Review Phim Gone Girl (2014) - David Fincher - Có Một Con Quỷ Phía Sau Cánh Cửa Hôn Nhân

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hung93, 8 Tháng sáu 2020.

  1. Hung93

    Bài viết:
    39
    "Em đang nghĩ gì? Em cảm thấy ra sao? Chúng ta đã làm gì với nhau vậy?"

    Có phải hôn nhân là một việc khó khăn? Và có phải, người đầu ấp tay gối của ta, ta không hề hiểu họ là ai?

    Cô gái mất tích, một bộ phim ra mắt năm 2014 được biên kịch Gillian Flynn chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của chính tác giả (được xuất bản vào năm 2012) ; đạo diễn David Fincher với sự tham gia của hai ngôi sao Ben Affleck và Rosamund Pike là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của thể loại hình sự, tâm lý, ly kỳ trong những năm gần đây.

    Chuyện phim bắt đầu vào đúng ngày kỷ niệm 5 năm ngày cưới, Nick Dunne (Ben Affleck) hoàn toàn ngỡ ngàng khi vợ anh, Amy Dunne (Rosamund Pike), bỗng nhiên biến mất không rõ tung tích và để lại cho anh một mớ hỗn độn với đầy sự ngờ vực và biến anh trở thành Người đàn ông bị căm ghét nhất Hoa Kỳ.

    Vậy Amy thực sự đã chết hay chỉ đơn giản là biến mất? Nick Dunne đã làm gì vợ mình? Hay chính Amy đã làm gì chồng mình? Và điều gì đã dẫn đến một thi thể nằm giữa vũng máu ở cuối phim? Hãy tắt ngay review này và bước vào câu chuyện của Amy huyền diệu.


    [​IMG]

    Với Nick, Amy là một cô gái trong mơ. Cô gợi cảm, thông minh, sắc sảo và thấu hiểu anh.

    Với Amy, Nick là một chàng trai trong mơ. Anh quyến rũ, lịch lãm, bí ẩn và thấu hiểu cô.

    Họ gặp nhau lần đầu tiên trong một bữa tiệc và ngay lập tức bị thu hút bởi đối phương. Nhưng có thật sự họ thấu hiểu nhau?

    Gone Girl được biên kịch và đạo diễn xây dựng theo đúng cấu trúc ba hồi kinh điển nhưng đã được biến tấu một cách khéo léo hơn. Hồi 1 và hồi 3 của phim được kéo dài hơn có chủ đích còn hồi 2 thì được rút ngắn lại. Ngoài ra, phim có vô số những nút thắt từ nhỏ đến lớn được cài cắm hợp lí sau mỗi 10 phút làm câu chuyện liên tiếp xuất hiện những sự kiện mới và trở nên vô cùng hồi hộp và khó đoán. Mặc dù nhịp phim khá chậm và nhiều lời thoại nhưng khán giả gần như bị dính chặt vào màn hình vì không muốn bỏ lỡ bất kì một chi tiết nào sắp xảy ra. Tất cả những điều này đã tạo nên một kịch bản rất xuất sắc dưới ngòi bút điêu luyện của chính tác giả cuốn sách Gillian Flynn.


    [​IMG]

    Hồi 1 bắt đầu vào đúng ngày kỷ niệm 5 năm ngày cưới của Nick và Amy và rồi sự biến mất của Amy đã làm đảo lộn tất cả. Những dấu vết được cảnh sát tìm thấy tại hiện trường rất lẻ tẻ và mơ hồ, dần dần trở nên rõ ràng hơn như được sắp xếp một cách có chủ ý. Những dấu vết này vừa đẩy Nick vào tình cảnh trở thành nghi can số một của vụ án vừa hé lộ câu chuyện thực sự phía sau cuộc hôn nhân của anh và Amy. Tất cả những gì khán giả cảm nhận được trong hồi 1 là sự đan xen của hai dòng suy nghĩ khác nhau, vừa căm ghét vừa ngờ vực. Một mặt, Nick rõ ràng đã giết vợ mình vì những bằng chứng được trưng ra đều chống lại anh: Anh mất việc làm, rơi vào túng thiếu, sống buông thả và có một cô nhân tình trẻ trong bóng tối. Thêm vào đó, câu chuyện được Amy kể lại trong cuốn nhật ký đã tố cáo anh là một người chồng vũ phu và cô thực sự sợ hãi trước anh. Amy rõ ràng là nạn nhân trong cuộc hôn nhân này. Mặt khác, Nick phản bác rằng anh không hề đụng đến Amy mà anh chỉ làm mọi thứ theo lời cô và theo những gì cô muốn. Anh hoàn toàn không biết gì về vợ mình và họ như hai người xa lạ. Nick vừa đáng thương vừa đáng trách.

