, lúc nào cũng tìm cách nói xấu rồi chặn họng người ta.

    - Liên quan gì đến cậu à? - Tôi cãi lại.

    - Được rồi, mấy đứa đi đâu thì đi ngay đi, không tí nữa lại muộn giờ cơm! - Bác Nguyệt ngăn lại trận khẩu chiến.

    - Vâng, bọn con đi luôn bây giờ đây!

    Năm người kéo nhau ra cây đa đầu xóm, cầm theo cái xẻng nhỏ, xới chỗ đất đã được đánh dấu từ trước. Ai mà biết được mấy cái hộp đó chôn ở đây có bị ngấm nước mưa không. Nếu vậy thì ước mơ của chúng tôi bị "ngâm nước" từ trong trứng thật rồi.

    Cũng may, năm hộp thủy tinh không bị sao cả. Bé Nhan hào hứng cầm từng cái lên xem. Trong mỗi hộp thủy tinh đều có tờ giấy ghi tên chủ nhân nó.

    Nhan tìm được hộp của mình, mở nút ra, cẩn thận bỏ con hạc giấy em nâng niu nãy giờ vào trong. Tôi nhìn em cười, tuổi thơ luôn có những lúc tin tưởng tuyệt đối vào những thứ mơ mộng như vậy. Gấp một ngàn ngôi sao hay một ngàn con hạc giấy thì sẽ có được một điều ước. Tôi đã từng tin như thế, cũng từng tự tay đổ cái lọ đầy sao đi. Nó có làm được gì đâu, không thể khiến bố tôi khỏi bệnh, vậy thì còn cất giữ làm chi nữa!

    Bé Nhan còn nhỏ tuổi, nhưng lại tràn đầy hi vọng vào tương lai. Bốn người chúng tôi ít nhiều cũng bị lây chút cảm xúc đó.

    Năm ngoái khi Nhan đề nghị làm hộp ước nguyện, chính tôi lại chẳng hứng thú gì mấy. Làm gì có ai muốn bị lừa hai lần bao giờ. Khổ nỗi nhìn nụ cười của Nhan, tôi lại không nỡ nói ra, đành chiều theo ý em.

    Mọi người lần lượt bỏ hạc giấy vào hộp thủy tinh rồi lại vùi xuống đất. Làm xong, chúng tôi trở về nhà phụ giúp làm cơm trưa.

    Bữa liên hoan năm nay khác với mọi năm, bởi có thêm hai người tới. Đây là lần đầu tiên bác Nhã ngồi chung với cả xóm. Cạnh bác là cô Nga mới đến hôm trước nữa.

    Nói chuyện một hồi, cô Nga mới nói ra dự định của mình đối với bé Nhan. Cô ấy muốn đưa Nhan đi điều trị tâm lí, bởi vì bệnh của bé xuất phát từ vấn đề này. Bác Nhã cũng có ý định sau này sẽ chuyển đến nơi khác, gần chỗ làm việc để thuận tiện về nhà hơn.

    Mấy đứa chúng tôi nghe vậy thì giật mình, ngơ ra nhìn nhau. Bé Nhan hình như cũng biết chuyện này từ trước, cúi đầu bới cơm.

    Hụt hẫng, tiếc nuối hay vui mừng đây? Tôi cũng chẳng phân biệt được nữa rồi.

    Bên mâm cơm liên hoan, năm đứa trẻ trầm lại, chỉ nghe thấy tiếng nói cười của người lớn.

    Tôi thấy Thành rũ bả vai xuống. Là chị em ruột với nhau, sao mà tôi không hiểu nó được chứ. Nhưng sự thật là như thế, không muốn cũng bắt buộc phải chấp nhận.

    - Bé Nhan vui lên nào! Chẳng bao lâu nữa là em sẽ hết bệnh rồi, có thể tự mình gọi chị Táo thức dậy nữa đấy! - Anh Khoa an ủi cô bé, giọng buồn buồn.

    Chúng tôi cùng ngồi lại trong phòng anh, im lặng mãi cũng không biết nói gì.

    - Đúng rồi đấy Nhan! Chữa bệnh xong em lại có thể quay về đây mà! - Tôi miễn cưỡng hùa theo lời anh Khoa.

    Chúng tôi buồn, bé Nhan còn hơn thế. Cùng lúc phải xa bốn người, cũng không dễ dàng gì. Mọi người lần lượt đưa quà Tết thiếu nhi cho Nhan, chỉ có Thành là không hành động gì.

    Thấy em trai vẫn đứng sững người từ nãy, tôi thầm thở dài. Bé Nhan nhận quà xong, đưa ánh mắt hi vọng qua nhìn Thành.

    - Chút nữa anh đưa!

