Nha chương (vật dùng trong nghi lễ) làm bằng đá ngọc của Văn hóa Phùng Nguyên. Đôi nét về đồ đá Văn hóa Phùng Nguyên "Văn hóa Phùng Nguyên" Phổ hệ các văn hóa cổ đại ở lưu vực sông Hồng, Bắc Bộ Việt Nam: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn thì Văn hóa Phùng Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa Phùng Nguyên là cội nguồn, cốt lõi của phát triển văn hóa các giai đoạn muộn hơn. Văn hóa Phùng Nguyên mở đầu quá trình hình thành dân tộc và quốc gia của người Việt cổ. Nhiều nhà nghiên cứu coi Phùng Nguyên như giai đoạn mở đầu cho quá trình hình thành nhà nước đầu tiên: Nước Văn Lang ở miền Bắc Việt Nam Di chỉ Phùng Nguyên được lấy làm tên xác lập cho Văn hóa Phùng Nguyên tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ - cái nôi của vùng đất Tổ Hùng Vương. Di chỉ Phùng Nguyên được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000m2 từ 1959 đến 1970. Tới nay hơn 60 di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện. Các di tích này phân bố rộng khắp châu thổ Bắc Bộ, chủ yếu dọc theo lưu vực các sông lớn: Sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy.. tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh.. Niên đại Văn hóa Phùng Nguyên xác định từ khoảng 4.000 năm đến khoảng 3.500 - 3.400 năm ngày nay (di chỉ Xóm Rền (Phú Thọ) thuộc giai đoạn giữa, có niên đại C14 là 4.190 ± 50 BP). Các nhà nghiên cứu chia phát triển liên tục của Văn hóa Phùng Nguyên qua 3 giai đoạn: Sớm - giữa và muộn. Giai đoạn muộn, người Phùng Nguyên tràn xuống cư trú ở vùng đồng bằng thấp ven vịnh Hà Nội. Di chỉ Văn Điển, Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội), gần đây phát hiện di chỉ Phùng Nguyên muộn tại di tích Đàn Xã Tắc (Đống Đa - Hà Nội).. xác thực điều đó. Về di tích, cơ bản Văn hóa Phùng Nguyên gồm các loại hình: Di chỉ cư trú. Có những di chỉ có diện tích rộng 2 - 3 vạn m2 như: Phùng Nguyên (Phú Thọ), Văn Điển (Hà Nội).. Di chỉ cư trú kết hợp xưởng chế tác công cụ và đồ trang sức bằng đá: Hồng Đà (Phú Thọ), Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh).. Di chỉ cư trú - mộ táng: Lũng Hòa, Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Xóm Rền (Phú Thọ).. Nhiều di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên được các nhà khảo cổ trong và ngoài nước khai quật nhiều lần và nghiên cứu kĩ, nhiều vết tích nền nhà, lỗ chôn cột, bếp lửa, hố đất đen.. được ghi nhận trong tầng văn hóa nhiều di tích. Về hiện vật, Văn hóa Phùng Nguyên xác định nằm trong khung niên đại sơ kỳ thời đồng thau. Giai đoạn này, đồ đồng mới chỉ manh nha hé lộ khi trong tầng văn hóa chưa tìm thấy những hiện vật đồng định hình mà mới phát hiện những cục xỉ đồng, dây đồng, mảnh đồng nhỏ.. Sự có mặt xỉ đồng là bằng chứng xác đáng nhất chứng minh đúc đồng tại chỗ. Người Phùng Nguyên biết tới nghề luyện đồng, dần nắm chắc kỹ thuật luyện đồng để truyền lại cho chủ nhân các lớp văn hóa tiếp sau. Đồ đá là đỉnh cao của tiến bộ, người thời Văn hóa Phùng Nguyên nắm chắc nhiều tri thức về các loại chất liệu đá, giá trị sử dụng và những kỹ thuật tương thích cho từng loại nguyên liệu đá. Gắn liền tồn tại của Văn hóa Phùng Nguyên là phát triển phổ biến của đồ đá. Mọi nơi cư trú của người cổ, ngoài đồ gốm ra, hầu như tài sản của họ là đồ đá ở dạng công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức. Người thời Văn hóa Phùng Nguyên sử dụng nhiều loại nguyên liệu đá: Bazalt, Diabazer, Spilite, Silic, đá sa thạch, diệp thạch.. Nhưng đặc trưng nhất, tạo khác biệt nổi bật của đồ đá Văn hóa Phùng Nguyên so các văn hóa khác là sử dụng phổ biến đá ngọc Nephrite để chế tác các loại hình di vật chủ chốt, từ công cụ sản xuất (rìu, đục.) tới các loại hình di vật thể hiện đời sống tinh thần (đồ trang sức), vũ khí hay vật thể hiện quyền lực (nha chương, qua, giáo.). Người Phùng Nguyên sử dụng thuần thục các kỹ thuật chế tác đồ đá: Ghè đẽo, cưa, khoan, tiện, mài, đánh bóng.. kể cả trên đá ngọc Nephrite có độ rắn rất cao. Điều đó chứng tỏ đạt đỉnh cao trình độ chế tác đồ đá. Công cụ sản xuất bằng đá thời Văn hóa Phùng Nguyên với các loại hình: Rìu, bôn, đục, dao, liềm, lưỡi cưa, mũi khoan.. thường mài nhẵn, có kích thước nhỏ, đa dạng và đồ trang sức bằng đá rất phổ biến trong đời sống cư dân. Các nhà khảo cổ học cho rằng do hình thành và phát triển những công xưởng chuyên sản xuất đồ trang sức như: Hồng Đà, Bãi Tự, Tràng Kênh với trình độ kỹ thuật chế tác cao và điêu luyện mới sản xuất ra các loại sản phẩm như: Vòng đeo, vật đeo, hạt chuỗi các loại.. Đặc biệt các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Tràng Kênh (Hải Phòng) bộ dụng cụ chuyên dùng trong chế tạo đồ trang sức bằng đá Nephrite bao gồm: Mũi khoan đá, cưa đá, các loại bàn mài, rìu, đục, đột tròn.. Vòng đá Phùng Nguyên với nhiều kiểu mặt cắt đa dạng: Tròn, chữ nhật, bán nguyệt, thấu kính nhưng đặc trưng nhất là vòng có mặt cắt hình chữ T, xung quanh có những đường gờ tiện nổi song song. Vòng đá khá phổ biến trong các di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên nhưng chỉ là các mảnh vòng, hầu như chưa tìm thấy tiêu bản vòng đá nguyên vẹn. Vật đeo hình đuôi cá khá phổ biến trong đồ trang sức Văn hóa Phùng Nguyên, độc đáo nhất vẫn là vật đeo hình tượng người đàn ông duy nhất tìm thấy ở di chỉ Văn Điển (Hà Nội). Một loại hình hiện vật "đá" đặc biệt mới chỉ phát hiện được trong Văn hóa Phùng Nguyên là "nha chương." Đa số các nhà nghiên cứu đều cho "nha chương" là vật thể hiện quyền lực. "Nha chương" mới chỉ phát hiện được ở di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền với số lượng không nhiều, chúng đều chế tác bằng đá ngọc Nephrite với trình độ kỹ thuật cao và điêu luyện. Có thể thấy: Với những đặc trưng nổi bật về chất liệu đá ngọc Nephrite, với trình độ kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao đã sáng tạo ra số ít loại hình cổ vật độc đáo ở miền Bắc Việt Nam. Chúng được gọi đồ đá thời Văn hóa Phùng Nguyên vẫn đang thu hút quan tâm của giới nghiên cứu khảo cổ trong và ngoài nước. Dù nước ta có nhiều khai quật phát hiện đồ đá thời Văn hóa Phùng Nguyên, thực tế thu được không nhiều hiện vật còn nguyên vẹn. Hiện chỉ có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, vài bảo tàng tỉnh phía Bắc có trưng bày một số hiện vật đồ đá thời Văn hóa Phùng Nguyên, nhưng số lượng hiện vật rất ít so với các loại hình cổ vật khác. Các nhà khảo cổ cho rằng các tiêu bản "nha chương" và đồ đá công cụ sản xuất, trang sức thuộc: Văn hóa Phùng Nguyên có thể so sánh về loại hình tương đương với những tiêu bản tương tự ở di tích Tam Tinh, Kim Sa (Tứ Xuyên, Trung Quốc) về niên đại. Ở Trung Quốc không ít "nha chương", đồ đá cổ làm giả tinh xảo để đáp ứng nhu cầu người thích sưu tập đồ đá. Thành quy luật khi cổ vật đã quý hiếm, ắt có nơi, có người làm giả để kiếm lời. Nguồn: Web covattinhhoa Tận mục vật chứng 4.000 năm của nền Văn hóa Phùng Nguyên Mẫu cuốc và rìu thuộc Văn hóa Phùng Nguyên tìm thấy ở Phú Thọ. Văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới ở Việt Nam, cách đây 4.000 năm đến 3.500 năm. Hệ thống hiện vật Văn hóa Phùng Nguyên, đồ trang sức bằng các loại đá, đá bán quý, ngọc được tìm thấy nhiều, đặc biệt là các vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên biết tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí. Về xuất xứ tên gọi, di chỉ Phùng Nguyên lấy làm tên xác lập cho Văn hóa Phùng Nguyên tọa lạc tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Di chỉ này được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000m2 trong những năm từ 1959 đến 1970. Nay, hơn 60 di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện ở châu thổ Bắc Bộ, chủ yếu dọc theo lưu vực các sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy. Các tỉnh phát hiện nhiều di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên nhất là Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng. Trong đó, di chỉ Mán Bạc ở Ninh Bình có tầm quan trọng đặc biệt vì là nơi phát lộ nhiều hài cốt cổ. Tất cả hiện vật khảo cổ thuộc nền văn hóa này, công cụ bằng đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Theo các nhà nghiên cứu, cư dân Phùng Nguyên có thể sử dụng đồ đồng. Dù vậy, ngoài ít mẩu xỉ đồng, hiện tại chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào. Nguồn: Web kienthuc Còn tiếp
Tượng người đàn ông Văn Điển thuộc Văn hóa Phùng Nguyên. KHỞI NGUỒN MỸ THUẬT DÂN TỘC: BỪNG NỞ NGHỆ THUẬT GỐM PHÙNG NGUYÊN (2000 TCN đến 1000 TCN) Họa sĩ Đức Hòa "Văn hóa Phùng Nguyên" Bấy lâu nay đa số chúng ta – ở trình độ phổ thông – chỉ biết đến văn minh Đông Sơn với trống đồng – được coi như tiêu biểu và tưởng đó là khởi đầu văn minh Việt cổ.. Rất tiếc đa số chưa biết từ trước đó rất lâu, dân tộc ta bắt đầu quá trình hình thành – các nhà khảo cổ và sử học đã và đang chứng minh thành công trên cơ sở vô số hiện vật phát lộ từ rất nhiều khai quật khoa học cũng như nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.. Điều hết sức thú vị là ở điểm khởi nguồn dân tộc ấy đã xuất hiện một loạt đồ gốm thô mộc nhưng tuyệt đẹp về tạo dáng và hoa văn trang trí. Đó là GỐM PHÙNG NGUYÊN. 1 – Đôi lời Văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên và hình thành dân tộc – quốc gia của người Việt Nam Học lịch sử từ trường phổ thông, chúng ta biết các văn hóa khảo cổ từng nối tiếp nhau xuất hiện trên đất nước ta như: Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn.. Đó là những trang tiền sử rất quan trọng trong quá trình hình thành dân tộc và quốc gia Việt Nam. Từ những bầy người nguyên thủy, người Việt cổ đã tiến hóa, rèn giũa và phát triển các kỹ năng sống để chế ngự thiên nhiên vùng miền sông nước, gia tăng dân số, dần dần hình thành một xã hội phù hợp với đà phát triển của văn minh nhân loại. Nếu thời đồ đá như Văn hóa Hòa Bình, người nguyên thủy Bắc Việt Nam chủ yếu còn sống trong hang động và săn bắt-hái lượm thì đến thời: Văn hóa Phùng Nguyên, họ rời hang ra sống ngoài trời, trên các bãi nổi và đi thuyền bè trên sông nước, sau dần lập làng, trồng lúa, chăn nuôi.. tại miền trung du và đồng bằng cao ven các sông ngòi Bắc Bộ. "Văn hóa Phùng Nguyên tồn tại và phát triển cách nay trên dưới 4000 năm. Những dấu tích để lại hầu hết là các làng định cư, các di chỉ cư trú ngoài trời." (Khảo cổ học VN, tập II - Thời đại kim khí, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện Khảo cổ học, chủ biên GS Hà Văn Tấn, NXB. KHXH, HN 1999). Sách chúng tôi vừa viện dẫn - coi như tuyên ngôn chính thức của giới khảo cổ và lịch sử Việt Nam - đưa nhận định quan trọng: "Hầu hết vấn đề về Văn hóa Phùng Nguyên đều bỏ ngỏ, chỉ trừ một điều mà mọi ý đều nhất trí, ở dạng này hay khác, coi Văn hóa Phùng Nguyên mở đầu quá trình hình thành dân tộc và quốc gia đầu tiên của người Việt." 2 – Gốm Phùng Nguyên bừng nở ngay từ khởi nguồn dân tộc Từng có các văn hóa khảo cổ xuất hiện rất sớm trên đất nước ta như Hòa Bình, Bắc Sơn, v. V.. Tuy nhiên ở các thời đại đồ đá xa xưa và kéo dài hàng vạn năm ấy, người nguyên thủy trên đất nước ta hầu như chưa biết làm nghệ thuật. Đơn giản là trình độ sống của họ còn rất thô sơ với các công cụ ghè đẽo bằng đá. Mãi đến cuối thời đại đó, họ mới biết đan lát, làm gốm. Tìm thấy những mảnh gốm của người nguyên thủy trước Phùng Nguyên với cách tạo dáng sơ khai và một số hoa văn đơn giản, chưa thành hệ thống. Nồi gốm Phùng Nguyên, kỹ thuật miết láng và hoa văn kiểu ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2. (Nguồn: Sách "Văn hóa Phùng Nguyên" – Hán Văn Khẩn, NXB. ĐHQG Hà Nội – 2005) Do các điều kiện thiên nhiên và khí hậu ưu đãi, khoảng 2000 năm TCN, người nguyên thủy tiến hóa thành người Việt cổ cùng với xuất hiện rạng rỡ của Văn hóa Phùng Nguyên. Khoảng 1 thiên niên kỷ của văn hóa khảo cổ này, Tổ tiên ta đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc chế ngự thiên nhiên, nâng tầm cuộc sống, xây dựng xã hội và tạo những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật như đồ đá, gốm và trang sức. Nồi gốm Phùng Nguyên với hoa văn khắc vạch hình học hóa được xoa bột đất trắng vào các nét lõm, tạo hiệu quả nổi bật các đường nét. (Sưu tập của họa sĩ – nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai) Nhu cầu tiến bộ cuộc sống thúc đẩy người Phùng Nguyên kết hợp đất với lửa mà tạo đồ gốm dùng để đựng, đun nấu, ăn uống, sinh hoạt. Họ từng nặn và nung được các bình, vò, nồi lớn với đường kính miệng lên tới 50-60cm nhưng cũng làm được các cốc, chén, bát.. có đường kính chỉ 5-10cm. Về kỹ thuật, người Phùng Nguyên có bàn xoay để tạo gốm miệng tròn hoàn chỉnh, tương đối mỏng đều và căng đều ngoài mặt. Họ nung gốm ngoài trời với nhiệt độ tối đa khoảng 600 – 800 độ C. Họ từng sản xuất một số lượng dồi dào các sản phẩm gốm để đến ngày nay các nhà khảo cổ còn khai quật nhiều vạn mảnh gốm các loại (ở mỗi di chỉ) và may mắn còn thấy ít đồ gốm gần như nguyên vẹn. Hiện đại, chúng ta có quá nhiều đồ gốm, sứ, gỗ, thủy tinh, nhựa, đồng, nhôm, sắt, gang, thép, inox, v. V.. nên khó thấy được bước tiến kỳ diệu của người Việt cổ khi sản xuất hàng loạt gốm đẹp thời Phùng Nguyên. Phải nói đó là bước nhảy vọt về công nghệ vì có bàn xoay. Trước đó, hậu kỳ đá mới, người nguyên thủy trên đất Việt Nam mới chỉ làm ra rất ít gốm thô, chủ yếu là nặn tay nên khó căng tròn và mới lác đác trang trí hoa văn sơ khai. 3 – Vẻ đẹp mộc mạc gốm Phùng Nguyên Cần lưu ý đa số bạn đọc ở trình độ phổ thông về điều này: Vì Phùng Nguyên mới chỉ được coi như điểm khởi đầu của văn minh Việt cổ nên đồ gốm thời đó vừa mới thoát khỏi trình độ sơ khai, bước đầu đi vào quy củ, sản xuất bắt đầu chuyên môn hóa, chưa có men.. và cách rất xa gốm hiện đại nếu xét về trình độ kỹ thuật. Xét về nghệ thuật, đây xứng đáng là sự bừng nở đẹp đẽ một cách đáng ngạc nhiên. Gốm Phùng Nguyên có tạo dáng đẹp, thanh thoát và khá phong phú. Do có kỹ thuật bàn xoay mà đồ gốm thời này luôn có kết cấu cân đối, tròn đều và căng. Ngoài đa số kiểu dáng phổ thông của nồi, bình, vò, cốc, chén, bát, dọi xe chỉ, chì lưới.. còn có các dạng đặc biệt như mâm bồng tròn, mâm bồng lục giác, đĩa có tai, thố gốm, bát chân cao, bình tứ giác gần giống cái gùi.. Thố gốm Phùng Nguyên cao 20cm, đường kính miệng 24cm, đường kính đáy 16cm và bản vẽ giải trình đường nét hoa văn. Nguyễn Kim Dung và Tăng Chung phát hiện năm 2002 tại di chỉ Xóm Rền, Phú Thọ. (Nguồn: Sách "Văn hóa Phùng Nguyên" – Hán Văn Khẩn, NXB. ĐHQG Hà Nội – 2005). Gốm Phùng Nguyên có các màu nâu xám, đỏ nhạt, xám đen. Có những bình gốm tạo hiệu quả đậm nhạt mạnh rất ấn tượng do cách kết hợp vẽ hoa văn bằng nét với các mảng được miết láng bóng đậm. Kỹ thuật miết láng cho thấy nghệ nhân thời Phùng Nguyên rất kỳ công chăm chút vẻ đẹp gốm và có gu thẩm mỹ đặc biệt. Đôi khi các hoa văn gốm còn xoa thứ bột đất sét trắng, điền đầy các nét lõm, tạo hiệu quả đường nét nổi bật rất bắt mắt. Thố gốm Phùng Nguyên cao 22cm, chân đế cao 4cm, đường kính miệng 28, 5cm, đường kính chân đế 16, 8cm và bản vẽ giải trình đường nét hoa văn. Kiểu ĐỐI XỨNG GƯƠNG và ĐỐI XỨNG TỊNH TIẾN. (Nguồn: Sách "Văn hóa Phùng Nguyên" – Hán Văn Khẩn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2005) 4 – Nổi trội hơn hết là hệ thống hoa văn cách điệu cao và rất biến hóa. "Gốm Phùng Nguyên nổi tiếng những đồ án hoa văn đẹp, đa dạng, phong phú" (Hán Văn Khẩn - Cơ sở khảo cổ học - ĐHQG Hà Nội, NXB. ĐHQG Hà Nội). Cách tạo hoa văn kết hợp khắc vạch với văn đập, văn thừng, văn chải, văn trổ lỗ, in lăn, chấm rải, đôi khi đắp thêm và miết láng.. Hoa văn trang trí trên gốm Phùng Nguyên chắc chắn bắt nguồn từ thiên nhiên nhưng nhanh cách điệu cao trên cơ sở hình học hóa, hệ thống hóa. Bố cục hoa văn thường xếp theo băng dải vòng quanh thân và chân đế gốm hay trên mặt mâm bồng. Vì có hệ thống hoa văn trang hoàng ngoài mặt mà gốm Phùng Nguyên đẹp bội phần, không chỉ đơn thuần để làm đồ đựng mà còn làm đồ cúng tế, trưng bày, ngắm nghía, tăng giá trị khi thành sản phẩm trao đổi và buôn bán. Đặc trưng quan trọng nhất của hoa văn gốm Phùng Nguyên là kết cấu đối xứng và lặp đi lặp lại. "Đối với người Phùng Nguyên, cái đối xứng quả là yếu tố của cái đẹp" (Hà Văn Tấn - Người Phùng Nguyên và đối xứng). Dường như nghệ nhân gốm thuở ấy được thỏa chí theo đuổi các kết cấu đối xứng để biến hóa nó khôn cùng, tạo vô vàn biến thể hết sức vui mắt, kết hợp tĩnh với động, nghiêm cẩn với linh hoạt.. Họa tiết hoa văn gốm Phùng Nguyên bắt nguồn từ thiên nhiên: Hình lá cây hay hạt, hình nửa vầng trăng hay trăng khuyết.. trong kết cấu đối xứng gương. (Nguồn: Sách "Theo dấu các văn hóa cổ" – Giáo sư Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB. KHXH – Hà Nội – 1997) Họa tiết hoa văn gốm Phùng Nguyên cách điệu cao kiểu ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2 từ đơn giản (8 hình trên) đến phức tạp hóa (2 hình dưới). (Nguồn: Sách "Theo dấu các văn hóa cổ" – GS. Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB. KHXH – Hà Nội – 1997). Hoa văn gốm Phùng Nguyên cách điệu cao kiểu ĐỐI XỨNG GƯƠNG (2 hình trên) và kiểu HÌNH CHỮ S, đồng thời là ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2 (2 hình dưới). (Nguồn: Sách "Theo dấu các văn hóa cổ" – GS. Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB. KHXH – Hà Nội – 1997). Theo thống kê của Hà Văn Tấn, có 3 kiểu kết cấu hoa văn đối xứng Phùng Nguyên: Đối xứng gương, đối xứng trục quay bậc 2 và đối xứng tịnh tiến. Đối xứng gương là khi có thể kẻ đường thẳng chia đôi một hoa văn mà hai nửa hoàn toàn bằng nhau và đối diện nhau qua đường thẳng đó - như hình ảnh nhìn qua gương vậy. Đối xứng trục quay bậc 2 là khi hình hoa văn này lật sang phía đối diện nhưng lại xoay tiếp nửa vòng theo trục vuông góc với trục đối xứng, tạo hoa văn kép rất sinh động. Đối xứng tịnh tiến là từ hoa văn gốc rải ra liên tiếp theo đường diềm kéo dài. Nói theo cách của các sinh viên mỹ thuật khi làm bài trang trí diềm tường là vẽ đi vẽ lại một hoa văn theo chiều dài của đường diềm. Ngoài 3 kiểu đối xứng kể trên, còn kiểu nữa là đối xứng tỏa tròn, theo như hình mặt trời sơ khai trên mặt dọi xe sợi Phùng Nguyên: Các cánh mặt trời đối xứng qua lỗ tâm của con dọi. Kể ra làm được vậy ở buổi đầu hình thành dân tộc cách đây 3000 – 4000 năm đã là đáng khâm phục. Nhưng thậm chí còn kỳ diệu hơn nữa khi các nghệ nhân Phùng Nguyên thoải mái biến hóa các kết cấu hoa văn trên bề mặt gốm. Loại hoa văn ưa thích nhất của người Phùng Nguyên là hoa văn hình chữ S hay là kiểu hai hình tròn có chấm tâm nối nhau bằng vạch tiếp tuyến chéo. Trong chuyên luận xuất sắc "Người Phùng Nguyên và đối xứng", Hà Văn Tấn thống kê có đến gần 30 kiểu đồ án hoa văn hình chữ S! Hình sao nhiều cánh vẽ trên con dọi xe sợi, đất nung, di chỉ Nghĩa Lập. Đây được coi là mẫu khởi nguồn cho hình tượng sao nhiều cánh giữa mặt trống đồng Đông Sơn sau này. (Nguồn: Sách "Theo dấu các văn hóa cổ" – Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB. KHXH – Hà Nội – 1997). Bình gốm Phùng Nguyên với nhiều băng hoa văn chạy ngang có chấm rải và họa tiết hình chữ S, đồng thời có các cột hoa văn theo chiều dọc. (Nguồn: Sách "Cơ sở Khảo cổ học" – Hán Văn Khẩn chủ biên, NXB. ĐHQG Hà Nội – 2008) 5 – Người Phùng Nguyên còn có tư duy hình học đáng nể Hiệu quả các hoa văn trên gốm của Phùng Nguyên còn cho thấy họ có tư duy đặc biệt về hình học. Thoạt tiên họ vẽ ra các hoa văn đối xứng. Họ thoải mái xoay chuyển và biến hóa các hoa văn ấy về cả hình dáng, chi tiết và kết cấu từ đơn lẻ đến tổng thể. Họ làm thành các băng hoa văn ngang và dọc, hơn nữa còn làm thành các dải hoa văn chạy vòng tròn, có đồng tâm trên mặt mâm bồng. Họ vẽ ra các hình tròn khá chuẩn - các nhà khảo cổ hiện đại tìm thấy dấu vết của loại gần như compa mà họ để lại trên mặt gốm. Họ còn căn chỉnh sao cho các băng diềm bao quanh kết thúc vòng tròn khép kín mà các hoa văn bên trong vẫn cách đều - nhưng các hoa văn ấy không chỉ lặp lại đơn điệu - chúng còn biến hóa, lật ngược xuôi, đối xứng trục quay và thêm thắt các hoa văn phụ điền vào các chỗ trống nữa. Như vậy hình học biểu hiện nghệ thuật và nghệ thuật trong tính toán hình học - đó là tài năng đáng kinh ngạc của các nghệ nhân Phùng Nguyên từ thuở sơ khai của dân tộc. Hai nồi gốm Phùng Nguyên cỡ nhỏ với HOA VĂN HÌNH CHỮ S và HOA VĂN ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2 (Nguồn: Sách "Văn hóa Phùng Nguyên" – tác giả Hán Văn Khẩn, NXB. ĐHQG HN – 2005) Bản vẽ mặt 2 chiếc mâm bồng, di chỉ Xóm Rền với bố cục hoa văn băng dải chạy thành các lớp vòng tròn đồng tâm. Vòng chủ đạo có kết cấu hoa văn được cách điệu cao, với họa tiết kiểu ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2. (Nguồn: Sách "Theo dấu các văn hóa cổ" – GS. Hà Văn Tấn – Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia – Viện Khảo cổ học – NXB. KHXH – Hà Nội – 1997) Bản vẽ 2 bình gốm Phùng Nguyên với hệ thống các băng hoa văn chạy vòng quanh thân. Bình bên trái có các băng hoa văn chính với họa tiết kiểu ĐỐI XỨNG GƯƠNG (trên) và hình sóng nước kiểu ĐỐI XỨNG TỊNH TIẾN kết hợp với HOA VĂN HÌNH CHỮ S (giữa). Bình bên phải có vẽ kết cấu hoa văn ĐỐI XỨNG GƯƠNG, đồng thời vừa chạy thành băng ngang vừa lật lên, lật xuống. (Nguồn: Hình bên trái từ sách "Theo dấu các văn hóa cổ" – Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB. KHXH – Hà Nội – 1997; Hình bên phải từ sách "Văn hóa Phùng Nguyên" – Hán Văn Khẩn – NXB. ĐHQG Hà Nội – 2005). 6 – Cảm nghĩ về tài năng trang trí của người Phùng Nguyên Là họa sĩ, tôi từng học và sau này dạy sinh viên làm các bài trang trí hình vuông, chữ nhật, tròn, diềm tường, vải hoa.. Ở hiện đại thì nguồn tài liệu là vô biên, có môn hình học từ thời phổ thông hỗ trợ, thế mà sinh viên vẫn như đánh vật với quá trình cách điệu để tạo họa tiết. Sau đó thu xếp các kết cấu đối xứng, xử lý mảng trống, tăng giảm kích thước hoa văn trong khuôn khổ các hình đã định.. Với đầy đủ phương tiện hiện đại trong tay, kiến thức trong đầu mà không ít sinh viên mỹ thuật vẫn mắc các lỗi mà nghệ nhân thô sơ mấy nghìn năm trước hầu như không mắc phải: Nét chập, hình méo, hình dính, dàn không đều, mảng đặc và mảng trống không ăn ý. Hiếm khi chúng tôi dùng tới đối xứng trục quay bậc 2, vì khó quá chăng? Vậy mà cách đây hơn 3 thiên niên kỷ, Tổ tiên chúng ta làm được những điều kể trên một cách ngoạn mục! Sau đó các hoa văn Phùng Nguyên còn kế tục và nâng cao đến mẫu mực trên các đồ đồng Đông Sơn, nhất là trên các hộ tâm phiến, thạp và trống đồng. 7 – Xứng đáng được tôn vinh Không hề quá lời khi ca ngợi người Phùng Nguyên ở quá khứ xưa xa lắc, chỉ với các phương tiện sơ khai nhất, hoàn toàn vẽ tay, tạo ra hệ thống hoa văn hết sức đẹp, bừng nở trong biến hóa trên các đồ gốm khởi nguồn mỹ thuật dân tộc. Có câu hỏi bấy lâu nay đau đáu trong tâm khảm chúng ta, cớ sao ngay khi các quốc gia sơ kỳ của Tổ tiên mới thành lập (như Văn Lang và Âu Lạc) người Việt sớm bị mất nước và trải hơn nghìn năm Bắc thuộc. Thế mà dân tộc ta không bị đồng hóa trong biển người Đế chế Trung Hoa mênh mông để vùng lên quật khởi ở thế kỷ X và bảo vệ thành công nền độc lập tới tận ngày nay? Rất nhiều nhà nghiên cứu tìm ra câu trả lời, chắc các độc giả đã biết, xin phép khỏi nhắc lại.. Chúng tôi cho rằng truyền thống văn hóa nghệ thuật cũng đáng chú ý – nó cho phép người Việt ta, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, tự tin mình không phải người Hán mà là người Việt. Với bản sắc riêng biệt và rõ nét, kế thừa được tinh hoa truyền thống phong phú và tinh tế cha ông.. trong số đó có truyền thống mỹ thuật rực rỡ, khởi đầu từ Gốm Phùng Nguyên. Nguồn: Web trithuc Còn tiếp
Bình gốm Đầu Rằm Văn hóa Phùng Nguyên Đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên trong hệ thống gốm tiền sử miền Bắc Việt Nam "Đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên" Đồ gốm là một trong những tiêu chí quan trọng khi nghiên cứu đời sống vật chất cũng như tinh thần các cư dân tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ người xưa thể hiện rất rõ thông qua các sản phẩm gốm họ làm ra nhằm mục đích phục vụ đời sống hàng ngày và trao đổi với các cư dân khác cùng thời. Những cư dân ở mỗi vùng khác nhau, từng giai đoạn khác nhau đều tạo những đồ gốm mang tính đặc trưng riêng của từng cộng đồng. Đồ gốm là một trong những tiêu chí quan trọng khi nghiên cứu đời sống vật chất cũng như tinh thần các cư dân tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ người xưa thể hiện rất rõ thông qua các sản phẩm gốm họ làm ra nhằm mục đích phục vụ đời sống hàng ngày và trao đổi với các cư dân khác cùng thời. Những cư dân ở mỗi vùng khác nhau, từng giai đoạn khác nhau đều tạo những đồ gốm mang tính đặc trưng riêng của từng cộng đồng. Đồ gốm Việt Nam ra đời từ sơ kỳ thời đá mới thuộc Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn [Nguyễn Kim Dung 1983: 22 - 35] . Một chứng cứ khá chắc chắn của gốm sớm phát hiện trong địa tầng hang Mòi (Tràng An, Ninh Bình) có niên đại khoảng 9.000 năm BP. Qua quá trình phát triển đồ gốm giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật tạo hình và trang trí hoa văn. Đây là trung tâm phát triển độc lập, nhưng có mối quan hệ đa chiều với các nền văn hóa đồng đại và lịch đại. 1. Đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên trong mối quan hệ đồng đại Cùng song song tồn tại và phát triển với Văn hóa Phùng Nguyên là các nền văn hóa: Hà Giang, Mai Pha, Hạ Long, Hoa Lộc, các nhóm di tích Gò Mả Đống, Gò Con Lợn, Cồn Chân Tiên.. phân bố trên các khu vực khác nhau. 1.1. Đồ gốm các văn hóa khu vực miền núi phía Bắc 1.1. 1. Văn hóa Hà Giang Các di tích phân bố tập trung ở vùng núi Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên và Yên Bái. Chất liệu gốm Hà Giang thường có pha cát và các hạt thạch anh, cát mi ca óng ánh, bên ngoài áo gốm bôi thổ hoàng nhưng do lớp áo mỏng, hay bong nên tạo cảm giác mặt áo gốm sần sùi. Loại hình có đồ đựng đáy tròn có chân đế, bát bồng.. và xuất hiện chạc gốm. Hoa văn trang trí gồm các họa tiết khắc vạch đường cong hình chữ S nối đuôi nhau theo băng ngang trên nền trơn ở phần vai hoặc trên nền thừng ở phần bụng đồ đựng. Ngoài các họa tiết chữ S đầu lõm giống họa tiết chữ S thường gặp trên đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên, trên đồ gốm Văn hóa Hà Giang còn gặp các họa tiết khắc vạch dạng những đường vòng cung có khi sắp xếp thành hình gân lá, có khi úp vào nhau thành hình chiếc lá trang trí ngoài thành miệng, một số mảnh chân đế trang trí văn trổ lỗ hình tam giác [Hà Văn Tấn 1998] . Qua một số phân tích về đồ gốm, chúng ta thấy một số dấu hiệu về mối quan hệ về đồ gốm, đặc biệt là hoa văn trang trí trên đồ gốm giữa Văn hóa Phùng Nguyên và Hà Giang. Tuy nhiên xét góc độ kỹ thuật tạo hoa văn thì hoa văn trên gốm Phùng Nguyên phong phú, độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao hơn hoa văn trang trí trên gốm Hà Giang. "Cư dân Văn hóa Phùng Nguyên và cư dân Văn hóa Hà Giang có ảnh hưởng qua lại với nhau, mức độ đậm nhạt khác nhau. Điều này có thể giải thích bởi vai trò của sông Lô và sông Hồng là những dòng chuyển tải văn hóa cổ, ngược xuôi giữa hai vùng trung du và miền núi" [Hà Giang thời Tiền sử 2000: 229] 1.1. 2. Văn hóa Mai Pha Các di tích thuộc văn hóa này phân bố trong phạm vi địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tiêu biểu là hai di tích Mai Pha và Ba Xã. Chất liệu gốm Văn hóa Mai Pha làm từ đất sét pha bã thực vật, trộn với cát thạch anh và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ, xương mịn. Đa số gốm có màu đỏ gạch, một số có màu đen do ám khói khi nung hoặc do quá trình đun nấu để lại dấu vết, một vài mảnh có màu đen bóng có thể tạo bởi một loại nhựa cây hoặc một chất keo nào đó. Kỹ thuật miết láng và tô thổ hoàng rất phổ biến trong gốm Văn hóa Mai Pha (14, 5% gốm tô thổ hoàng, 92, 8% gốm miết láng). Hoa văn gồm các loại văn thừng, văn chải, văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ.. Văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ có nhiều mô típ phong phú là hoa văn đặc trưng của đồ gốm Mai Pha. Nét độc đáo hoa văn gốm Mai Pha là văn khắc vạch hình hoa thị kết hợp trổ lỗ trang trí ở chân đế đồ gốm. Bên cạnh đó còn có các mô típ hoa văn khắc vạch hình chữ thập - có thể đó là biến thể của hoa văn hình hoa thị chuyển từ nét cong sang nét thẳng. Kiểu hoa văn hình hoa thị có lỗ thủng ở giữa cánh và nhụy hoa cùng mô típ hình chữ thập giữa có trổ lỗ rất độc đáo, hầu như không xuất hiện trong hoa văn gốm tiền sử nước ta [Nguyễn Văn Cường 2002] . Giữa gốm Văn hóa Mai Pha và gốm Văn hóa Phùng Nguyên có tương đồng về hoa văn trang trí trên loại hình bát bồng. Trên bát bồng gốm Văn hóa Phùng Nguyên là những họa tiết hoa văn khắc vạch kết hợp chấm dải mịn, đi cùng nó là các băng dải cuống rạ. Trên đồ gốm Văn hóa Mai Pha, kỹ thuật trang trí khắc vạch trổ thủng thể hiện nhiều ở chân đế bát bồng. Hoa văn khắc vạch trên chân đế bát bồng thường tạo bởi hai hoặc ba đường thẳng, đường cong song song nhau kiểu khuông nhạc, các lỗ thủng có hình hạt đậu, hình tròn, hình chữ nhật. Kết hợp giữa các loại lỗ thủng với các hình khắc vạch tạo các họa tiết khác nhau, tiếp nối nhau thành băng trên chân đế đồ gốm. Đồ gốm các di tích trung du và đồng bằng Bắc bộ (Nhóm di tích Gò Mả Đống - Gò Con Lợn). Đây là những di tích phân bố xen kẽ trong địa bàn cư trú của cư dân Phùng Nguyên nhưng mang những đặc trưng văn hóa khác Phùng Nguyên. Chất liệu gốm nhóm di tích này thường thô, pha nhiều cát hạt to và sạn sỏi, độ nung thấp, xương gốm đen, bên ngoài màu nhạt hơn. Tuy nhiên trong đồ gốm di chỉ Quang Húc có một số mảnh gốm có lớp áo ngoài mịn nhẵn, láng bóng, một số mảnh trang trí hoa văn khắc vạch [Hà Văn Tấn 1999: 63] . Đồ gốm Đoan Thượng chất liệu thô, pha cát và sạn sỏi, độ nung thấp, xương gốm đen, lớp ngoài màu xám và đỏ nhạt, trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp in chấm nhưng khác phong cách hoa văn khắc vạch đồ gốm Phùng Nguyên [Hà Văn Phùng, Ngô Sĩ Hồng 1979], [Hà Văn Tấn 1999: 80] . Đồ gốm Mả Đống gồm hai loại chất liệu gốm chắc và gốm xốp. Gốm chắc làm từ đất sét pha cát thô và sạn sỏi nghiền nhỏ. Hoa văn chủ yếu là văn thừng trang trí thành băng rộng giới hạn trong hai đường chỉ chìm hay hai đường văn in chấm lõm, chạy quanh thân. Hoa văn khắc vạch bằng que đầu nhọn hoặc hoa văn khuông nhạc. Hoa văn đơn giản, không xuất hiện những đồ án hoa văn phức tạp hay những họa tiết đối xứng như hoa văn đồ gốm Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1997] . Hoa văn trang trí trên đồ gốm Gò Mả Đống có những đường nét phóng khoáng của hoa văn đồ gốm Hoa Lộc và văn khuông nhạc đặc trưng của đồ gốm Văn hóa Đồng Đậu. Theo Phạm Lý Hương: "Tuy không tìm thấy gốm Phùng Nguyên đích thực ở Mả Đống, nhưng có thể tìm thấy bóng dáng ảnh hưởng nhất định của gốm Phùng Nguyên trên gốm Mả Đống hoặc những nét gần gũi giữa chúng.. Hoa văn khắc vạch kết hợp văn thừng trên nền trơn miết bóng nói riêng và kỹ thuật miết bóng mặt ngoài đồ gốm nhiều làm nổi các đường nét hoa văn khắc vạch có mặt ở cả Phùng Nguyên (đặc biệt là giai đoạn Gò Bông), Mả Đống, Hoa Lộc, Thạch Lạc (giai đoạn muộn)" [Phạm Lý Hương 1991: 29 - 38] . Hoa văn đồ gốm Mả Đống có ảnh hưởng rõ nét của hoa văn gốm Phùng Nguyên, đó là hoa văn khắc vạch hình chữ S. Đây là những mô típ người Hoa Lộc không sử dụng. Mô típ chữ S của gốm Mả Đống được tạo bằng que nhiều răng. Không phủ nhận hoa văn khắc vạch hình chữ S trên gốm Mả Đống chịu ảnh hưởng của hoa văn chữ S trên gốm Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1999: 93] . Trên vài mảnh gốm ở Gò Ghệ và Gò Dạ (Phú Thọ) có trang trí hoa văn ấn lỗ kiểu Hoa Lộc. Có ý kiến cho rằng người Gò Ghệ, Gò Dạ trao đổi đồ gốm đó với chính người Gò Con Lợn ở cách họ không quá 1km. Đáng tiếc là đồ gốm ở chính di tích Gò Con Lợn không có điều kiện nghiên cứu đầy đủ. Mặt khác ở gốm Gò Mả Đống, hoa văn khuông nhạc truyền thống Hoa Lộc được vẽ trên nền thừng. Cư dân Thạch Lạc và Hoa Lộc không biết những chạc gốm và ở Mả Đống rất hiếm gặp, nhưng ở Đoan Thượng lại khá phổ biến [Hà Văn Tấn 1999: 93] . Thông qua đồ gốm có thể thấy cư dân Phùng Nguyên và Mả Đống có mối liên hệ tiếp xúc và ảnh hưởng qua lại. Về mối quan hệ văn hóa của nhóm di tích Mả Đống - Gò Con Lợn với các văn hóa khác, đại đa số các nhà khảo cổ học cho rằng đây là mối quan hệ mang tính chất đa chiều. Trong đó với Hoa Lộc là quan hệ nguồn gốc chủ thể, với Hạ Long là mối quan hệ của bộ phận hợp thành văn hóa, với Phùng Nguyên là mối quan hệ láng giềng. Mối quan hệ cuối cùng này ngày càng phát triển [Hà Văn Tấn 1999: 95] . 1.3. Đồ gốm Văn hóa Hạ Long Các di tích Văn hóa Hạ Long tập trung ở vùng ven bờ biển và hải đảo kéo dài từ Móng Cái đến vùng Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và vùng đảo Cát Bà (Hải Phòng). Đồ gốm Văn hóa Hạ Long khá phong phú và mang những đặc trưng riêng biệt. Gốm Văn hóa Hạ Long gồm hai chất liệu: Gốm xốp mỏng, nhẹ, làm từ đất sét pha nhiều vụn vỏ nhuyễn thể và gốm chắc làm từ đất sét có pha cát. Kỹ thuật làm gốm Văn hóa Hạ Lonng tương đương kỹ thuật làm gốm Văn hóa Phùng Nguyên, tạo hình bằng bàn xoay và có sử dụng kỹ thuật bàn đập - hòn kê. Số lượng gốm có trang trí hoa văn không nhiều (khoảng 25 - 30% tổng số mảnh gốm thu được), chủ yếu là văn thừng thô và thừng mịn. Hoa văn trang trí gồm hoa văn khắc vạch (chữ S đơn, chữ S kép, sóng nước, ô trám, trổ thủng, đắp nổi, in ấn vỏ sò.). Hoa văn khắc vạch hình chữ S khá phổ biến trên đồ gốm Hạ Long nhưng đường vạch thường khác và không cầu kỳ như những họa tiết chữ S trên đồ gốm Phùng Nguyên. Văn đai đắp nổi, trổ thủng ở chân đế đồ đựng là nét đặc trưng của gốm Văn hóa Hạ Long. Trên đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên cũng xuất hiện loại hoa văn này nhưng không phong phú và đa dạng như gốm Văn hóa Hạ Long. Kỹ thuật tô thổ hoàng khá phổ biến trên gốm Hạ Long, nhưng do chất liệu gốm xốp, bề mặt lỗ rỗ do pha vụn vỏ nhuyễn thể cộng với môi trường biển nên mặt ngoài của gốm đa số bị bong nên những dấu vết của thổ hoàng còn lại mờ nhạt [Hà Văn Tấn 1997] . 