Review Phim Cánh Đồng Bất Tận (2010) - Nguyễn Phan Quang Bình - Những Mảnh Đời Lênh Đênh

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hung93, 15 Tháng sáu 2020.

  1. Hung93

    Bài viết:
    39
    Ở một nơi xa xôi nào đó, trong một không gian tĩnh lặng đến lạ thường, trong một khung cảnh vừa quen thuộc vừa lạ lẫm..

    Vẫn những con sông ấy

    Vẫn những chiếc thuyền ấy

    Vẫn những túp lều ấy

    Vẫn những cánh đồng ấy

    * * *

    Và những mảnh đời ấy

    Không rõ từ bao giờ

    Họ đã tìm thấy nhau

    Cánh đồng bất tận, một bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, kịch bản dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được khởi chiếu năm 2010 đã tạo nên một cơn sốt lớn tại các phòng vé trên toàn quốc. Phim đã nhận được giải Cánh diều bạc cho phim truyện nhựa tại lễ trao giải Cánh diều lần thứ 9 của Hội điện ảnh Việt Nam.

    Phim kể về cuộc sống lênh đênh sông nước của ba cha con ông Út Võ (Dustin Nguyễn), Nương (Ninh Dương Lan Ngọc) và Điền (Võ Thanh Hòa) trên một con thuyền trôi dạt vô định ngày này qua tháng khác. Và rồi một ngày, số phận đưa đẩy họ gặp Sương (Đỗ Thị Hải Yến) - một cô gái điếm đang bị đuổi đánh vì đi quyến rũ chồng người khác.

    Cuộc đời họ rồi sẽ đi đến đâu. Con thuyền ấy sẽ đưa họ về đâu.

    Nếu như chưa xem phim, các bạn hãy tắt ngay review này và bắt đầu đắm chìm vào khung cảnh êm đềm của vùng sông nước Nam Bộ.

    [​IMG]

    Xuyên suốt từ đầu đến cuối, đạo diễn cố ý kéo dài nhịp phim có phần lê thê cùng bầu không khí nặng nề bao trùm như đúng với cái tên của phim và tâm trạng của các nhân vật. Vì thế phim sẽ không thích hợp với những khán giả yêu thích những phim có nhịp độ nhanh và có nhiều cao trào. Tuy nhiên, những ai đã yêu thích thể loại nặng về tâm lý sẽ không thể bỏ qua Cánh đồng bất tận. Một tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam.

    Cánh đồng bất tận hút hồn khán giả ngay từ những thước phim đầu tiên nhờ những hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng của vùng đồng bằng sông nước được quay tại ba tỉnh miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An) dưới tay máy của nhà quay phim Nguyễn Tranh. Ngay cả trên poster, hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng ươm mênh mông bát ngát cũng đủ gợi lên những hình ảnh đẹp cuốn hút sẽ xuất hiện trong phim.

    Nhưng ẩn sau khung cảnh đẹp như tranh ấy, cái thứ cuốn hút và gây ám ảnh nhất cho khán giả chính là số phận những nhân vật trong phim và những khoảnh khắc tinh tế để bộc lộ nên tính cách từng nhân vật.

    [​IMG]

    Đó là ông Út Võ, người đàn ông đặc sệt Nam bộ, cộc cằn, thô lỗ và ít nói. Ông gần như không muốn giao tiếp với những đứa con trong gia đình kể từ ngày vợ ông (Tăng Thanh Hà) phản bội ông và bỏ đi không một lời chào. Ngày xưa, ông đã từng rất yêu thương gia đình này, ông đã từng hi sinh tất cả để có được một mái ấm hạnh phúc. Nhưng giờ đây đối với ông, cuộc đời chỉ còn là chiếc thuyền, là sông nước, là đàn vịt, là chiếc radio cũ kĩ. Nhưng bỗng dưng một ngày nọ, cuộc sống vô vị nhàm chán của ông đã bị thay đổi vì sự xuất hiện của một người đàn bà trên con thuyền này. Đó là Sương. Đã lâu lắm rồi, ông thèm muốn sự chăm sóc từ một người vợ, thèm muốn một bàn tay mềm mại đan cài bên dưới bàn tay thô ráp của ông, thèm muốn hơi ấm nồng nàn từ một người đàn bà bên cạnh mình. Bản năng của một người đàn ông, một người chồng, một người cha bên trong ông lại trỗi dậy. Trong một khoảnh khắc tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của Sương và Nương, ông bất chợt nhận ra, đứa con gái đang tuổi trưởng thành của ông cần một người mẹ biết nhường nào. Nhưng Sương không thể thay thế hình bóng vợ ông, mãi mãi không. Ông vẫn còn nhớ vợ mình da diết.