    Gì đấy? Còn bày đặt tặng quà riêng nữa cơ à?

    Căn phòng lại tràn ngập tiếng cười đùa. Nhưng tự chúng tôi cũng biết rằng, mùa hè này sẽ không tránh khỏi một cuộc chia ly..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  9. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày hôm nay trôi qua nặng nề lắm. Tôi vẫn làm đề, vẫn gật đầu hưởng ứng những lời nhắc nhở của mẹ, vẫn tiếp tục ôm Bông, kể cho nó nghe về mấy vụ trộm mèo đã xảy ra quanh làng. Chỉ là lúc chạm vào bộ lông mềm mại của nó, tôi cũng cảm thấy lòng mình mềm theo.

    Tôi không giữ nổi nụ cười gắng gượng kia nữa, mắt cũng nóng lên từ lúc nào rồi. Thả Bông xuống, tôi úp mặt vào gối khóc. Không thể cho ai nghe thấy được! Tôi cứ thích khóc một mình thế đấy.

    Bé Nhan đã sống ở xóm này bao nhiêu năm, chúng tôi đã sớm coi nhau là chị em ruột thịt. Bây giờ lại nghe tin em ấy phải chuyển đi, mặc dù là để lấy lại giọng nói, tôi cũng không kìm được muốn khóc. Tôi tự mắng mình ích kỷ. Khóc cái gì! Em ấy đi chữa bệnh, ở đây mãi, Nhan sẽ chỉ là một cô bé không có tương lai. Nhưng tôi lại không ngăn được lòng tham của mình. Thích Nhan khỏi bệnh, cũng muốn em ấy ở bên cạnh tôi, không rời đi đâu hết.

    Đối với người lớn, có thể đây chỉ là một cuộc chia tay nhỏ. Nhưng với tất cả đứa trẻ như tôi, cái "nhỏ" đó phóng đại lên nhiều lần lắm. Tôi cố nhét những âm thanh trong lòng mình vào chiếc gối nhỏ, nhưng vẫn không ngừng được. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sao mùa hè này thích trêu đùa người ta như thế, vừa mới nhận được chút ngọt ngào của cuộc đoàn tụ, chớp mắt đã phải nếm hương vị chua xót của sự chia xa.

    Tiếng chuông điện thoại vang lên, tôi bực mình tắt máy. Đang bận khóc mà gọi cái gì! Điện thoại vẫn cố chấp, tiếp tục kêu. Tôi ổn định lại một chút, mới dám nghe:

    - Gì đấy? - Tên này cứ như âm hồn bất tán, lúc người ta xấu xí nhất thì xuất hiện.

    - Cậu làm sao thế? - Toàn hỏi.

    Tôi im lặng. Lúc này mà nói thêm, việc tôi khóc sẽ bị phát hiện mất.

    - Cậu ra cổng đi, có việc! - Nói xong tên đáng ghét dập máy.

    Tôi hậm hực, đá chân vào giường, soi gương lau mặt rồi đi ra.

    Bước qua phòng em trai, tôi chợt nhìn thấy nó đang cầm một hộp gì đó. Một nghìn ngôi sao bằng giấy.

    Tôi hơi ngơ ra. Đứa em trai ngốc này, mất công làm lâu như thế, còn không đưa cho người ta, ở đây ôm quà nhớ người làm gì? Nhìn chiếc hộp đầy sao, tôi cứ thế đứng ở cửa phòng bật khóc. Tôi còn nghĩ nó không tin vào ước nguyện nữa cơ. Điều ước mà chúng tôi cùng nhau thực hiện, cố gắng gấp thật nhiều, thật nhiều ngôi sao, bao nhiêu năm đã thất bại rồi. Vậy mà bây giờ, Thành lại lặp lại niềm tin vô lý lúc trước, gấp sao tặng bé Nhan. Chỉ vì em ấy tin tưởng điều đó.

    Chân bước ra đến cổng từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Lúc không còn nước mắt che mất tầm nhìn, tôi đã thấy tên đáng ghét đứng trước mặt mình rồi.

    Trời tối, ánh đèn vàng trước cổng dịu dàng chiếu xuống, hơi nước còn lại trên mắt khiến tôi thấy cậu ta trông đẹp mắt hơn thường ngày. Cũng phải thôi, khi đang buồn, người ta sẽ tự khen những vật xấu xí để an ủi chính mình. Chắc chắn là lúc này tôi cũng thế.

    - Khóc xong chưa?

    - Chưa! – Tôi nói xong một từ lại nấc một tiếng.