1.4. Với đồ gốm các văn hóa, di tích vùng Bắc Trung Bộ 1.4. 1. Văn hóa Hoa Lộc Các di tích thuộc văn hóa này phân bố ở đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hóa. Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa này thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới [Phạm Văn Kỉnh, Quang Văn Cậy 1976: 120 - 126] nhưng cũng có người xếp vào thời đại đồng thau trong hệ thống các Văn hóa tiền Đông Sơn [Phạm Văn Đấu 1999] . Chất liệu gốm Văn hóa Hoa Lộc gồm gốm cứng mịn và thô xốp, làm từ đất sét pha cát có lẫn ít tạp chất. Loại hình phong phú, gồm các loại nồi, bình, bát, âu, liễn, chậu, hộp. Về mặt loại hình, gốm Hoa Lộc đa dạng hơn gốm Phùng Nguyên (miệng đa giác, cong khum, loe võng, trang trí hình thú ở các góc đa giác, các loại hộp gốm, con dấu gốm, khuyên tai đất nung). Hoa văn trang trí mang tính hình học, kết hợp thành băng, có đối xứng khá chặt chẽ. Hoa văn tiêu biểu như đồ án những hình thảo mộc (hoa, quả, cây), hình tượng động vật (chim, tôm, cá), đồ án những hình tam giác, đồ án những hình tứ giác. Đồ án hình tam giác và tứ giác kết hợp, đồ án những đoạn thẳng hay những đoạn gấp khúc, đồ án những đường cong, đồ án chữ S [Phạm Văn Đấu 1999] . Nếu hoa văn gốm Phùng Nguyên chặt chẽ, hài hòa cân đối, hoa văn gốm Hoa Lộc mang tính phóng khoáng hơn, thể hiện tư duy và lối sống cư dân vùng biển, của những người quen vẫy vùng trong khoảng trời và sóng nước bao la. Hoa văn gốm Phùng Nguyên có đặc trưng là các băng chấm dải mịn, các đồ án chữ S hoặc những đường cong mềm mại trên nền miết bóng thì hoa văn trên gốm Hoa Lộc lại thiên về dạng hình học như các hình tam giác, hình thoi, hình bình hành. Những hoa văn đặc trưng gốm Hoa Lộc như hoa văn hình bọ gậy, hoa văn giọt nước cũng lác đác xuất hiện trong đồ gốm một số di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên như Gò Ghệ, Gò Dạ [ Hà Văn Tấn 1978: 121 - 124] . Đây có thể là giao lưu trao đổi giữa các cư dân cùng thời. Mối liên hệ giữa cư dân Văn hóa Phùng Nguyên và Văn hóa Hoa Lộc rất rõ nét. 1.4. 2. Nhóm di tích Cồn Chân Tiên Cồn Chân Tiên là di tích mở đầu thời đại kim khí ở lưu vực sông Mã. Đồ gốm Cồn Chân Tiên có những nét tương đồng đồ gốm các di tích Văn hóa Phùng Nguyên và Văn hóa Hoa Lộc. Chất liệu gồm hai loại: Gốm mịn, màu đỏ, xương cứng (76%) và gốm thô, màu xám hoặc đen, xương xốp (24%). Hoa văn trang trí là những đồ án hình giọt nước, bọ gậy, vỏ sò, hình sin.. Đồ án hoa văn đồ gốm Cồn Chân Tiên bố cục theo từng băng dải rất gần gũi với phong cách sắp xếp hoa văn trên đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1999: 164] . Theo Phạm Minh Huyền, nhóm di tích Cồn Chân Tiên và Văn hóa Phùng Nguyên có tương đồng về thời đại, về trình độ kỹ thuật chế tác đồ đá, đồ gốm và có quan hệ khá chặt chẽ. Đồ gốm Cồn Chân Tiên xuất hiện nhiều đồ án hoa văn giống hệt hoa văn trang trí trên gốm Phùng Nguyên [Phạm Minh Huyền 2001: 211- 218] . 1.4. 3. Nhóm di tích Đền Đồi Di tích Đền Đồi thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn vùng lưu vực sông Cả. Đồ gốm Đền Đồi làm từ đất sét có pha cát, loại hình gồm các đồ đựng như vò, bát, bình, bát bồng và đồ đun nấu. Trên đồ gốm thô, kích thước lớn có trang trí hoa văn khắc vạch đơn giản. Trên đồ gốm mịn, kích thước nhỏ và bát bồng có trang trí hoa văn khắc vạch khép kín trong có văn chải hoặc in chấm [Bùi Vinh 1984: 31 - 32] . Gốm mịn di chỉ Đền Đồi giống gốm di chỉ Gò Bông với lối trang trí khắc vạch hoặc miết láng trên nền văn thừng. Sự tương đồng ở họa tiết chữ S kiểu Gò Bông hoặc nhiều kiểu trang trí khác cũng thấy rõ ở gốm Đền Đồi như khắc vạch hoặc miết láng trên gốm văn thừng, văn chải, in chấm ở họa tiết khắc vạch khép kín.. [Hà Văn Tấn 1997: 197] . 1.4. 4. Văn hóa Bàu Tró Các di tích thuộc Văn hóa Bàu Tró phân bố dọc đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Đồ gốm phát hiện được ở hầu hết các di tích với số lượng lớn. Đồ gốm Bàu Tró chủ yếu là gốm thô làm từ đất sét pha cát và bã thực vật (gốm thô chiếm 95%) và một số ít gốm mịn (khoảng 5%). Đồ gốm tạo bằng bàn xoay và bàn đập - hòn kê kết hợp nặn tay và kỹ thuật bàn xoay chỉ là bổ trợ. Đây là phong cách riêng trong kỹ thuật tạo hình đồ gốm của cư dân Bàu Tró [Phạm Thị Ninh 2000: 110] . Loại hình đồ gốm đa dạng gồm các loại nồi, bình, bát, đĩa, đồ gốm có tai, cốc chân cao, bát bồng.. Hoa văn gồm các loại văn thừng, văn chải, khắc vạch, in chấm, văn khuông nhạc trên nền thừng, kỹ thuật miết láng và tô màu thành băng trên mặt ngoài đồ gốm kết hợp với các họa tiết trang trí khác, khiến người xem liên tưởng ngay đến sự gần gũi tương đồng với kỹ - nghệ thuật trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên [Phạm Thị Ninh 2000] . Điểm lại các tư liệu về đồ gốm thuộc bình tuyến hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí trên cho thấy đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên bên cạnh những nét đặc trưng riêng biệt. Chúng còn có mối quan hệ đa chiều với đồ gốm các nền văn hóa hoặc các nhóm di tích có tính chất tương đồng khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Mở rộng về phía Bắc chúng ta còn thấy đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên còn có mối quan hệ với đồ gốm vùng Hoa Nam, đặc biệt là miền đất Điền cổ đại [Trình Năng Chung 2009] . Trong sưu tập hiện vật di chỉ Đại Hoa Trạch, Đại Tôn Tử (Vân Nam) có những loại hình hiện vật giống gốm Văn hóa Phùng Nguyên như dọi xe sợi hình chóp nón. Những đồ gốm trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp chấm dải của di chỉ Đại Tôn Tử rất gần phong cách hoa văn gốm Văn hóa Phùng Nguyên. Giữa Phùng Nguyên và Đại Tôn Tử cũng có những khác biệt như các mô típ trang trí gốm Phùng Nguyên phong phú hơn Đại Tôn Tử, ngược lại gốm Văn hóa Phùng Nguyên không có gốm màu vàng chanh kiểu gốm Đại Tôn Tử. Một loại hình di vật gốm độc đáo trong Văn hóa Phùng Nguyên cũng như thời đại kim khí ở Việt Nam là chạc gốm cũng xuất hiện trong các di chỉ thuộc khu vực trung du và hạ du của sông Hoàng Hà và Trường Giang. Đây là cứ liệu phản ánh mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa hai khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. 2. Đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên trong mối quan hệ lịch đại Thời đại đồ đồng Việt Nam đánh dấu bằng phát triển liên tục chuỗi các nền Văn hóa tiền Đông Sơn. Các Văn hóa từ Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Hồng, vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Các nền văn hóa sau đó một mặt kế thừa những nét đặc trưng của đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên, một mặt sáng tạo ra những đồ gốm mang phong cách mới. Tuy có những nét riêng biệt mang tính đặc trưng của từng văn hóa nhưng "sự khác biệt giữa các Văn hóa tiền Đông Sơn không hề phá vỡ tính liên tục giữa chúng" [Hà Văn Tấn 1975: 22 - 35] . 2.1. Đồ gốm Văn hóa Đồng Đậu Đồng Đậu là nền Văn hóa tiếp nối Văn hóa Phùng Nguyên, địa bàn phân bố trùng khít với địa bàn gốc của Văn hóa Phùng Nguyên. Gốm Đồng Đậu bắt nguồn trực tiếp từ gốm Phùng Nguyên nhưng phát triển cao hơn và có nhiều cải tiến kỹ thuật trong khâu chọn chất liệu, nâng cao nhiệt độ nung và có nhiều loại hình mới so với gốm Phùng Nguyên. Đồ gốm Đồng Đậu thô, cứng, làm từ đất sét pha cát thô, thành gốm dày đều, gốm nặng, ít thấm nước, độ nung khoảng 800ºC. Chất liệu và độ nung gốm Đồng Đậu tốt hơn và cao hơn gốm Phùng Nguyên [Hán Văn Khẩn 1996] . Loại hình đồ gốm giai đoạn Đồng Đậu không khác nhiều so với đồ gốm giai đoạn Phùng Nguyên, vẫn cơ bản là nồi, bình, vò, bát, dọi xe sợi, chạc gốm, bi gốm, tượng động vật.. Nhưng có một điểm mới là xuất hiện các loại khuôn đúc đồng, nồi nấu đồng. Đồ gốm Đồng Đậu có những vò kích thước rất lớn, thành gốm dày, phần miệng mở rộng, trang trí hoa văn phức tạp tuy không phổ biến nhưng tạo nét đặc trưng của gốm Văn hóa Đồng Đậu [Lê Xuân Diệm 1970: 154 - 166] . Một số loại hình di vật xuất hiện trong đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên nhưng đến giai đoạn Đồng Đậu đã có chuyển biến: Số lượng tượng động vật phát hiện nhiều hơn, thể hiện rõ tính hiện thực sinh động mà chủ nhân muốn phác họa hình ảnh của những loài động vật gần gũi xung quanh đời sống của mình. Chạc gốm Đồng Đậu bên cạnh những nét tương đồng chạc gốm Phùng Nguyên như có chân phụ, có lỗ xuyên.. đã có những phát triển khác như xuất hiện hoa văn in lăn trên chân chạc. Đồ gốm Văn hóa Đồng Đậu ngoài các kiểu miệng loe, miệng khum, miệng thẳng như đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên. Xuất hiện các loại miệng gãy cong và gãy góc sau này thành một trong những đặc trưng của gốm Đồng Đậu. Đồ đựng có chân đế cũng có số lượng lớn hơn so với đồng loại trong Văn hóa Phùng Nguyên. Loại hình đồ gốm Văn hóa Đồng Đậu có kế thừa và phát triển sáng tạo trên nền tảng cơ bản loại hình đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên. Hoa văn có biến chuyển rõ nét với văn thừng thô chiếm tỷ lệ cao hơn so với văn thừng mịn, văn chải một mặt tiếp thu kỹ thuật tạo văn chải truyền thống từ giai đoạn Phùng Nguyên, với các vệt chải đan xen, chồng chéo hoặc trùng nhau.. Dạng văn chải này ở Đồng Đậu có cách tân với những kiểu khuông nhạc đa dạng gồm văn chải khuông nhạc hình chữ S nằm ngang, hình chữ S đứng, chữ S xuôi, nằm nghiêng, liền nét tạo thành các băng chữ S liên tục, khuông nhạc hình sóng nước, khuông nhạc hình dải quạt. Có thể nói cư dân Văn hóa Đồng Đậu tiếp thu tinh hoa nghề gốm Văn hóa Phùng Nguyên một cách linh hoạt và sáng tạo. Một số hoa văn mới xuất hiện và thành đặc trưng hoa văn giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu như văn dấu đan, khuông nhạc.. [Hoàng Thúy Quỳnh 2005: 69] . Kỹ thuật chế tạo đồ gốm giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu không khác biệt nhiều so với giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên. Phương tiện và thủ pháp tạo hoa văn gốm Đồng Đậu về cơ bản vẫn giống đồ gốm Phùng Nguyên. Hoa văn gốm Đồng Đậu không còn những đồ án hoa văn khắc vạch chấm dải mang tính đối xứng phức tạp điển hình của hoa văn gốm Phùng Nguyên mà là những đường khắc chìm đơn giản, những đường cong đoạn thẳng cắt nhau không theo một nguyên tắc nào [Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng 2003: 50] . Thủ pháp tạo văn thừng cũng khác giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên. Những vệt thừng trên đồ gốm Đồng Đậu đập sâu và theo chiều dọc đồ gốm. Hoa văn in vòng tròn vẫn tạo bằng đầu những ống tay tre, nứa, ấn từng hàng trên thành miệng hoặc phần vai đồ gốm. Nhưng hiếm khi trang trí riêng lẻ mà thường kết hợp hoa văn khắc vạch hoặc các mô típ hoa văn khác [Hán Văn Khẩn 2006], [Hà Văn Tấn và cộng sự 1970: 123 - 126] . Sự biến đổi từ Văn hóa Phùng Nguyên sang Đồng Đậu qua hoa văn trang trí trên đồ gốm khá rõ nét. Người Đồng Đậu dường như không trang trí hoa văn theo lối đơn lẻ mà thường kết hợp làm tăng thêm tính phong phú và đa dạng của hoa văn trên đồ gốm. Nguyễn Khắc Sử nhận xét: "Nhìn vào hoa văn trang trí trên đồ gốm Đồng Đậu, chúng ta có cảm giác chung là phóng khoáng, uyển chuyển, mang tính nhịp điệu đều như sóng nước, mà ít chặt chẽ, đăng đối như Phùng Nguyên" [Nguyễn Khắc Sử 2001: 23] . 2.2. Đồ gốm văn hóa Gò Mun Gò Mun kế thừa và tiếp nối Văn hóa Đồng Đậu. Đồ gốm Gò Mun làm từ đất sét pha trộn thêm khá nhiều cát, độ nung 800°C - 900°C, hàm lượng ôxit nhôm cao nên chất gốm dẻo quánh, chịu được nhiệt độ cao. Tỷ lệ ôxit sắt thấp nên có tính chịu nén, chịu được tác dụng nhất định cơ học [Hà Văn Phùng, Ngô Sĩ Hồng 1979] . Chất liệu gốm Gò Mun có sự khác nhau ở giai đoạn sớm và muộn. Giai đoạn sớm gốm làm từ đất sét pha cát thô, thành dày (0, 7cm - 0, 8cm), gốm chắc, nặng, rất cứng, thường có màu xám. Giai đoạn muộn gốm làm từ đất sét pha cát mịn hơn, thành gốm mỏng hơn (0, 5cm - 0, 6cm), rất cứng, màu xám nhạt và hồng [Phạm Lý Hương 2004: 429 - 449] . So về chất liệu, gốm Gò Mun có những ưu điểm vượt trội về độ bền chắc và tính thực dụng hơn gốm Phùng Nguyên và Đồng Đậu. Gốm Gò Mun cứng hơn, độ chống ẩm, chống thấm tốt hơn gốm Phùng Nguyên và Đồng Đậu [Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng 2003: 52] . Chất liệu gốm từ Văn hóa Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun có sự phát triển theo xu hướng ngày càng thô, cứng do chọn lựa và pha trộn các chất phụ gia. Nếu gốm Phùng Nguyên có nhiều vỏ nhuyễn thể và bã thực vật, thì gốm Văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun chất liệu sàng lọc kĩ hơn, các thành phần tạp chất hạn chế đến mức thấp nhất. Kỹ thuật và nhiệt độ nung gốm ngày càng cao hơn, gốm cứng, chắc hơn, đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong đời sống hàng ngày của cư dân. Loại hình gốm Gò Mun có sự kế thừa và phát triển trực tiếp từ đồ gốm Phùng Nguyên - Đồng Đậu. Bên cạnh những nét tương đồng cũng có những điểm khác biệt giữa đồ gốm Gò Mun và đồ gốm các giai đoạn văn hóa trước đó. Phần miệng đồ gốm Gò Mun hoàn toàn khác phần miệng đồ gốm Đồng Đậu. Bình miệng loe xiên, cổ ngắn, vai rộng, chân đế cao và loe choãi, thường có trang trí hoa văn đẹp, cầu kỳ ở miệng, vai và chân đế. Hoa văn trang trí gồm văn lăn - đập thừng, văn chải, văn in nan chiếu, văn in ô vuông, văn đắp nổi, văn in chấm, văn khắc vạch. Văn chải hình khuông nhạc điển hình trong Văn hóa Đồng Đậu, sang Văn hóa Gò Mun không chỉ ít hơn về số lượng, mà đơn điệu hơn cả về đồ án trang trí. Giai đoạn Gò Mun vắng mặt các đồ án phức tạp như hình chữ S, hình thừng bện.. mà phổ biến là loại văn làn sóng nhẹ gồm 3 - 4 đường chải ở phần cổ hiện vật, phía trên văn thừng. Hoa văn khắc vạch có nhiều đồ án khác nhau và thường kết hợp những đường thẳng, vạch ngắn, vòng tròn nhỏ, đường gấp khúc, vạch hình chữ V mang tính chất hình học, chủ yếu trang trí ở phía trong của loại miệng gãy, một số cũng được trang trí ở ngoài miệng và cổ. Đây là nét khác biệt với đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên [Hoàng Xuân Chinh 1983: 129] . Hoa văn khắc vạch nhiều về số lượng và đa dạng về mô típ. Chúng thường kết hợp của những đường thẳng, vạch ngắn, đường gấp khúc, vạch chữ V, ô trám lồng, chữ S gấp khúc, vòng tròn nhỏ.. mang tính chất hình học [Ngô Thế Phong, Nguyễn Mạnh Thắng 2002: 18 - 58] . Hoa văn trên đồ gốm Văn hóa Gò Mun kết hợp hài hòa giữa hoa văn mỹ thuật và hoa văn trang trí. Nhìn vào hoa văn trang trí trên gốm Gò Mun "có cảm giác cứng cáp, khuôn mẫu, chuẩn xác và đăng đối" [Nguyễn Khắc Sử 2001: 25] . Nghề làm gốm Văn hóa Gò Mun về cơ bản vẫn theo các phương pháp truyền thống từ các giai đoạn Phùng Nguyên và Đồng Đậu trước đó, như tạo hình đồ gốm bàn xoay và bằng tay. Có những bước tiến đáng kể so với kỹ thuật chế tác gốm Văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu. Văn hóa Gò Mun có thể nói là "đạt trình độ khá cao về mặt kỹ thuật chế tác đồ gốm trong thời đại đồng thau ở Việt Nam và ở mức độ nào đó, có thể nói vượt hơn cả kỹ thuật làm gốm của người Đông Sơn sau này" [Hà Văn Phùng 1996: 144] . Qua những nghiên cứu so sánh trên, thấy đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên có mối quan hệ đồng đại và lịch đại với đồ gốm các văn hóa, các nhóm di tích khác. Thông qua đồ gốm, chúng ta thấy rõ mối quan hệ văn hóa theo các chiều đồng đại và lịch đại, các mối giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa Phùng Nguyên và các văn hóa khác. Kỹ thuật tạo hình và tạo hoa văn đồ gốm Phùng Nguyên là nền tảng cơ bản cho phát triển về kỹ thuật, mỹ thuật của đồ gốm các giai đoạn văn hóa kế tiếp (Văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun). Bên cạnh đó, đồ gốm Văn hóa Phùng Nguyên (đặc biệt là hoa văn trang trí), góp phần quan trọng minh chứng tính bản địa của Văn hóa Đông Sơn. Những mô típ hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn, có một phần không nhỏ kế thừa và phát huy sáng tạo của thợ gốm Phùng Nguyên. Hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên là một trong những yếu tố góp phần tạo nghệ thuật đỉnh cao của Văn hóa Đông Sơn. TS. Bùi Thị Thu Phương TÀI LIỆU DẪN 1. Hà Giang thời Tiền sử 2000. Sở VHTT - TT Hà Giang xuất bản. 2. Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng 2003. Vĩnh Phúc - Gốm và nghề gốm truyền thống, Sở VHTT - TT Vĩnh Phúc xuất bản. 3. Trình Năng Chung 2009. Mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Nxb. KHXH, Hà Nội. 4. Nguyễn Văn Cường 2002. Văn hóa Mai Pha. Sở VHTT Lạng Sơn xuất bản. 5. Lê Xuân Diệm 1970. Văn hóa Đồng Đậu một bước phát triển văn hóa thời Hùng Vương. Khảo cổ học số 7 - 8: 154 - 166. 6. Lê Xuân Diệm, Hoàng Xuân Chinh 1983. Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu. Nxb. KHXH, Hà Nội. 7. Nguyễn Kim Dung 1983. Hai hệ thống gốm trong thời đại đá Việt Nam. Khảo cổ học số 1: 22 - 35. 8. Phạm Văn Đấu 1999. Văn hóa Hoa Lộc. Nxb. VHTT, Hà Nội. 9. Phạm Minh Huyền 2001. Giai đoạn Văn hóa Cồn Chân Tiên ở Thanh Hóa và mối quan hệ với Văn hóa Phùng Nguyên. Tìm hiểu Văn hóa Phùng Nguyên, Sở VHTT - TT Phú Thọ: 211 - 218. 10. Phạm Lý Hương 1991. Gốm Mả Đống và những mối quan hệ của nó. Khảo cổ học số 3: 29 - 38. 11. Phạm Lý Hương 2004. Nghiên cứu gốm Tiền sử - Sơ sử Việt Nam trong thế kỷ XX: Những hiểu biết căn bản. Một thế kỷ KCH Việt Nam. Nxb. KHXH. Hà Nội: 429 - 449. 12. Hán Văn Khẩn 1996. Đồ gốm tiền sử và sơ sử ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam: Loại hình, hoa văn và kỹ thuật chế tạo. Tư liệu khoa Lịch Sử, trường Đại học KHXH & NV. 13. Hán Văn Khẩn 2006. Văn hóa Phùng Nguyên. Nxb. ĐHQG Hà Nội. 14. Phạm Văn Kỉnh, Quang Văn Cậy 1976. Kết quả nghiên cứu hai địa điểm Hoa Lộc và Phú Lộc. NPHMVKCH năm 1975. Nxb. KHXH. Hà Nội: 120 - 126. 15. Phạm Thị Ninh 2000. Văn hóa Bàu Tró. Nxb. KHXH, Hà Nội. 16. Ngô Thế Phong, Nguyễn Mạnh Thắng 2002. Kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu lần thứ 6 (Yên Lạc - Vĩnh Phúc). Thông báo khoa học, Bảo tàng LSVN: 18 - 58. 17. Hà Văn Phùng 1996. Văn hóa Gò Mun. Nxb. KHXH. Hà Nội. 18. Hà Văn Phùng, Ngô Sĩ Hồng 1979. Báo cáo khai quật Đoan Thượng. Tư liệu Viện KCH. 19. Hoàng Thuý Quỳnh 2005. Báo cáo khai quật di chỉ Thành Dền lần thứ IV. Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành KCH. Tư liệu Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH & NV. 20. Nguyễn Khắc Sử 2001. Hoa văn gốm Tiền sử. Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt. Nxb. VHDT. Hà Nội: 13 - 57. 21. Hà Văn Tấn 1975. Văn hóa Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Dân tộc học 1: 22 - 35. 22. Hà Văn Tấn 1978. Gốm kiểu Hoa Lộc ở một số di chỉ Văn hóa Phùng Nguyên. NPHMVKCH năm 1977. Nxb. KHXH. Hà Nội: 121 - 124. 23. Hà Văn Tấn 1997. Theo dấu các văn hóa cổ. Nxb. KHXH. Hà Nội 24. Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1998. Khảo cổ học Việt Nam tập I: Thời đại đá. Nxb. KHXH. Hà Nội. 25. Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1999. Khảo cổ học Việt Nam tập II: Thời đại kim khí. Nxb. KHXH. Hà Nội. 26. Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn, Hà Văn Phùng 1970. Thực nghiệm tạo hoa văn trên đồ gốm cổ. Khảo cổ học 7- 8: 123 - 126. 27. Bùi Vinh 1984. Nghệ thuật trang trí hoa văn gốm Đền Đồi - Nghệ Tĩnh. Khảo cổ học 3: 31 - 32. Nguồn tư liệu bản vẽ sử dụng trong bài: Nguyễn Văn Cường, Phạm Văn Đấu, Phạm Lý Hương, Phạm Thị Ninh, Bùi Vinh. Nguồn Web baotanglichsu Còn tiếp