    Dustin Nguyễn đã có một vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp của mình. Anh hóa thân trọn vẹn vào hình tượng một người đàn ông Nam bộ cứng rắn, khó ưa bên ngoài nhưng bên trong lại rất tình cảm và chất chứa nhiều nỗi niềm sâu thẳm không biết bày tỏ cùng ai.

    [​IMG]

    Đó là Nương, cô gái thôn quê nhỏ nhắn, hiền lành, thật thà. Kể từ ngày mẹ cô bỏ đi, cô phải theo chân người cha cay độc lênh đênh trên những con sông dài vô tận. Có những lúc cô vẫn không hiểu vì sao cha cô lại đối xử tệ với cô đến như vậy. "Hai mà để tóc dài, ăn bận đẹp là ăn đòn liền", Điền nói. Có những lúc cô lại hiểu rất rõ cha mình, hiểu rõ ông đang muốn gì chỉ qua những tiếng gầm gừ hay tiếng tằng hắng của ông. Có những lúc trong một đêm thanh vắng cô bất chợt nhớ mẹ cồn cào, chỉ muốn bật khóc thành tiếng dưới những cơn mưa trái mùa rả rích vì nỗi trống vắng tình thương của mẹ. Có những lúc cô lại tò mò với chính cơ thể đang trưởng thành của mình và lúng túng không biết chia sẻ với ai những điều con gái thầm kín. Những lúc đó, Sương lại xuất hiện như một người mẹ, một người chị gần gũi đến lạ thường. Có những lúc cô lại trở về với đúng lứa tuổi của mình, một cô bé hồn nhiên, ngây thơ với nhiều mộng mơ. Đó là lúc cô tự ngắm hình ảnh chính mình dưới mặt nước rồi lại thích thú khẽ đưa chân làm lay động làn nước. Nhưng sau tất cả, cô vẫn luôn cảm thấy thiếu vắng một ai đó thật sư thân thương ở bên cạnh để có thể giãi bày mọi tâm sự, mặc dù em trai cô là người thân thiết nhất với cô.

    Ninh Dương Lan Ngọc đã có một vai diễn xuất sắc trong phim điện ảnh đầu tay của mình. Tất cả những sắc thái cảm xúc kể trên và những suy nghĩ nội tâm phức tạp đều được cô thể hiện trọn vẹn và gửi gắm trực tiếp vào tim của mọi khán giả. Cô hoàn toàn xứng đáng với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho phim truyện nhựa tại lễ trao giải Cánh diều năm 2010.

    [​IMG]

    Đó là Điền, cậu con trai của vùng sông nước với những kĩ năng thuần thục như chèo ghe bói cá hay lùa vịt chạy đồng. Tương tự như người chị hai, Điền lớn lên thiếu vắng tình yêu thương, sự chăm sóc của người mẹ; thiếu vắng sự chia sẻ, đồng cảm của một người cha nên trong Điền luôn nảy sinh những suy nghĩ phức tạp, bồng bột, thiếu kiểm soát của tuổi mới lớn. Có đôi khi, chính tâm sinh lý bất ổn của mình đã khiến Điền luôn có cảm giác tò mò muốn được tìm hiểu về cơ thể của người khác phái. Những lúc như vậy, Điền lại lén nhìn trộm Sương. Nhưng trên hết, nhờ trái tim nhân hậu, tấm lòng bao dung, cậu lại luôn ra sức bảo vệ cho Sương chống lại sự ức hiếp của những kẻ khác.

    Võ Thanh Hòa đã có một vai diễn thành công khi đảm nhận một nhân vật tương đối khó vì có một tâm lý phức tạp và hành xử không ổn định.

    [​IMG]

    Đó là Sương, một cô gái điếm ăn nói thẳng thắn, bộc trực, đôi lúc xỗ xàng nhưng luôn yêu mến cái đẹp. Hình ảnh cô nâng niu ngắm nghía quả trứng vịt đã nói lên điều đó. Đây là nhân vật bước ngoặt, thay đổi số phận của tất cả các nhân vật trong phim và cũng là nhân vật theo mình là ấn tượng nhất. Cuộc đời cô cũng trôi dạt vô vị, mỏng manh dễ vỡ như chính cái tên của mình, như một giọt sương mai bay theo làn gió. Trái ngược với cá tính bên ngoài, có đôi lúc, bản tính đàn bà bên trong cô lại trỗi dậy, cô cũng thèm muốn cảm giác ấm áp, yêu thương nhau trong một gia đình nhỏ; cảm giác được chăm sóc, quan tâm những đứa con như một người mẹ và cảm giác được che chở bởi một bờ vai vững chắc như một người vợ. Nhưng thật tiếc cho cô, cảm giác đó lại không thể kéo dài được lâu, buộc cô phải ra đi với nỗi đau xót, nỗi ấm ức bộc phát thành lời: "Chị không thể ở đây được nữa. Mẹ cưng ác một, ba cưng ác mười. Ác vậy làm sao mà sống?" Một câu hỏi đau đớn đâm xuyên qua trái tim sắt đá của ông Út Võ. Ninh Dương Lan Ngọc, Dustin Nguyễn và đặc biệt là Đỗ Thị Hải Yến đã có một phân cảnh cao trào thật sự ấn tượng.