    Thực ra chẳng còn gì xấu hổ nữa. Tôi vẫn nhớ hồi còn bé, mình bị nổi mẩn đầy người, phải bôi loại thuốc màu tím trông cực kỳ kinh dị. Lúc ấy da tôi chẳng khác gì cái váy chấm bi mẹ hay mặc cả. Đến mức xấu xí nhất còn thấy rồi, khóc như vậy có là gì đâu.


    - Vậy khóc nốt đi!

    Tôi quay mặt lên trừng mắt nhìn cậu ta. Chẳng hiểu sao nhìn một lúc, tôi lại không nhịn được khóc to hơn. Có lẽ ở đây mẹ không nghe thấy tiếng đâu! Khóc thoải mái một chút cũng được.

    - Tôi.. không muốn Nhan đi! Không muốn đâu! - Cái tiếng gào này, sau này nhớ lại chắc chính tôi cũng phải tự hổ thẹn.

    Tôi cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy, ngửa mặt lên khóc. Sự bất lực này, ích kỷ này biến đi hết đi! Người như tôi có quyền gì mà không cho em ấy đi cơ chứ? Cái đứa suy nghĩ nông cạn này, có thế mà cũng khóc!

    Chẳng biết đã tự mắng mình bao nhiêu lần rồi, tôi mới loáng thoáng nghe thấy tên kia nói nhỏ:

    - Này.. Tôi nói đùa thôi!

    Tôi khụt khịt mũi, tự thấy mình khóc mãi thế này cũng không hay cho lắm, liền đổi giọng gây sự:

    - Gì? Cậu gọi tôi ra làm gì?

    - Bây giờ cậu mới nhớ là tôi gọi ra đấy à! Gì mà khóc mãi! Em ấy đi rồi sẽ về cơ mà!

    Đã cố ý không nhắc đến chuyện của Nhan nữa rồi, mà tên này còn nói thế, tôi lại có xu hướng muốn khóc tiếp. Cứ như mấy từ ấy là chốt mở tuyến lệ của tôi hay sao ấy.

    - Ây đừng! Được rồi, tôi không nói nữa!

    Toàn luống cuống, tay cứ định chạm vào mắt tôi rồi lại rụt về. Tôi đứng yên lặng nhìn từng động tác của cậu ta, cuối cùng cũng ổn định lại cảm xúc.

    - Sao? Cậu tìm tôi có chuyện gì?

    - Hôm nay là mùng một tháng sáu, tôi đến tặng quà cho thiếu nhi thì có gì sai à? - Tên đáng ghét nói một câu như thế rồi nhét một chiếc hộp nhỏ vào tay tôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng sáu 2021
  10. Táo Ngọt Bán Táo Nuôi Mèo

    Bài viết:
    156
    Chương 9
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở xóm Cây Bàng này, đôi khi có những điều mọi người đều tự ngầm hiểu với nhau. Những đứa trẻ như chúng tôi cũng thế. Tôi cầm hộp quà nhỏ trong tay, mở ra, là một chiếc vòng tay có quả táo nhỏ màu bạc.

    Hơi cúi đầu xuống, tôi lén mỉm cười. Hình như có vị gì đó là lạ ấy, giống như sữa chua táo, vừa thử lần đầu đã muốn thưởng thức tiếp.

    Tôi ngẩng lên nhìn tên đáng ghét trước mặt. Cậu ta cao hơn tôi cả một cái đầu, lúc này đang ngại ngùng nhìn tôi, thấy bị phát hiện lại vội nhìn lên trời.

    Mẹ từng nói với tôi rằng: "Muốn được hạnh phúc thì phải tự biết thế nào là đủ." Cũng đúng lắm. Thanh xuân này của tôi đã may mắn hơn bao người rồi, có mẹ, có bà ngoại, có em trai và cả xóm Cây Bàng này nữa. Anh Khoa, Nhan và tên đáng ghét này đã cùng tôi trải qua tuổi thơ dữ dội mà vui vẻ nhất. Dù chẳng có quan hệ họ hàng ruột thịt, nhưng những kí ức kia là thật.

    Lớn rồi, trưởng thành rồi, ai mà chẳng phải đi xa. Làm gì có kẻ nào muốn dậm chân tại chỗ mãi chứ. Chỉ có rời đi mới có trở về. Đáng lẽ tôi phải hiểu điều đó mới phải. Mỗi sự xuất hiện của những người trong xóm nhỏ này cũng đều là món quà vô giá, ừ, cả tên trước mặt này cũng miễn cưỡng được tính vào.

    Bỗng một bàn tay quơ trước mặt tôi:

    - Này, cảm động đến ngốc luôn rồi à? Thích quà anh đây chọn thế cơ à?

    Toàn cười cười nói, rồi lại không kìm được gãi đầu. Tôi biết hành động này, chỉ khi lúng túng cậu ta mới làm thế thôi.