    Và rồi, biên kịch đột ngột đẩy khán giả sang một trạng thái trái ngược. Đó là khi Nick thừa nhận: "Anh không kể cô ấy không muốn có con vì cô ấy không muốn anh nói ra.. Anh muốn có con!"

    Hóa ra tất cả những gì Amy viết trong nhật ký không hẳn là sự thật.

    Nút thắt cuối hồi 1 này khiến khán giả hoàn toàn ngỡ ngàng và đẩy câu chuyện sang hồi 2.

    Từ hồi 2, Amy xuất hiện trở lại với một diện mạo đầy bất ngờ. Cô không còn là một nhà văn sống nội tâm, mong manh, sợ sệt mà đã trở thành một tay dàn dựng vụ án chuyên nghiệp, vô cùng thông minh với nhiều mưu tính và cực kỳ.. nguy hiểm, sẵn sàng đẩy chồng mình thành một kẻ sát nhân. Giờ đây, Nick phải tìm mọi cách để thanh minh cho mình và để Amy ra mặt.

    Chính sự thay đổi đột ngột về mặt diện mạo và hành động đã bộc lộ khả năng diễn xuất tuyệt vời của Rosamund Pike. Từ ánh mắt lo lắng, sợ sệt thành mưu mô, tinh ranh; từ cử chỉ, dáng đi rụt rè, chậm chạp thành hoạt bát, nhanh nhẹn của Amy Dunne đều được Rosamund Pike biến hóa nhanh đến chóng mặt và rất thuyết phục. Trong một phân cảnh khác ở đầu phim, cô đã có một khung hình đáng nhớ khi Amy quay đầu lại và nhìn thẳng vào máy quay với ánh mắt đầy bí ẩn mang nhiều tâm sự. Và một đề cử Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là hoàn toàn xứng đáng.

    Ngay lúc này khán giả sẽ vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi: "Tại sao bí mật lớn nhất của phim lại được bật mí sớm đến như vậy (ngay từ hồi 2) ?" Nhưng không, câu chuyện trong Gone Girl không đơn thuần là hành trình đi tìm Cô gái mất tích, không đơn giản là một vụ án, mà cái hay nhất của kịch bản, là những nhân vật sẽ tiếp tục làm gì khi ván bài đã được lật ngửa và họ sẽ làm gì để thay đổi cuộc chơi một lần nữa nhằm hướng đến chủ đề chính của phim khi hồi 3 hạ màn.

    Vì thế, biên kịch một lần nữa đẩy câu chuyện sang một bước ngoặt khác. Amy bị cướp hết tiền, cô phải tìm ai đó để được giúp đỡ và che giấu thân phận của mình. Nút thắt hồi 2 đẩy Amy từ thế thượng phong sang thế bị động. Hồi 3 mang đậm tính giật gân bắt đầu từ đây.


    [​IMG]

    Nick đã nhận ra con người thật của Amy và anh cũng đã biết cách để thuyết phục cô quay trở lại. Amy không phải là một cô gái yếu đuối và bị động trong tình yêu, mà ngược lại, cô muốn mình kiểm soát và biến đổi chồng mình thành người đàn ông mà cô muốn. Và ngay tại thời điểm cô biết được Nick mong muốn thay đổi bản thân, cô đã đưa ra một quyết định táo bạo, thông minh và tàn độc. Cô lạnh lùng cắt đứt động mạch của nhân tình ngay trên giường ngủ để cô có thể đường hoàng xuất hiện trở lại và hoàn toàn thuyết phục. Cô từ kẻ sát nhân lại trở thành nạn nhân. Tất cả khán giả gần như bàng hoàng.

    Hồi 3 kết thúc với một cách giải quyết không thể hợp lí hơn. Nick không bị buộc tội giết người. Amy thì trở về bên anh trong ngôi nhà cũ. Tuy nhiên, cả hai đều cảm thấy ngộp ngạt và sợ hãi trong chính ngôi nhà của mình. Dường như họ không có lối thoát. Họ bị buộc chặt vào nhau trong cuộc hôn nhân gượng ép và bức bách.

    Một hồi 3 đầy ám ảnh khiến tất cả khán giả đặt ra một câu hỏi lớn: Vậy sau mọi chuyện, Nick hay Amy, ai mới là người có lỗi?

    Với Nick, Amy là một cô gái trong mơ.

    Với Amy, Nick là một chàng trai trong mơ.

    Nhưng tiếc rằng, trong lúc yêu nhau, họ đều chỉ bộc lộ ra bên ngoài những điểm tốt để lấy điểm trong mắt đối phương.

    Nhưng tiếc rằng, sau những khó khăn kể từ khi sống chung với nhau, họ mới muộn màng nhận ra, hai người hoàn toàn không hiểu nhau.