    Riêng Hải Yến, cô đã có một vai diễn không thể tuyệt vời hơn với khả năng nhập vai tự nhiên đáng kinh ngạc gồm nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau của một cô gái điếm bất cần nhưng nội tâm phức tạp ẩn chứa nhiều nỗi đau giằng xé cả bên ngoài lẫn bên trong.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, ngay sau sự ra đi của Sương, phim lại rơi vào sự loạng choạng và tăng nhịp độ nhanh đến khó hiểu, với sự thức tỉnh nhanh đến chóng mặt của ông Út Võ (hoàn toàn không phù hợp với cảnh phim ngay trước đó) và sự ra đi bất ngờ của Điền. Đạo diễn có vẻ như hơi mất phương hướng trong khâu dựng phim sau một cú nổ về mặt cảm xúc từ phân cảnh Sương bỏ ra đi.

    Cho đến khi nút thắt cuối cùng của phim xảy ra và mạch phim được nạp lại năng lượng khi ông Út Võ chứng kiến cảnh con gái mình bị làm nhục ngay trước mặt mà không thể làm gì. Nỗi đau dồn nén bấy lâu nay của ông đã lên đến đỉnh điểm và bộc phát ra bên ngoài thể hiện qua tiếng gào thét vô vọng cùng cực giữa không gian mênh mông của đồng ruộng sông nước. Ông vừa đau vừa hận chính cuộc đời của mình đã đẩy ông vượt khỏi giới hạn chịu đựng. Một phân cảnh cao trào, bùng nổ và ám ảnh, chắc chắn đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả.

    Nối tiếp phân cảnh này là những hình ảnh cuối cùng của phim hiện lên, đó là khi Nương đứng một mình giữa cánh đồng bất tận với đứa con trong bụng mà cô đã kịp đặt tên


    Thương

    Cô thương cho chính cuộc đời lênh đênh của mình và những gì mà gia đình cô đã trải qua. Và cô sẽ không để nó lặp lại với cuộc đời sau này của con mình.

    Và chắc chắn cô sẽ nuôi nấng nó trong tình yêu thương vô bờ, thứ mà cô đáng lý phải được nhận từ khi còn là một đứa trẻ con.


    Một bình luận của Hùng Nguyễn

    Bật mí :D Phim trường chính của Cánh đồng bất tận nằm trong trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu, thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, giáp biên giới Campuchia. Đây cũng là địa điểm ngày trước đã quay bộ phim nổi tiếng "Cánh đồng hoang". (Theo báo Danviet.vn)

    Tái bút :D Tạm chia tay với điện ảnh Việt Nam, trong bài review tiếp theo, chúng ta sẽ gặp gỡ một trong những hình tượng nữ anh hùng giả tưởng tiêu biểu nhất trên màn ảnh và cùng tham gia vào


     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng sáu 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,596
    Những bài review phim của anh thật sự rất ấn tượng. Chắc hẳn anh là một con dân movieaholics chính hiệu^^ những phim anh review thú thật là em chưa xem cái nào cả (vì em ít xem phim lắm). Nếu có dịp em sẽ coi những bộ anh review.
     
    Hung93 thích bài này.
  4. Hung93

    Bài viết:
    39
    Cảm ơn em đã ủng hộ bài review phim nha. Nếu có thời gian rảnh, em nên xem tất cả những phim anh đã review, toàn phim hay không đó :D (đặc biệt là phim Mỹ và phim Việt Nam), mà cũng tùy em thích xem thể loại nào nữa (anh review tất cả thể loại: D)

    Cơ mà chưa xem phim đừng đọc bài review, không thì lộ hết nội dung kịch bản >. <
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  5. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Bài review của bạn rất hay. Mình cũng rất ấn tượng với bộ phim này. Mỗi mảnh đời trong phim là một mối ám ảnh cho người xem. Nội dung phim xúc động kết hợp với những cảnh quay vừa đẹp vừa man mác buồn. Mình chỉ hơi tiếc ở đoạn Nương bị cưỡng hiếp, trong nguyên tác truyện, người cô gọi tên là Điền. Chính nhờ tiếng gọi ấy mà người cha đã tỉnh ngộ, đã đau đớn nhận ra trong suốt từng đó năm, ông chưa bao giờ là người bảo vệ con gái mình, là người để con gái mình tin tưởng. Thế nhưng trong phim, Nương vẫn gọi ông Võ, bỏ mất chi tiết đắt giá trong truyện.
     
    Hung93 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...