Tai hình đầu trâu, di chỉ Đình Tràng, Đông Anh, Hà Nội, cao 2, 4cm, ngang 2, 7cm, đá ngọc nephrite. Văn hóa khảo cổ Gò Mun, khoảng 1000-700 TCN, Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, ảnh Đức Hòa. Những bức tượng sơ khai nhất của người Việt cổ "Những bức tượng sơ khai nhất của người Việt cổ" Ngay ở buổi bình minh của dân tộc, các tiền bối của người Việt cổ đã quen "nghịch đất" và thử "nặn tượng." Bằng chứng là qua các khai quật khảo cổ thời hiện đại, thế hệ con cháu mấy trăm đời sau còn tìm thấy một số "bán thành phẩm" điêu khắc của Tổ tiên – hầu hết đều.. chưa nặn thành hình. Bên cạnh đó còn tượng đá, số lượng rất ít nhưng đáng chú ý ở chỗ rất rõ hình tượng và được coi gần như làm xong. Ở đây tôi chỉ xin bàn các tượng đá và đất nung, tượng đồng thì muộn hơn và công nghệ cũng cao hơn (vì phải nặn mẫu xong làm khuôn mới tới công đoạn nấu đồng và đúc rót.). Nay chúng ta đã có "nền Điêu khắc Việt Nam" với nhiều thành tựu, thiết tưởng cũng nên nhìn lại để đánh giá bước khởi đầu chập chững vào nghề của Tổ tiên chứ nhỉ? 1. Những tượng đất nung bé xíu và như đang nặn dở Các nhà khảo cổ đào được khá nhiều mảnh vụn.. nghi vấn là tượng đất nung trong các cuộc khai quật những di chỉ thuộc các Văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun (chỉ riêng tại di chỉ Thành Dền đào được 114 tiêu bản). Căn cứ những gì chính thức công bố thì chỉ có tượng động vật – mà nhiều khả năng đó là các vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà, vịt.. Chưa hề tìm thấy tượng người hay các "đề tài khác" bằng đất nung. Đó là những tượng rất nhỏ, kích thước chỉ vài cm, đều ở mức độ chưa hoàn thiện khiến đời sau phải đoán xem đó là con gì. Chỉ rất ít tượng còn nguyên, phần nhiều vỡ vụn, gãy các chi tiết. TƯỢNG GÀ, đất nung, Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu (khoảng 1500- 1000 trCN), hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bác Cổ, Hà Nội), "Nổi tiếng" nhất trong số này – vì được bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Bác Cổ – Hà Nội) là mấy tượng gà, bò (hoặc trâu), thuộc Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu. Tạo dáng gà khá rõ: Đầu, cổ, thân và đuôi. Thậm chí tư thế con gà vươn cổ, vểnh đuôi một cách điển hình kiểu gà chứng tỏ người nặn quan sát gà rất kĩ, bắt dáng được con gà. Tượng gà vẫn như chưa xong vì thiếu chân, mào, mỏ – rất có thể đã được nặn rồi lại gẫy vì bị vùi trong lòng đất mấy ngàn năm.. Khả năng nặn chưa xong hợp lý hơn, căn cứ vết tích còn lại và cũng căn cứ trình độ hết sức sơ khai của người Đồng Đậu khi đó. Tượng bò thì tùy: Có tài liệu bảo đó là trâu – bởi tạo dáng còn đang dang dở, chưa rõ những đặc điểm cốt yếu để khẳng định là 1 trong 2 con vật này như kiểu sừng, u bò, yếm bò (mà trâu không có).. TƯỢNG LỢN và BÒ (đoán định), đất nung, dài 2 – 5, 5cm, dày 1 – 3cm, di chỉ Thành Dền, Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu (khoảng 1500-1000 TCN). Nguồn ảnh: "Địa điểm khảo cổ học Thành Dền – những giá trị lịch sử – văn hóa nổi bật", Lâm Thị Mỹ Dung chủ biên, NXB ĐHQG HN 2015 Dù sao các tượng bò và gà kể trên cũng là loại "khá" lắm bởi đa số các tượng đất nung còn lại sau các khai quật đều "kém hơn nữa" về tạo hình. Nếu chúng ta có ý định "chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc" thì nhiều khả năng sẽ đành nản lòng! Các tượng này chí ít vẫn để lại cho chúng ta một vài thông tin hữu ích. Thứ nhất: Cỡ tượng rất nhỏ, chỉ vài phân (cm). Thứ hai: Khi làm gốm, tranh thủ nặn chơi chút cho vui rồi đem nung kèm. Một số phán đoán: Nặn chơi, nặn để làm kiểu tượng bùa, nặn làm đồ chơi cho trẻ con.. mà cũng có thể chính trẻ con mới là "tác giả" – nặn để chơi. Tưọng đầu bò, đất nung, di chỉ Tiên Hội, Đông Anh, Hà Nội, Văn hóa khảo cổ Đồng Đậu (khoảng 1500-1000 trCN). Một số mảnh tượng đất nung – di vật Văn hóa khảo cổ Tiền Đông Sơn lưu vực sông Mã. Nguồn hình vẽ: Từ sách "Cơ sở Khảo cổ học", Hán Văn Khẩn chủ biên, NXB ĐHQG HN 2008. Nhìn rộng ra trong lịch sử thế giới, các nền văn minh tối cổ cũng để lại khá nhiều tượng đất nung cỡ nhỏ và không hoàn thiện. Người nguyên thủy trên bước đường chập chững vươn lên thành các dân tộc, quốc gia sơ khai hóa ra rất thích vẽ, nặn, đục đẽo.. để tái tạo hình người và động vật mà họ thấy quen thuộc. Đây là quá trình nhận thức thế giới bằng cách tái tạo hình của người nguyên thủy. 2. Tượng đá rất ít nhưng tạo hình rõ ý đồ hơn Đó là tượng được đặt tên: "Người đàn ông Văn Điển" vì khai quật từ di chỉ cùng tên. Dù rất bé, chỉ cao 3, 6cm, sẽ lọt thỏm nếu ta cầm trong tay nhưng tượng đá này được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bác Cổ – Hà Nội) và được in rất nhiều lần trên các sách báo Việt Nam. Nếu các tượng đất đều có vẻ.. nặn ẩu thì ngược lại – tượng đá này cho thấy sự công phu, trau chuốt. Dáng người đứng thanh mảnh, rất eo, các chi tiết được nhấn rất rõ nét: 2 mắt khoét lõm thành 2 chấm sâu, tròn đều, gờ ụ lông mày và gờ gò má cân đối, trong khi gờ sống mũi hơi nhô lên theo chiều dọc chính giữa mặt. Dù chỉ nhỏ như.. đầu tăm nhưng "sinh thực khí nam" nổi lên rõ rệt, đúng chỗ! Đáng ngạc nhiên hơn nữa khi trên đỉnh đầu có búi tóc từ chính giữa đỉnh vểnh lên với chủ ý tạo hình chính xác: Vạt phẳng đều hai mặt bên theo chiều đứng và hơi lượn cong lên về phía sau. Có giả thiết cho đó không phải búi tóc mà là vành tròn – nếu không bị gãy sẽ để buộc dây vào như đeo bùa. Nếu quả đúng vậy, tay nghề nghệ nhân tạc đá này rất cao từ cách đây có thể tới 4000 năm! Chưa ai chứng minh được đó là vành tròn nhưng sự khúc triết, mạch lạc của chỏm tóc khiến đời sau phải để ý và có phần băn khoăn: Thời thô sơ đến vậy mà sao có thể chế tác kỹ thế? Tất nhiên tượng chưa hoàn hảo: Không tay, cụt chân, vẫn còn mảnh xỉ đá chèn vào một bên hông mà tác giả chưa xử lý được, có thể vì non tay nghề hoặc thiếu dụng cụ đủ cứng để cắt gọt.. Tượng NGƯỜI ĐÀN ÔNG VĂN ĐIỂN – khai quật tại di chỉ Văn Điển, cao 3, 6cm, đá quarzit mài nhẵn. Văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN (Bác Cổ-Hà Nội). Ảnh Hiểu Trần. Bên trái là giả thiết về phần vòng đã gãy trên đỉnh đầu – có thể là móc để treo tượng bùa (bản vẽ của Đức Hòa). Một.. tượng đá khác, mà đúng ra chỉ là dạng khuyên tai – trang sức. Cách tạo hình rất công phu và gợi cảm: Khuyên tai hình đầu trâu với đôi sừng cong vểnh sang hai bên. Rất thú vị khi nghệ nhân ngàn xưa đục lỗ xỏ xuyên qua vị trí sống mũi trâu! Nhìn nghiêng sẽ thấy như mắt trâu đang mở.. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, người ta có thể chế tác trang sức phức tạp hơn nhiều nhưng thuở sơ khai nguyên thủy đây là kỳ công: Tinh tế, sáng tạo, đối xứng, trau chuốt.. trong tình thế chắc chắn chưa có công cụ đủ tinh vi. Khuyên tai hình đầu trâu, di chỉ Đình Tràng, Đông Anh, Hà Nội, cao 2, 4cm, ngang 2, 7cm, đá ngọc nephrite. Văn hóa khảo cổ Gò Mun, khoảng 1100-700 TCN, Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, ảnh Đức Hòa. Về màu sắc và chất liệu thì 2 tượng đá kể trên còn tăng thêm phần hấp dẫn vì được tạc từ loại đá có chất lượng ngọc nên có phần hơi long lanh và màu xám phớt xanh gợi cảm. 3. Nặn đất dễ hơn tạc đá – vậy tại sao tượng đá toát lên vẻ công phu trong khi tượng đất có vẻ.. nặn ẩu? Về lý thì đúng vậy: Nặn đất ta tha hồ thêm bớt, chỉnh sửa trong khi tạc đá không có cơ hội sửa sai nếu ta đục nhầm – dù chỉ một nhát! Khá nhiều nhà nghiên cứu đã băn khoăn về vấn đề này. Hóa ra đó là vấn đề của lịch sử tiến hóa nhân loại: Người nguyên thủy thoạt tiên đã phải trải qua THỜI KỲ ĐỒ ĐÁ dài hàng vạn năm. Họ chỉ có công cụ bằng đá để tồn tại mà mãi sau này họ mới biết dùng lửa. Từ khi có lửa mới có thể làm bếp, ăn chín, nặn và nung đồ gốm rồi dần dần tiến tới nấu đồng để đúc.. Vậy là dù đá rất cứng, nếu đục hỏng thì miễn sửa, chỉ có vứt đi.. thế nhưng sau hàng vạn năm của thời kỳ ĐỒ ĐÁ, người nguyên thủy lại đã quen xử lý đá đến mức đủ công phu và tinh tế. Ngược lại, dù đất rất dễ nặn nhưng con người mãi sau mới biết dùng lửa để nấu ăn, sưởi và nung gốm.. Họ chưa thể nặn tượng đẹp ngay lập tức sau khi có lửa. Vậy là dù nặn đất rất dễ nhưng vẫn cần thời gian đủ dài để mày mò làm quen và tập. Chỉ thế mới cắt nghĩa được vì sao "Người đàn ông Văn Điển" và "trang sức đầu trâu" lại có vẻ chỉnh chu hơn vô số tượng đất dù cùng tuổi và tương đương thời. 4. Nghĩ về hiệu quả thẩm mỹ qua 2 tượng đá sơ khai nhất của người Việt cổ Khá khó tin nhưng đó vẫn là sự thật: Từ thuở sơ khai của dân tộc, nghệ nhân Việt cổ vô danh đã chế tác điêu khắc đá với những hiệu quả đáng nể. Thứ nhất: Đó là kết cấu cân đối tới mức gần như đối xứng – cặp sừng trâu, mặt người đàn ông.. Thứ hai: Đó là những chi tiết điểm nhấn đúng chỗ và hiệu quả đầy hứng thú – đôi mắt người như chấm tròn lõm vào đá, mắt trâu cũng chính là lỗ xỏ khuyên tai, độ cong đều của cặp sừng trâu. Điểm nhấn của sinh thực khí nam, gờ ụ lông mày, gò má cân đối và hài hòa trên khuôn mặt, chỏm tóc bật lên trên đỉnh đầu, cân xứng và gợi cảm.. Theo thiển ý của tôi: Tượng "Người đàn ông Văn Điển" xứng đáng là điểm khởi đầu xuất sắc của lịch sử điêu khắc Việt Nam. Các tượng đất nung dù đa phần vụng về hết cỡ, lại vỡ vụn.. nhưng vẫn có một điểm sáng, nói theo cách nhà nghề của họa sĩ là "bắt dáng" được con gà: Thiếu sót tất cả chi tiết nhưng tạo dáng gà mái không lẫn đi đâu được! Theo nghệ thuật hiện thực và ấn tượng, chỉ cần "bắt dáng" tốt là thắng lợi đến non nửa! Họa sĩ Đức Hòa Tác giả gửi Trí Thức VN Nguồn: Web trithucvn Còn tiếp
Tranh mô tả kỹ thuật luyện đồng thời tiền sử "Văn hóa Đồng Đậu" Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa thuộc thời kỳ đồ đồng ở Việt Nam cách nay khoảng 3.000 năm, sau Văn hóa Phùng Nguyên, trước Văn hóa Gò Mun. Tên nền văn hóa này đặt theo tên khu di tích Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi các nhà khảo cổ học khám phá ra nền văn hóa đồ đồng phong phú năm 1962. Người Đồng Đậu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du Bắc Bộ với nền kinh tế khá ổn định và phát triển dựa trên nông nghiệp trồng lúa và các cây hoa màu. Các dấu tích luyện kim như xỉ đồng, các mảnh khuôn đúc (bằng đá) cho thấy nghề đúc đồng đã có và phát triển thời kỳ này. Nguồn: Wikipedia Di chỉ Đồng Đậu là khu di chỉ khảo cổ học ở gò Đậu, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam[1] Mô tả Gò Đậu cao khoảng 15m, rộng khoảng 8, 5 ha, cách trung tâm thị trấn khoảng 1, 5km về phía Đông. Tại đây, 2-1962, những di chỉ khảo cổ đầu tiên phát hiện. Nay, các nhà nghiên cứu tiến hành 6 đợt khai quật và phát hiện hàng ngàn hiện vật 4 tầng: Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn nằm chồng lên nhau lần lượt. Phát hiện này cho phép các nhà nghiên cứu khẳng định Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa. Đặc biệt hơn, những phát hiện đầu tiên chính tại đây về một nền văn hóa có niên đại khoảng 1.500 năm TCN, sau Văn hóa Phùng Nguyên khiến các nhà nghiên cứu lấy tên cánh Đồng Đậu đặt cho nền văn hóa này. Những hạt lúa gạo cháy tìm thấy trong tầng Văn hóa Phùng Nguyên khiến các nhà nghiên cứu khẳng định người Việt biết trồng lúa từ giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên[1] Các loại hình di vật ở đây rất phong phú, gồm: Các mảnh gốm, đất nung của các dụng cụ, đồ mỹ thuật. Các công cụ, vũ khí, đồ trang sức bằng đá, xương hay đồng. Các khuôn đúc bằng đất nung, đá. Xương, răng động vật. Hạt lúa gạo cháy. Di cốt người. Hiện nay chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang có kế hoạch xây dựng khu di tích ngoài trời ở Đồng Đậu nhằm mục đích bảo tồn di tích và giáo dục[2] Chỉ dẫn Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm trong tổ hợp: Khu Di tích đền Gia Loan - chùa Biện Sơn là điểm đến quan trọng và tiêu biểu của huyện Yên Lạc cũng như tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nơi đây đầu tư thành khu du lịch để phục vụ du khách. Tham khảo 1. Di chỉ khảo cổ Đồng Đậu. Vinhphuc. Tourism. Truy cập 12-1-2016. 2. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở Khu Di chỉ Đồng Đậu. VP Online, 27-6-2014. Truy cập 12-1-2016 Nguồn: Wikipedia Di tích khảo cổ học Đồng Đậu Di tích khảo cổ học Đồng Đậu nằm tại gò Đồng Đậu thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc có tọa độ 22025' vĩ độ Bắc, 114071'58 "kinh độ Đông. Cách huyện lỵ Yên Lạc 1.5km về phía Đông, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 8.5km về phía Nam theo đường chim bay và cách Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc. Phát hiện lần đầu 1962, từ đó nhiều lần khảo sát và khai quật lớn của các cơ quan khoa học chuyên ngành Trung ương. Qua kết quả nghiên cứu, qua nhiều tài liệu ược công bố, di tích khảo cổ học Đồng Đậu bao hàm trong đó 3 giai đoạn văn hóa khảo cổ một cách liên tục: Giai đoạn sớm - thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn giữa - Văn hóa Đồng Đậu và giai đoạn muộn - Văn hóa Gò Mun, có niên đại tuyệt đối là 3360 ± 100 năm cách ngày nay, kéo dài từ thế kỷ XV trên thế kỷ III TCN. Đối chiếu với thư tịch và truyền thuyết, di tích khảo cổ học Đồng Đậu trong thời kỳ dựng nước của Hùng Vương. Về không gian di tích nằm trong vùng đất Phong Châu xưa được xem là vùng địa bàn gốc của các Vua Hùng. Di tích khảo cổ học Đồng Đậu có tầng văn hóa rất dày (có chỗ 6.0m) với hàng nghìn tiêu bản hiện vật phát hiện qua các kỳ khai quật khảo cổ, chiếm số lượng nhiều nhất là mảnh gốm, thể hiện cực kỳ phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và mô típ hoa văn trang trí. Nhìn chung gốm Đồng Đậu thể hiện phát triển liên tục của 3 giai đoạn Văn hóa điển hình từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun. Về loại hình và phương pháp tạo hoa văn đều giống nhau, chỉ khác nhau ở phong cách, ở biến thể của một số họa tiết trang trí và có thay đổi về tỷ lệ của một số hoa văn mà thôi. Về chất liệu, vẫn là đất sét pha cát, càng về các tầng văn hóa càng muộn, tỷ lệ pha cát càng nhiều và độ nung càng cao dần.. Các hiện vật đồ đá phát hiện nhiều, gồm các loại hình: Công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức.. Về nguyên liệu: Để làm dụng cụ, người Đồng Đậu sử dụng khá đa dạng về chất liệu, nhưng tập trung chủ yếu là Xpilit có độ rắn chắc cao. Như hợp những lực tác dụng lớn, khi làm đồ trang sức, dùng đá Nêphrit có đặc tính mềm dẻo, nhiều màu sắc, dễ gia công.. Về kỹ thuật chế tác đá: Sử dụng thành thạo các yếu tố kỹ thuật khá tinh xảo, ghè, đẽo, cưa, mài, khoan, tiện.. chứng tỏ tay nghề của người Đồng Đậu khá thành thạo có thể phỏng đoán, nghề chế tác đá có thể thành một nghề bên cạnh nghề trồng lúa của người Đồng Đậu xưa. Các