    - Thích!

    Tên đáng ghét, lần này cậu lại đoán đúng rồi đấy. Tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh, nhưng lòng bàn cầm hộp quà đã đẫm mồ hôi từ bao giờ.

    Người trước mặt ngơ ra, không nghĩ rằng tôi sẽ nói thế. Cậu ta nhìn lung tung tứ phía, mãi mới nặn ra nổi một câu:

    - Thích thật à?

    - Ừ!

    - Vậy từ bây giờ thích rồi nhé?

    Lần này đến lượt tôi ngây ra. Hình như câu này có ý gì khác thì phải. Này, là ý đó đó à? Chúng tôi biết nhau từ nhỏ tới lớn, hòa thuận thì ít mà đánh nhau thì nhiều vô kể. Dần dần lớn lên, tôi với cậu ta mới không như vậy nữa. Người lớn thường trêu chọc hai đứa là thanh mai trúc mã, nhưng tôi lại cảm thấy tên này coi mình như huynh đệ kết nghĩa ấy. Riết mà tôi không để ý giới tính của mình nữa rồi.

    Lên cấp ba, tâm lý của mỗi người có nhiều thay đổi. Nói theo cách của bà ngoại thì chính là: "Cháu gái bà lớn rồi, biết ngượng ngùng rồi đấy!". Có lẽ vì thế mà tôi có những cảm giác kì lạ đối với người "thanh mai trúc mã" trong lời đồn này. Sắp tròn mười tám tuổi rồi, một chút cảm xúc tôi cũng phải hiểu được chứ.

    Tôi ngước lên nhìn Toàn:

    - Ừ!

    Bả vai căng chặt của cậu ta thả lỏng xuống, trán còn hơi lấm tấm mồ hôi nữa. Tôi bật cười.

    - Cậu cười cái gì? - Toàn vừa thẹn vừa giận. Miệng nói vậy nhưng tay thì cẩn thận cầm chiếc vòng lên đeo cho tôi.

    - Muốn cười cũng không được à?

    Tôi lắc lắc quả táo nhỏ trên tay:

    - Mắt thẩm mỹ cũng được đấy!

    - Đương nhiên rồi, anh đây chọn thì ai cũng phải thích hết!

    Toàn vênh mặt đắc ý nhìn tôi.

    Chút ngượng ngùng ban đầu đã tan biến. Lần đầu tiên trong tối nay, tên đáng ghét dám nhìn thẳng vào mắt tôi:

    - Cậu nói thích rồi đấy, không được quên đâu. Nếu không mỗi ngày tôi đều bắt cậu nhắc lại!

    Tôi dở khóc dở cười, tên này cứ trẻ con như thế.

    - Tôi học đại học rồi cậu cũng không nhắc được!

    - Ông đây đến tận nơi tính sổ!

    Tên đáng ghét nổi bão rồi, còn tôi thì cười nghiêng ngả.

    Thì ra mối tình đầu có vị như thế này. Thảo nào người ta cứ muốn đâm đầu vào bằng mọi giá. Ngọt như vậy cơ mà. Không phải là cái vị như những người đã trưởng thành cảm nhận được đâu. Vị ngọt này là sự dịu dàng, ngây ngô của tuổi mới lớn. Có thể nó hơi nông nổi đấy, nhưng là cái nông nổi mà ai cũng nên được thưởng thức một lần..

    Tôi vào nhà, vừa đi vừa chạm nhẹ vào quả táo nhỏ, mát lạnh. Một ngày này thăng trầm thật đấy, nhưng kết thúc vẫn khá tốt mà.

    Đi qua phòng Thành, tôi thấy đèn vẫn sáng. Tôi không biết phải nói gì với nó nữa. Người lớn thường bỏ qua những cảm xúc gọi là rung động này của con mình, coi đó là nông cạn, trẻ con. Nhưng ai mà chẳng có bắt đầu. Mùa hạ này buồn một chút, mùa hạ tới sẽ vui vẻ gấp ngàn lần.

    - Muộn rồi còn đứng đấy làm gì?

    Bỗng nhiên có tiếng mẹ vang lên đằng sau. Tôi chột dạ giật nảy mình. Chẳng hiểu sao tôi thấy hơi sợ. Tay phải nắm lấy chiếc vòng bên trái, tôi đáp vội:

    - Không có gì đâu mẹ, con sang phòng Thành nhắc nó ngủ sớm.

    - Ừ đi ngủ nhanh đi!

    Tôi thở phào, nói với người trong phòng:

    - Ngủ sớm đi, đừng nghĩ gì nữa!

    - Biết rồi! - Nó gắt lên.

    Thật là! Nói trúng tim đen còn cố cãi.


     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...