    Nhưng tiếc rằng,


    NICK

    Tôi đã từng yêu cô.

    Rồi tất cả những gì giữa hai ta

    Là sự không bằng lòng về nhau

    Và cố để kiểm soát nhau

    Và khiến cho đối phương tổn thương.

    Nhưng tiếc rằng,

    AMY

    Hôn nhân là vậy đấy.

    Một bình luận của Hùng Nguyễn

    Bật mí nhẹ :D Sau La La LandA Quiet Place, Gone Girl là phim thứ ba trong bốn phim điện ảnh mình yêu thích nhất tính đến thời điểm hiện tại. Các bạn hãy chờ đón bài review phim cuối cùng nha.

    Tái bút :D Sau những phút giây hồi hộp đi tìm Cô gái mất tích, trong bài review tiếp theo, chúng ta hãy cùng thả hồn mình và cùng nhau đi xuyên qua những


     
    nntc6761, Uất Phong, LoBe10 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng sáu 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Chuông Gió Chuông gió cute nhất hệ thiên hà!

    Bài viết:
    279
    Mình xem phim này khá lâu rồi và hoàn toàn ấn tượng với nhân vật vợ trong phim luôn, cả bộ phim toàn là plot twist phải nói là cực kỳ cuốn hút.
     
    Hung93 thích bài này.
  4. Hung93

    Bài viết:
    39
    Mình cũng thấy vậy! Amy là một trong những nhân vật nữ chính ấn tượng nhất, sáng tạo nhất trong các phim điện ảnh.
     
  5. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Gone Girl là một phim có nội dung logic, chặc chẽ khiến khán giả càng xem càng bị cuốn vào mạch phim. Đạo diễn David Fincher rất tinh tế trong việc đan xen các tình tiết hiện tại, quá khứ và những suy tưởng của các nhân vật nhằm tạo ra mâu thuẫn, nút thắt kịch tính. Đến cuối cùng khiến ai cũng phải bất ngờ khi sự thật dần được sáng tỏ. Đây là một phim hay và độc đáo. Phim mang đến khán giả những trải nghiệm tìm hiểu về tâm lý phụ nữ mới mẻ. Cảm ơn bài về bài review rất có tâm ạ.
     
    Hung93 thích bài này.
  6. Hung93

    Bài viết:
    39
    Cảm ơn bạn đã cho cảm nhận về phim và đã ủng hộ bài review của mình :)
     
    Nguyễn Thị Linh thích bài này.
  7. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Không có gì ạ. Chúc bạn có nhiều bài viết chất lượng như vậy nữa nhé. Có thời gian bạn qua góp ý cho bài của mình nhé.
     
    Hung93 thích bài này.
  8. imaphatduc

    Bài viết:
    5
    Mình đã xem phim này trong một lần.. hơi hơi buồn. Vì vậy, cảm giác khi xem phim có gì đó thật ma mị, một trí tuệ bác học của người vợ khiến cái buồn dường như tan biến đi. Phim khá hay, chặt chẽ với mùi vị bí ẩn, rất nhiều cú twist khiến mình như muốn bật ra khỏi ghế. "Women's strength!"
     
    Hung93 thích bài này.
  9. Hung93

    Bài viết:
    39
    Phim cuốn hút đến khó tin :D Cảm ơn bạn đã chia sẻ cảm nhận về phim nha :)
     
    imaphatduc thích bài này.
  10. Uất Phong

    Bài viết:
    196
    Chào bạn ^^! Phong đã đọc khá nhiều bài review của bạn rồi nhưng vẫn chưa có cơ hội nêu lên những cảm nhận của mình. Hôm nay, rảnh rỗi lang thang trong diễn đàn một chút lại tình cờ thấy bài review này của bạn nên mình quyết định sau bao ngày ủng hộ trong thầm lặng thì chính thức để lại "dấu vết" ở đây.

    Điều mình muốn nói trước tiên, "ngay và luôn" chính là phong cách review của bạn. Phong nghĩ bạn là một người viết review rất tốt. Tất cả các bài review của bạn đều rất chất lượng và tâm huyết, mang đến cho người đọc cảm giác chân thật và thật sự bị cuốn vào bài review. Bạn sử dụng ngon từ tốt, linh hoạt nên có thể trình bày gãy gọn các vấn đề mà không bị lan man như văn kể hay lủng củng như văn nói. Mình nghĩ đây là một điểm cộng rất lớn của bạn.