hiện vật đồng thau phát hiện không nhiều, nhưng khá nhiều loại hình: Công cụ sản xuất, vũ khí, dụng cụ săn bắn.. chất liệu chính là hợp kim đồng thiếc. Ngoài ra thêm tỷ lệ của kẽm, nhôm, silic, sắt, chì.. tuỳ theo tính năng, tác dụng của sản phẩm mà người thợ pha chế tỷ lệ hợp kim cho phù hợp và đã biết dùng khuôn để tạo hình sản phẩm. Số lượng các hiện vật bằng xương, sừng, khá nhiều và cũng phong phú, đa dạng về loại hình, kỹ thuật chế tác: Cưa, gọt, mài là chủ yếu, đa số sử dụng xương, sừng của các loại thú lớn, chế tạo vũ khí hoặc dụng cụ săn bắn. Qua nghiên cứu, phân tích, ta có thể đoán định: Khoảng cuối thời kỳ đồ đá mới, một bộ phận dân cư dần tách khỏi cuộc sống săn bắn, hái lượm, tiến dần về đồng bằng. Ban đầu cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắn, đánh cá và thu hái tự nhiên, dần dần họ phát hiện hạt lúa và nghề trồng lúa nước thành chủ yếu trong đời sống. Bên cạnh đó vẫn song song và tồn tại hình thái kinh tế săn bắn rồi phát triển thành nghề chăn nuôi (ở cuối giai đoạn muộn) của tầng Văn hóa Gò Mun. Đồng thời một số nghề thủ công cũng được hình thành và phát triển đáng kể nhất là nghề làm gốm để tạo ra các đồ đựng, đun nấu, phục vụ sinh hoạt v. V.. Nghề đá tạo công cụ sản xuất, vũ khí đồ trang sức.. nghề luyện kim đúc đồng tuy mới ra đời nhưng tham gia không nhỏ vào đời sống xã hội, nó làm thay đổi cả bộ mặt xã hội và đời sống của người nguyên thuỷ. Thực tế di tích khảo cổ học Đồng Đậu là di chỉ cư trú lớn có đặc điểm là tầng văn hóa rất dày, các loại hình hiện vật đa dạng, phong phú. Bao gồm 3 giai đoạn văn hóa khảo cổ từ sớm đến muộn một cách liên tục từ Văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu đến Gò Mun. Vì vậy di tích này đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với ngành khảo cổ học nói riêng mà còn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác có liên quan trong quá trình nghiên cứu về thời tiền sử dân tộc Việt Nam thời dựng nước. Hiện nay, di tích còn lưu rất nhiều tư liệu hiện vật quý giá chưa được khai quật, đây sẽ là nơi tiếp tục phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Đồng Đậu chứng minh cho giai đoạn lịch sử của người Việt cổ đang trên quá trình rời bỏ rừng núi để dần chiếm lĩnh vùng đồng bằng màu mỡ của vùng châu thổ sông Hồng, xác lập cuộc sống ổn định bởi một nền kinh tế nông nghiệp: Lấy việc trồng trọt chăn nuôi làm vai trò chủ đạo, kết hợp với những ngành nghề thủ công dần thành những nghề truyền thống được bảo lưu mãi muôn đời sau. Di tích khảo cổ học Đồng Đậu thực sự là một trong nhiều niềm tự hào của Vĩnh Phúc nói chung và Yên Lạc nói riêng - với vị trí là một trong những chiếc nôi đầu tiên của lịch sử loài người. (Nguồn: Yên Lạc- Lịch sử và phát triển- NXb QĐND - 2010) Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa tiếp nối Văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân - huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ văn hóa của tỉnh phát hiện 1962. Qua 6 lần khai quật phát hiện hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, gốm, xương sừng.. Nền văn hóa này có niên đại mở đầu khoảng thế kỷ XV - XIV TCN và chấm dứt thế kỷ X-IX TCN. Phú Thọ có một số địa điểm thuộc nền văn hóa này: Xóm Rền, Nội Gan - Kinh Kệ, Đồng Đậu con - Tứ Xã - Lâm Thao.. Đây là nền văn hóa quan trọng tương ứng với thời đại tiền Hùng Vương ở Việt Nam. Phát hiện các di chỉ thuộc nền văn hóa này lần nữa khẳng định Phú Thọ là một trong những cái nôi nền văn minh trong lịch sử: Văn minh Việt cổ. Đồ gốm trong Văn hóa Đồng Đậu: Người Đồng Đậu tiếp thu những kỹ thuật, thành tựu cư dân Phùng Nguyên trong chế tác đá và làm gốm thành những sản phẩm bình, bát, nồi vò.. Nhưng khác biệt ở chỗ người Đồng Đậu cải tiến trong loại hình đồ gốm miệng loe, bẻ xiên, vát mỏng hay trang trí hoa văn sóng nước bằng dụng cụ nhiều răng được gọi" bút kẻ khuôn nhạc "thành đặc trưng không thể thiếu của Văn hóa Đồng Đậu. Hoa văn trên gốm Đồng Đậu chủ yếu trang trí ở cổ hay ở vành mép miệng đồ gốm. Đặc trưng khác của gốm Đồng Đậu khác gốm Phùng Nguyên và gốm Gò Mun là gốm Đồng Đậu thường có dấu in đan lóng mốt trong một số loại đồ đựng thuộc loại đáy bằng. Về chất liệu gốm, nếu gốm Phùng Nguyên có màu đỏ, màu hồng nhạt thì gốm Đồng Đậu có màu xám và có độ nung cao hơn nhưng cơ bản vẫn mang yếu tố truyền thống là đất sét pha cát và bã thực vật. Trong các di chỉ Đồng Đậu xuất hiện rất phổ biến tượng đất nung: Tượng bò, tượng gà, tượng rùa.. Đồ đá trong Văn hóa Đồng Đậu: Về đồ đá họ cũng biết làm rìu đá, đục đá, mũi lao xương, khuyên tai có mấu, vòng tay bằng đá ngọc nhưng đồ đá trong Văn hóa Đồng Đậu không chau chuốt bằng đá Phùng Nguyên và ở Đồng Đậu đồ đá xuất hiện mũi tên ba cạnh, mặt cắt tam giác hay hạt chuỗi hình" gối quạ. " Qua những lần khai quật tại các di chỉ, các nhà khảo cổ học nhận định công cụ sản xuất đồ đá trong Văn hóa Đồng Đậu có chiều hướng giảm đi và được thay thế bằng đồ đồng. Truyền thống cư dân vùng Phú Thọ trồng lúa nước có từ thời kỳ Phùng Nguyên đến Đồng Đậu một lần nữa lại khẳng định điều này. Nhiều thóc gạo tìm thấy trong nhiều di chỉ và đặc biệt trong di chỉ Đồng Đậu tìm thấy dấu vết hạt gạo cháy. Đồ đồng Văn hóa Đồng Đậu: Văn hóa Phùng Nguyên khai quật các di chỉ cho thấy xuất hiện nhiều những cục xỉ đồng nhỏ như hạt ngô ở Gò Bông và một số mảnh đồng nhỏ chưa định hình tại Đoan Thượng.. thì đến Đồng Đậu công cụ bằng đồng đạt trình độ cao. Một bước phát triển đột biến như là cuộc cách mạng về luyện kim. Nhiều di chỉ phát hiện nồi nấu luyện đồng, lò nung, khuôn đúc các loại đơn hoặc kép. Hàng trăm mảnh khuôn, mảnh nồi nấu đồng, dấu vết lò nung, nhiều tiêu bản được xem như lõi của khuôn đúc, cùng các loại công cụ: Rìu xòe cân, giáo, lao, đao, mũi tên hai ngạnh, đũa, búa, lưỡi câu được chế tác hoàn chỉnh. Qua 6 lần khai quật tại các di chỉ Đồng Đậu tìm rất nhiều loại lưỡi câu đồng, cho thấy cư dân Đồng Đậu là những người đánh cá rất giỏi vì bộ lưỡi câu đồng tìm được với các kỹ thuật phức tạp: Từ đúc tạo que đến gia công rèn nguội, chặt ngạnh, chặt mũi uốn lỗ xỏ dây tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh như lưỡi câu ngày nay. Một số di chỉ khác của Đồng Đậu tìm rất nhiều xương răng các loài cá: Cá quả, cá chép, cá trắm, cá chiên, cá chuối chứng tỏ ưu thế về phương thức khai thác thủy sản trong đó có nghề câu cá ở thời kỳ này. Nông nghiệp Đồng Đậu: Nền nông nghiệp phát triển, kế thừa thành tựu chế tác đá gốm của người Phùng Nguyên cùng đỉnh cao kỹ thuật chế tác đồng đánh dấu phát triển xã hội cư dân Đồng Đậu. Việc khai thác các di chỉ mộ táng cho hiểu biết hơn về tổ chức xã hội cũng như thế giới tinh thần cư dân Đồng Đậu như khai quật mộ táng đơn hay mộ song táng (2 cá thể) dùng đất sét làm nền quan tài. Văn hóa Đồng Đậu được GS Hà Văn Tấn khẳng định: " Đó là văn hóa của những người luyện kim, chế tác kim loại điêu luyện và lành nghề. Đó là văn hóa của những người thợ gốm tài hoa, tạo tác những khối lượng động vật độc đáo. Chế tác những đồ gốm kích thước lớn, trang trí hoa văn đẹp mang phong cách riêng thời đại mình đang sống. Và đó là văn hóa những người biết phát huy, kế thừa những thành quả của cha ông thời Phùng Nguyên để bồi đắp, tạo lập thế hệ mới phát triển cao hơn, biết chọn điểm nhấn quan trọng. Quyết định đến tồn vong của cộng đồng là luyện kim và đúc đồng bên cạnh nghề chế tác đá truyền thống.." Hiện nay tại Bảo tàng Hùng Vương trưng bày giới thiệu một số bộ sưu tập hiện vật Đồng Đậu. Cùng các vấn đề làm sáng tỏ Văn hóa Đồng Đậu, còn rất nhiều câu hỏi mở như: Dấu vết cư trú cư dân Đồng Đậu, vấn đề cư trú, vấn đề phân chia giai đoạn nền văn hóa này.. đang chờ các bạn tìm hiểu và giải đáp trong tương lai. Nguồn: Web covatvietnam Khoảng 3070 năm trước: Có Văn hóa Đồng Đậu (thuộc xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, Tỉnh Vĩnh Phúc) thuộc trung kỳ thời đại đồng thau ở nửa sau thiên niên kỷ thứ IV TCN. Đây là giai đoạn kế tiếp phát triển cao hơn so với giai đoạn trước. Nếu ở Phùng Nguyên, con người mới biết đến kỹ thuật luyện kim thì ở Đồng Đậu kỹ thuật luyện kim thực sự phát triển. Trong các di chỉ thuộc Văn hóa Đồng Đậu, hiện vật bằng đồng thau chiếm khoảng 20% số công cụ và vũ khí mới nhiều loại hình phong phú như rìu, mũi lao, mũi tên, lưỡi câu, dũa.. Người ta để lại dấu vết các làng nông nghiệp trồng lúa, chăn nuôi, săn bắt, làm đồ gốm và các nghề thủ công khác. Địa bàn phân bố Văn hóa Đồng Đậu phát hiện tại Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.. Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 10. Nguồn: Web lichsuvietnam Còn tiếp
Đồng Đậu - một di tích tiêu biểu thời tiền sơ sử. "Đồng Đậu" Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm trọn trên Gò Đậu thuộc thôn Đông Hai, xã Vĩnh Mỗ, tổng Đông Lỗ, huyện Yên Lạc (sau này đổi là Xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Di chỉ phát hiện 1962, từ khi được phát hiện đến 1999, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ khai quật 6 lần. Trong đó Viện Khảo cổ học khai quật 3 lần, Viện Bảo tàng Lịch sử (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) khai quật 2 lần. Bộ môn Khảo cổ học thuộc khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai quật 1 lần, với tổng diện tích 758m2. Qua các đợt khai quật, nhiều loại hình di tích và hàng ngàn hiện vật tìm thấy như: Đồ gốm; công cụ sản xuất; vũ khí; đồ trang sức; đồ dùng sinh hoạt bằng đá, bằng đồng; xương sừng; tượng hình tròn, hình động vật được nặn bằng đất nung.. Ngoài ra còn phát hiện có nhiều hạt lúa gạo cháy thuộc từ lớp Văn hóa Phùng Nguyên – chứng tỏ nghề trồng lúa nước và chăn nuôi có từ rất sớm ở buổi đầu dựng nước của các Vua Hùng. Đợt I: Từ 11-1965 đến 3-1966, Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật lần thứ nhất tại di tích Đồng Đậu. Đợt khai quật này thực hiện với hai mục đích. Thứ nhất để tìm hiểu về diễn biến địa tầng, tính chất, niên đại, chủ nhân, đặc trưng của di tích. Thứ hai, kết quả khai quật sẽ góp phần vào nghiên cứu giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại đồ sắt. Trong tầng văn hóa dày từ 2, 6 – 3, 2m, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều di tích như: Bếp, nền đất đắp, mộ cổ, hố đào.. Đặc biệt là thu một sưu tập di vật gồm trên 800 hiện vật. Trong đó, đồ đá có: Rìu, bôn, đục, dao, chày, bàn nghiền, bàn đập, bàn mài, vòng trang sức, hạt chuỗi. Đồ đồng có: Rìu, đục, dùi, cán dao, mũi tên, lưỡi câu, dây, kim cùng nhiều xỉ đồng. Đồ gốm có: Nồi, vò, chậu, bát, bình, chân chạc, dọi xe chỉ; bi, tượng động vật bằng đất nung.. Ngoài ra còn phát hiện những mảnh gốm mang những đặc trưng văn hóa khác nhau. Qua diễn biến tầng văn hóa và các hiện vật khai quật được, các nhà nghiên cứu nhận thấy tầng văn hóa có những diễn biến khác nhau, hiện vật trong lớp văn hóa có những sự khác biệt. Nhưng đáng chú ý là đồ gốm ở đây (từ loại hình đến hoa văn) đều có quan hệ với nhau, đồ gốm của lớp văn hóa trên giống đồ gốm lớp văn hóa dưới, gốm lớp trên là phát triển của gốm lớp dưới. Kết quả đợt khai quật lần thứ nhất này giúp chúng ta hiểu được bước đầu về di tích này, đồng thời đóng góp khối tư liệu quan trọng để nghiên cứu về thời đại kim khí. Đợt II: Do ông Lưu Trần Tiêu và ông Phạm Văn Kỉnh – cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tiến hành, khai quật từ cuối tháng 4 tới tháng 6 năm 1967. Khai quật đợt này cho thấy: Trong tầng văn hóa "rất dày" phát hiện nhiều hiện vật và các dấu tích hoạt động khác của con người. Đặc biệt là lần đầu thấy dấu vết lò đúc đồng, bên cạnh là 3 khuôn đúc rìu còn khá nguyên vẹn. Hiện vật rất phong phú. Đồ đá có rìu, bôn, qua, dao, hạt chuỗi và vòng. Đồ xương có mũi nhọn, dao. Đồ đồng có đục, dùi, mũi tên. Đồ gốm có dọi xe chỉ và nhiều mảnh đồ gốm các loại. Đợt khai quật lần hai này phát hiện thêm một số di tích, di vật mới như: Vết tích lò nấu đồng, qua đá, dao đá.. Đợt III: 12-1968 đến 5-1969, Viện Khảo cổ học trở lại khai quật di tích Đồng Đậu với mục đích làm rõ hơn các vấn đề khoa học được nêu trong đợt khai quật lần trước về phân bố: Các lớp đất, các tầng văn hóa, về phát triển các di vật cũng như mối quan hệ từ giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên đến giai đoạn Văn hóa Gò Mun. Đây là cuộc khai quật có quy mô lớn nhất. Quá trình khai quật có nhiều: Cán bộ văn hóa, khoa học, giáo dục, hoạt động chính trị đến hiện trường tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt là Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đến tham quan. Đợt khai quật này, phát hiện rất nhiều di tích như nền đất sét vàng, bếp, hố đào và lần đầu tiên phát hiện mộ táng tại di tích Đồng Đậu. Mộ chôn trong khu vực cư trú, sát bề mặt sinh thổ. Di vật phát hiện được không chỉ nhiều về số lượng mà còn rất phong phú, đa dạng về chất liệu và loại hình. Qua những lớp đất từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn, qua các di tích và di vật, các nhà nghiên cứu khảo cổ xác định rõ phát triển liên tục của 3 tổ hợp văn hóa, khởi đầu từ Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun. Nhờ những phát hiện này chúng ta có thêm những căn cứ chắc chắn chứng minh cho nền văn hóa dân tộc ta là nền văn minh có nguồn gốc từ lâu đời và mang tính bản địa. Đợt IV: Từ tháng 3 đến 5-1984, ban kim khí thuộc Viện Khảo cổ học và ông Nguyễn Anh Tuấn – cán bộ Bảo tàng Phú Thọ đã khai quật. Với mục đích để thu thập thêm tư liệu nhằm làm sáng tỏ những mặt cơ bản của nền văn minh Việt cổ thời dựng nước. Kết quả khai quật cho thấy định cư của cư dân Đồng Đậu là liên tục và khá lâu dài. Tầng văn hóa phát hiện nhiều di tích hố cột, nền nhà, hố đào, bếp lò, lò đúc đồng và phát hiện 2 mộ, 1 mộ thuộc giai đoạn Gò Mun, 1 mộ thuộc giai đoạn Đông Sơn. Mộ thuộc giai đoạn Gò Mun chôn trên nền đất sét vàng nện khá chặt, cẩn thận. Đặc biệt là khu chế tạo đồ đồng riêng với khu sinh hoạt, bếp lửa. Di vật trong tầng văn hóa cũng khá phong phú. Ngoài ra tìm thấy một số vết tích nghề luyện kim ở lớp Văn hóa Phùng Nguyên. Qua những tư liệu thu thập, qua đợt khai quật này và các đợt khai quật trước đó chứng minh thuyết phục là nghề luyện kim thực sự mang tính bản địa. Ngoài ra còn tìm thấy chứng tích xác thực nghề nông nghiệp trồng lúa, chăn nuôi và nghề làm vườn với những hạt thóc cháy, xương động vật và hạt các loại cây ăn quả. Đợt V: 3-1987, bộ môn khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp (nay trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc khai quật. Đợt khai quật này làm rõ hơn diễn biến tầng Văn hóa Đồng Đậu. Kết quả phân tích tài liệu gốm của đợt khai quật này cho thấy 2 lớp trung gian chuyển tiếp từ Văn hóa Phùng Nguyên sang Văn hóa Đồng Đậu và từ Văn hóa Đồng Đậu sang Văn hóa Gò Mun, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nghề đúc đồng xuất hiện từ lớp văn hóa sớm nhất. Đợt VI: 12-11 đến 30-12-1999. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) phối hợp Sở Văn hóa Thông tin Thể thao và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc khai quật. Tìm hiểu sâu hơn về di tích Văn hóa Đồng Đậu nhằm hoàn thiện hồ sơ tiến tới đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia cho di tích Đồng Đậu và bổ sung thêm sưu tập hiện vật cho công tác trưng bày của Bảo tàng. Kết quả khai quật và thám sát cho thấy kết cấu địa tầng các hố ở Gò Đồng Đậu khá giống nhau về quá trình hình thành và nội dung văn hóa. Đặc biệt trong lớp văn hóa sát lớp sinh thổ phát hiện 2 mộ táng, trong đó 1 mộ di cốt còn khá nguyên vẹn. Di vật thu được ở đây rất phong phú. Đồ đá có rìu, bôn, đục, dao, bàn đập, bàn mài, mảnh khuôn đúc, mũi tên, hòn kê, vòng, khuyên tai, hạt chuỗi, mảnh tước, lỗi vòng. Đồ đồng có 6 đồng tiền niên hiệu "Khai Nguyên Thông Bảo" phát hiện trong hố thám sát, ngoài ra cón có mũi dùi, mũi tên, lao, lưới câu, chuôi.. Đồ xương có mũi tên, lao, mũi nhọn, mảnh vòng, bùa, vật sừng hình chữ Y. Đồ gốm có nồi, bát, bình, dọi xe chỉ, bàn dập hoa văn, bi gốm, tượng động vật, lõi khuôn, chạc gốm và các mảnh gốm vỡ. Dấu tích động thực vật phát hiện trong đợt khai quật này rất đa dạng về chủng loại. Có thể nói kết quả khai quật lần 6 này giúp hiểu toàn diện hơn về di tích khảo cổ học Đồng Đậu. Diễn biến địa tầng với các lớp văn hóa sớm muộn kế tiếp nhau chứa đựng các dấu tích của người xưa cùng với các loại hình hiện vật càng khẳng định: Di tích Đồng Đậu là di tích tiền Đông Sơn rất quan trọng, nơi cư trú lâu dài và liên tục của người Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun. Đặc biệt, việc phát hiện, nghiên cứu những mộ táng, các dấu tích động thực vật, cũng như việc xác định niên đại làm rõ hơn các vấn đề: Chủ nhân, môi trường sống và niên đại của di tích. Niên đại Văn hóa Đồng Đậu được các nhà nghiên cứu thống nhất khoảng 3500 – 3000 năm cách ngày nay. Các hiện vật gốm phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Di cốt người thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Di tích Đồng Đậu phát hiện và nghiên cứu cho thấy tuy diện tích khai quật còn nhỏ so quy mô diện tích. Nhưng nguồn tư liệu thu thập từ các đợt khai quật, thám sát rất đồ sộ và phong phú. Nguồn tư liệu giúp từng bước phác họa bức tranh đa diện, sinh động về một làng cổ thời Hùng Vương. Đặc biệt nhờ khối tư liệu thu thập được ở di tích Đồng Đậu, các nhà khoa học phục dựng chân thực, khách quan, khoa học con đường phát triển của các nền Văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng. Lê Thị Huệ (tổng hợp). Nguồn: - Hoàng Xuân Chinh, Bùi Hữu Tiến. Đồng Đậu thời tiền sơ sử. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Vĩnh Phúc năm 2010. - Ngô Thế Phong, Nguyễn Mạnh Thắng. Thông báo khoa học 2002, Kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu lần thứ 6 (Yên Lạc –Vĩnh Phúc). Nguồn: Web baotanglichsu Hoa văn gốm Văn hóa Đồng Đậu Đồng Đậu, gò đất nổi cao như bao gò đất khắp đồng quê khác, sau mấy mùa khai quật khảo cổ trở nên nổi tiếng, thân quen với những người muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc thời dựng nước. Đó là di tích Đồng Đậu, tầng Văn hóa Đồng Đậu, giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của di tích Đồng Đậu, Văn hóa Đồng Đậu đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Với tầm quan trọng đó, những năm qua, ngoài những bản báo cáo các đợt khai quật, có không ít các cuộc hội thảo và công trình nghiên cứu liên quan đến Đồng Đậu như cuốn: Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu xuất bản năm 1983, cuốn Đồng Đậu di tích tiêu biểu thời tiền sơ sử xuất bản năm 2010 và cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hóa Đồng Đậu 40 năm phát hiện và nghiên cứu xuất bản năm 2003. Đó là chưa kể đến nhiều bản luận văn Cử nhân, Thạc sĩ lấy đề tài từ di tích Đồng Đậu. Những công trình này cung cấp tư liệu và góp phần nghiên cứu toàn diện về di tích Đồng Đậu và Văn hóa Đồng Đậu. Công trình Hoa văn gốm Văn hóa Đồng Đậu, tác giả Bùi Hữu Tiến tập trung khảo cứu chuyên sâu về hoa văn trên đồ gốm Văn hóa Đồng Đậu. Về không gian thì mở rộng ra toàn bộ Văn hóa Đồng Đậu, nhưng đối tượng nghiên cứu chỉ hạn chế trong hoa văn trang trí trên đồ gốm. Tác giả tập trung vào đồ gốm vì đồ gốm dễ vỡ, thời gian sử dụng không dài, việc vận chuyển đi xa khó khăn nên chúng phản ánh rất rõ tính chất văn hóa từng quần thể cư dân nhỏ trong những thời gian tương đối ngắn. Mà trong đồ gốm, kiểu dáng và hoa văn trang trí vừa thể hiện khiếu thẩm mỹ của cá nhân thợ gốm vừa thể hiện bộ mặt văn hóa tinh thần cả cộng đồng cư dân bấy giờ. Thiết nghĩ, tác giả khéo chọn một đối tượng nghiên cứu nhỏ, nhưng những vấn đề khoa học toát ra lại thật lớn và nhiều ý nghĩa. Công trình này, tác giả đề cấp đến nhiều vấn đề về hoa văn trang trí trên gốm Văn hóa Đồng Đậu, từ kỹ thuật sáng tạo đến phân loại các đồ án hoa văn cùng ý nghĩa của chúng, từ giá trị kinh tế đến ý thức tôn giáo được phản ánh qua các loại hoa văn. Tác giả còn so sánh hoa văn gốm Văn hóa Đồng Đậu với hoa văn gốm loại hình Thạch Lạc, loại hình: Gò Mả Đống - Gò Con Lợn, Văn hóa Hoa Lộc, Văn hóa Hạ Long, Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Gò Mun. Nêu lên những cái giống và khác nhau giữa hoa văn các loại gốm đó cùng mối quan hệ giữa chúng. Những vấn đề nêu ra cũng được tác giả luận thuật khá cẩn thận, tỉ mỉ. Tác giả Bùi Hữu Tiến cộng tác với tôi trong công trình Đồng Đậu di tích tiêu biểu thời tiền sơ sử đã nhiều năm: Tâm huyết, say mê, làm việc nghiêm túc với tư liệu không chỉ di tích Đồng Đậu mà cả Văn hóa Đồng Đậu, nên tôi tin những tư liệu, những ý kiến khoa học được nêu ra là có căn cứ, có sức thuyết phục. Với những lý do trên, tôi nghĩ đây là công trình rất bổ ích, lý thú cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử thời dựng nước đầu tiên của dân tộc: Thời Văn Lang của các Vua Hùng và Âu Lạc của An Dương Vương. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Văn hóa Đồng Đậu (1962-2012), tôi xin hân hạnh giới thiệu công trình Hoa văn gốm Văn hóa Đồng Đậu với đông đảo bạn đọc xa gần. TS. Hoàng Xuân Chinh (nguyên Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) Nguồn: Web ussh.vnu. Edu Văn hóa tiền Đông sơn: Văn hóa Đồng Đậu Văn hóa Đồng Đậu phát hiện năm 1962 tại Đồng Đậu (Minh Tân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Địa bàn phân bố của nền văn hóa này về cơ bản trùng hợp với địa bàn cư trú của cư dân Phùng Nguyên. Người Đồng Đậu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du Bắc Bộ thuộc các tỉnh: Phú Thọ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh với nền kinh tế khá ổn định và phát triển dựa nông nghiệp trồng lúa và các cây hoa màu. Vết tích thóc gạo cháy, xương thú và những công cụ săn bắn như: Giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu bằng xương, đá và bằng đồng phát hiện khá nhiều trong những di chỉ thuộc nền văn hóa này chứng tỏ ngoài sản xuất nông nghiệp cư dân thời này vẫn duy trì hình thái kinh tế săn bắn và hái lượm. Đặc biệt, thời này kỹ thuật luyện kim và đúc đồng khá phát triển. Nhiều dấu tích nghề đúc đồng đã phát hiện ở hầu hết các di chỉ như xỉ đồng, mảnh khuôn đúc rìu, mũi tên, trống đồng, phế phẩm và những sản phẩm công cụ bằng đồng hoàn chỉnh như lưỡi câu, mũi tên, mũi nhọn, lao, giáo.. Một số lượng lớn đồ trang sức bằng đá và những băng hoa văn trang trí độc đáo trên đồ gốm chứng tỏ đời sống tinh thần người Đồng Đậu hết sức phong phú với trình độ thẩm mỹ cao. Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu phân bố trên quả gò thấp thuộc thôn Đông Hai, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Di chỉ rộng chừng 85.000m2, phát hiện 2-1962 và đã qua 6 lần khai quật 1965-1966, 1967, 1968-1969, 1984, 1987 và 1999. Diện tích 6 lần khai quật là 758m2. Như vậy phần lớn Gò Đồng Đậu hiện nay còn khá nguyên vẹn chưa được khai quật. Đây là di chỉ khảo cổ học được bảo vệ tốt nhất ở miền Bắc nước ta từ trước đến ngày nay. Dù diện tích khai quật còn ít so toàn bộ diện tích gò nhưng với số lượng và loại hình hiện vật phong phú của 6 lần khai quật đủ để khẳng định gò Đồng Đậu là di chỉ khảo cổ học quan trọng bậc nhất về thời đại kim khí ở nước ta. Di chỉ này phân bố trên tầng văn hóa dày (có chỗ hơn 4m) bao gồm 4 lớp: Lớp dưới cùng thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, lớp giữa thuộc Văn hóa Đồng Đậu và lớp trên thuộc Văn hóa Gò Mun. Đồng thời trên cùng tìm thấy nhiều loại hình công cụ Văn hóa Đông Sơn. Nên có thể nói di chỉ Gò Đồng Đậu là tiêu biểu diễn trình phát triển 4 giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau liên tục thời các Vua Hùng. Khai quật Đồng Đậu thu nhiều loại hình di vật rất phong phú với hàng vạn mảnh gốm thuộc các giai đoạn văn hóa khác nhau. Nhiều công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức bằng đá, xương, sừng và bằng đồng; nhiều xương răng cá và thú vật; nhiều tượng tròn hình động vật: Trâu, bò, chim, gà nặn bằng đất nung và nhiều hạt lúa gạo cháy từ lớp Văn hóa Phùng Nguyên - chứng tỏ nghề trồng lúa nước và chăn nuôi ở đây có rất sớm từ thời đầu dựng nước của các Vua Hùng. Đặc biệt lần khai quật thứ 6 (1999) cho thấy ở đây vừa là nơi cu trú, vừa là khu mộ táng. Một hố thám sát nhỏ, ở lớp Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện huyệt mộ, trong có bộ xương người còn bảo tồn tương đối tốt. Tử thi táng ở tư thế nằm ngửa, mặt nghiêng sang trái, tay phải đeo vòng đá to (vòng đá Phùng Nguyên) khá điển hình. Đây là bộ di cốt người thời Văn hóa Phùng Nguyên còn khá nguyên vẹn tìm thấy đầu tiên ở nước ta, giúp các nhà khảo cổ học - nhân chủng có điều kiện nghiên cứu về nhân chủng, tập quán tín ngưỡng, nghề nghiệp.. của dân cư giai đoạn này. Di vật: Đồ đá vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể. Có thể thấy suy thoái về chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác. Kỹ thuật luyện kim đúc và chế tác đồ đồng có phát triển đột biến. Loại hình phong phú như rìu, giáo, lao, mũi tên các loại hình lá ba cạnh có chuôi hoặc không có chuôi, dũa, đục, dao khắc, lưỡi câu, búa đồng (hay chuôi dao). Đồ đồng chế tác tại chỗ. Hầu hết ở các khu di tích Văn hóa Đồng Đậu đều tìm thấy dấu vết nghề đúc, luyện đồng như khuôn đúc, nồi nấu đồng.. những mảnh khuôn này thuộc loại khuôn hai mảnh bằng đá hoặc bằng đất nung mà vật đúc hết sức đa dạng. Tại Thành Dền bên cạnh khuôn đúc còn tìm thấy 20 mảnh nồi nấu đồng, dấu tích 4 lò nung nấu đồng và hàng trăm xỉ, gỉ đồng, Thành Dền tới nay được coi là trung tâm đúc đồng lớn của Văn hóa Đồng Đậu. Quy mô nghề luyện đồng ở Đồng Đậu có lẽ không lớn - theo kiểu hộ gia đình trong một làng. Đợt khai quật Đồng Đậu lần 4 tìm thấy vết tích lò nấu đồng nhỏ với xỉ, mảnh nồi, khuôn đúc bằng đất nung. Có lẽ chưa có thợ "chuyên", và nghề đúc đồng cũng chưa được chuyên hóa. Cư dân Đồng Đậu làm nông nghiệp. Họ làm ruộng nước và ruộng khô quanh nơi cư trú. Điều kiện khí hậu và môi trường rất thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp đa canh, nguồn gốc từ Văn hóa Phùng Nguyên. Nguồn Web diepdoan violet Đại khái, cách nay khoảng ba mươi mấy thế kỷ, người Phùng Nguyên bỗng thôi ra sức đẽo đục cưa mài đá mà bắt đầu bỏ rất nhiều thì giờ và công lao động vào việc tìm đào quặng, nấu, rót.. Loay hoay đúc đồng được ít lâu, họ hóa thành người.. Đồng Đậu! Tiếc môi trường tự nhiên khắc nghiệt với xương quá, nên đến thời Đồng Đậu vẫn là tình trạng "đồ" còn la liệt đây mà chủ của đồ thì chỉ một cái sọ còn "nghiên cứu được" cũng không sao tìm thấy.. (Thu Tứ) Nguyễn Duy Hinh, "Văn hóa Đồng Đậu" Văn hóa Đồng Đậu lấy tên di chỉ Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện năm 1962. Đã phát hiện 37 địa điểm. Các di tích Đồng Đậu phân bố về cơ bản trùng hợp địa bàn của Văn hóa Phùng Nguyên, nhưng mở rộng về phía đồng bằng. Văn hóa Đồng Đậu có địa bàn trải rộng từ đồi núi trung du tới miền cao đồng bằng Bắc Bộ, gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Văn hóa Đồng Đậu phát triển từ Văn hóa Phùng Nguyên lên. Đồ đá, đồ gốm không tinh xảo bằng Văn hóa Phùng Nguyên. Đặc trưng rất cơ bản Văn hóa Đồng Đậu là kỹ thuật luyện kim và chế tác đồ đồng thau bắt đầu phát triển mạnh. Phát hiện những đồ đồng như rìu, giáo, lao, mũi tên, dũa, đục, dao khắc, mũi nhọn, lưỡi câu, búa, dây đồng, khuôn đúc bằng đá và bằng gốm, nồi rót đồng, lò nấu đồng. Rìu đồng có 3 loại: Rìu hình chữ nhật, rìu xòe cân, rìu lưỡi hơi lệch. "Ở hầu hết các khu di tích thuộc Văn hóa Đồng Đậu như Đồng Đậu (lớp II), Đồng Dền, Đông Lâm, Đồi Đà (lớp dưới).. đều thấy khuôn đúc và nồi rót đồng. Những mảnh khuôn này thuộc loại khuôn hai mang bằng đá hoặc bằng đất nung, dùng đúc rìu, mũi tên, mũi giáo, mũi nhọn hay dây đồng để chế tạo kim khâu, lưỡi câu. Cá biệt có khuôn dùng đúc 2 mũi tên cánh én như ở Đồng Đậu hay vài khuôn đúc 2 hay 3 mũi lao hoặc đúc thìa như ở Thành Dền. Tại di chỉ Thành Dền, rất tiêu biểu cho Văn hóa Đồng Đậu ở giai đoạn phát triển cao, chỉ trong 2 mùa khai quật: 1983, 1984, phát hiện tới 46 mảnh khuôn đúc đủ loại, bằng đá là chính và bằng gốm, 20 mảnh nồi nấu đồng, 4 lò nấu đồng và 146 nơi có vết tích xỉ đồng. Dấu vết hoạt động đúc đồng ở Thành Dền phong phú hơn ở bất cứ khu di tích nào thuộc Văn hóa Đồng Đậu mà ta đã biết." (tr. 109) Văn hóa Đồng Đậu được 9 mẫu C14 giúp định niên đại. "Dựa kết quả nghiên cứu diễn biến về mặt địa tầng cùng những di vật trong các di tích thuộc Văn hóa Đồng Đậu với hỗ trợ của phân tích C14. Chúng tôi cho rằng Văn hóa Đồng Đậu bắt đầu quãng thế kỷ XV-XIV TCN (.) và kết thúc vào thế kỷ X-IX TCN" (tr. 122) Di cốt người của Văn hóa Đồng Đậu không nghiên cứu được. Người Đồng Đậu làm ruộng nước và ruộng khô, cư trú thành làng. Tuy vậy vẫn săn bắt và hái lượm để bổ sung thực phẩm. Nổi bật là họ luyện đồng và chế tác đồ đồng rất tiến bộ, tuy nhiên những vật đúc đều là vật nhỏ như rìu, mũi tên, chưa có những đồ đồng lớn. (Trích Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, NXB. VHTT, VN, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn dẫn sách Khảo Cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt) Nguồn: Web gocnhin Còn tiếp
Văn hóa Gò Mun ước chừng từ 1.000 - 700 TCN, thuộc cuối thời kỳ đồ đồng. Nền văn hóa này đặt tên theo địa điểm 1961 các nhà khảo cổ học khai quật nhiều di chỉ của văn hóa này (gò Mun, xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). "Văn hóa Gò Mun" Văn hóa Gò Mun nhìn nhận như nền văn hóa tiền Văn hóa Đông Sơn. Thời này, người Việt cổ có những chuyển biến rõ rệt về xã hội phức tạp và giàu có, thúc đẩy ra đời nhà nước sơ khai của người Việt. Khám phá Rời Đồng Đậu và các di chỉ đồng dạng, chúng ta hãy đi thăm Gò Mun cùng với hơn 10 địa điểm khảo cổ khác thuộc giai đoạn: Văn hóa Gò Mun phân bố trên địa bàn về cơ bản phù hợp địa bàn các địa điểm thuộc những giai đoạn trước. Đó là Bãi Dưới, Vinh Quang, Đình Tràng, Đồng Lâm, Nội Gầm.. thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nội. Người Gò Mun thích ở trên những gò đồi cao nổi lên giữa vùng đồng bằng và trung du. Họ bắt đầu thích tập trung ở những vùng chân gò, những vùng gò thấp ven các sông Hồng, Cầu, Đáy, Cà Lồ.. Cuộc sống định cư lâu dài của họ để lại những tầng văn hóa khá dày. Đến giai đoạn Gò Mun, công cụ và vũ khí đồng thau chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số công cụ và vũ khí, với các loại mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, dao, giáo, dây, kim, dũa, dùi, đục. Loại rìu lưỡi xéo xuất hiện dưới dạng hoàn chỉnh với mũi rìu hơi chúc và lưỡi hơi cong. Đồ đồng thau Gò Mun sử dụng vào sản xuất nông nghiệp: Những lưỡi hái phát hiện; những rìu cũng sử dụng như những nông cụ. Đồng thau dùng làm đồ trang sức: Vòng tay được uốn bằng những dây đồng. Đồ gốm Gò Mun có độ dày rất đều, độ nung cao (khoảng 900°C) ; có mảnh nung gần thành sành. Gốm có màu xám xanh, xám mốc. Thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật có từ giai đoạn Đồng Đậu. Các miệng gốm Gò Mun thường bẻ loe ra, nằm ngang, rộng bản, góc tạo thành giữa cổ và thân thường là góc nhọn. Những loại hình thường gặp là các loại nồi, các loại vò, bình cổ cao, chậu, âu, bát đĩa, cốc. Chân đế có xu hướng thấp dần, loại đáy bằng xuất hiện, hình dáng ổn định, thanh thoát. Ngoài ra còn có các loại bi, dọi xe chỉ, chì lưới. Loại hoa văn độc đáo và phổ biến của gốm Đồng Đậu là hoa văn nan chiếu, và hoa văn khắc vạch: Những đường nét này phối trí hài hòa với những vòng tròn nhỏ tạo những đồ án sinh động kết thành dải quây vòng phủ kín miệng gốm, làm thành đặc trưng chủ yếu hoa văn gốm Gò Mun. Kỹ thuật chế tác đá đang trên bước đường suy thoái. Đó là do phong phú và phát triển nghề luyện kim đồng thau. Những cái hái bằng đồng thau phát hiện ở nhiều nơi nói lên phát triển và hoàn thiện của nông nghiệp trồng lúa. Hợp kim đồng thau để đúc hái có 89% đồng và 0, 1% thiếc với những vết chì. Trong những công cụ đồng thau dùng để thu hoạch hoa màu của người xưa ở thiên niên kỷ thứ 2 TCN, loại hái Gò Mun lưỡi cong, có gờ ở giữa, họng tra cán hình chóp cụt là có hình dáng hoàn thiện và tiến bộ hơn cả. Lần đầu tiên những mũi tên đồng thau xuất hiện, với loại hình đa dạng và số lượng nhiều. Đòi hỏi những tiến bộ về kỹ thuật và phải có khối lượng nguyên liệu lớn để đáp ứng đủ nhu cầu, vì mũi tên một lần bắn đi là mất "một đi không trở lại." Truyền thống giỏi cung nỏ của người Việt cổ khiến quân xâm lược ở đầu Công Nguyên phải khiếp sợ và khâm phục, vốn có một gốc rễ lâu bền từ giai đoạn Gò Mun này. Phát triển nghề thủ công luyện kim có ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp, thúc đẩy hoàn thiện các nghề thủ công khác - trừ nghề làm đồ đá. Những mũi giáo gỗ phát hiện ở giai đoạn Gò Mun cho biết nghề làm đồ gỗ - một nghề cũng có truyền thống xa xưa như nghề làm đồ đá - vẫn tiếp tục tồn tại và cải tiến. Người Gò Mun sống bằng nghề làm ruộng trồng lúa nước là chính, đồng thời họ cũng là những người chăn nuôi, săn bắn, đánh cá. Đây là cung cách làm ăn tiến bộ, cách làm ăn của mọi dân cư ở những vùng trung tâm nông nghiệp của thế giới cổ đại. Hiện vật khảo cổ cho thấy rõ: Giai đoạn Gò Mun phát triển trực tiếp lên từ giai đoạn Đồng Đậu và có mối liên hệ chặt chẽ với các giai đoạn phát triển trước đó. Đồng thời giai đoạn Gò Mun chứa những tiền đề vật chất cho phát triển giai đoạn cao hơn vào cuối thời đồng thau và đầu thời đồ sắt ở nước ta: Văn hóa Đông Sơn. Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun: 3 giai đoạn lớn của thời đại đồng thau trong đó cư dân nông nghiệp Việt cổ, người Phùng Nguyên, người Đồng Đậu, người Gò Mun ở vùng đồng bằng và trung du: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từng bước chế ngự thiên nhiên, làm ruộng lúa, phát huy tính ưu việt nền kinh tế nông nghiệp. Bước vào chế độ dòng cha, làm chủ vùng tam giác châu thổ sông Hồng, mở đường cho giai đoạn văn hóa rực rỡ, đỉnh cao thời đại dựng nước: Giai đoạn Đông Sơn. Trích từ: Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước Di vật Phân bố trên cùng địa bàn với Văn hóa Phùng Nguyên và Văn hóa Đồng Đậu trước đó, trong các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây và Hà Nội, chủ nhân Văn hóa Gò Mun là cư dân nông nghiệp. Công cụ và vũ khí bằng đồng khá đa dạng, gồm rìu, liềm, dao, giáo, lao, mũi tên.. Đồng cũng được dùng làm chuông, vòng tay, khuyên tai, trâm cài và tượng động vật. Đồ gốm có độ nung cao. Phổ biến nhất là các loại bình, nồi có miệng loe gãy và trang trí hoa văn khắc vạch phía trong miệng. Văn hóa Gò Mun phát triển lên từ Văn hóa Đồng Đậu và tồn tại trước Văn hóa Đông Sơn, khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ VII TCN. Nguồn Web wikipedia Văn hóa Gò Mun! Văn hóa Gò Mun lấy tên địa danh đầu tiên phát hiện được là Gò Mun - xã Tứ Xã - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ. Văn hóa Gò Mun cách ngày nay 2500-3000 năm, nền văn hóa hậu kỳ thời đồng thau và tiền Đông Sơn (sơ kỳ đồ sắt). Phân bố ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, trùng địa bàn phân bố của Văn hóa Đồng Đậu và Văn hóa Phùng Nguyên. Đó là các địa điểm Bãi Dưới, Vinh Quang, Đình Tràng, Đồng Lâm, Nội Gầm.. thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội. Trên địa bàn Phú Thọ có 14 địa điểm di tích Văn hóa Gò Mun như các di chỉ: Gò Mun, Gò Chiền, Gò Tro Trên, Gò Tro Dưới.. phân bố trong các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Đoan Hùng.. Sự thống nhất và tương đồng về các mặt như cảnh quan nơi cư trú, phạm vi địa tầng, các di tích và di vật.. đều phản ánh cộng đồng cư dân tồn tại thực sự trong không gian và thời gian ở lưu vực sông Hồng. Điều đó trái với một số nhận định trước đây cho rằng Văn hóa Gò Mun chỉ như một "bản lề", một "khâu chuyển tiếp" hay một điểm "giao thời", "đệm" cho Văn hóa Phùng Nguyên – Đông Sơn. Các hiện vật thu được tại di chỉ khảo cổ Gò Mun: Tại di chỉ khảo cổ Gò Mun tiêu biểu nhất cho Văn hóa Gò Mun, qua 4 lần khai quật: 1961, 1965, 1969, 1971 các nhà khảo cổ học thu được hàng vạn hiện vật bao gồm: Đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm với đủ loại các loại hình khác nhau. Hiện vật đá: Qua 4 lần khai quật thu được 231 tiêu bản trong đó đáng chú ý là các loại hiện vật như rìu, đục, bàn mài, chì lưới, vòng tay, khuyên tai, khánh.. Hiện vật đồng với tổng số 340 hiện vật là các loại hình như rìu, liềm, đục, mũi tên, mũi lao, giáo, lưỡi câu.. ; hiện vật gốm thời này có dọi xe sợi, nồi, vò, mảnh gốm, chân chạc.. Hiện vật Văn hóa Gò Mun khá đa dạng về loại hình và chất liệu: Hiện vật công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí chiến đấu, tác phẩm nghệ thuật làm từ chất liệu đồng, gốm, đá.. Trong số đó các công cụ và vũ khí bằng đồng chiếm số lượng chủ yếu. Giai đoạn này, các nhà nghiên cứu khảo cổ học tìm thấy các loại mũi tên, mũi giáo, rìu lưỡi xéo, kim, dùi đục, lưỡi câu.. Qua đó cho biết người Gò Mun không chỉ có các công cụ phục vụ sản xuất mà còn có công cụ phục vụ chiến đấu, săn bắn. Giai đoạn Gò Mun lần đầu xuất hiện mũi tên bằng đồng thau, đa dạng về loại hình và giàu có về số lượng. Thông quá đó cho thấy khéo léo cư dân Việt cổ trong kỹ thuật chế tác kim khí và là tiền đề cho truyền thống nghệ thuật quân sự (sử dụng cung nỏ trong chiến đấu) mà các giai đoạn sau tiếp thu trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nghề luyện kim đồng thau phát triển trong Văn hóa Gò Mun: Giai đoạn này còn ghi nhận phát triển nghề luyện kim đồng thau so các giai đoạn trước. Đồ đồng trong Văn hóa Gò Mun khá phong phú, gồm nhiều loại hình khác nhau. Nguyên liệu chủ yếu là đồng và thiếc trong thành phần hợp kim. Ngoài ra còn có một số tạp chất khác. Do kỹ thuật luyện đồng của người Gò Mun chưa cao, chưa phân huỷ được những chất có tác dụng ăn mòn và ôxy hóa nên nhiều hiện vật bị hỏng, gỉ và thường mềm hơn so với hiện vật đồng của Văn hóa Đông Sơn. Cách chế tác đồ đồng chủ yếu là đúc bằng khuôn hai mang đối với hiện vật có kích cỡ lớn, cấu tạo phức tạp, nhiều chi tiết như: Rìu, giáo, lao, mũi tên, tượng, nhạc.. và sử dụng kỹ thuật gia công nguội, giũa đối với hiện vật nhỏ, đơn giản như: Lưỡi câu, lao mũi nhọn nhỏ, kéo thành sợi. Những sản phẩm bằng đồng của người Gò Mun do chính bàn tay, khối óc họ tạo ra. Điều đó minh chứng bằng sự có mặt những khuôn đúc bằng đá, bằng đất nung, nồi nấu, bát rót và lò luyện tìm thấy trong tầng văn hóa với nơi họ cư trú mà họ để lại. Sự đa dạng về loại hình đồ đồng là yếu tố quan trọng phân biệt Văn hóa Gò Mun và Văn hóa Đồng Đậu: Giai đoạn Văn hóa Gò Mun loại hình công cụ đồng bắt đầu đa dạng hóa. Nhiều loại hình mới xuất hiện và chức năng xác định rõ ràng. Chính việc ổn định kiểu dáng dẫn đến sử dụng chuyên hóa chức năng công cụ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và chiến đấu. Dù sao người Gò Mun vẫn chưa thể đạt trình độ điêu luyện về kỹ thuật, đa dạng phong phú về loại hình và nhất là nghệ thuật trang trí, như trên đồ đồng Văn hóa Đông Sơn. Hầu hết những công cụ và vũ khí bằng đồng của người Gò Mun: Rìu, liềm, giáo, mũi tên, lao, búa.. đều có họng, chuôi, hoặc khâu để lắp cán. Đây là những công cụ bản nhất đóng vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất, săn bắt và bảo vệ cuộc sống của cư dân Gò Mun. Thông qua những hiện vật như lưỡi hái bằng đồng thau phát hiện ở nhiều nơi nói lên phát triển và hoàn thiện nghề trồng lúa nước. Lưỡi hái cong, có gỗ tra cán cho thấy bước tiến bộ hơn trong nghệ thuật chế tác so với các giai đoạn trước. Cư dân Gò Mun không chỉ dùng đồng để chế tác công cụ sản xuất, vũ khí mà người Gò Mun còn sáng tạo đồ trang sức làm bằng đồng thau như vòng tay làm từ dây đồng. Bên cạnh hiện vật đồng thau, giai đoạn Văn hóa Gò Mun cũng được ghi nhận phát triển mang tính tiếp nối của các hiện vật đồ gốm. Hoa văn trang trí trên đồ gốm trong văn hóa Gò Mun: Hoa văn trang trí trên đồ gốm Gò Mun rất phong phú và đa dạng. Người Gò Mun dùng đồ gốm để thể hiện tư duy thẩm mỹ của mình. Vị trí trang trí hoa văn trên đồ gốm dùng để đựng hoặc đun nấu của người Gò Mun chủ yếu ở mặt miệng, trong lòng, ngoài cổ, vai, thân hoặc ngoài chân đế. Hoa văn gốm Gò Mun chủ yếu văn thừng, văn nan chiếu, in ô vuông, chải được tạo nên do những bàn dập, bàn chải trong quá trình tạo xương gốm. Ngoài ra còn có hoa văn khắc vạch, in ấn, đắp nổi được trang trí sau khi kết thúc khâu tạo hình, cần cho đồ gốm có thẩm mỹ. Cả hai loại hoa văn này được người Gò Mun kết hợp một cách hài hòa trên một số đồ gốm cơ bản. Người thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật đó có từ giai đoạn Đồng Đậu. Miệng gốm bẻ loe ra nằm ngang, rộng bản. Nếu gốm Phùng Nguyên nung ở nhiệt độ thấp khoảng 6000C và có lẫn nhiều tạp chất hữu cơ nên có gốm thường nhẹ, dễ thấm nước và bở hơn thì đến giai đoạn này, gốm nung ở nhiệt độ cao, tỉ lệ ôxit silic cao và được nung ở nhiệt độ từ 8000C đến 9000C vì thế gốm có độ cứng hơn. Có những mảnh gốm như mảnh sành, ít thấm nước và màu gốm cũng thay đổi cơ bản, màu gốm chuyển sang màu xám tro, xám mốc chứ không tươi đỏ như thời trước. Loại hình gốm trong Văn hóa Gò Mun rất phong phú: Sự đa dạng về loại hình đồ gốm bao gồm cả đồ dùng cho sản xuất và đồ đựng: Nồi, vò, âu, bát, bi, dọi xe chỉ, chì lưới cho thấy bước phát triển lớn trong đời sống sinh hoạt của cư dân Gò Mun. Qua đó phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Gò Mun giúp ta khắc họa bức tranh toàn cảnh về tụ cư thời đó. Đó là quần cư trong các xóm làng của các gia đình người Việt cổ, tiêu biểu như các làng Tứ Xã, Thanh Đình. Hình thành tổ chức sản xuất theo hộ gia đình là chính.. và sau này trải qua hàng ngàn năm hình thành văn hóa làng xã độc đáo ở Việt Nam. Như vậy có thể thấy: Giai đoạn này xã hội người Việt có những bước chuyển biến sâu sắc và rõ rệt. Người Gò Mun sinh sống bằng nghề trồng lúa nước là chính, người dân sống chủ yếu bằng sản phẩm mình làm ra chứ không phải khai thác trong tự nhiên như trước kia nữa; bên cạnh đó còn chăn nuôi và săn bắt đánh cá. Chính vì có bước tiến bộ trong kỹ năng canh tác cũng như tổ chức cuộc sống mà người Gò Mun ngày càng dư giả, góp phần thúc đẩy sự ra đời nhà nước sơ khai đầu tiên của người Việt. Với các giá trị quan trọng về khoa học và lịch sử, năm 2008, di chỉ Gò Mun – xã Tứ xã- huyện Lâm Thao được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Hiện Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ và trưng bày một số hiện vật thuộc Văn hóa Gò Mun như đồ đồng, gốm, đá thuộc loại hình công cụ sản xuất, vũ khí như: Rìu có vai, rìu tứ giác, rìu tứ diện, bàn mài được làm từ chất liệu đá; một số mũi lao, mũi giáo làm từ chất liệu đồng; chân chạc gốm.. Tuy số lượng hiện vật còn hạn chế so với các giai đoạn lịch sử khác nhưng qua đó giúp có cái nhìn cụ thể và sinh động hơn về một thời kỳ có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình dựng nước của dân tộc. Đó là thời kỳ tạo cơ sở chủ yếu cho nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ. Nguồn: Web covatvietnam Người Phùng Nguyên chỉ mới bắt đầu "thí nghiệm" nấu và luyện đồng chứ coi như chưa đúc được cái gì cả. Phùng Nguyên qua Đồng Đậu là chưa có đồ đồng qua có đồ đồng là phân biệt rõ ràng. Từ Đồng Đậu qua Gò Mun là từ "ít" loại đồ đồng qua "nhiều" loại đồ đồng là phân biệt thiết tưởng không mấy rõ ràng. Chắc một phần vì thế mà có những nhà nghiên cứu xem Đồng Đậu và Gò Mun như hai giai đoạn phát triển của cùng một văn hóa[1] Đến Gò Mun vẫn chưa tìm thấy di cốt khảo sát được. (Thu Tứ) 1. Xem "Văn hóa Đồng Đậu – Gò Mun" của Chử Văn Tần. Nguyễn Duy Hinh, "Văn hóa Gò Mun" Văn hóa Gò Mun là bước phát triển tiếp theo Văn hóa Đồng Đậu, đặt tên theo di tích Gò Mun xã Tứ Xã huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ, phát hiện năm 1961. Văn hóa Gò Mun phân bố ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây và thành phố Hà Nội. Đặc sắc nhất trong bộ hiện vật đá, xương, gốm, đồng phát hiện ở các di chỉ Gò Mun là những phát triển của đồ đồng. Tuy vẫn là hợp kim đồng thiếc song loại hình công cụ phong phú hơn. Có rìu, giáo, lao, mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, búa, dũa, liềm, tượng, lục lạc, vòng tay, trâm cài, nhẫn v. V. Văn hóa Đồng Đậu có không quá 10 loại hình di vật bằng đồng thì đến Văn hóa Gò Mun có trên 20 loại công cụ, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt khác nhau. Liềm đồng là đồ đồng độc đáo lần đầu phát hiện được, chỉ có 2 chiếc. Dao khắc, đục, vòng đeo tay, tượng người, nhẫn hình sống trâu, hoa tai, trâm bằng đồng cũng chỉ mới xuất hiện trong Văn hóa Gò Mun (tr. 138-139). Tượng đúc hình người ngồi bó xổm hai tay khoanh trước ngực (tr. 150). Liềm đồng được các di tích lúa ở di chỉ Gò Mun minh chứng chắc chắn tính chất nông cụ thu hoạch lúa. Lúa phát hiện ở Gò Mun gồm cả lúa nếp lẫn lúa tẻ. Hầm ngũ cốc phát hiện ở Gò Mun chứng tỏ nghề trồng lúa lớn mạnh, thu hoạch cao. Liềm đồng phát hiện được ở Gò Chùa Thông (Hà Nội) cùng công cụ sản xuất và vũ khí bằng đồng và răng hổ có lỗ xâu dây đeo. Tượng người nói trên phải chăng là "cư dân nông nghiệp bình thản, giản dị và tự tin vào cuộc sống của mình" (tr. 150) ? "Tượng cao 4, 6cm, hai tay xếp khoanh trên đùi, lưng hơi ngả về sau, dáng thoải mái. Tượng nhỏ nhưng chi tiết vẫn rõ ràng: Đầu chít khăn mỏ rìu, mắt, mũi, miệng đặt đúng vị trí. Tỉ lệ cơ thể cân đối, toàn thân toát vẻ thuần phác, nghỉ ngơi và vẫn suy tư. Tượng làm theo khối đóng kín, có đường viền rõ ràng dù nhìn đằng trước hay bên sườn, có đế nhưng bị gãy nên không rõ tượng độc lập hay gắn vào vật khác." Ngồi xổm là đặc điểm người Việt xưa nay. Chít khăn đầu rìu cũng là cách chít khăn phổ biến cho đến hôm nay của người Việt. Tượng Gò Mun là tác phẩm nghệ thuật thuần túy. Hay là một hình tượng tôn giáo nào đó như Tổ tiên chẳng hạn? Có liên quan gì đến tục mai táng bó gối đã phát hiện được trong Văn hóa Đa Bút chăng? Chưa thể khẳng định được. Nhưng răng hổ xâu lỗ đeo phát hiện ở Gò Chùa Thông bóng loáng cực đẹp rõ ràng là bùa đeo trừ tà mà cho đến trước năm 1945 người ta vẫn thường đeo cho trẻ em. Đó là biểu thị nhận thức tín ngưỡng về thế giới Thiêng. Tham khảo các niên đại C14 và các thông tin niên đại khác thì thấy Văn hóa Gò Mun bắt đầu từ 1100 đến 1000 năm TCN và kết thúc vào khoảng 800 đến 700 năm TCN (tr. 146). (Trích Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt) Nguồn: Web gocnhin Văn hóa Gò Mun, thuộc hậu kỳ thời đại đồng thau. Văn hóa Gò Mun (mang tên di chỉ phát hiện đầu tiên năm 1961 ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), thuộc hậu kỳ thời đồng thau. Đặc điểm giai đoạn này là đồ đồng phát triển mạnh và chiếm ưu thế so với đồ đá (hiện vật đồng thau chiếm trên 50% tổng số công cụ và vũ khí phát hiện được). Về loại hình có mũi tên, lưỡi câu, mũi nhọn, dũa, giáo.. đáng lưu ý là xuất hiện rìu lưỡi xéo, lưỡi liềm. Đồng thau được dùng để tạo đồ trang sức như vòng tay bằng đồng. Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 10. Nguồn: Web lichsuvietnam Văn hóa Gò Mun Văn hóa Gò Mun phát hiện năm 1961 tại Tứ Xã (Phong Châu, Phú Thọ). Những di tích thuộc nền văn hóa này phân bố trên các đồi gò thấp bên sông suối và những đầm hồ thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội. Phương thức kiếm sống chủ yếu của cư dân Gò Mun là làm ruộng lúa nước, trồng hoa màu, phát triển nghề chăn nuôi. Săn bắn vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm thường xuyên, bởi trong những di chỉ khảo cổ học xương răng thú hoang dã vẫn chiếm khối lượng đáng kể. Đồ gốm được người Gò Mun chế tạo với kỹ thuật cao, do làm bằng đất sét pha cát và các loại tạp chất khác kết hợp với độ nung khoảng 800-900oC nên gốm thời này thường có mầu xám đen hay đỏ nhạt. Hoa văn trang trí trên gốm Gò Mun rất phong phú thể hiện tư duy đối xứng hình học truyền thống, chủ yếu tạo bằng cách khắc vạch, in, đập và đắp nổi. Kỹ thuật luyện kim đúc đồng được người Gò Mun kế thừa và phát triển hơn một bước về kỹ thuật so với người Đồng Đậu trước đó. Loại hình công cụ lao động bằng đồng đã đa dạng và phong phú hơn nhiều, chủ yếu là rìu lưỡi xéo, đục, lao, lưỡi câu, công cụ mũi nhọn.. Một số công cụ lao động bằng đá vẫn sử dụng phổ biến trong đời sống cư dân Gò Mun như rìu tứ giác, khuôn đúc đồng, chí lưới, đồ trang sức.. Phát triển về kinh tế thời này, đặc biệt là kỹ thuật luyện kim đúc đồng đã là tiền đề cho ra đời nền Văn hóa Đông Sơn - cơ sở vật chất chủ yếu của nhà nước Văn Lang sau này. Nguồn: Web tuanninhhoa violet Văn hóa tiền Đông sơn: Văn hóa Gò Mun Những di tích thuộc nền văn hóa này phân bố trên các đồi gò thấp bên sông suối và những đầm hồ thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội. Phương thức kiếm sống chủ yếu của cư dân Gò Mun là làm ruộng lúa nước, trồng hoa màu, phát triển nghề chăn nuôi. Săn bắn vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm thường xuyên, bởi trong những di chỉ khảo cổ học xương răng thú hoang dã vẫn chiếm khối lượng đáng kể. Đồ gốm được người Gò Mun chế tạo kỹ thuật cao, do làm bằng đất sét pha cát và các loại tạp chất khác kết hợp độ nung khoảng 800-900oC nên gốm thờ này thường có mầu xám đen hay đỏ nhạt. Hoa văn trang trí trên gốm Gò Mun rất phong phú thể hiện tư duy đối xứng hình học truyền thống, chủ yếu được tạo nên bằng cách khắc vạch, in, đập và đắp nổi. Kỹ thuật luyện kim đúc đồng được người Gò Mun kế thừa và phát triển hơn một bước về kỹ thuật so với người Đồng Đậu trước đó. Loại hình công cụ lao động bằng đồng đa dạng và phong phú hơn nhiều, chủ yếu là rìu lưỡi xéo, đục, lao, lưỡi câu, công cụ mũi nhọn.. Một số công cụ lao động bằng đá vẫn sử dụng phổ biến trong đời sống cư dân Gò Mun như rìu tứ giác, khuôn đúc đồng, chì lưới, đồ trang sức.. Phát triển kinh tế thời này, đặc biệt là kỹ thuật luyện kim đúc đồng là tiền đề ra đời Văn hóa Đông Sơn - cơ sở vật chất chủ yếu của nhà nước Văn Lang sau này. Nguồn: Web diepdoan violet Di tích khảo cổ Sơn Vi và Gò Mun ở Phú Thọ được xếp hạng quốc gia Di tích khảo cổ Sơn Vi gồm Gò Vườn Sậu và Rừng Sóc Lọi (xã Sơn Vi), phát hiện từ 1968 và khai quật 1969. Trên địa bàn Phú Thọ, đây là khai quật đầu tiên và duy nhất về Văn hóa Sơn Vi - văn hóa của cư dân thời hậu kỳ đá cũ, cách đây khoảng 10 nghìn đến 30 nghìn năm. Hơn 1000 hiện vật khai quật và tìm thấy tại 2 địa điểm trên chủ yếu là các công cụ lao động chế tác từ đá cuội, với các loại hình bán nguyệt, hình rẻ quạt, rìa ngắn nguyên sơ, chày nghiền, mảnh tước.. Kết quả nghiên cứu cho thấy cư dân Sơn Vi sống bằng săn bắt, hái lượm, phân bố từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến miền trung, vết tích công cụ còn tìm thấy ở Tây Nguyên. Phú Thọ là nơi phát hiện đầu tiên và tập trung dầy đặc nhất di tích Văn hóa Sơn Vi với 104 địa điểm. Di vật đồ đá Sơn Vi là cổ vật lâu đời nhất ở Phú Thọ, gồm công cụ, hạch đá, mảnh tước nằm rải rác trên các ngọn đồi thấp ở Lâm Thao và các gò đồi ở các huyện dọc sông Thao, sông Lô. Sưu tập hiện vật khảo cổ ở Vườn Sậu và Rừng Sóc Lọi khẳng định thêm Văn hóa Sơn Vi khác Văn hóa Hòa Bình, hiện diện trước Hòa Bình không chỉ ở Phú Thọ mà các vùng khác của đất nước. Văn hóa Sơn Vi là mắt xích quan trọng trong văn hóa tiền sử ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di tích khảo cổ Gò Mun (xã Tứ Xã) phát hiện đầu năm 1961, qua 4 lần khai quật: 1961, 1965, 1969, 1971 thu hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm thuộc nền văn hóa thời đại đồng thau. Kết quả nghiên cứu cho thấy cư dân Văn hóa Gò Mun là thực thể cộng đồng chặt chẽ, đời sống vật chất, tinh thần có chuyển biến rõ rệt so giai đoạn trước. Họ sống chủ yếu bằng chăn nuôi và trồng trọt, ngoài ra còn săn bắt và khai thác thuỷ sản. Các nghề thủ công như đúc đồng, làm gốm, chế tác đá, dệt vải, đan lát, làm mộc, đan lưới cũng là những hoạt động kinh tế quan trọng. Ngoài các công cụ và vũ khí bằng đồng, cư dân Văn hóa Gò Mun tạo được những đồ trang sức tinh tế như các loại khuyên tai bốn màu, khuyên tai hình gối qua, vật hình "đầu trâu" bằng đá ngọc. Đồ gốm nhiều kiểu dáng, trang trí hoa văn phong phú và phức tạp; tượng người, tượng thú sinh động làm bằng đồng, gốm, đá. Những hiện vật này góp phần làm sáng tỏ cuộc sống cư dân Văn hóa Gò Mun, giúp thấy được phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, thẩm mỹ của người Việt thời Văn Lang-Âu Lạc. Văn hóa Gò Mun là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển từ Văn hóa Phùng Nguyên đến Đông Sơn, tương ứng thời kỳ Hùng Vương dựng nước. HỒNG NGHĨA Nguồn: Web baonhandan Còn tiếp