    Bên cạnh đó, điều Phong ấn tượng nhất khi đọc các bài review của bạn chính là cấu trúc của bài review. Mỗi bài review của bạn đều có cấu trúc khoa học, chia thành các phần, các ý cụ thể giúp độc giả dễ tiếp cận và dễ hiểu. Phong nghĩ trước khi review bạn đã "vạch" ra một "sườn" bài khá chi tiết thì mạch bài viết mới có thể mạch lạc và logic được như vậy (không biết nói có đúng không nữa, đến chỗ này thì hơi "bí" từ ^^). Vì Phong vốn là người thích sự logic và rõ ràng một chút nên các bài review của bạn hoàn toàn đánh trúng sở thích và gây ấn tượng với mình. Vì ấn tượng với cách review của bạn nên lan man quá ^^.

    Về riêng phim này thì mình chưa xem mà mới chỉ đọc truyện. Mình rất thích thể loại tâm lý hình sự và Gone girl chính là một trong những quyển truyện viết về thể loại này mà mình yêu thích nhất. Mình có thiên hướng thích đọc truyện hơn một chút và cũng hơi "ái ngại" sợ những bộ truyện mình thích khi lên phim ảnh sẽ bị chuyển thể và "biến chất" nên thường không tìm hiểu thêm và cũng không quan tâm lắm về các bản chuyển thể thành phim của chúng. Tuy nhiên, sau khi đọc xong bài review này của bạn, mình nghĩ mình sẽ từ bỏ ý định đó trong trường hợp này ^^. Bài review của bạn khiến mình một lần nữa bị cuốn vào mạch chuyện của Gone girl và vô cùng tò mò về bản chuyển thể thành phim này của nó. Mình nghĩ mình nhất định phải tìm xem nó, bỏ qua những "định kiến" nho nhỏ trong đầu về phim chuyển thể mà tận hưởng và chìm đắm vào câu chuyện cũng như diễn xuất của các diễn viên.

    Nói tóm lại, bài review của bạn rất tốt và đã thành công thu hút mình. Mong bạn tiếp tục phát huy sở trường và tiếp tục có những bài review xuất sắc trong tương lai.

    Thân! ^^
     
    Hung93 thích bài này.
  11. Hung93

    Bài viết:
    39
    Mình thật sự trân trọng những tình cảm bạn dành cho bài review của mình. Cảm ơn rất nhiều :)

    Nhân tiện mình cũng muốn chia sẻ một chút về cách mình viết 1 bài review phim.


    Thứ nhất, mình có một nguyên tắc khá đơn giản "Mỗi bài viết là một tác phẩm" và tác phẩm đó không ngoài mục đích nào khác là dành tặng cho người đọc. Và tác phẩm đó phải có sự "hấp dẫn và độc đáo" để người đọc không cảm thấy rập khuôn và nhàm chán.

    Thứ hai, đúng như bạn nói, tất cả bài review của mình đều có một cấu trúc chung (hihihi ^^) và chắc có lẽ bạn cũng dễ dàng nhận ra cấu trúc đó rồi. Tuy nhiên, cấu trúc chỉ là hình thức bên ngoài. Còn nội dung mỗi bài và cách phân bổ các chi tiết bên trong thì khác nhau một trời một vực. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy hai bài review bất kì nào của mình có cách đi vào phim giống nhau: D. "Mỗi bài viết là một tác phẩm duy nhất", đó là nguyên tắc thứ hai. Vì rất đơn giản, mình "xoay" một bộ phim như một khối rubik và chỉ lấy ra một hoặc hai mặt phù hợp và ngẫu hứng để bình luận. (lúc thì là kịch bản, lúc thì là nhân vật, lúc thì là câu chuyện, lúc thì là âm nhạc trong phim và lúc thì chỉ toàn là cảm xúc cá nhân)

    Thứ ba, "Mỗi bài viết là một tác phẩm duy nhất và đáng nhớ". Trước khi viết một bài bình luận, mình đều xem lại phim, mặc dù đôi lúc đã xem phim đó rất nhiều lần đến thuộc cả lời thoại. (kỉ lục là với La La Land, tổng cộng 6 lần >. <). Vì vậy, mình tin chắc sẽ để lại một ấn tượng gì đó trong lòng độc giả sau khi đọc trọn vẹn một bài review phim của mình.

    Còn về Gone Girl, với lời khuyên chân thành, bạn nên xem một lần, vì không có quá nhiều phim chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết thành công như vậy. Và đặc biệt là diễn xuất tuyệt vời của Rosamund Pike gây cuốn hút từ đầu đến cuối. Cơ mà nếu sau khi xem xong bạn không thích phim thì cũng.. không sao: D, vì cảm nhận của mỗi người cũng là "Một tác phẩm" mà phải không :)

    Chúc bạn nhiều thành công trong những "tác phẩm" của riêng mình.

    Đừng dừng lại!
     
    Uất Phong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng sáu 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...