Từ trái qua phải, chiếc rìu đồng có gắn bạch ngọc thời Chiến Quốc (niên đại 2.500 năm). Ở giữa là dao đá gắn với nền Văn hóa Phùng Nguyên (cách đây 4.000 năm). Ở bên phải là kiếm đồng đúc gắn với nền Văn hóa Thương - Chu. Các nền văn hóa thời nguyên thuỷ "Các nền văn hóa thời nguyên thủy" 1. Ra đời thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước - Cách nay khoảng 4000 – 3000 năm, các bộ lạc nước ta biết đến đồng và thuật luyện kim, nghề trồng lúa phổ biến. - Thuật luyện kim thực hiện ở nước ta. Các nguyên liệu, sản phẩm bằng đồng không phải đem từ ngoài vào. 2. Những nền văn hóa lớn cuối thời nguyên thủy Phùng Nguyên +Cư trú Bắc Bộ: Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Giang, Hà Nội. +Công cụ lao động: Đồ đá, một số nguyên liệu như tre, gỗ, nứa xương. +Hoạt động kinh tế: Nông nghệp trồng lúa nước, làm gốm, se chỉ dệt vải, chăn nuôi. Sa Huỳnh +Cư trú miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa. +Công cụ lao động: Đồ đồng. +Hoạt động kinh tế: Nông nghiệp trồng lúa và cấy trồng khác, dệt vải, kỹ thuật luyện kim, làm đồ trang sức. Đồng Nai và Óc Eo +Cư trú Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP. HCM. +Công cụ lao động: Đồ đá, đồ đồng. +Hoạt động kinh tế: Nghề nông trồng lúa nước và các cây lương thực, khai thác sản vật rừng, nghề thủ công. - Ra đời thuật luyện kim cách đây khoảng 4000 năm đưa các bộ lạc nước ta vào sơ kỳ đồng thau, hình thành các khu vực làm tiền đề chuyển biến xã hội sau này. Những nền văn hóa làm nền cho văn minh Văn Lang - Âu Lạc Thời Hùng Vương có thật, phản ánh trong truyền thuyết, thư tịch cổ, chứng thực qua hàng loạt di tích khảo cổ học, tạo thành diễn biến văn hóa vật chất liên tục thời kỳ ấy. Đó là thời chuyển biến sâu sắc nhiều về kinh tế và những thành tựu văn hóa nổi bật. Nhiều vạn năm trước, đất Bắc Việt Nam có người sống. Núi rừng miền Bắc xanh tươi quanh năm, rất nhiều thuận lợi cho người sống và phát triển. Những dải núi đá vôi nhiều hang động, mái đá thuận lợi cư trú. Sườn núi, suối, sông có nhiều loại đá khác nhau làm công cụ lao động; rừng nhiều muông thú, nứa tre gỗ cứng thuận lợi săn bắt, làm công cụ, dựng nhà sàn, chòi v. V.. Dựa điều kiện đó, người nguyên thuỷ sớm tạo nền Văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, từ đó tìm đến vùng châu thổ các sông lớn để tạo nền Văn hóa, phát triển cao hơn như Hoa Lộc, Phùng Nguyên. Những năm 1960, vùng đồi núi trung du đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phát hiện hàng loạt di chỉ khảo cổ thời kim khí. Dựa kết quả khai quật nghiên cứu các di chỉ này, họ phân lập các văn hóa khảo cổ tương đương các giai đoạn phát triển khác nhau, gồm: Văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ đồ đồng, Văn hóa Đồng Đậu thuộc trung kỳ đồ đồng, Văn hóa Gò Mun thuộc hậu kỳ đồ đồng, Văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ đồ sắt. Những nền văn hóa khảo cổ trên có niên đại khoảng 4.000 đến 2.000 năm TCN cách ngày nay, nằm trong khung phát triển thời Hùng Vương. - Giai đoạn Phùng Nguyên (Phú Thọ) thuộc sơ kỳ đồng thau, cách đây chừng 4.000 năm đến 3.500 năm. Giai đoạn này chưa có công cụ bằng đồng. - Giai đoạn Đồng Đậu (Phú Thọ) thuộc trung kỳ thời đồng thau, cách nay khoảng 3.000 năm TCN. Giai đoạn này phát triển kế tiếp và cao hơn thời Phùng Nguyên. Người thời Đồng Đậu chủ yếu vẫn dùng đồ đá trong sản xuất và đời sống, hiện vật bằng đồng thau chiếm gần 20% số công cụ và vũ khí. Kỹ thuật đồ gốm, luyện kim phát triển hơn. - Giai đoạn Gò Mun (Phú Thọ) thuộc hậu kỳ đồng thau, cách nay 3000-2500 năm TCN. Đặc điểm là đồ đá giảm sút rõ rệt, chiếm 48% tổng số hiện vật, đồng thau chiếm tỷ lệ cao hơn. - Giai đoạn Đông Sơn (Thanh Hóa) từ phát triển rực rỡ đồ đồng chuyển sang sơ kỳ đồ sắt, tồn tại từ TK. VII TCN đến thế kỷ I - II SCN. Đầu giai đoạn Đông Sơn thuộc thời Hùng Vương, còn cuối giai đoạn Đông Sơn thuộc thời Bắc thuộc. Văn hóa Đông Sơn phát hiện từ 1924 là tiêu biểu nhất, tên do người Châu Âu đặt theo tên di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã, Thanh Hóa, ta gọi là nền Văn hóa Văn Lang-Âu Lạc, văn minh sông Hồng, văn minh Việt cổ. Cùng thời với Văn hóa văn minh Hy Lạp cổ đại, Văn hóa Đông Sơn là nền văn minh xán lạn, đó là điều cần khẳng định và chứng minh. Văn hóa Phùng Nguyên Văn hóa Phùng Nguyên lấy theo tên di tích khảo cổ học đầu tiên thuộc văn hóa này phát hiện năm 1959 ở làng Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Tiêu biểu nền văn hóa khảo cổ Việt Nam và Ðông Nam Á, mở đầu thời đồng thau Việt Nam. Phát hiện khoảng 55 di tích thuộc Văn hóa Phùng Nguyên. Những di tích này phân bố trên các tỉnh, thành phố như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng. Hiện vật tìm thấy trong các di tích thuộc Văn hóa Phùng Nguyên chủ yếu vũ khí, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt bằng hai loại chất liệu chính là đá và gốm. Đồ đá chế tác bằng cưa, khoan, mài, tiện rất tinh xảo, kích thước tương đối nhỏ, làm từ đá bazan, các loại đá nephrit, spilit màu sắc đẹp là đỉnh cao nhất kỹ thuật chế tác đá, tiền đề để cư dân Việt cổ chuyển sang thời kim khí. Những hiện vật tìm thấy phổ biến: Các loại rìu, bôn, đục, chày, cưa, khoan, tiện, bàn mài, mũi tên, mũi giáo, các loại vòng tay, khuyên tai, nhẫn, ống chuỗi, hạt chuỗi đá màu xanh ngọc, màu trắng ngà khoan tiện tinh vi với đủ loại kích cỡ và kiểu dáng phản ánh trình độ kỹ thuật làm đá và tiến bộ cuộc sống tinh thần thời Phùng Nguyên. Ngoài loại rìu đá tứ giác còn có rìu đá hình dạng gần như hình chữ nhật đứng, chế tác rất công phu với kỹ thuật mài, cưa, sử dụng khá đa năng trong nông nghiệp, chế tác vật dụng. Dùng những rìu mài nhẵn gọn nhẹ, người Phùng Nguyên phát huy kinh nghiệm trồng trọt ở các nền văn hóa trước đó để sáng tạo nghề nông trên châu thổ trung lưu sông Hồng. Các di chỉ khảo cổ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu có các loại bào tử phấn hoa của nhiều loại giống lúa nước Oriza stiva, và dấu vết gạo cháy trong tầng văn hóa. Theo tài liệu khảo cổ học, phân tích 4 mẫu thóc cháy và trấu lấy từ các di tích cùng những bình vại lớn có đường kính miệng bình 70 - 80cm đều có niên đại TCN.. còn lưu ở các nơi đương thời khẳng định điều đó. Văn hóa Phùng Nguyên mở đầu nền văn minh sông Hồng vì cư dân Phùng Nguyên có trình độ điêu luyện với khiếu thẩm mỹ cao trong chế tác công cụ và đồ trang sức bằng gốm, đá, xương, sừng. Đồ đá hoàn toàn chiếm ưu thế, lúc này đồng còn rất hiếm, thường để chế tác đồ trang sức, nung đồng làm công cụ như cuốc, thuổng, liềm, hái chiếm tỷ lệ lớn trong hiện vật khai quật. Bên cạnh canh tác theo hình thức "đao canh, thuỷ nẫu" (cày bằng dao, làm nát bằng nước) hay "hỏa canh, thuỷ nẫu" (cày bằng lửa, làm nát bằng nước) thì nông nghiệp dùng cày bằng sức kéo gia súc có vai trò lớn thúc đẩy sản xuất phát triển. Nghề nông trồng lúa giúp định cư lâu dài hơn, từ đó hình thành làng xóm. Giai đoạn này, nghề chăn nuôi khá phát triển nhưng săn bắn, hái lượm sản vật của thiên nhiên và trồng trọt làm nương rẫy vẫn là chủ yếu. Phát minh kỹ thuật thuật chế tác đá và luyện kim đồng thau là thành tựu rất quan trọng thời Văn hóa Phùng Nguyên và Văn hóa Hoa Lộc, đặc biệt nghề gốm phát triển cao. Đồ gốm phần lớn làm bằng bàn xoay, thành gốm mỏng đều, độ nung tương đối cao. Trang trí hàng loạt hoa văn phong phú tạo những đồ án đối xứng phong phú đẹp mắt: Hình những đường cong uốn lượn phức tạp, các giải chữ S nối liền có các hình tam giác xen ở giữa làm các đồ đựng đẹp lại dễ dùng. Về loại hình có các loại nồi, vò, bình, bát, vại, đĩa, dọi xe sợi, bi gốm. Có tượng động vật bằng đất nung như tượng bò, tượng gà vừa hiện thực vừa sinh động, đó là tác phẩm nghệ thuật tạo hình sớm nhất phát hiện ở Việt Nam. Một số di tích thuộc Văn hóa Phùng Nguyên có dấu vết xỉ đồng, bằng chứng nghề luyện kim, cơ sở quan trọng để các nhà khoa học xếp Văn hóa Phùng Nguyên vào sơ kỳ thời đồng thau. Phú Thọ là một trong những tỉnh có mật độ di tích khảo cổ đậm đặc, tiêu biểu đặc trưng cho các giai đoạn văn hóa. Đến hết 2006, tỉnh có 161 di tích khảo cổ thuộc thời tiền sử - sơ sử được phát hiện trong đó chủ yếu là di tích thuộc nền Văn hóa Sơn Vi và Phùng Nguyên. Hiện đa số địa điểm di tích khảo cổ Văn hóa Sơn Vi nằm trên các đồi gò hoặc dưới ruộng đã giao đất cho nông dân hoặc đất vườn, đất thổ cư và các công trình khác. 27 di tích Văn hóa Phùng Nguyên thám sát khai quật cung cấp khối lượng hiện vật đồ sộ, phong phú, chứng minh nguồn gốc bản địa Văn hóa Đông Sơn và thời Hùng Vương. Nhiều di tích giá trị đặc biệt quan trọng về địa tầng văn hóa, di tích di vật như di tích Gò Sóc Lọi, di tích Xóm Rền, di tích Làng Cả. Nhưng di tích Văn hóa Phùng Nguyên hầu như không còn giữ được nguyên trạng các hố và khu vực khai quật. Trong khi ở tỉnh Vĩnh Phú thuộc bộ Văn Lang xưa (sau này tỉnh Vĩnh Phú tách làm hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc), phát hiện trên 70 di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương (tính tới 1992). Nếu lấy Đền Hùng làm trung tâm quay một vòng bán kính 20km có gần 50 di tích trong vòng đó, phần lớn tập trung ở Lâm Thao cũ và Việt Trì. Gần 50 di tích: Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồi Dung, Gò Ông Kế, Gò Miếu, Ngỏ Đỗ, Nội Gan, Bản Nguyên, Đồng Đường, Chùa Cao, Thành Dền, Đồng Đậu Con, Gò Chiền, Mã Nguội, Liên Minh, Xóm Kiếu, Gò Con Lợn, Gò Mồng, Gò Tro trên, Gò Tro dưới. Đồng Sấu, Gò Tôm, Gò Thế, Gò Gai, Gò Con Cá, Gò Thờ, Gò Ghệ, Đồi Hoàng Long, Mả Nứa, Lê Lợi, Đồi Giàm, Làng Cả, Mã Lao, Núi Voi, Gò Vừng, Gò Dền, Đôn Nhân, Bình Sơn, Đồng Quế, Gò Re, Gò Diễn, Gò Bún, Gò Sanh, Gò Ông Tiễn, Gò Ma Lầy, Thọ Sơn. Hơn 20 di chỉ phân bố tương đối tản mạn ngoài bán kính nói trên là Gò Chùa, Gò Trại, Gò Või, Vạn Thắng, Nhà Quỳnh, (huyện Sông Thao) ; Lũng Hòa, Nghĩa Lập, Đồng Đậu, Đinh Xa, Ma Cả (Vĩnh Lạc). Cự Triền, Tháp Miếu, Núi Ca, (Mê Linh), Hồng Đà, Dậu Dương, Gò Bông, La Phù, Văn Minh, Đoan Thượng, Đào Xá, Gò Cháy, Gò Chè, núi Ngấn (Tam Thanh), Gò Ngành, Suối Trại (Tam Đảo). Các di tích trên chia 4 loại: Loại Phùng Nguyên trên dưới 4000 năm cách ngày nay. Hiện vật Văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ) : Các loại rìu tứ giác, chày, vòng tay, bàn mài.. bằng đá Bazan là đỉnh cao nhất kỹ thuật chế tác đá, tiền đề kỹ thuật để cư dân Việt cổ chuyển sang thời kim khí. Loại Đồng Đậu trên dưới 3.500 năm Loại Gò Mun trên dưới 3000 năm Loại Đông Sơn khoảng 2.800 năm đến đầu Công Nguyên. Di chỉ nói trên là những địa điểm người Việt cổ cư trú còn trong lòng đất hiện vật đồ đá như rìu, đục, cuốc, vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi, dọi xe sợi, mũi tên.. Đồ gốm: Nồi niêu, bát dĩa, cốc chén, vại lọ, tượng súc vật. Vết tích thức ăn: Lúa gạo, hạt qua, xương cá, vỏ ốc trai hến, xương thú rừng, gia súc v. V. Đặc biệt theo truyền thuyết, cung điện vua ở thôn Việt Trì thì khảo cổ học thấy ở di chỉ Làng Cả (khu Mì Chính) những hiện vật chứng minh có mặt vua quan như mũi tên đồng, rìu chiến trang trí đẹp, giáo đồng, khóa thắt lưng bằng đồng tạc 8 con rùa, thạp, trống, tượng cóc bằng đồng thau. Cư dân nguyên thuỷ Phùng Nguyên, Hoa Lộc dựa các thành tựu văn hóa đạt được nói trên để chuyển dần xuống châu thổ hạ lưu các sông lớn như: Sông Hồng, Thái Bình, Mã, Cả để khai thác đất đai, mở rộng trồng lúa nước, xây dựng các xóm làng định cư, phát triển nghề thủ công như luyện kim, làm gốm, dệt vải lụa, đan lát v. V.. bước đầu tạo giao lưu xóm làng. NỀN VĂN HÓA ÐỒNG ÐẬU Trên nền tảng Phùng Nguyên, cư dân Việt cổ tiến cao hơn trong luyện kim thuộc Văn hóa Ðồng Ðậu. Văn hóa Đồng Đậu lấy theo tên gọi di tích Đồng Đậu phát hiện 1964 ở xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Nay khoảng 20 di tích Văn hóa Đồng Đậu phát hiện ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội. Các hiện vật đá, gốm chiếm ưu thế trong tổng hiện vật ở các di tích thuộc Văn hóa Đồng Đậu. Đồ đá gồm công cụ sản xuất, vũ khí, trang sức. Đồ gốm chủ yếu nồi, vò chế tác cẩn thận, phần lớn đồ gốm trang trí hoa văn bao có bố cục phóng khoáng, phổ biến nhất là hoa văn gồm các đường thẳng chạy song song cách đều nhau thể hiện bởi dụng cụ có nhiều răng như bút kẻ khuôn nhạc ngày nay, hoa văn này thường gọi hoa văn khuôn nhạc. Đặc trưng quan trọng Văn hóa Đồng Đậu là phát triển kỹ thuật luyện kim, chế tác đồng thau bắt đầu phát triển mạnh. Hiện vật bằng đồng thau chiếm 1/5 số công cụ và vũ khí với nhiều loại hình phong phú như rìu, giáo, mũi lao, mũi tên, lưỡi câu, búa đồng. Một số di tích thấy hiện vật bằng đồng và khuôn đúc các hiện vật này. Văn hóa Đồng Đậu có ngành luyện kim đồng thau sản xuất nhiều loại sản phẩm, dần công thức hóa tỷ lệ các chất kim loại trong hợp kim đồng thau tuỳ công dụng sản phẩm. Chẳng hạn tỷ lệ chung của hợp kim đồng thau 80 - 90% đồng, 10 - 20% thiếc, nhưng đúc mũi tên, mũi giáo thì tăng tỷ lệ thiếc. Về sau thêm chì vào tăng độ mềm. Kỹ thuật nung tiến bộ từ 8000C lò gốm tăng 1200 – 12.500C ở lò luyện kim. Trên cơ sở phát triển kỹ thuật luyện kim đồng thau, người Việt cổ sáng tạo nghề nấu sắt bằng phương pháp hoàn nguyên. Từ nung quặng để có sắt xốp, tiếp tục nung đỏ, rèn dập nhiều lần để sắt chín làm công cụ. Rìu sắt đúc tìm trong mộ thuộc di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa) chứng tỏ người Việt cổ biết đúc gang. Nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa thể hiện trình độ phát triển kinh tế. Qua khảo cổ, thời Ðồng Ðậu có giao lưu trao đổi các vùng lưu vực sông Hồng, Mã, Cả và khu vực khác của nước ta. Người Ðồng Ðậu biết chăn nuôi, khai thác sản vật tự nhiên, sống định cư trên các đồi gò cạnh sông suối đầm bãi. Quanh Ðền Hùng, Việt Trì tập trung nhiều di chỉ thuộc Văn hóa Ðồng Ðậu như Gò Ðồng Ðậu con ở Tứ Xã, Gò Diễn, Nội Gan (xã Kinh Kệ), Xóm Thi Ðua, Gò Ðồng Ðậu (xã Thụy Vân).. NỀN VĂN HÓA GÒ MUN Sau Ðồng Ðậu là Văn hóa Gò Mun. Gò Mun là tên di chỉ khảo cổ nổi tiếng thuộc xã Tứ Xã huyện Lâm Thao, Phú Thọ phát hiện năm 1961. Khoảng 30 di tích thuộc văn hóa Gò Mun phát hiện ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Hiện vật trong di tích văn hóa Gò Mun cho thấy đồ đá giảm số lượng, giảm loại hình cũng như kỹ thuật chế tác. Đồ gốm chủ yếu là các loại nồi, vò nung nhiệt độ cao. Hoa văn trang trí đồ gốm mang xu hướng hình học hóa với những đường gấp khúc hình tam giác, bình hành, chữ nhật. Một số đồ gốm bắt đầu xuất hiện hoa văn động vật như chim, cá. Số lượng hiện vật bằng kim loại tăng cao. Văn hóa Gò Mun vào hậu kỳ thời đồng thau, cách nay 2.500 đến 3.000 năm. Thời này cư dân sống tập trung đông hơn, nghề đúc đồng phát triển và đồ đồng đóng vai trò quan trọng so với đồ gốm, đồ đá. Kỹ thuật đúc đồng nâng cao hoàn chỉnh hơn người thời Ðồng Ðậu. Loại hình di vật đồng phong phú hơn: Rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, búa, liềm, tượng, lục lạc, vòng tay, trâm cài. Nếu ở giai đoạn Ðồng Ðậu mới có 10 loại di vật đồng thì Gò Mun có 20 loại công cụ, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt khác nhau bằng đồng. Công cụ sản xuất và vũ khí trong các di tích Văn hóa Gò Mun chiếm 50% tổng hiện vật. Các di tích thời Hùng Vương ở Phú Thọ theo thời gian thay đổi mạnh về mọi mặt, từ địa bàn cư trú kinh tế, xã hội, kỹ thuật chế tác công cụ, đồ đồng phát triển rực rỡ. Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun được gọi Văn hóa tiền Hùng Vương. Ðó là thời tiền sử chuẩn bị cho dân ta bước sang lịch sử thời Vua Hùng với nền Văn hóa khảo cổ Ðông Sơn, tiêu biểu là trống đồng Ðông Sơn loại I. Nguồn: Web baotanglichsu, vanhoanghean, covatvietnam Còn tiếp